03 May 2019

NGỒI LÊ ĐÔI MÁCH

Phạm đức Thân 

Độc giả nào nghĩ đây là chuyện tầm phào của phụ nữ chẳng đáng bàn thì người viết xin chỉ ngay hai sai lầm. Thứ nhất theo khảo sát của các nhà tâm lý, xã hội học, đàn ông cũng thích ngồi lê đôi mách như đàn bà. Thứ hai nó không phải tầm phào mà rất quan trọng, là một bản tính cố hữu của con người được nhiều nhà tư tưởng quan tâm; chưa kể nó có thể gây ảnh hưởng rất lớn làm người ta thân bại danh liệt cũng như chính quyền sụp đổ.

Ngồi lê đôi mách là cụm từ VN rất tượng hình, nói lên điển hình cơ bản chuyện gẫu nhàn tản giữa hai người (ám chỉ là phái nữ). trong khi Anh ngữ có chữ gossip do cổ ngữ god sib nguyên thủy nghĩa là phụ nữ đỡ đầu hoặc bạn hỗ trợ được mời có mặt lúc sinh nở. Đàn ông Anh nghi là nhân đó họ chuyện vãn nói xấu mình, cho nên gossip hàm ý chê bai, giống như cụm từ VN do đàn ông đặt ra cũng ngụ ý tương tự.

Ngồi lê đôi mách cũng gọi là tám chuyện hoặc tém chuyện (do giọng người Quảng đọc trại vì Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, là nơi dân rất thích tém chuyện). Để tiện gọn, công bằng, và khỏi bị nhóm nữ quyền phản đối, người viết từ đây sẽ dùng "tám chuyện" thay cho "ngồi lê đôi mách."

Người là động vật hợp đoàn, thích gặp nhau để chuyện vãn trao đổi những gì mình tò mò thích thú về sự việc chung quanh, nhất là hành động, khuyết điểm, thói hư tật xấu của người khác... Nhờ vậy thế giới vận hành mới sinh động chứ không phải tẻ nhạt nếu như chỉ nói chuyện công việc, ăn mặc, thể thao, thời tiết... hoặc làm theo mấy danh ngôn triết lý của các nhà tư tưởng. Thật ra triết gia Lỗ Ma Ni Emil M. Cioran đã nhận xét xác đáng "Chỉ có hai điều thích thú nhất trên đời là siêu hình học và tám chuyện".

Nam nữ đều thích tám chuyện như nhau nhưng phụ nữ có nhiều dịp tiện lợi hơn để trao đổi chuyện gia đình, chòm xóm, chợ búa, người này người nọ... có khi rất ngắn ngủi, bỏ lửng, rồi sau đó lại tiếp tục. Đàn ông thường bàn chuyện thể thao, chính trị, rồi lan man qua tám chuyện, chứ ít khi gặp gỡ chỉ vì tám chuyện. Thành thử phụ nữ mang tiếng nhiều hơn, nhất là thói hay nói xấu nhau.

Tám chuyện về người vắng mặt bị coi là xấu, vì đề tài thường là mặt tiêu cực của người đó. Cũng là điều dễ hiểu bởi chỉ cái gì khác thường, tội lỗi, xấu xa mới hấp dẫn lôi cuốn mạnh. Như Bertrand Russell đã nhận xét "Không ai tám chuyện về các đức tính tiềm ẩn của người khác".


Tôn giáo cũng thường lên án tám chuyện. Kinh Thánh liệt tám chuyện vào danh sách tội bao gồm cả các tội ngoại tình, sát nhân. Hồi Giáo cho nói xấu người là tương đương với ăn thịt đồng đạo. Đạo Baha'i còn nặng hơn, coi tám chuyện là thói xấu nhất, tội lớn nhất, vì sát nhân chỉ làm mất mạng người, nhưng nói xấu lưu lại ô danh mãi mãi về sau dù đã chết.

