23 March 2017

BÃO TUYẾT Ở VIRGINIA

Phạm thành Châu
(Christine Lanna kể)

Tôi nhớ lại, khi còn học high school, ở Virginia, hễ khi bão tuyết vừa bắt đầu là tôi choàng vội áo ấm, mở cửa, chạy băng qua khu rừng trụi lá, leo lên ngọn đồi, đứng một lát, rồi chạy theo một lối mòn, vào thương xá, đi một vòng các cửa hàng, khi đến một lối đi dẫn ra phía sau thương xá, tôi đứng nép vào một góc hành lang, yên lặng. Chỗ tôi đứng là lối đi giúp cho khách đậu xe sau building có thể đến các cửa hàng phía trước dễ dàng. Thường thì hễ có bão tuyết, chẳng ai điên gì đi mua hàng vào lúc đó, trừ tôi ra, nhưng tôi lại không có ý định mua gì cả. Tôi chờ một người con trai, đã có lần hẹn sẽ ra đây cùng tôi đứng ngắm bão tuyết. Mùa tuyết năm sau, tôi cũng chạy ra đây khi cơn bão đã dịu. Lần đó, từ trên đồi cao, trên đường vào thương xá, tôi thấy chiếc xe màu trắng nhạt của anh ta rời khỏi thương xá. Tôi kêu to lên, nhưng khoảng cách quá xa mà xe lại đóng kín cửa. Tôi chạy ào xuống dốc, nhưng chiếc xe vẫn vô tình chạy ra đường lớn. Tôi giận mình, vì sợ bão mà ra trễ. Tôi quyết định, cứ mỗi năm, hễ tuyết bắt đầu rơi là tôi ra đứng chờ sẵn ở đây.

Chuyện kể trên là thời tôi đang học lớp chín. Gia đình tôi qua Mỹ theo chương trình HO. Thời gian đầu, ba mẹ tôi quá vất vả, phải làm gấp đôi người khác mới đủ trang trải các chi phí, mà chỉ là những việc lao động chân tay  nên lương hướng chẳng bao nhiêu. Chúng tôi đi học lại càng vất vả hơn nữa. Tiếng Anh không rành mà phải chung lớp, chung bài với học trò bản xứ. Ở trường, học thêm lớp ESL, về nhà phải chúi đầu vào bài vở. Hiểu bài tốn nhiều thời giờ hơn cả làm bài nữa.

Tôi nhớ, năm đó tôi được mười bốn tuổi. Một buổi chiều, đang làm bài tập ở nhà thì tôi thiếu một miếng bìa cứng. Tôi khoác vội áo ấm rồi băng lên đồi, chạy qua khu thương xá để mua miếng bìa  mình cần. Lúc đó chỉ mới bốn giờ chiều, không hiểu sao, trong tiệm sách, tôi cứ la cà xem hết quyển sách hình nầy đến quyển sách hình khác, quên cả mua miếng bìa, đến khi nhìn ra ngoài, đã thấy tuyết bay ngập trời. Bão tuyết đến bất ngờ quá! Lúc tôi đi, tuyết chỉ bay lất phất, nhưng giờ đây, gió và tuyết bay vù vù khiến tôi sợ hãi. Những khách hàng cuối cùng đã ra xe, lái đi rồi. Tôi nấn ná một lúc rồi quyết định chạy về nhà, nhưng vừa ra khỏi cửa hàng, bão tuyết đẩy tôi suýt ngã. Tôi cố gắng chạy vào hành lang, lối ra phía sau thương xá, định tránh vào thì gặp ngay một anh con trai đã đứng đấy tự lúc nào. Tôi bị bất ngờ, lúng túng không biết phải nấp chỗ nào thì anh ta bảo “Bé đứng đây, anh nhường chỗ nầy cho bé” Rồi anh đứng ra xa. Đây là chỗ khuất gió nhất. Tôi đứng vào đấy mà không nói gì. Một lúc anh hỏi “Nhà ở đâu?” Tôi chỉ về phía ngọn đồi. Anh lại hỏi “Đi vòng ngã trước, phải không?” Tôi lắc đầu. Anh ta lại hỏi “Bé băng qua đồi nầy à?” Tôi gật. Anh làm bộ rùng mình, sợ hãi “Bão tuyết mà dám băng qua đồi nầy? Tuyết sẽ lấp bé ngay. Ghê lắm!” Tôi liếc nhìn anh ta, không nói gì. Gương mặt anh ta không đẹp, chỉ có đôi mắt rất lạ, vừa ngây thơ vừa như đăm chiêu, suy nghĩ điều gì. Anh mặc chiếc áo ấm rộng thùng thình, quần thì dài phủ cả giày. Tôi đoán anh ta cũng đang học high school như tôi nhưng lớp trên, hoặc năm đầu college. Cả hai cứ đứng nhìn ra ngoài trời mà không ai nói tiếng nào. Bỗng anh hỏi "Mới qua Mỹ phải không?" Tôi gật đầu và nhìn anh, ý muốn hỏi "Sao anh biết?" nhưng không nói. Anh nói "Thấy bộ dè dặt, không nói chuyện với người lạ là biết liền. Con gái ở Mỹ bạo dạn lắm, không làm thinh như bé đâu. Anh cũng mới qua được mấy năm".

