07 August 2015

Người Tây phương nói về cuộc chiến Việt Nam, tham khảo

Trọng Đạt

Cựu Tổng thống Nixon viết trong hồi ký (1): Thực không cố biến cố nào trong lịch sử Hoa Kỳ bị hiểu lầm hơn cuộc chiến Việt Nam, hồi đó đã được tường trình sai và bây giờ người ta vẫn nhắc tới một cách sai lạc. Thật là hy hữu có lắm người sai lầm như vậy. Chưa bao giờ hậu quả những sự hiểu lầm của họ đã bi đát như thế.

Việt nam đã là đề tài của hơn 1,200 cuốn sách, hàng nghìn bài báo, mấy chục cuốn phim và tài liệu truyền hình, đa số kết luận như sau:
    - Cuộc chiến VN chỉ là nội chiến
    - Hồ Chí Minh trước hết là người quốc gia sau đó là người CS, được đa số người hai miền ủng hộ.
    - Ngô Đình Diệm là bù nhìn của thực dân Pháp.
    - Mặt trận giải phóng miền nam là một phong trào cách mạng không phụ thuộc vào Bắc Việt.
    - Việt Cộng được lòng dân làng quê với chính sách nhân đạo của họ.
    - Lời Tuyên bố của Hiệp định Genève 1954 đòi hỏi chính phủ Diệm và Mỹ phải tuyển cử thống nhất hai miền.
    - Phần nhiều lính Mỹ (ở VN) nghiện ngập, tàn ác vô nhân đạo.
  ……
    - Mỹ bại trận về quân sự.
    - Trận Mậu Thân 1968 là thất bại quân sự của Mỹ
    - Người Mỹ cố ý oanh tạc các mục tiêu thường dân ở BV
    - Thuyết Domino được chứng tỏ là sai
    - Cuộc sống tại Đông Dương tốt đẹp hơn sau khi Mỹ rút đi
     . . . . . . . . .

Và Nixon kết luận tất cả những nhận định trên đây đều sai lạc.

Không riêng gì người Mỹ, nhiều người Pháp, người Âu cũng nhận định sai về cuộc chiến VN. Tôi xin đề cập một số trường hợp điển hình như dưới đây:

Hai sử gia người Pháp Jean Lacouture và Philippe Deviller cùng viết La Fin d’une Guerre Indochine 1954, (Kết Thúc một Cuộc Chiến Đông Dương 1954) in 1960. Năm 1969  cuốn sách được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh End of a War Indochina 1954, trong phần đề tựa bản dịch này Jean Lacouture nói:  Hai cuộc chiến (Đông Dương lần I và II) rất giống nhau.

1- Trong cả hai trường hợp các cường quốc Tây phương (tức Pháp, Mỹ) đã muốn biến đổi người Việt Nam tới chế độ, sự lãnh đạo và cách thức tiến bộ mà họ chọn cho VN, nhưng đều thất bại.

2- Trong cả hai trường hợp, các cường quốc Tây phương đã không biết tới tinh thần thống nhất cơ bản, sâu xa của dân tộc VN và đã dai dẳng cố giữ cái biên giới về địa lý cũng như ý thức hệ  mà người VN bác bỏ.

3- Trong cả hai, người Tây phương nói là họ chống CS xâm lăng do Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh xúi dục mà không chịu nhìn nhận nguyên do cơ bản mà Việt Minh hay Việt Cộng chiến đấu.

4- Trong cả hai, đoàn quân viễn chinh rõ ràng là người ngoại quốc xa lạ đối với đất nước (VN) và bị đại đa số người dân (VN) chống đối cùng với thủy thổ bất phục như rừng già, đầm lầy, sốt rét ngã nước …..

Điểm thứ nhất Jean La Couture nói người Tây phương áp đặt một chế độ hay sự lãnh đạo lên nước VN là hoàn toàn sai. Người Quốc gia tự nguyện theo chề độ dân chủ thân Tây phương và lựa chọn người lãnh đạo để chống  CS xâm lược.


