Pham Thành Châu
Năm ngoái là năm Dậu, tôi viết chuyện con gà. Năm nay là năm Tuất, tôi kể chuyện về con chó. Chuyện tào lao, không văn chương, triết lý gì cả. Đọc cho vui trong mấy ngày Tết, để mấy người già (như tôi) quên chuyện mình đã già thêm một tuổi. Đang “Sống qua ngày, chờ qua đời!”
Có cô gái Mỹ đi du lịch Việt Nam, bị chó rượt, cô đâm đầu chạy miệng kêu cứu “Heo! Heo!” (Help! Help!: Cứu tôi với!) Ông già ngồi trước hiên nói với bà vợ già “Nó không thấy con chó bao giờ nên gọi con chó là con heo!”
Việt Nam mình cũng có thời kỳ chẳng thấy con chó bao giờ. Đó là thời “Toàn quốc kháng chiến”, chống thực dân Pháp, (1945-1954) trong vùng kháng chiến, người dân không được nuôi chó vì ban đêm, du kích đi, chó sủa, sẽ lộ hành tung. Phải diệt chó. Chó bị bắt làm thịt hết sạch nên ban đêm im lặng như tờ. Sau 1954, chia cắt đất nước, dân Hà Nội, từ năm 1954 đến năm 1983, gần ba mươi năm, không hề thấy “dung nhan” con chó ngoài đường như thế nào? Tôi biết bạn không tin nên xin đăng vài đoạn báo, trong một bài nói về việc cấm nuôi chó ở Hà Nội để chứng minh. Vị nào, trên 70 tuổi, ở Hà Nội ắt còn nhớ Ở ngoài Bắc, sau hiệp định Geneve 1954, Lúc đó, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là y sĩ Trần Duy Hưng, đã ra một văn bản cấm triệt để việc nuôi chó. Có nhiều lý do để cấm nuôi chó hồi ấy, nhưng có một lý do mạnh nhất, đó là nuôi chó tốn kém, trong khi đất nước còn gặp vô vàn khó khăn... Để triệt hạ chó, người ta tổ chức các đội bắt và đập chết chó. Cũng có qui định cho phép nuôi chó, nhưng xin được cái giấy phép nuôi chó còn khó hơn xin nhập hộ khẩu. Người nuôi chó phải đến Sở Nội Vụ (Sở Công An) với xác nhận của phường, quận để xin giấy phép nuôi chó, rồi phải làm “Hợp đồng nuôi chó”. Mỗi người chỉ nuôi được một con chó. Chó đẻ con, phải nộp chó con cho công an. Giấy phép có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Qui định thì như vậy nhưng chẳng ai được cấp giấy phép nuôi chó bao giờ. Nhiều người thích chó quá nên nuôi chui. Nuôi chó trong phòng kín, bịt rọ mõm. Nhưng rồi cũng có lúc gặp đại hoạ. Như ông Quyết ở đường Bà Triệu, chuyên nghề bán thuốc lào. Ông nuôi giấu hai con chó trong nhà suốt mấy năm. Vậy mà chẳng biết sơ sểnh thế nào, hai con chó chạy được ra ngoài. Cả phố chạy ra xem, người đi đường cũng ngừng lại xem, để biết “dung nhan mùa hạ con chó” như thế nào? Cảnh náo loạn, kẹt đường từ đường Bà Triệu đến đường Đại Cồ Việt. Thế là công an đến bắt hai con chó, truy tìm chủ nhân. Ông Quyết bị tù. Ra tù, ông lại lén lút nuôi chó.
Người thứ nhì nuôi chó gặp nạn là ông Xuân ở Bạch Mai. Ít người nuôi hai con chó, vì hai chữ “khuyển” thành chữ “khốc”, không phải khóc mà là “khốc hại” Ông Xuân nuôi hai con chó nên mới ra nông nỗi. Hai con chó đẻ ra một bầy chó tám con. Có người đi mét công an. Công an ập vào, xét nhà. Công an kết tội ông là tư bản. Ông Xuân bị tịch thu chó, tịch thu cả nhà cửa, tài sản. Ông chỉ kịp ôm một con chó, chạy thoát về khu Tân Mai, tiếp tục nuôi chó. Có ông Sinh Gà, cũng mê nuôi chó. Ông có đến bốn con Bẹt Giê (berger). Công an xét nhà thì ông ôm chó trốn vào tủ. Lúc đó, chó chỉ kêu lên một tiếng là ông đi tù.
