31 May 2019

NGHĨ TỪ MỘT SỰ RA ĐI

Lê Nguyễn là csv QGHC, anh vừa ra mắt tại Saigon cuốn sách về lịch sử Nam kỳ. Xin chuyển đến quý anh chị QGHC  bài viết về cố thi sỹ Tô Thuỳ Yên  anh ấy vừa đáng trên fb hôm nay. (NV Trị)
**

NGHĨ  TỪ MỘT SỰ RA ĐI
     
Ngày thi sĩ Tô Thùy Yên giã từ cõi tạm, không ai bảo ai hết, những tấm lòng còn biết yêu thương cùng cất lên tiếng nói của lương tri, vinh danh một nghệ sĩ sống vì cuộc đời, biết quên đi những ngang trái của riêng mình để thốt lên lời bao dung và tình nhân ái.

Rồi chợt nhớ đến hai câu thơ đầy ấn tượng của một nhà thơ viết giữa những biển dâu đang ập đến đời mình:
Đời vốn không nương người thất thế,
Thì thôi, ô nhục cũng là danh
(Nguyễn Tất Nhiên)
Đó là tiếng kêu bi thương của loài chim bằng gãy cánh trong mùa giông bão, tiếng gầm vang cuối cùng của con mãnh thú giữa rừng xanh trước khi gục xuống ngàn đời. Khi con người đã chấp nhận “lấy ô nhục làm danh” thì cũng là lúc họ không còn gì nữa.
Ta mất hết rồi, có thật không?
Hơn ba mươi tuổi đã long đong,
Vàng tan, đá nát, đời vô định,
Tựa chiếc thuyền ai lạc giữa dòng…
(LN – 6.1975)
Một thế hệ đã qua đi, để lại chút hào quang tuổi trẻ, để rồi lặng lẽ nhìn dòng đời trôi quạnh quẽ bên mình. Một người bạn Facebook đã bất chợt viết về tôi “ …đất nước thống nhất, anh ở lại trên quê mình, chấp nhận thân phận bên thua cuộc, tiếp tục cuộc sống người dân khiêm tốn và chân thành phụng sự đất nước mà anh tin rằng ngày càng khá hơn… Nhưng mà, buồn kia anh giấu được ai đâu, lòng anh ngày càng đau khi thấy các giá trị một thời nay xa vắng“ (HVan Le). Đọc đến đó, tôi giật mình, chỉ là trong buổi sơ giao, sao anh có cái nhìn thấu suốt tâm can của người trong cuộc?  Nếu không từng trải qua những thăng trầm, dâu bể, không thể hiểu được những điều như thế.

Nhưng không phải ai trong cùng một thế hệ, dù đã cùng chia sẻ với nhau những ngang trái cuộc đời, cũng có chung một tâm trạng, một cảm nghĩ, một cái nhìn về cuộc sống. Có những người sống trằn trọc không yên với những hồi ức đớn đau về một quãng đời nghiệt ngã, đã để cho những oán hờn thâm nhiễm vào từng nếp nghĩ, từng bước đi trong cuộc sống. Có những người buông bỏ tất cả, quên hết những vinh nhục đã qua, kết thúc một vòng đời ngay từ thuở trung niên. Với họ, không còn gì nữa, vinh quang cũng như cay đắng ê chề!

Nhưng cũng có những người âm thầm gượng dậy, đứng lên từ đống tro tàn của đời mình, nhìn cuộc sống với cái nhìn bao dung, biết trân trọng từng giá trị còn sót lại của kiếp nhân sinh. Với họ, dù chỉ là một mầm sống lẻ loi, cũng có thể từ đó thắp lên niềm hi vọng của một cuộc đổi đời. Họ sống bằng tình yêu thương gửi đến những phận người bất hạnh rẫy đầy trong xã hội, bằng niềm tin tưởng vào một tương lai, và bằng sự đối mặt với những bất công, bạo ác quanh mình.

Tôi yêu những người như thế.
Ta về như lá rơi về cội,
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay,
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu này!
Những câu thơ tuyệt tác đó đọc đến bao nhiêu lần vẫn không cũ, dù có những lúc nước mắt chực rơi như một hồi ức thương tâm của những kẻ “cùng một lứa bên trời lận đận” (Bạch Cư Dị). Câu cuối cùng như một lời réo gọi của định mệnh, như tiếng kêu thiết tha của một tâm hồn đã bao phen bầm giập, nhưng không mất đi niềm hi vọng về những  điều tốt đẹp vẫn còn ẩn hiện quanh mình!
Cảm ơn hoa đã vì ta nở,
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
(Ta Về - Tô Thùy Yên)
Đúng như có người từng nói: có những cái chết làm nên sự bất tử. Chúng ta không mất hết, vẫn còn niềm yêu thương về cuộc sống, về ý nghĩa của những lẽ công bằng, nhân ái, và trên hết, chúng ta còn có nhau, những người sống với cùng những cảm nghĩ, những niềm tin son sắt trong cuộc đời này.
Chúng ta mất hết, chỉ còn nhau! (Vũ Hoàng Chương)

Lê Nguyễn
26.5.2019

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...