Tuyết xuống mãi, từ ngoài trời, gió thổi tuyết vào hành lang, ngập cả chân tôi.  Một chiếc xe cào tuyết đang chạy lòng vòng trong sân thương xá, ủi tuyết, lộ mặt đường, nhưng rồi tuyết lại phủ trắng ngay. Trong ánh đèn đường, tuyết phản chiếu nhau tạo thành một thứ ánh sáng kỳ lạ, vừa mịt mù vừa rực rỡ. Tôi nhìn trời và lo lắng, tôi phải về nhà trước khi ba mẹ tôi đi làm về. Nãy giờ anh con trai vẫn nhìn ra ngoài trời một cách chăm chú, say mê, tưởng như không có tôi bên cạnh, khi quay lại, thấy tôi có vẻ bồn chồn, anh bảo “Đừng lo, cô bé! tuyết có ngập cả hành lang nầy, anh vẫn bảo vệ cho bé được bình an”. Tôi vẫn không nói gì, nhưng nghĩ rằng, nếu tuyết ngập thật như vậy, chắc gì anh ra khỏi nơi nầy mà hòng bảo vệ tôi

Tuyết xuống nhiều quá, không biết khi nào dứt, nên tôi quyết định chạy về nhà. Tôi liếc nhìn anh ta như lời chào từ biệt rồi chạy băng lên đồi. Tuyết ngập đến đầu gối nên chỉ chạy một lúc là tôi bị mệt vì phải rút hết chân nầy đến chân kia một cách vất vả. Chạy được khoảng trăm mét thì chân tôi bỗng bị kẹt trong rễ cây, dưới tuyết như sa chân vào một bẫy thú. Hai chân tôi lạnh tê, người run lên từng cơn. Tôi cúi xuống thò tay vào trong tuyết, tìm cách kéo chân mình ra nhưng tôi bị mất thăng bằng, ngã chúi xuống tuyết mà không cách nào đứng dậy được. Mặt tôi úp xuống tuyết lạnh cóng, tôi chỉ có thể hơi ngẩng lên mới thở được. Tôi kinh hoàng, muốn kêu cứu, nhưng tôi biết có kêu cũng chẳng ai nghe vì tiếng vù vù của bão tuyết thổi qua rừng cây trụi lá. Tôi nghĩ, chỉ một lát nữa thôi, tuyết sẽ ngập người, chôn sống tôi ngay! Tôi vùng vẫy, dùng tay bươi tuyết, cào ra chung quanh một cách tuyệt vọng. Đến khi tôi đuối sức, muốn buông tay thì bỗng có người nâng tôi đứng lên. Anh ta đã ra cứu tôi! “Đừng sợ! Không sao đâu. Đừng sợ!” Tôi phải vịn vào người anh mới đứng vững. Anh cúi xuống, thò tay vào tuyết, sờ soạn bàn chân tôi rồi xoay nghiêng và kéo chân tôi ra khỏi rễ cây. Chân tôi vẫn còn đau, phải vịn vai anh mới lò cò vào được trong hành lang thương xá. Tôi đứng tựa người vào tường, yên lặng để mặc anh phủi tuyết trên tóc, trên áo tôi. Tôi vẫn còn run vì lạnh và vì kinh hoàng. “Bây giờ không có cách gì đi bộ về nhà được. Có cần anh vô tiệm gọi nhờ điện thoại về nhà cho người nhà ra đón không?” Tôi lắc đầu “Vậy thì để anh đưa bé về nghe! Nhà bé ở phía sau dãy đồi kia, phải không?” Tôi gật đầu. Anh ra xe.

