Tôi có một người bạn có anh trai du học ở Pháp đã hơn năm mươi năm, rồi định cư ở đây. Anh ta lập gia đình với một phụ nữ bản địa. Mới đây anh đưa vợ con về Việt Nam thăm gia đình ở trong một con đường nhỏ gần đường Tự Do, Sài-Gòn. Vợ anh muốn anh đưa đi thăm những nơi gắn với tuổi thơ của anh. Anh đưa ngay vợ mình ra bến Bạch Đằng, chỉ xuống dòng sông rồi nói: “Hồi bé anh thường ra đây tắm và bơi lội.” Bà vợ trố mắt kinh hãi: “Anh tắm dưới dòng nước bẩn và thối như thế này à?” – “Ừ, nhưng hồi đó nước trong và sạch, chứ không như bây giờ … Đó là dòng sông tuổi thơ của anh”. Nó đọng lại trong ký ức của anh một cách bền bỉ sau mấy mươi năm xa cách.
Tình cờ trở lại và đi dọc theo bờ hay băng qua chiếc cầu một con sông, chúng ta thường hồi tưởng hay liên tưởng đến một kỷ niệm nào đó. Nước và thời gian là hai hình ảnh đồng hành, cả hai di chuyển theo cùng một chiều bất khả vãn hồi: biết bao nhiêu nước đã chảy qua cầu!
Một lần đi thăm các lâu đài sông Loire (les châteaux de la Loire) ở miền trung nước Pháp, đứng bên phía lâu đài Amboise nhìn xuống dòng sông Loire, nước chảy dội vào chân cầu trắng xóa làm tôi chợt liên tưởng đến vần thơ mình yêu thích. Cảm giác thật bồi hồi!
Lâu đài Amboise
bên bờ sông Loire
Mai mốt em về đâu
Con sông nước chảy trắng chân cầu
Tiếng hát già nua người bạn cũ
Đêm dài muôn thuở buộc lòng nhau.
(Cõi Nghìn Trùng, Hoàng Trúc Ly)
Một lần dừng chân bên cầu, nhìn xuống dưới kia hồi tưởng ngày xa xưa ấy sóng nước lung linh soi bóng người con gái thuở nào. Bóng kỷ niệm chỉ còn là ảo ảnh, nhưng vẫn hiện rõ mồn một
DE CE PONT
De ce pont où tu te penchas
J’ai jeté ce soir mes filets
Pour reprendre à l’eau ton image.
(De Ce Pont, Pierre-René Favre _ 1901-1949)
Hôm nao đứng bên cầu
Nhìn sông em cúi đầu.
Chiều nay anh thả lưới
Vớt lại dáng yêu kiều
(Bên Cầu, Lãng Nhân- Phùng Tất Đắc dịch)
Tiểu sử của Pierre-René Favre, theo một tài liệu trước 1975, là người Pháp sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Ông rất giỏi tiếng Việt. Bài thơ chỉ vỏn vẹn ba câu nhưng ý tứ cô đọng như một bức tranh đi vụt từ quá khứ xa xăm đến hiện tại: chiều nay. Lãng nhân dịch động từ reprendre thành vớt lại cũng đã là rất khéo rồi! Còn image dịch là dáng càng hay nữa! Ta thường nói bóng dáng, gồm bóng chỉ vật thể hình thành từ ánh sáng, còn dáng hình thành từ cử chỉ hay dáng điệu. Dáng đậm nét quá khứ hơn bóng.
Nước vẫn chảy, thời gian vẫn trôi nhưng ai đó vẫn ở lại _ tôi đứng bên này … và ta ngồi lại _ không phải theo ý niệm không gian mà là trạng thái dừng của thời gian. Bên kia bờ, vùng dĩ vãng vẫn mịt mờ khói sương. Còn bờ bên này dĩ vãng chỉ còn lại bến hoang sơ, cây cỏ mọc hoang vu, hay lau lách động và u uất buồn.
Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng
Thương về con nước ngại ngùng xuôi.
(Gởi Người Em, Hoàng Trúc Ly)
Quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
Con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ.
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
(Ngồi Lại Bên Cầu, Hoài Khanh)
Bến sông này, bến sông nàyHồn thi sỹ với bến bờ dĩ vãng, vốn vẫn luôn là bạn cố tri.