Điểm thứ hai ông ta nói tinh thần thống nhất sâu xa của dân tộc VN là cơ bản cho sự chiến đấu chỉ là luận điệu tuyên truyền của CS. Người Việt Nam thời ấy nông vi bản, họ ngày ngày vác cuốc ra đồng mà chẳng cần biết thống nhât là gì. Chẳng ai muốn thống nhất bằng núi xương sông máu, chẳng ai muốn con em họ phải vác súng vượt Trường Sơn, mười người vô Nam chỉ có một người quay trở về. Tại sao không thống nhất bằng hòa bình mà phải chém giết nhau? Đó là tội ác chứ không thể gọi là tinh thần dân tộc.

Nỗ lực thống nhất đất nước năm 1975 đã được cựu đảng viên Bùi Tín gọi là “Cuộc Ăn Cướp Vĩ Đại”, các đảng viên CS tranh nhau cướp nhà, cướp tài sản của người miền Nam công khai, xua đuổi dân đi kinh tế mới để đưa bè đảng vào ăn trên ngồi chốc, nay hầu hết nhà mặt đường Sài Gòn đã đổi chủ. Các chưc vụ béo bở hái ra tiền đều vào tay đảng viên từ miền Bắc đổ vào. Máy móc, xe cộ, lúa gạo bị cướp mang đi hàng loạt. Cựu đảng viên Dương Thu Hương nói năm 1975 một nước mọi rợ đánh chiếm một nước văn minh, đó không phải  là thống nhất đất nước mà là một nước nghèo đói lạc hậu đi ăn cướp một nước giầu, trù phú.

Điểm thứ ba ông ta ngụ ý ca ngợi mục tiêu cao đẹp của Việt Minh hay Việt Cộng chiến đấu giành độc lập và thống nhất tổ quốc. Sự thực thì họ chẳng có nguyên do chính đáng nào ngoài việc áp đặt chủ nghĩa chuyên chính vô sản Đệ Tam quốc tế lên đầu lên cổ toàn dân VN và chiếm đoạt vựa lúa miền nam.

Điểm chót cùng theo Lacouture đoàn quân viễn chinh Pháp và sau này Mỹ là người ngoại quốc bị đại đa số dân Việt chống đối, sự thực chỉ có những người CS chống đối mà thôi. Trong cuộc chiến 1946-1954, những năm đầu người Pháp bị thù ghét vì họ tái chiếm Đông Dương lập lại chế độ thực dân nhưng sau đó họ hợp tác và giúp đỡ người VN chống Việt Minh tay sai CS quốc tế. Cuộc chiến VN lần thứ hai, người Mỹ giúp đỡ miền nam tận tình chống CS tàn ác bảo vệ tự do, không có lý do gì để người VN thù ghét họ.
 
Stanley Karnow đề tựa cuốn Dien Bien Phu, The epic Battle America Forgot (Điện Biên Phủ, Trận Đánh Oai Hùng Người Mỹ Đã Quên) của tác giả  Mỹ Howard Simpson. Tại trang XI Karnow cho biết ông đã hỏi Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội:  các ông chiến đấu chống Mỹ tới bao giờ thì ông ta trả lời hai mươi năm nữa, có thể một trăm năm nữa, bất kể thiệt hại bao nhiêu. Và Karnow kết luận Mỹ cũng như Pháp trước đây đã đương đấu với một kẻ địch coi mục tiêu là thiêng liêng sẵn sàng hy sinh ghê rợn để đạt tới và ông khuyên Mỹ phải quan tâm bài học này.

Sự thực không phải người Mỹ chịu thua chiến lược cố đấm ăn xôi đẩy thanh niên vào chỗ chết của Võ Nguyên Giáp, của CSVN mà vì TT Johnson sai lầm đã áp dụng chiến lược hạn chế (limited war) không dám làm mạnh năm 1965, 1966…để cho cuộc chiến kéo dài và cuối cùng thua ở Mặt trận tại đất nhà chứ không phải thua VC.