Thật ra thiết tưởng cần làm rõ một điểm. Giống như nhai kẹo cao su chủ yếu là do thói quen, sau đó mới nhận ra tác dụng phụ là làm sạch răng, giảm stress, cũng vậy tám chuyện trước và trên hết là hành động nhàn tản, thư giãn, khoái hoạt, giống như giải trí, chơi game...., dễ dãi, nghĩ sao nói vậy, không suy nghĩ đến hậu quả. Dĩ nhiên nó có thể gây phương hại cho người vắng mặt thì đó là tác dụng phụ đến sau. Bởi thế tám chuyện không nhất thiết là xấu.

Kẻ tám chuyện thường là rất gần cận mới biết bí mật của người để mà tiết lộ. Chỉ BS giải phẫu cho Elizabeth Taylor mới biết chuyện bà đem theo các bảo vệ nhằm làm vệ sinh sạch sẽ phòng sau khi mổ, không để một sợi lông nào vương lại vì sợ y tá, nhân công có thể thu nhặt đem rao bán trên eBay. Tám chuyện này là BS đã phá vỡ cái tín nhiệm mặc nhiên của thân chủ. Có thể BS không ưa bà. Có thể BS muốn lấy lòng người nghe. Có thể BS muốn tỏ cho thấy mình coi người nghe là bạn thân mới hé lộ như vậy. Có thể vì chuyện này đặc biệt quá BS không thể giữ kín,  chưa hẳn là BS có ý xấu, muốn hại bà.

Phần người nghe được rỉ tai như vậy tự nhiên bị coi như nhận hàng lậu, trở thành thông đồng với BS, nhất là còn được dặn dò đừng nói lại với ai. Nhưng khó giữ kín một chuyện lý thú như vậy, người nghe có thể tiếp tục rỉ tai người khác. Thế là tám chuyện không được kiểm chứng hư thực (vì BS có thể dựng chuyện) sẽ trở thành tin đồn, bao hàm nhiều hậu ý hơn. Tin đồn có tính khả tín không phải vì được xác nhận đúng thật, mà vì có người tin là thật. Tám chuyện thường về riêng tư, giới hạn trong nhóm thân mật; còn tin đồn thường về biến cố, phổ quát và phạm vi rộng lớn hơn. Thực tế có cái vòng luẩn quẩn: tin đồn có thể dẫn đến tám chuyện, và tám chuyện có thể củng cố tin đồn.

Tám chuyện giống như tiếu lâm và thường đi đôi với nhau trong chuyện gẫu thân mật, bởi cùng đề tài cấm kỵ không tiện nói công khai, cùng gây ngạc nhiên thích thú. Nhưng tám chuyện chú ý đến nội dung, còn tiếu lâm cần có hình thức diễn chuyện hay (vd. punch line - câu kết bất ngờ đắc dụng). Nhân vật tám chuyện là thực, còn trong tiếu lâm là hư cấu, mặc dù cũng có khi dùng tên người thật. Vd tiếu lâm sau:

Clinton buổi sáng mùa đông nọ ra lan can thấy dưới đất có hàng chữ viết lõm trên tuyết " Tổng Thống phải chết". Ông tức giận sai an ninh điều tra thủ phạm. Vài ngày sau nhận được báo cáo cho biết phân tích tuyết thấy đây là nước tiểu phóng từ trên cao xuống, mà thử DNA thì là của Al Gore. Nhưng dạng nét chữ viết lại là của...Hillary!

Martin Heidegger nghĩ tám chuyện là tầm phào, nông cạn, giá trị giả tạo, không lợi ích cho tìm hiểu khía cạnh sâu xa của cuộc sống. Đồng ý, tám chuyện không về những vấn đề quan trọng, sâu sắc nhưng nó là nguồn phong phú cho nhiều tác giả như Tolstoy, Proust... tạo nên những tác phẩm văn học nổi tiếng, soi rọi ngõ ngách tâm hồn. Nó là kiến thức mọi người chia sẻ, có thể làm sáng tỏ những hiểu lầm, khúc mắc của bàn luận nghiêm túc. Heidegger chắc chẳng bao giờ nghĩ chính mình lại là đề tài đàm tiếu khôi hài, do đã cố tình che giấu chuyện xưa kia thân Đức Quốc Xã và có vợ mà còn quan hệ với cô học trò sinh viên Hannah Arend.