Trăng xưa lạnh xuống hàng cây gục đầu
Người xưa chừ biết là đâu
Này trăng gió cũ này câu giã từ
Lối đi vàng nhạt mùa thu
Nghe lau lách động niềm u uất buồn.
(Trông Theo, Hoài Khanh)
Con sông nào đã xa nguồnVào thời tiền chiến, phương tiện đi lại tự động không nhiều. Đơn sơ chỉ là còn đò, chiếc thuyền gắn liền với bến sông, dòng nước. Cảnh chia tay có người đi, có người ngóng bên bờ.
Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi.
(Hoài Khanh)
Bến ấy ngày xưa người đi, vấn vương biệt lyLời mở đầu và kết thúc bản nhạc tiền chiến “Bến cũ” (1946) của nhạc sỹ Anh Việt đã rung lên một thời hoài niệm. (*)
Gió cuốn muôn phương về đây, thấy bóng người về hay chăng.
…
Bến cũ chiều sương chờ mong, vấn vương lòng ta
Gió cuốn mây trôi về đâu, cố nén sầu lòng bao năm.
Tình vẫn quyện theo gót chân tang bồng lãng du, cho dù đi xa nhưng vẫn nhớ đến và gìn giữ hình bóng ai đó suốt chặng đường đời: “Anh không giữ trong tay một kho tàng hay một danh vọng nào cả. Anh chỉ giữ có hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm mái tóc em” _ Dạ Chung-Hoàng Vĩnh Lộc. Đề tựa đẹp như thơ cho bài hát “Hình ảnh một buổi chiều” của Lâm Tuyền, hoài công phiêu bạt để cuối cùng dừng bước giang hồ tìm về chốn xưa, về con sông dĩ vãng để lại mong ngóng …
TIẾNG THỜI GIAN
Mùa đông xưa rét mướt, bên sông ngừng chân.
Chờ ai trong tê tái, lắng nghe chuông than.
(Nhạc Lâm Tuyền- Lời Dạ Chung)
Có những con sông gắn liền với một địa danh nào đó, như nói đến Paris là liên tưởng đến sông Seine. Paris hoa lệ, lộng lẫy, nhưng vẫn cổ kính, và đầy nét lãng mạn. Paris nổi tiếng không chỉ với những công trình kiến trúc làm du khách say mê mà còn cả dòng sông Seine với rất nhiều chiếc cầu, mỗi chiếc cầu có một vẻ đẹp riêng biệt cùng tuổi đời nhiều thế kỷ. Một trong những chiếc cầu đã trở nên vô cùng nổi tiếng, không phải vì tuổi đời hay vẻ đẹp của nó lấn lướt các chiếc cầu kia, mà chính bởi nó là chứng nhân của một mối tình tan vỡ được hồi tưởng lại bằng bài thơ bất hủ “Le pont Mirabeau”. Guillaume Apollinaire (1880-1918) sáng tác bài thơ này năm 1912, trích từ tập thơ Alcools xuất bản năm 1913 đã gây nhiều cảm xúc đối với nhiều người. Những ai yêu thơ Apollinaire, nếu có dịp đến Paris đều muốn một lần đến bên chiếc cầu này để cảm nhận nỗi vô vọng da diết của một cuộc tình ngắn ngủi, ly tan giữa ông và nữ họa sỹ Marie Laurencin (1885-1956). Âm hưởng bài thơ, qua dòng nước sông Seine chảy dưới cầu, liền mạch không chấm không phẩy, lững lờ và lạnh lùng trôi như dòng thời gian không trì hoãn, chẳng níu kéo, để mặc ai đó ngồi lại với vùng quá khứ lê thê qua dòng đời lặng lẽ, chậm chạp, đơn điệu, đêm xuống, giờ điểm.
Con sông đôi bờ. Dòng nước lững lờ trôi, mang theo dĩ vãng xa tít mù. Bờ bên này, ai đó ở lại với trạng thái tiếc nuối, ray rứt khôn nguôi: Les jours s’en vont, je demeure _ Ngày tháng biệt ly riêng ta còn ngồi lại.
