23 May 2015

Thầy Tạ Ký, nhà giáo, nhà thơ

Nguyễn vĩnh Thượng

Thầy Tạ Ký (1928 – 1979) đã là Giáo sư môn Văn chương ở trường Trung học Petrus Ký và một số trường Trung học tư thục ở Saigon và Đà Lạt, thầy cũng đã từng là Giảng viên môn Văn hóa ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Tạ Ký đã làm thơ từ lúc còn học ở bậc tiểu học, từ đầu thập niên 1950, sáng tác thơ chỉ là món tiêu khiển mà thầy ưa thích, thầy không sống bằng ngòi bút trong việc sáng tác thi ca. Thầy đã qua đời vào ngày 19 tháng 3  năm 1979. Hôm nay nhân ngày giỗ lần thứ 36 của thầy, tôi bắt đầu viết  luận văn này: “ Thầy Tạ ký, nhà giáo, nhà thơ.” Tôi xin kính dâng bài viết này đến hương hồn của Thầy Tạ Ký. Bài viết  gồm các phần như sau :
                                              I.-Tiểu sử của Thầy Tạ Ký
                                              II.- Tạ Ký, nhà giáo dục.
                                              III.-Tạ Ký, nhà thơ.
                                              IV.- Những kỷ niệm với thầy Tạ Ký.
                                              V.- Kết Luận

I.- Tiểu sử của thầy Tạ Ký:

(hình này, Tôn Thất Trung Nghĩa
đã để trên bàn thờ Tạ Ký ở
nhà Ông Nghĩa vào năm 1979)

Tiểu sử của thầy Tạ Ký mà tôi sẽ viết sau đây chắc chắn sẽ không nói hết được nhân cách đáng quý mến và nội lực văn chương thâm hậu của thầy tôi. Tôi muốn nói phần tóm tắt tiểu sử này không thể chuyên chở toàn bộ con người của thầy Tạ Ký. Do đó, chúng ta sẽ tìm hiểu thầy Tạ Ký như  một nhà giáo đáng kính mến với những bài giảng sâu sắc, như một người yêu nước, như  một người bạn, một người bạn được nhiều người yêu mến, như  một người tình, một người tình đáng yêu…và đào hoa.

Sinh quán: Tạ Ký sanh năm 1928  tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng Trung Phước nằm ở hữu ngạn sông Thu Bồn, đây là vùng có nhiều núi non. Làng Trung Phước có phong cảnh hữu tình nên nơi đây đã là nguồn cảm hứng cho hai nhà thơ nỗi tiếng là Bùi Giáng và Tạ ký.

Thời thơ ấu: Khoảng đầu thập niên 1940, Tạ Ký theo học ở trường Bình Sơn, Quảng Ngải. Tạ Ký được gởi ở trọ nhà ông Hiệu trưởng trường tiểu học phủ Bình Sơn để đi học, và cũng để cụ Hiệu trưởng dạy dỗ. Tạ Ký rất thích đọc thơ và học thuộc lòng thơ. Thầy đã làm một cái tập để chép thơ của các nhà thơ nổi tiếng như Đoàn văn Cừ, Nguyễn Bính …Thầy lấy tên tập thơ này là  “vườn thơ” nơi trang đầu là bài “Chợ Tết miền quê” của Đoàn văn Cừ. Thầy thích chơi đá banh/ đá túc cầu, Thầy có lập đội banh của lớp nhì.


Thời niên thiếu: Năm 1945, lúc được 18 tuổi, thầy đi kháng chiến chống Pháp ở chiến khu 5 (Quảng Nam, Quảng Ngải, Bình Định, Phú Yên). Trong 7 năm chiến đấu ở chiến khu 5, thầy đã thức tỉnh và phản tỉnh , thầy không thể chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản, nên đã quyết định “dinh-tê” vào vùng Quốc gia. “Dinh-tê” là tiếng phiên âm của chữ Pháp là “renter”, đây là một tiếng lóng vào thời đó có nghĩa là từ bỏ vùng chiếm đóng của Cộng sản để trở về vùng Quốc gia đang kiểm soát.

Vào tháng 6 năm 1952, Tạ Ký đã cùng với các bạn cùng lứa tuổi học trò như Nguyễn Sum, Nguyễn Viết Tường và một người lớn tuổi hơn là nhạc sĩ  Lê Trọng Nguyễn (1926-2004), LTN sáng tác nhiều bài ca, bản “Nắng Chiều” sáng tác năm 1952, sau ngày dinh-tê,  là một trong các bài ca nổi tiếng [Qua bến nước xưa lá hoa về chiều,lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa….anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy.Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh…], đi lội bộ qua sông Thu Bồn, nước rất cạn vào mùa Hè, để “dinh-tê” . Họ đến đồn Xuân Đài, thuộc Gò Nổi, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trình diện để được gia nhập vào cuộc sống bình thường ở vùng Quốc gia.

Thầy làm khai sanh lại, khai sụt 7 tuổi để đi học lại. Ngày sanh trong khai sanh là 16 tháng 5 năm 1935. Tuổi trong khai sanh là 17, tuổi thật là 24. Thầy ra Huế để vô học các năm cuối của bậc trung học ở trường Quốc học/ Khải Định . Vào thuở học trò trung học, thầy có một chuyện tình với một nữ sinh Đồng Khánh, cô gái Huế này rất xinh đẹp và đã đi vào đời thầy, một mối tình rất cao thượng. Ngoài cái sắc đẹp dịu hiền, cô gái Huế này còn là một nhà văn, nhà thơ, đó là nữ sĩ Phùng Khánh sau này.

Năm 1956, Tạ Ký đậu bằng Tú Tài Phần Thứ Hai. Hồi ấy Huế chưa có Đại Học, Viện Đại Học Huế được thành lập vào năm 1957. Tạ Ký phải đi vào Saigon để tiếp tục học bậc đại học. Rời khỏi Huế, Tạ Ký đã để lại một cuộc tình thơ mộng  như dòng sông Hương với trăm nhớ ngàn thương.

Thầy đã ghi danh học tại Đại Học Luật Khoa và Đại Học Văn Khoa Saigon.

Từ năm 1957, thầy vừa dạy văn chương ở trường Trung Học Petrus Ký và tiếp tục học Đại Học. Thỉnh thoảng Thầy gởi các bài thơ mình vừa sáng tác đến các báo ở Saigon.

Năm 1960, thầy đậu Cử Nhân Văn Khoa tại Đại Học Văn Khoa Saigon. Tiếp theo đó, một số trường tư ở Saigon mời thầy dạy thêm.

Năm 1961, NXB Khoa Học xuất bản quyển sách giáo khoa của Tạ Ký: Việt Nam Thi Văn Trích Giản.

