27 January 2018

CHỚM ĐÔNG


CHỚM ĐÔNG
Winter is coming
 Oil on canvas, 24x30 in (61x76cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

Có một hôm khi đi dã hành tôi nhìn thấy một con nai. Nó chui từ trong rừng ra ngoài con đường bộ hành đứng quay mặt về phía tôi nhìn chăm chú. Chú nai đứng im dò hỏi. Đôi mắt to đen - lúc nào cũng to đen - bộ lông rực lên trong ánh nắng ban chiều. Cảnh hoang dã, bỗng hoang dã hơn vì có mặt con nai. Thành phố Hamilton, Canada, khá lớn bao gồm nhiều khu bảo tồn thiên nhiên không lớn lắm nhưng đủ sức cung ứng một mạng lưới dã hành cho những người thích đi bộ, có thác nước, có suối róc rách, và một số chim muông cầm thú.

Rồi một lần khác khi xuống downtown lái xe đi theo xa lộ, một bên là triền dốc xuống, một bên là vách núi bỗng nhìn thấy một chú nai khác đang ăn cỏ ở trên cao. Cảnh tượng hiện ra hùng vĩ. Tự nhiên muốn vẽ lại nên cố nhớ một số chi tiết, hẳn là không phải để vẽ hiện thực mà cũng chẳng thể làm được như vậy, chỉ mong giữ được cái hồn của cảnh vật.  Chú nai là điểm nhưng vách đá mới là nhân tố tạo nên cái hồn cảnh vật chớm đông.

Vẽ xong một bức tranh, đứng nhìn lại thấy bị ngợp. Nhất là những bức tranh lớn, phải nhìn đi nhìn lại, ngắm nghía, hết góc độ này sang góc độ khác để tìm ra những chỗ sai, những chi tiết vẽ chưa đạt.  Nhìn riết nên đâm ra bão hòa, không còn biết tranh đẹp hay dở nữa. Thế cho nên nhiều khi  phải cất nó đi vài ngày, vài tuần, vài tháng, thậm chí một năm để khi nhìn lại sau một thời gian "quên bẵng" tranh sẽ "tươi mát" hơn, "lạ lẫm" hơn.

Sau khi cầm cọ được khá lâu mới chợt hiểu ra tại sao có những họa sĩ sau khi vẽ ra cả đống tranh rồi xếp xó, chẳng hề đem tranh ra khoe với ai kể cả bạn bè, cũng chẳng hề nghĩ đến chuyện bán tranh của mình mặc dầu bụng đói meo!!  Đáp lại sự thôi thúc phải cầm cọ vẽ, nặn màu ra khay rồi quệt sơn lên canvas tự nó đã là chuyện thỏa chí, thỏa lòng và trọn vẹn. Còn chuyện chường tranh ra nhiều khi là chuyện ngại ngùng, nhất là khi chính mình vẫn còn do dự về tranh của mình. Lúc thoải mái dễ dãi thì thấy đẹp, khi mệt mỏi mắt hoa lên thì thấy ... thế nào ấy.

Có những bức tranh mình không vừa ý lắm thường là về kỹ thuật. Ấy thế mà có những người ngắm xong rồi đòi mua. Té ra tranh nó còn có phần hồn và đó là phần quan trọng hơn. Mua tranh là quyết định vượt khỏi giai đoạn thích tranh vì cái ý muốn chiếm hữu bức tranh làm của riêng đã rõ ràng, Ngay cả mua để tặng cho người khác thì khi đó tranh trở thành một sứ giả được tín cẩn thay mặt mình tỏ lời tâm sự, tỏ tình yêu mến.

Ngoài cái kỹ năng tạo ra hình hài một bức tranh còn có sự xúc cảm thổi phần hồn vào đó. Hồn bức tranh rất khó phân giải và thiếu nó bức tranh bớt sức thu hút. Bạn có muốn giúp ý kiến làm thế nào để thổi cái hồn vào một bức tranh không?

A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

1 comment:

  1. Muốn thổi hồn vào một hoạ phẩm thì họa sĩ cần...sống với bức tranh ấy như thể là người và tranh hòa nhập thành một!
    Thế có nghĩa là... sẽ phải sừng sững, oai nghi như ngọn núi; lạnh như tuyết rơi; ngơ ngác như những chú nai. Từ đó sẽ hiểu làm sao để sừng sững, oai nghi, lạnh hay ngơ ngác... để làm sao tạo được tất cả cảm giác ấy cho người xem tranh cũng như họa sĩ đang cảm nhận - có được tất cả cảm xúc ấy rồi hãy cầm cọ!
    Út Như Thương nghĩ thế ông họa sĩ à!

    Út Nt.

    ReplyDelete

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...