11 May 2017

Thơ MÔNG LUNG

Nguyễn Công Lượng

Thơ Mông Lung là một hiện tượng mới lạ trên thi đàn đương đại Trung Quốc. Hiện tượng này chưa được phổ biến sâu rộng. Bởi vì nói đến thơ Trung Quốc người ta chỉ nói đến thơ Đường, thêm vào thì người ta nói đến thơ Tống, còn thơ của các đời Nguyên, Minh, Thanh về sau chỉ bước theo lối xưa của thơ Đường, Tống mà thôi.

Tháng 3 năm 1979 trên tạp chí “Thi San” xuất bản ở Bắc Kinh, thơ Mông Lung mới được biết đến như là một trường phái thơ thực sự. Mặc dù trước năm 1979 những bài “thơ Mông Lung” đã xuất hiện nhưng phải đến thập niên 80 thơ Mông Lung mới có mặt trên khắp các tạp chí ở Trung Quốc như Tinh Tinh, Văn Học Thượng Hải, Nhân Dân Văn Học, Văn Hối Nguyệt San, Văn Học Phúc Kiến, Văn Học Tứ Xuyên, Mãng Chủng, Manh Nha, Thanh Xuân…

Thơ Mông Lung là gì ? Cứ theo tên gọi của nó thì “mông lung” là lúc ánh trăng sắp lặn, lúc mặt trời chưa mọc, trời còn tối. Rộng và lờ mờ, không rõ nét, gây cảm giác hư ảo, tràn lan không trung. Nên thơ Mông Lung là loại thơ chẳng có niêm luật, ý thơ thì không rõ ràng, nó thường dùng thể thơ tự do, có vần hoặc không có vần. Vấn đề mà nó đề cập, sự vật mà nó miêu tả rất là mơ hồ, như bị một màn sương mỏng che phủ nhưng vẫn làm cho người đọc cảm thấy sản khoái vì cái lung linh trước mắt. Lẽ dĩ nhiên mỗi người đọc sẽ có những cảm nhận khác nhau nhưng nó bắt buộc người đọc phải có một trình độ thưởng thức nhất định mới hiểu nổi và một khả năng cảm thụ để nhận biết được cái tế nhị bằng cảm tính tinh vi. Thơ mông Lung đi từ tả thực sang tả ý, chú trọng đến sự chân thực của chủ thể mà không nhằm phản ảnh chân thực khách quan cũng không mô phỏng trung thực hiện thực khách quan.


Nếu nói rằng đời Đường (618-907) là thời đại hoàng kim của thi ca Trung Quốc với một Bộ Toàn Đường Thi đồ sộ, ấn hành năm 1707, gồm 900 quyển, chứa đựng 48.900 bài thơ của 2.200 thi nhân đời Đường. Có thể nói là một thời đại thi ca vô tiền khoáng hậu. Nhưng nguyên nhân nào đã tạo nên sự hưng thịnh của Đường thi, tuy là một vấn đề khó lý giải nhưng qua một số sự kiện người ta có thể xem đó là những nhân tố góp phần. Trải qua gần 300 năm của một triều đại với biết bao biến cố đổi thay về nhiều phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, đạo giáo … thì lẽ đương nhiên thi ca cũng phải chịu ảnh hưởng. Thời Sơ Đường (618-713) Trung Quốc sống trong cảnh thái bình, an lạc; vì vậy thơ của thời kỳ nầy có văn từ hoa lệ ca ngợi cảnh đất nước thanh bình, tán dương thịnh đức của triều đại, mà người đời thường gọi là Ý Mỹ Phái. Trong thời kỳ nầy cũng xuất hiện những nhà thơ chủ trương chú trọng đến ý hơn văn từ, khôi phục phong cách các đời Hán Ngụy, chống lại quan niệm của Ỷ Mỹ Phái, nên được gọi là Phản Động Phái. Qua đời Thịnh Đường (713-766), cuộc khởi nghĩa của An Lộc Sơn (755) phân chia thời nầy làm hai giai đoạn: Thái bình và Tao loạn. Trước loạn An Lộc Sơn là thời của thơ chứa đầy tình, nhạc và rượu; sau cuộc loạn nầy thi ca phản ảnh một xã hội điêu tàn thống khổ vì chiến chinh. Nên thơ thời Thịnh Đường đã chia làm ba phái: Biên Tái, Điền Viên, và Xã Hội. Có thể nói tiêu biểu cho giai đoạn nầy là Lý Bạch và Đỗ Phủ. Lý thì mặc cho cảm hứng phát xuất tự nhiên, nói lên niềm khao khát siêu thoát nên thơ đầy tình cảm lãng mạn; còn Đỗ thì dụng công điêu luyện, nặng tính chất hiện thực, vẽ đầy đủ thảm trạng xã hội khiến cho độc giả ngậm ngùi ngao ngán. Đến thời Trung Đường (766-835), có thêm một phái mới gọi là Quái Đản Phái, ưa chuộng sự kỳ dị hiểm tích trong việc đặt câu, dùng chữ, gieo vần. Tiêu biểu có thể kể là Hàn Dũ. Rồi tới Vãn Đường (836-907), với tình trạng chính trị, kinh tế suy đồi làm sụp đổ một triều đại với loạn Vương Tiên Chi (874) rồi Hoàng Sào trong hơn mười năm. Tái diễn lại cảnh rối ren hỗn loạn cuối đời Tùy, thi ca trở lại con đường duy mỹ lúc sơ Đường với phái Chi Chấn tràn ngập phong khí hoa diễm lãng mạn. Nhà thơ thần tiên Tào Đường với những bài “Thiên Thai” đã đem lại cho thi ca thời nầy một sắc thái mới.

