03 October 2018

Điểm sách "Silent Invasion"

GS NGUYỄN VĂN TUẤN

Nhờ một bạn giới thiệu mà tôi biết đến cuốn sách “Silent Invasion” (1) của tác giả Clive Hamilton (2). Phải nói rằng đây là một cuốn sách, nói như Giáo sư John Fitzgerald, là rất đáng đọc. Đáng đọc để biết một cuộc xâm lăng âm thầm vào chính trường nước Úc được điều phối từ Bắc Kinh. Đáng đọc để hiểu hơn những chiến lược mà Tàu cộng đã và đang áp dụng, cùng với sự tiếp tay của những Hoa kiều, để mua chuộc ảnh hưởng và qua đó bành trướng chính trị đến các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Đây là một cuốn sách cũng như câu chuyện đằng sau (3) đã và đang gây chấn động ở Úc. Đi đâu cũng nghe giới trí thức nói về nó. Hôm kia, trong một buổi giải lao, một giáo sư người Úc thuộc đại học UTS cũng nói với tôi về cuốn sách này, và những gì tác giả cảnh báo. Người Việt chúng ta, dù ở Úc hay ở Việt Nam, cũng nên đọc quyển sách này. Đọc để thấy sách lược của Tàu nhằm gây ảnh hưởng và xâm nhập vào hệ thống chính trị từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất.

Mục tiêu và chiến lược

Mục tiêu của đảng cộng sản Tàu là kéo Úc vào quĩ đạo kinh tế và chính trị do Tàu kiểm soát. Nhưng vì Úc đang là đồng minh thân thiết của Mĩ, nên chiến lược để đạt mục tiêu đó là tạo ra chia rẽ giữa Úc và Mĩ, là gây ảnh hưởng kinh tế, là đe doạ chính trị, là gây bất ổn cho Úc.

Tàu cộng dùng nhiều biện pháp để thực hiện chiến lược trên. Họ có Mặt trận Tổ quốc để lôi kéo Hoa kiều phục vụ cho họ. Họ lập chi bộ đảng cộng sản ở các đại học Úc nhằm kiểm soát tư tưởng của du học sinh và biến họ thành những “chiến sĩ” tuyên truyền ngay trong lòng nước Úc. Họ tung tiền mua chính khách Úc, từ cấp cao đến cấp thấp. Họ vung tiền mua các tập đoàn kinh tế Úc và mua các cơ sở vật chất (như cảng, công ti năng lượng, đất đai và trang trại).

Cách mà đảng cộng sản Tàu (CCP) gây ảnh hưởng và xâm nhập là qua 3 kênh: người Tàu di cư, các tổ chức xã hội do đảng cộng sản Tàu điều hành, và qua tiền. CCP xem những người Tàu di dân trong thập niên 1980 và du học sinh là những phần tử có thể làm trung gian để thu thập thông tin và báo cáo về cho chính phủ Tàu. CCP thành lập hàng loạt các tổ chức mang danh kiều bào (như Ủy ban Hoa kiều ở nước ngoài, Hội đồng hương Hoa kiều, Hội sinh viên, v.v.) và qua đó chuyển tiền để gây ảnh hưởng đến chính trường Úc. CCP còn tung tiền ra cho các nhân vật trung gian để mua ảnh hưởng, mua ý kiến của giới chính trị Úc để họ có những phát biểu có lợi cho Tàu. Số tiền tung ra không phải hàng triệu, mà con số lên đến hàng trăm triệu đôla!

Những kẻ ‘apologist’ cho Tàu cộng và thân Tàu cộng lí giải rằng việc gây ảnh hưởng mà Tàu áp dụng lên Úc là bình thường, vì Mĩ vẫn làm thế chứ có tử tế gì đâu! Nhưng tác giả Hamilton chỉ ra rằng những kẻ apologist này cố tình chối bỏ thực tế là Mĩ là một nền dân chủ, còn Tàu cộng là độc tài; Mĩ không có ý định chiếm Úc, Tàu cộng muốn; Mĩ bảo vệ Úc, Tàu cộng xâm lược hay ít ra là có ý đồ xâm lược. Những khác biệt giữa các tập đoàn kinh tế Mĩ và Tàu cộng cũng được Hamilton chỉ ra rõ ràng: các công ti Mĩ là tư nhân và độc lập với chính phủ, các công ti Tàu là của đảng cộng sản Tàu; Mĩ xem kinh tế là môi trường kinh doanh, Tàu xem kinh doanh là hình thức để đạt mục tiêu chính trị; các công ti của Mĩ không có chi bộ của đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ, các công ti Tàu là ổ của đảng cộng sản Tàu (trang 113).