Năm 1962, thầy được lịnh nhập ngũ  khoá 14 Sĩ Quan Trừ Bị ở Liên trường Võ Khoa Thủ Đức cùng với thầy Dương ngọc Sum và rất nhiều giáo chức khác . Sau khi tốt nghiệp Chuẩn Úy VNCH, thầy được bổ nhiệm về trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt để dạy bộ môn Văn Hoá. Tại Đà Lạt, thầy có dạy thêm một vài trường trung học tư thục, trong đó có trường Việt Anh của Giáo sư Lê Phỉ. Tại ngôi trường này, có một nữ sinh rất duyên dáng, tuổi đời nhỏ hơn thầy rất nhiều. Theo Tạ Thái, đứa con trai thứ hai của Thầy Cô, trong Thaita’s Blog, đã kể rằng: “ Mẹ tôi thì đẹp, cho tới 50 cũng còn đẹp, nên hồi còn là một thiếu nữ trẻ đẹp đã có nhiều chỗ đến dạm hỏi nào là Bác sĩ, thương gia giàu có, nhưng mẹ  đã yêu ba, chọn ba vì hai câu thơ:
“Đêm nay có kẻ không nhà,
Thẩn thơ phố lạnh đợi qua giao thừa”.
Mối tình thầy trò lãng mạn  đã đưa đến cuộc hôn nhân. Cô nữ sinh đó là Nguyễn thị Tuyết Hồng. Trong xã hội Việt Nam thời đó, nhiều thiếu nữ trẻ đẹp đã rất thực tế hơn, họ đã chọn Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ, Kỹ sư để vừa có địa vị xã hội cao vừa có đời sống giàu sang.

Cuộc hôn nhân
Tạ Ký - Tuyết Hồng
(Hình: Internet)

Thầy và Cô đã có được 2 đứa con trai: Tạ Thạch và Tạ Thái. Theo Tạ Thái kể lại, thầy và cô đã sống rất hạnh phúc cho đến lúc Thái vừa mới sanh ra thì mẹ Thái đã phát giác ra ba của Thái có “affairs” với dì của Thái là người em gái cùng cha khác mẹ của mẹ mình. Cô Tuyết Hồng rất đau khổ, hạnh phúc gia đình của thầy và cô bắt đầu lung lay từ đó.

Năm 1964, năm Thìn, cơn bảo lụt dữ dội ở miền Trung đã cuốn phăng nhà cửa và mẹ của thầy ra biển cả. Mất mẹ cả bầu trời đều sụp đổ, một nổi buồn sâu đậm xâm chiếm lòng thầy.

Khoảng năm 1966, thầy được giải ngũ, trở về dạy lại ở trường Trung Học Petrus Ký. Thầy đã dạy thêm một số trường Tư Thục ở Saigon.

Năm 1968, biến cố Tết Mậu Thân, Thầy bị gọi tái ngũ. Cuối năm 1968 thầy được biệt phái về Bộ Giáo Dục, và đã trở về dạy lại ở trường Petrus Ký, và dạy thêm nhiều giờ ở một số trường tư.

Năm 1970, thầy xuất bản tập thơ “Sầu ở lại”, đây là tuyển tập một số bài thơ đã đăng trên các báo và một số bài chưa đăng báo. Tập thơ này được trao giải thưởng “Văn học và nghệ thuật của Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu vào năm 1971. Cùng trong năm này, tập thơ Sầu để lại đã được nhà xuất bản Quế Sơn-Võ Tánh in lại lần thứ hai.


Năm 1972, thầy cho in tập thơ thứ hai: “Cô đơn còn mãi”.

Năm 1974, thầy Tạ Ký viết chung với các  Giáo Sư Petrus Ký có uy tín khác: Vũ Ký, Nguyễn Tăng Chương và Nguyễn Văn Hiệp quyển “Quốc Văn Lớp 12” do NXB Trí Đăng xuất bản, Saigon.

Sau ngày 30 tháng năm 1975, bên chiến thắng Việt Nam Cộng Sản đã bắt thầy đi tù “học tập cải tạo” với cấp bực Đại Uý VNCH biệt phái ngành giáo dục.

Khoảng cuối năm 1977, sau hai năm đi học tập cải tạo, thầy được trả tự  do, và đi dạy lại.

Những ngày cuối cùng của thầy Tạ Ký: Khoảng giữa năm 1978, vợ thầy đã dẩn hai đứa con trai đi vượt biên, trong hành trình đi tìm tự do họ đã gặp nhiều gian nan trên biển cả. Thầy Tạ Ký nghỉ dạy học, thầy đi về miền Tây có lẻ để tìm đường vượt biên, nhưng không thành. Trên đường đi từ Long Xuyên đến Chợ Mới, Tạ ký đã bị kẻ lái xe Honda ôm, đánh cướp  gần hết vàng và tiền đã thâu được do bán tháo bán đổ căn nhà và đồ đạt trong nhà. Còn lại một chút tiền nhờ cất dấu ở dưới đôi giày, thầy đã xin ở tá túc trong nhà một người đồng hương ở Chợ Mới, An Giang được khoảng 3 tháng. Ngày 25 tháng 12 năm 1978 thầy bị bắt vì cư trú bất hợp pháp, không có hộ khẩu. Bịnh nặng tái phát trong tù, thầy Tạ Ký qua đời vào lúc 13 giờ ngày 19 tháng 3 năm 1979 tại bệnh xá Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thầy hưởng thọ được 51 tuổi. Người đồng hương đã an táng thầy ở nghĩa trang Chợ Mới.

Nhà thơ Đinh Trầm Ca, ở Saigon, đã vận động quyên góp tiền bạc để chuẩn bị cải táng thầy Tạ Ký. Sau đó nhà thơ Đinh trầm Ca và một người cháu của thầy là Đổ Ngọc Anh đã cải táng hài cốt của thầy Tạ Ký về nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, Saigon vào ngày 5 tháng 4 năm 2001 trong dịp lễ Thanh Minh. Mộ thầy được nằm cạnh với mộ thi sĩ nỗi danh Bùi Giáng. Trên mộ bia có ghi hai câu thơ trong bài “Đêm Giáng thế”:
“Thân cát bụi chẳng còn chi hối tiếc, 
Nhưng lòng riêng khao khát chút tình thương.”
Mộ Tạ Ký sau khi được cải táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, Saigon.
Đứng cạnh mộ là nhà thơ Đinh Trầm Ca, người đã tìm ra mộ Tạ Ký tại Chợ Mới, An Giang và lo việc cải tang. (nguồn: Thaita’s Blog)
                     
Sự nghiệp trước tác và sáng tác của thầy Tạ Ký:
1.-Sách giáo khoa:
  -Việt Nam thi văn trích giảng (Văn Học Cận Đại: 1765-1921) do NXB Khoa Học xuất bản năm 1961 ở Saigon. Dưới chế độ mới, trong thời mở ngõ, quyển sách này đã được Nhà xuất bản Đồng Tháp, ở Sa-đéc, thuộc tỉnh Đồng Tháp, tái bản vào năm 1994.
-Quốc Văn lớp 12, Tạ Ký viết chung với Vũ Ký, Nguyễn Tăng Chương và Nguyễn Văn Hiệp do NXB Trí Đăng xuất bản năm 1974 ở Saigon.
- Nhiều bài giảng luận môn Quốc văn lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ), lớp Đệ Tam (lớp 10 bây giờ), đây là những bài soạn để dạy học, chưa có xuất bản.
2. Các tập thơ và các bài thơ đã sáng tác: Tạ Ký đã làm thơ từ hồi còn nhỏ, hồi còn học ở bậc tiểu học.
- Tập thơ Sầu ở lại, xuất bản năm 1970 ở Saigon, tập thơ này đoạt được “Giải thưởng Văn Học và Nghệ Thuật “ của Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu năm 1971. Cũng trong năm 1971, nhà xuất bản Quế Sơn-Võ Tánh đã tái bản tập thơ này. Bản điện tử đã được Website Talawas thực hiện từ nhiều năm qua ở hải ngoại, trang web của trường Petrus Ký cũng có đăng tập thơ này.
- Tập thơ Cô đơn còn mãi, xuất bản năm 1972, ở Saigon.
- Nhiều bài thơ đăng rải rác trên các tờ: Đời Mới [ tạp chí này do nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, bút hiệu Hà việt Phương chủ trương], Văn Nghệ Tiền Phong [ tuần báo này do nhà văn Nguyễn Thanh Hoàng có bút hiệu là Hồ Anh]… từ đầu thập niên 1950. Nhiều bài thơ đã đánh máy nhưng chưa xuất bản.
- 2 bài thơ đăng trong Giai Phẩm Xuân của trường trung học Petrus Ký, xuất bản tháng giêng năm 1975.
- Các bài thơ sáng tác khi ở tù “ học tập cải tạo”(1975-1977), thỉnh thoảng các bạn tù nhớ lại và đăng lên các báo ở hải ngoại. Một số ít bài thơ làm sau 1977 cho đến 1978.
- Đặc biệt bài thơ cuối cùng mà Tạ Ký đọc lại cho GS Võ hồng Lạc nghe trước khi giả từ ông Lạc để thầy đi vượt biên là bài “Sầu để lại”.
- Tập nhật ký, chỉ có 11 trang, tựa đề: “ Một cuộc bể dâu” ghi từ ngày 14 tháng 9 năm 1978 đến ngày 24 tháng 12 năm 1978, một ngày trước khi bị bắt ở Chợ Mới, An Giang.

