17 October 2018

Kim Thúy: Bức Tường*

Giới Thiệu:

Nhân tin Đỗ Mười, thủ phạm chính trong chiến dịch tiêu diệt tư sản miền Nam ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, qua đời, chúng tôi giới thiệu một tiểu đọan trong tác phẩm “Ru” của nhà văn Canada gốc Việt Kim Thúy, người có tên trong 4 nhà văn vào chung kết để chọn trao giải thưởng Văn Chương Mới (thay thế giải Nobel về Văn Chương tạm thời bị đình chỉ trong năm nay). Trong trích đọan này, tác giả kể lại những gì xẩy ra trong căn nhà của mình khi chính quyền CS cho người đến kiểm tra tài sản sau khi đã chiếm đọat một nửa căn nhà để dùng làm trụ sở đồn công an.
TV&BH
**

Khi Việt Cộng chiếm Sài Gòn, gia đình tôi phải hiến cho họ một nửa căn nhà của mình vì chúng tôi thuộc về bên những kẻ bị lép vế. Một bức tường bằng gạch được xây ngay chính giữa nhà để chia ra làm hai địa chỉ: một của chúng tôi và một cho đồn công an địa phương.

Một năm sau, các giới chức thẩm quyền của chính quyền mới đã quay lại để dọn dẹp một nửa nhà còn lại của chúng tôi, chính xác là quét chúng tôi ra ngòai. Các cán bộ thanh tra bước vào nhà tôi không một lời thông báo, không lệnh lạc, không có cả lý do. Họ ra lệnh tất cả mọi người trong nhà tập họp trong phòng khách. Cha mẹ tôi không có nhà, nên trong lúc chờ họ về, các ông bà thanh tra ngồi hờ hững trên những chiếc ghế trạm trổ nghệ thuật, lưng giữ thẳng, tay không một lần chạm vào hai thành ghế bọc vải trắng được thêu thùa rất hoa mỹ. Mẹ tôi là người đầu tiên xuất hiện sau cánh cửa kính có khung bằng sắt. Bà mặc chiếc váy ngắn với những nếp gấp và đi giày vải chạy bộ. Sau mẹ tôi là cha tôi tay còn cầm cái vợt đánh tennis, mặt đầy mồ hôi. Cuộc viếng thăm bất ngờ của các cán bộ thanh tra đã kéo tuột chúng tôi về hiện tại trong lúc chúng tôi còn đang cố nhấm nháp những khỏanh khắc cuối cùng của quá khứ. Tất cả mọi người lớn trong nhà được lệnh ở yên tại phòng khách trong lúc các cán bộ bắt đầu công việc lập biên bản đồ đạc trong nhà.

Đám trẻ con chúng tôi được phép theo họ đi từ lầu trên xuống lầu dưới, từ phòng này sang phòng khác. Họ niêm phong hết các ngăn tủ, kệ đựng quần áo, bàn trang điểm, két sắt. Họ niêm phong luôn cả cái tủ lớn nhiều ngăn đựng tòan đồ lót phụ nữ của bà tôi và 6 con gái của bà mà không quan tâm gì đến những thứ bên trong. Với tôi, có vẻ như viên thanh tra trẻ tuổi cảm thấy ngại ngùng khi nghĩ đến những cô gái có khuôn ngực tròn đầy ở ngòai phòng khách, trên người mặc tòan đồ đắt tiền nhập cảng từ Paris. Tôi cũng đóan rằng, anh ta để trống phần liệt kê đồ đạc trong cái tủ lớn vì quá bối rối, khiến run tay không thể viết xuống. Nhưng tôi đã lầm: anh ta không hề biết mấy thứ đồ lót phụ nữ ấy để làm gì. Trong ý tưởng anh ta, chúng trông giống cái vợt pha cà phê của mẹ anh ta, may bằng vải chung quanh viền miệng vợt làm bằng kim khí, với phần dư ra làm tay cầm.

Tại chân cầu Long Biên bắt ngang sông Hồng, mỗi buổi tối mẹ anh ta đổ cà phê vào vợt rồi nhúng vợt vào chiếc ấm nhôm đựng nước sôi để pha vài cốc cà phê bán cho khách bộ hành. Vào mùa đông, bà đặt những cái cốc nhỏ chỉ vừa chứa ba ngụm vào những cái bát con đựng nước nóng để giữ ấm cà phê giữa những câu chuyện trò của khách ngồi trên chiếc ghế dài nhô hơi cao hơn mặt đất. Khách nhận ra quán nước của bà nhờ ngọn lửa của chiếc đèn dầu nhỏ xíu đặt trên mặt bàn cũng nhỏ xíu không kém, kế bên đó là cái dĩa con đựng vừa đúng 3 điếu thuốc lá. Mỗi buổi sáng, anh cán bộ thanh tra trẻ tuổi, khi ấy còn là đứa trẻ, thức dậy với những chiếc vợt pha cà phê màu nâu vá chằng vá đụp, đôi khi còn ướt sũng nước treo vào cái đinh đóng ngay trên đầu chỗ anh ngủ. Tôi nghe tiếng anh ta nói chuyện với một bạn đồng sự của mình trong một góc cầu thang. Anh ta không hiểu sao nhà tôi có nhiều thế những cái vợt pha cà phê cất trong ngăn kéo xếp chung với giấy lau mặt.Và tại sao lại là vợt đôi? Có phải là vì chúng tôi luôn luôn uống cà phê với một người bạn?