“Tiền là bầu sữa của chính trị”

Một trong những vụ mua ảnh hưởng gây tai tiếng xảy ra vào giữa năm nay (2018), khi một thượng nghị sĩ của Úc tên là Sam Dastyari bị buộc phải từ chức và đuổi khỏi Thượng nghị viện. Lí do là y đã nhận hơn 150,000 AUD từ một tỉ phú tên là Huang Xiangmo, người có mối quan hệ rất mật thiết với đảng cộng sản Tàu. Sam Dastyari biết mình bị tình báo Úc theo dõi, và đã tiết lộ tin này cho Huang Xiangmo. Hành động của Sam Dastyari có dân biểu Úc xem là “phản bội.” Phản bội vì làm việc cho ngoại bang. Do đó, sau vụ Dastyari bị đuổi khỏi Thượng nghị viện, Úc phải ra đạo luật nhằm cảnh báo những dân biểu và chính khách Úc có quan hệ với ngoại bang. Nói là “ngoại bang”, nhưng nước được hiểu chính là Tàu.

Huang Xiangmo là ai? Huang sinh năm 1969 ở làng Yuhu (dịch là Ngọc Hồ) thuộc vùng Chaozhu tỉnh Quảng Đông. Huang làm giàu nhanh chóng nhờ buôn bán bất động sản và các mối quan hệ (tiếng Hoa là guanxi) với các nhân vật chóp bu trong Đảng cộng sản Tàu (những nhân vật này đều bị đi tù hay tự tử sau này). Có lẽ thấy tình hình không ổn, nên Huang xin di cư sang Úc sống từ những năm đầu thế kỉ 21. Huang vẫn duy trì mối quan hệ hữu hảo với các nhân vật chóp bu trong Đảng cộng sản Tàu, thậm chí đại diện cho Tàu trong các buổi lễ hội quan trọng ở Úc.

Huang Xiangmo (黃祥模– Hoàng Tường Mô) có một triết lí rất thú vị: “Money is the milk for politics” (Đồng tiền là nguồn sữa cho chính trị). Nói là làm. Từ ngày ông có mặt ở Úc (khoảng 2010), Huang đã cho hơn 4 triệu đôla cho 2 đảng chính trị của Úc, và ông đã đầu tư 2 tỉ đôla vào nông nghiệp Úc. Huang cho hàng triệu đôla để Đại học Công nghệ Sydney (UTS) thành lập viện Úc-Hoa ACRI (Australia-China Relations Institute). UTS cám ơn Huang bằng cách phong tặng cho ông danh hiệu “Giáo sư”.

Trung tâm ACRI được xem là cái loa tuyên truyền của CCP ngay tại một đại học lớn của Úc! Ngay cả vấn đề Biển Đông, ACRI cũng chỉ nói cho Tàu và theo Tàu. ACRI không bao giờ lên tiếng về những đàn áp ở Tàu, không bao giờ đề cập đến vụ Thiên An Môn. Giáo sư Clive Hamilton nói thẳng rằng “Let us call the Australia-China Relations Institute for what it is: a Beijing-backed propaganda outfit disguised as a legitimate research institute, whose ultimate objective is to advance the CCP’s influence in Australian policy and political circles.” (Chúng ta hãy gọi đúng tên của ACRI: đó là một trạm tuyên truyền của Đảng cộng sản Tàu ngụy trang viện nghiên cứu, mà mục tiêu tối hậu là gây ảnh hưởng của Đảng cộng sản Tàu lên chính sách và chính trường Úc).