Sau gần ba mươi năm, 1983, Hội Đồng Thành Phố Hà Nội nới lỏng việc cấm chó. Thế là mấy ông nuôi chó chui giàu to. Họ bán chó con với giá trên trời. Muốn lấy giống (nhảy đực) phải trả đến một chỉ vàng. Nhưng sau đó, chó nhập từ Thái Lan, mỗi lần cả nghìn con, chẳng ai nuôi chơi nữa. Họ đến các tiệm thịt chó nhậu cầy tơ. Phong trào ăn thịt chó phát triển khắp nơi. Sau đó, Thái Lan cấm xuất chó qua Việt Nam vì hội Bảo Vệ Súc Vật thế giới la ó nên Việt Nam thiếu chó để xơi, các cậu kẹt tiền có sáng kiến đi bắt trộm chó bán cho các quán thịt chó. Rồi người bắt chó trộm bị đánh đến chết, xe máy bị đốt.
Thời Pháp thuộc thì có nạn đánh chó trộm đêm giao thừa. Số là, đêm giao thừa, người ta đốt pháo, chó sợ, chạy trốn ngoài đồng. Những người nghèo khó thường ra đồng rình đập chó đem về làm thịt ăn tết. Trai tráng trong làng cũng ra đồng, nhưng để rình đánh những người đánh chó trộm. Cảnh người đánh chó trộm tàn bạo cũng giống như thời nay, người ta đánh, có khi đến chết những người bắt trộm chó đem bán. Tôi xin trích mấy dòng về chuyện đánh chó của Tô Hoài trong tập truyện “Chuyện Cũ Hà Nội”
… Chú Cát kể “Mọi năm, cứ đi giao thừa về tao lại cộp một con chó chạy sợ pháo, cũng là thêm thắt cho cái Tết. Nhưng mà bây giờ, thời buổi khó khăn. Vô phúc mà gặp đứa đi rình nó choảng vỡ đầu thằng đánh chó trộm. Năm nào, làng ta đã lôi một người Yên Thái, một người Kẻ Cáo về đầu xóm trói đánh gần chết đấy. Thế nào chúng nó cũng thù, tao sợ (tr. 359 tập 1)Chuyện chó ở Việt Nam còn dài, dài qua đến xứ Mỹ. Sau 1975, người Việt bỏ xứ đi tìm tự do. Có ông kia vượt biển đến đảo. Hội thiện Tin Lành bảo lãnh ông ta qua Mỹ, đưa đến tạm trú trong một căn nhà bỏ trống. Sợ ông ta buồn vì sống một mình, hội đem đến một con chó cho ông ta có bạn. Trình độ Anh ngữ của ông ta (cũng cỡ tôi) không khá lắm. Ông ta chỉ biết nói có ba tiếng: OK, Good và Thank you!. Nhà thờ giao con chó cho ông ta và nói gì đó, ông ta trả lời “OK. Thank you!” Tuần sau, nhà thờ đến, không thấy con chó đâu, hỏi, ông ta không hiểu mới ra dấu và kêu “gâu, gâu!”, ông ta cười “Good. Thank you!” Nhà thờ phải ra dấu cả buổi, ông ta mới hiểu và trả lời “OK. chap, chap con chó. Ngon lắm! Good. Thank you!” (ông ta làm thịt con chó và xơi nó rồi!).
Trước 1954, miền Nam VN, ít người ăn thịt chó. Năm 1954, chia cắt đất nước, gần một triệu người miền Bắc di cư vào Nam tìm tự do. Người Bắc ăn thịt chó nên ngã ba Ông Tạ, nơi người Bắc định cư, mới có bán thịt chó. Thời đó, về ban đêm, chó chạy rông đầy đường. Chúng cắn lộn giành chó cái, kêu sủa om sòm. Người nào muốn ăn thịt chó thì lấy cái lon kim loại rộng cỡ gang tay, một đầu kín, đầu kia, cắt giống như cái hom bắt cá. Bỏ thức ăn vào lon, chó đun đầu vô thì mắc kẹt trong đó, không thấy đường, cứ loay hoay tới lui, nhay múa lân, người bắt chó chỉ việc đến ôm, đem về làm thịt.
Nước ngoài gần Việt Nam nhất là Hàn Quốc, ăn thịt chó còn ác liệt hơn chúng ta nữa. Hàn quốc có hơn sáu nghìn (6.000) cửa hàng thịt chó. Mỗi năm xơi hơn một triệu con chó. Công nghiệp nuôi chó thịt phát đạt không ngừng. 92% đàn ông và 68% phụ nữ Hàn Quốc xơi thịt chó. Họ cho rằng thịt chó ngon nhất thiên hạ. Thế vận hội Seoul 1988, chính phủ phải yêu cầu các cửa hàng thịt chó tạm thời đóng cửa hoặc dời vô hẻm để tránh cho du khách kinh sợ. Năm 2002 giải túc cầu thế giới (Wold Cup), chính phủ Hàn Quốc cũng lại yêu cầu tương tự, nghĩa là các tiệm mộc tồn phải biến mất trên mặt tiền các đường phố.