II.- Tạ Ký, nhà giáo dục :
(nguồn : Kỷ yếu trường Petrus Ký 1972)

Năm đầu tiên  học với thầy Tạ Ký là năm tôi học lớp Đệ lục (lớp 6 bây giờ, 1957-1958), thầy dạy môn Anh Văn. Hai năm sau thầy dạy tôi môn Quốc Văn ở lớp Đệ Ngũ (lớp 8, 1958-1959) và lớp Đệ Tứ ( lớp 9,1959-1960). Tôi đã học hỏi và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thầy Tạ Ký trong giờ học môn Quốc Văn. Với kinh nghiệm sống của một người từng trải, với kiến thức uyên bác của một người đọc sách nhiều, nội dung các bài giảng của thầy thật phong phú. Thỉnh thoảng thầy đem những chuyện bên lề, những điều không có liên hệ trực tiếp tới bài học, nhưng những câu chuyện đó đã soi sáng thêm cho tâm hồn chúng tôi lúc bấy giờ.

Thầy Tạ Ký lúc nào cũng ăn mặc tươm tất, đầu chảy gọn gàng, có giọng nói san sảng trong lúc giảng bài. Thầy luôn luôn sách cái cặp chứa đầy sách vở, các bài giảng và có cả cây thước bảng nữa. Mỗi khi bọn tôi trửng giỡn, làm ồn trong lớp học thì thầy dùng cây thước bảng đập mạnh trên bàn giáo sư để lấy lại trật tự trong lớp, rồi thầy tiếp tục giảng bài.

Thầy rất nghiêm nghị, nhưng bản tính phóng khoáng, nên thầy không bao giờ “phạt cấm túc”  một đứa học sinh nào, hồi ấy nếu bị phạt cấm túc thì phải vô trường học vào ngày Chúa nhật dưới sự trong nôm của thầy giám thị. Nhiều lúc bài giảng chưa kết thúc, thầy ở lại giảng thêm. Thầy là một nhà giáo tận tụy. Khi giảng một bài thơ, một bài văn, thầy giải thích từng chữ khó, từng câu thơ, câu văn, phân tích ý nghĩa bài thơ, bài văn, từ chi tiết đến đại cương, rồi thầy đọc phần lược bình để tìm hiểu giá trị của bài thơ, bài văn đó về nội dung và hình thức. Trong khoảng 20 năm dạy học, thầy Tạ Ký đã truyền đạt lại cái hồn của dân tộc Việt Nam từ một quá khứ đã đi qua cho nhiều thế hệ.

Ngoài các bài giảng môn Quốc Văn mà thầy đã soạn để dạy học sinh ở các lớp từ Đệ Ngũ đến lớp Đệ Nhị, và sau này cho lớp Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ). Tạ Ký đã xuất bản 2 quyển sách giáo khoa, đó là quyển: “Việt Nam Thi Văn Trích Giảng” (viết tắt VNTVTG), NXB Khoa Học, Saigon, 1961; và viết chung với các Giáo Sư Petrus Ký khác là Vũ Ký, Nguyễn Tăng Chương và Nguyễn Văn Hiệp quyển Quốc Văn lớp 12 (viết tắt QV12), NXB Trí Đăng, Saigon, 1974.  Hai quyển sách giáo khoa này chứa đựng một nội dung  phong phú, một tấm lòng tha thiết đến di sản tinh thần dân tộc của tiền nhân. Một công trình biên soạn công phu, các bài thơ, bài văn được trích giảng với một sự lựa chọn rất cẩn thận, nghiêm túc, những lời bình luận các bài thơ, các bài văn rất sâu sắc, rất khách quan, không thiên vị, gạt bỏ mọi thành kiến. VNTVTG và QV12 đã giúp cho nhiều hạng độc giả hiểu rõ cái cốt tủy của nền Văn học Việt Nam cận đại, hiện đại và tư tưởng của tam giáo: Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo, như độc giả còn là học sinh và sinh viên, độc giả là nhà giáo dạy môn Việt Văn cần tham khảo, độc giả không còn đi học nữa muốn hiểu biết về Văn học Việt Nam cận đại và hiện đại.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, phe chiến thắng Cộng sản đã cho rằng văn hoá miền Nam là nền văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy, nên các sách vở ở miền Nam đều bị tịch thu hoặc đem đốt.. Cho đến khoảng năm 1990, sau khi các nước Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam  đổi mới, nên các sách vở của miền Nam mới được lần lượt in lại như: - bộ sách Lịch sử Triết học Đông Phương của GS Nguyễn Đăng Thục, bộ sách Lịch sử Triết học Tây Phương của GS TS Lê Tôn Nghiêm, bộ sách Đại cương Triết học Trung Quốc của GS Giản Chi và Học giả Nguyễn Hiến Lê … Cuốn Việt Nam Thi Văn Trích Giảng của GS Tạ Ký cũng được nhà Xuất bản Đồng Nai in lại vào năm 1994 tại Sa-đéc, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam.

Quyển sách VNTVTG dày 450 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm. Sách này trích giảng thơ văn xuyên suốt gần 200 năm lịch sử Văn Học Việt Nam Cận Đại (1765-1953) bao gồm 16 tác giả sau đây:

1.-Nguyễn Du (1765-1820) với Đoạn Trường Tân Thanh, 2.-Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) với Cung Oán Ngâm Khúc, 3.-Nguyễn Công Trứ (1778-1858), 4.-Cao Bá Quát (? – 1854), 5.-Tôn Thọ Tường (1825-1877), 6.-Phan Văn Trị (? - ? ), 7.-Nguyễn Khuyến (1835-1909), 8.-Trần Tế Xương (1870-1907), 9.-Phan Bội Châu (1867-1940), 10.-Phan Chu Trinh (1872-1926), 11.Phạm Quỳnh (1892-1945), 12.-Nguyễn Bá Học (1857-1921), 13.-Phan Chu Trinh (1872-1926), 14.-Phan Kế Bính (1875-1921), 15.-Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), 16.-Trần Trọng Kim (1882-1953).
(nguồn: VNTVTG, NXB Đồng Tháp, VN, 1994)

Sách VNTVTG gồm có những bài thơ, bài văn, hoặc những đoạn thơ trích trong tác phẩm thơ trường thiên như Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, hoặc một đoạn văn trích từ một cuốn sách dày như Nho Giáo của Trần Trọng Kim, Việt Hán Văn Khảo của Phan Kế Bính. Phương pháp giảng luận ở sách này được biên soạn theo phương pháp hiện đại,  theo khuân mẫu giảng luận của các giáo sư dạy môn văn chương vào thời bấy giờ, tuy nhiên ở phần “lược bình” Tạ Ký đã đưa ra các nhận định riêng tư của thầy trong khi bình luận các bài thơ, các bài văn trích giảng.