Trong lời mở đầu (introduction) tác phẩm, tác giả Simpson nói về trận Điện Biên Phủ, ông chỉ trích Pháp chủ quan khinh địch nên đã thảm bại, ông cũng nói thập niên 60, 70 người Mỹ cũng khinh địch (BV, VC) như Pháp trước đây (trang XX) .

Thật ra Pháp thất trận Điện Biên Phủ vì yếu hơn Việt Minh đã được Trung Cộng viện trợ ồ ạt về quân sự. Thập niên 60, 70 hỏa lực Mỹ đã đè bẹp CSBV, VC tại miền nam VN và đã giết được mấy trăm ngàn tên địch nhưng thua vì Mặt trận tại đất nhà

Trang XXIV ông nói: Mặc dù đạo quân thực dân là quá khứ nhưng di sản của nó vẫn còn, Quân đội VNCH  không bao giờ phủ nhận được cái gốc gác của nó là quân đội thuộc địa do người Âu châu huấn luyện. Nay Mỹ thay Pháp, cái màu thực dân vẫn còn và đã cho VC đề tài tuyên truyền đây là quân đội tay sai. Đối với chúng ta “thực dân” vẫn là nhãn hiệu lịch sử đối với nhiều nước thế giới thứ ba, nó vẫn là một biểu tượng xấu.

Đây chỉ là sự tưởng tượng của một người không tiếp xúc, gần gửi với miền nam VN trong thời kỳ chiến tranh. Quân đội Mỹ không được quyền bắt bớ người dân như thời Pháp thuộc, trái lại họ giúp đỡ và bảo vệ người Việt. Người dân thường bỏ chạy về phía VNCH và quân đội Mỹ khi bị VC tấn công

Trang XXV ông viết: lính Mỹ không biết mục đích chiến đâu đó là điều bất lợi, trong khi kẻ địch (VC) tin vào mục đích chiến đấu nên chịu gian khổ, chết nhiều cho mục tiêu.

Hoàn toàn sai, tác giả ca ngợi đối phương quá đáng, con người ta chẳng có ai xương đồng da sắt, ai cũng sợ chết, những người theo Việt Minh thập niên 40, 50 và theo VC thập niên 60, 70 phần nhiều vì sợ mà phải theo, hoặc bị ép buộc tham gia, biết là gian khổ, nguy khốn cũng không dám bỏ trốn.

Neil Sheehan đặc phái viên UPI và New York Times trong phần đề tựa (introduction) cuốn The Battle of Dien Bien Phu (Trận Điệm Biên Phủ) của Jules Roy (cựu Đại tá không quân Pháp) đã viết: năm 1963, 9 năm sau trận ĐBP, các tướng lãnh nhà ngoại giao Mỹ cũng sẽ chịu chung số phận người Pháp trước đây. Bảo Đại suy đồi bị đầy sang Pháp, Ngô Đình Diệm quan liêu, xa lánh người dân…… người CS đã đuổi quân Pháp khỏi VN được người dân tin tưởng, Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo quốc gia lớn nhất được lòng dân. Mỹ trợ giúp miến nam trong khi đây chỉ là tàn tích từ thời thực dân để lại, tham nhũng có từ thời Bảo Đại , Mỹ thất bại ở VN cũng nhiều cái giống như Pháp. 

Sheehan một ký giả nổi tiếng được giải thưởng Pulitzer nhưng đã trắng trợn xuyên tạc sự thật, khuynh tả rõ ràng không một chút khách quan. Nếu nói người CS đuổi thực dân ra khỏi VN được người dân tin,  Hồ Chí Minh là người quốc gia được lòng dân thì sao năm 1954, người CS và Hồ Chí Minh về tiếp thu Hà Đông,  Hà Nội, Hải Phòng…thì đã có hàng triệu người bỏ xứ vào nam. Nếu người CS và Hồ Chí Minh là người quốc gia thì tại sao phải yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, họ là người quốc gia hay tay sai của CS quốc tế? 

