13 November 2016

Giáo viên phục vụ cấp trên là "Nhiệm vụ chính trị"

Ông Nguyễn Văn Hổ - Chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh.
Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Những tưởng câu chuyện các cô giáo ở Hà Tĩnh bị bắt buộc phục vụ cấp trên ăn nhậu sẽ khép lại bằng việc kiểm điểm của lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh. Nhưng không, câu chuyện lại mở ra theo một hướng khác.

Ông chủ tịch UBND thị xã bảo, đó là nhiệm vụ chính trị, là vinh dự được tiếp xúc với cấp trên, và nếu còn những sự kiện như thế nữa, UBND thị xã sẽ vẫn điều động các giáo viên đi tiếp khách.

Tôi nhớ lại một bộ phim mà tôi xem cách đây hơn 30 năm, nói về một nhóm phát xít Đức truy lùng một nhà khoa học trốn sang Mỹ bằng cách vượt qua dãy Alpe. Trong phim có đoạn mô tả cảnh, tên trưởng đoàn, là một sĩ quan SS, chỉ mặc mỗi cái quần lót có in hình dấu thập ngoặc, vừa lột đồ của một cô gái, vừa nói: “Hãy tự hào vì được ngủ với một sĩ quan SS”. Vinh dự thật.

Hồi đó, tôi rất quí sếp. Khi sếp đi học xa, thỉnh thoảng tôi ghé nhà, chở con sếp đi chơi. Lúc đó tôi chưa có gia đình, cũng còn khá rảnh rang. Sau này, khi sếp lên chức, có những người đưa vợ con đến, thường trực ở nhà sếp, nấu ăn, lau dọn, quét nhà, chăm lo cho các con sếp.

Mỗi lần gặp tôi trong không khí thân mật, sếp lại bảo, lúc nào đưa vợ con đến chơi nhé. Tôi không nghĩ sếp có ý định đánh đồng tôi với những anh chàng kia, nhưng tôi không chắc vợ con tôi sẽ tha thứ cho tôi nếu tôi đưa họ đến đó, và họ biết về việc làm của vợ con những người kia.

Như tôi đã nói, tôi đã được dự những bữa tiệc mà người phục vụ ở đó là các cán bộ lãnh đạo cấp thấp hơn chủ tiệc. Tôi không biết những người phục vụ ở những bàn nhậu mà tôi tham dự có cảm thấy vinh dự hay không. Nhưng có lẽ đúng như ông chủ tịch UBND thị xã Hồng lĩnh nói, họ cảm thấy vinh dự. Vì họ đâu có nhiều cơ hội làm vui lòng cấp trên, đâu có nhiều cơ hội để cấp trên biết mình là ai.

Có lẽ ông Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh thường được các cán bộ dưới quyền phục vụ như vậy. Và bản thân ông chắc cũng thường phục vụ các quan chức cấp trên như vậy. Nên ông mới nghĩ rằng ai cũng cảm thấy vinh dự khi được phục vụ, bưng bê cho cấp trên, ai cũng mong tìm được cơ hội phục vụ cấp trên như ông.

Ông nhầm rồi. Trừ những người tiếp khách chuyên nghiệp, đại đa số người dân, đại đa số các thầy cô giáo, đều cảm thấy việc mình bị bắt buộc đi tiếp khách, phục vụ cấp trên ăn nhậu, hát hò là việc nhục nhã. Đa số họ không vô liêm sỉ đến mức coi việc bị bắt buộc phải phục vụ những kẻ không phải người nhà mình ăn nhậu, hát hò, để cho họ chọc ghẹo, sàm sỡ là vinh dự.

Chỉ có những kẻ tìm mọi cách, bất chấp liêm sỉ, bất chấp đạo lí, để ngoi lên trong cái thế giới nhơ nhớp mua quan bán chức, của cái đám kiên quyết đi lên bằng mọi thủ đoạn hèn hạ, mới cảm thấy điều đó là vinh dự, tự hào. Các ông cố ý mập mờ giữa việc phục vụ các ông ăn nhậu, hát hò với nhiệm vụ chính trị.

Việc các cô giáo đi phục vụ người khác ăng nhậu sẽ chỉ được coi là bình thường khi họ tự nguyện làm việc đó, để cải thiện thu nhập, để có tiền nuôi con, nuôi cha mẹ, để không phải bắt ép học sinh học thêm, không phải bắt cha mẹ học sinh nộp tiền. Khi đó, nhiệm vụ chính trị là các ông phải làm sao cho họ sống được bằng chính nghề nghiệp của họ, không cần phải tự biến mình thành những “chị Dậu” thời XHCN.

Còn khi các ông bắt các cô giáo phục vụ các ông ăn nhậu, hát hò, là các ông đang nhầm lẫn chức năng của giáo viên với tiếp viên nhà hàng, tiếp viên karaoke. Sự nhầm lẫn mà chỉ có những kẻ có đầu óc ngu muội hoặc bệnh hoạn mới có thể nhầm được. Cho rằng phục vụ cấp trên ăn nhậu là nhiệm vụ chính trị, có lẽ là sự ngụy biện trơ trẽn nhất mà tôi được biết từ đó tới giờ.

Thử hỏi ông và cả cái đảng cộng sản Việt nam này, xem ở đâu nói rằng việc phục vụ các ông ăn nhậu, hát hò là nhiệm vụ chính trị? Không lẽ ở cái đất nước này thực sự có loại nhiệm vụ chính trị như vậy hay sao?

Võ Xuân Sơn

No comments:

Post a Comment