Ở mỗi tác giả, sách trình bày 4 phần chính sau đây: 1.-Thời đại/Hoàn cảnh lịch sử mà tác giả đã sống qua; 2.-Tiểu sử của tác giả; 3.-Phần giảng luận gồm có 2 phần nhỏ: - a.-phần giảng văn gồm có: xuất xứ của bài thơ hay bài văn trích giảng; chú thích các chữ khó, các chữ cổ, các điển tích và các chữ Việt Hán; đại ý và bố cục  của bài thơ hay bài văn được trích dẩn; b.- Phần lược bình: bình luận về nội dung rồi về hình thức của bài trích giảng; 4.- Phần tổng kết về tác giả này. Như vậy sách giáo khoa này được biên soạn với phương pháp kết hợp giữa phần giảng văn và phần luận văn.

Sách VNTVTG đã có một giá trị cao, một cuốn sách biên khảo công phu đã đóng góp thêm cho việc giảng luận văn học Việt Nam cùng với nhiều sách có giá trị cao khác như: 1.-Dương Quảng Hàm, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển (xuất bần thứ nhất năm 1942, được tái bản ở Saigon trước 1975), - Quốc Văn Trích Diễm (xuất bản ở Hà Nội năm 1925, NXB Trẻ tái bản sau 1975); 2.-Hà Như Chi, Việt Nam Thi Văn Giảng Luận, Saigon: Sống Mới, 1951; 3.-Phạm Văn Diêu, Văn Học Việt Nam (văn học sử và giảng văn), Saigon: Tân Việt, 1960; 4.-Phạm Thế Ngũ, Bài Việt Văn kỳ thi Tú Tài (phần thứ I) bộ sách gồm 3 quyển:-1.Phương pháp làm bài nghị luận văn chương và nghị luận tư tưởng;2.Các bài nghị luận tư tưởng;-3.Các bài nghị luận văn chương, Saigon: NXB Phạm Thế- Quốc Học Tùng Thư, 1961, được tái bản rất nhiều lần (bán chạy như tôm tươi ở miền Nam trước 1975); 5.-Thẩm Thệ Hà, Quốc văn Toàn Thư, Saigon,1969 và các sách giảng văn:- lớp 6 và 7 do Saigon: Sống Mới 1969; viết chung với Xuân Tước: Giảng văn lớp 8 và lớp 9, Saigon: Sống Mới, 1969; viết chung với Xuân Tước và Bằng Giang: Giảng văn lớp 10, Saigon: Sống Mới,1969; 6.- Đỗ Văn Tú, bộ sách Giảng văn các lớp 6,7,8,9,10,11, Saigon: Văn Hào, 1970; 7.-Võ Thu Tịnh, Việt văn, Đệ Nhị ABCD, gồm có 2 quyển, Saigon: Hải Vân, 1961; 8.-Vũ Ký, Luận văn chương và giải đề thi Tú Tài I, sách này đã được xuất bản khoảng 1958 ở Saigon, NXB Trí Đăng tái bản ở Saigon 1972; 9.-Bộ sách Giảng văn trong chương trình trung học của Trần Bằng Phong, xuất bản khoảng 1957 và tái bản sau nhiều năm tiếp theo; 10.-Đàm Xuân Thiều và Trần Trọng San, Việt Văn Độc Bản lớp 11, Saigon: Bộ Giáo Dục VNCH, 1961; 11.- Tạ Ký viết chung với Vũ Ký, Nguyễn Tăng Chương và Nguyễn Văn Hiệp, Quốc Văn lớp 12, Saigon: Trí Đăng, 1974 V…V…; sau 1975 có sách từ miền Bắc như: -Đinh Gia Khánh, chủ biên, Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam (Thế kỷ X đến XVII), Hà Nội: Văn Học, 1976.  V...V…
 Nói tóm lại, Tạ Ký đã làm tròn sứ mạng giáo dục, thầy đã truyền đạt những kiến thức, những kinh nghiệm giảng luận thơ văn Việt Nam cho các thế hệ học trò của mình.

III.- Tạ Ký, nhà thơ:
(nguồn: Thơ Tạ Ký,, NXB Hồng Nguyên, Hoa kỳ, 2001)

Bên cạnh công việc hằng ngày là dạy học, Tạ Ký còn sáng tác thơ. Thầy là một thiên tài, xuất khẩu thành thơ. Thơ của thầy không nhiều, gồm có hai tập thơ đã xuất bản, một số bài thơ đăng rải rác trên các báo Đời Mới, Văn nghệ Tiền Phong, một số bài thơ chưa xuất bản, một số bài thơ sáng tác lúc ở tù “học tập cải tạo” từ 1975 đến 1977, các bài thơ sáng tác sau 1977 đến mùa thu 1978. Phần lớn các bài thơ, thầy đều ghi tặng cho các thân hữu như các nhà giáo, các nhà văn, nhà thơ. Mặc dầu thơ Tạ Ký có số lượng khiêm tốn, nhưng nội dung của các bài thơ ấy cũng giúp chúng ta hiểu được tâm sự và nhân cách của thầy.

Một “nỗi buồn/ sầu” bàng bạc trong thi ca Tạ Ký, gần như không thấy một bài thơ nào vui cả. Một nỗi buồn xâm chiếm trong lòng thầy, từ nỗi buồn về vận nước nổi trôi đến nỗi buồn về cuộc đời trôi nổi của mình. Để vơi đi nỗi sầu, thầy thường đi tìm sự lãng quên bên men nồng của các ly rượu “la-de” với các bạn bè, và trong cơn say. Sau giờ dạy học, thầy thường cùng với bạn bè để đối ẩm, họ là những nhà giáo, những nhà văn, những nhà thơ.

Nội dung thi ca của Tạ Ký có thể phân chia như sau:

1.    Thế hệ 1945.
2.    Cuộc tình thơ của Tạ Ký và Phùng Khánh.
3.    Nỗi buồn trong thơ Tạ Ký.
4.    Thơ tình của Tạ Ký, bài thơ gởi cho vị hôn thê.
5.    Tình bạn trong thơ Tạ Ký.