Ăn thịt chó thì chó “chơi” lại. Đại khái như thế nầy: Bà bạn thân của cựu tổng thống Đại Hàn Park Geun-hye có con chó, nhờ bạn trai coi sóc giùm để mình đi du lịch. Khi về, thấy con chó cưng của mình buồn bả, ốm o sao đó, xót ruột, bèn mắng chửi người bạn trai. Anh ta tức mình, âm thầm tìm kiếm, gom góp hồ sơ của hai bà (tổng thống và bà bạn) đưa ra ánh sáng. Thế là, như bạn biết, tổng thống Park Gueun-hye bị đưa ra tòa, cách chức và đi tù. Nguyên nhân cũng vì con chó. Chưa hết. Khi rời dinh tổng thống, bà bỏ lại chín (9) con chó của mình ở lại dinh (không đem theo) Thế là Hội BảoVệ Súc Vật và báo chí làm rùm beng lên. Kinh chưa? Chó có thể làm một tổng thống bay ghế! Người Việt hải ngoại có câu “Chó sủa mặc chó, đoàn lữ hành cứ đi” để chỉ mấy ông bà lên mặt thầy đời, không bao giờ đi bầu nhưng cộng đồng làm gì cũng lên mặt chê bai, ra vẻ ta đây trí thức (“chồn lùi”, chữ của ông Chu Tử) gây chia rẽ, xáo trộn trong cộng đồng. Câu “Những con chó, chủ cho ăn, lại quay lại cắn tay chủ” để chỉ những người “Ăn cơm Quốc Gia thờ ma cộng sản” Trước 1975 hưởng bỗng lộc của chính phủ Quốc Gia, vinh thân phì gia, nhỡn nhơ, an toàn trong thành phố, trong khi bao chiến sĩ phải hi sinh ngoài chiến tuyến để bảo vệ họ, sau 1975, chạy ra nước ngoài rồi quay về VN liếm gót giày kẻ thù. Tiêu biểu như Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ . . .
Âu Mỹ cũng có món ăn “chó nóng” (hot dog), không phải vũ khí (chó lửa) nhưng cũng không phải làm bằng thịt chó. Lịch sử tên của món ăn Hotdog hơi dài dòng. Dân Mỹ cũng có “tứ khoái” như chúng ta nhưng không phải “ăn, ngủ…” mà thanh tao, công khai hơn nhiều. Đó là Baseball, Hotdog, Apple Pie và Chevrolet. Hotdog là món thịt bằm, nắn thành hình trụ, giống cái lạc xường kẹp vào bánh mì nhỏ, cầm ăn. Hotdog có tên nguyên thủy là Frankfuter, là món xúc xích sản xuất tại thành phố Frankfurt, nước Đức. Người Đức qua Mỹ, mang theo món Frankfuter, bày bán ở New York vào khoảng năm1860. Người Mỹ gọi món ăn này là Dachshund sausage. (Dachshunt là tên một loài chó nhỏ của Đức), về sau gọi là Dog sausage. Món nầy thường được những người bán dạo trong các sân bóng chày (baseball). Người ta giữ nóng trong các lò hấp nên được gọi là Hotdog.
Bạn có bao giờ “cưỡi chó” đi du lịch chưa? Có Greyhound (tên một loài chó), nhưng không phải chó mà là tên của một hãng xe bus đường trường. Tôi chưa đi bao giờ nhưng có thể an toàn hơn là tự lái xe đi. Thật lâu mới thấy báo đăng Greyhound gây tai nạn nhưng tôi thì cứ đụng xe hoài, hãng bảo hiểm nhờ tôi mà giàu thêm chút đỉnh.