Xe của anh cũ xì, màu trắng nhưng đã thành xám đục. Anh nổ máy, chiếc xe gầm rú như con thú dữ bị thương mà vẫn không nhúc nhích. Xe bị kẹt trong tuyết. Anh ta cào tuyết chỗ bốn bánh xe và chiếc xe lại rú lên, bốn bánh quay tít mà vẫn không lùi được ra đường. Anh vào bảo tôi “Bé ra đẩy phụ anh chiếc xe, chỉ đẩy cho nó lùi một chút là đi được” Rồi anh dìu tôi ra phía trước xe, chỉ cách cho tôi đẩy. Anh lại vào xe. Chiếc xe lại gầm rú lên, tôi cố gắng đẩy hết sức mình, chiếc xe đột nhiên thụt lùi ra lối đi khiến tôi ngã lăn xuống tuyết. Anh mở cửa xe, chạy vội đến bồng tôi lên “Tội nghiệp bé! Anh xin lỗi” Tôi đứng đến vai anh ta, lại nhỏ con nên anh bồng lên dễ dàng như bồng một đứa bé. Tôi còn nhớ, lúc đó, tôi như bay bổng lên trên tay anh ta. Mặt anh gần sát mặt tôi. Tuyết trắng bay từng mảnh nhỏ ngang qua mắt tôi. Tôi nhớ rõ khuôn mặt anh với đôi mắt sáng rỡ, miệng mỉm cười. Đột nhiên nụ cười đó đặt ngay vào môi tôi. Tôi nhắm mắt lại, sợ hãi. Tôi không rõ anh hôn tôi trong bao lâu, đến khi anh để tôi đứng xuống, tôi như người mất hồn. Lần đầu trong đời, tôi bị con trai hôn. Tôi đã thành một con bé khác! Anh mở cửa dìu tôi vào xe. Chiếc xe chậm chạp, gầm gừ bò giữa tuyết trắng xóa, mênh mông. Anh hỏi tôi “Đi ngã nầy, phải không?” Tôi gật đầu. Anh nhìn tôi mỉm cười. Tôi mím miệng lại, nhìn thẳng phía trước. Anh vừa lái xe vừa nghiêng ngó khắp nơi. “Anh thích đi trong bão tuyết như thế nầy, thấy mình trơ trọi giữa cơn giận dữ của thiên nhiên. Vừa sợ vừa thích! Sang năm, nếu có bão tuyết anh cũng sẽ ra chỗ lúc nãy đứng ngắm tuyết. Bé có thích thì ra đó, anh sẽ chờ và đưa bé về như thế nầy”. Nói xong, anh nhìn tôi. Không hiểu sao tôi nhìn lại anh và gật đầu! Anh hỏi đường đi về nhà tôi, tôi chỉ hướng mà không nói gì. Anh hỏi tên tôi, tôi làm thinh. Khi xe dừng trước nhà, tôi mở cửa, nhìn anh rồi chạy vào nhà. Thế rồi những năm sau, khi có bão tuyết, tôi lại chạy ra chỗ cũ, nhưng không gặp anh.

Xong trung học, tôi đi học xa, mãi tận Florida, miền nam nước Mỹ.

Đã lâu, tôi chưa có dịp nhìn lại cảnh mùa Đông ở Virginia. Nhân một kỳ Spring break (nghỉ đón xuân), tôi về thăm nhà. Năm nay cơn lạnh kéo dài đến giữa mùa xuân, lại thêm bão tuyết bất chợt nữa. Tôi ngồi vào bàn học cũ, nhìn qua cửa kính, thấy tuyết bay điên cuồng, tiếng gió rít vù vù nghe ghê rợn. Bỗng nhớ lại chuyện năm xưa, tôi khoác áo ấm, định chạy ra ngoài thương xá, nhưng tôi tự kìm chế được. Tôi đã lớn, đã hai mươi tuổi rồi! Chạy ra đó để làm gì? Có ai đứng đó đâu mà chạy đi tìm? Tôi lục trong chồng sách vở cũ, tìm thấy quyển nhật ký ghi lại những cảm nghĩ của thời niên thiếu, trong đó có chuyện tôi bị anh con trai kia hôn. Tôi ngồi suy nghĩ vẩn vơ. Có thể anh ta đã tốt nghiệp đại học, đã có một cô gái để yêu và cưới làm vợ...