Nhà nhân chủng học Gluckman cho rằng tám chuyện định nghĩa như là quan tâm tổng quát về hành vi, đức tính, thói xấu của người khác, có nhiệm vụ xã hội là duy trì quan hệ tốt đẹp, đoàn kết, thống nhất, đạo lý và giá trị của nhóm. Paine nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tám chuyện như là một kiểu thông tin không chính thức, soi sáng vấn đề thống nhất, đạo lý, giá trị của phụ nữ như một nhóm xã hội và cung cấp mạng lưới hoạt động cho các quan tâm này. Rubin coi tám chuyện là ngôn ngữ thân mật xuất phát từ sự liên đới và đồng căn cước của nhóm gồm những người thường có chung một kinh nghiệm.

Tám chuyện thỏa mãn nhu cầu muốn biết, muốn tham gia tốt hơn vào cuộc sống chung quanh. Tám chuyện giúp hiểu rõ chuyện đang và sắp diễn ra trong chỗ làm, trường học, cơ quan. D.S. Wilson nghĩ tém chuyện là một tương tác đa dụng rất phức tạp, giám sát sửa sai tác phong trong nhóm và xác định tính cách thành viên. Wert và Salovey còn cho rằng không tham gia tám chuyện có hại cho sức khỏe và chứng tỏ bất bình thường.

Theo tiến triển thời đại các nhà xã hội học đã nới rộng định nghĩa nguyên thủy của tám chuyện- là phơi bầy bí mật của người khác. Ngày nay tám chuyện là bất cứ loan truyền tin tức nào liên hệ đến nhân vật, tổ chức, chính quyền... mà không cần kiểm chứng đúng sai, qua truyền khẩu, in ấn, truyền thông hiện đại như mạng internet, email, blog, twitter, facebook.... khiến tám chuyện bây giờ có nhiều tên mới như tin rò rỉ (news leak), tin giả (fake news) mặc dù có khi đúng thật. Chưa kể còn cả một website chuyên môn về tám chuyện gọi là WikiLeaks, cũng như phóng sự điều tra của báo chí, xét cho cùng cũng là một dạng tém chuyện.

Từ khi Internet được thông dụng, khó phân biệt đâu là ranh giới giữa tám chuyện công (về người nồi tiếng nhiều người biết) và tám chuyện tư (về người trong nhóm nhỏ), cũng như giữa tin tức và tám chuyện. Chưa kể có nhiều điều không đúng sự thật cũng đưa lên mạng coi như tám chuyện.

Nhà thời trang chưa nổi tiếng mấy Tommy Hilfiger được ghi nhận trên mạng là đã tuyên bố: " Nếu tôi biết dân Mỹ- Phi, dân Sì, dân Á mua quần áo của tôi, thì tôi đã không làm cho họ được đẹp như thế." Rồi lại có tin đồn là Hilfiger xác nhận nói vậy trên sô Oprah, khiến Oprah nổi giận bảo khán giả đừng mua đồ của Hilfiger. Hậu quả là Hilfiger lỗ nặng. Vấn đề là Hilfiger chưa bao giờ tuyên bố như vậy cũng như chưa hề xuất hiện trên sô Oprah. Vậy mà trên mạng ngụy tạo chuyện này.

Động cơ của tám chuyện thì rất nhiều, hiển lộ cũng như ẩn khuất, và có thể đồng thời trùng lặp trong một bối cảnh, nhiều khi khó xác định. Ở đây chỉ xin nêu ra vài động cơ thường gặp.

Bị chê trách nhất là tám chuyện vì muốn bôi bẩn, trét bùn đương sự do thù ghét, không ưa, trả thù, có khi còn phóng đại, nói dối, mục đích làm phương hại tối đa. Dịp tranh cử vào Quốc Hội, Nhà Trắng là thời điểm bùng nổ chiến dịch bôi bẩn nhau nhằm làm đối thủ mất phiếu. Hiện phong trào #MeToo cũng đang làm nhiều người đứng ngồi không yên hoặc thân bại danh liệt vì tội sách nhiễu tình dục.

