06 January 2018

Lượm, truyện ngắn

Lanh Nguyễn

Khoảng năm 1968 sau tết Mậu Thân, thời điểm mà Việt Cộng thường hay đấp mô trên các trục lộ giao thông, đường xá bị kẹt, xe cộ không chạy được, tui ra Tân Hiệp ở trọ nhà cô tui để đi học, cho khỏi bị trể giờ vì VC đấp mô chận đường xe.

Sau nhà cô tui có vườn xoài hơn chục cây đủ loại. Xoài thanh ca, xoài tượng, xoài thơm, xoài các... Nhưng lạ một điều con nít ở chợ hổng biết lượm xoài rụng để ăn. Hay là bọn nó không dám vô vườn mặc dù vườn không nhà trống.

Lúc đầu thấy xoài rụng nhiều quá tui ham, lượm sạch sẻ chất cả đống trong nhà, nhưng mà một mình thì ăn được bao nhiêu, hơn nữa xoài non vừa chua vừa chát ăn nhiều ê răng thấy bà cố, vì vậy mấy hôm sau là tui cũng không thèm ngó tới chúng nữa.

Ngang cửa nhà cô tui có cất cái chòi nhỏ bên vệ đường chuyên bán đồ ăn vặt như bánh, kẹo, trái cây theo mùa...

Một buổi chiều sau khi tan học về tui đang lui cui nấu cơm kho cá trong bếp ở nhà sau thì nghe tiếng con gái nói chuyện:
    - Ai mà kho cá thơm quá dzị ta.
    Tui quay ra cửa bếp, hai cô nhóc, tóc cột bính đang thập thò ló mặt vô nhìn, tôi hỏi:
    - Tụi em tìm ai dzậy?
    - Đâu có tìm ai, nhà của bác Sáu bỏ không lâu rồi hổng có ai ở. Mấy hôm nay thấy có người tới, tụi em muốn qua làm quen chơi thôi. Mà anh là con trai sao mà biết nấu cơm kho cá hay quá dzị?
    - Hay gì mà hay? Vo gạo xong thì nhúm lửa lên nấu, khi nó sôi đều thì chắt hết nước ra, bớt lửa chừa than lại, chờ cho nó chín, đơn giản vậy ai mà hổng biết làm?
    - Em hổng nói chuyện nấu cơm, kho cá kìa, sao anh kho thơm quạ dzị, má em kho hổng thơm chút nào hết. Cho coi thử được hông?
    Tui chưa kịp trả lời, hai cô bé đã chạy tót vô trong rồi dở nắp nồi cá kho ra mà nhìn:
    - Sao khô queo dzậy? Hổng còn miếng nước nào hết lấy gì chan cơm ăn?
    Cô kia thì xì một tiếng chê:
    - Hổng biết kho cá, để khét ngẹt vậy mà mầy khen thơm, kéo tao vô coi.
    Tôi cười trả lời:
    - Hổng phải kho khét à nghen, tui kho quẹt đó, em kia nói đúng còn em trật đường rầy xe lửa rồi, nhìn kỹ đi, nước vừa cạn thôi đâu có khét miếng nào...
    Muốn quẹt thử hông?
    Hai cô bé lắc đầu lè lưởi rồi hỏi tôi:
    - Anh học lớp mấy, trường nào dzậy? Thái Hòa hay Kiên Tân?
    - Đệ Tứ trường Kiên Tân. Còn hai em?
    - Tụi em đang học lớp Nhứt (lớp năm) trường Tân Hiệp. Cuối năm nay là học chung trường với anh rồi đó.
    Tui cười chọc chúng:
    - Sắp thi mà hỏng ở nhà ôn bài, coi chừng không vô được Kiên Tân mà phải chạy qua Thái Hòa, học ở đó xong ra làm bà Phước luôn...
    Hai cô bé trề môi xì lia lịa rồi bỏ đi một nước...