Sheehan ca ngợi đối phương lộ liễu, về trận Điện Biên Phủ ông chê Tướng Pháp Navarre và Bộ tham mưu không nhận thức được là lý thuyết quân sự Tây phương thất bại trước chiến lược địch (Việt Minh) đưa tới thảm bại.

Sự thực lực lượng địch tại đây quá đông đảo, gấp 4 hoặc 5 lần Pháp, hỏa lực pháo binh và phòng không của Việt Minh quá mạnh đã chế ngự và đè bẹp quân Pháp, chẳng có gì liên hệ tới chiến thuật chiến lược.

Chỗ khác ông ta nói: người Mỹ không biết rằng dân quê VN thắng chế độ Diệm, một chế độ cũng thối nát độc ác như bọn tay sai thực dân trước đây. Nguyên do CS lan rộng ở miền quê miền nam VN từ 1957 tới 1961 là do sự thối nát, gia đình trị của ông Diệm, Mỹ không thực tâm muốn chế độ Diệm phải cải tổ

Nhà báo Sheehan không hiểu gì về tình hình quân sự và cuộc chiến tại miền nam, trước khi tập kết ra Bắc năm 1954 họ đã để lại nhiều cán binh nằm vùng chờ thời. Năm 1957 sau khi đã hoàn thành Cải cách ruộng đất, đấu tố mà CS Nga Tầu ép phải thực hiện, Hà Nội  phát động cuộc chiến tranh du kích để chiếm vựa lúa miền nam mà họ thèm khát từ trước. Kế đó họ cho những đảng viên tập kết băng qua vùng khu phi quân sự tại sông Bến Hải vào Nam hàng đàn hàng lũ chứ chẳng có ai tại miền nam muốn nổi dậy chống chính phủ, VC bắt ép thanh niên miền quê gia nhập các đơn vị Mặt trận giải phóng miền nam, ai từ chối thường bị sát hại để làm gương.

Tác giả Jules Roy nói về sự thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ (trang 289) như sau: Lý do tại sao kẻ thắng trận ĐBP lại là kẻ trang bị yếu hơn? Suy cho cùng một bên có và một bên không có niềm tin của người dân muốn chiến đấu hay họ muốn bác bỏ.

Ông này đã từng là Đại Tá trong quân đội Pháp mà không nắm vững  tình hình chiến sự tại ĐBP, trong khi Việt Minh (VM) đưa 6 sư đoàn chính qui thiện chiến nhất của họ bao vây ĐBP, đông gấp 4 hoặc 5 lần Pháp. Hỏa lực pháo binh của VM bắn như mưa đè bẹp quân Pháp, cao xạ VM chế ngự bầu trời và vô hiệu hóa không quân quá yếu của Pháp, toàn bộ chiến trường Đông Dương Pháp chưa có tới 200 máy bay cánh quạt và vận tải. Trong một trận đánh qui ước bên nào lực lượng mạnh, đông thì nắm chắc phần thắng trong tay.

Trang 294 ông nói: nhiều năm sau trận đánh, Jules Roy trong chuyến viếng thăm ĐBP ông quan sát cảnh người dân làm ruộng, sinh sống, chắt chiu kiếm lúa gạo… và tìm ra nguyên do: men chiến đấu khiến họ liều thân lao vào súng máy, hàng rào kẽm gai là vì lý tưởng tự do và danh dự được làm bộ đội cụ Hồ.

Sự thật thì chẳng ai muốn lao vào chỗ chết, chẳng có ai xương đồng da sắt, ai cũng sợ chết nhưng kỷ luật khắt khe của bộ chỉ huy CS không cho phép người chiến sĩ lùi bước. Nhiều nhà báo, chính khách, giới quân sự Tây phương ca ngợi tinh thần chiến đấu của Việt Minh, VC, họ có mất gì đâu một lời khen ngợi, ta thường nói được tiếng khen thì ho hen chẳng còn.

