Minh Nam
Việt Nam đang ở trong một tình thế hiểm nghèo. Phải nói đó là tình thế hiểm nghèo vì rất nhiều người Việt trong một thời gian dài, và cả cho đến nay, không nhận thức hết được sự nghiêm trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc và hiểu tường tận các chiến lược của Trung Quốc.
Như một con bệnh ung thư nhưng nhiều bác sỹ chỉ nhìn thấy các triệu chứng bên ngoài nên không có những liệu pháp quyết định được đưa ra cho đến khi con bệnh nguy ngập thì bác sỹ mới hốt hoảng.
Chỉ cho đến khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào lãnh hải của Việt Nam thì nhiều người mới giật mình rằng Việt Nam đã bị xâm lược. Nếu có trách phải tự trách mình, những người ít ỏi có hiểu biết và còn quan tâm đến đất nước, rằng chúng ta đã quá chủ quan và đánh giá thấp các chiến lược của Trung Quốc. Nếu nhìn một cách sâu xa hơn, chiến lược của Trung Quốc đối với Việt Nam tương tự như chiến lược của Trung Quốc đang thực thi ở các nước châu Phi. Và việc kéo giàn khoan vào Việt Nam là chuyện sớm muộn, bởi nó là một phần của chiến lược của Trung Quốc đối với các nước nhược tiểu: chiến lược thực dân kiểu mới.
Vậy đâu là chiến lược của Trung Quốc? Chiến lược của Trung Quốc thường bao gồm các bước như sau.
Đầu tiên, Trung Quốc sẽ tuyên bố là không can thiệp vào công việc nội bộ của đối phương, nhưng đồng thời, thông qua các dự án kinh tế và các hỗ trợ tài chính, giúp phe thân Trung Quốc nắm quyền. Trung Quốc sẽ cô lập những cấp lãnh đạo thân Trung Quốc với nhân dân nhằm làm suy yếu tính chính danh của các cấp lãnh đạo này. Các cấp lãnh đạo này muốn giữ quyền do đó phải dựa vào nhóm thân Trung Quốc và do đó các cấp lãnh đạo sẽ bị gián tiếp điều khiển bởi Trung Quốc.
Bước tiếp theo, Trung Quốc giới thiệu mô hình kinh tế của mình như một mô hình mẫu để theo đuổi: mô hình kinh tế độc tài lãnh đạo. Trung Quốc giới thiệu mô hình này với mục đích khuyến khích các quốc gia độc tài tiếp tục duy trì thể chế độc tài, với mục tiêu để phát triển kinh tế. Nhưng bằng cách giúp duy trì một chế độ độc tài thân Trung Quốc như vậy, Trung Quốc dễ dàng tác động và thực thi các chính sách thực dân kiểu mới hơn. Các cấp lãnh đạo độc tài thân Trung Quốc do đó sẽ đóng vai trò như các thái thú của Trung Quốc.
Sau khi nắm được các cấp lãnh đạo, Trung Quốc sẽ cung cấp các khoản tín dụng “hỗ trợ” cho các nước này và các công ty Trung Quốc bắt đầu đổ vào thị trường. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập và nước này nhanh chóng trở thành một thị trường tiêu thụ của Trung Quốc. Các doanh nghiệp của Trung Quốc, cùng với công nhân, theo vào các dự án của Trung Quốc, làm việc và khi xong hợp đồng sẽ tìm cách ở lại. Một mặt khác, các doanh nghiệp Trung Quốc được sự đỡ đầu của chính phủ Trung Quốc sẽ mua các mỏ quặng và tài nguyên với giá rẻ mạt do thông đồng với giới cầm quyền. Chính quyền độc tài địa phương hưởng lợi từ quan hệ Trung Quốc, khi Trung Quốc tuyên bố không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, ngược lại Trung Quốc hưởng lợi từ tài nguyên, các nước này là thị trường tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc, và hơn nữa, các chính quyền độc tài này là vây cánh ủng hộ Trung Quốc trên các mặt trận ngoại giao quốc tế.
Các nước độc tài này nghiễm nhiên trở thành một chư hầu của Trung Quốc dưới con mắt của thế giới và bị Trung Quốc khống chế về kinh tế, ngoại giao và chính trị.
Nhìn lại các chiến lược trên, hẳn các bạn sẽ giật mình rằng Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ với mô hình thực dân kiểu mới từ rất lâu rồi. Mang giàn khoan vào biển chỉ là một trong những bước cuối cùng.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 19-5-14
No comments:
Post a Comment