30 March 2017

Đột quỵ hay tấn công vào buổi sáng, cần phòng tránh như thế nào?

Nhiều gia đình gặp cảnh người thân tỉnh giấc bật dậy rồi đổ gục xuống, đột quỵ. Tại sao căn bệnh này lại hay tấn công vào buổi sáng?
Đột quỵ đã trở nên rất phổ biến, xảy ra không chỉ ở người lớn tuổi mà có xu hướng ngày càng "trẻ hóa". Người bị đột quỵ rơi vào tình trạng bỗng dưng đổ gục xuống, hôn mê, đối mặt với di chứng tàn tật, thậm chí tử vong… Trong 24 giờ mỗi ngày thì nguy cơ gặp cơn đột quỵ cao nhất thường là vào buổi sáng sớm.

Sáng sớm là thời điểm "cơ hội" cho đột quỵ

Nghiên cứu cho thấy, khi thức dậy vào buổi sáng, cơ thể chuyển từ tĩnh sang động, nhịp sinh học thay đổi, nồng độ các hóc-môn thay đổi khiến cho nhịp tim, huyết áp và trương lực của động mạch vành đều tăng lên.

Thông thường, huyết áp của cơ thể xuống mức thấp nhất vào lúc khoảng 3 giờ sáng, sau đó tăng lên dần lên và tăng nhanh lúc người ta thức dậy vào buổi sáng. Lúc này cơ thể tiết ra hóc-môn adrenaline và các hóc-môn gây căng thẳng khác, làm tăng áp lực máu và nhu cầu oxy. Sau một đêm, cơ thể đã mất đi một lượng nước tương đối lớn, máu trở nên keo đặc hơn, tim phải làm việc vất vả để bơm đẩy máu đi.

Khi tăng huyết áp sẽ tăng nhu cầu oxy cho cơ tim, các mảng xơ vữa động mạch vành có nguy cơ tổn thương, dễ bị rách vỡ, bong và khi đó chúng kích hoạt tiểu cầu gây ra nhồi máu cơ tim cấp tính.

Một nguyên nhân khác liên quan đến đột quỵ buổi sáng là do lượng nitric oxit thấp vào lúc đó. Nitric oxit (gọi tắt là NO) có vai trò quan trọng trong việc cầm máu. Nó tham gia vào hầu hết quá trình sinh học trong cơ thể như sự thức tỉnh, chức năng sinh dục, cảm giác đau, hài lòng, điều tiết máu và các chất dinh dưỡng…

NO có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình lão hóa, mở rộng mạch máu tăng dòng chảy đưa oxy và các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Nó là yếu tố quan trọng quyết định đến việc bị đột quỵ. Vào ban đêm, NO bị tiêu thụ nhiều nhất nên khi sáng sớm cơ thể dễ bị thiếu NO, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Phương pháp phòng tránh đột quỵ

Để giảm nguy cơ đột quỵ buổi sáng, sau khi tỉnh giấc nên dành một ít phút cho cơ thể quen dần và tỉnh táo hẳn trước khi ra khỏi giường. Có thể nằm trên giường và thực hiện một vài động tác khởi động, nhẹ nhàng duỗi chân duỗi tay, xoa mặt… Với những người có bệnh tim mạch thì lại càng cần lưu ý hơn.

Khởi động buổi sáng tại giường (Ảnh: Internet)

Buổi tối trước khi đi ngủ, nên uống một ly nước ấm, vừa kích thích cơn buồn ngủ, vừa tránh tình trạng khô háo vào sáng hôm sau, làm giảm độ keo nhớt của máu, giảm bớt áp lực lên tim.

Các nguyên nhân dẫn đến đột quỵ khá là phức tạp và thường là một quá trình dồn tích, liên quan đến lối sống và cường độ công việc, tiêu thụ rượu bia và các loại hóa chất trong thực phẩm. Ít vận động cơ bắp, xem TV nhiều, sai lầm trong dinh dưỡng, lạm dụng thuốc hạ mỡ máu…đều có thể tăng nguy cơ đột quỵ.

Vì vậy, mỗi người đều nên chủ động rèn luyện thân thể, phòng tránh càng sớm càng tốt. Nên tăng cường các loại thực phẩm sạch giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa. Những thực phẩm thông thường hàng ngày như trái cây tươi, rau cải xanh, bắp cải, cà chua, vừng (mè), nấm đông cô, cá biển béo, dầu oliu… thực ra là những vị thuốc rất tốt cho tim mạch.

    Theo SKDS

    *** Khi thức giấc cũng nên uống ngay 150cc nước ấm để bù lại việc mất nước sau 1 đêm ngủ.

29 March 2017

BÀI THƠ MẸ


Trung Quốc luôn thù hằn và hiếu chiến

Stephen R. Platt điểm cuốn sách “Everything Under the Heavens” (Mọi thứ dưới trời) của Howard W. French.
Stephen R. Platt
Song Phan chuyển ngữ
“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng các bản đồ lịch sử giống như dùi cui, và những tuyên bố dối trá của họ bây giờ tạo thành điều mà nhiều người Trung Quốc tin là “trật tự tự nhiên” cần phải được phục hồi.”
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng các bản đồ lịch sử giống như dùi cui, và những tuyên bố dối trá của họ bây giờ tạo thành điều mà nhiều người Trung Quốc tin là “trật tự tự nhiên” cần phải được phục hồi.

Trong cuốn sách có thể tìm đọc được và thú vị của ông về các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, Howard French viết, “Lịch sử để lại cho Trung Quốc tình hình địa chính trị phức tạp nhất trong bất kỳ nước lớn nào, không trừ nước nào”. Ông không nói quá. Với biên giới đất liền dài 14.000 dặm và 20 nước láng giềng liền kề, quá rõ vì sao Trung Quốc lại mong muốn thứ trật tự khu vực có thể bảo đảm an ninh và tính trung tâm của chính họ.

Howard W. French, tác giả sách
'Everything Under the Heavens'.Ảnh: AsiaStore
Ông French khám phá ra mong muốn đó thông qua từ “tian xia” (thiên hạ) của Trung Quốc mà ông dịch là “Mọi thứ dưới trời”. Nó bao hàm cách nhìn thế giới thời các vương triều trước đây, trong đó Trung Quốc là nền văn minh trung tâm của châu Á, trong khi các nước láng giềng sống dưới bóng văn hóa và quân sự của họ, đã triều cống và thừa nhận ưu thế của họ để đổi lấy việc giao thương. Đó là một vị thế mà Trung Quốc từng giữ trong quá khứ thông qua việc pha trộn giữa hiếp đáp và rộng lượng, và ông French gợi ý rằng một lần nữa nó đặt nền móng cho tham vọng của Trung Quốc trong tương lai.

Điều này không có nghĩa là Trung Quốc bị quá khứ của mình định nghĩa toàn bộ. Tác giả nói rõ rằng ông không tin vào một loại ‘DNA văn hóa’ nào quyết định hành vi của Trung Quốc, nhưng rõ ràng là một vài kiểu cách từ thời các vương triều xưa cung cấp một mô hình hấp dẫn cho các nhà lãnh đạo hiện nay của nước này - quá khứ “nửa lý tưởng hóa, nửa thần thoại hóa” đầy mong nhớ, như ông French nói, khi Trung Quốc được chấp nhận là tối thượng ở Châu Á.

Tuy nhiên, cái nhìn thế giới tự tin về tian xia được cân bằng bởi một chủ đề riêng lẻ và dè dặt hơn từ lịch sử gần đây của Trung Quốc, đó là “sự sỉ nhục”: cụ thể là mong muốn phục hồi lãnh thổ bị mất vào thời kỳ nước này suy yếu trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Chính từ động lực thứ hai này, chúng ta có “đường chín vạch” nổi tiếng mô tả các yêu sách biển của Trung Quốc, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1947 và bây giờ có thể được tìm thấy trên tất cả các bản đồ in ở Trung Quốc. Nhà lãnh đạo quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch bị ám ảnh bởi vấn đề lãnh thổ đến mức ông viết “trả thù cho sự sỉ nhục” trên đầu mỗi trang nhật ký trong 20 năm. Một “Bản đồ quốc sỉ” được tạo ra trong thời ông cầm quyền năm 1938 đã vạch ra lãnh thổ Trung Quốc cần phải phục hồi để giành lại vị thế vĩ đại trong quá khứ—bao gồm, đáng báo động, không những các yêu sách đảo quen thuộc hiện nay mà còn Mông Cổ, Hàn Quốc, Đông Dương, và thậm chí cả nhiều phần đất của Ấn Độ và Pakistan.

Cả hai chủ đề này—phục hồi và oán hận—đi cùng với nhau trong kể lể này. Ông French viết về cách mà các nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc sử dụng bản đồ lịch sử như “dùi cui” để đòi hoàn trả lãnh thổ coi là phi thời gian và bất khả xâm phạm của Trung Quốc, đặc biệt là ở biển Đông. Như ông đã chỉ ra, không một quốc gia nào khác trên thế giới ủng hộ những yêu sách này, chúng tồn tại trong không gian tiếng vọng lịch sử thuộc loại chỉ có ý nghĩa đối với các khán giả trong nước TQ. Nhưng khán giả đó chỉ chiếm gần một phần năm số người trên thế giới, và có vẻ cũng giả trá như những yêu sách đó đối với người bên ngoài, chúng tạo thành điều mà nhiều người Trung Quốc hiện giờ tin vững là một “trật tự tự nhiên” cần phải được phục hồi.

Còn về sự rộng lượng của quá khứ vương triều Trung Quốc, bất cứ ai đã sống ở nước này trong những thập kỷ gần đây đều quen thuộc với khẳng định lặp đi lặp lại rằng Trung Quốc không bao giờ xâm chiếm các nước láng giềng hay tìm kiếm “quyền bá chủ” như thể chế độ hiện tại theo một cách nào đó bị hạn chế bởi những tập tục của quá khứ—và hơn nữa, như thể những tập tục đó thậm chí có thể nói là tồn tại. Nhưng như ông French lập luận, cách mà Trung Quốc trình bày lịch sử của họ và thực tế của lịch sử đó có thể là hai điều rất khác nhau.

Chẳng hạn, ông cho chúng ta ví dụ các chuyến đi của Trịnh Hoà (Zheng He), vị đô đốc nhà Minh thế kỷ 15 , từng chỉ huy một đội tàu khổng lồ chạy xuyên qua Đông Nam Á và tới bờ biển phía đông châu Phi. Các học giả Trung Quốc thích lưu ý rằng, không giống như người Anh hay Bồ Đào Nha, Trịnh Hoà không đi chinh phục mà chỉ tìm kiếm giao thương cùng có lợi—qua việc ngụ ý rằng việc mở rộng thương mại là tất cả những gì mà Trung Quốc từng mong muốn trong quan hệ ngoại giao. Một học giả người Trung Quốc mà ông French trích dẫn nói rằng, Trịnh Hoà là một “sứ giả hòa bình”, người mà theo một học giả khác, đã cho thấy rằng Trung Quốc “không tìm kiếm quyền bá chủ đối với những nước khác”. Tuy nhiên, thực tế là Trịnh Hoà đã mang theo một đội quân lớn và không ngần ngại gây chiến khi ông thấy việc đó là thích hợp. Cách nhìn màu hồng đó về Trịnh Hoà và mô hình mà cách nhìn đó đặt để cho việc thực thi hoà bình sức mạnh của Trung Quốc, theo lời ông Franco, là “sự tưởng tượng của Trung Quốc chứ không phải lịch sử”.

Một nhà báo kỳ cựu, ông French có một cách tiếp cận rộng rãi cho nghiên cứu của mình trong cuốn sách này, đan xen việc tường thuật tại chỗ với toàn cảnh lịch sử, nhìn Trung Quốc phần lớn qua con mắt của những người hàng xóm của họ cả trong quá khứ lẫn hiện nay. Những câu trả lời ông tìm ra khác biệt rất lớn. Chẳng hạn, trong khi ở Nhật Bản ông thấy các chuẩn bị quân sự để bảo vệ quần đảo Senkaku, thì ở Philippines ông phỏng vấn một học giả có thắc mắc rằng, liệu đất nước của ông có thể chấp nhận quan hệ triều cống mới với Trung Quốc hay không—nghĩa là đưa cho nước này chỗ đứng (place) và địa vị (status) mà TQ muốn.

Cuốn sách này là một lời nhắc nhở rằng các quan hệ quốc tế của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh lịch sử cách đây nhiều thế kỷ nếu không nói là thiên niên kỷ và ông French là một hướng dẫn lôi cuốn xuyên qua lịch sử sâu xa đó. Tuy nhiên, đối với những căng thẳng hiện nay thì lịch sử gần đây nhất của thế kỷ 20 lại ảnh hưởng hơn hết thảy – đặc biệt là những vết thương chưa lành của Chiến tranh Thái Bình Dương. Trong khung cảnh chính trị Trung Quốc hiện nay, ông French viết, Nhật Bản là nước duy nhất mà các nghệ sỹ có thể được hoàn toàn  tự do để tấn công và tấn công như họ muốn. Ông nói với chúng tôi, toàn bộ 70% bộ phim truyền hình Trung Quốc đều có ý đồ liên hệ đến cuộc chiến tranh với Nhật Bản, và chỉ riêng năm 2012, 700 triệu người Nhật tưởng tượng đã bị giết trong các bộ phim Trung Quốc. Các phát hiện của ông French về mặt này rất đáng ngại: Ông viết “Cho tới hiện nay Đông Á chưa bao giờ cho thấy đủ lớn để hai cường quốc lớn cùng tồn tại một cách hòa bình“.

Tuy nhiên, không giống như một số công trình khác về chủ đề này, nói chung ông French dùng một giọng điệu có cân nhắc để làm giảm bớt báo động mà người đọc có thể cảm thấy về sức mạnh đang tăng của Trung Quốc. Ông viết, lợi thế của nước này trong việc tiến lên từ thế yếu hơn về mặt quân sự sẽ sớm biến mất, để lại cho đất nước những khoản chi phí không thể kham nổi nếu muốn tiếp tục tăng cường năng lực hải quân của mình với tốc độ như những năm gần đây. Thậm chí quan trọng hơn, ông trỏ vào sự dịch chuyển khổng lồ trong cơ cấu dân số đang diễn ra ở Trung Quốc khi dân số già đi và sinh suất giảm xa dưới mức đủ thay thế. Trung Quốc đang tiến tới có hơn 329 triệu người trên 65 tuổi vào năm 2050, trong khi số người trẻ đang ở độ tuổi lao động giảm xuống. Ông French dự đoán, sự lão hóa không thể lay chuyển được của dân số sẽ hạn chế khả năng của nước này triển khai sức mạnh trong tương lai. Họ sẽ giảm một nửa số lượng người trong độ tuổi tham gia quân đội trong khi dồn gánh nặng cho người lao động và chính phủ phải chịu chi phí rất lớn để chăm sóc cho người cao tuổi. Ông gợi ra rằng, tốc độ không thể tin được mà Trung Quốc hiện đang cố gắng khẳng định sự kiểm soát đối với biển Đông được lôi kéo từ nhận thức của Chủ tịch Tập Cận Bình, rằng đất nước này có khoảng thời gian nhiều nhất là 20 hoặc 30 năm trước khi cơ cấu dân số bắt kịp nó và sự mở rộng như vậy trở nên không thể xảy ra.

Đây là một quyển sách rất đúng lúc mà tác giả cập nhật gần với hiện nay đến mức có thể được. Tuy nhiên, vì nó được hoàn thành trước cuộc bầu cử tổng thống vào mùa thu năm ngoái, phần lớn những gì ông mô tả như là vai trò cốt yếu và tiếp tục của Hoa Kỳ trong việc duy trì sự ổn định của Đông Á giờ đây đã bị rơi vào tình trạng không chắc chắn. Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương đã bị bác bỏ. Kế hoạch của chính phủ mới đối với sự can dự của Mỹ trong khu vực này không rõ ràng. Trong điều kiện hiện nay, ông French thấy rằng bàn tay tích cực của Hải quân Hoa Kỳ là lực cản chủ yếu, nếu không nói là duy nhất đối với những tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông. Mặc dù phân tích của ông giả định vai trò này vẫn tiếp tục, ông đã đưa ra một cái nhìn thoáng qua về một tương lai có thể có với sự can dự giới hạn của Hoa Kỳ, chỉ ra khả năng về  một liên minh mạnh mẽ hơn đang nổi lên giữa các quốc gia ở vùng ngoại vi của Trung Quốc.

Ông French lưu ý, bất chấp quy mô và sức mạnh của Trung Quốc, các nước láng giềng dễ dàng vượt trội họ cả về dân số lẫn sức mạnh quân sự; quân đội của chỉ 6 nước láng giềng hợp lại sẽ đông hơn gấp đôi quân đội Trung Quốc. Vì vậy, có rất nhiều điều có thể xảy ra phía trước, không phải mọi thứ đều tối tăm, không phải tất cả đều liên quan đến sự thống trị của Trung Quốc. Ông French viết “Một kỷ nguyên cũ đang đi qua, ngay cả khi diễn biến của những gì sắp tới đã không thực sự tự loan báo”. Các từ này bây giờ vang lên thậm chí mạnh mẽ hơn lúc tác giả viết chúng ra.