Người xứ nào nuôi chó nhiều nhất? Người Mỹ. Theo thống kê (không biết năm nào?) 36% gia đình Mỹ nuôi khoảng 68 triệu con, gấp ba lần người Nga, 25 triệu con (hạng nhì). Chi phí nuôi chó ở Mỹ mỗi năm hết 34 tỷ 400 triệu USD, lớn hơn ngân sách quốc gia của nhiều nước trên thế giới, trung bình 1,266 USD mỗi con một năm (Làm bài toán chia sẽ thấy sai, nhưng tôi chỉ chép tài liệu và để nguyên) Đi đâu xa, phải thuê người trông nom chó. Tiểu bang Virginia, có Olde Town Pet Resort thuộc Fairfax county giữ chó, mỗi ngày 230 USD, là giá biểu cách nay khá lâu, bây giờ phải trả nhiều hơn. Người Âu Mỹ thương yêu chó nhưng rất độc ác. Họ thiến các con chó đực. Bạn thử nhìn dưới đuôi mấy cậu chó sẽ thấy “trụi lủi!” giống hệt các quan thái giám trong cung các vua chúa. Xưa nay, chiến tranh xảy ra vì tranh giành. Các con chó đực cắn nhau cũng vì giành chó cái. Bị thiến rồi, làm ăn gì được đâu mà giành! Giành để làm gì? Bạn đã từng thấy. Gặp anh chó đực, chị chó cái chạy đến, đuôi lúc lắc, tai vểnh lên, đưa cái bàn tọa ra trước mũi chàng “mời anh xơi kẻo nguội!” nhưng chàng phe lờ! Thế nên chó đực Âu Mỹ hiền khô. Chúng gặp nhau, dù xa lạ, vẫn “Vẫy đuôi, vẫy đuôi chào nhau” Không phải chúng vui. Có gì vui đâu? Mặt cậu nào cũng nghiêm và buồn! Chào nhau “Hi!” chỉ vì lịch sự Âu Mỹ thôi. Trong tập truyện “Nghìn Lẻ Một Đêm” (tôi xạo), kể chuyện về cây đèn thần Aladin. Một cô dẫn chó đi chơi bãi biển, thấy cây đèn thần trong bụi cây, bèn cầm lên, mân mê, sờ mó, thần đèn hiện ra “Ta cho ngươi một điều ước” Cô ta mừng quýnh “Em yêu con chó của em nhiều lắm, đi đâu em cũng dẫn theo, ngủ cũng ngủ chung. Xin thần biến con chó của em thành một chàng trai cao lớn, đẹp mê hồn và nhất là rất sung sức” Thần đèn nháy mắt với cậu chó và cười “OK.! Có ngay! Bum!’ Và cậu chó biến thành một anh chàng đẹp trai, khỏe mạnh. Cô gái mừng quá, lôi anh chàng chạy về khách sạn, đóng cửa lại. Tình hình diễn biến đến hồi gay cấn, cô nàng hào hển “Làm việc. Lẹ lên!” Anh chàng thở dài “Lúc anh là con chó, em thiến anh. Còn gì nữa đâu mà đòi với muốn!” Nàng đành thở dài hát tiếp “Thôi hết rồi, thôi hết rồi!”
Nhưng đừng tưởng các cậu chó đó không biết suy nghĩ. Trước khi bị thiến, nhiều con chó yêu cầu nhân viên thú y ghi trên tấm lắc đeo ở cổ một câu “Hận người đen bạc”. Nỗi điên lên, chúng sẽ cắn người. Chúng cắn chân người lớn, cắn chết trẻ con. Có cặp vợ chồng, có con sơ sinh, cho ngủ riêng, nửa đêm, con chó nuôi trong nhà lôi đứa bé xuống, cắn chơi, đến nát đứa bé, máu me khắp nhà. Trời cứu! Bị chó cắn nhiều nhất là mấy ông bà đưa thư. Có ông đưa thư bị chó rượt, hoảng hồn, chạy băng qua đường, bị xe tung. Ông ta đưa chủ con chó đó ra tòa. Trong năm 2016, trên nước Mỹ, có đến 6,700 người đưa thư bị chó cắn. Nhiều nhất là Los Angeles (CA) 80 vụ, Houston (TX) 62 vụ, Cleveland (OH) 60 vụ Bạn có biết giống chó nào dữ nhất không? Bẹt giê? (German shepherd) Chưa phải. Đứng đầu là Duchshund, mình dài như mình ngựa, tiếp đến Chihuahua (bé tí mà thấy người lạ là sủa nhặng lên) rồi Jack Russell terrier, Akita, Australian cattle dog, Pit bull (cau có, bặm trợn) Beagle cuối cùng mới đến German shepherd. Chó dữ là chó thấy người lạ là sủa, gầm gừ nhe răng . Chó tấn công cắn người nhiều nhất là giống Pit bull. Mỗi năm, ở Mỹ có khoảng 12 người bị chó cắn chết, nhiều nhất là trẻ em. Thống kê quên kể đến giống chó Tây Tạng. Dân du mục miền tây bắc nước Tàu (Tây Tạng, Mông Cổ) thường nuôi giống chó nầy để chăn dê, cừu, trâu lùn. Thấy ngưòi lạ là chó tấn công ngay. Nó không cắn mà “táp” sứt thịt.
Con chó cao nhất thế giới có tên là George Khổng Lồ, giống Great Dane. Cao 1.09 mét nặng 111 kg. Chú George nầy xơi mỗi tháng 50 lí lô thức ăn. Ông David Nasser, chủ của chú chó George kể rằng. Trong một chuyến bay đến Chicago, phải mua cho chú Georgr ba chỗ (ghế) để chú được thoải mái. Hành khách trên chuyến bay xúm lại ngắm nhìn rồi chụp hình chú George. Mất trật tự quá! Thế là phi hành đoàn phải mở đèn “Ngồi xuống. Thắt dây an toàn!”