1.-Thế  hệ 1945:

Lúc vào tuổi  18, Tạ Ký đã sống vào một giai đoạn lịch sử thật là nghiệt ngã của đất nước Việt Nam, đó là thế hệ 1945. Trước lời kêu gọi cứu nước của tổ chức Việt Minh, như nhiều thanh niên khác, Tạ ký đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của lòng yêu nước, thầy đã theo kháng chiến đi vào chiến khu 5 (Quảng Nam, Quảng Ngải, Bình Định, Phú Yên), hết lòng chiến đấu để giành độc lập cho Việt Nam. Nhưng sau 7 năm ở trong chiến khu 5, Tạ Ký đã thức tỉnh và phản tỉnh: “Lừa lọc, gian ngoa, một bầy ác quỷ,/ Tuổi thanh xuân tàn như một giấc mơ!”, và nhận thấy rằng cuộc chiến đấu  này chỉ là chiến đấu cho các nước Cộng sản đàn anh: Nga sô và Trung hoa. Tạ Ký đã không chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản, thầy đã “dinh-tê” vào vùng Quốc gia. “Dinh-tê” là tiếng phiên âm của chữ Pháp là “renter”, đây là một tiếng lóng vào thời đó có nghĩa là từ bỏ vùng chiếm đóng của Cộng sản để trở về vùng Quốc gia đang kiểm soát. Thế hệ 1945:
“Chúng tôi:
Những kẻ sinh ra chưa biết nụ cười,
Đã thầm khóc trong bao năm khói lửa.
Mười tám tuổi, vải thô thay nhung lụa,
Giày vỏ xe hơi mòn gót liên khu,
Một dải miền Trung rừng rậm, sương mờ,
Vui kháng chiến, tình non sông muối mặn.
Chúng tôi lớn trong tiếng rền lựu đạn,
Ba-lô da nặng trĩu cả vai gầy.
Những bà mẹ già run rẩy đôi tay,
Rót từng bát nước chè trưa nắng gắt:
"Lũ chúng nó mới công đồn giết giặc".

Chúng tôi:
Thế hệ bốn lăm
Vui chưa bao nhiêu nhiều lúc khóc thầm
Một phần tư thế kỷ,
Lừa lọc, gian ngoa, một bầy ác quỷ,
Tuổi thanh xuân tàn như một giấc mơ!
Hoảng hốt, điên cuồng, nhẫn nhục, bơ vơ,
Nắm tay nhỏ đưa lên trời phản đối,
Và tự hỏi mình: mình làm gì nên tội?
Bốn lăm! Bốn lăm!
Tiếng vọng xa xưa, nắng cháy, mưa dầm,
Lòng Đất Mẹ lại một phen chua xót!
Chúng tôi yêu núi Ba Vì chót vót,
Sông Cửu Long cuồn cuộn chảy ra khơi,
"Quê hương mình nghèo lắm ai ơi!
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn".
Thời gian qua đã ba chục mùa xuân,
Trai mười tám tóc ngả màu sương gió,
Những đêm đô thành men cay mắt đỏ,
Nhìn trong ly bỗng thấy bóng mình xưa.
Gác trọ buồn thiu nằm khểnh nghe mưa,
Xót thân thế, nhớ từng thằng bạn học.
Ngâm thơ người xưa đau mình cô độc,
Rồi áo cơm thay thế chuyện giang hồ,
Đôi lúc buồn tình làm một bài thơ!
Bốn lăm! Bốn lăm!
Những kẻ ra đi, những kẻ đang nằm,
Những kẻ chết, những kẻ còn vất vưởng
Chúng ta làm gì?
Thuyền con trong cơn gió chướng!
(Tạ Ký, Thế hệ bốn lăm, trong tập thơ Sầu ở lại )
Thanh niên thế hệ 1945 là một thế hệ “ hoảng hốt, điên cuồng, nhẫn nhục, bơ vơ”, họ như  “Thuyền con trong cơn gió chướng”, chẳng biết đi về đâu giữa biển đời lênh đênh không có bến bờ. Cùng tâm trạng này, thi sĩ Vũ hoàng Chương (1916–1976) đã từng than thở : “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/ Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” …  và  “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ / Một đôi người u uất nỗi trơ vơ”… trong bài thơ Phương xa:
Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc sóng
Xuôi về Đông hay dạt tới phương Đoài
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng
Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi trơ vơ
Đời kiêu bạt không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ
Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt
Treo buồm cao cùng cất tiếng hò khoan
Gió đã thổi nhịp trăng chiều hiu hắt
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan.

(Vũ hoàng Chương, Phương Xa, trong tập Thơ Say)
Giai đoạn lịch sử 9 năm, từ 1945-1954, đã có rất nhiều cuộc “dinh-tê”, nhiều nhà văn ở hải ngoại đã đặt câu  hỏi: liệu lịch sử “dinh-tê” có được  bên chiến thắng  trình bày một cách khách quan hay không? hay chỉ nói những gì có lợi cho họ mà thôi. Thật  ra, những kẻ cầm quyền từ thời vua chúa xa xưa cho đến nhà cầm quyền ngày nay, họ đều chỉ thị các nhà viết sử  phải viết tốt về họ, và làm lờ đi hoặc nói phớt qua những gì bất lợi cho họ, nhưng có lẽ chế độ Cộng sản là bóp méo lịch sử nhiều nhất:


“Lịch sử là cả một quá trình văn hóa làm nên bộ mặt hôm nay (hiện giờ) của một dân tộc. Bởi vai trò quan trọng đó mà người làm chính trị và các chế độ chính trị luôn luôn tìm cách sửa đổi hay bóp méo lịch sử cốt để dẫn chứng hay biện minh cho những chiêu bài chính trị phần lớn là lỗi lầm của họ. Họ muốn che đậy hầu hết sự thật của những việc làm bất nhân, tàn bạo mà chế độ đã hay sẽ áp dụng. Chế độ càng phi nhân, càng tàn nhẫn độc ác thì sự áp bức bóp méo lịch sử càng nặng nề và càng sâu rộng. Bởi đó mà sự thật lịch sử ít khi được phơi bày một cách trung thực, đầy đủ như các nhà sử học chân chính mong muốn. Nó thường bị che đậy hay bóp méo không nhiều thì ít, hoặc có chủ đích hẳn hoi hoặc sai lạc một cách vô tình. Ở một nước tự do như nước Mỹ, với đội ngũ trí thức đông đảo to lớn như vậy, với tổng số chất xám vĩ đại như vậy, và với quyền hạn khoa học vô biên như vậy mà một số sách giáo khoa lịch sử còn không nói lên hết được mọi khía cạnh của sự thật (hãy đọc “Lies My Teacher Told Me,” của James W. Loewen) thì huống hồ gì những sự thật lịch sử dưới chế độ độc tài chuyên chế như chế độ Cộng Sản ngày nay. Sách giáo khoa về lịch sử Mỹ thường cố tình bỏ qua những sai lầm của chế độ về phương diện kỳ thị chủng tộc, hay những tàn phá trong chiến tranh mà Mỹ đã tham dự... để chỉ đề cao những thành tựu về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản tự do. Sách giáo khoa về lịch sử Nhật Bản cũng vậy, cũng cố tình bỏ qua những độc ác tàn bạo của quân đội Nhật trong Thế Chiến Thứ II. Nhưng khi nói về chủ trương bóp méo lịch sử để phục vụ cho chế độ chính trị, thì không có chế độ nào làm việc đó một cách toàn diện và sâu rộng bằng chế độ Cộng Sản.

Việc bóp méo, sửa đổi lịch sử nhân loại và quốc gia dưới chế độ cộng sản thật vô cùng tồi tệ. Nó tồi tệ gấp trăm lần chế độ quân chủ chuyên chế hay chế độ thực dân đô hộ thuở xưa. Cộng Sản Nga Sô chẳng hạn, đã viết lịch sử nước Nga méo mó đến độ trong năm 1988 (sau khi có công cuộc đổi mới và khai phóng, perestroika và glasnost) chính phủ phải ra lệnh bãi bỏ bài thi lịch sử ở các trường trung học vì những bài học lịch sử đã dạy ở học đường hoàn toàn sai bét, và các nhà giáo còn đang cần thời gian để viết lại toàn bộ sách giáo khoa về lịch sử nước này.