Stephen R. Platt
Dịch giả: Song Phan
Nguồn: anhbasam.wordpress.com

25 March 2017

Tiếng Kêu Cứu Thống Thiết Của Người Dân Miền Trung

Kính gửi:


Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ Đài Loan

Chương Trình Môi Trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP)

Liên Hiệp Âu Châu

Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu

Các tổ chức, hiệp hội bảo vệ môi trường quốc tế

Những người yêu chuộng công lý và bảo vệ môi trường


Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, là nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của thảm họa môi sinh do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh – một chi nhánh của Tập Đoàn Formosa Đài Loan – gây ra tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam, điều mà người dân Việt Nam chúng tôi gọi là “Thảm họa Formosa”.

Trước hết, chúng tôi tin tưởng các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các ngân hàng quốc tế, Liên Hiệp Âu Châu, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chính phủ và nhân dân Đài Loan là những người quan tâm sâu sắc đến ô nhiễm môi trường sống và hệ quả của nó lên con người. Vì thế, chúng tôi gửi thư này đến quý vị với mong muốn nhận được sự trợ giúp để giải quyết thảm họa Formosa.

Tháng 4/2016, Công ty Formosa đã thải một lượng lớn chất thải độc hại ra biển miền Trung Việt Nam gây ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài hơn 250 km bờ biển làm sinh vật chết hàng loạt. Cá, tôm, san hô và nhiều loại thủy sản chết làm hệ sinh thái thềm lục địa miền Trung Việt Nam bị phá hủy, theo đánh giá phải mất hàng chục năm mới có thể khắc phục hậu quả này. Ngoài ra, độc tố từ chất thải công nghiệp đang tích tụ vào trầm tích đáy biển là hiểm họa có thể gây bệnh tật nguy hại cho tương lai lâu dài của người dân Việt Nam.

Thảm họa Formosa đã phá hủy nguồn thủy sản, là nguồn thực phẩm chính yếu, truyền thống của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, thảm họa này đã cướp mất nghề nghiệp của hàng trăm ngàn lao động trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Các nghề nghiệp liên quan như du lịch, khách sạn, nhà hàng… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn do thất nghiệp, nhiều người phải bỏ quê hương xứ sở đi mưu sinh ở những nơi xa. Nhiều trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh thất học do gia đình mất nguồn thu nhập.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn đối mặt với nguy cơ mắc các chứng bệnh nan y như ung thư, dị tật, quái thai, thần kinh… do ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc tố kim loại nặng do Formosa thải ra tồn lưu trong biển. Kinh hoàng hơn nữa khi báo chí đã tiết lộ nhiều thông tin cho rằng, Formosa không chỉ xả thải ra biển mà còn chôn chất thải rắn nhiều nơi trên đất liền và cả nguồn khí thải cũng chứa nhiều độc tố. Chúng tôi thật sự rất hoang mang lo sợ cho sức khỏe, tính mạng của chúng tôi và tương lai giống nòi của chúng tôi.

Chính vì thế, chúng tôi rất cần sự hậu thuẫn của các cơ quan quốc tế, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lên tiếng bênh vực và có những hoạt động thiết thực để trợ giúp chúng tôi trong thảm họa này. Cách riêng, chúng tôi rất mong quí vị hữu trách trong Chính quyền Đài Loan sử dụng thẩm quyền của mình để buộc Formosa phải hành xử có trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên đất nước chúng tôi, tôn trọng môi trường sống của người dân Việt Nam, đồng thời đưa ra phương án cụ thể để khắc phục thảm họa, trả lại môi trường trong sạch và đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân. Sau cùng, chúng tôi mong Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu, Ngân Hàng Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu cùng với các tổ chức môi trường giúp chúng tôi đưa ra phương án và yêu cầu chính phủ Việt Nam nỗ lực khắc phục môi trường và đời sống của nạn nhân.

Chúng tôi rất mong được sự trợ giúp từ quý vị.

Chân thành cảm ơn!
Các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp đồng ký tên.
*****************
Rất mong người Việt khắp nơi trên thế giới hãy lên trang nhà: www.thamhoaformosa.com ký vào Thỉnh nguyện thư để hỗ trợ cho họ đi tìm công lý. (Bản OSA tin của Nhóm CÔNG LÝ CHO NẠN NHÂN FORM)

Vì trang web bị đánh phá liên tục, nên xin quý vị kiên nhẫn thử nhiều lần sẽ vào được. Khi vào được xin ký Thinh nhuyện thư thật nhanh trước khi bị kéo xuống.

24 March 2017

Đông Dạ Oán, thơ

 Dạo:
     Đông dài, đêm lạnh buốt tim,
Bóng trăng quê cũ biết tìm chốn nao. 

     冬 夜 怨
夜 寒 風 冷 雨 噥 噥,
四 季 爲 何 只 見 冬.
懣 懣 仰 頭 追 舊 月,
黑 雲 朵 朵 蓋 長 空.
                陳 文 良

Âm Hán Việt:
           Đông Dạ Oán
Dạ hàn, phong lãnh, vũ nông nông,
Tứ quý vị hà chỉ kiến đông.
Muộn muộn ngưỡng đầu truy cựu nguyệt,
Hắc vân đóa đóa cái trường không.
              Trần Văn Lương

Dịch nghĩa:
          Nỗi Oán Đêm Đông
Đêm lạnh, gió rét, mưa thì thào,
(Có) bốn mùa mà sao chỉ thấy có mùa đông.
Buồn bã ngửng đầu đuổi tìm trăng cũ,
Mây đen từng mảng che lấp kín trời không.

Phỏng dịch thơ:
       Lời Oán Đêm Đông
Đêm dài, mưa lạnh náo bên song,
Quanh quẩn bốn mùa chỉ thấy Đông.
Ngước mắt vời trông trăng chốn cũ,
Mây đen vần vũ lấp trời không.
                Trần Văn Lương
                   Cali, 3/2017
 
Lời than của Phi Dã Thiền Sư:

Ánh trăng ngày tháng cũ giờ ở nơi nao?
Ngước mắt nhìn trời chỉ thấy mây đen vần vũ.
Và đêm đông kia vẫn kéo dài bất tận.
Biết nói gì đây, hỡi ơi!

Thử đưa ra một vài tài liệu lịch sử nói về mưu toan thỏa hiệp với Bắc Việt của ông Ngô Đình Nhu

Phong Uyên

Một trong những lí do mà các tướng tá VNCH tham gia cuộc đảo chính lật đổ ông Diệm ngày 1 - 11 - 1963 viện ra để chinh đáng hóa hành động của mình là: "để ngăn chặn và trừng phạt dòng họ Ngô Đình dâng miền Nam cho Cộng sản" (Cuốn Đỗ Mậu 1986 tr. 665). Trong bài viết này, tôi xin chích dẫn nhừng tài liệu tôi thâu thập được để tìm hiểu:

- Mưu toan thỏa hiệp với Bắc Việt của ông Ngô Đình Nhu trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 - 1963 có thật hay chỉ là một sự bịa đặt của phe các tướng lãnh lãnh đảo chính ông Diệm?

- Lí do vì sao mà 2 bên, ông Hồ và ông Diệm, phải tìm cách đối thoại với nhau?

1) Tôi xin bắt đầu bằng đưa ra những lí do vì sao:

Trước hết, tôi thấy cần phải nhắc lại: Đứng về phương diện cá nhân và gia đình, ông Hồ, ông Diệm (nếu không kể thêm ông Giáp ông Đồng), là những người cùng xứ sở, gia đình cùng thuộc giới quan lại (nói theo ngôn ngữ ngày nay là cùng một giai cấp) quen biết nhau. Ông Hồ và ông Diệm còn chịu ơn lẫn nhau: Tuy cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh ông Hồ đánh chết người bị mất chức nhưng không bị tù, và ông Hồ vẫn được đặc cách (cũng như ông Giáp) học trường Quốc học do cụ Ngô Đình Khả, thân sinh ông Diệm sáng lập. Sau Cách mạng tháng Tám, chính ông Hồ đã cứu sống ông Diệm khi đem ông ra Hà Nội chứ nếu còn ở Huế thì đã bị giết chết như người anh cả là Ngô Đình Khôi rồi. Bởi vậy nếu có những cuộc điều đình qua mối quan hệ cá nhân thì cũng chả có chi là lạ cả. Người cùng giới biết chỗ yếu của nhau hơn và dễ bắt thóp nhau.

Nhưng lí do thật sự không nằm trong quan hệ tình cảm, cũng như trong ý chí muốn thống nhất đất nước, mà là vì muốn bảo vệ sự sống còn của chính bản thân mình:

Ông Hồ có 2 lí do:

Lí do thứ Nhất: Tránh một cuộc chiến tranh ủy nhiệm bởi Trung Cộng:

Ông Hồ biết dư sự chia đôi đất nước Việt Nam, cũng như chia Đông Đức Tây Đức, Bắc Hàn Nam Hàn, là phương cách duy nhất để cuộc chiến tranh lạnh giữa 2 khối Cộng sản và Tự do không trở thành chiến tranh nóng. Chỉ có cái khác là cộng sản Tàu hung hãn hơn cộng sản Nga nhiều và muốn thôn tính toàn cõi ĐNÁ, biến ĐNÁ thành một Đông Âu của mình. Rút kinh nghiệm chiến tranh Cao Ly, Trung Cộng không dại gì trưc tiếp lao vào cuộc chiến tốn của hao quân vì có thể, nhân danh giúp CSVN "giải phóng" miền Nam, bắt Bắc Việt trở thành người lính tiền phong cho mình, dù có phải đánh cho tới người VN cuối cùng.

Lí do thứ Hai: Cần phải điều đình để có gạo ăn:

Khoảng những năm 59 - 62, vì chính sách Cải cách ruộng đất để bắt dân tập trung sản xuất vào các hợp tác xã và vì chính sách Tập trung bao cấp, miền Bắc bị lâm vào khủng hoảng kinh tế chỉ trông vào Trung Cộng. Trung Cộng lại chỉ tiếp tế nhỏ giọt để làm áp lực dễ sai bảo. Muốn cứu đói ông Hồ bắt buộc phải điều đình với miền Nam.

Cả 2 lí do đó đều nhằm mục đích bảo vệ chính bản thân mình. Chứng cớ là sau đảo chính ông Diệm, ông Hồ cũng bị nhóm theo Mao Trạch Đông cầm đầu bởi Lê Duẩn, Lê Đức Thọ giam lỏng. Những người theo ông Hồ như Võ Nguyên Giáp cũng bị tước hết quyền hành. Người thân tín của ông Hồ, Vũ Đình Huỳnh, cũng như người con là Vũ Thư Hiên bị bắt giam. Khoảng 300 người bị bắt trong đó có 30 nhân vật cao cấp (Xem Wki tiếng Việt "Vụ án Xét lại chống Đảng").

Lí do ông Diệm ông Nhu chống lại ý định của Mỹ đổ quân vào VN và trực tiếp chỉ huy quân đội VNCH:

Qua những bản tường trình của 14 ngàn cố vấn quân sự, Mỹ biết rõ thực lực của quân đội VNCH: tướng chỉ có 5 - 6 người, xuất thân từ cấp bậc trung úy, đại úy quân đội Pháp. Đa số vẫn giữ quốc tịch Pháp, nói tiếng Pháp, lại chỉ là tướng vô quân ngồi ở bộ tham mưu. Các đơn vị tác chiến, cho đến sư đoàn trưởng mới chỉ là trung tá, trung bình khoảng 30 - 35 tuổi, quá non nớt về quân sự, về chính trị, nhưng lại đầy tham vọng. Mỹ thấy không thể tin cậy gì về quân đội VNCH cả, cần phải đổ quân để trực tiếp đương đầu với quân Bắc Việt. Đầu tháng Tám năm 1963, bất chấp hồi tháng 3 - 63 đã giao ước với ông Diệm bớt số 14 ngàn cố vấn Mỹ xuống còn 5 ngàn năm 1965, Mỹ đòi ông Diệm, không những như ở Nam Hàn chỉ lập căn cứ đổ quân tác chiến, mà còn có toàn quyền hành quân, tự định đoạt chiến thuật, quyền chỉ huy quân đội VNCH dưới hình thức cố vấn và quyền huấn luyện lại các cấp chì huy theo kiểu Mỹ.

Lẽ tất nhiên ông Diệm, một người có tinh thần quốc gia rất cao, yêu nước một cách mù quáng và vẫn giữ khí phách của một người thấm nhuần nho học, không thể, vừa mới đuổi Pháp về, nay vì muốn chống cộng sản, dầu sao cũng là người trong một nước, lại rước Mỹ vào! Làm như vậy, Cộng sản sẽ tha hồ có cớ tuyên truyền, nền độc lập của miền Nam sẽ bị sứt mẻ, và chế độ còn một chút tính chính đáng (legitimacy) cũng sẽ bị mất luôn.

Ông Nhu cũng đã suy tính: Cộng sản Tàu không mong đợi gì hơn là Mỹ đổ quân vào VN để biến cuộc chiến tranh xâm lược trá hình của mình thành một cuộc chiến tranh dân tộc Việt Nam chống ngoại xâm. Với lòng ái quốc của dân tộc Việt, chưa bao giờ dân tộc VN thua một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm nào cả. Mỹ sẽ bị sa lầy và trước sau gì rút cục cũng sẽ phải rút khỏi VN sau một cuộc đổi chác với Tàu.

(Lời tác giả: Đúng như sự tiên đoán của ông Nhu: Sau cuộc gặp gỡ Nixon - Mao năm 1972, Mỹ bắt đầu sửa soạn bỏ miền Nam VN để đổi lấy thị trường Tàu)

23 March 2017

BÃO TUYẾT Ở VIRGINIA

Phạm thành Châu
(Christine Lanna kể)

Tôi nhớ lại, khi còn học high school, ở Virginia, hễ khi bão tuyết vừa bắt đầu là tôi choàng vội áo ấm, mở cửa, chạy băng qua khu rừng trụi lá, leo lên ngọn đồi, đứng một lát, rồi chạy theo một lối mòn, vào thương xá, đi một vòng các cửa hàng, khi đến một lối đi dẫn ra phía sau thương xá, tôi đứng nép vào một góc hành lang, yên lặng. Chỗ tôi đứng là lối đi giúp cho khách đậu xe sau building có thể đến các cửa hàng phía trước dễ dàng. Thường thì hễ có bão tuyết, chẳng ai điên gì đi mua hàng vào lúc đó, trừ tôi ra, nhưng tôi lại không có ý định mua gì cả. Tôi chờ một người con trai, đã có lần hẹn sẽ ra đây cùng tôi đứng ngắm bão tuyết. Mùa tuyết năm sau, tôi cũng chạy ra đây khi cơn bão đã dịu. Lần đó, từ trên đồi cao, trên đường vào thương xá, tôi thấy chiếc xe màu trắng nhạt của anh ta rời khỏi thương xá. Tôi kêu to lên, nhưng khoảng cách quá xa mà xe lại đóng kín cửa. Tôi chạy ào xuống dốc, nhưng chiếc xe vẫn vô tình chạy ra đường lớn. Tôi giận mình, vì sợ bão mà ra trễ. Tôi quyết định, cứ mỗi năm, hễ tuyết bắt đầu rơi là tôi ra đứng chờ sẵn ở đây.

Chuyện kể trên là thời tôi đang học lớp chín. Gia đình tôi qua Mỹ theo chương trình HO. Thời gian đầu, ba mẹ tôi quá vất vả, phải làm gấp đôi người khác mới đủ trang trải các chi phí, mà chỉ là những việc lao động chân tay  nên lương hướng chẳng bao nhiêu. Chúng tôi đi học lại càng vất vả hơn nữa. Tiếng Anh không rành mà phải chung lớp, chung bài với học trò bản xứ. Ở trường, học thêm lớp ESL, về nhà phải chúi đầu vào bài vở. Hiểu bài tốn nhiều thời giờ hơn cả làm bài nữa.

Tôi nhớ, năm đó tôi được mười bốn tuổi. Một buổi chiều, đang làm bài tập ở nhà thì tôi thiếu một miếng bìa cứng. Tôi khoác vội áo ấm rồi băng lên đồi, chạy qua khu thương xá để mua miếng bìa  mình cần. Lúc đó chỉ mới bốn giờ chiều, không hiểu sao, trong tiệm sách, tôi cứ la cà xem hết quyển sách hình nầy đến quyển sách hình khác, quên cả mua miếng bìa, đến khi nhìn ra ngoài, đã thấy tuyết bay ngập trời. Bão tuyết đến bất ngờ quá! Lúc tôi đi, tuyết chỉ bay lất phất, nhưng giờ đây, gió và tuyết bay vù vù khiến tôi sợ hãi. Những khách hàng cuối cùng đã ra xe, lái đi rồi. Tôi nấn ná một lúc rồi quyết định chạy về nhà, nhưng vừa ra khỏi cửa hàng, bão tuyết đẩy tôi suýt ngã. Tôi cố gắng chạy vào hành lang, lối ra phía sau thương xá, định tránh vào thì gặp ngay một anh con trai đã đứng đấy tự lúc nào. Tôi bị bất ngờ, lúng túng không biết phải nấp chỗ nào thì anh ta bảo “Bé đứng đây, anh nhường chỗ nầy cho bé” Rồi anh đứng ra xa. Đây là chỗ khuất gió nhất. Tôi đứng vào đấy mà không nói gì. Một lúc anh hỏi “Nhà ở đâu?” Tôi chỉ về phía ngọn đồi. Anh lại hỏi “Đi vòng ngã trước, phải không?” Tôi lắc đầu. Anh ta lại hỏi “Bé băng qua đồi nầy à?” Tôi gật. Anh làm bộ rùng mình, sợ hãi “Bão tuyết mà dám băng qua đồi nầy? Tuyết sẽ lấp bé ngay. Ghê lắm!” Tôi liếc nhìn anh ta, không nói gì. Gương mặt anh ta không đẹp, chỉ có đôi mắt rất lạ, vừa ngây thơ vừa như đăm chiêu, suy nghĩ điều gì. Anh mặc chiếc áo ấm rộng thùng thình, quần thì dài phủ cả giày. Tôi đoán anh ta cũng đang học high school như tôi nhưng lớp trên, hoặc năm đầu college. Cả hai cứ đứng nhìn ra ngoài trời mà không ai nói tiếng nào. Bỗng anh hỏi "Mới qua Mỹ phải không?" Tôi gật đầu và nhìn anh, ý muốn hỏi "Sao anh biết?" nhưng không nói. Anh nói "Thấy bộ dè dặt, không nói chuyện với người lạ là biết liền. Con gái ở Mỹ bạo dạn lắm, không làm thinh như bé đâu. Anh cũng mới qua được mấy năm".