Tổng Thống Nixon năm 1974 phải từ chức vì rò rỉ chuyện nghe lén đảng Dân Chủ ở Watergate, nếu không sẽ bị đàn hạch (impeachment). .Thượng Nghị Sĩ John Edwards - bị tố ngoại tình và có con trong khi vợ bị ung thư - là ứng viên Phó Tổng Thống 2004, bị thất bại đã phải bỏ luôn chuyện tái ứng cử Thượng Viện. Bing Crosby già gần chết vừa phải vào tù vì bị tố sách nhiễu tình dục mấy chục năm trước.

Một động cơ ẩn giấu là tính ghen ghét người giầu có quyền thế, thích thấy cái xấu của họ bị phơi bầy, làm trò cười cho thiên hạ, khoái trá kéo họ xuống để chứng tỏ họ cũng xấu xa tội lỗi chẳng hơn gì mình. Đối tượng là các người nổi tiếng trong địa hạt chính trị, truyền thông, điện ảnh, thể thao.... Tám chuyện là một vũ khí phản kháng của giai cấp thấp nghèo đối với giai cấp ăn trên ngồi trốc. Nhân dân VN không thiếu những tám chuyện mỉa mai đối với giới lãnh đạo CS ngu mùa lạc hậu, tham nhũng thối nát, hà hiếp bóc lột, hèn với giặc ác với dân.

Động cơ khác là do bản tính của một số đông người ham thích chuyện bậy bạ, scandal, quá hấp dẫn, giật gân không thể không tám chuyện. Đề tài thường về sex, đồng tính, chuyển giới, ngoại tình bị bắt quả tang.... Và mặt khác, tâm lý người nghe rất khoái chú ý đến những chuyện táo bạo mình muốn mà không dám làm. Thiên hạ biết nhiều về tánh lăng nhăng của John Kennedy với các nữ minh tinh như M. Monroe, A. Dickinson... nhưng còn về bố của Kennedy thì nhờ chuyện sau mới gián tiếp biết chút đỉnh.

Khi Marlene Dietrich đến Washington D.C. để nhận giải của Hội Cựu Binh Do Thái, nàng có ghé Nhà Trắng chỉ một giờ thôi nhưng cũng thừa đủ. Xong chuyện, Kennedy thắc mắc: - "Có chuyện tôi muốn biết." Nàng hỏi chuyện gì, ông đáp: - "Em đã có từng làm với bố tôi?" Nàng đáp không. Ông bảo: - "Vậy thì, đây là một chỗ mà tôi vào trước!"

Người tò mò rách chuyện cũng hay tám chuyện để biết càng nhiều càng tốt, dù là chuyện cá nhân riêng tư. Vd. anh bạn đang nghĩ đến chuyện ly dị; một đồng nghiệp sắp mất việc; chị kia trầm cảm nặng đến độ phải đi BS tâm thần. Nghĩ là cần phải biết vậy thôi, không có ý xấu gì cả. Họ cũng hay chĩa vào đời tư của các người nổi tiếng, mặc dù không phải do ghen ghét như đã nói trên kia mà chỉ do tò mò muốn biết hôn nhân B. Pitt và A. Jolie ra sao, W. Oprah đã sụt mấy cân, Cựu Phó Tổng Thống Biden có ra ứng cử tổng thống 2020 không...

Có người thích tìm hiểu đời tư người khác để nghiên cứu, để giúp tìm cách đối phó tình huống. Vd hai người tém chuyện về bạn chung. Tại sao bà ấy không có con, dù đã hai đời chồng? Bà ấy vô sinh hay là chồng có vấn đề? Có nên mách bà ấy biết có BS chuyên trị vô sinh?

Có khi tám chuyện là cách gián tiếp đề cao mình, một kiểu thấy sang bắt quàng làm họ. Khối ông cứ hay tám chuyện về kỷ niệm nhỏ nhặt với Mai Thảo, Trịnh Công Sơn... mục đích chính không ngoài cho hé lộ gián tiếp ta cũng quen biết nghệ sĩ danh tiếng. Barbara Cartland cho rằng hôn nhân Charles và Diana không suông sẻ, vì Diana không chịu 69 (đúng sai chưa kiểm chứng). Động cơ có thể do Cartland tức giận vì đã không được mời dự đám cưới hai người, hoặc có thể muốn bêu xấu Charles, hoặc cũng có thể ngầm cho biết mình thân cận với Diana, tức cũng là một người có danh phận.