Đến thời Nhà Tống thì thơ Tống lại vượt gấp bội thơ Đường về số lượng, có sắc thái riêng. Ngoài nỗi ưu tư, sầu muộn trước cảnh ly loạn của đất nước, sự thống khổ của nhân dân do nạn ngoại xâm của Tây Hạ, Kim, Nguyên gây ra đưa đến họa vong quốc. Thơ Tống có thêm niềm phấn kích, tình bi lụy với nỗi sỉ nhục vì nạn quốc phá, gia vong do ngoại tộc thống trị. Nhà Tống cũng trị vì trên 300 năm (960-1279), thời Bắc Tống (960-1126) có các phái Cửu Tăng, Tây Côn, Giang Tây. Phái Cửu Tăng được người đương thời khen là trong sáng và điêu luyện, nhưng ngày nay phê bình là qúa trau chuốt, thiếu cảm hứng tự nhiên nên đọc thấy nhạt nhẽo. Phái Tây Côn thì phong thái phù hoa dùng nhiều điển cố, chữ hiểm hóc nên rất khó hiểu. Nhưng phong trào “Kiểu Chính Tây Côn”, chú trọng khí thế, thì được người đương thời khen thơ Mai Nghiêu Thần là thanh viễn, Tô Thuấn Khâm là hào tuấn, còn Âu Dương Tu thì có nhiều ý vị. Hậu sinh của ba nhà thơ trên thì thi tài của Vương An Thạch và Tô Đông Pha vượt xa các bậc tiền bối. Trên thi đàn Vương An Thạch có địa vị rất cao. Ông sở trường về cổ thể lẫn cận thể. Thơ ông có ba đặc điểm là: bút lực mạnh, nghị luận sâu sắc, và tình điệu nhàn nhã. Tô Đông Pha một nghệ sĩ đa tài, một đại thi hào của đời Tống, đã đem vào thơ cái bút pháp “hành vân, lưu thủy”. Rồi đến phái Giang Tây với chủ trương làm thơ phải chú trọng đến kỹ thuật và phương pháp; phải suy diễn về ý cảnh, phải kỳ lạ về cú pháp và phải cứng mạnh về cách điệu. Ảnh hưởng của phái Giang Tây rất sâu rộng trong giới sĩ phu và văn nhân đương thời.

Thời Nam Tống (1126-1279) Triều đình dời xuống miền nam đóng đô ở Hàn Châu sau biến cố Tĩnh Khang năm 1126. Thi đàn cũng biến chuyển. Thi nhân từ bỏ lối sáng tác theo phái Giang Tây, trở về với phong cách bình dị, tự nhiên, tác phẩm đều đượm màu sắc thời thế. Tiêu biểu có thể kể danh tướng Nhạc Phi với những bài thơ hào hùng, khẳng khái; đại thi nhân Lục Du được xưng tụng là “người làm thơ yêu nước nhất xưa nay” với hơn 14.000 bài thơ, phong cách rất nhiều vẻ, khi thì bình đạm, khi thì hào hùng, lúc thì sảng khoái. Có phái Tứ Linh còn gọi là Vĩnh Gia Phái thì chú trọng gọt dũa, trau chuốt nhưng thơ không nhiều nên gọi là “tiểu gia”. Rồi phái Giang Hồ, về phong cách chỉ là sự hợp lưu của phái Giang Tây và phái Tư Linh, thịnh hành một thời nhưng không có thành tựu đáng kể. Thời nầy phải nhắc đến Chu Hy với chủ trương “không cầu cao xa mà tự nhiên cao xa” qua những bài thơ thuyết lý. Và Văn Thiên Tường với bài “Chính Khí Ca”, một tuyệt tác bất hủ, làm nguồn cảm hứng cho bao nhà ái quốc, cần vương trong nhiều thế hệ sau.