Tuyết xuống mãi, từ ngoài trời, gió thổi tuyết vào hành lang, ngập cả chân tôi.  Một chiếc xe cào tuyết đang chạy lòng vòng trong sân thương xá, ủi tuyết, lộ mặt đường, nhưng rồi tuyết lại phủ trắng ngay. Trong ánh đèn đường, tuyết phản chiếu nhau tạo thành một thứ ánh sáng kỳ lạ, vừa mịt mù vừa rực rỡ. Tôi nhìn trời và lo lắng, tôi phải về nhà trước khi ba mẹ tôi đi làm về. Nãy giờ anh con trai vẫn nhìn ra ngoài trời một cách chăm chú, say mê, tưởng như không có tôi bên cạnh, khi quay lại, thấy tôi có vẻ bồn chồn, anh bảo “Đừng lo, cô bé! tuyết có ngập cả hành lang nầy, anh vẫn bảo vệ cho bé được bình an”. Tôi vẫn không nói gì, nhưng nghĩ rằng, nếu tuyết ngập thật như vậy, chắc gì anh ra khỏi nơi nầy mà hòng bảo vệ tôi

Tuyết xuống nhiều quá, không biết khi nào dứt, nên tôi quyết định chạy về nhà. Tôi liếc nhìn anh ta như lời chào từ biệt rồi chạy băng lên đồi. Tuyết ngập đến đầu gối nên chỉ chạy một lúc là tôi bị mệt vì phải rút hết chân nầy đến chân kia một cách vất vả. Chạy được khoảng trăm mét thì chân tôi bỗng bị kẹt trong rễ cây, dưới tuyết như sa chân vào một bẫy thú. Hai chân tôi lạnh tê, người run lên từng cơn. Tôi cúi xuống thò tay vào trong tuyết, tìm cách kéo chân mình ra nhưng tôi bị mất thăng bằng, ngã chúi xuống tuyết mà không cách nào đứng dậy được. Mặt tôi úp xuống tuyết lạnh cóng, tôi chỉ có thể hơi ngẩng lên mới thở được. Tôi kinh hoàng, muốn kêu cứu, nhưng tôi biết có kêu cũng chẳng ai nghe vì tiếng vù vù của bão tuyết thổi qua rừng cây trụi lá. Tôi nghĩ, chỉ một lát nữa thôi, tuyết sẽ ngập người, chôn sống tôi ngay! Tôi vùng vẫy, dùng tay bươi tuyết, cào ra chung quanh một cách tuyệt vọng. Đến khi tôi đuối sức, muốn buông tay thì bỗng có người nâng tôi đứng lên. Anh ta đã ra cứu tôi! “Đừng sợ! Không sao đâu. Đừng sợ!” Tôi phải vịn vào người anh mới đứng vững. Anh cúi xuống, thò tay vào tuyết, sờ soạn bàn chân tôi rồi xoay nghiêng và kéo chân tôi ra khỏi rễ cây. Chân tôi vẫn còn đau, phải vịn vai anh mới lò cò vào được trong hành lang thương xá. Tôi đứng tựa người vào tường, yên lặng để mặc anh phủi tuyết trên tóc, trên áo tôi. Tôi vẫn còn run vì lạnh và vì kinh hoàng. “Bây giờ không có cách gì đi bộ về nhà được. Có cần anh vô tiệm gọi nhờ điện thoại về nhà cho người nhà ra đón không?” Tôi lắc đầu “Vậy thì để anh đưa bé về nghe! Nhà bé ở phía sau dãy đồi kia, phải không?” Tôi gật đầu. Anh ra xe.

Xe của anh cũ xì, màu trắng nhưng đã thành xám đục. Anh nổ máy, chiếc xe gầm rú như con thú dữ bị thương mà vẫn không nhúc nhích. Xe bị kẹt trong tuyết. Anh ta cào tuyết chỗ bốn bánh xe và chiếc xe lại rú lên, bốn bánh quay tít mà vẫn không lùi được ra đường. Anh vào bảo tôi “Bé ra đẩy phụ anh chiếc xe, chỉ đẩy cho nó lùi một chút là đi được” Rồi anh dìu tôi ra phía trước xe, chỉ cách cho tôi đẩy. Anh lại vào xe. Chiếc xe lại gầm rú lên, tôi cố gắng đẩy hết sức mình, chiếc xe đột nhiên thụt lùi ra lối đi khiến tôi ngã lăn xuống tuyết. Anh mở cửa xe, chạy vội đến bồng tôi lên “Tội nghiệp bé! Anh xin lỗi” Tôi đứng đến vai anh ta, lại nhỏ con nên anh bồng lên dễ dàng như bồng một đứa bé. Tôi còn nhớ, lúc đó, tôi như bay bổng lên trên tay anh ta. Mặt anh gần sát mặt tôi. Tuyết trắng bay từng mảnh nhỏ ngang qua mắt tôi. Tôi nhớ rõ khuôn mặt anh với đôi mắt sáng rỡ, miệng mỉm cười. Đột nhiên nụ cười đó đặt ngay vào môi tôi. Tôi nhắm mắt lại, sợ hãi. Tôi không rõ anh hôn tôi trong bao lâu, đến khi anh để tôi đứng xuống, tôi như người mất hồn. Lần đầu trong đời, tôi bị con trai hôn. Tôi đã thành một con bé khác! Anh mở cửa dìu tôi vào xe. Chiếc xe chậm chạp, gầm gừ bò giữa tuyết trắng xóa, mênh mông. Anh hỏi tôi “Đi ngã nầy, phải không?” Tôi gật đầu. Anh nhìn tôi mỉm cười. Tôi mím miệng lại, nhìn thẳng phía trước. Anh vừa lái xe vừa nghiêng ngó khắp nơi. “Anh thích đi trong bão tuyết như thế nầy, thấy mình trơ trọi giữa cơn giận dữ của thiên nhiên. Vừa sợ vừa thích! Sang năm, nếu có bão tuyết anh cũng sẽ ra chỗ lúc nãy đứng ngắm tuyết. Bé có thích thì ra đó, anh sẽ chờ và đưa bé về như thế nầy”. Nói xong, anh nhìn tôi. Không hiểu sao tôi nhìn lại anh và gật đầu! Anh hỏi đường đi về nhà tôi, tôi chỉ hướng mà không nói gì. Anh hỏi tên tôi, tôi làm thinh. Khi xe dừng trước nhà, tôi mở cửa, nhìn anh rồi chạy vào nhà. Thế rồi những năm sau, khi có bão tuyết, tôi lại chạy ra chỗ cũ, nhưng không gặp anh.

Xong trung học, tôi đi học xa, mãi tận Florida, miền nam nước Mỹ.

Đã lâu, tôi chưa có dịp nhìn lại cảnh mùa Đông ở Virginia. Nhân một kỳ Spring break (nghỉ đón xuân), tôi về thăm nhà. Năm nay cơn lạnh kéo dài đến giữa mùa xuân, lại thêm bão tuyết bất chợt nữa. Tôi ngồi vào bàn học cũ, nhìn qua cửa kính, thấy tuyết bay điên cuồng, tiếng gió rít vù vù nghe ghê rợn. Bỗng nhớ lại chuyện năm xưa, tôi khoác áo ấm, định chạy ra ngoài thương xá, nhưng tôi tự kìm chế được. Tôi đã lớn, đã hai mươi tuổi rồi! Chạy ra đó để làm gì? Có ai đứng đó đâu mà chạy đi tìm? Tôi lục trong chồng sách vở cũ, tìm thấy quyển nhật ký ghi lại những cảm nghĩ của thời niên thiếu, trong đó có chuyện tôi bị anh con trai kia hôn. Tôi ngồi suy nghĩ vẩn vơ. Có thể anh ta đã tốt nghiệp đại học, đã có một cô gái để yêu và cưới làm vợ...

Thú thật, tôi không còn nhớ rõ gương mặt dễ thương của anh ta, nó nằm trong tiềm thức, nhưng nếu gặp, tôi sẽ nhận ra ngay. Đó một chàng lãng tử với chiếc áo rộng thùng thình, quần jean phủ cả bàn chân và với chiếc xe trắng cũ xì, kềnh càng, anh ta lái chạy khắp nơi khi trời đổ tuyết. Tôi như còn thấy rất rõ tôi, một cô học trò bé con, ngây ngô, khi bị anh con trai bồng lên hôn thì nhắm mắt lại vì sợ hãi. Từng nầy tuổi đầu, tôi cũng chưa được con trai hôn ngoài anh ta. Nụ hôn của anh thật quí giá. đẹp và thơ mộng. Tôi cũng như thấy rõ cả chiếc xe trắng xám kềnh càng mà anh chở tôi chạy ngoài đường ngập tuyết. Thiên đường đẹp đẽ như vẫn còn ngoài kia. Khu thương xá, bãi đậu xe, đồi cây... trên trời, dưới đất đều ngập tuyết. Tuyết bay ngang, bay dọc như những sinh vật… Tôi ngồi lặng người nhìn ra ngoài trời, tâm trí chìm đắm trong những mơ ước mông lung.

Mỗi năm, vào mùa Hè, sinh viên Việt Nam tại Mỹ thường tổ chức trại họp mặt. Năm nay, trại hè tổ chức ở California. Đó là dịp cho các sinh viên kết bạn, cùng nhau chuyện trò, ăn uống vui chơi, tổ chức các cuộc tranh giải thể thao nho nhỏ.

Như thông lệ, trại hè năm nào cũng phát hành một đặc san để kỷ niệm. Tôi đi học, bình thường như những người khác, chẳng có gì đáng nhớ nhưng cũng góp một bài viết ngắn, kể lại kỷ niệm bão tuyết năm xưa với anh con trai lãng tử. Sau đó tôi không quan tâm bài có được đăng hay không

Xứ Mỹ rộng quá, gặp nhau thật khó, vì thế nhiều người tuy đã ra trường, đã có gia đình vẫn tìm đến những cuộc họp mặt, để tìm lại bạn bè trong không khí Việt Nam đầm ấm, giữa cảnh thiên nhiên của các khu rừng, công viên cây cao, bóng mát... Năm nay tôi theo mấy chị bạn tham dự trại hè. Tôi không ngờ đi dự trại lại thích thú đến thế. Vui quá! Đến độ bất cứ chuyện gì tôi cũng có thể cười được. Các bạn trai trổ tài ca hát, đóng kịch và nói tếu... Các bạn gái hát cũng hay nhưng thường thích biểu diễn nấu nướng và tụ tập chuyện trò. Tôi nhỏ nhất, thường theo các chị để hóng chuyện.

Một lần, khi phe con gái chúng tôi đang ngồi dưới một lều vải tâm sự linh tinh thì có một anh con trai đi đến. Anh ta hơi cao và gầy, đeo mắt kiếng đen như thám tử trong các phim, lại thêm bộ râu mép không giống ai. Trông anh ta buồn cười như một anh hề, vì biết đó là râu giả. Từ xa, tôi đã thấy anh ta lảng vảng đến các nhóm con gái, tay cầm tờ đặc san của trại, hỏi han người nầy người nọ. Lúc đến chỗ chúng tôi, anh ta hỏi "Xin lỗi, ở đây có ai là tác giả truyện ngắn "Bão Tuyết" không ạ?" Tôi vọt miệng "Không ai ở đây là tác giả đó. Nhưng anh hỏi có việc gì không?" "Tôi hỏi để báo cho tác giả đó biết là anh chàng lãng tử trong truyện đó là bạn tôi. Anh ta nhờ tôi đi tìm tác giả để đính chính là có mấy chỗ viết sai.” Nói xong, anh ta cúi chào và bỏ đi. Tôi linh cảm điều gì bất thường nên đứng lên bước theo. “”Nầy anh gì đó ơi! Anh cho hỏi thăm” Anh ta tiếp tục đi. Tôi lẽo đẽo theo sau. “Anh kia ơi!”. Anh ta đi chậm lại và ngồi xuống cạnh một chiếc bàn, loại thường thấy trong các công viên, để chờ tôi. Tôi nóng ruột vội hỏi:

- “Anh cho tôi hỏi thăm. Bạn anh, có trong trại hè nầy không? Tôi có đọc truyện ngắn đó nên tò mò muốn hỏi cho biết. Vậy thôi. Tác giả cũng là bạn tôi”.

Anh ta cười vẻ chế giễu:

- “Anh ta có ở đây. Chị muốn gặp không?”

- “Chị bạn tôi cần gặp chứ tôi thì gặp làm gì!”.

Anh ta hát, bộ râu giả nhúc nhích như con sâu màu đen đang cựa quậy: “Hãy ngồi xuống đây, vai kề sát vai…

Tôi ngồi xuống ghế, phía đối diện, sốt ruột:

- “Anh ấy là bạn anh. Có dự trại hè nầy. Phải không?”

-  “Chị muốn gặp thì tôi chỉ cần kêu lên một tiếng là anh ta sẽ đến ngay”

- “Tôi chỉ là độc giả thôi, tò mò muốn xem mặt mũi nhân vật ra sao, nhưng với điều kiện"

- “Tôi biết rồi. Có thể anh ta đã có người yêu, đã có gia đình”.

Tôi ngắt lời:

- “Nếu như thế thì tôi không muốn gặp, cũng xin anh đừng cho anh ta biết rằng có tôi ở đây. Tôi sẽ rời khỏi đây ngay bây giờ”.

- “Ôi, anh ta vừa xấu vừa vụng về, làm gì có cô nào thèm nhìn đến. Chỉ hi vọng có một người nhớ đến”.

Tôi linh cảm người tôi muốn tìm đang ngồi trước mặt tôi:

- “Tôi vẫn chưa hiểu, anh ta bảo bạn tôi viết sai ở chỗ nào?”.

- “Chị viết, cô bé trong truyện không nói câu nào trong suốt buổi chiều bão tuyết đó”.

-  “Đúng rồi! Con nhỏ đâu có trả lời câu nào!”.

Anh ta bỏ kiếng đen ra, gỡ bộ râu giả ra, nhìn tôi, chờ đợi. Tôi kêu lên, mừng rỡ.

“Đúng là anh rồi!”.

Người con trai với đôi mắt như đăm chiêu, đôi môi hồng tự nhiên mà tôi mong gặp lại. Anh vẫn không thay đổi.

- “Bây giờ cô bé cố nhớ lại, bữa đó, em có trả lời. Nếu em không nhớ là em đã vô tình với anh. Em chỉ trả lời có hai câu thôi. Bây giờ anh hỏi lại nghe! “Bé tên gì?"

Tôi cúi đầu yên lặng. Buổi chiều trong công viên thật yên tĩnh. Có tiếng chim hót trong cành cây trên cao và tiếng cười của các trại viên vang vọng từ xa… Một lúc thật lâu, tôi nói

- “Không nói đâu!” Tôi liếc nhìn. Anh ta cười phá lên như người vừa tìm được một niềm vui:

- “Đúng rồi. Giỏi lắm! Câu thứ hai: 'Cô bé cho anh đến nhà thăm. Được không?'”

Tôi làm nghiêm, lắc đầu:

- “Không được đâu. Ba mẹ biết, la chết!” Rồi chúng tôi nhìn nhau cùng cười. Tôi đã từng tưởng tượng buổi gặp lại anh, sẽ cảm động, tình tứ lắm. Không ngờ cũng bình thường như với bạn quen. Anh ta nói:

- “Còn câu thứ ba nữa. Hôm đó, khi anh đưa em về nhà, trước khi em xuống xe anh có hỏi một câu, nhưng em không trả lời. Bây giờ anh hỏi lại, nghe! “Cho anh cầm tay em. Được không?”. Tôi sung sướng vì thấy anh rất thân thiết và đáng tin cậy: “Được chứ!”.

Tôi đưa bàn tay ra. Anh cầm lấy, áp bàn tay tôi lên mặt anh.

Tôi nhìn anh, nước mắt ứa ra. Tôi khóc.

Phạm Thành Châu

22 March 2017

Báo Nhật : Tillerson đã ăn phải bả của Bắc Kinh ?

Thanh Phong
Chuyến công du châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuần qua tiếp tục được báo chí trong khu vực bàn luận, đặc biệt là về chuyến đi Trung Quốc của ông trong hai ngày 18 và 19/03.

Riêng tờ The Japan Times của Nhật thì lo lắng đặt câu hỏi trong hàng tựa : « Lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã vô tình tạo cho Trung Quốc một " mối quan hệ đại cường mới " ? ». Lý do là vì, theo nhận xét của tờ báo, trong chuyến đi đầu tiên của ông tới nước này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã sử dụng các cụm từ và ngôn ngữ thường được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng.