Không những truyền thông báo chí mà ngay cả các chính khách tên tuổi cũng nhận định sai về tình hình chính trị quân sự của VN. Tác giả  Fredrik Logevall trong cuốn Ember of war… (2)  trang 478  có nói về ĐBP: Thượng nghị sĩ Kennedy cho biết đổ tiền của và người vào những khu rừng núi Đông Dương một cách vô ích vì  không có hy vọng thắng. Dù Mỹ có giúp đỡ cũng không thể thắng địch khi chúng ở khắp mọi nơi, nó được người dân có cảm tình và che chở.

Sự thực thì người dân sợ cả Việt Minh và thực dân Pháp, họ sợ VM hơn Pháp vì VM ghê rợn hơn, thu thuế, theo dõi và có khi thủ tiêu họ. Tại hậu phương VM, người dân trốn về vùng Quốc gia do Tây kiểm soát rất nhiều. Họ phải che chở VM vì nếu không sẽ bị trả thù thê thảm chứ không phải vì có cảm tinh

Trang 484 sách kể trên nói: ngoại trưởng Eden (Anh) không tin là viện trợ của Trung Cộng (TC) cho Việt Minh là quyết định, theo tin tức của Tình báo cho biết số lượng viện trợ của Mỹ cho Pháp lớn hơn của TC cho VM rất nhiều. Ông cho rằng dù (Mỹ) can thiệp để TC không còn viện trợ cho VM, ông và những người Anh khác vẫn tin VM là một đe dọa lâu dài.

Ông ngoại trưởng Eden nói dù VM không nhận được giúp đỡ của TC họ vẫn là mối đe dọa, thế thì họ lấy súng đạn ở đâu? chắc họ mua súng lậu? ông nói Pháp được Mỹ viện trợ nhiều hơn là VM được Tầu viện trợ, nhưng Tướng tư lệnh Navarre lại nói những năm 1953, 54 Đông dương lâm vào tình trạng hấp hối, chẳng lẽ Pháp mạnh hơn VM lại sắp thảm bại? Tướng Navarre, Tư lệnh quân Pháp tại Đông Dương cho biết những năm 1953, 1954 quân lưu động VM rất mạnh khoảng 9 sư đoàn, gấp ba quân lưu động Pháp gồm 7 Liên đoàn lư động và 8 tiểu đoàn nhẩy dù (3)

Trang 495 nói: Walter Robertson, phụ tá Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Viễn đông sự vụ có nói với ký giả Sulzberger tờ New York Times ngày 22-4-1954: người VN ghét người thực dân nhưng Mỹ lại kết với ông vua bù nhìn của Pháp đó là ông Bảo Đại gớm ghiếc, Robertson lẩm bẩm chán nản “chỉ cần Hồ Chí Minh về phía chúng ta, ta có thể thay đổi tình hình nhưng tiếc rằng ông ta  là kẻ địch”

Nhiều sử gia và chính khách Tây phương, trong đó có TT Eisenhower cho rằng ông Bảo Đại theo Tây bị người dân VN oán ghét, ông Hồ Chí Minh chống Pháp nên được người dân quí trọng. Đó chỉ là những nhận định chủ quan, hoàn toàn sai lạc, họ nghĩ người Việt ghét thực dân, ai chống thực dân sẽ được coi như anh hùng, ái quốc.

Người dân ghét Tây điều này không ai phủ nhận nhưng họ sợ hãi Việt Minh, giữa Pháp và Việt Minh họ vẫn chọn sống trong vùng quân Pháp kiểm soát vì sống với Việt Minh chẳng khác nào một cơn ác mộng, đói khát, hà khắc, tàn bạo. Người Tây phương không hề biết rằng người ta theo VM hay VC vì sợ hãi hoặc bị ép buộc hơn là tự nguyện. Theo tờ tường trình của Tướng Leclerc gửi chính phủ Pháp ngày 27-3-1946 thì tính tới cuối năm 1945, VM đã thủ tiêu, giết hại tổng cộng khoảng 50,000 người. (4)

Người bị trị đều ghét thực dân, nhưng giữa thực dân và CS họ vẫn thích sống với thực dân hơn. Năm 1997 chính phủ Anh trao trả nhượng địa  Hồng Kông cho Trung Cộng nhưng người dân Hồng Kông đã biểu tình phản đối, có người nhẩy lầu tự tử, họ đòi được sống dưới ách nô lệ của thực dân hơn là chuyển sang sống với CS.