    Cả tuần lể sau thì hai cô trở lại, đứng thập thò trước của bếp. Thấy vậy tui hỏi:
    - Hôm nay hổng có kho cá, hai em qua xem cái gì?
    Hai cô bé trả lời tỉnh bơ:

    - Thấy khói lên mà hổng nghe mùi gì hết nên tụi em chạy lại xem coi anh nấu món gì mà ngộ dzậy?
    - Luộc gà. Hai con gà luộc muốn ăn hông?
    Hai cô gái bước vô bếp nhìn dáo dác chỉ thấy duy nhất có nồi cơm nên lên tiếng cự:
    - Nồi gà luộc đâu? Hay là anh xạo với tụi em?
    Tui cười ngất trả lời chúng:
    - Hai con gà luộc nằm trong nồi cơm đó, giở thử nắp nồi xem coi nó chín chưa?
    Hai đứa chạy lại dành coi, trong nồi chỉ có 2 cái trứng gà nhỏ xíu. Một cô lắc đầu trề môi chê:
    - Tưởng nấu món gì lạ hổng bay mùi, ai dè là luộc hột gà thì làm sao có mùi được, thiệt là uổng công đi theo mầy coi.
    Nghe cô ta chê tui bèn ghẹo:
    - Con trai làm gì biết nấu đồ ăn, hổng cá kho quẹt thì hột gà luộc là cùng. Em có chị gái hông? Nếu có thì nhờ chị qua làm đồ ăn dùm đi, tui cám ơn nhiều.
    Tui đinh ninh thế nào cũng bị cự, nhưng không, một cô cười nói:
    - Em tên Minh ở ngang cửa nhà anh, em hỏng có chị gái, có một đứa em trai đang học lớp năm (lớp 1) thôi. Còn con Tám thì nhà cũng gần đây, nó có 2 chị gái lận. Để tụi em hỏi xem coi có ai chịu nấu đồ ăn dùm anh hông nghen.
    Cô bé Tám còn rắn mắc hơn:
    - Em đố anh câu nầy anh mà trả lời được thì em nhờ chị Sáu qua nấu đồ ăn dùm chịu hông?
    Tui động tánh hiếu kỳ hỏi tới.
    - Câu gì đâu nói thử nghe coi có trả lời được hông.
    Bé Tám cười cười nói:
    - Bài toán đố nầy cho anh 10 phút suy nghĩ thôi, quá mười phút coi như thua đó. Nghe kỹ nghen
    Vừa gà vừa thỏ xỏ một xâu
    Đếm chưn 36, đếm đầu 13.
    Nghe hai câu đố tui ôm bụng cười. Hai cô bé trợn mắt nhìn:
    - Sao? Khó quá hả có cần giấy viết hông tụi em kiếm cho.
    - Trời ơi! Đố gì mà dễ ẹt, dễ còn hơn ăn cá kho quẹt nữa. Nghe nè đây là loại toán đố giả sử. Gà, thỏ có 13 cái đầu tức là 13 con. Giả sử là gà hết đi thì tất cả chỉ có 26 cái chưn thôi, vì gà có 2 chưn mà. Đúng không? Nhưng đề toán cho là 36 cái chưn vậy là nhiều hơn 10 cái. Con thỏ có 4 chưn nhiều hơn con gà 2 chưn, vậy muốn cho có hơn 10 cái chưn nữa thì phải cần 5 con thỏ thế chổ 5 con gà. Cho nên đáp số là 5 con thỏ 8 con gà. Khỏi cần suy nghĩ phút nào hết. Hai đứa thử lại đi, coi có đúng không. Nếu sai tui cho ký trên đầu luôn.
    Hai con bé đứng suy nghĩ một hồi rồi nắm tay nhau chạy mất...

    Mấy hôm sau cũng đến giờ tui nấu cơm chúng cũng lại thập thò ở cửa nhà bếp, tui lên tiếng trước:
    - Chị Sáu em chừng nào mới tới nấu dùm đồ ăn cho tui dzị?
    Hai đứa nín thinh hồi lâu thì bé Tám lên tiếng:
    - Chỉ em giải bài toán đố nầy đi, rồi em mới kêu chị Sáu cho anh.
    - Toán gì đâu đưa coi thử.
    Bé Tám lật lớp áo trước bụng lấy ra cuốn tập, lật lia lịa rồi đưa tôi xem bài toán đố nói về hai chiếc xe chạy cùng chiều, chiếc khởi hành trước, chiếc chạy sau. Chiếc sau chạy nhanh hơn chiếc trước. Câu hỏi là bao lâu thì xe sau bắt kịp xe trước. 
    Tui không nhớ rỏ ngày xưa học cách giải toán đố của thầy nào. Nhưng cách giải đó luôn luôn hữu hiệu. Cứ lấy ngay câu hỏi cuối cùng mà trả lời, rồi từ từ thoả mản tất cả các điều kiện mà câu trả lời đó đòi hỏi.
    Thí dụ. Hỏi diện tích hình chữ nhật thì câu trả lời là lấy chiều dài nhân chiều rộng, nếu chưa có đủ hai chiều như yêu cầu thì tìm trong đề bài coi làm sao để có được chiều rộng và chiều dài...
    Tui bắt đầu chỉ cho 2 con bé cách giải toán đố mà tui đã học. Mỗi ngày chúng đều tới tìm tui nhờ chỉ cho chúng giải toán đố, lâu lâu còn nhờ chỉ làm luận văn, mà lần nào chỉ xong bé Tám cũng hẹn:
    - Lần sau nghen anh, lần sau thế nào em cũng mượn được chị Sáu nấu đồ ăn cho anh.
    Tui bị ăn đồ ăn vẽ riết rồi quen, nhưng mỗi khi nghe chúng nói câu trên cũng thấy ngộ ngộ, vui vui.

