15 May 2019

Thương chiến Mỹ-Trung: Đừng nghe những gì “chuyên gia” nói, mà hãy nhìn những gì Donald Trump làm!

Phạm Minh

Hôm 10/05, sau khi hết thời hạn hưu chiến 4 tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho tăng mức thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Chưa hết, trước thềm cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 ở Nhựt Bổn vào cuối tháng 6, ông Trump đe dọa sẽ tiếp tục đánh thuế 25% lên “tất cả sản phẩm hiện chưa nằm trong danh sách đánh thuế” với Trung Quốc ở các vòng trước, từ sữa, quần áo trẻ em, đồ chơi, điện thoại, laptop đến nhôm, thép, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 300 tỷ USD. Nếu thực hiện, gần như toàn bộ hàng Trung Quốc nhập cảng Mỹ sẽ phải chịu thuế, và thương chiến Mỹ-Trung sẽ lên một tầm cao mới!

Các “chuyên gia kinh tế”, như thường lệ, cảnh báo thuế quan sẽ ảnh hưởng nặng nề lên đời sống người dân Mỹ, thậm chí có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy trầm. Họ lo lắng cho nước Mỹ nhiều hơn là cho Trung Quốc!

Thực tế thì cũng không có gì lạ. Trước và sau khi thương chiến Mỹ-Trung diễn ra, nếu bạn đọc những bài phân tách của truyền thông cánh tả sẽ thấy toàn một màu xám ảm đạm, cũng như một tương lai đen tối cho nền kinh tế Mỹ. Đó là những bài báo kiểu như “How to lose a trade war” (The New York Times), “We're going to lose this trade war” (The Washington Post), “The US is on track to lose this trade war” (CNBC)... mà nếu không đọc kỹ, độc giả dễ nhầm lẫn mình đang đọc Hoàn cầu Thời báo hay Tân Hoa xã của Trung Quốc. Điểm chung của những bài viết này, hoặc là nhắm mắt phản đối ông Trump như một nghị trình quen thuộc, hoặc chỉ nhìn nhận vấn đề một chiều đầy phiến diện.

Để hiểu chính sách thương mại của ông Trump trong thương chiến này, không chỉ đơn giản là dựa trên lý thuyết kinh tế học sáo rỗng, lý tưởng cánh hữu nửa mùa (phạm trù “knowledge”) mà còn là cách tiếp cận vấn đề dựa trên cảm quan chung (phạm trù “common sense”). Hãy nên bắt đầu với một số dữ kiện cơ bản sau:

1. Thứ nhứt, nếu chỉ nhìn dưới góc độ kinh tế đơn thuần thì thương chiến với Trung Quốc không phải mới bắt đầu mà đã diễn ra hàng thập niên và người Mỹ đang thua thảm hại. Ông Trump chỉ đơn giản là đang đòi lại công bằng cho nước Mỹ. Ông luôn nhấn mạnh, “free trade” phải đi đôi với “fair trade”. Có thế thôi!

Trump từng nói: “Các thị trường mở là lý tưởng, song nếu một gã lúc nào cũng dối trá, thì thị trường tự do ấy là thế nào đây?”, và thêm nữa, “Sự thật đơn giản là: Mậu dịch tự do đòi hỏi phải có các quy tắc công bằng áp dụng cho mọi người. Và nếu ta có một tổng thống buộc người Trung Quốc tuân thủ quy tắc, lợi ích cho nền kinh tế của ta sẽ là khổng lồ.”

Chỉ tính trong năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ so với thế giới là 810 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm tới 375 tỉ USD, EU chiếm 150 tỉ, Mexico là 70 tỉ và Canada là 17 tỉ.

Trump tin chắc rằng Hoa Kỳ không thể tiếp tục đi theo con đường thương mại như vậy, phải thực hành “smart trade” thay vì “stupid trade”, đồng thời chấm dứt làm “piggy-bank” của thế giới.

2. Thứ hai, bạn không thể chỉ nhìn nhận vấn đề dưới góc độ kinh tế mà bỏ qua yếu tố chính trị. Đơn giản, kinh tế và chính trị như hai mặt của một đồng xu, không thể tách rời. Và vượt ngoài khuôn khổ của một trận chiến thương mại, đây còn là một sự đối đầu chính trị để ngăn chặn âm mưu bá quyền thế giới của Trung cộng.

Trong nhiều năm, bằng việc thao túng tiền tệ với việc định giá đồng RMB (nhân dân tệ) thấp hơn mức thị trường, Trung Quốc trợ giá trá hình cho hàng xuất cảng, giúp các nhà sản xuất của họ có lợi thế khi bán hàng sang Mỹ, qua đó cướp hàng triệu việc làm và phá hủy có hệ thống ngành công nghiệp chế tạo Mỹ. Đối với Trump, điều đó đơn giản là không thể chấp nhận được. Không có lý do gì để hi sanh hàng triệu việc làm và tương lai của các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ cho Trung Quốc.