Giống chó nào đẹp nhất? Tôi chịu thua. Vì xem những cuộc thi chó đẹp trên TV, (Westminster Kennel Dog Show 2017) tôi thấy nhiều con chó quá sức đẹp, đẹp mê hồn không được giải thưởng mà những con tầm thường lại đứng nhất! Hóa ra họ chấm điểm thi chó cũng giống dân nhậu Việt Nam ta bình bầu chất lượng sản phẩm chó (nhất bạch, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm!) Người dẫn chương trình giới thiệu nhiều con chó đắt giá. Có con giá đến 50,000 USD. Trong cuộc thi, tôi không thấy “chó trụi long”. Có lẽ, cũng giống như thi hoa hậu người. Ngoài việc mặc đồ lót để xem “body” thí sinh còn phải mặc áo quần đẹp để chấm điểm thời trang. Chó trụi lông thì lấy gì mà chấm điểm trang phục?
Trong lăng mộ các vua Ai Cập Pharao, hình vẽ các con chó đều không lông. Chó không lông thì có loại Dugo Argentino ở Argentina, loại Dalmatien ở Anh. Người Mỹ cũng như người Viêït, tin dị đoan, không nuôi chó không lông. No hair! Xui tận mạng! Chó cạo sạch lông thì có đấy. Ở Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn, chó cạo sạch lông, thui vàng ươm, thơm phức. Không chỉ bán thịt chó, hiện nay, vùng ngã ba Ông Tạ còn có chó kiểng, chó quí hiếm. Nhiều tiệm cà phê có nuôi chó kiểng để khách yêu chó đến uống cà phê và vuốt ve các cô, chú chó (thật) hiền lành, dễ thương (sau đó qua tiệm thịt chó bên cạnh, nhậu) Có một chuyện lạ và thú vị. Tôi đọc trong “Hậu Chuyện Kể Năm 2000” của Vũ Thư Hiên (Tôi không quảng cáo sách của ông ta) có đoạn “Cũng phải kể một tối ở Berlin, chúng tôi đi chơi, về nhà Hòa, em gái Hiên, tại một chung cư. Ngay chân cầu thang, gặp một ông già người Đức, dắt theo một con chó to lớn. Trông thấy chúng tôi, nó sủa, miệng há, răng trắng nhởn, nhả ra từng tiếng sủa và đớp từng miếng không khí. Người Đức từng trên rất nhanh dắt con chó bước lên. Chúng tôi lên thang. Cửa buồng Hòa đã mở. Hòa đang ngồi chờ chúng tôi. Hiên hỏi “Sao em biết bọn anh về mà mở cửa sẵn?” Hòa vô tư nhất đời “Nghe tiếng chó sủa là em biết. Con chó này chỉ sủa người Việt Nam mình thôi. Không sủa người Đức” (p 458, 459) Tôi đoán chừng như thế nầy: Người mình thường nói. Ai ăn thịt chó, ra đường, chó sủa vì có mùi chó trên người. Hoặc bọn chó trên thế giới đã được cảnh báo nhau trên “mạng” (internet) rằng “Thấy người Việt phải đề phòng. Có thể họ bắt mình để ăn thịt hoặc bắt mình đem bán cho các tiệm nhậu thịt chó”.
Chó Âu Mỹ văn minh lắm. Con nào cũng có computer trong phòng và Iphone lận trong người. Chúng cũng email, message… với nhau hằng ngày. Dân chơi chó quí hiếm phải là người giàu có. Họ ở biệt thự, thuê người săn sóc chó. Mấy ông bà thường dẫn chó ra đường (ỉa bậy) để khoe chó, tưởng chó của mình đẹp nhất. Thử đưa đi thi chó đẹp xem sao? Mới vòng loại thôi là đã bị ra rìa rồi. Tôi không thích chó. Không tắm, nó hôi rình. Lông chó khắp nơi. Vậy chứ nhiều người thương chó, xem như con. Xưng là “dad”, “mom” với chó. Cha mẹ thì tống vô nhà già, chó thì cưng. Tắm chó hằng ngày, hốt cứt chó, ngủ với chó, (36% ngủ với chó), chó bịnh thì quýnh lên, mất ăn mất ngủ. Có bà triệu phú, trước khi chết để di chúc cho “cậu chó” của bà năm triệu USD, giao cho nhà thờ chăm sóc, có luật sư theo dõi việc thi hành. Nhà thờ gặp xui. Số là thực đơn cho cậu chó có món thịt bò mềm. Người nuôi chó tiếc tiền, mua bạc nhạng, bầy nhầy về nấu cho cậu xơi. Cậu chó tủi thân, bỏ ăn. Vừa lúc luật sư đến, thấy “thân chủ” buồn rầu, trầm cảm, bèn tìm hiểu, phát hiện nội vụ. Vậy là nhà thờ mất quyền chăm sóc, mất luôn mấy triệu bạc! Công ty bảo hiểm chó, mèo Petplan đặt câu hỏi cho 1105 chủ chó mèo rằng: Nếu phải đi đến một hoang đảo không có người thì giữa chó mèo và bạn tình hoặc người phối ngẫu (chồng, vợ), chọn chó mèo hay người? Kết quả. Có đến 2/3 người chọn đem chó hoặc mèo theo. Bồ bịch, chồng, vợ đem theo chỉ thêm mất ngũ.