    Nhưng vui nhất vẫn là việc tui có thêm người bạn nhí đó là thằng Lượm em của bé Minh. Bé Minh năm đó chắc là 11 hay 12 tuổi, nhưng nó đẹt căm, nhỏ xíu, tuy khuôn mặt có nét, hổng chừng lớn lên chắc cũng đẹp gái lắm. Thằng Lượm học lớp năm chắc là 6 tuổi thôi nhưng lại lớn xác hơn chị nó, không những lớn con mà nó xấu ơi là xấu. Nước da thì đen thùi lùi, cặp môi bự tổ chảng, y hệt hai con đĩa trâu đang hút no máu nằm vắt ngang cái miệng rộng thùng thình. Còn cái đầu nó, tóc quắn có lọn, có lọn y như lông con chó mực bị xà mâu ăn.

    Cũng bởi vì nó sở hữu một dung nhan cực kỳ xấu, lại lớn xác hơn đám con nít cùng tuổi trong xóm, nên không có đứa nào chịu chơi chung với nó. Bởi vậy nó canh me, hể thấy tui rảnh là nó chạy qua chơi, nhưng mà tui đâu có cái gì có thể chơi chung với nó, nhiều khi nó lẩn quẩn trước sân bắn cu li một mình, tạc lon một mình... Nhà tui cũng không có đồ ăn vặt như bên quán cóc của má nó, tui chỉ có duy nhất một thứ đó là xoài non rụng mà thôi, vậy mà mỗi lần tôi buồn miệng đem ra chấm muối ớt ăn, lần nào nó cũng ngồi ăn ké. Nó ăn ké của tôi không có khi nào khen lấy một tiếng, mà lần nào nó cũng chê, khi thì chát quá, lúc thì chua quá, ớt nhiều thì chê cay, muối nhiều thì chê mặn...
    Bị chê hoài tui nổi gió la nó:
    - Có ăn chơi là sướng rồi. Anh đâu có rảnh mà gọt vỏ sẵn rồi đem ngâm dấm đường như người ta làm để bán đâu.
    Nghe chữ bán mắt thằng Lượm sáng lên:
    - Cái nầy làm bán được thiệt hả anh?
    - Ừ! Ở trường học gần nhà anh người ta ngâm xoài non trong dấm đường để bán, đắt hàng lắm đó.
    Thằng Lượm mừng quá:
    - Vậy anh cho em rổ xoài nầy đi. Em kêu má ngâm dấm bán.
    Tôi cười cười nhìn nó:
    - Ngoài vườn xoài rụng đặc đất, ra đó mặt sức mà lụm đem về ngâm dấm bán.

Thằng Lượm le lắc đầu:
    - Thôi! Em hỏng dám đâu. Ngoài đó có hai cái mã của ông bà Năm, ra đó ổng bả kéo chưn cột vô cỏ là tiêu đời...

A! Thì ra xoài rụng còn y nguyên không ai dám lụm là bởi vì ông bà Năm giữ vườn không cho.

Vậy là tui ngoài việc chỉ cho 2 con nhỏ thắt bính giải toán đố, làm tập làm văn còn phải dắt thằng Lượm đi lụm xoài rụng cho má nó ngâm dấm đường bán nữa...