Một nhân vật được cuốn Silent Invasion đề cập đến nhiều là Chau Chak Wing. Ông cũng là một tỉ phú người Tàu nhưng có quốc tịch Úc. Ông chủ yếu sống ở Quảng Châu trong một biệt phủ rất lớn. Ông là người không muốn xuất hiện trước công chúng, nhưng là một nhân vật có nhiều quyền thế qua đồng tiền. Năm 2015, ông bỏ ra 70 triệu đô la để mua biệt thự “Le Mer” của tỉ phú James Packer, và đập phá để xây lại cái mới theo ý ông! Tỉ phú Chau Chak Wang có nhiều mối quan hệ quan trọng với các nhân vật chóp bu trong đảng Cộng Sản Tàu và trong giới cầm quyền ở Tàu.

Ở Úc, ông cũng quen với rất nhiều nhân vật chóp bu từ thủ tướng đến bộ trưởng trong chính quyền Úc. Năm 2004 và 2005 ông tài trợ cho Kevin Rudd (người sau này trở thành thủ tướng Úc), Wayne Swan (sau này là bộ trưởng ngân khố), Stephen Smith (sau này thành bộ trưởng ngoại giao) sang Quảng Châu. Chương trình chuyến đi có cả buổi tham quan biệt phủ của Chau được mô tả là “mênh mông” và “xa xỉ”. Sau chuyến đi, Chau Chak Wang tài trợ cho Đảng Lao Động Úc 1.7 triệu đôla và Đảng Liberal 2.9 triệu đôla. Báo chí Úc ghi nhận rằng chưa có một doanh nhân gốc Á châu nào mà rộng lòng như Chau Chak Wing.

Năm 2004, Bob Carr, lúc đó là thủ hiến bang New South Wales, cũng là bạn khá thân với Chau. Có lẽ do tình bạn và sự rộng rãi của Chau trong việc cho tiền Đảng Lao Động, nên Carr nhận con gái của Chau là Winky Chau vào làm tập sự trong văn phòng chính phủ của Carr. Sau khi Carr rời chính trường, Winky Chau trở thành “chuyên gia tư vấn”, và cô ta mua luôn tờ nhật báo tiếng Hoa Australian New Express Daily.

Chau Chak Wing cũng chính là người cấp tiền cho Đại học Công nghệ Sydney (UTS) xây tòa nhà “Dr. Chau Chak Wing Building.” Câu chuyện thật ra bắt đầu từ con trai của tỉ phú Chau Chak Wing. Lúc đó (đầu thập niên 2000), Eric, con trai của Chau Chak Wing, đang theo học cử nhân kiến trúc tại UTS. Hiệu trưởng (vice-chancellor) của UTS lúc đó là Giáo sư Ross Milbourne nhận ra nhân vật này và đã lên một kế hoạch xin tiền được mô tả là “cunning” (các bạn muốn hiểu sao cũng được). Milbourne hỏi cậu ấm Eric muốn đi chơi ở Los Angeles để gặp kiến trúc sư huyền thoại Frank Gehry không, và dĩ nhiên cậu ấm ham vui gật đầu. Những gì xảy ra phía hậu trường sau đó thì không ai biết rõ, nhưng chỉ biết kết quả thành công mĩ mãn: Chau Chak Wing đồng ý cho UTS 20 triệu đô la để xây dựng một tòa nhà mới lấy tên ông. Mặc dù ông không có bằng tiến sĩ, nhưng ông yêu cầu UTS đặt tên tòa nhà là “Tòa nhà Tiến sĩ Chau Chak Wing”.

Nghe lén và mĩ nhân kế

Tàu còn nổi tiếng qua những chiêu trò theo dõi khi các quan chức Úc viếng thăm Tàu. Dưới tiêu đề “Bẫy Mật”, tác giả Simon Hamilton thuật lại câu chuyện thủ tướng Úc lúc đó (2014) là Tony Abbott thăm chính thức Tàu cộng, và đoàn của ông có cố vấn Peta Credlin tham gia. Trước khi lên đường, phái đoàn đã được ASIO (cục tình báo Úc) cảnh báo về những chiêu trò theo dõi của an ninh Tàu cộng. ASIO khuyên tất cả các thành viên trong đoàn không dùng charger điện thoại của khách sạn, không dùng bất cứ USB nào được cho làm quà, không bao giờ để máy tính cá nhân trong phòng khách sạn, v.v.

