27 May 2019

Cân Bằng Quyền Lực Á Châu Thái Bình Dương

ĐỖ HỮU LONG

Hôị Nghị Trung Ương 3 của đảng CSTQ bỏ lại phía sau tư tưởng Mao Trạch Đông, tiếp tục tiến bước theo đường lối cải cách của Đặng Tiểu Bình. Cùng thời gian, các cơ quan truyền thông Trung Cộng đưa tin các tiềm thủy đỉnh tối tân của họ có thể bắn đầu đạn nguyên tử đến nhiều nơi trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Tầm mức gây rối được nâng lên một bậc qua sự tuyên bố thành lập khu vực nhận dạng phòng không lấn chiếm một phần vào lãnh thổ Nhật Bản và Nam Hàn.

Sau khi tính toán kỹ và chuẩn bị ̣đầy đủ, Trung Cộng tập trung mở mặt trận phiá Nam: lấn chiếm Biển Đông.

Từ nhiều năm qua, Trung Cộng nỗ lực bồi đắp một số bãi san hô thành đảo nhân tạo, tuyên bố chủ quyền, xây dựng những căn cứ quân sự, một mưu đồ chưa có tiền lệ. Bất cứ cơ hội nào Trung Cộng cũng la hét về chủ quyền Biển Đông như là niềm tự hào, là lãnh thổ thiêng liêng của tổ tiên người Hoa Hán, là nguyên tắc bất khả thương nghị. Từ trí thức, học giả đến nhân dân lao động đều gắn bó với chính quyền bằng một quan điểm chung, cho rằng "các quốc gia trong khu vực đã chiếm đóng những đảo, những bãi san hô của Trung Quốc, đã chia cắt vùng biển và trộm cắp tài nguyên hải sản". Chúng biện hộ̣ những hành động gây chiến là hợp pháp. Nhóm lãnh đạo Bắc Kinh luôn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề cốt lõi của Trung Quốc, là không gian sinh tồn của Trung Quốc, nếu Trung Quôc không làm chủ Biển Đông, tính chính thống của tập đoàn cộng sản sẽ không còn nữa.

Biển Đông là con đường huyết mạch hàng đầu của thế giới. Tàu bè giao thông trên Biển Đông sau khi qua khỏi các eo biển Malacca, Sunda, Lombok thường tập trung sử dụng tuyến đường giữa bờ biển Việt Nam và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để lên Băc xuống Nam. Lãnh thổ Việt Nam là một căn cứ yết hầu (chokepoint) vô cùng quan trọng.

Hoa Kỳ - một quốc gia có truyền thống gắn chặt quyền lợi sinh tử với Vùng Tây Thái Bình Dương, đang liên hệ chặt chẽ quân sự với Nhật Bản, Nam Hàn và lại bắt đầu với Việt Nam - lên tiếng đáp trả, bình tĩnh theo dõi và đối phó từ một sách lược đã được hoạch định từ trước.

Tây Thái Bình Dương thường được gọi Á châu Thái Bình Dương, khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới hiện nay, là nơi mà những ám ảnh về tình trạng bất quân bình về quyền lực ngày càng hiện rõ. Chiến lược mới của Mỹ - phần chỉ đạo Ngũ Giác Đài năm 2012 của Tổng Thống Obama - nhắc đến. "Sự lập lại quân bình đối với Á Châu Thái Bình Dương". Kế hoạch của Mỹ đang tiến hành thể hiện rõ nét từ sự giao thiệp với Ấn Độ, Việt  Nam, cởi mở với Miến Điện, đưa 2.500 thuỷ quân lục chiến lập tiền đồn tại Darwin Úc Đại Lợi, phát triển các căn cứ quân sự trên đảo Guam...

1/ Chiến lược căn bản của nước Mỹ duy trì quyền lực trong vùng Châu Á Thái Bình Dương phát khởi kể từ năm 1898 khi mua lại Phi Luật Tân từ tay người Tây Ban Nha với giá hai mươi triệu đô la. Sự an ninh của nước Mỹ tạo nên chính sách Á Châu hầu như không thay đổi từ trước đến nay. Trong thế kỷ qua, kể từ cuộc tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, Hoa Kỳ càng thấy rõ ràng sự an nguy của nước Mỹ không thể ngăn chận từ bờ biển California hoặc Hạ Uy Di mà phải nới rộng xa hơn nữa, chạm vào bờ Tây Thái Bình Dương từ eo biển Bering trải dài xuống phía Nam vượt khỏi xích đạo. An ninh của nước Mỹ tạo nên chính sách Á Châu Thái  Bình Dương. Đây là lý do chính yếu để hiểu rằng tại sao Mỹ tham chiến tại Triều Tiên và Việt Nam, tại sao Mỹ gia nhập Hiệp Ước ANZUS gồm Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và Mỹ, tại sao Mỹ có những thoả ước an ninh với Nhật, Nam Hàn, tại sao Mỹ cam kết bảo vệ Đài Loan.

