08 December 2015

Đôi điều cần nói rõ hơn về lời bài ca Bonjour Vietnam của Marc Lavoine

Nhân đọc bài mới đăng GIỚI THIỆU SÁCH “VIETNAM HISTORY: STORIES RETOLD FOR A NEW GENERATION”  trên TTR, tôi nhớ lại rằng hầu hết các bản dịch từ bản nhạc Pháp “Bonjour Vietnam” của Marc Lavoine tôi gặp từ trước đến giờ đều dịch câu “… ce que tu n’oses dire.” theo nghĩa phủ định như đoạn dịch trong sách dưới đây.

Raconte-moi le vieil empire et le trait de mes yeux bridés
Qui disent mieux que moi ce que tu n'oses dire

Dịch là:
Hãy kể cho con nghe về đế quốc ngày xưa và đôi mắt xếch của con
Những gì người không dám nói, mà con không tài nào diễn tả,

Chính chữ không dám nói này gây nên thắc mắc khó chịu, nếu như ta chịu khó suy gẫm một chút, bởi nó hàm ý rằng có uẩn khúc nào đó đáng xấu hổ trong lịch sử Việt Nam để đến nỗi “người” không dám nói ra mà để nét đôi mắt xếch của con tự nói ra thì hay hơn …

Nếu không trả lại sự chính xác ý nghĩa lời viết của Marc Lavoine sẽ dễ kết án rằng ông không hiểu lịch sử Việt Nam, cho rằng Việt Nam là một phần của Trung Hoa thì thật “oan” cho ông!

Ở đây cần bàn đến hai điều:

Thứ nhất, hình như, nếu người Châu Á thấy khó khăn hoặc không phân biệt được nét bề ngoài giống nhau giữa những người Châu Âu thì ngược lại, những người này nhìn người Châu Á nào cũng thấy mắt xếch. Vậy, liệu có nên võ đoán cho rằng Marc Lavoine nói rằng nét đôi mắt xếch của con trong bài ca xác định rằng con là người Trung Hoa?

Thứ hai, trạng từ (adverbe) NE trong tiếng Pháp không đi một mình để có nghĩa phủ định mà phải kèm theo, hoặc ne … pas, ne … point, ne … plus, ne … jamais, nul … ne, aucun … ne, rien  ne, personne ne, etc...

Trong một vài mệnh đề phụ, với số lượng hạn hữu, NE không có giá trị phủ định. Trong văn nói, thường thường người ta loại nó (NE) đi, hư từ NE được dành cho văn phong trang trọng hay trong văn chương. (Dans certaines propositions subordonnées, en nombre limité, ne n’a pas de valeur négative. Le plus souvent, la langue parlée le suprime, le ne se conservant dans la langue soutenue ou littéraire.)

Một trong những trường hợp hạn hữu nêu trên là, trong những mệnh đề so sánh, sau plus, moins, mieux, autre, meilleur, pire, plutôt, moindre, … người ta dùng ne nếu như mệnh đề chính ở thể xác định. (Dans les propositions comparatives, après plus, moins, mieux, autre, meilleur, pire, plutôt, moindre, on utilise ne si la principale est affirmative.)
Ví dụ:
-    Il est plus fin qu’on ne croit: điều đó tế nhị/tinh tế hơn người ta tưởng.
hoặc:
-    Il veut faire mieux qu’il n’est pratiquement possible: Anh ta muốn làm tốt hơn thực tế có thể có được.
và nhất là:
-    … qui disent mieux que moi ce que tu n'oses dire.

Do văn phạm “hiểm hóc” của ngôn ngữ Pháp thì đoạn:

 “Raconte-moi le vieil empire et le trait de mes yeux bridés
qui disent mieux que moi ce que tu n’oses dire.”

Nên dịch lại như sau:

“Hãy kể cho con về đế chế xưa cũ cùng nét đôi mắt xếch của con
vốn nói rõ hơn là con nói những gì mẹ dám nói.”

Nôm na thì dịch là “Những gì mẹ dám nói ra _ kể cả con nữa _ cũng không rõ hơn là chính triều đại xa xưa cùng nét đôi mắt xếch của con nói ra …”

Một đôi điều suy nghĩ mạo muội. Không dám múa rìu qua mắt thợ.

Phùng Ngọc Cửu

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...