Credlin kể rằng khi nhận phòng khách sạn, bà lập tức rút cái dây điện đồng hồ đánh thức, tắt hết tivi bằng cách rút dây điện khỏi ổ điện. Chỉ vài phút sau, có người gõ cửa nói là “bồi phòng” (housekeeper) đến giúp, và người “bồi phòng” này cắm hai dây điện vào ổ điện. Chờ người bồi phòng rời phòng, Credlin lại rút ra hai dây điện. Vài phút sau, người bồi phòng lại gõ cửa và cắm hai dây vào ổ điện! Bực mình quá, Credlin rút tháo cái đồng hồ đánh thức và để phía ngoài phòng, sau đó bà lấy mền trùm kín cái tivi.

Sở dĩ Credlin phải làm vậy là vì phái đoàn Úc biết được những bẫy mật của Tàu cộng. Trong quá khứ, Tàu cộng dùng rất nhiều mưu mẹo, nhưng phổ biến nhất là dùng mĩ nhân để đưa nạn nhân vào tình thế nan giải. Đã có một dân biểu Úc bị gài bẫy mĩ nhân kế, và Tàu cộng có hẳn video và hình ảnh về mối quan hệ này. Cho đến nay, theo tác giả Simon Hamilton, người dân biểu này đang là cái loa thân Tàu ở Úc.

Đảng là quốc gia

Trong sách Silent Invasion, tác giả Hamilton nhắc nhở cho chúng ta biết rằng một xã hội Tàu đã bị tẩy não hơn nửa thế kỉ. Người dân, đặc biệt là giới thanh niên, nghĩ rằng yêu tổ quốc là yêu đảng cộng sản Tàu, vì đảng chính là quốc gia (party is the nation). Giới lãnh đạo của đảng cộng sản Tàu đã từ bỏ (gián tiếp) quan niệm cách mạng Mác xít, đấu tranh giai cấp, và thế giới vô sản. Nhưng họ duy trì cơ cấu đảng theo hệ thống của Lenin.

Năm 2016, viên bộ trưởng giáo dục Tàu tuyên bố thẳng thừng rằng hệ thống giáo dục phải đi đầu trong việc truyền bá ý thức hệ của đảng cộng sản Tàu, và cảnh cáo các ‘hostile force’ (thế lực thù địch) đang tìm cách xâm nhập vào hệ thống trường học và đại học để gây tổn hại đến “thành tựu của cách mạng.”

Tổ chức văn nghệ vinh danh PLA
(Nhân dân Giải phóng quân Tàu Cộng)
ngay tại Hurstville, thủ phủ của người Tàu lục địa tại Úc.
Tổ chức văn nghệ vinh danh PLA (Giải phóng quân nhân dân)
 (Tàu Cộng) ngay tại Hurstville, thủ phủ của người Tàu lục địa tại Úc.
Những học sinh và sinh viên Tàu ngày nay đã bị tẩy não ghê gớm, tuyệt đại đa số họ không còn phân biệt được giữa đảng và tổ quốc, và sẵn sàng hùng hổ bảo vệ tổ quốc = đảng ở mọi lúc và mọi nơi. Năm 2015, một nhóm sinh viên Tàu thuộc Đại học Quốc gia Úc (ANU) xông vào một nhà thuốc của Đại học và hùng hổ chất vấn chủ nhà thuốc rằng “Ai cho ông phân phối tờ báo này?” Đó là tờ Epoch Times của nhóm Pháp Luân Công. Mới đây, một giảng viên bị sinh viên Tàu hung hăn phản đối vì ông giảng về sự kiện Thiên An Môn và chủ quyền Biển Đông, và sự việc lên tận cấp Bộ ngoại giao Tàu phàn nàn với Chính phủ Úc. Sự việc tuy nhỏ, nhưng nó nói lên những kẻ bị tẩy não này đang là một mối đe dọa đối với Úc.

Những người trẻ thuộc thế hệ bị tẩy não này đang có mặt ở Úc. Hiện nay, có hơn 550 ngàn du học sinh Tàu ở Úc. Ngoài ra, còn số một số nhà khoa học cấp cao (cấp giáo sư) cũng có mặt khắp nơi trong các đại học Úc, và họ hình thành cái mà Hamilton gọi là “enclave” (ý nói những khoa có nhiều giáo sư gốc Tàu). Hamilton lấy một trường thuộc Đại học Curtin (Tây Úc) chỉ ra rằng trong số 8 người cấp ‘faculty’ ở đây, thì 7 người là người Tàu. Có những bài báo khoa học chỉ thuần Tàu và tác giả Tàu, nhưng địa chỉ thì đại học Úc! Hamilton còn chỉ ra rằng một số giáo sư Tàu trong lĩnh vực kĩ thuật và công nghệ thông tin đang ngồi trong các hội đồng khoa học cấp quốc gia của Úc (như ARC College of Experts) có liên quan mật thiết với đảng cộng sản và giới quân sự bên Tàu.

