29 October 2018

Di sản thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ: "tư duy chính trị xơ cứng đã giam giữ nước ta"

L.T.S. (VNTB) Thông tin ngày 28/06 của TTXVN cho biết, ông Trần Quang Cơ, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa VI, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII, nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, đã từ trần hồi 23 giờ 45 phút ngày 25/6 tại Hà Nội, thọ 89 tuổi.

Ông [Trần Quang Cơ] được biết nhiều đến qua tập hồi ký "Hồi ức và suy nghĩ" được truyền tải trên mạng internet vào năm 2003, Hồi ký ghi lại nói về các sự kiện ngoại giao thời hậu chiến. Từ các cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ với Mĩ (1975-78), đến cuộc thương lượng giải quyết vấn đề Campuchia (thập niên 80-90)... Ông cũng chính là người từ chối giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao vì lý do "sức khỏe" và rút ra khỏi Ban chấp hành T.Ư Đảng vào cuối năm 1993.

Trong hồi ký của mình, khi phân tích về chiến lược và ý đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam, ông Trần Quang Cơ cho rằng: "Trung Quốc luôn tập trung mũi nhọn gây sức ép và lấn dần Việt Nam trên mọi vấn đề, mặc dù ta đã dùng đủ phương sách để tỏ rõ thái độ cầu hoà và hữu hảo với họ”, từ đó ông cũng chỉ ra đối sách, “Trước mắt cũng như trong tương lai dự báo được, Trung Quốc là nguồn xuất xứ chính của những thách thức đe doạ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đối với an ninh và phát triển của Việt Nam."

Nhà báo Huy Đức trong lời chia sẻ về ông mới đây đã nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ mới biết đến những mất mát ở thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm, điểm cao 1509... Chúng ta còn rất ít biết đến những mất mát to lớn hơn: những cơ hội để cải cách chính trị; những cơ hội để cải cách kinh tế theo hướng thị trường; những cơ hội hội nhập sâu rộng hơn với các quốc gia tiến bộ; những cơ hội để ký BTA, đi trước Trung Quốc trong làm ăn với Mỹ."

Trong thời điểm chủ quyền quốc gia đang bị "người bạn phương Bắc" hăm he đe dọa. BBT Việt Nam Thời Báo trân trọng giới thiệu đến quý độc giả trích lược những nhận định và đối sách đối với Trung Quốc từ cuốn hồi ký "Hồi ức và suy nghĩ" của ông để cùng nhìn nhận đối lược ngoại giao của Việt Nam từ thời điểm 2007 đến nay và trong thời gian tới.

Bởi như lời tựa hồi ký, ông Trần Quang Cơ khẳng định: "Ngoại giao quãng thời gian này [1975-1991] đã để lại trong tôi nhiều băn khoăn suy nghĩ về cái đúng, cái sai cái nên làm và cái không nên làm. Tôi nghĩ rằng nếu nghiên cứu một cách trung thực và có trách nhiệm những sự kiện của giai đoạn lịch sử này thì từ đây có thể rút ra những bài học bổ ích và đích đáng cho ngoại giao ta hiện tại và tương lai với mục đích tối cao là đảm bảo được lợi ích của dân tộc trong mọi trường hợp."

Chiến lược của Trung Quốc và ý đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam

Trái với Mỹ, Trung Quốc thấy ở những biến đổi lớn trong cục diện thế giới ngày nay, một “cơ hội ngàn năm có một”. Đối với Trung Quốc cơ hội đang tăng lên, còn thách thức giảm đi. Trong khi Mỹ cảm thấy cần co bớt lại để củng cố và phòng ngự là chính thì Trung Quốc nuôi tham vọng lớn là muốn vươn lên trở thành một cực trong trật tự thế giới đa cực mới. Trong khi hiện đại hoá trên 4 mặt vẫn là cứu cánh chính để thực hiện mục tiêu đó, Trung Quốc không ngừng tranh thủ mọi cơ hội có được để thực hiện kế hoạch bành trướng, gây mất ổn định của nước khác (Campuchia, Myanmar) để mưu lợi cho mình. Do hiện nay thế cũng như lực chưa đủ mạnh, nên họ thực hiện ý đồ một cách tính toán thận trọng tuỳ theo diễn biến của tình hình khu vực, phản ứng của các đối thủ và thực lực của chính họ.