Tại Bắc Kinh, ông Tillerson đã đề cập đến mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc như là được "xây dựng trên nguyên tắc không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và luôn tìm kiếm các giải pháp có lợi cho cả hai bên". Đó là những ngôn từ thường được Bắc Kinh sử dụng và điều đó đã làm một số chuyên gia ngạc nhiên. Cụm từ "tôn trọng lẫn nhau" có thể được hiểu là tôn trọng những gì mà Trung Quốc xem là "lợi ích cốt lõi" của họ.

Những lợi ích cốt lõi này bao gồm các vấn đề về lãnh thổ và chủ quyền, chẳng hạn như tranh chấp Trung - Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, cũng như tranh chấp trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Đài Loan, mà Trung Quốc coi một tỉnh phản nghịch, nếu cần sẽ dùng vũ lực để thống nhất với Hoa lục, cũng là một lợi ích cốt lõi.

Trong các tuyên bố được công bố sau cuộc gặp với ông Tillerson, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh hợp tác là "sự lựa chọn đúng đắn duy nhất" đối với quan hệ Trung-Mỹ, vì theo ông, các lợi ích chung của Trung Quốc và Mỹ vượt xa sự khác biệt giữa hai nước.

Các phương tiện truyền thông Nhà nước của Trung Quốc cũng đã đăng nhiều bài ca ngợi những tuyên bố ông của Tillerson, nói rằng Ngoại trưởng Mỹ đã "ngầm thừa nhận" mô hình quan hệ đại cường mới » của Bắc Kinh.

Ngay cả Hoàn Cầu Thời Báo, nổi tiếng với giọng điệu dân tộc chủ nghĩa cực đoan, cũng nhấn mạnh rằng Tillerson đã hai lần đề cập đến "nguyên tắc không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi", trong khi chính quyền Obama trước đây không hề nói đến điều này.

Theo The Japan Times, các đồng minh của Mỹ trong khu vực, cụ thể là Tokyo và Seoul, đã rất lo lắng theo dõi cách thức mà chính quyền Trump đối phó với một nước Trung Quốc ngày càng mạnh.

Khi được hỏi là phải chăng Tillerson muốn bắn một tín hiệu cho Bắc Kinh bằng cách diễn đạt với những ngôn từ gần như giống hệt nhau, phát ngôn viên Mark Toner của Bộ Ngoại giao nói rằng Ngoại trưởng Mỹ chỉ cố chuyển tải một điều là Hoa Kỳ cũng muốn có một quan hệ «thắng-thắng» với Trung Quốc.

Trên thực tế, theo The Japan Times, gần như chắc chắn ông Tillerson đã tỏ thái độ cứng rắn hơn khi hội đàm kín với giới lãnh đạo Bắc Kinh, nên việc sử dụng những ngôn từ nói trên có lẻ là nhắm để cho Trung Quốc vớt vát thể diện.

Trong một tuyên bố, Tillerson đã thể hiện quan điểm cứng rắn của ông với Trung Quốc khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng "trật tự dựa trên luật lệ để giải quyết các tranh chấp lãnh hải và tự do hàng hải và hàng không". Đây là một cách để duy trì nguyên trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và cũng nhằm để trấn an thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người cũng có đường lối cứng rắn trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc trên hai vùng biển đó.

Theo một chuyên gia được tờ The Japan Times trích dẫn, tuy Trung Quốc sẽ rất vui mừng với cử chỉ hợp tác của Tillerson, Bắc Kinh không ngây thơ đến mức nghĩ rằng những khác biệt sâu sắc giữa hai bên sẽ biến mất như có "phép mầu".  (Nguồn: RFI Tiếng Việt)

21 March 2017

Tin ngắn đáng chú ý

Tàu Pháp dẫn đầu cuộc tập trận tại Thái Bình Dương nhắm vào TQ 

Pháp sẽ điều động một trong những tàu sân bay đổ bộ hùng mạnh Mistral để lãnh đạo những cuộc tập trận trên và quanh đảo Tinian tại tây Thái Bình Dương, với các binh sĩ Nhật Bản, Hoa Kỳ, và hai máy bay trực thăng chở binh sĩ của Anh.

Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết “Hơn là một cuộc tập trận hải quân, cuộc tập trận đổ bộ này sẽ gởi một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc.”

Cuộc tập trận sẽ diễn ra trong tuần lễ thứ 2 và thứ 3 của tháng 5, nguồn tin này cho biết.

Gia tăng sức mạnh quân sự và tàu sân bay, Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng vượt quá vùng biển duyên hải của mình vào trong Thái Bình Dương. Động thái này không chỉ làm Nhật Bản và Hoa Kỳ lo ngại, mà còn khiến Pháp quan tâm vì Pháp kiểm soát một vài vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương trong đó có New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp.

Do Hoa Kỳ quản lý, Tinian là một phần của quần đảo Bắc Mariana, bao gồm đảo Guam, nằm cách Tokyo khoảng 2.500 kilômét về phía nam.

Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, có lực lượng hải quân mạnh hàng thứ hai ở châu Á sau Trung Quốc và đang thiết lập các quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Pháp và Anh. (Rút gọn từ VOA Tiếng Việt)

Dự luật 'trừng phạt Trung Quốc gây hấn biển Đông'

Hai nghị sĩ quốc hội Mỹ hôm 16/3 đưa ra dự luật nhằm chế tài Trung Quốc về các hành động trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Dự luật do Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa và Ben Cardin của đảng Dân chủ đề xuất, sẽ trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia các hoạt động bất hợp pháp của Bắc Kinh trên 2 vùng biển này.

Thương nghị sỹ Marco Rubio, thành viên đảng Cộng hòa đại diện tiểu bang Florida, là một trong 2 người đưa ra dự luật trừng phạt Trung Quốc vì các hành vi phạm pháp trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong thông cáo báo chí ra ngày 15/3, ông Rubio, thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương của Thượng viện nói: “Hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trên biển Đông đe dọa an ninh và thương mại khu vực. Những vụ vi phạm trắng trợn các tiêu chuẩn quốc tế đang diễn ra và không thể được bỏ qua, và các biện pháp trừng phạt được ghi trong luật này là một cảnh báo đối với Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ thật sự nghiêm túc và có ý định buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của mình."

Thượng nghị sĩ Cardin, thành viên của Ủy ban Đối ngoại thượng viện, nói trong thông cáo báo chí do Văn phòng của thượng nghị sỹ Rubio đưa ra: “Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy một Trung Quốc ngày càng gây hấn hơn trên biển, trấn áp và đe dọa các nước láng giềng ở cả Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông, đồng thời sử dụng mối đe dọa về sức mạnh quân sự để giải quyết các vụ tranh chấp lãnh thổ và khu vực, Trung Quốc còn thực hiện chiến dịch rầm rộ xây đảo và quân sự hóa các đảo này, đe dọa sự ổn định trong khu vực.”

Thượng nghị sĩ Cardin đại diện bang Maryland kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ “phải minh bạch về các lợi ích quốc gia lâu dài của chúng ta trong các hoạt động tự do thương mại, tự do hàng hải và giải quyết hòa bình những vụ tranh chấp qua ngã ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế. Làm như thế nào để bảo vệ các lợi ích quốc gia và lợi ích của các đồng minh và đối tác của chúng ta hầu duy trì một nền trật tự dựa trên luật pháp cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương.”

Cùng với Marco Rubio, thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ Ben Cardin (phải) đã đưa ra những chế tài đối với các cá nhân và thực thể của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế trên các vùng biển tranh chấp.

Cùng với Marco Rubio, thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ Ben Cardin (phải) đã đưa ra những chế tài đối với các cá nhân và thực thể của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế trên các vùng biển tranh chấp.

Ông Cardin nói thêm rằng luật này cung cấp những công cụ và sự lựa chọn mới cho các chính sách của Mỹ trong khu vực và ông lấy làm “vui mừng được cùng Thượng nghị sĩ Rubio tham gia vào nỗ lực này."

Reuters hôm 16/3 tường thuật rằng Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các công trình mới trong Biển Đông, dựa trên những hình ảnh vệ tinh mới. Đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tiếp tục củng cố khả năng quân sự trên tuyến hàng hải thương mại vô cùng quan trọng này.

Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông của Hoa Kỳ, nếu được thông qua sẽ:

• Buộc Tổng thống áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm nhập cảnh đối với các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia các dự án xây dựng và phát triển trên các vùng biển liên hệ, cũng như những người đe doạ đến hòa bình, an ninh hoặc sự ổn định trên Biển Đông (SCS) hoặc Biển Hoa Đông (ECS);

• Áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính nước ngoài cố ý tiến hành hoặc tạo điều kiện cho một giao dịch tài chính lớn cho các cá nhân và tổ chức bị xử phạt, trong trường hợp Trung Quốc thực hiện một số hành động nhất định trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, kể cả tuyên bố một khu nhận dạng phòng không hoặc tăng cường hoạt động trên bãi cạn Scarborough;

• Lập hồ sơ về các cá nhân và tổ chức tham gia các hoạt động đáng bị trừng phạt, kể cả nhân viên làm việc cho một số công ty Trung Quốc;

• Cấm xuất bản các tài liệu mô tả Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông như là một phần thuộc Trung Quốc, các dự án đầu tư vào Biển Đông hay Biển Hoa Đông, hay công nhận việc sáp nhập Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông;

• Hạn chế viện trợ nước ngoài cho các nước công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông.

Thượng nghị sĩ Rubio, hiện là chủ tịch Ủy ban Hành pháp Quốc hội về vấn đề Trung Quốc (CECC), đã đưa ra một phiên bản của dự luật này vào tháng 12 vừa qua. (VOA Tiếng Việt)

20 March 2017

Cười tí tỉnh: Hiểu lầm

Trung tâm y tế của bến cảng có một bác sĩ rất hay nói bậy. Các nữ y tá bàn nhau, mỗi khi ông ta nói bậy thì họ sẽ cùng nhau ra khỏi phòng. Một hôm, có một chiếc tàu mới cập bến, bác sĩ phải xuống tàu kiểm tra phòng dịch. Khi trở lên bến, ông kể chuyện oang oang:

- Sáng nay tớ khám bệnh cho cánh đàn ông trên tàu, người thì lùn, da vàng, mũi tẹt, chân tay nhỏ, chỉ được cái...

Mới nói đến đó, các nữ y tá đã chạy hết ra khỏi phòng. Ông ta ngạc nhiên gọi với theo:

- Các cô vội gì mà phải tranh nhau như vậy?! Họ còn ở đây một tuần cơ mà.

(Truyện vui trên Net)
Trương NT

Bắc Triều Tiên: Rex Tillerson chỉ «rung cây dọa khỉ»?

Ngoại trưởng Hoa Kỳ dự tính giải pháp quân sự chống lại Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trong bài trả lời phỏng vấn báo Liberation ngày 18/03/2017, nhan đề « Bắc Triều Tiên : Liệu Hoa Kỳ thật sự muốn can thiệp quân sự ? » chuyên gia Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược giải thích tại sao chiến lược này là khó thực hiện. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

Hiện đang công du châu Á, tân lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ, Rex Tillerson, trong khi đến thăm khu vực phi quân sự, nơi chia cắt hai miền Nam và Bắc Triều Tiên, có tuyên bố là một hành động quân sự nhắm vào Bình Nhưỡng là « một giải pháp » đang được để ngỏ. Ông nói: «Chính sách kiên nhẫn đã chấm dứt. Chúng tôi sẽ nghiên cứu một loạt các biện pháp mới về ngoại giao, an ninh và kinh tế.» Và ông kết luận: «Mọi chọn lựa đều trên bàn nghị sự».

Bình Nhưỡng gần đây đã tiến hành một chuỗi hành động khiêu khích. Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa hồi tháng 2 vào lúc tổng thống Trump và thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, cùng bày tỏ thái độ cứng rắn trước chế độ Kim Jong Un. Và một đợt phóng tên lửa khác cũng đã được thực hiện đầu tháng 3 này và 3 trong số tên lửa đó rơi không xa mấy bờ biển Nhật Bản. Liệu các tuyên bố của ngoại trưởng Rex Tillerson có được thực hiện hay không? Sau đây là nhận định của chuyên gia Bruno Tertrais.

Liberation: Có nên xem xét một cách nghiêm túc thông báo của tân ngoại trưởng Mỹ hay không?

Bruno Tertrais: Không, tôi hoàn toàn không nghĩ đó là ý định của Hoa Kỳ. Cũng như chính quyền Obama, tân chính quyền Mỹ biết rất rõ là một quyết định như thế sẽ bị Hàn Quốc phản đối, vì Seoul rất khó có thể chống đỡ trước cuộc tấn công của Bình Nhưỡng. Trung Quốc có thái độ tương tự, cũng sẽ không tán đồng. Ngược lại, trong trường hợp mối đe dọa gần kề, nguy cơ một vụ tấn công rất có thể biến thành hiện thực. Đó chính là điều mới đáng lo, nhất là khi Bắc Triều Tiên sẽ có tên lửa liên lục địa. Nhưng Rex Tillerson cẩn trọng hơn là ta nghĩ. Khi tuyên bố là « mọi giải pháp » đều trên bàn nghị sự, ông đã nói tất cả những gì cần nói nhưng chẳng có nội dung. Thậm chí điều này có thể làm lộ ra sự yếu kém. Ngay cả khi được diễn giải như là một sự cứng rắn, điều này có thể làm gia tăng chứng hoang tưởng của Bình Nhưỡng.

Liberation: Nhưng các tuyên bố của Rex Tillerson đánh dấu một sự đoạn tuyệt với chính sách ngoại giao thời Obama…

Bruno Tertrais: Không, trên thực tế, không hẳn có sự đứt đoạn về mặt cơ bản. Đó chẳng qua là một sự thay đổi về hoàn cảnh và lời lẽ mà thôi. Nếu phải so sánh với trường hợp nước Pháp, chúng ta lấy ví dụ về sự thay đổi diễn ra trong hồ sơ Iran giữa thời kỳ tổng thống của ông Chirac và ông Sarkozy : đương nhiên lời lẽ công khai thì có khác, nhưng thực chất vẫn như vậy. Rex Tillerson tỏ ra cứng rắn, ông ấy vạch ra lằn ranh đỏ, nhưng đó là những kiểu tuyên bố rất đặc trưng của các tổng thống Hoa Kỳ và đã có từ thời Clinton. Và Bình Nhưỡng thản nhiên vượt qua những lằn ranh đỏ đó….

Liberation: Thế thì làm thế nào giải thích sự bất lực cho đến lúc này của Hoa Kỳ trước Bắc Triều Tiên?

Bruno Tertrais: Lẽ ra nên nói đến sự bất lực của cả cộng đồng quốc tế, chứ không chỉ riêng của Hoa Kỳ. Không một ai thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ trang bị tên lửa đạn đạo có hiệu năng cao và vũ khí hạt nhân hoàn chỉnh. Lịch sử cho ta thấy là rất khó buộc một quốc gia ngừng chương trình hạt nhân khi mà chế độ đó có cảm giác sự tồn tại và tính chính đáng của họ bị đe dọa.

Dẫu sao quốc tế cũng đã làm chậm lại chương trình hạt nhân bằng cách đàm phán và đôi khi cả phá hoại. Và trong mọi trường hợp, nếu có một giải pháp, thì giải pháp này phải thông qua Bắc Kinh, vì chỉ có Trung Quốc mới thật sự có thể gây áp lực lên Bắc Triều Tiên do sự lệ thuộc kinh tế của Bình Nhưỡng.
(Nguồn: rfi)

18 March 2017

Tillerson: Mỹ đã hết kiên nhẫn, có thể tấn công Bắc Triều Tiên

Đôi giòng: Kiên-nhẫn-kiểu-Mỹ phải chăng là từ nhiều năm nay Bắc Triều Tiên nó đe dọa trực tiếp sẽ cho nước Mỹ thành bình địa mà Mỹ vẫn phải nghiến răng kiên nhẫn vì còn sợ hai thằng đàn anh đứng sau lưng nó? Nó đã bị cả thế giới lên án là một tên hung đồ, xấc xược, mà không dám ‘tát’ cho nó một cái cho nó tỉnh hay sao?!…Nếu đề nghị của tướng McArthur ‘tặng’ cho Tầu đỏ vài quả bom nguyên tử ( trong Chiến tranh Triều Tiên) được Truman chấp thuận thì giờ này có lẽ nhân loại, nhất là đám nhân loại sống quanh anh Tầu đỏ đỡ lo lắng, đỡ khổ đi rất nhiều. (SD)
**
Thụy My
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm nay 17/03/2017 tại Seoul tuyên bố chính sách ngoại giao "kiên nhẫn chiến lược" đối với Bình Nhưỡng đã kết thúc. Hoa Kỳ đang nghiên cứu một loạt biện pháp, trong đó có hành động quân sự nhắm vào Bắc Triều Tiên.

Theo Reuters và AFP, trong cuộc họp báo tại Seoul sau khi đi thăm vùng phi quân sự, ngoại trưởng Rex Tillerson nhấn mạnh Mỹ "chắc chắn không muốn đi đến xung đột", nhưng "sẽ phải đáp trả thích đáng" đối với tất cả mọi hành động đe dọa Hàn Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định : "Chiến lược kiên nhẫn đã chấm dứt. Chúng tôi sẽ xem xét một loạt các biện pháp ngoại giao, an ninh và kinh tế. Tất cả các phương án đều được nêu ra".

Chủ trương cứng rắn này hoàn toàn trái ngược với chính sách của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama: bác bỏ mọi đối thoại một khi Bình Nhưỡng chưa cam kết cụ thể về giải trừ hạt nhân, với hy vọng áp lực trong nội bộ Bắc Triều Tiên sẽ tạo nên những thay đổi.