Chó thả rông ngoài đường thường đuổi cắn người. Người ta gọi cảnh sát. Cảnh sát đến, nó tấn công luôn cảnh sát, cảnh sát rút chó lửa ra, phơ chó điên. Trung bình, mỗi năm cảnh sát Mỹ bắn chết 10,000 con chó. Ông Adrin Nazarian, dân biểu ở Cali. đưa ra dự luật buộc cảnh sát phải qua một khóa huấn luyện tìm hiểu tâm lý và hành động của chó. Truyện “Cậu Chó” của Trần Đức Lai kể. Có bà thượng thư ngoại tình, sinh ra một cậu, mình mọc đầy lông, không biết nói, suốt ngày chỉ ăn và đòi “chơi”. Không cho cậu làm chuyện đó, cậu tru lên ỏm tỏi. Bà thượng thư phải mướn đến hai cô baby sitters, thay phiên nhau phục vụ mà cậu cứ tru liên tục khiến hai cô “Mệt muốn chết!” Ông nào muốn làm “Cậu Chó? Đưa tay lên!”
Đố bạn. Có loài chó nào không có răng? Một bà Nam kỳ đến chơi nhà một bà người Huế. Mới đẩy cổng, một con chó xồ ra, bà ta thụt lùi. Bà bạn Huế bước ra, trấn an bạn “Cứ vô nhà đi. Hắn không cắn mô. Không răng mô” (Không sao đâu) Bà Nam kỳ lắc đầu “Hàm răng trắng nhỡn, ngó thấy ghê mà nói không răng!”
Bây giờ qua chuyện chó chết, người chết vì chó ở xứ Mỹ. Nhiều lắm! Cô Sara McBurnett lái xe trên xa lộ ở San José, cọ quẹt sao đó với xe của một cậu. Hai người ngừng xe, xuống đôi co. Lúc đó cô Sara đang bồng con chó cưng (tên là) Leo trên tay. Chàng kia thấy gai mắt, giật con chó Leo trên tay cô Sara ném xuống đường rồi lên xe bỏ đi. Xe sau chạy đến cán chết con Leo. Cô Sara đưa vụ việc lên net (internet) hứa sẽ thưởng 5,000 USD cho ai tìm ra người lái xe Ford Explorer (là người ném con chó của cô xuống đường cho xe cán) Thiên hạ góp thêm tiền, lên đến 120,000 USD để khuyến khích những người cần tiền đi tìm thủ phạm. Mười tháng sau Andrew Burnett bị bắt. Tòa xử trong bảy ngày, bồi thẩm đoàn họp trong 40 phút rồi tuyên bố “Andrew Burnett có tội. Ba năm tù” Và Andrew Burnett nổi danh khắp thế giới.
Một chuyện chó khác. Vợ chồng (đều là) luật sư. Ông Marjorie Knoller và bà Rubert Noel có hai con chó, mỗi con nặng gần 60 kí lô, tấn công cô Diane Whipple, cắn cô chết. Vợ chồng luật sư, chủ chó, bình thản bước qua xác chết, vô nhà, còn nói “Vì nạn nhân xức nước hoa, chó bực mình, cắn chết ráng chịu”. Ra tòa, mỗi người lãnh 4 năm tù.
Một chuyện chó nữa. Thành phố Buffalo. Newyork, chị Naomi lấy anh John được sáu tháng. Chị Naomi suốt ngày cứ ôm chó mà vuốt ve tâm sự, chả chịu làm gì. Một hôm, đi làm về, “mệt thấy mẹ!” mà anh John thấy vợ cứ ôm con chó mà vuốt ve, cơm nước chẳng thấy đâu! Giận quá, anh John giật con chó vất xuống nền nhà. Con chó kêu lên đau đớn. Chị Naomi, lấy súng, tương cho anh chồng John ba phát, chết queo.
Một chuyện chó khác, xảy ra ở St. Jame, New York. Ông nhạc sĩ già Bryan Maher, 60 tuổi, đi uống cà phê, có đem theo con chó. Không được dẫn chó vô tiệm nên ông ta để chó trong xe, để máy xe nổ cho có hơi nóng sưởi chó. Con chó loay hoay sao đó ở cần hộp số khiến xe chạy thẳng vô tiệm cà phê. May, không ai việc gì. Mở cửa, chó vẫy đuôi, gâu gâu, ý muốn nói “Tôi biết lái xe rồi!”. Bà chủ tiệm cà phê Patricia McCathy thì thở dài “Thèm cà phê thì nói người ta mang ra. Đây đâu phải tiệm fastfood mà mầy drive through!”