Ngoài nguyên nhân “đem việc làm trở lại quê nhà” thì còn có thêm một lý do quan trọng khác: chặn đứng hành động ăn cắp kỹ nghệ và vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Bởi vì luật Trung Quốc quy định các công ty nước ngoài kinh doanh ở nước này phải hợp tác liên doanh với các công ty bản địa (mà thực chất là doanh nghiệp nhà nước núp bóng), nhà nước Trung Quốc lợi dụng nhu cầu tiếp cận thị trường Trung Quốc để buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, thậm chí dùng cả cơ quan tình báo quốc gia tham gia hoạt động gián điệp thương mại. Thủ đoạn đen tối này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc đánh cắp và sao chép rất nhiều kỹ nghệ quan trọng của nước Mỹ, mà nói như Trump, “đó là hành vi trộm cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới”. Chặn đứng hành vi trộm cắp này sẽ đồng thời dập tắt kế hoạch vĩ cuồng “Made in China 2025” của Tập Cận Bình, với tham vọng đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực trọng yếu như công nghệ bán dẫn, robot và xe điện; dự định trong tương lai có thể cạnh tranh với Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Vấn đề là kế hoạch 2025 này không thể chỉ dựa vào nội lực của Trung Quốc (dĩ nhiên), mà phải nhờ vào những hành vi ăn cắp công nghệ nói trên.

3. Thứ ba, còn là về vấn đề quân sự.

Cứ khoảng 7 năm, nền kinh tế Trung Quốc lại tăng trưởng gấp đôi. Đó là một thành tựu kinh tế khủng khiếp. Với khoản thặng dư thương mại khổng lồ hơn 300 tỉ USD mỗi năm với Mỹ, thì cứ ba nămTrung Quốc lại gửi ngân hàng hơn một ngàn tỉ USD. Lợi thế kinh tế và những kỹ nghệ ăn cắp được Trung Quốc đầu tư vào các ngành công nghiệp quân sự, vũ khí và chiến tranh mạng. Theo những thông tin tình báo mà Ngũ Giác Đài có được, Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường lục quân, thủy quân và rót hàng tỉ USD vào việc phát triển phi cơ chiến đấu tàng hình thế hệ I, tàu ngầm tấn công tiên tiến, các hệ thống phòng không tinh vi, các hệ thống chiến tranh không gian công nghệ cao và bổ sung cho kho hỏa tiễn đạn đạo.

Cựu Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Michael Mullen đã từng nhận định: “Người Trung Quốc có toàn quyền phát triển quân sự họ muốn. Chỉ là tôi không thể hiểu nổi tại sao một số năng lực này, dù là phi cơ tàng hình J-20, hay thiết bị chống vệ tinh, hay vũ khí chống tàu chiến, thì phần nhiều lại có vẻ nhắm thẳng vào Mỹ.” Những gì Trung Quốc đang làm trên mặt trận chiến tranh mạng cũng rất đáng báo động. Trung Quốc có liên quan rất sâu đến việc do thám thông tin máy tính của các mạng lưới thuộc cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ để ăn cắp những tin tức tình báo.

Nói tóm lại, việc để Trung Quốc hưởng lợi từ thặng dư thương mại với Mỹ, rồi dùng chính số tiền đó đầu tư vào công nghệ vũ khí, quân sự và chiến tranh mạng để chống ngược lại nước Mỹ đơn giản là không thể chấp nhận được!

4. Thứ tư, Mỹ có rất nhiều ưu thế so với Trung Quốc trong thương chiến này.

Ở thời điểm bắt đầu thương chiến, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ sau 1 năm rưỡi dưới thời ông Trump, với tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nhiều thập niên, và đặc biệt, tỉ lệ thất nghiệp của người da đen và người gốc Tây Ban Nha là thấp nhất trong lịch sử. Chính sách cắt giảm thuế (tax cut) của Trump đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ - xương sống của nền kinh tế Mỹ, thành phần tạo ra 2/3 việc làm cho xã hội Mỹ - khởi nghiệp và hồi sinh trở lại, tạo nên sự bùng phát việc làm và một thị trường nhân dụng đầy sôi động. Người Mỹ rủng rỉnh tiền hơn, “cảm thấy tài chính của họ dưới thời Tổng thống Trump tốt hơn thời Tổng thống Obama” (theo khảo sát vào tháng 6/2018 của Emerson College). Nói như lời đệ tử đang mất tích của ông Tập thì “một không khí phấn khởi, tin tưởng đang lan rộng khắp cả nước Mỹ”. Cho nên, Trump tin rằng nước Mỹ đang có một hậu phương kinh tế đủ mạnh để tiếp liệu cho một thương chiến trường kỳ, sẵn sàng “chơi sát ván” với Trung Quốc.