Anh cán bộ thanh tra trẻ đã lặn lội trong rừng sâu từ năm 12 tuổi để giải phóng miền Nam thóat khỏi “bàn tay lông lá” của người Mỹ. Anh ta đã phải ngủ trong hầm trú ẩn, ngâm mình dưới nước trong nhiều ngày, ẩn nấp dưới lá cây hoa súng, đã chứng kiến các đồng chí hy sinh thân mình chẹn bánh xe đại pháo, đã chịu đựng những đêm lên cơn sốt rét giữa tiếng gầm rú của máy bay trực thăng và đại bác. Ngòai hàm răng đen bóng của mẹ, anh ta không thể nhớ được khuôn mặt của cha. Vậy thì làm sao mà anh ta có thể đóan được những thứ đồ lót phụ nữ ấy là để làm gì? Ở trong rừng, trai gái đều sở hữu những thứ giống nhau: một chiếc nón cối màu xanh, đôi dép râu làm từ vỏ xe phế thải, bộ đồng phục, chiếc khăn rằn đen trắng quấn cổ. Chỉ cần mất 3 giây để đếm đồ đạc của họ, trong khi đó phải cần đến cả năm để xem chúng tôi có những gì. Chúng tôi phải thu xếp để nhường chỗ cho 10 vị cán bộ chiến-sĩ-thanh-tra vừa trai vừa gái vào ở trong nhà. Họ được quyền sử dụng nguyên một tầng lầu. Mỗi người chúng tôi thu mình vào trong góc của mình, tránh né mọi tiếp xúc ngọai trừ những cuộc kiểm tra hàng ngày chúng tôi bị buộc phải đối diện họ. Họ cần được bảo đảm rằng chúng tôi cũng chỉ có được những gì cơ bản nhất, như họ, mà thôi.

Một hôm, mười vị ở chung phòng với chúng tôi lôi chúng tôi vào phòng tắm của họ để buộc tội chúng tôi đã ăn cắp khẩu phần cá họ vừa được cấp phát. Họ chỉ tay vào bồn cầu, phân bua rằng mới ban sáng mấy con cá còn tươi tắn, tung tăng bơi lội trong đó. Bây giờ thì chúng đâu rồi?

Nhờ vào vụ mất cá, chúng tôi đã hình thành được một sự liên lạc với nhau. Sau này, cha tôi làm hư họ bằng cách kín đáo cho họ nghe nhạc. Tôi ngồi khuất dưới cây đàn dương cầm, đưa mắt dõi theo những giọt nước mắt lăn chảy trên đôi má họ, nơi sự khủng khiếp của lịch sử đã khắc những đường hằn không một chút nương tay. Kể từ đó, chúng tôi không còn nhận biết được họ là kẻ thù hay cũng là những nạn nhân, mình nên yêu hay ghét họ, sợ họ hay thực ra, thương hại họ. Về phía họ, họ cũng không thể quả quyết là họ đã giải phóng chúng tôi thóat khỏi người Mỹ, hay ngược lại, chúng tôi đã giải thóat họ ra khỏi những khu rừng rậm của Việt Nam.

Dù vậy, chỉ không lâu sau đó, thứ âm nhạc đã đem đến cho họ chút cảm thức tự do bị ném vào những đống lửa trên nóc sân thượng của căn nhà. Họ nhận được lệnh phải thiêu hủy hết sách báo, băng nhạc, phim ảnh – hết tất cả mọi thứ đi ngược lại hình ảnh của nhân dân với những cánh tay gân guốc giương cao lưỡi liềm, búa và lá cờ nền đỏ ngôi sao vàng của họ. Rất nhanh chóng, một lần nữa, họ phủ kín bầu trời bằng khói.

Những người lính của cuộc chiến năm xưa giờ ra sao? Đã có quá nhiều thay đổi từ khi bức tường gạch được xây ngăn chia chúng tôi và những người cộng sản. Tôi đã có dịp quay lại Việt Nam làm việc với những kẻ từng là nguyên cớ tạo nên sự hiện hữu của bức tường, những kẻ từng cho đó là cách để tiêu diệt hàng trăm ngàn, có lẽ hàng triệu, mạng sống. Tất nhiên, đã có nhiều sự đảo ngược, từ lúc những chiếc xe tăng lăn bánh trên đường phố Sài Gòn ngang qua nhà tôi hồi năm 1975. Từ đó, tôi thậm chí còn biết được một số từ vựng hay dùng của người cộng sản, kẻ tấn công mình năm xưa, vì bức tường Berlin đã bị đổ, vì bức màn sắt đã được kéo lên, vì tôi vẫn còn quá trẻ để bị đè nặng bởi quá khứ. Chỉ một điều, trong căn nhà của tôi sẽ không bao giờ hiện hữu một bức tường gạch. Tôi không thể thích những bức tường làm bằng gạch như nhiều người chung quanh. Họ bảo tường gạch làm cho căn nhà ấm hơn.

Kim Thúy
(Ru)

T.Vấn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh do Sheila Fischman dịch từ nguyên bản tiếng Pháp

*Tựa bài do dịch giả đặt

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...