Ở Á châu, giới ăn mày sợ chó và bị chó cắn nhiều nhất. Trong truyện kiếm hiệp Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung, xếp sòng giới ăn mày là Hồng Thất Công, có cây gậy đánh chó “Đả Cẩu Bổng” và truyền cho bọn ăn mày dưới trướng Đả Cẩu Bổng Pháp (cách đánh chó) để phòng thân.
Chó khôn ngoan và trung thành, thường được được huấn luyện để giúp người mù, người bịnh hoạn, tàn tật trong sinh hoạt, đi lại. Ông Stalnaker ở Phoenix, Arizona, có nuôi con chó Buddy. Một hôm ông ta bị lên cơn kinh phong, nằm lăn ra ở nền nhà. Con chó Buddy bấm 911 rồi sủa gâu gâu, cảnh sát đến đưa ông Stalnaker vào bịnh viện cứu chữa, hai ngày sau về nhà. Xem TV tôi thấy có con heo. Bà chủ bị sao đó, nằm lăn dưới nền nhà. Con heo ra đường đứng. Thấy xe nào chạy qua cũng tỏ vẻ muốn chận xe lại. Có anh thanh niên thấy lạ, ngừng xe, bước xuống. Con heo vẫy đuôi đi trước, anh ta theo sau, vô nhà. Thấy thế, bèn gọi xe cấp cứu đến, cứu được bà ta.
Một chuyện chó khác. Một bà đem con chó cưng đến tiệm “Dog Beauty Salon” (Thẩm mỹ viện chó) để làm đẹp cho nó. Không hiểu “trim” (cắt tỉa, o bế bộ lông) con chó thế nào mà bị bà ta kiện chủ tiệm ra tòa “Tôi bảo. Cắt ngắn thôi. Salon lại làm trụi lũi, đưa cả da chó ra. Tôi buồn rầu, đau khổ khôn nguôi. Phải bồi thường một triệu đô la cho thiệt hại tinh thần và tình cảm của tôi”. Viện cớ phải tìm hiểu thêm sự việc, luật sư của bị đơn (chủ tiệm salon) xin hoãn vụ xử đến bốn tháng. Tòa đồng ý. Bốn tháng sau, bộ lông con chó mọc lại dài như “thuở ban đầu”. Tòa xử huề. Nói về lông chó, tôi nhớ, thời trước 1975, ở Sài Gòn, đường Hàm Nghi có chợ chó, bán đủ các thú nhỏ. Chó, mèo, chuột bọ, rắn rết . Mấy ông bà bán chó lấy thuốc nhuộm tóc, nhuộm lông các con chó. Con thì lông vằn vện như con cọp, con thì lốm đốm như con beo. Các chàng lính Mỹ ngạc nhiên và khoái lắm. Mỗi chàng, khi hết nhiệm kỳ viễn chinh hoặc về phép thường ra Hàm Nghi mua một con “chó lai cọp, lai báo” đem về Mỹ để khoe với bạn bè. Không ngờ, sau mấy lần tắm cho chó, thuốc nhuộm phai dần, lòi ra bộ lông của “Ngày xưa Hoàng thị”. Việt Nam mình, phần đông, chẳng ai tắm cho chó, chỉ một lần duy nhất, dội nước sôi để cạo lông chó mà thôi!
Để chấm dứt, tôi xin kể vài chuyện con chó liên quan đến những nhân vật Việt Nam được nhiều người biết.
Thời vua Tự Đức nhà Nguyễn có quan Phụ Chánh Đại Thần Tôn thất Thuyết, tính nóng nảy và hung ác. Vua Tự Đức bảo với cận thần “Tôn Thất Thuyết là kẻ ít học không thông việc đời, lại có tật quá nóng nảy nên hay nói càn” Khi giữ chức Tán Tương Quân Vụ, dưới quyền thống đốc Hoàng Kế Viêm, phụ trách quân thứ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Ông khó ngủ. Một đêm, có tiếng chó sủa khiến ông mất ngủ. Sáng ra, ông gọi lý trưởng làng đó đến, chém đầu. Thế là ông đến đâu, người ta giết sạch chó đến đó vì không ai muốn bị ông ta chặt đầu. Một lần khác, đóng quân tại nhà viên chánh tổng ở phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đêm khuya, ông giật mình, mất ngủ vì tiếng khóc của một đứa trẻ nhà bên cạnh. Ông ra lịnh đem đứa trẻ ra chém đầu.