 Thời gian qua nhanh hè đến, tui đạp xe về nhà ở luôn cho tới ngày tựu trường năm sau. Vừa mở cửa nhà trọ vô nằm nghỉ chưn sau hơn tiếng đồng hồ đạp xe từ nhà tôi tới nhà trọ. Hai cô nhóc chạy sang reo mừng báo tin:
    - Ngày mai tụi em học chung trường với anh rồi. Hổng có đứa nào bị đi làm bà Phước hết. Cám ơn anh nghen

Tôi vui mừng ngồi bật dậy y như là mình thi đậu vô Đệ Thất hổng bằng:
    - Thiệt hả? Hai đứa đậu hết rồi à. Giỏi ghê ta. Nhưng mà cám ơn tui cái gì? Tui đâu có đi thẩy giấy cho hai em đâu mà cám ơn.

Bé Minh nhướng nhướng cặp lông mày:
    - Cám ơn anh đã dạy kỹ lưỡng cách giải mấy bài toán đố. Hai chiếc xe chạy trước chạy sau đó nhớ hông? Đề thi năm nay cho ra y chang luôn, em làm có chút xíu là xong khỏi suy nghĩ gì hết.

Còn bé Tám thì tía lia:
    - Tập làm văn thì cho cái đề "Hãy viết một lá thư gởi cho người mà em thích". Hai đứa em liền viết gởi cho anh, nghĩ gì viết nấy khỏi mất công suy nghĩ mệt óc.

Tui cười cười chọc chúng:
    - Vậy là hai đứa em đậu vớt rồi phải hông?

Hai đứa nó cùng chu mỏ trả lời:
    - Còn lâu. Tụi em đậu hạng cao chót vót đó nghen...

Hai cô nhỏ thắt bính lên trung học rồi, tui tưởng là khỏi cái màn dạy kèm bất đắc dĩ, ai dè học chưa hết tuần là tụi nó lại kéo qua nhờ chỉ dùm hình học, đại số...

Năm học Đệ Tam hơi bị rảnh, tui tập tành mần thơ giết thời gian. Hai cô nhóc cũng tái máy tay chưn hay lục lạo bàn học của tui. Bé Minh thấy các tờ giấy nháp của mấy bài thơ tui làm liền đòi:
    - Anh dạy em làm thơ đi. Thơ anh làm đọc nghe hay lắm.

Tui cự liền:
    - Hay cái gì mà hay. Thư tình người ta làm để gởi cho người trong mộng, chưa gì mà em đã chôm đọc trước rồi, vậy còn gởi cho ai được nữa. Muốn học làm thơ thì ráng chờ vài năm sau cô thầy sẽ dạy cho mà làm, ai quởn đâu mà chỉ cho em...

Mấy tháng sau thằng bạn hiền của tui mua chiếc xe Honda mới nên tui không ở trọ nữa mà theo nó đi học bằng xe gắn máy cho oai. Chuyện hai cô nhóc thắt bím và thằng Lượm da đen, tui cũng quên mất không hề nhớ tới. Lâu thiệt lâu tui mới có dịp ghé thăm lại cô tôi, nhưng tôi chỉ ghé nhà mới chơi thôi, còn căn nhà cũ tôi ở trọ tui chưa hề ghé lại lần nào...

**

Cuối thập niên tám mươi tập đoàn Sara Lee corporation mở rộng kinh doanh sang tới lãnh vực thực phẩm. Họ mua công ty Gallo Salame và vài công ty làm salami khác trong vùng vịnh.

Gallo được tái cấu trúc toàn bộ ban điều hành. Ông chủ tịch cũ bán cái  cha truyền con nối rồi đi đâu cũng không ai biết. Mấy supervisor đổi đi tùm lum tá lả. Xếp của tôi sắp bị điều qua San Leandro cách San Francisco chừng 40 miles. Cha chủ tịch mới được điều động từ trung tâm chỉ huy của Sara Lee ở Chicago xuống. Ông ta theo dõi tình hình mấy tuần lễ rồi gọi hai thầy trò tôi lên văn phòng tuyên bố:
    - Bob sẽ qua San Leandro, còn tôi thì thế chỗ của Bob với điều kiện là phải từ bỏ Union hoàn toàn chứ không phải là resign membership không thôi.

Nhìn thấy cái cảnh mấy tay non union bị đổi đi tán loạn xà bì là tôi sợ mất hồn, ớn lạnh xương sống rồi nên tôi không cần do dự trả lời:
    - Tôi là thành viên của Union cả chục năm nay, trong ba lần đình công tôi chưa hề cầm bảng lần nào, như vậy cũng là quá xấu rồi, tôi không từ bỏ union đâu. Xin cám ơn ông đã chiếu cố.