2/ Mục tiêu của Hoa Kỳ phải đạt đến là cân bằng quyền lực để duy trì sự an ninh và ổn định lâu dài trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong giai đoạn đầu của chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ thi hành sự cân bằng quyền lực bằng cách tạo ra những đồng minh an ninh gồm có Nhật Bản, Nam Hàn và giữ những căn cứ ở Á Châu. Giai đoạn thứ  hai của chiến tranh lạnh mở đầu bằng chính sách ngoại giao bóng bàn, Nixon bắt tay Mao Trạch Đông năm 1972. Đây là một khuôn mẫu củng cố sự cân bằng quyền lực bằng cách sử dụng Trung Cộng có trang bị nguyên tử làm thế đối trọng với sức mạnh của Liên Sô đang đè nặng Âu Châu và dòm ngó Á Châu Thái Bình Dương.

Ngày nay, Hoa Kỳ không muốn một quốc gia duy nhất nào làm bá chủ toàn lục điạ Á Châu hoặc môt khu vực Á Châu. Hoa Kỳ đang gia tăng hiện diện quân sự tại đây, tạo nên những đồng minh mới hoặc đối tác mới và thúc đẩy những quốc gia nầy lại kết thân với nhau là cách thức cân bằng quyền lực tại Á Châu. Trung Cộng thường xuyên cảm thấy ngột ngạt như bị khoá chặt, tìm cách phá vỡ sự cân bằng bằng cách khiêu khích, hăm doạ Nhật Bản, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Việt Nam.

Mỹ cũng dự liệu những phản ứng của Trung Cộng mang tính dân tộc quá khích nên vẫn tìm cơ hội làm vui lòng đối thủ. Mỹ sẵn sàng chia sẽ những quyền lợi quan trọng bao gồm việc trao đôi mậu dịch hào phóng, duy trì hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, giữ sự luân lưu liên tục nguồn dầu hoả từ Vịnh Ba Tư, ôn hoà giải quyết những biến cố trong khu vực . Trong bất cứ vấn đề nào có sự quan tâm hội tụ giữa Trung Cộng và Mỹ, Hoa Thịnh Đốn luôn phối hợp chặt chẽ với Bắc Kinh.

3/ Sự phát triển quyền lực của Trung Cộng hiện nay cũng là cơ hội cho Hoa Kỳ triển khai sức mạnh quân sự trên đấu trường Châu Á, gắn bó với những đồng minh trong khu vực, kết nạp thêm những đối tác chiến lược mới. Thái độ cứng rắn của Trung Cộng càng gia tăng, càng tạo thời cơ cho Hoa Thịnh Đốn nâng cao mạng lưới an ninh Châu Á. Nam Hàn xiết chặt quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. Nhật Bản thu hồi quyết định lấy lại căn cứ thủy quân lục chiến Okinawa. Ấn Độ, Việt Nam, Nam Dương, Phi Luật Tân nhích lại gần nhau hơn và liên lạc trực tiếp với Mỹ. Tuy nhiên yếu tố Trung Cộng có thể được xem là thuận lợi đối với Mỹ chỉ khi nào Mỹ được các đồng minh và đối tác công nhận là một người bảo trợ đáng tin cậy cho sự ổn định và an ninh không phải bằng sức mạnh quân sự mà do ý chí chính trị (political will) của Hoa Thịnh Đốn.

Những người quan tâm đến thời cuộc đều ghi nhận và theo dõi các hành vi của Mỹ từ thái độ im lặng trung lập trong cuộc tranh chấp biên giới Hoa Ấn, lên tiếng thúc đẩy Bắc Kinh và Đông Kinh giải quyết tranh chấp biển Hoa Đông xuyên qua thương nghị đến những thông điệp rõ ràng khi Trung Cộng tuyên bố hầu hết toàn bộ biển Nam Hải là hải phận lịch sử (historical waters). Sự chuyển động quá trớn của Trung Cộng trên biển va chạm mạnh đến quyền lợi của Mỹ trong truyền thống tự do hàng hải. Đây cũng là khe hở để nhìn thấy chiến lược của Trung Cộng muốn ngăn chận hải quân Mỹ giao lưu với các nước trong vùng Đông Nam Á và sẽ lấn tới trong tương lai, chuyển đổi hải quân Trung Cộng từ vị trí phòng thủ hải phận  thành một lực lựơng kiểm soát đại dương. Mưu toan nầy của Trung Cộng sẽ biến Nam Hải trở thảnh một đấu trường quyền lực giữa Mỹ và Trung Cộng ngày càng va chạm mạnh mẽ hơn. 