Ông Rex Tillerson còn đòi hỏi Bắc Kinh bắt tay vào việc trừng phạt Bắc Triều Tiên. Đồng thời ông cho rằng Bắc Kinh đã vô lý khi có biện pháp chống lại Hàn Quốc, coi hệ thống lá chắn tên lửa THAAD là mối đe dọa cho Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ lần đầu tiên công du châu Á, trong bối cảnh căng thẳng. Hôm qua tại Tokyo, ông nhìn nhận thất bại của 20 năm nỗ lực ngoại giao để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hứa hẹn sẽ có chính sách mới nhưng không cho biết cụ thể.

Để đối phó với Bắc Triều Tiên, Nhật Bản hôm nay đã phóng thành công một vệ tinh gián điệp lên quỹ đạo, bổ sung cho các phương tiện đang giám sát những hành động của Bình Nhưỡng. Các vệ tinh tình báo này giúp nhận diện những vật có kích thước chỉ một mét vào ban đêm hay lúc trời mù sương, từ độ cao hàng trăm km.

Cũng tại Nhật Bản, hôm nay, khoảng một trăm người ở thành phố duyên hải Oga đã tham gia diễn tập sơ tán trong trường hợp bị hỏa tiễn Bắc Triều Tiên tấn công, hai tuần sau khi ba hỏa tiễn của Bình Nhưỡng rơi xuống ngoài khơi thành phố này.

Trong một diễn biến khác, hệ thống chuyển tiền quốc tế Swift đã cho ngưng kết nối bốn ngân hàng Bắc Triều Tiên vì "không tôn trọng các tiêu chí". Trước đó, đa số ngân hàng Bắc Triều Tiên đã bị Swift loại trừ, và như vậy, kể từ nay Bình Nhưỡng đã hoàn toàn bị cô lập với thế giới trong lãnh vực tài chính. (Nguồn: rfi, via SauDong)

Việt Nam trên bờ vực sụp đổ

Nguyễn Huy Vũ

Ảnh minh họa. Photo courtesy DCV
Việt Nam đang ở trong một trạng thái hiểm nghèo chưa từng có, và đây có lẽ là một trong những lần hiếm hoi Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ từ kinh tế lan sang chính trị.

Sự bi đát của tình trạng Việt Nam trên bề mặt thể hiện ở chỗ ngân sách gần như kiệt quệ. Lần đầu tiên trong lịch sử các khoản chi cho Tết đã bị cắt giảm hết mức, từ các chi phí trang trí cho đến tiền dành để bắn pháo hoa.

Không những ngân sách cạn kiệt mà lượng dự trữ ngoại hối cũng suy kiệt theo. Trước hết hãy nói về dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối được đưa ra bởi Ngân hàng Nhà nước cho các báo là tăng và ở khoảng 40 tỉ đô la Mỹ. Tuy vậy, không ai tin đây là con số trung thực, mà dự đoán dự trữ ngoại hối hiện nay chỉ trong khoảng 20 tỉ đô la. Tại sao lại như vậy?

Dòng ngoại hối chuyển vào Việt Nam phụ thuộc vào sáu kênh chính: FDI, viện trợ, kiều hối, bán dầu mỏ, xuất khẩu, và tài chính chuyển vào. Tuy vậy, cả năm kênh đầu trong năm qua đều giảm nghiêm trọng và xu hướng là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới.

Thứ nhất, FDI giảm vì số phận của TPP coi như chấm dứt khi tổng thống mới của Mỹ là Donald Trump đã tuyên bố dẹp TPP. Không có TPP, các đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chuyển sang các quốc gia khác vì Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh khi chi phí lao động và các chi phí khác tăng cao trong khi năng suất lao động không thay đổi mấy.

Thứ hai, Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách nước nghèo nên không còn nhận viện trợ mấy nữa.

Thứ ba, kiều hối về Việt Nam đã giảm so với trước. Kiều bào gửi tiền về Việt Nam có hai mục đích chính là giúp người thân và đầu tư. Với tình trạng kinh tế Việt Nam có quá nhiều rủi ro hiện nay từ nguy cơ phá giá tiền Đồng đến nền kinh tế có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, nhiều người không còn muốn đầu tư ở Việt Nam nữa. Một nguyên nhân khác là nhiều người ở Mỹ đặt niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ dưới triều đại Donald Trump nên họ cảm thấy an toàn hơn khi giữ tiền và đầu tư ở Mỹ. Bằng chứng là các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng liên tục khoảng 8% kể từ ngày Donald Trump đắc cử tổng thống.

Thứ tư, nguồn thu từ dầu mỏ cũng không còn nữa. Mức giá dầu thế giới nằm trong ngưỡng 50 đô la một thùng chỉ đủ bù vào chi phí khai thác dầu ngoài khơi của Việt Nam. Chính vì lí do đó mà liên doanh khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Nga Vietsovpetro đã thông qua phương án cắt giảm nhân sự và đóng cửa một số mỏ dầu. Giá dầu được dự đoán sẽ nằm trong ngưỡng 50 đô la Mỹ một thùng trong năm tới và do đó khó có khả năng đóng góp lớn vào nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam.

Thứ năm, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là các hàng nông sản và thủy hải sản. Tuy vậy, biển ô nhiễm ở miền Trung coi như đặt dấu chấm hết cho ngành xuất khẩu thủy sản nước mặn Việt Nam. Cho dù các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam được đánh bắt từ vùng khác, có thể không bị ô nhiễm, nhưng khó mà thuyết phục được người tiêu dùng và do đó những công ty nhập khẩu sẽ trước hết từ chối các đơn hàng thủy sản của Việt Nam.

Và cuối cùng, nguồn thu từ tài chính chuyển vào có được thông qua việc bán các tài sản trong nước cho các tổ chức nước ngoài và vay mượn. Tuy vậy, ngay cả việc bán hết khoảng 10 công ty lớn nhất Việt Nam mà nhà nước đang nắm giữ cũng chỉ đem lại một khoản tiền 7 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn nhiều so với con số 12 tỉ đô la mà nhà nước phải trả nợ năm 2016. Vì vậy mà để trả nợ nước ngoài và cân bằng chi tiêu, dù muốn dù không chính phủ sẽ phải vay mượn tiền từ dự trữ ngoại hối. Các kế hoạch vay tiền để trả nợ đã bị hủy bỏ vì Việt Nam khó mà vay được ngoại tệ trên thị trường tài chính vào lúc này, và thậm chí vay được thì mức phí cũng phải trên 10%/năm, khi so với mức hơn 7% năm khi Việt Nam vay qua Credit Suisse cho Vinashin năm 2007.

Các dẫn chứng trên cho thấy rằng nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam đang sụt giảm nhanh chóng và khó có thể hồi phục trong khoảng thời gian vài năm trước mặt. Nếu so với các năm trước, khi mà giá dầu ở mức hơn 100 đô la Mỹ/thùng, kiều hối dồi dào, và Việt Nam chưa phải trả nợ nước ngoài nhiều, ngoại hối chuyển về Việt Nam chỉ đủ tròm trèm cân bằng chi tiêu dành cho nhập khẩu. Giờ đây khi tất cả các nguồn đóng góp ngoại tệ đều giảm sút, dự trữ ngoại hối Việt Nam tất phải vơi đi.

Với mức dự trữ ngoại hối được báo cáo vào cuối năm 2015 ở mức khoảng 30 tỉ đô la Mỹ, sự thâm hụt ngoại hối của năm 2016 khiến cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay chỉ ở trong khoảng 20 tỉ đô la.

Trong năm nay, 2017, Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với mức trả nợ hơn 10 tỉ đô la như năm ngoái, và khi mà mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam dưới 20 tỉ đô la Mỹ, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính bất cứ lúc nào, khi mà thị trường đòi rút ngoại tệ gây áp lực phá giá tiền Đồng.

Chính vì nỗi sợ đó mà nhà nước đang ráo riết tìm các phương kế để tăng dự trữ ngoại hối. Họ đang làm bằng cách nào?

Cách đầu tiên là họ đang tìm cách bán hết các công ty mà nhà nước đang nắm giữ. Nhưng không dễ để tìm đối tác bán các công ty ở thời điểm này khi mà nền kinh tế Việt Nam không mấy sáng sủa.

Cách thứ hai là họ đang ráo riết vận động dư luận để tổ chức Tết Ta sang ngày 1/1 hàng năm, ăn Tết Ta chung với Tết Tây, nhờ đó mà kiều bào về Việt Nam ăn Tết nhiều hơn và giúp tăng nguồn ngoại tệ.

Cách thứ ba là họ đang tìm cách bán tất cả những thứ có được khác để thu ngoại tệ, từ các quặng mỏ cho tới đất đai.

Và cách thứ tư là lân la với Trung Quốc để cầu cứu xin vay mượn viện trợ. Đó cũng là lý do mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn một phái đoàn hùng hậu sang cầu cứu với Bắc Kinh.

Sự suy kiệt ngân sách nhà nước bắt nguồn từ sự khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ vài năm trước nay có thêm sự sụp đổ của kinh tế miền Trung bắt nguồn từ thảm họa biển chết bởi Formosa. Sự khủng hoảng kinh tế trầm trọng kéo theo nguồn thu ngân sách cạn kiệt. Để làm tăng ngân sách, nhà nước một mặt giảm chi tiêu, mặt khác đang cố gắng tạo ra các nguồn thu mới bằng cách tăng thuế. Mức tăng thuế môi trường đánh vào xăng là một ví dụ.

Tuy vậy, việc tăng giá xăng sẽ kéo theo sự tăng mạnh của lạm phát, vốn đã cao do nạn in tiền quá nhiều để chi tiêu của chính phủ. Sự tăng mạnh của lạm phát đến lượt nó sẽ kéo theo các bất ổn vĩ mô và khiến nền kinh tế nhanh chóng mất kiểm soát và sụp đổ.

Ngược lại, nếu chính phủ không nhanh chóng kiếm một nguồn thu ngân sách bổ sung, họ sẽ phải đối mặt với một ngân sách trống rỗng không đủ trang trải cho các hoạt động của bộ máy chính phủ và phải đối diện với sự phá sản.

Cả hai mặt trận, ngân sách chính phủ và dự trữ ngoại hối, chính phủ đang đối mặt với một tình thế hết sức hiểm nghèo và nền kinh tế có thể sụp đổ nhanh chóng trong những tháng ngày tới. Có lẽ đối diện với nỗi lo sợ đó mà ông tổng bí thư vội vã đem một phái đoàn sang diện kiến Bắc Kinh và ký kết một lúc 15 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực đặng mong Trung Quốc giúp đỡ trong những thời khắc điêu linh của đất nước?

N.H.V.
Nguồn: http://www.ijavn.org/ 2017/01/ viet-nam-tren-bo-vuc-sup-o. html

17 March 2017

Mỗi tuần một truyện cũ mà. . . hay (3)

VÙNG ĐÁ  NGẦM

LỜI GIỚI THIỆU. 
Ngày 30 tháng 4 lại sắp đến. Trong khi cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản khắp nơi trên thế giới đang tưởng niệm biến cố lịch sử đau thương ấy bốn mươi năm xưa của Miền Nam Việt Nam (VNCH), ký ức về hiện tượng thuyền nhân trên Biển Đông cũng được khơi dậy, vì đó là một hệ quả không thể tách rời của biến cố kia. 
Từ sau 30-4-1975 – sau ngày VNCH bại trận trong cuộc chiến Việt Nam 1954-1975 – hàng trăm nghìn người Việt đã liều lĩnh trốn khỏi nước bằng đường biển trên những chiếc xuồng máy nhỏ bé, mong manh. Những hành trình nầy – mà ngôn ngữ thời ấy gọi là “vượt biên” – là những cuộc đào tẩu gian nan, đầy hiểm nguy, bất trắc. Một số người may mắn tới được bến bờ, hay được cứu trên biển; một số không nhỏ đã bị tử vong trên biển vì bệnh tật, đói khát, bão tố… Theo báo cáo của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, khoảng 840 nghìn người Việt vượt biển tìm tự do, đã tới được bến bờ, và khoảng 250 nghìn người đã bỏ mạng trên đường đi. 
Truyện “Vùng Đá Ngầm” của Hà Kỳ Lam không phải là sản phẩm của tưởng tượng, hay hư cấu văn chương. Tác giả đã ghi lại mọi chi tiết trung thực từ đầu đến cuối của một chuyến vượt biên qua lời kể của một nhân chứng sống! Ông đã trình bày thiên ký sự nầy dưới dạng một truyện ngắn để gây hứng thú cho người đọc. Chỉ có danh tính nhân vật trong cuộc được biến đổi để tôn trọng sự riêng tư của họ. 
Nhân dịp Tháng Tư lại về, chúng tôi xin đăng lại “Vùng Đá Ngầm” của Hà Kỳ Lam, một câu chuyện thật về thuyền nhân, để cống hiến quí vị.
Hai chúng tôi cùng đứng cạnh một tảng đá lớn sát mặt biển. Bây giờ là lúc thủy triều xuống. Khi thủy triều dâng thì mỏm đá nầy chắc phải chìm dưới làn nước xanh; dấu vết bọt bèo rải rác khắp nơi đã cho tôi sự ước lượng đó. Suốt một dãi bờ biển dài, uốn khúc, nhấp nhô ghềng đá, chỉ có hai chúng tôi – ông Sềnh và tôi. Trời lộng gió, lạnh buốt xương, và sương mù dày đặc – sương mù huyền thoại của đất nước Anh Cát Lợi. Một điều khá lạ lùng là sương mù chỉ ngự trị trên đất liền. Thực ra, sương mù ở đây chỉ “chiếm hữu” không gian từng đoạn: suốt ba giờ ngồi xe hơi từ Luân Đôn đến đây, miền nam xứ Wales, chúng tôi đã vượt qua hết vùng sương mù dày đặc đến vùng sương mù mỏng, và có khi đi qua một đoạn đường quang đãng, rồi lại sương mù nối tiếp. Tôi có cảm tưởng cả nước Anh bị ôm kín trong màn sương mù khổng lồ và lổ đổ như thế về mùa đông. Nhìn ra khơi, tầm quan sát vẫn rất xa. Chúng tôi thấy được bờ nước chạy quanh trước mặt kéo dài về bên phải chúng tôi một đoạn khá xa, gần cả cây số, rồi vòng ngược về bên trái, lại chạy ngang trước mặt chúng tôi, nhưng làm thành bờ nước bên kia – tựa như một bờ sông – nhưng cũng chẳng bao xa thì bờ nước chấm dứt, nhường lại cho cái mênh mông của biển cả. Ông Sềnh và tôi đứng nhìn cái vịnh tý hon của vùng mỏ than nghèo nàn thuộc cực tây Anh Quốc. Xa xa trên biển nhấp nhô những đỉnh nhọn của đá ngầm dường như chỉ chờ lúc thủy triều rút xuống để xuất đầu lộ diện thách thức và nhắc nhở một đe dọa thường trực với con người. Tôi buột miệng kêu lên:

– Đá ngầm!

Ông Sềnh nhìn tôi, cười khoái trá, và với cái giọng Hoa kiều trong mớ tiếng Việt khá lưu loát ông nói:

-Tao đưa mày ra đây để mày nhớ lại cái vùng đá ngầm của tụi mình ngày xưa. Có lẽ mười ba năm nay ở Mỹ mày chưa có dịp thấy lại đá ngầm bao giờ, hả Hoàng?

– Chú Sềnh nói đúng. Thấy biển thì nhiều, vì năm nào vợ chồng con cái cũng đi tắm biển, phơi nắng, nhưng chưa bao giờ thấy lại những mỏm đá nhô lên giữa biển như hồi mình vượt biên.

Cái kỷ niệm hãi hùng của những ngày vượt biển có lẽ mãi mãi là một phần tâm thức của những người “cùng hội cùng thuyền” năm ấy. Có điều, nếu thấy lại hình ảnh xưa, hoặc nhìn ngắm những hình tượng tương tự bây giờ thì sự gợi nhớ mới mãnh liệt nhất. Chúng tôi nhìn nhau. Ông Sềnh nói:

– Tao vẫn tin rằng mình ăn ở có đạo đức thì Trời luôn luôn che chở để tai qua nạn khỏi.

Tôi phụ họa:

– Cháu cũng nghĩ như thế. Trong bao năm qua, mỗi lần nhớ lại cuộc ra đi của mình, tụi cháu cứ thấy sự sống sót như một phép lạ, một nhiệm mầu. Nhiều người vẫn nghĩ sự cứu vớt lạ lùng năm ấy xẩy ra được là nhờ đức độ của người đầu đàn.

Vừa nói tôi vừa nhìn nét mặt thoáng vẻ xúc động của ông Sềnh. Gương mặt ông hơi đăm chiêu, và đôi mắt tuy đang nhìn tôi nhưng đầy vẻ xa xăm. Bỗng nhiên bây giờ tôi mới quan sát ông kỹ hơn. Từ sáng nay, lúc gặp nhau tại phi trường Heathrow, tôi chỉ nhìn ông một cách tổng thể vì mải vui chuyện xưa chuyện nay của đôi kẻ cố tri lâu ngày gặp lại. Tôi thấy ông Sềnh già đi nhiều, “xuống sắc” nhiều so với mưới lăm năm trước đây, nghĩa là lúc tôi được cơ may quen biết ông ở Sài Gòn, và lúc tạm biệt ông ở một hải đảo tỵ nạn để mỗi người một ngã đường định cư. Nhưng nếu so với cái tuổi sáu mươi, tôi vẫn nghĩ mấy ai còn được phong độ như ông; ông còn cái tráng kiện của một người vừa xấp xỉ năm mươi thôi. Tôi nghĩ, có lẽ ông Sềnh cũng không ngăn được tâm trí xuôi về dĩ vãng, về những ngày “hoạt động” cũ như những gì đang lướt qua rất nhanh và sống động trong trí tôi bây giờ.