Tui yên lặng đợi chờ trở về chỗ cũ cầm vòi xịt nước tiếp tục, nhưng cha chủ tịch chi nhánh mới nầy đã dự trù plan B nên cũng nói tiếp không do dự:
    - Anh không bỏ union cũng không sao. Vậy thì hãy tiếp tục nhiệm vụ foremen của anh, nhưng anh phải phụ trách thêm tất cả việc làm của Bob. Có nghĩa là anh phải làm cả hai nhiệm vụ. Đương nhiên là tôi sẽ tăng lương cho anh.

Tay nầy chắc hỏng biết thằng xếp tôi đêm nào cũng về sớm, mọi việc của y ta tôi đều thầu hết cả chục năm nay, mà có ai trả thêm đồng nào đâu. Nghe vậy thì tui mừng húm OK cái rụp.

Xếp tôi đi qua San Leandro không phải một mình mà nó còn lụm theo hai thằng Mỹ đen nhà ở bên kia vùng Vịnh, vậy là tôi phải mướn vô 2 thằng mới thế chỗ. Phòng nhân sự hẹn cho tôi phỏng vấn 4 tên, cũng là 4 giờ chiều y chang như 10 năm về trước tôi đi phỏng vấn xin vào Gallo để xịt nước.

Carol cho tôi mượn tạm phòng của Lou Ann dùng đở để phỏng vấn.

Hôm đó thì tôi không có hồi hộp mà bước vào cửa rất là hiên ngang. Không biết mặt tôi lúc đó có hiện chữ "phách" hay là nhìn đáng vênh váo ghét không nữa. Thiệt là tình mà...

Vừa bước vào cửa là tui gặp ngay 4 người ngồi chờ. Hai người da trắng, hai thằng da đen. Tui hơi thất vọng, mong cho phòng nhân sự tìm cho mình một tên Việt Nam bầu bạn mà cũng không có, trong khi đó mấy deparment khác Việt Nam cũng có lai rai nhiều rồi. Đúng là chán mớ đời mà.

Carol đưa cho tôi 4 cái hồ sơ xin việc, tui không cần lựa mà cứ theo thứ tự từ trên xuống dưới gọi vô nói chuyện.

Tui dự trù lập lại mấy câu hỏi mà chục năm trước người ta đã quay tui:
    - Trước đây anh đã làm ở đâu? Có kinh nghiệm gì? Tai sao nghỉ làm chỗ cũ? Tại sao muốn gia nhập Gallo...

Cái người tôi phỏng vấn đầu tiên là thằng da trắng có cái tên dài thòn không nhớ nổi; nhìn cái đơn xin việc của nó không có một tí kinh nghiệm nào là tui phát chán nên tui hỏi nó:
    - Anh chưa có đi làm qua chỗ nào từ xưa tới nay sao?
    Nó gật đầu trả lời:
    - Tôi mới tới định cư ở Mỹ.

Tui hơi mừng tưởng nó đồng cảnh ngộ như mình, nhưng tới chừng biết nó là người Nga qua Mỹ theo diện di dân tui bèn thảy cho nó trái sầu riêng nhưng cũng bắt chước người ta lịch sự nói với nó:
    - Anh về đi ngày mai phòng nhân sự sẽ thông báo kết quả cho anh biết.

Tên da trắng thứ nhì người Mễ mà tui thì còn lại tới 5 thằng bạn Mễ đang làm chung, tôi không muốn nhận thêm nữa nên tui cũng thẩy cho nó ôm trái dừa khô theo thằng Nga cho có bạn. Tên Mỹ đen kế tiếp to con hỏng thua gì xếp Bob của tôi nó tên Carl Brumfiel từ Iowa xuống, đã làm trong lò giết bò 20 năm nên tôi hỏi nó:
    - Tại sao anh về San Francisco mà bỏ việc đã làm 20 năm.

Thằng trời đánh nầy nó trả lời một câu làm tui nghẹt thở:
    - Tao đi làm ban đêm, vợ tao ở nhà lấy thằng hàng xóm rồi tống cổ tao ra đường, mầy nghĩ coi tao còn ở lại cái xứ đó được sao?
    - Thiệt hả? Vậy bây giờ mầy đang ở khu nào?
    - Trong khu của tụi tao ở đường số 3nd.
    - Mầy muốn chừng nào bắt đầu đi làm?

