28 May 2019

Từng có một nơi hoàn cảnh không thể làm hỏng con người

Vương Trí Nhàn
Theo FB Vương Trí Nhàn

Mặc dù chê trách tôi về mặt lập luận, nhưng sau bài tôi viết lần trước ngày 23/5/2019, không ít bạn đã đồng tình với tôi về việc con người Việt Nam hôm nay đang bị làm hỏng một cách toàn diện. Chúng ta chẳng bao giờ nên bi quan một cách tuyệt đối, song sự làm lại con người hiện nay thì quả thật là khó, lý do là vì như chúng ta đều biết, mặc dù chưa từng được tổng kết nhưng hoàn cảnh lúc ấy nhất là cuộc chiến tranh 1945 – 1975 thật quá đặc biệt nó khốc liệt vượt qua sức tưởng tượng và khả năng chịu đựng của con người.

Chỉ cần nói thêm là tôi đã nói điều này chủ yếu dựa trên kinh nghiệm quan sát những con người miền bắc từng được sống được giáo dục như tôi và trải qua chiến tranh theo kiểu chúng tôi, trong khi đó thì nếu nhìn cả thực tế nước Việt Nam sẽ thấy còn có những con người được giáo dục theo kiểu khác có những niềm tin khác bị những quy luật khác chi phối và nay nhiều người vẫn đứng vững trước mọi biến động để làm ăn sinh sống rất tử tế. Xét trên đại thể, trong tình thế ngổn ngang của cả nước hôm nay những người còn được cái căn bản của con người ấy mới chính là cái tương lai là niềm hi vọng của cả xã hội.

Có một sự việc xảy ra mấy ngày hôm nay, nó làm tôi thấy thêm cụ thể về cái kết luận trên.

Ngày 22/5 và mấy ngày sau trên mạng dày đặc những bài viết về cái chết của nhà thơ Tô Thùy Yên (1938 – 2019). Con người đã từng tham gia nhóm Sáng tạo bên cạnh Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, con người từng có mặt trong các trại tù cải tạo tổng cộng 13 năm và đã từ biệt cõi đời trên đất Mỹ xa xôi, con người đó có dịp hiện ra trước cả những người còn biết rất ít về ông như bản thân tôi một chân dung với niềm tin sâu sắc, bộc lộ ở những nét tình cảm như ủ kín mà vẫn tuôn trào, trong những dòng thơ miên man, đôi khi khúc mắc nhưng thật ra là từng dòng đều chắt lọc, nói lên cái khắc khoải cuối cùng của cuộc đời ông, đó là bài thơ “Ta về” mà rất nhiều người thú nhận rằng đã đọc lên là không thể bỏ xuống được.

Trước tiên cái đáng ghi nhận nhất của bài thơ “Ta về” là nó cho ta thấy cái cao thượng của những con người bị rơi vào hoàn cảnh bên thua cuộc và sau đó là tù đày cực khổ mà vẫn giữ được lòng mình trầm tĩnh, nhìn ngẫm về cuộc đời trong đó có đủ cả sự trân trọng những gì tưởng như đơn sơ nhưng gần gũi nhất của ngày hôm qua, lẫn sự tha thiết sống tiếp cuộc sống hôm nay và muốn lây truyền đạt những điều tốt đẹp ấy cho các thế hệ sau. Ở đây con người trong cảnh khốn cùng tuyệt đối không thấy bộc lộ ra một chút nào gọi là oán thù căm giận trách móc. Thay vào đó là sự tin yêu trầm lắng mà lại dai dẳng đầy sức ám ảnh. Cái sức mạnh tinh thần của con người ở đây tưởng như muốn ghìm xuống ẩn giấu mà vẫn ngời ngời, khiến cho cái hoàn cảnh tưởng rất bi đát lại vẫn hiện lên với đủ vẻ tươi tắn và đầy hy vọng.

Con người tưởng như đã đi hết mọi nỗi cực khổ và đau đớn của đời sống hóa ra vẫn còn lại với tâm thế bình tĩnh nghĩ lại về cuộc đời đã qua và muốn truyền lại những thể nghiệm sống của mình cho những người khác.

Trong những năm chiến tranh, nhiều người ở miền bắc chúng tôi thường tự nhủ rằng mình đã đi đến tận cùng của sự đau khổ và tự hào là những hoàn cảnh khó khăn không làm gì được mình trước sau mình vẫn nguyên vẹn. Hóa ra chúng tôi nhầm. Một cái gì đó rất tốt đẹp đã chết đi trong chúng tôi, bởi sang thời hậu chiến nhiều người tự cho là mình có quyền làm tất cả những điều không được phép làm và coi đó là sự đền đáp đúng hơn là sự vớt vát lại chút hạnh phúc trần thế mà chúng tôi đã bị tước mất. Cái sự bị làm hỏng mà tôi nói trong bài trước gần như được mọi người miền bắc coi là tự nhiên.

Đọc bài thơ của Tô Thùy Yên tôi nhớ lại nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc với con người ở miền nam sau ngày 30/4/1975, tôi nhớ lại những trang văn bài thơ mà tôi đã đọc, những công trình nghiên cứu khoa học xã hội được làm trước 1975 và tôi nhận ra rằng cũng trong sự bao vây của chiến tranh, nhưng con người nơi đó không bị hoàn cảnh làm cho tê cứng về mặt tâm hồn, liều lĩnh về cách sống, bất cẩn về mọi hậu quả gây ra cho mọi người. Tôi hiểu rằng ở xã hội đó, văn hóa vẫn còn, vẫn chi phối người ta trong mọi mặt đời sống. Cái sức mạnh tinh thần của Tô Thùy Yên hôm nay cũng như của bao nhiêu người khác là kết quả của một nền giáo dục nhân bản và giữ vững chuẩn mực. Người ta không những biết sống để thích nghi với hoàn cảnh mà còn biết giữ được cả những gì tốt đẹp nhất được bồi đắp từ nhiều thế hệ và chuẩn bị cho người ta ra tiếp xúc với thế giới.

Qua nhiều tài liệu về các trại tù cải tạo được thiết lập sau 75, tôi biết có một nguyên tắc chi phối các trại tù này là làm cho những người bị giam trong đó mất hết cảm giác và suy nghĩ của một con người bình thường, không còn đớn đau mà cũng không còn hy vọng, tóm lại là chỉ biết sống qua ngày như một thứ súc vật bị làm nhục. Trường hợp con người trong Tô Thùy Yên sau khi ra tù bộc lộ qua bài thơ "Ta về" chứng tỏ mọi ý đồ loại đó đã phá sản; đây không phải trường hợp cá biệt ở một hai người mà phổ biến ở rất nhiều người. Sau khi bị tù đầy trở về họ vẫn giữ được lòng khao khát yêu đời và có đủ khả năng gia nhập vào cuộc sống hiện đại khi ra sống ở hải ngoại. Chính họ là niềm hy vọng của dân tộc chúng ta. Mà điều đó không phải là ngẫu nhiên vì nó đã được chuẩn bị từ trong cuộc sống hai mươi năm 1955-1975.

* * *

Ta Về

Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu

Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa

Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Mười năm người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời

Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ
Mười năm ta vẫn cứ là ta

Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa

Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi

Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên

Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông

Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm

Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi

Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống, đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen

Ta về như nước Tào Khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh

Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta

Tô Thùy Yên 

No comments:

Post a Comment

SƠN TINH & THUỶ TINH, tranh A.C.La

Sơn Tinh và Thủy Tinh (The Mountain Lord vs The Water Lord) Oil on canvas 24x24 inch (61x61 cm) by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh  ** All rights res...