Dài dòng về sự chuyển biến của thi ca qua những đổi thay và theo hoàn cảnh của thời đại, để thấy thi ca là hình thái ý thức của một dân tộc, và trong lãnh vực văn học nghệ thuật thi ca tiên phong trong việc phản ảnh mọi sinh hoạt của cuộc sống.

Sau khi chế độ độc tài đảng trị của Cộng Sản áp đặt trên toàn cõi Trung Quốc với bao sự kiện xẩy ra như: Cải Cách Ruộng Đất, Cách Mạng Văn Hóa, Thanh Trừng, Thiên An Môn, Pháp Luân Công… mỗi lần như vậy con số người chết lên đến hằng triệu người. Nếu như vậy thì thi ca Trung Quốc không có chuyển biến, không có biểu hiện nào thì đó mới là chuyện lạ. Với sự cai trị khắc nghiệt nhất trong lịch sử Trung Quốc như vậy dù cho dân tộc Trung Hoa có bừng tỉnh sau những cơn ác mộng đó, và dù đứng trước một thế giới đang tiến như vũ bão thì sự đòi hỏi phải cải cách xã hội, cải cách chính trị … là lẽ dương nhiên, nhưng nhất định không thể theo những mô thức đấu tranh cũ kỹ.

Buổi ban đầu là những dòng thơ Thiên An Môn rực lửa nhưng không hiệu quả trong cuộc đấu tranh. Thơ Mông Lung xuất hiện sau nhưng trở thành một trào lưu rộng khắp. Các nhà “Thơ Mông Lung” từng chứng kiến những cảnh đàn áp dã man tàn bạo trong những sự kiện trên, cảm nhận được một cách sâu sắc sự hận thù và xa cách giữa con người và con người, nên cách biểu hiện của họ là làm sao để nhà cầm quyền không đủ chứng cớ để hài tội nhưng vang lên tính nhân bản trong tinh thần nhân đạo chủ nghĩa. Bài thơ “Sau Cơn Bão Táp” của Thư Đình là một ví dụ tiêu biểu :
Ai nói sinh mệnh là một phiến lá. 
Lá tàn rồi, rừng cây vẫn rậm rạp tốt tươi ? 
Ai nói sinh mệnh là bọt trắng.
Bọt tan rồi, đại dương vẫn chuyển động không thôi ?
Ai nói anh hùng đã được truy tặng.
Chết chóc kia có thể lãng quên không ?
Ai nói nhân loại tương lai sẽ hiện đại hóa.
Phải lấy sinh mệnh để làm vật tế thần đầm đìa máu đổ ? 
Trong thời Cách Mạng Văn Hóa không cho phép biểu hiện “cái tôi” của nhà thơ, chỉ nhấn mạnh phản ánh khách thể là chính, thì thơ Mông Lung lại nặng nề về cảm giác riêng, cảm giác tâm linh của bản ngã. Một đặc trưng của thơ Mông Lung.
Bài thơ “Cảm Giác” của Cố Thành :
Trời màu xám
Đường màu xám
Cây màu xám
Trong không gian xám xịt
Có hai đứa trẻ đi qua
Một đỏ tươi
Một xanh nhạt
Đây là một bài thơ tả cảnh mưa, nhưng lại thể hiện một ảo giác trong cơn mưa. Mưa có thể làm cho mỗi người có những cái nhìn khác nhau, nhưng ở tác giả thì nhìn thấy trời đất vạn vật nhuộm một màu xám xịt, đã làm cho tâm tình của tác giả buồn bã hoặc vì tâm tình của tác giả buồn bã nên nhìn thấy mọi vật toàn là màu xám xịt.

Cái cảm giác đó bị phá vỡ khi hai đứa trẻ xuất hiện với những màu sắc đối chọi làm bức tranh trở nên sinh động.

Một bài thơ khác của Cố Thành “Một Lớp Người” chỉ có hai câu :
Đêm đen cho ta đôi mắt đen
Ta lại dùng nó để tìm ánh sáng
Chủ đề súc tích nhiều ý nghĩa cũng là một đặc trưng của thơ Mông Lung. Tất cả mang những hình tượng ẩn dụ tượng trưng cho một giai đoạn đen tối của lịch sử Trung Quốc dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản. Những nhà thơ như Thư Đình, Cố Thành,Trương Học Mộng, Bắc Đảo, Dương Luyện, Giang Hà, Xa Tiền Tử, Lương Tiểu Bân . . . đều trưởng thành trong “Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc”, chịu ảnh hưởng sâu đậm của Tư Tưởng Xã Hội trong những thập niên 70, 80 . Họ hoang mang, dao động, bi phẫn, oán hờn nhưng không thối chí, xuôi tay, vẫn yêu cuộc sống và ý thức trách nhiệm đối với xã hội và dân tộc. Họ đã trở thành những nhà thơ tiêu biểu của phái Mông Lung.