Thằng quỷ nầy nghe tui hỏi câu đó thì mừng quá nói lắp bắp:
    - Ông nhận tui thiệt à? Không phải nhận hai thằng da trắng kia sao???

Tui lật cái hồ sơ sau cùng ra thấy tên Việt Nam "LÊ VĂN LƯỢM", nhưng mà lúc tui bước vô không có thấy anh chàng Việt Nam nào hết cho nên tôi đi ra phòng chờ đợi xem lại. Tại phòng đợi còn lại "cây cột nhà cháy" chứ không có người nào khác nữa. Tui mở cửa phòng Carol hỏi:
    - Cái tên Lê Văn Lượm không tới sao?
    - Có mà, lúc nãy đến đủ bốn người.

Tui giựt mình nghĩ thầm "hỏng lẽ cây cột nhà cháy nầy là Việt Nam sao". Tui cầm tập đơn xin việc trở lại phòng đợi gọi:
    - Mr Le!
    - Yes sir!

Tui cố nín cười hỏi tiếp:
    - Anh là người Việt Nam?
    - Yes sir!
    - Mời anh ngồi
    - Yes sir!

Tui nhịn cười hết nổi nên xổ ra câu tiếng Việt
    - Biết nói tiếng Việt Nam hong?
    - Yes sir!

Tên Lượm trả lời xong thì giật mình hỏi ngược lại tui:
    - Ủa anh là người Việt hả? Thấy bảng tên trên áo là em nghi rồi, nhưng mà hỏng dám hỏi.

Tui chưa kịp phỏng vấn nó là nó bắt đầu ca bài con cá với tôi. Nó ca từ lúc ở Việt Nam sang qua tới Mỹ, từ Oklahoma về tới San Francisco. Tôi ngồi nín thinh nghe nó kể cuộc đời trôi nổi mà buồn dùm cho thân phận nó.

Tôi hỏi nó:
    - Má em có chồng Mỹ sanh ra em à?
    - Đâu có. Má lượm em ở công viên trong lúc bán bắp luộc trên Sài Gòn sau đó đem em về Tân Hiệp sống. Sau ngày "giải phóng" má em bịnh hoài còn chị Minh của em thì đi dạy học, đâu có được bao nhiêu tiền cho nên khi có người hỏi mua em 5 cây vàng là em bán em liền, để lấy tiền trị bịnh cho má em.

Tui lúc đó thiệt tình không nhớ chuyện thằng Lượm đen ở ngang cửa nhà trọ, nhưng mà nghe nó nói ở Tân Hiệp thì tui hỏi tới, khi nó nhắc chị Minh thì tui mới nhớ chuyện hai con nhỏ thắc bím. Thằng Lượm lúc tôi rời khỏi Tân Hiệp chỉ có 7 tuổi thôi chắc gì nó nhớ tới tui nổi nên tui làm bộ hỏi nó:
    - Hồi nhỏ em có biết cái người trùng tên với tôi đến Tân Hiệp ở trọ đi học, nhà trọ gần chùa phật không?

Thằng Lượm vừa gãi gãi mớ tóc quắn dính khắn cái da đầu đen thui vừa trả lời:
    - Nhớ chớ sao không anh. Ảnh là người duy nhất chịu chơi chung với em mà.
    - Bây giờ anh ta ở đâu?
    Thằng Lượm cặp mắt mơ màng nhìn ra cửa phòng trả lời:
    - Hơn hai chục năm rồi em đâu có gặp lại. Hồi còn ở Việt Nam nghe nói ảnh làm thầy giáo mà dạy ở đâu chị Minh còn tìm hổng ra, em làm gì mà biết được...

Thằng Lượm làm với tôi được vài năm, không biết nó thấy ai đi nhặt giấy carton đem bán cho người ta để recycle. Lúc đó hãng tôi không còn mua bò nguyên con đem về xẻ thịt nữa mà mua thịt thùng, nên carton nhiều vô số, nó nhờ tôi xin cho nó được lượm đem bán. Thấy ý kiến hay có lợi cho hai bên. Gallo khỏi trả tiền công bỏ rác, thằng Lượm bán phế liệu có thêm tiền. Ông chủ tịch đồng ý để dành riêng cho nó độc quyền thu lượm carton trong hãng.