Trước mắt Trung Quốc đang ra sức thực hiện ý đồ nhanh chóng trở thành một cường quốc ở châu Á – Thái Bình Dương, có địa vị ngang hàng với Mỹ, Nhật ở khu vực này. Trung Quốc đặt mục tiêu lấn chiếm toàn bộ biển Đông ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc coi trọng vị trí chiến lược của biển Đông, vì kiểm soát được biển Đông tức là khống chế được cả Đông Nam Á và cả con đường giao lưu huyết mạch từ Thái bình dương qua Ấn Độ Dương, và cũng là khu vực giầu tài nguyên nhất là dầu khí (trữ lượng dầu ở khu vực này ngang Vịnh Ba Tư) mà Trung Quốc đang cần để đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Đáng chú ý là trong khi Trung Quốc mở một chiến dịch hoạt động ngoại giao rộng lớn nhằm tranh thủ tăng cường quan hệ hợp tác phát triển với tất cả các nước công nghiệp hoá phương Tây, tranh thủ các nước đang phát triển và không liên kết hòng khôi phục vai trò lãnh đạo thế giới thứ ba, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng cùng chung biên giới, đặc biệt là gần đây tăng cường lôi kéo các nước khu vực Đông Nam Á để phá thế “quần lang đấu hổ”, thì Trung Quốc luôn tập trung mũi nhọn gây sức ép và lấn dần Việt Nam trên mọi vấn đề, mặc dù ta đã dùng đủ phương sách để tỏ rõ thái độ cầu hoà và hữu hảo với họ. Phải chăng vì Trung Quốc cho rằng Việt Nam là điểm yếu và dễ tính để lấn nhất lúc này (khó về quân sự, nghèo về kinh tế, đơn độc về chính trị) mà lại chiếm một vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á và là trở ngại lớn nhất cho kế hoạch biển Đông của Trung Quốc.

Những hoạt động bất lợi đối với Việt Nam của Trung Quốc sẽ không dừng lại ở trạng thái hiện nay mà sẽ còn được tiếp tục đẩy tới vì Trung Quốc cho rằng tình thế hiện tại đang rất thuận lợi cho việc Trung Quốc lấn ép Việt Nam mà chỉ gặp phải phản ứng quốc tế ở mức thấp nhất vì Mỹ chưa bỏ cấm vận Việt Nam; quan hệ hợp tác, đầu tư giữa các nước và Việt Nam còn chưa phát triển; vấn đề Campuchia đang còn thu hút nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế; cơ chế an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương chưa hình thành. Trung Quốc đặt năm 1997 thành một mốc thời gian quan trọng trong quá trình xây dựng sức mạnh mọi mặt của Trung Quốc: năm 1997 là năm Trung Quốc thu hồi Hồng Kông và cũng có thể là năm thực hiện một bước kế hoạch hình thành “vành đai kinh tế Đại Trung Hoa” bao quanh Đông Nam Á; năm 1997 là năm quân đội Trung Quốc sẽ được trang bị hàng không mẫu hạm và các trang bị tối tân khác, đặc biệt về hải không quân để có thể vươn ra khắp biển Đông; có tin Trung Quốc đang cố rút ngắn mục tiêu của năm 2000 xuống năm 1997 sẽ tăng tổng sản phẩm quốc dân lên gấp 4 lần. Sức ép của Trung Quốc đối với ta sẽ phát triển thuận chiều với sự phát triển các mặt của Trung Quốc.

Những phân tích tình hình trên đây có thể dẫn đến kết luận: Trước mắt cũng như trong tương lai dự báo được, Trung Quốc là nguồn xuất xứ chính của những thách thức đe doạ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Những thách thức đe doạ trên nhiều mặt của Trung Quốc đối với ta đều đang là những vấn đề hiện thực, đang xảy ra và ta đang phải xử lý, khác với những thách thức đe doạ của các đối tượng khác, kể cả Mỹ, có phần nào còn là giả định và dự phòng. Những mâu thuẫn về lợi ích trên các mặt giữa ta với Trung Quốc có nhiều hơn với các đối tượng khác.