Thú thật, tôi không còn nhớ rõ gương mặt dễ thương của anh ta, nó nằm trong tiềm thức, nhưng nếu gặp, tôi sẽ nhận ra ngay. Đó một chàng lãng tử với chiếc áo rộng thùng thình, quần jean phủ cả bàn chân và với chiếc xe trắng cũ xì, kềnh càng, anh ta lái chạy khắp nơi khi trời đổ tuyết. Tôi như còn thấy rất rõ tôi, một cô học trò bé con, ngây ngô, khi bị anh con trai bồng lên hôn thì nhắm mắt lại vì sợ hãi. Từng nầy tuổi đầu, tôi cũng chưa được con trai hôn ngoài anh ta. Nụ hôn của anh thật quí giá. đẹp và thơ mộng. Tôi cũng như thấy rõ cả chiếc xe trắng xám kềnh càng mà anh chở tôi chạy ngoài đường ngập tuyết. Thiên đường đẹp đẽ như vẫn còn ngoài kia. Khu thương xá, bãi đậu xe, đồi cây... trên trời, dưới đất đều ngập tuyết. Tuyết bay ngang, bay dọc như những sinh vật… Tôi ngồi lặng người nhìn ra ngoài trời, tâm trí chìm đắm trong những mơ ước mông lung.

Mỗi năm, vào mùa Hè, sinh viên Việt Nam tại Mỹ thường tổ chức trại họp mặt. Năm nay, trại hè tổ chức ở California. Đó là dịp cho các sinh viên kết bạn, cùng nhau chuyện trò, ăn uống vui chơi, tổ chức các cuộc tranh giải thể thao nho nhỏ.

Như thông lệ, trại hè năm nào cũng phát hành một đặc san để kỷ niệm. Tôi đi học, bình thường như những người khác, chẳng có gì đáng nhớ nhưng cũng góp một bài viết ngắn, kể lại kỷ niệm bão tuyết năm xưa với anh con trai lãng tử. Sau đó tôi không quan tâm bài có được đăng hay không

Xứ Mỹ rộng quá, gặp nhau thật khó, vì thế nhiều người tuy đã ra trường, đã có gia đình vẫn tìm đến những cuộc họp mặt, để tìm lại bạn bè trong không khí Việt Nam đầm ấm, giữa cảnh thiên nhiên của các khu rừng, công viên cây cao, bóng mát... Năm nay tôi theo mấy chị bạn tham dự trại hè. Tôi không ngờ đi dự trại lại thích thú đến thế. Vui quá! Đến độ bất cứ chuyện gì tôi cũng có thể cười được. Các bạn trai trổ tài ca hát, đóng kịch và nói tếu... Các bạn gái hát cũng hay nhưng thường thích biểu diễn nấu nướng và tụ tập chuyện trò. Tôi nhỏ nhất, thường theo các chị để hóng chuyện.

Một lần, khi phe con gái chúng tôi đang ngồi dưới một lều vải tâm sự linh tinh thì có một anh con trai đi đến. Anh ta hơi cao và gầy, đeo mắt kiếng đen như thám tử trong các phim, lại thêm bộ râu mép không giống ai. Trông anh ta buồn cười như một anh hề, vì biết đó là râu giả. Từ xa, tôi đã thấy anh ta lảng vảng đến các nhóm con gái, tay cầm tờ đặc san của trại, hỏi han người nầy người nọ. Lúc đến chỗ chúng tôi, anh ta hỏi "Xin lỗi, ở đây có ai là tác giả truyện ngắn "Bão Tuyết" không ạ?" Tôi vọt miệng "Không ai ở đây là tác giả đó. Nhưng anh hỏi có việc gì không?" "Tôi hỏi để báo cho tác giả đó biết là anh chàng lãng tử trong truyện đó là bạn tôi. Anh ta nhờ tôi đi tìm tác giả để đính chính là có mấy chỗ viết sai.” Nói xong, anh ta cúi chào và bỏ đi. Tôi linh cảm điều gì bất thường nên đứng lên bước theo. “”Nầy anh gì đó ơi! Anh cho hỏi thăm” Anh ta tiếp tục đi. Tôi lẽo đẽo theo sau. “Anh kia ơi!”. Anh ta đi chậm lại và ngồi xuống cạnh một chiếc bàn, loại thường thấy trong các công viên, để chờ tôi. Tôi nóng ruột vội hỏi:

- “Anh cho tôi hỏi thăm. Bạn anh, có trong trại hè nầy không? Tôi có đọc truyện ngắn đó nên tò mò muốn hỏi cho biết. Vậy thôi. Tác giả cũng là bạn tôi”.