Thằng Lượm bang đêm xịt nước rửa máy, ban ngày bỏ ra mấy tiếng đồng hồ lượm carton bán, vậy mà trừ tiền xăng tiền cầu ngày nào nó cũng lụm hơn 50$ tiền tươi bỏ túi. Mấy năm sau là nó giàu chạy Acura mới cáo đi làm. Thấy chiếc Mercury Tracer cũ xì của tui nó lắc đầu:
    - Anh đổi xe mới đi. Xếp gì mà chạy chiếc xe thấy ghê luôn.

Tui cười cười trả lời:
    - Làm chưn thôi mà, xe nào chạy được thì cứ chạy. Đổi xe tốt chi cho tốn tiền bảo hiểm nhiều hơn?
À mà sao em hỏng lo để dành tiền cưới vợ, lại đi mua xe mới làm gì.
    Nó cười nhe hai hàm răng trắng toát:
    - Em xấu muốn chết, có đứa con gái nào ở đây chịu ưng đâu mà cưới? Mua xe mới để dụ thử coi sao.
    - Hay là em về Việt Nam rinh qua một đứa đi. Mà nè, có lấy thì tìm cô nào dễ coi là được rồi, em lựa con gái đẹp đem qua coi chừng bị thằng khác nó dụ mất đó nghen.

Thằng Lượm về Việt Nam cưới vợ thiệt. Nó cưới một cô gần nhà nó. Đang lo làm thủ tục bảo lãnh vợ sang Mỹ thì Gallo sắp đóng cửa, dời sang San Leandro. Nhân viên hãng tui đang xôn xao bàn tán chuyện đi theo hay là từ bỏ mà ở lại San Francisco tìm việc khác. Thằng Lượm cứ theo tôi hỏi:
    - Tính sao hả anh? Đi hay ở bây giờ. Ở lại rủi mà tìm hỏng được việc mới vững chắc làm sao em rước vợ qua được?

Tôi thấy tội cho nó mà cũng tội cho tôi. Hơn hai chục năm gắn bó với Gallo tôi xem Gallo như là căn nhà chính, còn chỗ ở là nhà phụ, chỗ dùng để ngủ. Nhưng tư bản thì lúc nào cũng căn cứ trên lợi nhuận, ai điều hành cũng thế, không trách người nào được. Người có union thì có quyền đi hay ở tùy sự chọn lựa của từng người. Nhân viên văn phòng không union thì được nhận một phong bì bồi thường tiền nghỉ việc không có một sự chọn lựa nào khác...
    - Em có một mình ở đâu mà không được, muốn ở chợ thì qua Oakland, thích ở quê thì mướn đại cái aparterment gần hãng mà ở, nếu thấy buồn thì hỏi thằng Hải, thằng An bên kitchen rồi ở chung cho vui...

Cái tháng cuối cùng ở Gallo buồn thê thảm, máy móc được di chuyển từ từ, kitchen đi trước, slicing cất bước theo sau... Cuối cùng thì sanitation cũng cuốn gói đi nốt.

Tám mạng của sanitation thì 4 thằng Mễ có nhà bên kia cầu, tụi nó vui mừng ký giấy đi trước, Tony, Carl và tui không theo, thằng Lượm đang ở ngã ba đường chờ giờ chót xem tui có đổi ý không. Tuần sau cùng rồi cũng tới, tôi hỏi thằng Hải:
    - Tụi mầy qua đó làm, tính ở San Fran hay dời nhà luôn vậy?

Thằng Hải vui vẻ trả lời:
    - Qua Oakland mướn nhà rẻ hơn nhiều, ngu sao ở đây nhà đã mắc, đi làm tốn xăng tốn tiền cầu.
    - Hai đứa mầy ở chung hay ở riêng? Nhắm cho thằng em tao ở ké được hông?

Hải cười lớn:
    - Sao mà không được? Anh hỏi thì phải được chứ. Có nó ở tụi Mỹ đen chắc hỏng dám vô phá nhà đâu. Nhưng mà biết nó có chịu ở phòng khách hông. Tụi em mướn căn nầy có 2 phòng ngủ thôi. Ai biết nó muốn ở chung đâu mà mướn 3 phòng.