5. Cuối cùng, có phải Mỹ sẽ thiệt hại nặng nề vì thương chiến?

Nhiều người cứ lo ngại mức thuế quan cao sẽ khiến giá nguyên liệu đầu vào cao, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, và cuối cùng người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt. Nhưng nên nhớ, đây là một cuộc chiến thương mại có chọn lọc, với đối thủ chính được nhắm tới là Trung Quốc, vì ông Trump đã dẹp yên mặt Bắc Mỹ với Canada và Mexico bằng Thỏa thận USMCA (thay thế NAFTA), lôi kéo được đồng minh EU và Nhựt Bổn, và thậm chí mới nhứt, ông Trump còn khuyến khích các quốc gia châu Á khác, bao gồm Việt Nam, hãy nắm lấy cơ hội này để tăng cường thương mại với Mỹ. Có nghĩa là vẫn còn rất nhiều nguồn hàng hóa, nguyên liệu giá rẻ từ các quốc gia nằm ngoài vòng chiến, chưa kể nguồn tài nguyên nội địa dồi dào còn chưa khai thác hết, tha hồ cho các nhà sản xuất Mỹ lựa chọn.

Và đây là sự thật: Theo dữ liệu báo cáo vào cuối năm 2018 của EconPol Europe, một mạng lưới các nhà nghiên cứu của Liên minh châu Âu, thì Donald Trump đang thành công trong việc khiến Trung Quốc phải trả phần lớn chi phí cho thương chiến của mình, theo đó, các công ty và người tiêu dùng Mỹ sẽ chỉ phải trả thêm 4,5% sau khi Mỹ áp đặt mức thuế quan 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc trong khi 20,5% còn lại sẽ bị gánh bởi các nhà sản xuất Trung Quốc. Đơn giản thôi, các nhà sản xuất Trung Quốc nếu muốn tiếp tục cạnh tranh và hiện diện ở thị trường Mỹ thì họ phải buộc lòng cắt giảm lợi nhuận để gánh chịu phần lớn mức thuế quan.

Cho nên, không phải cứ nhắm mắt trích dẫn lý thuyết kinh tế, rằng “thuế quan áp đặt lên hàng nhập cảng thì người tiêu dùng sẽ phải chi trả phần lớn”, mà trong nhiều trường hợp, còn cần phải động não.

Cho nên, ông Trump đã có lý khi nhận định: “Không có nguyên nhân nào khiến người Mỹ phải trả khoản tiền thuế có tác dụng đối với Mỹ hôm nay. Điều này đã được chứng minh gần đây, chỉ có 4% là Mỹ chịu, Trung Quốc chịu 21% bởi vì Trung Quốc trợ cấp sản phẩm ở một mức độ lớn đến thế.”

Vậy thì kinh tế Mỹ có bị ảnh hưởng không? Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng, tất nhiên, vì không bao giờ có một giải pháp tối ưu cho tất cả, và vì như kinh tế gia lỗi lạc Thomas Sowell đã từng nói: trong thế giới kinh tế, không có cái gọi là “giải pháp”, chỉ có thỏa hiệp. Mỗi hành động đều có một hệ quả. Mỗi quyết định đều có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Nên, ta phải đưa ra những quyết định khôn ngoan, giảm thiểu thiệt hại và tăng tối đa hiệu quả.

Nhìn tổng thể nền kinh tế vĩ mô của nước Mỹ, với sự hồi sinh của các ngành công nghiệp chế tạo quan trọng cùng với sự bùng phát việc làm trên thị trường nhân dụng, có thể nói là rất khả quan.

Nếu có lo lắng, thì nên lo lắng cho Trung Quốc và cầu xin một phép màu cho sự hồi sinh của nền kinh tế nước này nếu thương chiến vẫn còn tiếp diễn. Trung Quốc, đơn giản là không có bất cứ cơ may chiến thắng trong một cuộc chiến sòng phẳng, công bằng, không còn đường dối trá, gian lận khi bên kia chiến tuyến là một bậc thầy đàm phán cùng bộ sậu lão luyện. Gói thuế quan 300 tỉ USD vẫn còn treo lơ lửng trên đầu Trung Quốc cho tới cuối tháng 6/2019.

Và dù có như thế nào đi nữa, chúng ta tin rằng nước Mỹ có thể vượt qua các mối đe dọa Trung Quốc bằng một một chiến thuật khôn ngoan và một nhà thương thuyết cứng rắn, chứ không phải là kiểu chiến thuật “khẩn khoản” như thời Obama để mong đợi bằng một phép màu nào đó, người Trung Quốc sẽ thức tỉnh và quyết định: “Các bạn biết gì không, chúng tôi thực sự cần chơi công bằng hơn với người Mỹ và thôi không cướp của họ tất cả công ăn việc làm, các công ty và hàng tỉ USD nữa.”

Đó là một Tổng thống biết cách nghiêm khắc với Trung Quốc, biết cách đe dọa và đưa ra các biện pháp trừng phạt thẳng tay nếu họ không chơi đúng luật thị trường, biết cách mang lại cho các nhà sản xuất Mỹ một sân chơi bình đẳng với các đối thủ Trung Quốc. Rồi khi đó, chúng ta sẽ thấy ai thực sự có thể đánh bại ai để tạo ra việc làm thực sự trong khu vực kinh tế tư nhân và kiến tạo sự thịnh vượng bền vững cho đất nước.

God bless America!

Phạm Minh

No comments:

Post a Comment

SƠN TINH & THUỶ TINH, tranh A.C.La

Sơn Tinh và Thủy Tinh (The Mountain Lord vs The Water Lord) Oil on canvas 24x24 inch (61x61 cm) by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh  ** All rights res...