Chế diễu lối bóp méo hoàn toàn lịch sử của các nhà viết sử cộng sản, dân Nga đã định nghĩa một cách mỉa mai và ý nhị rằng sử gia cộng sản Nga là “một con người có thể tiên đoán được quá khứ.” (“someone who can predict the past.”). (New York Times, May 31, 1988, p.1). Đi đúng con đường Nga Sô đã vạch, nhà viết sử cộng sản Việt Nam cũng đẽo gọt và nhồi nặn lịch sử lại cho nó đẹp theo đúng cái khung đạo đức cách mạng và khung thẩm mỹ cộng sản.”…

(Nguyễn thanh Liêm, Quyển Phan văn Hùm của Trần Ngươn Phiêu  và sự thật lịch sử Việt Nam, trong Diễn Đàn Thế Kỹ , tháng 10 năm 2014, USA)

2.-Cuộc tình thơ giữa Tạ Ký và Phùng Khánh*(1):

Phạm phú Hay, một người đồng hương với Tạ Ký và cũng là một người bạn học ở trường trung học Quốc học ở Huế, đã biết và ghi lại “một cuộc tình thơ” rất là thơ mộng giữa Tạ Ký – nam sinh Quốc học và Phùng Khánh-nữ sinh Đồng Khánh. Lúc đó, Phùng Khánh là một nữ sinh rất đẹp, nét đẹp dịu hiền của cô gái Huế, có mái tóc rất dài, thường vấn bính phía sau. Ông Phạm Phú Hay đã kể lại chuyện tình này như sau:

“Chị Khánh, lúc bấy giờ là hoa hậu Ðồng Khánh, tài năng văn chương cũng cân xứng với họ Tạ, một chín một mười. Những buổi chiều tan học đứng bên nầy cầu Trường Tiền nhìn những tà áo dài trắng thướt tha, trên hàng hàng lớp lớp xe đạp, hoặc trên những con thuyền nhỏ nhịp nhàng qua bến Văn Lâu, mới thấy hết được cái đẹp, cái thơ của Huế. Hình ảnh Huế thuở ấy như trăng tròn nằm trong giấc mơ tuổi ngọc chúng tôi vô-tư-lự. Rồi hai người yêu nhau. Từ những tâm sự trong khu vườn xanh ở V ỹ Dạ, Nam Giao, đến những gặp gỡ đêm trăng Bến Ngự, Ðập Ðá, tưởng chừng cuộc tình thơ ấy bền chặt lâu dài…

Tiếc thay, mối tình giữa đôi “trai tài gái sắc” đã không nên duyên được, để lại cho đời những bài thơ son sắt não nùng.
. . . . . .

Nào ngờ họ sớm chia tay vì tương lai sự nghiệp! Chàng phải vào Sài Gòn theo học đại học (ở Huế chưa mở trường đại học) để nàng ở lại đêm ngày vò võ nỗi sầu. Một thời gian sau, nóng lòng, Tạ Ký đăng một bài thơ trên báo Tiền Phong, nói lên những uẩn khúc tơ vò trong tâm tư tình cảm:
VIẾT TRANG TÌNH SỬ
Gởi Phùng Khánh
(Tạ Ký)

“Ai về xứ mộng xứ mơ,
Cho tôi gởi một vần thơ tặng nàng
Sông Hương lắm chuyến đò ngang,
Chờ anh em nhé, đừng sang một mình!
Chờ anh kể chuyện tâm tình.
Từ em theo đuổi những hình phù vân…
Thôi em đã lỡ một lần.
Mấy năm đau khổ đã dần vơi vơi…
Nghĩ thương có kẻ sai lời
Nghĩ thương em những mong đời anh nên!
Xa xôi nhiều lúc vội quên
Rằng em gái vẫn chong đèn đọc thơ
Vẫn cầm duyên để đợi chờ,
Vẫn trông phượng đỏ hai bờ Hương Giang
Chiều lên huyền hoặc bướm vàng
Em như công chúa mơ chàng thám hoa*(2).
Không, em tôi còn mẹ già
Còn đàn em dại cửa nhà cậy trông
Hể ai nhắc chuyện lấy chồng
Thì em đôi má ửng hồng nên duyên!
Cũng trên tuần báo Tiền Phong, vài tuần sau Phùng Khánh “trả lời” Tạ Ký:
CHÉP TRANG TÌNH SỬ
Gởi Tạ Ký
(PHÙNG KHÁNH)

“Em về xứ mộng xứ mơ
Bỗng nhiên em nhận vần thơ vội vàng
Sông Hương vắng chuyến đò ngang
Cắm sào em đợi, anh sang một lần !
Mùa thu áo biếc bâng khuâng
Chim trời lẻ bạn ngàn trùng nhớ thương !
Con tằm còn để tơ vương
Người thơ còn để mấy đường thơ duyên
Ðêm đêm sông nước u huyền,
Ðêm đêm mơ ước như thuyền sóng dâng !
Xa xôi cách mặt, lòng gần
Tờ thơ mấy đoạn chi bằng thấy nhau !
Ngự Bình mặt trước lưng sau
Vẫn thường thay đổi mấy màu thông xanh
Chờ anh em nguyện chờ anh,
Chờ anh em nguyện tình mình nên duyên!”
Bẵng đi một thời gian lâu, phải có đến 5, 7 năm sau, trên báo Tiền Phong lại xuất hiện một bài thơ sau đây, gởi Phùng Khánh của Tạ Ký :
XIN
Gởi Phùng Khánh
(Tạ Ký)

“Chỉ xin một nửa miệng cười
Chỉ xin một phút gần người yêu thương !
Chỉ xin một chút dư hương
Ðể làm duyên suốt nẻo đường viễn du !
Tình duyên thì đã tạ từ,
Năm năm đấy nhỉ, thực hư thế nào ?
Má còn làm thẹn hoa đào
Mắt còn làm nhạt ngàn sao trên trời ?
Tóc còn xanh thuở hai mươi
Ðại dương còn sóng hai bờ thuở xưa !
Từ ngày lạc một thế cờ
Ðắng cay nhiều nỗi, ngẩn ngơ, khóc thầm
Trang tình sử, truyện tri âm,
Khổ đau ai thấu được tâm sự này ?
Phong yên từ độ những ngày
Hậu đình hoa, cũng cau mày thế nhân
Ðỉnh đồng chưa vững ba chân
Hai thuyền thì đã phong trần cả hai…”
Cuộc tình thơ Tạ Ký – Phùng Khánh được kết thúc bi đát như thế nào và âm hưởng của nó còn đọng mãi trong tâm hồn hai người, những bạn bè thân hữu của họ. Trước 1975, khi bình đọc thơ tôi trên báo Bông Lúa của Nguyễn Vỹ anh Ký có dẫn ra một đoạn thơ của anh cũng mang tâm trạng chán chường :
“Viết một bài thơ buồn nữa đây,
Nhìn qua khung cửa ánh sao gầy
Chao ơi, ba chục năm rồi nhỉ,
Lòng vẫn còn mơ nguyệt Mái Tây!”
Còn chị Phùng Khánh ? Tôi nghe người ta nói, từ đó, chị đi tu, bây giờ là “sư Bà” của một ngôi chùa lớn tại Sài Gòn. Sư bà thuyết pháp rất hay bằng nhiều thứ tiếng và đông đảo Phật tử xa gần ngưỡng mộ.” . . .