Anh ta cười vẻ chế giễu:

- “Anh ta có ở đây. Chị muốn gặp không?”

- “Chị bạn tôi cần gặp chứ tôi thì gặp làm gì!”.

Anh ta hát, bộ râu giả nhúc nhích như con sâu màu đen đang cựa quậy: “Hãy ngồi xuống đây, vai kề sát vai…

Tôi ngồi xuống ghế, phía đối diện, sốt ruột:

- “Anh ấy là bạn anh. Có dự trại hè nầy. Phải không?”

-  “Chị muốn gặp thì tôi chỉ cần kêu lên một tiếng là anh ta sẽ đến ngay”

- “Tôi chỉ là độc giả thôi, tò mò muốn xem mặt mũi nhân vật ra sao, nhưng với điều kiện"

- “Tôi biết rồi. Có thể anh ta đã có người yêu, đã có gia đình”.

Tôi ngắt lời:

- “Nếu như thế thì tôi không muốn gặp, cũng xin anh đừng cho anh ta biết rằng có tôi ở đây. Tôi sẽ rời khỏi đây ngay bây giờ”.

- “Ôi, anh ta vừa xấu vừa vụng về, làm gì có cô nào thèm nhìn đến. Chỉ hi vọng có một người nhớ đến”.

Tôi linh cảm người tôi muốn tìm đang ngồi trước mặt tôi:

- “Tôi vẫn chưa hiểu, anh ta bảo bạn tôi viết sai ở chỗ nào?”.

- “Chị viết, cô bé trong truyện không nói câu nào trong suốt buổi chiều bão tuyết đó”.

-  “Đúng rồi! Con nhỏ đâu có trả lời câu nào!”.

Anh ta bỏ kiếng đen ra, gỡ bộ râu giả ra, nhìn tôi, chờ đợi. Tôi kêu lên, mừng rỡ.

“Đúng là anh rồi!”.

Người con trai với đôi mắt như đăm chiêu, đôi môi hồng tự nhiên mà tôi mong gặp lại. Anh vẫn không thay đổi.

- “Bây giờ cô bé cố nhớ lại, bữa đó, em có trả lời. Nếu em không nhớ là em đã vô tình với anh. Em chỉ trả lời có hai câu thôi. Bây giờ anh hỏi lại nghe! “Bé tên gì?"

Tôi cúi đầu yên lặng. Buổi chiều trong công viên thật yên tĩnh. Có tiếng chim hót trong cành cây trên cao và tiếng cười của các trại viên vang vọng từ xa… Một lúc thật lâu, tôi nói

- “Không nói đâu!” Tôi liếc nhìn. Anh ta cười phá lên như người vừa tìm được một niềm vui:

- “Đúng rồi. Giỏi lắm! Câu thứ hai: 'Cô bé cho anh đến nhà thăm. Được không?'”

Tôi làm nghiêm, lắc đầu:

- “Không được đâu. Ba mẹ biết, la chết!” Rồi chúng tôi nhìn nhau cùng cười. Tôi đã từng tưởng tượng buổi gặp lại anh, sẽ cảm động, tình tứ lắm. Không ngờ cũng bình thường như với bạn quen. Anh ta nói:

- “Còn câu thứ ba nữa. Hôm đó, khi anh đưa em về nhà, trước khi em xuống xe anh có hỏi một câu, nhưng em không trả lời. Bây giờ anh hỏi lại, nghe! “Cho anh cầm tay em. Được không?”. Tôi sung sướng vì thấy anh rất thân thiết và đáng tin cậy: “Được chứ!”.

Tôi đưa bàn tay ra. Anh cầm lấy, áp bàn tay tôi lên mặt anh.

Tôi nhìn anh, nước mắt ứa ra. Tôi khóc.

Phạm Thành Châu

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...