Kiến nghị đối sách

1. Xét về so sánh lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam là nước nhỏ so với Trung Quốc là nước lớn, có trọng lượng và ảnh hưởng chính trị rộng lớn hơn ta nhiều. Nếu tách riêng mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc với những vấn đề tranh chấp hiện có cũng như tiềm tàng thì tình hình hoàn toàn bất lợi cho ta. Nhưng nếu gắn mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc vào trong tổng thể quan hệ quốc tế của thế giới và khu vực, thì ta có khả năng vận dụng được những xu thế lớn của thời đại, như tính tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu được quốc tế hoá cao và xu thế chung muốn duy trì và củng cố hoà bình và ổn định để đẩy mạnh phát triển kinh tế, để cải thiện thế chính trị của ta trong cuộc đấu tranh nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc bảo vệ lợi ích chính đáng của ta.

Vì bên cạnh những chỗ mạnh so với ta trên mặt trận đối ngoại Trung Quốc có những điểm yếu cơ bản mà ta có thể và cần biết cách khai thác để có thể hạn chế Trung Quốc trong chính sách lấn ép ta trên nhiều mặt. Những điểm yếu đó là:

a. Để thực hiện ưu tiên tối cao là đẩy nhanh hiện đại, Trung Quốc cần Mỹ hơn là Mỹ cần Trung Quốc. Do đó, tuy giữa Mỹ – Trung Quốc có đấu tranh và thoả hiệp, nhưng rõ ràng Trung Quốc ngại phản ứng của Mỹ, không dám thách thức Mỹ trong khi thế và lực của Trung Quốc còn có hạn. Thế giới cũng như các nước khu vực đều coi Mỹ là đối trọng có hiệu quả nhất trong việc kiềm chế Trung Quốc. Cũng vì thế Trung Quốc rất không muốn Mỹ cải thiện quan hệ và đi tới bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.

b. Trong lúc chưa xây dựng được lực lượng kinh tế cũng như quân sự đủ mạnh, Trung Quốc rất ngại các nước khu vực Đông Nam Á – đối tượng bành trướng trước mắt của Trung Quốc – liên kết với nhau, đặc biệt là giữa ASEAN và Việt Nam, thành thế “quần lang đấu hổ” chống lại nguy cơ chung. Chính vì vậy mà Trung Quốc đang tìm mọi cách lôi kéo phân hoá Đông Nam Á thành những mảnh riêng biệt, thậm chí có thể chống đối nhau.

c. Trước xu thế mạnh mẽ của chung trên thế giới và trong khu vực muốn có ổn định để tập trung ganh đua phát triển kinh tế, Trung Quốc rất ngại bị dư luận quốc tế, trước hết là dư luận khu vực, coi là “nhân tố gây mất ổn định” ở châu Á – Thái Bình Dương và thế giới. Cuộc vận động của Mỹ, Nhật, nhất là ASEAN, nhằm từng bước thúc đẩy việc hình thành một diễn đàn và tiến tới một cơ chế về an ninh tập thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện nay chính là nhằm kiềm chế Trung Quốc.

2. Để có thể tận dụng những điểm yếu của Trung Quốc vào việc cải thiện thế chính trị trong cuộc đấu tranh không cân sức này, ta nhất thiết cần phải chọn lựa và hình thành một chiến lược đối ngoại hết sức linh hoạt phù hợp với chiều hướng diễn biến chung của chính trị và kinh tế thế giới, thích ứng với những đặc điểm lớn của cục diện quốc tế hiện tại. Cuộc đấu tranh chống lại những thách thức đe doạ của đối tượng đặc biệt này là một nhiệm vụ hết sức thúc bách, đòi hỏi những biện pháp tổng hợp song điển và trên mặt trận ngoại giao là chính.