(PHẠM PHÚ HAY, Cali, tháng 6 năm 1997, Ðặc San Quảng Ðà  Năm Mậu Dần 1998)

Trường Quốc học*(3) và trường Đồng Khánh*(3) ở gần nhau, chỉ cách nhau có một con đường tức là đường Nguyễn trường Tộ. Cả hai trường đều tọa lạc ở một vị trí hữu tình: trước sông, sau núi, dọc đường có hàng cây long não xanh tươi che bóng mát, chạy dài xuống gần cầu Trường Tiền. Đã từng có nhiều mối tình thơ mộng giữa nam sinh Quốc học và nữ sinh Đồng Khánh. Nét đẹp và giọng nói êm đềm của các cô gái Huế đã quyến rũ các sĩ tử đến kinh đô Huế dự các khoa thi Hội và thi Đình của triều đình Huế từ xưa, họ đã không muốn trở về nhà sau khi cuộc thi đã chấm dứt:
Học trò trong Quảng ra thi,
Thấy cô gái Huế chân đi không đành
(Ca dao)
Chuyện  tình  của Tạ Ký và Phùng Khánh không đưa đến hôn nhân, nhưng sự kết thúc của mối tình này là một tình yêu  cao thượng. Quả thật là:
Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm
(Ca dao)
Félix Arvers (Pháp, 1806-1850) chỉ sáng tác có một bài thơ tình, diễn tả một mối tình lảng mạn và cao thượng. Bài thơ tình này rất nổi tiếng, được chuyền khắp thế giới, và đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đó là bài Sonnet d’Avers được đăng vào năm 1833, đây là một bài thơ rất nổi tiếng vào thế kỷ thứ mười chín. Sonnet là một bài thơ có 14 câu, trong khi thơ Đường chỉ có 7 câu mà thôi.

Khái Hưng (1896-1947) đã dịch bài Sonnet d’Arvers thành bài thơ “ Tình tuyệt vọng” ở trong tập truyện ngắn viết chung với Nhất Linh (1906-1963) là “Anh phải sống” (xuất bản năm 1934 tại Hà Nội):
Tình Tuyệt Vọng

Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thu.
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu,
Mà người gieo thảm như hầu không hay?
Hỡi ơi người đó, ta đây,
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
Dẫu ta đi trọn đường trần,
Chuyện riêng đâu dám một lần hé môi.
Người dù ngọc thốt, hoa cười,
Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
Đường đời lặng lẽ bước tiên,
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình!
Một niềm tiết liệt, đoan trinh,
Xem thơ nào biết là mình ở trong.
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng,
Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây.

( Khái Hưng dịch bài SONNET d'ARVERS)
Nguyên văn tiếng Pháp:
Le sonnet
Félix Arvers

« Mon âme a son secret, ma vie a son mystère :
Un amour éternel en un moment conçu.
Le mal est sans espoir, aussi j'ai dû le taire,
Et celle qui l'a fait n'en a jamais rien su.
Hélas ! j'aurai passé près d'elle inaperçu,
Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire,
Et j'aurai jusqu'au bout fait mon temps sur la terre,
N'osant rien demander et n'ayant rien reçu.
Pour elle, quoique Dieu l'ait faite douce et tendre,
Elle ira son chemin, distraite, et sans entendre
Ce murmure d'amour élevé sur ses pas;
À l'austère devoir pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d'elle:
«Quelle est donc cette femme ? » et ne comprendra pas. »
(Félix Arvers)
Phùng Khánh là bậc tài danh, một nhà văn, một nhà thơ có tấm lòng cao thượng. Bà đã vượt qua mối tình thế tục với Tạ Ký để đi đến một mối tình tôn giáo với lòng đại từ đại bi. Một mối tình bao la rộng lớn, tình yêu tất cả chúng sanh. Nên bà Phùng Khánh đã xuất gia đầu Phật năm 1964 với Phật hiệu là Thích Trí Hải hay Thích Nữ Trí Hải. Ni sư với hạnh nguyện Bồ tát, người đã đem tất cả khả năng của mình mà cống hiến, mà phụng sự cho chúng sanh, Phật tử hay không Phật tử, bằng cách dịch thuật, biên khảo và trước tác nhiều sách khảo cứu về Phật giáo rất có giá trị; bà đã giúp cho biết bao Tăng Ni, Phật tử trên đường tu học. Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải đã để lại biết bao niềm thương tiếc của rất nhiều Tăng Ni và Phật tử khi người qua đời.

Trong tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên” (xuất bản năm 1932 ở Hà Nội) của Khái Hưng có chuyện tình của hai nhân vật: Lan và Ngọc. Mối tình dang dở. Chú tiểu Lan đã giả trai đi tu ở chùa Long Giáng, đây là một mối tình yêu tôn giáo đầy cao thượng:

“Cũng là mơ mộng, là yêu đương, là thất tình nữa, nhưng ái tình không đưa đến sầu thảm bi ai mà có vẻ nhẹ nhàng, trong trẻo, vui tươi, nhờ một quan niệm mở rộng ái tình ra cái tôn giáo từ bi, mượn tôn giáo tẩy lọc tất cả những gì vẫn đục nặng nề trong lòng những kẻ yêu nhau. Ái tình vô vọng làm đau khổ vì người ta cứ muốn ái tình phải đưa đến sự xum họp gia đình, sự chung đụng lứa đôi. Lan và Ngọc đã tìm ra một lối thoát cho họ: “Tôi không có gia đình nữa. Đại gia đình là nhân loại vũ trụ, tiểu gia đình là hai linh hồn núp dưới bóng Phật tổ”. Cũng nhờ một quan niệm mở rộng ái tình ra lòng ái mỹ, mượn nghệ thuật nhất là tình yêu thiên nhiên, sự giao hòa với cảnh vật, để nâng cao tâm hồn. Người ta không đi tự tử vì tình, gieo mình xuống hồ Trúc Bạch nữa, mà vui sống với ái tình vô vọng, tìm ở đó một phong vị êm đềm, cao thượng”.

(Phạm thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, Tập III, Saigon: Quốc Học Tùng Thư, 1965, trang 464)

3.- Nỗi buồn trong thi ca Tạ Ký:

Hầu hết các bài thơ của  Tạ Ký đều chứa đựng một nỗi buồn, nỗi buồn man mác ám ảnh trong lòng thầy, và được thể hiện qua các bài thơ thầy sáng tác:
-Nỗi buồn trong bài Sầu ở lại:

“Đời lỡ nhúng sầu bên cốc rượu,
Mượn vui bè bạn sống qua ngày,
Đoạn trường hơn cả thân ca kỹ
Cơm áo làm nên chuyện nước mây…
Năm cùng tháng tận đời hoang vắng
Bên quán ngờ đâu gặp lại mày
Gọi để mừng nhau khi hội ngộ
Thì xin hãy cạn chục ly đầy*
Quàng vai tìm chút dư hương cũ
Nhắc đến hàng trăm chuyện đổi thay 
Nhắc đến những thằng nay đã chết
Những thằng đang sống kiếp trâu cày
Bạn ơi, nước mắt mình tuôn đấy 
 Ngồi nhậu bên đường ta khóc đây. “

(Tạ Ký, Sầu ở lại)
*chục ly đầy: khi uống “la-de”, Tạ Ký không chỉ uống có một chai “la-de”, thầy thường uống liên tục cả chục chai “la-de”, cả “kết” la-de, tức là phải uống nhiều lắm, tới cả chục ly mới đủ tửu lượng.

rồi lại thêm một nỗi buồn nữa vì tình si:
“Em có về trong khói thuốc say?
Em có về trong ly rượu đầy?
Em có về trong thương với nhớ?
Em có về trong mộng đêm nay?