Hiện nay, Mỹ vẫn tiếp tục biểu diễn những kịch bản cân bằng quyền lực một cách tế nhị giữa Trung Cộng và các quốc gia láng giềng. Mỹ đặt trọng tâm vào những cam kết với Châu Á, bảo đảm với đồng minh và đối tác tìm ra một Nghị Quyết hoà bình về những tranh chấp hàng hải, lãnh thổ, kể cả những tuyên bố đối nghịch chủ quyền các hải đảo, tài nguyên trong lòng biển, ngư trường... Đồng thời Mỹ cũng tìm cách che đậy những quyền lợi quan trọng khác của nước Mỹ để có thể liên hệ đặc biệt với Bắc Kinh, trong đó có sự đối thoại tích cực nhằm mục đích tránh thế đối đầu quân sự.

4/ Những đồng minh và đối tác Châu Á của Mỹ liên tục theo dõi cách thức Mỹ giao thiệp với Bắc Kinh trong các vấn đề Đông Á và Nam Á. Có lúc sự liên hệ hai bên Mỹ - Hoa quá thân thiết làm biến chất sự bang giao với những thế lực khác tại Á Châu có thể đưa đến hậu quả làm suy yếu hệ thống đồng minh/đối tác do Mỹ lãnh đạo. Thí dụ, năm 2009 Ấn Độ nổi giận khi một thông cáo chung ký tại Bắc Kinh, Tổng Thống Obama xác định Trung Cộng giữ một vai trò quan trọng tại Nam Á, xem khu vực nầy như là một căn nhà chung, tổ ấm của Mỹ - Hoa. Đây là một kinh nghiệm đề mỗi đồng minh hoặc đối tác Á Châu hiểu rằng rồi ra sẽ phải tự tạo khả năng quốc phòng đủ mạnh, hơn là dựa dẫm quá mức vào sự bảo trợ của Mỹ.

Một vấn đề khác đè nặng lên tương lai an ninh Á Châu, đó là chính sách của Mỹ đối với Nhật Bản sẽ thay đổi do các biến cố điạ chính trị ở Đông Á. Nhật là một quốc gia dân chủ duy nhất ở Đông Á có thể đối trọng với quyền lực của Trung Cộng đang trỗi dậy trong khu vực. Trong tình huống hiện nay, Trung Cộng mong muốn Nhật Bản vẫn giữ tình trạng lệ thuộc vào Mỹ để được bảo vệ an ninh hơn là một nuớc Nhật tự lực, tự cường. Hệ thống chính trị Nhật Bản sau 1945 do Mỹ tạo lập rất thích hợp giữ nước Nhật như là một quốc gia được Mỹ bảo hộ về quốc phòng. Tuy nhiên khuynh hướng ưu thế hiện nay trong chính sách của Mỹ là khuyến khích Đông Kinh giảm bớt sự phụ thuộc, gia tăng khả năng tự vệ, tiến đến hình thành một chiến lược tương lai của chính nước Nhật, góp phần trực tiếp vào sự quân bình quyền lực ở Á Châu.

5/ Hiện nay và tương lai lâu dài, trải qua những biến đổi trong cơ quan hành pháp, lập pháp rồi ra nước Mỹ cũng phải giảm bớt gánh vác trách nhiệm ở Á Châu để lo liệu những cải cách xã hội của nước Mỹ hoặc bị khuynh đảo bởi những thế lực đòi hỏi thay đồi quan niệm về trọng điểm trong chiến lược toàn cầu! Trong cuộc chiến tranh chống khủng bố dưới thời Tổng Thống George W. Bush, Mỹ đã nhanh chóng tăng cường lực lượng quân sự nhiều nơi trên lục điạ Châu Á từ Nam Hàn, Okinawa đến Bahrain. Ngày nay, Mỹ quan tâm đến thế cân bằng trên biển cả để tiết kiệm tối đa chi phí quốc phòng nhưng vẫn giữ thế thượng phong tại Á Châu Thái Bình Dương.