Nếu không do một gặp gỡ tình cờ giữa đường với một người quen thì tôi đã không bao giờ biết ông Sềnh – hay đúng hơn, ông Sềnh đã không bao giờ biết tôi – và có thể đã không bao giờ có cơ hội rời khỏi Việt Nam. Gia đình tôi làm gì có đủ tiền bạc để mua một chỗ – một chỗ cho tôi thôi, chứ chưa nói đến vợ con – trên một chiếc ghe vượt biên. Tôi đã làm việc trong “xưởng đóng tàu” của ông Sềnh ở Phú Lâm ròng rã năm tháng trời để chuẩn bị cho việc hạ thủy chiếc “soái hạm” của ông, chiếc ghe định mệnh sẽ mang bốn mươi lăm tâm hồn khắc khoải chống chọi với nỗi chết, nỗi tuyệt vọng, với thú tính, trong một địa ngục bồng bềnh, trôi dạt vô định theo chuỗi ngày dài lê thê, có lẽ sẽ chấm dứt trong một cơn bão biển cho tất cả chìm sâu, chìm sâu… Để trả công cho tôi, ông Sềnh đã dành bốn chỗ trong chuyến vượt biên cho vợ chồng tôi cùng hai con nhỏ.

Những ngày tháng ấy, những ngày tháng mà guồng máy bí mật của ông Sềnh đang âm thầm sôi nổi hoạch định một chuyến đi đại sự, tôi thấy ông ta quả xứng đáng là con người đã từng nắm trong tay tiền muôn, bạc triệu giữa thời vàng son của Miền Nam cũ. Từ ngày nhỏ, tôi vẫn phục những kẻ làm nên sự nghiệp, kể cả làm giàu, bằng bàn tay và khối óc của mình mà không dựa vào những phương cách phi nhân. Những tháng làm việc trong tổ chức vượt biên của ông Sềnh tôi đã được thấy cái phong cách hào phóng của ông, cái tình người của ông, và trong những lúc vui chuyện tôi đã được nghe ông kể về một phần đời thơ ấu nghèo khổ, về những cơ may, những kiên trì, những tính toán thực tế đã giúp ông làm nên cả một cơ ngơi to lớn sau nầy. Nhìn vị “tư lệnh chiến trường vượt biên” năm xưa đang đứng trên một bãi biển xứ người, tôi thấy mình đang trở về những ngày tháng cũ của năm 1978 tại quê nhà…

Chiếc máy phát điện cũ mèm được vớt lên từ dưới sông để tân trang cho chạy lại làm nguồn mã lực cho con tàu vượt đại dương. Tôi và người thợ máy chính đã làm việc quần quật, thử tới thử lui, chạy thử nghiệm bao nhiêu lần, nó vẫn cứ ì ạch, không chịu chạy cho “ngon trớn”; chốc chốc lại “liệt”. Nhưng cuối cùng rồi cũng xong. Máy móc bắt đầu chạy ngon lành. Chỉ còn lo là bước đường sắp tới sẽ đưa người về đâu, vào tù hay vượt được đại dương, hay là “đường đi không đến”? Tâm trạng của người vượt biển nào cũng giống nhau.

Ông Sềnh đã phác họa một kế hoạch hành động khá tỉ mỉ, chu đáo, cùng những tiên liệu rất thực tiễn. Theo tính toán của ông, cuộc vượt biển sẽ diễn ra theo ba giai đoạn. Giai đoạn một là giai đoạn “dọn đường”. Ông sềnh đã lo liệu cho thủy thủ đoàn chúng tôi đầy đủ giấy tờ “hợp lệ” để thực hiện những chuyến “công tác” thường xuyên giữa Phú Lâm-Sóc Trăng, một hoạt động “bình thường” của chiếc ghe chở dầu của “Công Ty Dầu Tràm Trà Ôn”. Chúng tôi đã xuôi ngược khúc sông nầy nhiều lần trong những chuyến công tác giả như thế để công an tại các trạm kiểm soát ven sông “biết mặt” mình. Riết rồi họ “chán” chúng tôi thật, vì sau nhiều chuyến qua lại của chúng tôi họ đâm ra lười, chẳng buồn bước xuống ghe ghé mắt xem qua, mà chỉ đứng trên bờ hỏi với xuống: “Công Ty Dầu Trà Ôn hả, đi đi!” Và thế là thời điểm đã chín mùi để chúng tôi chuyển sang giai đoạn hai là vận chuyển con tàu và thủy thủ đoàn thường lệ đó cùng xăng dầu từ Sài Gòn đến tuyến xuất phát ở tận Sóc Trăng. Đây là giai đoạn quan trọng và khó khăn nhất, vì phải làm sao lọt qua được hệ thống kiểm soát của công an dọc đuờng đi, điều mà suốt giai đoạn một chúng tôi đã nổ lực dọn đường. Nhưng sự đời thường hay trớ trêu. Ngày lên đường thực sự của chúng tôi lại gặp lúc đám công an tại cái trạm mà lâu nay vẫn dễ dãi để chúng tôi đi qua “nổi hứng” bước xuống khám xét ghe! Chúng tôi liếc nhìn nhau, cái liếc mắt thiểu não mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu; nó ngầm bảo nhau: “thôi, chết cả đám rồi!” Ngoài mấy thùng nước để dàn cảnh ở đầu khoang ghe, giữa khoang chứa toàn những thùng xăng. Rồi còn những túi đựng áo quần, kể cả quần áo của đàn bà và con nít nữa. Đi công tác gì mà chở toàn những vật dụng kỳ cục thế này. Một viên công an bước xuống ghe, dùng một cây gậy thọc vào từng thùng nước. Đến khi sắp hết mấy thùng nước “dàn cảnh”, hắn lom khom định bò vào trong khoang ghe để thọc gậy khám tiếp mớ thùng bên trong thì bị khói mù mịt và khét lẹt từ bếp nấu ăn gần cuối thuyền bay tạt vào mặt làm cay mắt và ngộp thở nên đành thối lui. Chúng tôi thầm cám ơn màn “hỏa mù” của thằng Hải Còm. Chao ôi, mọi ngày nó tối dạ, chóng quên là thế, mà hôm nay bỗng xuất thần thuộc làu bài dạy của ông Sềnh không sai một ly ông cụ, và lại còn thực hành thật xuất sắc nữa chứ, vì nó đốt toàn vỏ cao su và giẻ lau dính dầu mỡ! Đã thế, nó lại còn cong lưng, phùng mang trợn mắt thổi liên tu bất tận để tống khứ mớ khói hắc ám sang đầu ghe bên kia! Leo ra khỏi hầm ghe, anh chàng công an còn chưa chịu buông tha chúng tôi, lôi theo một ba lô, mở tung ra khám. Nào là quần áo đàn bà con nít, nào là dầu gió, lại có cả thuốc chống say sóng nữa. Tôi vội chỉ tay về phía người thợ máy chính và nói nhanh, không ngập ngừng:

– Dạ thưa túi đồ này là của anh kia đem theo cho vợ con ảnh đang ở dưới Sóc Trăng.

Thấy không có gì đáng nghi, viên công an kết thúc cuộc khám xét. Ai nấy thở phào khoan khoái, làm như mấy chục phút vừa qua không được thở.

Như vậy, kế hoạch của ông Sềnh đã diễn tiến tốt đẹp, vượt qua được giai đoạn hai. Giai đoạn ba, giai đoạn cuối của kế hoạch, chỉ là địa điểm và ngày giờ tập trung để đổ người lên ghe vượt biên, tức chiếc ghe chúng tôi đang đi, một giai đoạn tương đối đơn giản hơn và ít nguy hiểm hơn. Đó là công việc sẽ làm ngày hôm sau, do chính ông Sềnh đích thân điều khiển.

Tại Sài Gòn, trước khi ghe rời bến lên đường, một ám hiệu nhận nhau đã được hoạch định. Trên một chiếc phao treo bên sườn trái của ghe chúng tôi cho buộc hai mảnh vải, một mảnh màu trắng, và mảnh kia màu đỏ. Lý do duy nhất khiến ông Sềnh chọn ám hiệu lạ lùng như thế là để giảm thiểu tình trạng trùng hợp tới mức hầu như không thể xẩy ra. Nếu chỉ chọn một màu đơn độc, ví dụ màu trắng hay màu đỏ, thì xác suất có chiếc ghe thứ hai cũng mang màu đỏ hay màu trắng sẽ cao hơn xác suất có một ghe như thế mang đúng cái tổng hợp màu đỏ và trắng. Tại một số địa điểm bên bờ trái dọc đường ghe đi ông Sềnh đã bố trí người để quan sát và báo cáo vị trí từng lúc của ghe. Đứng trên ghe nhìn vào bờ, thỉnh thoảng tôi lại thấy một ngư ông thu vén cần câu, đồ nghề, phóng lên xe gắn máy chạy đi khi chúng tôi vừa qua khỏi chỗ đương sự đứng câu. Và cư thế, mỗi lần chiếc ghe chúng tôi vượt qua một địa điểm bố trí trước thì một người đi câu của ông Sềnh lại thu xếp đồ nghề, nổ máy xe phóng chạy. Sau nầy, nghe người nhà ông Sềnh kể lại tôi được biết tại Phú Lâm ngày hôm đó ông Sềnh ngồi chờ các ngư ông liên lạc viên tuần tự về báo cáo hành trình của chiếc ghe từng chặng đường. Cái điểm “chiến lược” mà ông Sềnh trông đợi nhất để biết tình hình là điểm câu cá chỉ cách trạm kiểm soát của công an biên phòng khoảng một trăm thước. Ngay khi người phụ trách điểm câu cá tại đó về báo là ghe đã đi qua bình yên thì ông Sềnh tươi tỉnh ngay, vẻ mặt bớt căng thẳng. Chỉ còn chờ những điểm còn lại báo cáo để xác nhận thuyền đã đến bãi là ông Sềnh lên đường.

Ngày hôm sau ông Sềnh cùng gia đình và vài người còn lại trong “ban tham mưu” đã đáp chuyến xe đò sớm nhất đi miền Tây. Đến Sóc Trăng tất cả phải “ém quân” tại một nhà đã được sắp đặt trước, chờ đêm đến mới xuống “taxi” xuôi ra cửa biển. Cùng trong đêm, một “cánh quân” khác gồm những “khách quí” đã đóng góp để mua “vé vượt biên” cũng đã được đưa ra bãi. Điểm tập trung là một khu rừng ven biển, mọc toàn một loại cây không cao lắm mà dân địa phương gọi là cây bần. Riêng ông Sềnh, ngay khi đến thị xã Sóc Trăng, đã không ở lại vị trí “ém quân”. Ông cùng với một bộ hạ dùng xuống máy đi ngay ra bãi. Ông ăn mặc rách rưới, đầu đội chiếc nón lá mà vành nón xơ xác như một tiều phu đi đốn củi. Ngồi trên xuồng máy do một tài công lái phóng như bay trên mặt nước, ông Sềnh điều khiển, phối hợp mọi hoạt động của ghe “taxi” và ghe chính một cách nhịp nhàng và với độ bảo mật tuyệt vời. Giai đoạn đổ người lên ghe chính đã hoàn tất mỹ mãn. Tôi nhìn đông hồ thấy kim chỉ 5 giờ 47 phút khi chiếc ghe của chúng tôi bắt đầu tiến ra khơi, băng mình vào cõi mênh mông của biển cả. Buổi chiểu tháng Năm êm đềm, không một cơn gió nhẹ. Mặt biển xanh phẳng lì, khẽ gợn sóng lăn tăn như mặt nước hồ, đang đổi dần sang màu tím dưới ánh chiều tà. Mọi người nhìn nhau cười rạng rỡ. Bờ đất quê hương là vùng đất lưu đày đang bị bỏ lại đằng sau xa dần. Không ai biết một thảm kịch trên biển đang chờ họ. Một đêm hải hành huyền diệu. Mặt biển đen ngòm nhưng bầu trời đầy sao, và không khí mát mẻ thật dễ chịu. Tiếng máy chạy nghe đều đều và con thuyền ung dung lướt tới, trực chỉ hướng Mã Lai. Rồi đêm đen qua đi và bình minh ló dạng. Bình minh trên biển bao giờ cũng sớm hơn và rực rỡ hơn trên đất liền. Biển vẫn phẳng lặng. Tinh thần mọi người phơi phới. Qua rồi những lo âu bị bắt bớ, tù tội. Cầu xin cho trời yên bể lặng, cho máy móc chạy đều, cầu xin cho mọi sự được thuận chèo mát mái, cho chóng đến bến bờ…

Nhưng Trời như chẳng chiều người. Đến gần trưa máy bỗng ngưng chạy. Người thợ máy và tôi, phụ thợ máy, hì hục sửa chữa. Tôi nhảy xuống nước, lặn xuống lườn ghe xem xét: chẳng có triệu chứng gì cho thấy cánh quạt gãy hay máy móc bị chạm vào vật cứng gãy vỡ. Mọi cố gắng để hồi sinh động cơ của chiếc ghe đều vô hiệu. Thế là từ buổi trưa đó khởi đầu bốn mươi sáu ngày trôi dạt, phiêu bồng của chiếc ghe chở bốn mươi lăm người vừa đàn ông, đàn bà, và trẻ con, chỉ mới xa bờ biển Việt Nam độ mười tám tiếng đồng hồ. Điều hãi hùng là lúc bấy giờ chúng tôi làm sao biết sẽ trôi dạt, đói khát bao nhiêu ngày, làm sao biết sẽ được cứu, mà chỉ thấy mỗi ngày qua là một hy vọng bị chìm sâu, và cố gắng nhen nhúm một hy vọng khác. Chúng tôi tâm niệm, còn hơi thở là còn hy vọng.

Chúng tôi hoàn toàn không có ý niệm mình đã đi được bao xa. Ngày xưa tôi chẳng phải thuộc Hải Quân, mà là lính bộ binh, nên chẳng có một mảy may kinh nghiệm về biển cả. Trong số những người cùng đi chuyến ghe nầy có vài người từng là Hải Quân, đã phục vụ trên các hải vận hạm; nhưng lúc nầy họ cũng chẳng có ý kiến gì. Không biết chúng tôi đã đến hải phận quốc tế chưa, hay vẫn còn trong vòng lãnh hải Việt Nam. Tôi nghĩ, dù thế này hay thế khác cũng phải gặp tàu bè chứ, tàu của nước khác hay tàu của Việt Nam. Đằng này tuyệt nhiên không một dấu hiệu của sự sống trên mặt biển bao la ngày qua ngày…

Không còn sức đẩy của cánh quạt hay mái chèo, con thuyền cứ trôi dạt, nghiêng ngã theo chiều gió, theo con nước. Vài người đề nghị ghép mấy mảnh bao bố làm buồm cho ghe trôi nhanh. Tôi chưa từng thấy một tình huống nào mỉa mai hơn. Rõ ràng chúng tôi chỉ mong trôi nhanh, về phương nào cũng được, nhưng đừng đứng tại chỗ. Chúng tôi sợ phải đứng tại chỗ. Dường như dừng lại sẽ thấy nỗi chết kề cận, nỗi chết trong ánh mắt từng người, còn trôi đi, hay ở trạng thái động, ta cảm được sự đổi mới, ta xua tan ám ảnh của chết chóc, ta ý thức sự sống trước mặt, trong quãng xa mà ta đang đi tới. Tôi biết không phải thế, chỉ là ảo giác, ảo tưởng. Chúng tôi muốn trôi dạt cho nhanh để tấp vào một bến bờ, hoặc gặp một tàu nào cũng được. Lúc ấy tôi nhớ đến những câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
Bể vô tận sá chi phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh
Ở một đoạn khác trong bài thơ, ông đổi vận:
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan
Rồi ở một đoạn, ông lại gieo vận mới:
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ
Tới nông nỗi nầy tôi còn lòng dạ nào mong “thuyền theo gió hãy lênh đênh”, mà chỉ mong nó “hãy cho ngoan” hoặc “xin ghé bến hoang sơ” thôi. Hãy cho ngoan, trôi đến gặp bất cứ con tàu viễn dương nào; hãy cho ngoan, dạt vào bất cứ bờ bến nào, dù “hoang sơ” cách mấy, cho chúng tôi được sống!