Nhật ký, tự truyện nhiều khi là một tám chuyện trá hình của tác giả, trong đó hé lộ cả những điều xấu, khuyết điểm, thú nhận giới tính, thói lạ tính dục... Nói trá hình, vì có thể có mục đích quảng cáo sách, hấp dẫn độc giả (vì sẽ được đọc những cái xấu tự khai), hoặc tự đề cao (vì sẽ nhắc đến vài người nổi tiếng mình quen). Tự khai như thế làm dân tám chuyện mất đi một mảng nguồn tư liệu, và còn có thể làm giảm hứng thú các tám chuyện về người khác vì đã có nhiều tự thú rồi. Vd. có nhiều người tự thú mình homo rồi, nay phát hiện ông A homo, có đem tiết lộ cũng ít hứng thú, vì homo thành nhàm rồi.

Tám chuyện còn là cách kết bạn vì tám chuyện có thể trở thành một thứ hàng trao đổi. Tôi biết nhiều chuyện lý thú, anh cũng có nhiều chuyện. Chúng ta hãy trao đổi kết bạn với nhau. Đồng sở thích thì dễ kết bạn. Cũng giống như tiếu lâm, khôi hài, tám chuyện đòi hỏi có đồng cảm. Tám chuyện về minh tinh màn bạc với một ông già chả xem phim bao giờ thì còn gì hứng thú.

Tám chuyện cũng có thể do muốn tỏ ra mình sành sỏi, biết nhiều, biết hết. Biết bí mật ông A, chuyện kín bà B, gặp ai cũng rỉ tai, chẳng phải có ý đồ xấu đối với họ, mà chỉ muốn tỏ ra biết nhiều.

Động cơ tám chuyện có khi hoàn toàn vì tiền bạc lợi nhuận, không dây dưa đến người bị tiết lộ. Nhà nhiếp ảnh rình mò bãi biển, cố chụp lén được ảnh "nóng" của minh tinh nọ, chẳng phải vì thù ghét nàng, mà vì đem bán tấm hình cho báo lá cải sẽ được trả tiền rất cao. Ký giả lân la trong Nhà Trắng một thời gian, thu thập dữ kiện, rồi viết sách, chẳng vì động cơ nào cả, ngoài chuyện biết rằng sách mình sẽ bán rất chạy, lời thật nhiều, vì ai cũng tò mò muốn biết hậu trường.

Chính quyền cũng thường dùng tám chuyện, tung tin rò rỉ, nhằm thăm dò dư luận, trước khi quyết định hay sửa đổi một việc quan trọng, để tùy theo đó mà hành động thích nghi. Vd. Tung tin sắp mở rộng xa lộ, nếu dân địa phương phản đối mạnh, sẽ xem xét lại việc này.

Có khi tám chuyện chẳng do động cơ nào mà do lan man tùy hứng, góp vui với bạn bè, giống như đóng góp chuyện cười, tiếu lâm cho thêm phần rôm rả. Tám chuyện coi như kiến thức vô tư, bất vụ lợi mà cuộc sống đam mê háo hức đem đóng góp (mặc dù là nhỏ nhoi) vào đời sống tinh thần.

Tám chuyện chuyên chở thông tin nhưng chẳng phải là việc của ai hết, mục đích chính là để thỏa tính tò mò, giải trí, duy trì quan hệ xã hội tốt đẹp và xuất hiện dưới muôn hình muôn vẻ.

Mặc dù đôi khi có ngụ ý xấu, bị chê bai lên án, nhưng từ rừng rú Phi Châu đến đô thị hiện đại Âu Mỹ không ai là không thích tám chuyện. Không thể nào dứt được tám chuyện trong xã hội loài người.


Phạm đức Thân 

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...