Hoa Thịnh Đốn đang lôi cuốn Ấn Độ như là đồng minh uyển chuyển (soft alliance), không ràng buộc bởi những điều khoản của các thoả hiệp. Khuôn mẫu nầy được nới rộng ra tạo nên những tiểu liên minh (new sub-alliances), một cơ cấu tham khảo chiến lược ba chiều (trilateral strategic consultations) gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản. Tất cả đều đồng ý duy trì thao dượt hải quân như là một chỉ dấu thân thiện giữa ba cường quốc dân chủ, dựa trên một thoả hiệp thân hữu, không chuyển đổi thành một liên minh quân sự vì nghĩ rằng có thể xảy ra điều bất lợi. Tuy nhiên thoả hiệp cũng có thể xem như là một công cụ chiến lược quan trọng (an important strategic instrument) làm thối chí những tính toán sai lầm do sự ngạo mạn, hiếu chiến của các lãnh tụ Trung Nam Hải. Ba đối tác nầy đang tìm kiếm giải pháp tạo ra một khu vực tự do, trật tự, ổn định, tôn trọng luật pháp trong khu vực. Cùng lúc, Mỹ và các quốc gia dân chủ khác cũng áp dụng sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau để gắn chặt Trung Cộng vào những định chế quốc tế như là phương cách thuần hoá tham vọng bá chủ Á  Châu của Bắc Kinh.

6/ Đối với nhiều quốc gia Á Châu khác không đủ khả năng tự vệ truớc sự bành truớng của Bắc Kinh trong khu vực, Mỹ áp dụng lý thuyết đa phương theo đuổi một chiến lược liên hiệp rộng lớn. Tất cả những tổ chức quốc tế về kinh tế, văn hoá trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương đều có sự hiện diện của Mỹ với những phần đóng góp cụ thể. Tùy theo tình hình, Mỹ linh động áp dụng những hình thức kết thân phù hợp với nhu cầu và sự thuận thảo của mỗi quốc gia trong vùng Đông Nam Á từ Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Mã Lai, Nam Dương, Việt Nam, Thái Lan và gần đây nhất là Miến Điện.

Trung Cộng ngày càng cảnh giác sáng kiến đa phương nầy và lo ngại rằng những quốc gia láng giềng nhỏ bé vây quanh sẽ trở thành một trường thành ngăn chận bước tiến về phương Nam tiến đến thống trị thế giới của Hán tộc. Những tờ báo chính thức của đảng cộng sản Trung Quốc như Hoàn Cầu Thời Báo, Nhân Dân Nhật Báo, thường xuyên lên tiếng rằng Mỹ đang nổ lực tạo lập một băng nhóm lâu la chống lại sự vẹn toàn lãnh thổ của Trung Quốc trong biển Nam Hải, trong đó Việt Nam là một đối tượng trực tiếp đáng kể.

Với đầy đủ vũ khí, tài chính và sách lược đúng đắn, Mỹ vẫn tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo an ninh tại Á Châu Thái Bình Dương. Tuy nhiên sự ổn định trường cửu trong khu vực, ngoài các tiện nghi vật chất còn phải nhắc đến một yếu tố tinh thần làm nền tảng, đó là chữ Tín. Tín lực hay niềm tin của các đồng minh và đối tác trong khu vực đối với sự bảo đảm an ninh của Mỹ mới là điều kiện quyết định sự bền vững, sức mạnh và tầm cỡ của hệ thống an ninh Á Châu Thái Bình Dương.


7/ Riêng đối với Việt Nam, tất cả Tổng Thống Mỹ đều tập trung giải quyết nhiều vấn đề trọng đại mà hai bên đã từng kín đáo thảo luận, trao đổi từ nhiều năm qua.  Vị trí Việt Nam trong chiến luợc toàn cầu của Mỹ đã được cộng sản Việt Nam ngầm hiểu, tích cực khai thác, làm giàu cho đảng viên, nuôi sống đảng cộng sản.
Ngày 6/5/1977, vị đại sứ Mỹ đầu tiên - Douglas Peterson, một sĩ quân không quân oanh tạc Bắc Việt bi bắt làm tù binh hơn sáu năm - khi buớc chân xuống sân bay Nội Bài đã đọc một bài diễn văn, có đọan: "Chinh sách của Hoa Kỳ là trợ giúp cho Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vuợng, đuợc hòa bình yên ổn với các nuớc lân bang của Viet Nam và hội nhập trọn vẹn vào khu vực năng động này của thế giới.

Là một cơ hội vươn lên, Dân Tộc Việt Nam cám ơn nguời Mỹ, nhưng thảo khấu cộng sản vốn bạo ngược, lưu manh, quen nghề trộm cắp, cướp ̣đoạt vận hội của dân tộc, ̣độc chiếm toàn bộ và khai thác triệt để cho riêng đảng cộng sản. Cuộc vận động lịch sử hiện ̣đang diễn ra tại Viet Nam, phải nói rõ ràng về một nước Việt Nam hoà bình, thịnh vuợng trong một chế độ tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền.

Nam Hàn và Nhật Bổn là những mẫu mực cần đuợc sao y cho Việt Nam và những quốc gia trong vùng Đông Nam Á.

ĐỖ HỮU LONG

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...