Vì thơ Mông Lung hoàn toàn khác với thi ca truyền thống của Trung Quốc, nên để được xã hội chấp nhận nó phải trải qua nhiều tranh luận đầy sóng gió. Từ năm 1980, trên thi đàn Trung Quốc người ta bắt đầu tranh luận về thơ Mông Lung.

Những người bênh vực như: Tôn Thiệu Chấn với bài “Hãy Cho Nhà Cách Tân Nghệ Thuật Không Khí Tự Do Hơn Nữa” (Thi San, tháng 9/1980) cho rằng sự xuất hiện của thơ Mông Lung là “Sự Trỗi Dậy Mới” trên lịch sử thơ mới, là “một sự phản kháng và thách thức của thi ca đối với những mô thức cứng nhắc minh họa khái niệm chính trị, là một loại phát triển của thi hứng mỹ học, là hy vọng của thi đàn tương lai”. Tạ Miên với bài “Sau Khi Mất Thăng Bằng” (Thi San, tháng 12/1980) cho rằng Thơ Mông Lung là một “sản phẩm hợp lý của một thời đại bất hợp lý”.

Một số người không chấp nhận như Đinh Lực, Hoàng Dược Miên, Phương Băng, Chương Minh, Tang Khắc Gia… thì cho rằng: Thơ Mông Lung xa rời truyền thống, thoát ly hiện thực, cổ súy cho phong trào thơ nầy là “làm hại cho con cháu” sẽ làm cho các tác giả trẻ nhiệt tình nhưng thiếu kinh nghiệm sẽ đi vào ngõ cụt. Phương Băng qua bài "Cách nhìn Của Tôi Đối Với Thơ Mông Lung” (Quang Minh Nhật Báo, 23/01/1981) cho rằng: “Thơ Mông Lung là sản phẩm tinh thần của lớp thanh niên chưa chín chắn, họ bị 10 năm tao loạn dày vò, không thấy được tiền đồ. Thơ Mông Lung không chỉ là mông lung về mặt hình thức, mà đầu tiên là mông lung về tư tưởng nhận thức”.

Một số khác khoan dung hơn với thơ Mông Lung như Ngãi Thanh, Lý Nguyên Lạc với bài “Bắt Đầu Từ Mông Lung Nói Đi”“Ngãi Thanh Bàn Về Thơ” (nhà xuất bản Hoa Thành 1982) cho rằng thơ Mông Lung có thể tồn tại, nhưng không nên đề cao quá.

Thực chất của cuộc tranh luận nầy là qua trao đổi về Thơ Mông Lung để nêu ra nhận thức mới về thẩm mỹ và về sáng tác trong thời kỳ mới. Điểm chính là nhấn mạnh vấn đề “Cái Ta”,     “ không phải là trực tiếp ca ngợi cuộc sống mà đi tìm cái bí mật của cuộc sống đã ẩn tàng trong tâm linh”. Cuộc tranh luận do đó không dừng lại ở thơ Mông Lung mà đề cập đến những vấn đề khác trong văn nghệ.

Nhưng cuối cùng Hội Nhà Văn Trung Quốc cũng phải tặng thưởng cho hai tập “Thơ Mông Lung” vào năm 1982; một là tập “Con Thuyền Hai Cột Buồm” của nữ thi sĩ Thư Đình, hai là tập “Nốt Nhạc Màu Xanh” của Phó Thiên Lâm. Từ đó thơ Mông Lung có chỗ đứng đàng hoàng trên Thi Đàn Trung Quốc.
   
Một câu hỏi được đặt ra là “Thơ Mông Lung” có phải là phương hướng phát triển của thơ ca trong tương lai không ?  Chắc chắn là không. Vì chủ nghĩa Cộng Sản cũng đã coi như cáo chung, ánh sáng của tự do dân chủ một khi rọi vào thì việc gì phải nói “mông lung” nữa. Trên thi đàn Trung Quốc giờ đây đang xuất hiện một trào lưu mới gọi là “Tân Sinh Đại” (Thời Đại Sinh Sau). Thơ Mông Lung không còn là đỉnh cao của thi ca đương đại nữa, nhưng những thành tựu về sáng tác và sự thúc đẩy đổi mới của nó không thể phủ nhận được. Những thi nhân tiền phong của nó phải có một vị trí xứng đáng trong lịch sử thi ca Trung Quốc.

•    Nguyễn Công Lượng

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...