18 August 2015

Trung Quốc, công xưởng thế giới trở thành quả bom nổ chậm khổng lồ.

 Nhà máy Thiên Tân sau vụ nổ. REUTERS/Stringer

Các vụ nổ xảy ra ở Thiên Tân khuya thứ Tư 13/08/2015 với những quả cầu lửa khổng lồ, những tiếng nổ kinh thiên động địa và khung cảnh hoang tàn của ngày tận thế sau đó, nỗi đau của thân nhân những người lính cứu hỏa trẻ tuổi bị chết và mất tích… đã để lại ấn tượng khó quên cho những người chứng kiến.

"Công xưởng thế giới" đã trở thành một quả bom nổ chậm khổng lồ, mà không ai có thể biết rõ mãnh lực cũng như mối nguy hiểm thực sự của nó-như những ngọn núi lửa luôn chực chờ gây kinh hãi cho nhân loại.

Đành rằng các tai nạn cũng đã từng xảy ra tại những nơi khác, chẳng hạn vụ nổ nhà máy AZF tại Pháp tháng 9/2001. Nhưng Trung Quốc là một trường hợp khác hẳn, ở cực điểm. Riêng trong sáu tháng đầu năm nay, theo thống kê chính thức đã có gần 139.000 tai nạn công nghiệp tại Trung Quốc, làm cho 27.000 người chết. Những con số kinh khiếp, và chắc chắn là đã bị giảm thiểu so với sự thật!

Trước đó trong năm 2014, có 931 công nhân bị thiệt mạng vì tai nạn hầm mỏ. Năm 2013, có thể kể hai tai nạn quan trọng : vụ nổ một đường ống dẫn dầu của Sinopec ở Thanh Đảo làm 62 người chết và 136 bị thương, vụ hỏa hoạn một nhà máy chế biến gia cầm ở Cát Lâm làm 120 người chết.

Trong mỗi tai nạn, đều phát hiện những vi phạm các quy định cơ bản như cửa thoát hiểm bị khóa hoặc thậm chí không có cửa thoát hiểm, công nhân không biết gì về an toàn lao động… Các doanh nghiệp bỏ qua vấn đề an toàn để giảm chi phí, và nạn tham nhũng giúp họ thoát khỏi những vụ thanh tra hiếm hoi.

An toàn lao động không được chú ý, các tiêu chí bị bỏ qua, tham nhũng lan tràn ở mọi cấp độ, thiếu vắng sự minh bạch, thói quen giấu diếm mỗi lần xảy ra thảm họa…Tất cả những khuyết điểm, hay đúng hơn là sự băng hoại của "mô hình Trung Quốc" nay đã phơi bày trước toàn thế giới qua tai nạn ở Thiên Tân.

Tầm cỡ của thảm họa và sự hiện diện của khối lượng lớn các chất độc hại, khiến người ta liên tưởng đến một thảm họa khác, đó là tai nạn Tchernobyl ở Ukraina năm 1986. Điểm tương đồng đáng sợ: nhà máy điện nguyên tử này vốn là một trong những niềm hãnh diện của siêu cường Liên Xô thời ấy, và tai nạn là một trong những điềm báo trước cho sự sụp đổ của chế độ cộng sản xô-viết.

Các nhà phân tích cho rằng lịch sử chỉ lặp lại. Cũng như trong vụ Tchernobyl, chính quyền khẳng định là mối nguy chỉ khu trú ở một khu vực nhất định, rằng không có gì phải lo ngại vì hơi độc thực ra không đến nỗi nguy hiểm lắm. Rồi đến vài năm sau người dân mới biết được thiệt hại to lớn về nhân mạng và ảnh hưởng đến môi trường-thực sự là bi kịch.

Vấn đề không phải ở chỗ thiếu vắng luật lệ về rủi ro công nghiệp, mà là sự chểnh mảng và nạn tham nhũng đã ngăn trở mọi áp dụng nghiêm túc các quy định.

Trong những ngày gần đây, chính quyền Bắc Kinh chủ yếu lo khóa chặt các mạng xã hội, thay vì thông tin cho nhân dân mình. Với thói quen giảm nhẹ hậu quả các tai nạn, chính quyền ngày càng khó kìm hãm sự phẫn nộ của người dân tại chỗ, gia đình các nạn nhân, các công dân và cư dân mạng.

Hôm nay 200 người dân Thiên Tân trở thành vô gia cư sau vụ nổ đã biểu tình đòi bồi thường thiệt hại. Và mai đây, một khi những người mất tích bị khẳng định là không còn có thể trở về, sự giận dữ của thân nhân họ trước những người có trách nhiệm-mà chẳng hề thể hiện tinh thần trách nhiệm-chắc hẳn sẽ còn lên cao.

Vào lúc mà thế giới đặt câu hỏi về các nguy cơ của tình trạng nền kinh tế Trung Quốc chựng lại, thảm họa Thiên Tân nhắc nhở những hạn chế của "mô hình Trung Quốc" : muốn phát triển hài hòa trong một nền kinh tế thị trường theo kiểu tư bản, nhưng lại trong một hệ thống toàn trị cộng sản.

Người ta không thể mãi tự xưng là động lực của nền kinh tế thế giới, trong khi không mang lại bảo đảm tối thiểu về an ninh và an toàn cho mạng lưới công nghiệp của mình. Vấn đề là ở chỗ, mục tiêu này liệu có thể đạt được mà không có sự hiện diện của các lực lượng đối trọng, cơ quan điều phối và các phương tiện truyền thông độc lập hay không. Nói cho cùng, đó là sự thiết lập một chế độ đa phương, dân chủ.

Và như thế, những lời hứa của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc – được đánh dấu bằng chiến dịch chống tham nhũng mang tính khoa trương – sự chuyển đổi sang một "nền kinh tế tri thức", chú trọng tính sáng tạo và tôn trọng các điều kiện lao động cũng như môi trường, chỉ là những khẩu hiệu suông đối với hàng bao nhiêu triệu người dân Trung Quốc đang mong đợi cuộc sống có phẩm chất tốt hơn.

Còn đối với thế giới, thảm họa vừa xảy ra tại thành phố cảng Thiên Tân, như trên đã nói, là dấu hiệu báo trước những nguy cơ từ quả bom nổ chậm vĩ đại, mà ba thập kỷ qua vẫn được coi là công xưởng của toàn cầu.

Thụy My
(Nguồn: RFI)

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...