    Tôi lại đem Lượm tới trình diện xếp cũ của tôi mà gởi gấm. Bob gặp tôi tay bắt mặt mừng:
    - Tao đã nói với thằng Mark khô cổ họng, kêu nó giữ nguyên mức lương cho mầy đừng có cắt bớt, nhưng cái thằng đó chắc trái tim bằng sắt nên nói hoài mà nó vẫn trơ trơ. Thôi mầy cứ qua bên nầy đi rồi từ từ tao tính kế cho.

Tôi gượng cười:
    - Cám ơn anh, nhưng mà tui không qua đâu, giờ đó đi làm kẹt xe dữ lắm không lẽ dời nhà qua đó rồi bắt vợ tui đi xe bart trở qua San Fran làm sao? Thôi anh cho tôi gởi thằng em coi như phân nửa của tôi đang làm với anh.

Bob cười khà khà hỏi:
    - Thằng em mầy đâu? Sao không dẫn theo?

Tui kéo Bob ra phòng ăn chỉ thằng Lượm. Nó trợn cặp mắt trắng dờ nhìn tôi hỏi kỹ lần nữa:
    - Thằng đó là em mầy sao? Sao mà giống tao quá vậy.

Tui cười cười:
    - Nó là thằng em nuôi thôi. Nhưng nó giống anh thì đúng rồi, mà hỏng chừng nó là con anh hay là con của bạn anh ai mà biết được. Hay là anh nhận đại nó là con nuôi đi...

Đêm cuối cùng làm cho Gallo chỉ còn tôi với thằng Lượm. Mà thật ra cũng không có gì để làm ngoài việc dọn dẹp mấy đống rác của tụi thợ máy bày tùm lum mà thôi. Chưa đầy 1 giờ là đã xong hết rồi.

Tui khóa cửa rồi kéo nó đi nhậu. Uống chưa được mấy lon bia là thăng Lượm bắt đầu khóc lóc kể lể đủ thứ chuyện trên đời. Khóc kể đã rồi nó ra xe lấy vô một cái hộp đưa cho tôi vừa khóc vừa nói:
    - Cái hộp nầy của chị Minh nhờ em đưa lại cho anh hồi lúc em về Việt Nam cưới vợ trở qua, nhưng thấy anh có gia đình êm ấm rồi nên em không muốn đưa, vì vậy em cất tới bây giờ.

Tui cười hỏi lại nó:
    - Sao không cất luôn đi, bây giờ đưa cho anh làm gì nữa? Mà cái gì trong đó dzậy?
    - Anh mở ra xem thì biết.

Tôi vội vã mở cái hộp ra xem thử coi con nhỏ thắt bím nó gởi gì cho mình, nhưng cái hộp trống trơn trong đó chỉ có vỏn vẹn một cuốn tập học trò mỏng tanh. Lật trang đầu tôi thấy một hàng chữ lớn. "Gởi Anh Người Yêu Trong Mộng". Tôi hỏi thằng Lượm.
    - Em có đưa lộn người hông đó? Sao lại là của anh được? Mấy chục năm rồi anh có gặp lại bé Minh lần nào đâu?

Thằng Lượm buồn buồn trả lời:
    - Làm sao mà lộn được. "Giải phóng" xong người ta mở khóa sư phạm cấp tốc là chị Minh xin đi học liền. Chỉ tưởng anh ở quận Kiên Tân nên đăng ký vô đó, ai dè nó đổi tùm lum chỗ em thành Tân Hiệp còn chỗ anh lại ra là Châu Thành. Sau nầy chỉ biết anh ở Miệt Thứ tính xin về Miệt Thứ, chưa gặp anh thì anh đã vượt biên mất rồi...

Tui định trả tập thơ cho thằng Lượm nhưng lại tò mò muốn xem thử coi con nhỏ thắt bím làm thơ ra sao.
    Trang kế tiếp là bài

    "Sao anh không về"

    Sao anh không về thăm Tân Hiệp?
    Thăm căn nhà cũ của ngày xưa
    Vườn xoài thiếu nước lưa thưa lá
    Hàng điệp nhớ ai trổ sái mùa

    Sao anh không về thăm Tân Hiệp?
    Thăm dòng sông nhỏ lục bình trôi
    Thăm người em gái ngồi ôm gối
    Ôm mối tình si đợi một người

    Sao anh...

    Tui hoảng quá không dám xem tiếp mà phải xếp tập thơ trả lại cho thằng Lượm...

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...