Đừng thờ ơ và ngây thơ!

Tóm lại, Silent Invasion là một cuốn sách công phu và đáng đọc. Tính công phu nằm ở nguồn thông tin, với hơn 60 trang ghi chú và nguồn tài liệu. Đáng đọc để nhìn sự bành trướng của đảng cộng sản Tàu bằng một cái nhìn rộng lớn hơn và bao quát hơn, và để đặt vào bối cảnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Tàu cộng.

Hamilton đã có công lớn chỉ ra những chiến thuật và mưu mẹo của CCP nhằm gây lôi kéo Úc vào trong quĩ đạo của Tàu và bẻ gãy mối quan hệ chiến lược giữa Mĩ và Úc. Ở một mức độ nào đó, có thể nói Tàu đã thành công, nhưng cuốn sách này nhằm cảnh tỉnh những kẻ hoạt động trong chính trường Úc còn mơ mộng ôm Tàu vào vòng tay mình. Hamilton còn cảnh báo rằng sự thờ ơ, ngây thơ của chính khách Úc là một tài sản quí báu của Tàu cộng.

Đối với một nền dân chủ tương đối lâu đời như Úc mà Tàu còn làm được, vì đối với Việt Nam vốn có ‘truyền thống’ lệ thuộc Tàu thì việc những kẻ cầm quyền Tàu cộng gây tác động còn dễ dàng hơn. Đọc cuốn sách này, chúng ta — người Việt — dễ nhận ra những chiêu trò gây ảnh hưởng của Tàu, vì thấy … quen quen. Xâm nhập chính trường. Mua ý kiến và mua quan chức bằng tiền. Tung tiền mua đất đai. Đe dọa hoặc dùng chiêu thức lưu manh. Dùng lưu manh không được thì dùng mĩ nhân kế. Vân vân. Do đó, không thể xem thường những hành động của Tàu ở Việt Nam. Dùng câu nói đó của Hamilton, chúng ta cũng có thể nói rằng sự ngây thơ và thờ ơ của giới “elite” và có học Việt Nam cũng là một tài sản quí báu của Tàu để họ xâm lăng nước ta.

===

(1) Sách “Silent Invasion: China’s Influence in Australia” của Giáo sư Clive Hamilton, Nhà xuất bản Hardie Grant Books 2017. Sách dày 356 trang, kể cả 57 trang bị chú và ghi chú.

(2) Hamilton là giáo sư về đạo đức công chúng (Public Ethics) thuộc Đại học Charles Sturt (Canberra). Ông đã bỏ ra rất nhiều thời gian để theo dõi sự xâm lăng của Tàu vào Úc, và cuốn sách này chỉ là một thành tựu trong thời gian hai mươi năm qua.

(3) Cuốn sách Silent Invasion có một số phận rất gian nan. Theo tác giả Simon Hamilton tiết lộ, thoạt đầu bản thảo cuốn sách được một nhà xuất bản lớn của Úc lả Allen & Unwin đồng ý ấn hành vào tháng 4 năm 2017. Thế nhưng, Allen & Unwin đột ngột hủy bỏ quyết định này vào ngày 2/11/2017, với lí do đưa ra là “pháp lí”. Hóa ra, lí do pháp lí chính là Allen & Unwin sợ Tàu cộng kiện. Thế là Hamilton phải nhờ đến một nhà xuất bản khác, nhỏ hơn, nhưng can đảm hơn: đó là Hardie Grant. Nhưng sự việc một nhà xuất bản số 1 của Úc không dám in cuốn sách làm cho rất nhiều người trong giới khoa bảng cảm thấy xúc phạm đến tự do ngôn luận, và nó thể hiện một sự xâm phạm đến những giá trị cốt lõi của nước Úc.

=====
Nguồn: nguyenvantuan.info/single-post/2018/08/26/Diem-sach-silent-invasion

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...