Em đâu về vì em quên anh!
Em đâu về hoang vu kinh thành..
Tại em nên thức nhiều đêm trắng,
Khói thuốc che mờ mái tóc xanh

Anh đi tìm em qua cánh chim,
Anh đi tìm em qua bao đêm,
Cánh chim đã lướt theo chiều gió,
Hơi rượu càng làm anh nhớ thêm.”

(Tạ Ký, Nhớ thêm)
và lại viết thêm một bài thơ buồn nữa:
“Viết một bài thơ buồn nữa đây,
Nhìn qua khung cửa ánh sao gầy,
Chao ơi, ba chục năm rồi nhỉ,
Lòng vẫn còn mơ nguyệt Mái Tây!”
(Tạ Ký, Bài thơ buồn)

Đọc thơ Tạ Ký, chúng ta thấy “nỗi buồn/sầu” như một sợi dây xuyên suốt thơ của thầy, có vài bài nói về sầu tình, nhưng toàn thể nỗi buồn chỉ là một ẩn dụ: nỗi buồn về vận nước nỗi trôi, và cuộc đời Tạ Ký cũng trôi nỗi theo vận nước. Tạ Ký chỉ có một bài thơ nói trực tiếp về thời thế, đó là bài Thế hệ bốn năm :
“Chúng tôi:
Những kẻ sinh ra chưa biết nụ cười,
Đã thầm khóc trong bao năm khói lửa.
Mười tám tuổi, vải thô thay nhung lụa,
Giày vỏ xe hơi mòn gót liên khu,…”

(Tạ Ký, Thế hệ bốn lăm)

Qua lời tâm sự của Tạ Ký với một người cùng ở tù “học tập cải tạo” sau 1975, thì thầy đã từng hoạt động chính trị, và đã từng vào tù ra khám qua nhiều chế độ khác nhau:

“Ký nhắc lại khi gặp tôi ở trại tù Xuân Lộc: “Đời không đáng một cơn say!” . . . . .

Đêm cuối gặp Ký ở Xuân Lộc, Ký cầm một que cây khơi đống tro tàn, ứng khẩu:
-Đêm sâu đóm lửa đương tàn,
Khói làm cay mắt cho hàng lệ rơi.
Rồi trao cho tôi một mảnh giấy nhỏ ghi lại bốn câu thơ Ký đã đọc trong dịp gần Tết 1975 ở Chợ Đũi và hai câu Ký viết thêm:

-Đoạn thơ ấy viết từ hai năm trước,

Rồi tự nhiên không tiếp được lời nào…

Điếu anh, điếu tôi, qua khói thuốc lào chúng tôi nhắc chuyện xưa, bùi ngùi, chua xót… Ký cho biết đã từng vào tù ra khám. Hết Tây nhốt, tra khảo đến Việt Minh nhốt, khảo tra. Ký cũng đã nếm mùi mật vụ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Nhưng Ký nói lần này Ký kinh hoàng nhất: «Chắc chết trong tù!». Quả nhiên, sau đó Ký đã bỏ mạng khi vào tù Cộng Sản lần thứ hai vì tội vượt biên… hụt!” (Lê tấn Lộc, Về Tạ Ký, một người bạn,  trên Lê tấn Lộc’s Blog)

Tạ Ký đã hoạt động chính trị, thầy là người yêu nước thực sự, tính tình khẳng khái, con người có nhiều khí phách nên đã bất đồng chánh kiến với nhiều chế độ chính trị, và hậu quả là bị tù đày, khổ sở và sống trong cảnh đạm bạc.

Trong lịch sử Việt Nam, những kẻ bán nước cầu vinh thì luôn luôn giàu sang, hưởng phú quý, những kẻ xu thời, lắc lư cũng tìm đủ mọi cách thu tóm tiền bạc cho nhiều để làm giàu ở bất cứ chế độ nào, những kẻ làm quan hối lộ, tham nhũng kinh khủng thì giàu nứt trứng. Họ chuyển tiền ra nước ngoài để khi thời thế thay đổi thì chạy ra ngoại quốc có bãi đáp an toàn mà tiếp tục hưởng cảnh giàu sang.

Thật là “buồn” cho các nhà chí sĩ yêu nước thật sự!

Sau khi Tạ Ký được tự do, khoảng cuối năm 1977, nhiều người bạn cũ đã mời thầy đến nhà họ hoặc ở các quán cóc để uống rượu, trong bàn nhậu thầy thường đọc các bài thơ thầy đã sáng tác trong tù. Một trong các người bạn đó, đã chép lại bài thơ “Cúi Xuống”, bài thơ nầy cho thấy nỗi buồn của một người ở trong tù: cỏ cây, hòn sỏi, cục đất . . . cũng không thèm để ý tới tác giả:

“Ngồi viết những dòng này về Tạ Ký, tôi buồn lặng người. Nhớ Tạ Ký. Nhớ Tôn Thất Trung Nghĩa. Dĩ vãng hàng me xanh Chợ Đũi, quán cà phê vỉa hè Lê Lợi, quán nhậu bà Năm Lửa, quán nhậu đường Bàn Cờ, quán Ba Thừa buổi tối chia tay… Có ai còn nhớ đến Tạ Ký? Bài thơ sau đây của anh viết trong tù đã đọc cho bạn bè nghe. Tôi không nhớ hết, nhớ đủ nhưng cũng xin ghi ra đây như đốt lên một nén hương tưởng nhớ đến anh, bài thơ có tựa đề “Cúi Xuống”:
“Cúi xuống nhìn hòn sỏi
Hòn sỏi nhìn trời cao
Cúi xuống nhìn luống cải
Luống cải nhìn ông sao
Cúi xuống nhìn cục đất
Cục đất nằm im lìm
Cúi xuống nhìn ngọn cỏ
Ngọn cỏ đợi sương đêm
…..
Cúi xuống nhìn ngón cẳng
Ngón cẳng dài thêm ra
Bàn chân có năm ngón
Ngón nào riêng của ta ?
…..
Cúi xuống thêm chút nữa
Gục trên đầu gối mình.”

(Tạ Ký, Cúi Xuống)
(bài thơ này được ghi lại bởi Phong Châu trong  bài viết Tưởng Nhớ Nhà Thơ Tạ Ký, viết vào tháng 7 năm 1992)

Trước cuộc đời hư ảo, Tạ Ký đã đi tìm sự quên lãng cho mối sầu nhân thế trong men rượu, trong cơn say: “Đời không đáng một cơn say”.

4.- Thơ tình của Tạ Ký:
(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment

Yêu cũng đáng ngại thật... Ai bỏ đi trước sẽ chết!

- Bức tranh "Ai bỏ đi trước sẽ chết" "Một bức tranh với giá trị nhân văn sâu sắc, ngay cả khi cô gái nói rằng nếu chàng trai ...