Với sự kết thúc trạng thái thế giới phân thành 2 cực đối lẫn nhau, do tính tuỳ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các nước trên toàn cầu và trong mỗi khu vực, việc không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá để hoà nhập vào đời sống chung của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng cả về chính trị lẫn kinh tế. Đồng thời trong bối cảnh quốc tế hiện nay, an ninh của một nước tuỳ thuộc rất lớn và trước hết vào mối quan hệ với các nước trong khu vực. Đặc biệt việc xử lý các vướng mắc trong quan hệ quốc tế và khu vực của ta vừa qua cho thấy việc xử lý tốt mối quan hệ với các nước lớn là cực kỳ quan trọng đối với lợi ích an ninh và phát biểu của nước ta. Kinh nghiệm xương máu của dân tộc ta trong những thập kỷ qua cho thấy cần có chính sách quan hệ cân bằng giữa các nước lớn, khôn khéo lợi dụng những sai khác về lợi ích giữa họ với nhau, và tuyệt đối không để bên ngoài hiểu là Việt Nam có ý đồ đi với nước lớn này chống nước nọ, gần lợi ích của ta với lợi ích an ninh và phát triển của các nước láng giềng trong khu vực để taọ cho nước ta một thế quốc tế thuận lợi hơn.

3. Những trọng điểm trong chiến lược đối ngoại của ta phải là các nước lớn trong tam giác chiến lược châu Á – Thái Bình Dương và khối các nước ASEAN, những nhân tố có khả năng tác động nhiều tới Trung Quốc.

[...]

Riêng đối với Trung Quốc

– Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc là một yêu cầu chiến lược của ta. Do Trung Quốc thi hành chính sách 2 mặt nên đối sách của ta cũng gồm 2 mặt vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa chủ động thúc đẩy quan hệ trên cơ sở những thoả thuận đã đạt được, vừa kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đồng thời giữ vững phương châm không để trở lại tình trạng đối đầu với Trung Quốc cũng như không đặt các nước trước sự lựa chọn hoặc Việt Nam hoặc Trung Quốc. Biện pháp tối ưu lúc này là chủ động tạo nên cục diện các nước lớn và ASEAN có lợi ích kinh tế, an ninh ngày càng lớn trong quan hệ với Việt Nam. Cục diện đó cộng với sự lớn mạnh càng nhanh càng tốt của bản thân chúng ta sẽ là sự răn đe có hiệu quả nhất đối vơí mọi hoạt động lấn chiếm của Trung Quốc.

– Kiên quyết đấu tranh hạn chế ý đồ lấn chiếm của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt ở vùng thềm lục địa của ta; áp dụng các biện pháp khôn khéo nhưng có hiệu quả ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc mà không dẫn đến đối đầu về quân sự.

– Xúc tiến việc xác định phạm vi của quần đảo Trường Sa để xem xét khái niệm “khai thác chung”, phá ý đồ Trung Quốc lợi dụng vấn đề này chia rẽ phân hoá giữa ta và ASEAN.

– Chuẩn bị khả năng đưa ra toà án quốc tế hoặc trọng tài quốc tế vấn đề Trung Quốc vi phạm thềm lục địa của ta.

– Đến một lúc nào đó ta nên tính đến khả năng mở cảng Cam Ranh thành một thương cảng cho các tàu quốc tế ra vào, kể cả tàu Mỹ, tạo sự có mặt của nhiều quốc gia ở khu vực biển Đông, ngăn ý đồ độc chiếm của một nước. Song tất nhiên ta phải có chính sách và luật pháp chặt chẽ để bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc gia.

“… Tư duy chính trị xơ cứng đã giam giữ nước ta trong cảnh khó khăn một thời gian dài. Chính vì thế, ngoại giao quãng thời gian này đã để lại trong tôi nhiều băn khoăn suy nghĩ về cái đúng, cái sai, cái nên làm và cái không nên làm…”

Nguồn: VNTB

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Yếu Lòng

Câu chuyện dưới đây xẩy ra đã lâu và bài viết đã đăng trên TTR.  Nhưng khi đọc lại người ta thấy như sự việc mới xẩy ra hôm qua, rất mới, rấ...