Rồi chúng tôi trải qua ngày thứ mười sáu lênh đênh trên mặt biển bao la, không phương hướng, và cách biệt với loài người còn lại trên trái đất. Thực phẩm đem theo bây giờ chỉ còn đủ cho mọi người ăn cầm hơi khoảng năm ngày nữa. “Ăn cầm hơi” tức là mỗi người một ngày chỉ được một nắm cơm nhỏ bằng nửa chén. “Ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn.” Quái lạ, trong hoàn cảnh tuyệt vọng nầy sao tôi nhớ nhiều thơ phú và danh ngôn thế! Nếu những người khác đọc được những gì trong đầu tôi lúc đó chắc phải phát cáu lên, hay điên tiết vứt tôi xuống biển cũng nên. Có thể họ quên rằng trí óc con người ở trạng thái “tỉnh”, tức không bị một đối tượng “mạnh” thu hút chú ý, hoặc không phải sản sinh một năng lực làm việc “định hướng” thường phiêu du nội tại một cách vô kỷ luật, độc lập với ý chí ta. Và chính họ nữa, mỗi người biết đâu đang bị tiềm thức đẩy lên những điều nhớ chẳng ăn nhập, chẳng “ích gì cho buổi ấy”. Ông Sềnh vẫn khấn vái mỗi ngày, cầu xin Trời Phật hãy cứu vớt, chứ đừng trừng phạt, những con người không thể ở lại quê hương. Ông quỳ trên sàn ván ở mũi ghe cả tiếng đồng hồ mỗi lần khấn vái. Ông lẩm nhẩm đọc những lời cầu xin bằng Hoa Ngữ. Từ hôm chiếc ghe lâm nạn đến giờ, đầu gối ông đã phải cọ xát với ván thuyền nhiều lần đến chai đi; tôi bắt đầu thấy ở đó những lằn da sần sùi như da cổ những con trâu cày.

Rồi số ngày trôi dạt lên đến con số hai mươi. Lúc này ai nấy bắt đầu thấy đuối sức. Nhưng với đà “nuôi ăn” nầy thì may lắm còn vài ngày nữa là cạn lương thực. Và cả ghe đã biểu quyết: khẩu phần sẽ giảm xuống phân nửa để kéo dài thêm vài ngày. Sự chịu đựng của con người dường như sắp hết mức rồi! Nhiều lời bàn tán xầm xì, rỉ tai của từng nhóm như báo hiệu một điều gì bất an sắp xãy ra. Không phải cơn thịnh nộ của biển khơi, không phải bàn tay sấm sét của trời cao sắp giáng xuống, mà là một cái gì bất hạnh sẽ từ bên trong nổ ra. Tôi nghe loáng thoáng rằng Bảy Lì, một gã đàn ông khoảng ba mươi tuổi cùng vợ con là những khách vượt biên của ông Sềnh, có ý định dùng khẩu súng lục của y uy hiếp hai người phụ trách lương thực để y quán xuyến việc phân phối phần ăn cho cả ghe, vì y tố cáo rằng hai người kia ăn cắp thực phẩm chung để nuôi gia đình họ no hơn. Tôi ái ngại nhìn ông Sềnh. Tôi không rõ ông có hay biết gì không, nhưng không dám hỏi. Một lời nói nào lúc nầy cũng là một liều lĩnh, tôi nghĩ thế. Tôi nằm sát bên Bảy Lì trong khoang ghe. Hắn có súng. Tôi là người của ông Sềnh, dĩ nhiên hắn nghĩ thế. Rồi tối hôm đó tôi gác ca đầu từ bảy giờ đến mười một giờ đêm. Người gác phảỉ lên ngồi trên nóc ghe để quan sát bốn hướng; hễ thấy ánh đèn của tàu bè thì đốt lửa cho họ thấy mình. Mảnh trăng gần tròn lơ lửng trên cao tỏa ánh sáng mờ mờ xuống trần ghe. Sóng vỗ nhè nhẹ vào mạn thuyền. Mặt biển chìm trong màn sương khói trắng đục. Tôi thấy lòng bồn chồn. Không phải viễn ảnh mờ mịt của ngày mai, không phải sự sống còn của chiếc ghe làm tôi lo âu, vì nỗi ám ảnh đó bao lâu nay, từ hơn hai mươi ngày rồi, đã là một trạng thái tâm linh thường trực của mọi người, và ai nấy đã đạt tới độ “trầm tĩnh” phó mặc mạng sống cho số mệnh, một số mệnh tập thể. Tôi chỉ không yên ổn nghĩ đến những gì có thể xãy ra đêm ấy trong khoang ghe dưới kia, trong đó vợ và hai con tôi đang ngủ. Vào khoảng chín giờ tối, một bóng người từ dưới khoang ghe nhô lên. Tôi nhận ra ông Sềnh và hỏi nhỏ:

– Đại Ca chưa ngủ à?

Không trả lời câu hỏi, ông Sềnh ghé tai tôi hỏi nhỏ

– Mày có biết Bảy Lì định ra tay cướp ghe không

– Nghe nói nó chỉ muốn giữ thực phẩm để khỏi bị ăn cắp

– Không phải. Chỉ là cái cớ. Chú mày không biết đâu. Tao phải triệt nó trước.

Tôi đang thắc mắc ông Sềnh sẽ triệt nó bằng cách nào thì nghe tiếng nhiều người nói lao xao bên dưới, rồi một người leo lên nóc ghe, tay cầm một vật đen mà tôi nhận ra ngay là một khẩu súng lục. Người ấy chìa khẩu súng cho ông Sềnh và nói:

– Xong rồi!

Ông Sềnh hất hàm bảo:

– Ném xuống biển đi.

Một âm thanh “tòm” nhỏ, yếu ớt, vọng lên, và mẫu vũ khí gây bất an cho toàn ghe biến mất dưới biển, trong đêm tối. Tôi leo xuống khoang ghe xem vợ tôi và hai con nhỏ còn ngủ hay đã thức. Mọi người đều đã ngồi dậy. Tôi thấy nét mặt Bảy Lì như mặt nước vừa qua cơn giông bão đang trở về bình thường nhưng dấu vết cuồng phong vẫn còn hằng trên sóng nước. Ông Sềnh đã cho tôi biết nếu ông không khám phá ý đồ tàn sát cả ghe của Bảy Lì thì một thảm cảnh lớn có thể xãy ra đêm đó hoặc hôm sau, và chỉ có gia đình Bảy Lì sẽ sống sót! Động lực đơn giản để Bảy Lì hành động là: mớ thực phẩm ít ỏi nuôi bốn mươi lăm người trong vài ngày sẽ nuôi gia đình y cả tháng trên biển để có cơ may được cứu vớt.

Bảy Lì không còn là một đe dọa, một đối phó bên trong nữa. Nhưng chiếc ghe vẫn tiếp tục bồng bềnh theo gió, khi ngược, khi xuôi, khi đứng im lìm, trong khi chẳng có một tia hy vọng nào về sự cứu vớt huyền diệu chỉ có trong trí tưởng, trong ao ước, trong những truyện tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm mình đọc thuở xưa, hồi nhỏ. Lúc này chẳng ai thấy mừng đã thoát nạn có thể xẩy ra do khẩu súng độc nhất trên ghe, vì chỉ khác một điều là thay vì chết nhanh chóng thì phải chết từ từ, chết trong ngắc ngoải, hay chết đuối dưới biển sâu do cuồng phong ập tới bất cứ lúc nào.

Đã gần bốn mươi ngày rồi chỉ thấy trời nước mênh mông, chỉ thấy những bộ mặt tiều tụy, hốc hác, những cặp mắt đờ đẫn, mệt mỏi của nhau. Lương thực đã cạn hết từ mười lăm ngày nay rồi. Mỗi ngày chúng tôi chỉ biết uống nước mưa cho qua cơn đói. Môi chúng tôi khô lại, tái nhợt như không còn máu lưu thông trong thân thể gầy đét như những bộ xương. Không có lấy một mẩu gì có thể bỏ vào mồm nhai được để đánh lừa cơn đói khủng khiếp. Tôi nhặt được một hũ nhỏ trống trơn, đưa lên mũi ngửi mùi chao cho đỡ thèm. Vợ tôi đưa ngón tay quẹt vào thành hủ và liếm một cách ngon lành, mặc dù chẳng có gì ráo. Không ai còn sức lực để cử động nhiều; ai nấy nằm tại chỗ. Đứa con trai bốn tuổi của chúng tôi thường ngày vẫn đi tới lui trong khoang ghe để nhận phần nước uống cho gia đình, hôm nay không còn đủ sức làm công việc đó nữa; nó cũng nằm tại chỗ, thậm chí không còn nâng tay lên nỗi. Em gái nó còn thê thảm hơn. Con bé mới vừa lên năm tháng, đang còn thời kỳ bú sữa, bú nước cháo, đã chịu đựng tới bây giờ thật quá giới hạn của nó. Tôi treo chiếc võng nhỏ vắt ngang khoang ghe để nó nằm. Thời gian đầu, mỗi ngày còn có ít hột cơm nghiền nát cho nó ăn thay sữa, thay cháo, nên nó còn đủ sức cựa quậy. Lúc nầy nó nằm bất động, chỉ có đôi mắt là còn linh hoạt, một dấu hiệu nó còn sống. Ai nấy cũng nghĩ nó sẽ là người đầu tiên trút hơi thở cuối cùng trong chuyến ghe nầy, một ý nghĩ rất bình thường, không đi kèm một mảy may thương xót. Sự việc phải xẩy ra như thế, hợp lẽ với thiên nhiên. Đến như vợ chồng tôi mà cũng đón nhận cái ý nghĩ về sự chết của con mình một cách thản nhiên. Điều bận tâm duy nhất của chúng tôi là làm sao an táng con mình cho nguyên vẹn trong lòng đại dương. Có hai lý do khiến chúng tôi quan tâm như thế: có một số người đã manh nha ý định ăn thịt con bé nếu nó chết; còn nếu vứt xác xuống biển thì cá cũng sẽ phanh thây nó. Tôi bèn khoét sẵn một thùng nhựa cỡ vừa thân hình nó để làm cái áo quan. Tôi định sẽ gói xác bé gái chúng tôi trong thùng đó để thủy táng. Ghe chúng tôi bị nước rỉ vào, tuy không trầm trọng. Và tát nước là công việc hằng ngày mà mọi người đều phải làm theo lối dây chuyền, tức là múc nước vào một thùng và người nầy chuyền cho người kia, cho đến người cuối đổ thùng nước xuống biển. Vì kiệt sức, bây giờ phải cố gắng lắm mới bê nỗi thùng nước chuyền cho nhau!

Trong cái đói cùng cực, con người chỉ nghĩ đến miếng ăn. Cái ăn là ý tưởng thường trực trong đầu. Trí tưởng tượng vẽ vời những món ăn ngon lành mà bây giờ đã quá xa rồi, chỉ còn là dĩ vãng vàng son. Một người nằm ở cuối khoang ghe nói:

– Dậy đi, anh em ơi, đến nơi rồi. Tắm rữa sạch sẽ, thay áo quần rồi đi ăn điểm tâm hủ tiếu Nam Vang.

Một người ở giữa khoang ghe đáp lại:

– Ghé tiệm hủ tiếu ở đường Trần Quý Cáp. Ở đó có bánh bao ngon tuyệt.

Cái miệng khô và đắng nghét của mỗi người đều cử động “nhép nhép” để nuốt mớ nước bọt vừa tiết ra do nghe tên những món ăn. Và cái cảnh “ăn hàm thụ” đó diễn đi diễn lại không biết bao nhiêu lần.

Có ba lần chúng tôi thấy bóng dáng tàu ở thật xa, xa đến nỗi nó nhỏ như đầu ngón tay. Chúng tôi đã đốt lửa để gây khói. Mặc cho chúng tôi đốt khói, chiếc tàu vẫn xa dần rồi mất hút. Mỗi lần như vậy nhiều người ôm mặt khóc nức nở, nhất là các bà. Trong tuyệt vọng con người có những cử chỉ, hành động thật lẩm cẩm. Một bà người Hoa cứ thỉnh thoảng lại bày một mớ những thỏi vàng và đô la Mỹ, đếm tới, đếm lui, vừa sụt sùi khóc vừa than vãn:

– Tiền này, vàng này, vậy mà tôi không sống nỗi để hưởng. Hu hu…

Một thiếu niên chừng mười sáu tuổi nằm khóc rưng rức, mếu máo:

– Má ơi, Má có biết con chết không? Má thương con sao Má xúi giục con ra đi như thế nầy!

Tôi nhắm mắt, quay mặt hướng khác, không muốn thấy, không muốn nghe những gì đang diễn ra chung quanh. Khóc than, hay những cử chỉ rồ dại chẳng cứu nguy được tình thế, chỉ dìm sâu mình vào tuyệt vọng.

Một buổi sáng chúng tôi bỗng thấy những mỏm đá lởm chởm nhô lên khỏi mặt nước bao la. Chiếc ghe chúng tôi càng lúc càng trôi gần những mỏm đá đó. Chúng tôi vội ném dây thừng tròng vào đầu một mỏm đá gần để giữ cho ghe neo tại chỗ, không cho nó đụng vào đá, sợ vỡ ghe. Các tảng đá khác chỉ cách ghe chừng vài trăm thước. Chúng tôi biết có nhiều loại ốc bám vào thánh đá, nhưng không ai trong chúng tôi còn hơi sức để bơi đến đó mò ốc. Dưới làn nước trong từng đàn cá bơi lội ung dung chung quanh ghe. Vô số là cá. Cá đủ loại, đủ cỡ. Chúng tôi nẩy ra sáng kiến lấy một cây sắt nhọn đâm cá. Cuối cùng chúng tôi đâm được một con cá dài khoảng ba gang tay. Thế là chúng tôi băm con cá ra nấu một nồi súp lớn, chia mỗi người một chén húp cầm hơi. Nhìn đá chúng tôi bỗng vỡ lẽ: chắc tại ghe chúng tôi trôi gần vùng đá ngầm mà tàu bè đều tránh xa nên chúng tôi chẳng thấy bóng dáng một chiếc tàu nào trong suốt mấy chục ngày trên biển. Một lát sau, mặt biển dâng lên, các mỏm đá từ từ chìm dưới nước, chẳng mấy chốc chung quanh chỉ có nước mênh mông. Tảng đá cao nhất còn lú đỉnh nhọn khỏi mặt nước khoảng một sãi tay. Thấy gió bắt đầu thổi ngược hướng đá ngầm, chúng tôi giương buồm bằng bao bố để trôi xa đá. Nhìn đỉnh nhọn độc nhất còn lú khỏi mặt nước để làm điểm chuẩn tôi mới biết chiếc ghe trôi với một tốc độ đáng kể. Với vận tốc nầy, hơn một tháng vừa qua chắc nó đã có thể đến một bến bờ nào rồi, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân v.v… Khổ nỗi, nó có tốc độ nhưng không có phương hướng. Nó là một chiếc ghe lãng tử, nay hướng này, mai phương khác, hay nó là một chiếc ghe không có lập trường, gió chiều nào nó xuôi chiều đó!

Cuối cùng, khi mọi hy vọng dường như không còn nữa, khi mọi người chỉ chờ chết, sau khi đã ghi đầy đủ tên tuổi vào một danh sách và bỏ vào một thùng kín thả trôi trên biển – một nhắn gửi sau cùng với loài người – thì vào khoảng mười giờ sáng ngày thứ bốn mươi sáu, người ngồi trên nóc ghe la lên:

– Có tàu! Có tàu! Bà con ơi!

Cả ghe nhốn nháo, tươi tỉnh hẳn. Chúng tôi thấy một chiếc tàu trắng ở một khoảng cách khá xa, nhưng so với ba chiếc tàu trước thì nó gần chúng tôi nhất. Chúng tôi có thể phân biệt được những cột khói nó nhả ra. Chúng tôi đốt lửa lên. Nhiều người đàn bà quỳ tại chỗ vái xin. Ông Sềnh, như thường lệ, quỳ gần mũi ghe lâm râm khấn vái. Chúng tôi vẫn tiếp tục đốt lửa để gây khói, mắt không rời bóng dáng trắng của con tàu ở nẻo xa. Bỗng chúng tôi thấy chiếc tàu phun lên mấy cột khói đen. Rồi nó từ từ quay đầu, hướng về chúng tôi. Con tàu lớn dần, lớn dần. Ở một khoảng cách vừa phải, nó dừng lại. Chiếc xuồng con treo bên hông tàu từ từ được hạ xuống, và một người chèo xuồng đến sát ghe chúng tôi. Hầu như không ai cầm được nước mắt. Trong mỗi người chúng tôi như có nghìn lời không nói ra được. Người ơi, chúng tôi đã tưởng không còn gì nữa! Chúng tôi vẫn biết tứ hải giai huynh đệ nhưng làm sao chúng tôi gặp được các người. Ngọn gió nào, hay đúng hơn, ý muốn của Đấng Toàn Năng nào đã đưa người đến đây?

Người chèo xuồng là một thủy thủ người Âu. Sau vài câu hỏi, thấy chẳng ai hiểu ngôn ngữ mình, người thủy thủ ra hiệu cho chúng tôi buộc một đầu dây thừng vào ghe, đoạn ông ta nới sợi dây dài đến tận tàu lớn. Ghe chúng tôi được kéo sát vào chiếc tàu. Một thang dây được thả xuống để chúng tôi leo lên, nhưng không ai làm nỗi điều đó. Chúng tôi đứng còn không vững, nói chi đến dùng sức bám vào thang dây đu đưa và cao vời vợi thế kia. Các thủy thủ đã nghĩ ra cách đưa từng người chúng tôi lên tàu an toàn. Họ dùng một loại dây đai vẫn thường được trang bị cho các người thợ làm việc ở các cao độ nguy hiểm. Mỗi chúng tôi vẫn bám thang dây nhưng được dây đai nâng lên và một thủy thủ đẩy phụ từ dưới. Phải nói là các thủy thủ phụ trách vớt chúng tôi đã rất “can đảm”, vì khi bò từng nấc thang bên dưới mỗi chúng tôi họ vẫn hít thở khí trời đều đặn, không quay mặt hướng khác – mà còn cách nào hơn trên cái thang dây đu đưa kia, ngoại trừ lỗ mũi phải chịu một “cự ly gián cách tiếp cận” phần mông hay phần giò cẳng chúng tôi – và nét mặt “không hề thay đổi”. Chỉ khi lên đến nơi, lúc dìu chúng tôi đi trên sàn tàu họ mới đủ “không gian” quay mặt sang bên trái hay bên phải và chun chun hay khịt khịt cái mũi để “lọc” bớt "mùi hương" của chúng tôi! Những thân thể gần năm mươi ngày không được tắm rửa, và phải làm cái công việc tháo bỏ cặn bã của một sinh vật tại chỗ trên ghe một thời gian dài như thế – ít nhất khoảng hai mươi ngày sau cùng của hành trình – toát ra cái mùi kỳ lạ mà có lẽ suốt cuộc đời thủy thủ họ mới biết lần đầu, và hy vọng chỉ một lần mà thôi.