Trong lịch sử Việt Nam có người nóng nảy và hung ác như Tôn Thất Thuyết thì cũng có một người rất thanh liêm, đạo đức như tổng thống Ngô Đình Diệm. Xin kể một chuyện cũng có liên hệ đến chuyện chó. Đó là “Ngã Ba Chuồng Chó”. Sau năm 1954, miền Nam còn yên tĩnh, thái bình. Một lần muốn di hành, xem dân chúng sinh hoạt ra sao về ban đêm, cố tổng thống Ngô Đình Diệm cho tài xế chở mình chạy một vòng Sài Gòn, Chợ Lớn. Rồi xe lăn bánh ra vùng ngoại ô. Xe lang thang đến Ngã Ba Chuồng Chó. Tổng thống ngạc nhiên. Khuya rồi mà ở đó vẫn ồn ào, náo nhiệt? Thình lình một bầy con gái, mắt xanh mỏ đỏ, áo hai dây, quần một ống, chận xe lại “Vô đây đi anh! Đi đâu cũng vậy. Đi em, em cám ơn!” Tài xế phải cho xe vọt qua. Tổng thống ngạc nhiên. Hỏi chuyện gì vậy? Tài xế phải khai thiệt “Ngã Năm Chuồng Chó” nầy là khu ổ điếm. Sáng hôm sau, tổng thống họp nội các, giận dữ, cách chức bộ trưởng Xã Hội, cách chức tỉnh trưởng Gia Định, cách chức quận trưởng Gò Vấp. (Cá nhân tôi trộm nghĩ: Lãnh đạo đất nước trong thời nhiễu nhương mà quá ngay thật, lấy “đức nhân” ra mà ban cho thần dân thì cái họa “phản thần thí chúa” của bọn quân phiệt không thể tránh khỏi)
Bây giờ qua chuyện ông đảng viên Cộng Sản bỏ đảng Hà Sĩ Phu. Năm Bính Tuất (2006), trên tờ An Ninh Thế Giới của Việt Cộng có bài viết của nhà báo (VC) Nguyễn Như Phong, gọi những đảng viên bỏ đảng là những kẻ xấu xa, không bằng con ngựa, con chó là hai con vật trung thành với chủ. “Con không chê nhà khó, chó không chê chủ nghèo". Thế mà Hà Sĩ Phu lại thừa lúc đất nước mình còn nghèo để quay lưng lại với cái sự nghèo của đất nước, để đi ôm chân nước ngoài giàu có, mà phản bội đất nước” Ông Hà Sĩ Phu không thèm trả lời, chỉ tung lên mạng (internet) một bài tản mạn về sự trung thành của con chó như sau
“Cha ông chúng ta tinh tế lắm: Cái chất đáng yêu nhất của con chó là trung thành với chủ, nhưng các cụ không bao giờ ví “Trung thành như chó” cả. Bởi sự trung thành, ở người, là một phẩm chất cao quí bao hàm cả lương tâm, trí tuệ, và bản lĩnh, khác xa với sự “trung thành” của loài vật, vốn chỉ là quan hệ bản năng đối với người chủ cho nó ăn. Câu 'ăn cây nào, rào cây ấy' cũng chỉ là lời khuyên về sự khôn ngoan, về tính thực tế chứ không phải chuẩn mực cho sự trung thành. Chỉ những tính chất phi nhân thì các cụ mới ví với chó 'đểu như chó', 'lật mặt như chó', 'ngu như chó'. Đến câu 'dại như chó' thì thật lạ! Biết vẫy đuôi mừng chủ, bảo vệ chủ để được ăn thì khôn quá đi chứ, thế mà các cụ lại liệt khuyển ta vào loại dại. Cũng có khi các cụ khuyên nhủ: “Chó khôn không cắn càn”, nhưng các cụ thừa biết đã là chó thì thưởng thức thế nào được lẽ càn khôn…”.Viết về các nhà văn của đảng, nhà văn bỏ đảng Dương Thu Hương xếp loại “50% thích và yên tâm với kiếp ngựa, 30% hiểu nỗi thống khổ của thân trâu ngựa nhưng chỉ cúi đầu cam chịu, 15% máu nóng hơn, đủ dũng khí tốc vó đá vào chuồng lúc nửa đêm, khi chủ và bọn giữ ngựa ngủ say, chỉ còn 5% có tinh thần phản kháng ở nhiều cấp độ” Thực ra họ chỉ là bọn thư lại chứ chẳng phải nhà văn.
Ông Hà Sĩ Phu dựa theo ý của ông nhà văn VC Nguyễn Như Phong. Bảo rằng “Đảng viên VC phải trung thành với đảng như những con chó trung thành với chủ” và trích mấy câu thơ của nhà thơ Tường Vân ở Hải Phòng như sau:
Bảo ra đườngHết
Ra đường
Bảo nằm gầm giường
Nằm gầm giường
Bảo sủa
Sủa
Bảo im
Im
Và cứ thế triền miên
Một đời con chó!
PTC
No comments:
Post a Comment