Thực sự rất khó dựa vào những tiêu chí, sự kiện, ‘thắng lợi’ trên để nói rằng Việt Nam ‘thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ’ hơn những thời đại trước của Việt Nam vì các giai đoạn, thời đại lịch sử rất khác nhau.
Hơn nữa, với xu hướng phát triển chung của nhân loại, một thời đại sau phát triển hơn một thời đại trước cũng không có gì là quá lạ, đáng khen.
Nhưng nếu nhìn lại Việt Nam trong 70 năm qua và đặc biệt khi so sánh Việt Nam với các nước khu vực khác cùng thời gian ấy, có thể thấy rằng mọi chuyện ở Việt Nam kể từ ‘Cách mạng tháng Tám’ năm 1945 – khi Việt Minh hay những người Cộng sản lên nắm quyền – không phải lúc nào cũng ‘tươi sáng’, ‘rực rỡ’ hay ‘kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội’ mà Việt Nam đã và đang trải qua không hoàn toàn tốt đẹp như lãnh đạo, quan chức Việt Nam ca ngợi, tuyên truyền.
Chiến tranh, xung đột?
Không lâu sau khi ‘Cách mạng tháng Tám thành công’ và ‘nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời’, Việt Nam đã phải đương đầu với ‘cuộc chiến chống Pháp’, rồi cảnh Bắc-Nam chia cắt và sau đó là ‘cuộc chiến chống Mỹ’.
Riêng ‘cuộc chiến chống Mỹ cứu nước’ cũng là cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cướp đi mấy triệu người Việt và đến giờ những chia rẽ, hận thù, vết thương cuộc chiến đó gây nên vẫn chưa được hoàn toàn hàn gắn, hòa giải, chữa lành.
Là người Việt Nam, không ai lại muốn hay chấp nhận bất cứ sự can thiệp, xâm chiếm, đô hộ của bất cứ một ngoại bang nào, dù với bất cứ lý do hay trên danh nghĩa gì. Là người Việt, chắc ai cũng tự hào về truyền thống chống ngoại xâm, dựng và giữ nước của dân tộc mình.
Nhưng khi có cơ hội tiếp cận với nhiều sử liệu mới, xác đáng hay có một cái nhìn tổng quan, đa chiều hơn về lịch sử của đất nước, của các nước khu vực và của thế giới, chắc cũng có không ít người tự hỏi tại sao cùng bị thực dân phương Tây đô hộ và Nhật chiếm đóng, không một quốc gia nào ở Đông Nam Á lại rơi vào một giai đoạn xung đột, chia cắt, tang thương như Việt Nam sau năm 1945?
Vẫn biết rằng bối cảnh của Việt Nam ít hay nhiều khác bối cảnh của các nước Đông Nam Á như Indonesia hay Malaysia trước và sau năm 1945, chắc cũng có người thắc mắc tại sao những quốc gia phi cộng sản này có thể giành và giữ độc lập của mình mà không phải trải qua những xung đột, cuộc chiến đẫm máu như Việt Nam?
Ngoài hai cuộc chiến trên, Việt Nam cũng có chiến tranh biên giới 1979 và hải chiến Trường sa 1988 với Trung Quốc. Có điều, khác với cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, hiện tại hai cuộc chiến với quốc gia Cộng sản này không được giới lãnh đạo Việt Nam nhắc đến hay chính thức cho tưởng nhớ.
Trước đó, vào năm 1958 – khi Hà Nội có quan hệ mật thiết ‘môi hở răng lạnh’ với Bắc Kinh – ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó, đã ký một công hàm ngoại giao ‘ghi nhận và tán thành’ bản tuyên bố của Trung Quốc về hải phận 12 hải lý của quốc gia này. Dù mục đích, nội dung, giá trị của nó là gì, công hàm ấy đang được Trung Quốc tận dụng triệt để trong tranh chấp biển đảo hiện tại với Việt Nam.
Cũng chính quốc gia Cộng sản này đã tiến hành hải chiến Hoàng sa năm 1974 và từ đó đến giờ có vô số hành động khiêu khích, hung hăng, mạnh bạo nhằm lấn chiếm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhắc lại những sự kiện trên để thấy, dù nguyên nhân sâu xa là gì, kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều cuộc chiến, xung đột và độc lập, chủ quyền của mình không phải lúc nào cũng được tôn trọng, toàn vẹn.
Đáng nói và trớ trêu hơn, quốc gia đe dọa, xâm hại độc lập, chủ quyền của Việt Nam trong hơn 40 năm qua và hiện tại không ai khác là Trung Quốc – quốc gia cùng chung ý thức hệ ‘cộng sản’ và là ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’ của Việt Nam.
________________________
No comments:
Post a Comment