Một thủy thủ người Hoa đến tìm người đồng chủng để chuyện vãn. Y nói chuyện với ông Sềnh, và sau đó ông Sềnh đã kể lại cho mọi người cái chi tiết khá lạ lùng dẫn đến cuộc cứu vớt quý hóa nầy. Theo như người thủy thủ ấy cho biết, tàu đang được sơn phết ở một số nơi trên boong, và trên hướng tàu đi, một vài nơi sẽ có mưa rải rác, nên tàu phải tạm thời đổi hướng để tránh mưa có thể làm hư sơn còn ướt. Chính vì thế mà tàu đã đi qua vùng nầy, và ông ta chính là người thợ sơn đang làm việc trên giàn cao. Ông thấy khói bốc lên ở xa xa và nghi có ghe hay tàu nhỏ đang lâm nạn, nên đã vào báo cho các sĩ quan người Anh chỉ huy trên tàu. Họ đã đặt ống nhòm quan sát và thấy rõ ghe chúng tôi. Thuyền Trưởng đã quyết định cho cứu. Người thủy thủ kết luận: “Trời cứu các người đấy.”

Ông Sềnh giục:

– Thôi, ngắm đá ngầm như vậy đủ rồi, mình về nhà thôi. Ở đây lạnh bỏ mẹ.

– Lâu lâu cháu lại nhớ lại chiếc ghe của mình hồi đó. Có lẽ suốt đời không quên.

– Cuối cùng rồi tất cả đều là dĩ vãng.

Tôi không hiểu ông Sềnh muốn nói điều gì, đã định hỏi lại nhưng thấy ông đi nhanh về phía xe nên đành thôi, bước theo ông. Tôi chui vào chiếc xe cũ kỹ và ngồi phía ghế hành khách, trong khi ông Sềnh ngồi vào chỗ người lái. Trên đường về, vì muốn cho tôi xem qua phố xá nước Anh, ông cho xe chạy vào khu trung tâm thành phố. Tôi chẳng thấy hứng thú ngoạn cảnh lắm. Có thể tại tôi vốn không thích những gì cổ xưa, và có thể phố xá Ăng-Lê không có được vẻ mời gọi, quyến rũ của các đô thị Mỹ, nên phố phường hai bên đường dưới mắt tôi tẻ nhạt làm sao. Bên cạnh những kiến trúc cổ nghiêm trang, một vài tòa nhà kiểu cọ tân kỳ mọc lên, vươn cao hay chen vai sát cánh với các công trình xưa trong một dáng vẻ kịch cỡm, tạo một tương phản không mỹ thuật chút nào, tựa như một áo gấm đắt tiền xưa cũ bị vá đắp bằng những mẫu hàng thời trang mà rẻ tiền ngày nay. Qua khỏi những khu phố chính, ông Sềnh rẽ vào những con đường hẹp hơn, với nhà cửa bé tí san sát hai bên. Khung cảnh gợi tôi nhớ những bối cảnh trong một số phim xã hội của Ý mình đã xem hồi còn bé. Có lẽ các thành phố Âu Châu đều có những nét tương tự.

Chúng tôi vừa xem phố xá vừa chuyện trò với nhau. Tôi nói về nước Mỹ, về cuộc sống điển hình của người Việt tỵ nạn tại đó, về gia đình tôi. Ông Sềnh kể về cuộc sống của gia đình ông từ ngày định cư ở đất nước nầy. Ông Sềnh ở vào một cảnh ngộ hơi đặc biệt, vì ở tuổi tóc đã hoa râm mà đứa con út của ông mới lên bảy, và bà vợ hãy còn “thời thanh xuân”. Tôi không có tính tò mò nên chẳng bao giờ bận tâm về quá khứ của ông. Ông kể những buồn vui nơi xứ người, và tôi bỗng thấy cuộc sống của gia đình ông bây giờ buồn nhiều hơn vui, và dường như một bất an thường trực đang bao trùm lên gia đình Á Châu độc nhất trong vùng. Ông nói về những lỗ lã của cửa tiệm tý hon của gia đình (một phần căn nhà được tách ra làm chỗ bán “thức ăn nhanh” cho khách hàng mua và đem đi). Đây là loại tiệm “take-out” bên Mỹ, nhưng ở đây, xứ sở nguồn gốc của tiếng Anh, người ta gọi “take-away”. Có một điều lạ là cái điểm son trong cá tính của ông Sềnh ngày xưa, tính lạc quan, vẫn không bị thời gian cùng những thăng trầm trong cuộc sống đào thải. Ông nói về những khó khăn của đời sống với một giọng kể chuyện bình thường, không phải giọng than thở, oán trách, và kết luận bao giờ cũng là sự tin tưởng vào tương lai, một niềm tin mang một phần màu sắc siêu hình, và bộc lộ một phần tự tin vào chính mình.

Nghe ông nói, tôi không khỏi nghĩ đến chỗ ở của gia đình ông khi xuống xe trưa nay, đi theo ông vào nhà. Tôi đã từng chứng kiến, từng nhìn thật gần cái nghèo cùng cực, đó đây hồi còn bên nhà, và trước những cảnh tượng như thế tôi đã có những tình cảm bùi ngùi, ái ngại, thương xót, v.v. Nhưng lần nầy thì khác. Mặc dù trên đường đi ông Sềnh đã báo trước với tôi, “mầy thấy nhà chú Sềnh chắc mầy thất kinh luôn”, nhưng tôi vẫn không hình dung nỗi “thất kinh” như thế nào, cho đến khi cánh cửa được hé mở! Tôi đã có cái cảm giác trái tim mình bỗng bị ai bóp mạnh một cái. Có thể gọi đây là chỗ cư trú của hai vợ chồng và ba đứa con, mà lớn nhất mười bốn tuổi, và nhỏ nhất bảy tuổi được không? Phòng khách có lẽ được biến cải từ một phòng ngủ, bé tí với bộ xa-lông nệm mà tuổi đời dễ có đến mấy chục niên kỷ, và màu nguyên thủy của nó không ai đoán nỗi, chỉ thấy bây giờ nó là một tổng hợp màu vàng của đất sét và màu đen sậm của đất sình, cộng với vẻ nhớt nhát của mỡ dầu bám kinh niên không được tẩy xóa. Chen vào giữa bộ xa-lông là chiếc bàn con mà kích thước ước lượng cỡ tám tấc và bốn tấc. Chìm trong tường là một lò sưởi kiểu xưa dùng củi đốt để tỏa nhiệt. Nhưng ông Sềnh đốt các thùng bằng giấy bìa cứng – những thùng trống sau khi đã tiêu thụ hết hàng hóa đựng bên trong. Tôi không hiểu làm thế nào ông có đủ giấy bìa cứng kia để đốt sưởi mà không cần tới than hay củi. Tôi chẳng thấy một khúc củi hay một cục than nào trong nhà hoặc quanh nhà. Tôi ngôì nhìn lửa cháy bừng bừng trong lò mà vẫn thấy rét cóng tay. Ngoài những thứ tôi vừa nói trên, tuyệt nhiên không còn món đồ gì trong phòng khách. Tôi bước lên từng gác, chỗ ngủ của gia đình, cũng chẳng thấy gì hơn, ngoài giường, nệm, chăn, gối, và một máy ghe băng cassette. Tôi không nhớ mình đã cảm thấy những gì. Mọi sự đã vượt quá xa mức dự tưởng của mình, vượt quá những thái cực mình có thể nghĩ đến. Phải chi những điều nầy xãy ra với một ai khác kia thì nó đỡ thảng thốt cho tôi hơn. Ông bày tỏ hy vọng là năm năm nữa ông sẽ có thể sang Mỹ thăm tôi và du lịch. Tôi hỏi tại sao không là bây giờ hay năm tới. Con số ước tính năm năm trong trí ông Sềnh có hai “biện chứng”: một là con ông sẽ khôn lớn, hai là ông vẫn chưa mất tin tưởng ở năng lực của mình. Tôi nghĩ, không phải là ảo tưởng khi tin vào một tương lai khá hơn, như ông Sềnh đang tin. Tôi biết ông là một người năng động, nhiều sáng kiến, nhiều nghị lực. Tôi hy vọng ông sẽ vượt qua những đen tối hiện tại. Cái điều khiến tôi không thoải mái để kỳ vọng nhiều là mười ba năm qua, một thời gian khá dài, đã đủ để thử thách một người như ông Sềnh chưa? Mãi nói chuyện, lúc xe dừng lại tôi mới nhận ra mình đã về lại nhà ông Sềnh.

Phi trường quốc tế Heathrow, phi cảng số ba (terminal 3) khá đông người. Một tuần đã trôi qua, hôm nay ông Sềnh tiễn tôi về Mỹ. Làm thủ tục gửi hành lý và lấy số ghế xong, chúng tôi còn hai mươi phút ngồi uống giải khát và chuyện vãn ở quán nước dưới hầm, trước khi chia tay. Cái bắt tay chặt với ông Sềnh cho tôi một cảm nghĩ vô căn cứ về nỗi cô đơn của người bạn già. Nhưng có một điều tôi thấy mình linh cảm được: bấp bênh và bất trắc đang còn nhiều với gia đình ông Sềnh. Tới đầu hành lang dẫn vào máy bay tôi quay lại vẫy tay với ông Sềnh, đoạn đi vào hẳn phi cơ, bên tai như còn văng vẳng câu nói của ông Sềnh bên bờ biển vừa rồi, “tao vẫn tin mình ăn ở có đạo đức thì Trời luôn luôn che chở…” Tôi cảm nhận trong câu nói đó một niềm tin, một biết ơn, nhưng cùng lúc, một nhẫn nại, một chịu đựng. Nếu Trời đã đưa toàn bộ đoàn người trong chiếc ghe vượt biển tìm tự do, mà ông Sềnh là người tổ chức và điều khiển, đến được bến bờ an toàn thì tại sao Trời không tiếp tục giúp đỡ, che chở cho gia đình ông Sềnh làm ăn sinh sống được thuận chèo mát mái nơi xứ người bao năm qua, như bao nhiêu người mà ông Sềnh đã cưu mang đến bến bờ đang được hanh thông ở Úc, Pháp, Anh, và Mỹ, kể cả những kẻ “ác quỷ hiện nguyên hình” như Bảy Lì trong những ngày cả ghe ngắc ngoải chờ chết!

Nhiều khi tôi tin có một quyền lực siêu nhiên cầm cân nẩy mực, không nỡ để những kẻ có lòng thành, hay làm việc tốt như ông Sềnh phải bị nạn; và đấng siêu nhiên ấy cũng không nỡ để những kẻ đã đặt hết tin tưởng vào sự lèo lái của ông Sềnh phải chìm sâu dưới lòng đại dương, làm mồi cho cá, mặc dù một số kẻ trong những ngày toàn bộ nhóm người trên ghe đang lênh đênh trên biển chờ chết, đã là những con ác quỷ hung hãn rắp tâm giết đồng loại cùng hội cùng thuyền với mình để mong được sống còn. Có phải vì sự khấn vái cầu xin của ông Sềnh mà Đấng Toàn Năng ra tay cứu vớt tất cả, không chừa một ai? Tôi không làm sao biết được, và cũng không nghĩ có bao giờ mình sẽ trả lời được thắc mắc kia. Nhưng lắm lúc tôi không hiểu nỗi những “trừng phạt của Trời Cao”, nếu có, đối với con người đáng được ban phước, hay ít ra không đáng bị “bỏ rơi” như ông Sềnh.

Một thầy tướng số ngày xưa ở Sài Gòn đã đoán rằng đời ông Sềnh là một đời đầy biến cố. Ông Sềnh đã tâm sự với tôi, “chú sẽ trải qua hai nghìn lần thoát chết, số mệnh đã định trước như thế.” Không biết trong những ngày mọi người lênh đênh trên ghe chờ chết, ông có nhớ lại lời tiên đoán kia không, và nếu có thì ông đã nghĩ gì, lâm râm khấn vái để cám ơn thiên mệnh, hay nguyền rủa nhà lý số xỏ lá? Hai nghìn lần! Không thể mỗi ngày đều gặp nạn, không thể mỗi tháng đều có chuyện phải đối phó, và không thể mỗi năm đều có lần thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Tôi không hình dung nỗi một đời phi thường như thế; tôi chỉ mong rằng đó là một cuộc đời ngoại hạng, có chân mạng đế vương, được sự che chở của Trời Đất để làm nên sự nghiệp ở xứ người với đôi bàn tay trắng, cũng như với đôi bàn tay trắng ngày xưa ở Việt Nam ông đã tạo dựng một cơ ngơi to lớn. Ông Sềnh không nuôi hoài bão cao xa, không tin sẽ làm vương, làm tướng. Ông chỉ tin ở chính khả năng ông, ở chính đạo đức của ông mà Trời sẽ chứng giám và giúp đỡ, thế thôi. Tôi cầu mong ông được toại nguyện. Mười ba năm lận đận ở xứ người rồi. Thế cũng quá đủ. Mong rằng Ông Trời thôi thử thách ông.

“Chú Sềnh bây giờ nghèo quá, hả Hoàng? Đừng lo, chú sẽ giàu. Chờ chú ít năm nữa thôi.” Yên vị trên chuyến bay về Mỹ, tôi bỗng nhớ lại câu nói ấy, lúc tôi theo ông Sềnh bước vào nhà. Ít năm nữa! Tôi mong không phải là mười ba năm nữa, hay chẳng bao giờ. Ông Sềnh còn giữ được trong lòng hai điều quý báu của một con người: một niềm tin và một tự tin. Tôi không hiểu những điều ấy có giúp gì cho ông trong lúc này. Ông tin vào lẽ phải của Trời Đất, và vì thế, ông tin vào những điều dạy của một triêt lý thực tiễn Á Đông xưa cũ mà suốt một đời ông đã tâm niệm là kim chỉ nam cho ông xử thế. Tôi bỗng thấy bối rối trước đức tin của ông Sềnh. Không phải mình lại rơi vào chủ nghĩa hoài nghi cổ điển của con người, nhưng tôi thấy chua chát tự hỏi đến bao giờ thì những giá trị thiêng liêng mà ông Sềnh tin tưởng mới trở thành “nhãn tiền”. Còn lòng tự tin của ông Sềnh liệu sẽ đứng vững được bao lâu. Năng lực của chàng trai Đèo Chín Sềnh ngày xưa bây giờ có sắc nhọn hơn do thời gian và kinh nghiệm mài giũa, hay vẫn còn như xưa, hay đã tàn lụn theo năm tháng rồi, và niềm tự tin chỉ còn là ký ức lẫn lộn với trực giác? Không biết ông Sềnh có nhớ là mình đã sáu mươi tuổi. Và không biết ông Sềnh có nhớ rằng đây là một thời khác, với những thay đổi sâu rộng từ suy nghĩ đến cung cách làm ăn sinh sống của con người, những thay đổi mà một bộ óc già nua không đuổi kịp.

Tôi có cảm tưởng những khó khăn, những trở lực đang giăng bủa khắp lối đi của ông Sềnh. Tôi nhớ lại những “buồn vui tỵ nạn” mà ông Sềnh đã tâm sự với tôi. Tôi hình dung đoạn đường dài ba tiếng đồng hồ lái xe từ nơi ông ở đến Luân Đôn, đoạn đường mà mỗi tuần ba ngày ông phải lái xe đi và về, để phụ việc cho một người bạn kiếm thêm thu nhập cho gia đình, vì mức bán buôn của tiệm ông không đủ trang trải mọi thứ của đời sống. Tôi nhớ ông kể ba lần bị tai nạn trên xa lộ, nhưng may mắn đã toàn mạng. Tôi nhớ ông nói về những vụ trộm viếng cửa tiệm, vét sạch những gì trị giá vài Anh kim trở lên, về hai vụ cháy nhà về mùa đông do đứa con nhỏ nghịch lửa trong lò sưởi. Tôi nhớ những âu lo của ông về viễn ảnh kinh tế xứ Wales, vì Quốc Hội nước Anh đang bàn cãi kế hoạch đóng cửa các mỏ than trong vùng. Mãi lực của tiệm ông Sềnh vốn đã èo uột, sẽ còn đi xuống tới mức nào, khi hàng nghìn thợ mỏ sẽ thất nghiệp. Bất giác tôi nghĩ đến những mỏm đá ngầm gần bờ biển mà tôi và ông Sềnh đã ngắm nhìn hôm nọ. Mưới ba năm trước ông Sềnh và gia đình đã được một tàu viễn dương vớt ra khỏi vùng đá ngầm của biển khơi. Đến bao giờ thì ông và gia đình mới được thiên mệnh vớt ra khỏi vùng đá ngầm của nơi họ đang sinh sống, vùng đá ngầm của cuộc đời.

 Hà Kỳ Lam


Nguồn http://hakylam.com/?p=514
(Via Blog Hưng Việt)

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...