LE PONT MIRABEAU_____________
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Et nos amours
Faut-il qu’il m’en souvienne
La joie venait toujours après la peine
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
Les mains dans les mains restons face à face
Tandis que sous
Le pont de nos bras passe
Des éternels regards l’onde si lasse
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
L’amour s’en va comme cette eau courante
L’amour s’en va
Comme la vie est lente
Et comme l’espérance est violente
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
Passent les jours et passent les semaines
Ni temps passé
Ni les amours reviennent
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
Guillaume Apollinaire
***
CẦU MIRABEAU
Dưới cầu Mirabeau dòng Seine khắc khoải
Còn mối tình đôi ta
Anh có nên nhớ lại
Niềm vui mãi đến sau nỗi thống khổ
Đêm hãy đến giờ hãy đổ
Ngày tháng biệt ly riêng ta còn ngồi lại
Tay trong tay nhìn nhau ái ngại
Dưới kia
Nhịp cầu đôi vòng tay ta vòi vọi
Sóng nước mệt mỏi thoáng nhìn ánh mắt thiên thu
Đêm hãy đến giờ hãy đổ
Ngày tháng biệt ly riêng ta còn ngồi lại
Tình biệt ly như dòng nước xuôi nhẹ
Tình biệt ly
Nhưng sao dòng đời quá lặng lẽ
Cùng hoài bão sao quá mãnh liệt
Đêm hãy đến giờ hãy đổ
Ngày tháng biệt ly riêng ta còn ngồi lại
Dòng thời gian thời gian trôi mãi
Riêng quá khứ
Cùng tình yêu không ngoái lại
Dưới cầu Mirabeau dòng Seine khắc khoải
Đêm hãy đến giờ hãy đổ
Ngày tháng biệt ly riêng ta còn ngồi lại
Phùng Ngọc Cửu dịch, 1988.
(*) Bến Cũ, nhạc sĩ Anh Việt
_____________________
Bản bè góp ý:
Kính thưa Anh, Chị TTR,
Nhân đọc Tùy bút "Bên Sông" của Ông Phùng ngọc củu, trước đó (có) bài góp ý về bài Bonjour VN thật hay (Văn phạm thể phủ định). Ông PNC có thể cho biết thêm Về Pierre-René FAVRE, tác giả bài DE CE PONT vì tôi tìm hoài không thấy trên INTERNET. Ngay cả các nhà thơ, văn đầu thể kỷ XX.
Với lòng quý mến tất cả các cựu QGHC.
Trân trong.
QT
_____________
Hồi âm:
Thưa anh QT,
Cảm ơn nhận xét của anh về bài góp ý về lời bài hát Bonjour Vietnam của Marc Lavoine.
Riêng phần tài liệu nói về thi sỹ Pierre-René Favre, như đã trình bày, những gì tôi còn nhớ khi đọc trước 1975 một tuyển tập ngắn thơ Pháp của Lãng Nhân-Phùng Tất Đắc dịch chỉ vỏn vẹn có vài dòng. Những gì Lãng Nhân nói về Pierre-René Favre cũng chỉ là bài thơ ba dòng, chứ không đề cập gì thêm nữa về các tác phẩm khác của thi sỹ này. Như thế có khi lại hay! Thi sỹ để lại cho đời có bấy nhiêu dòng thơ để ngưỡng mộ cũng đã là đầy đủ lắm rồi!
Tôi ngạc nhiên khi anh nói rằng tìm không thấy tài liệu nào về các nhà thơ và nhà văn Việt Nam đầu thế kỷ XX. Anh thử vào Google rồi đánh tên người muốn tìm kiếm xem sao. Chỉ e rằng anh không … đủ sức mà đọc thôi!
Thân ái
Phùng Ngọc Cửu
___________________
Kính Anh Phùng ngọc Cửu,
Cám ơn trả lời của anh, tìm không thấY P-R-FAVRE chớ không phải thi nhân VN. Anh có gan dám nhận tui làm em Văn nghệ không? (tui sanh năm 49).Thấy hình anh chụp (có lẽ khoảng năm 65-70) thi nhân mái tóc bồng bềnh, phía sau là dòng sông lửng lờ trôi, tui thấy Ông QGHC nào cũng hay quá nên làm gan hỏi đại, nếu không được thì thôi, đành chịu vậy.
Thành thật cám ơn Ạnh
QT
No comments:
Post a Comment