Theo lời kể của ông Đoàn Thêm (5) chính phủ Bảo Đại chấp chính từ tháng 7-1949 đến đầu năm 1950, cựu hoàng về nước trị vì đã gây được niềm tin tưởng nơi người dân y như nhà có nóc. Từ đấy dân chúng taị hậu phương Việt Minh hồi cư tấp nập về thành thị, các tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Hà Nội, Sơn Tây…  trong tháng 7-1949 mỗi ngày có vài nghìn người, riêng ngày 30-10 tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây…số người trở về lên tới 35 ngàn người. Giải pháp Bảo Đại đem lại thắng lợi, người dân bỏ già Hồ về với cựu hoàng.

Diện tích vùng thuộc Pháp tại Trung châu tăng lên gấp ba, số ruộng cầy cấy tăng lên nhiều. Gạo xuất cảng từ 59 ngàn tấn năm 1945 tăng lên 379 ngàn tấn năm 1950, nhân công dồi dào, an ninh bảo đảm hơn, các ngành sản xuất than đá, vải sợi, xi măng, đường…  đều tiến bộ. Trị giá nhập cảng năm 1946 là 16 tỷ đồng quan Pháp đến năm 1949 tăng lên 73 tỷ đồng. Hàng hoá tràn ngập các cửa hiệu, chợ búa, các ngành sản xuất cũng tiến hẳn lên, lương bổng công tư chức khá cao. Cựu hoàng về nước đem theo nhiều thuận lợi, hàng nhập cảng ngày càng nhiều.

Mỹ, Anh, Úc …và nhiều nước trên thế giới tự do thừa nhận chính phủ Quốc gia, tình hình kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự đều sáng sủa. Thủ đô chính trị là Sài Gòn, các phái đoàn ngoại giao đều thiết lập ở đó.

Người dân bỏ hậu phương Việt Minh vì quá gian khổ và vô lý, giành độc lập bằng bạo lực, đưa đất nước vào cảnh núi xương sông máu. Họ kéo nhau về vùng quốc gia thuộc Pháp vì cuộc sống ở đây dễ thở và sung túc hơn nhiều. Đối với người hồi cư, hình ảnh của Hồ Chí Minh, của đảng Lao Động là những biểu hiện gớm ghiếc, ghê sợ.

Những nhận định sai lạc như trên của truyền thông báo chí Tây phương có nhiều ác ý và ảnh hưởng tai hại, nó đã thúc đẩy phong trào phản chiến lên cao đưa cuộc chiến Đông Dương tới chỗ sụp đổ tan tành.

Trọng Đạt

Chú thích


(1) Richard Nixon: No More Vietnams, chương 1 The Myths of Vietnam, trang 9
(2) Fredrik Logevall: Embers of War, The Fall of An Empire And The Making Of America’s Vietnam, Sụp Đổ Của Đế Quốc Pháp Và Sự Khởi Đầu Cuộc Chiến Của Người Mỹ tại Việt nam
(3) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine trang 47
(4)  Quân sử 4, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong giai đọan hình thành 1946-1955, Bộ Tổng Tham Mưu VNCH năm 1972
(5) Đoàn Thêm: Những Ngày Chưa Quên, quyển thượng trang 138-140, 173-174, 206-210

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Yếu Lòng

Câu chuyện dưới đây xẩy ra đã lâu và bài viết đã đăng trên TTR.  Nhưng khi đọc lại người ta thấy như sự việc mới xẩy ra hôm qua, rất mới, rấ...