22 May 2015

Chặt Đầu Thầy, thơ

Dạo:
     Lập lòe ánh kiếm Mạc Da,
Đầu rơi xuống đất ha ha bật cười.

    斬 師 頭

油 燈 與 佛 像 齊 勞,
霡 霂 濛 濛 沁 衲 袍.
呆 子 終 身 求 兔 角,
癡 郞 半 世 拔 龜 毛.
翠 微 禪 板 多 人 受,
臨 濟 蒲 團 幾 漢 遭.
寶 劍 一 揮 風 雨 起,
師 頭 落 地 笑 聲 高.
             陳 文 良
Âm Hán Việt:

         Trảm Sư Đầu
Du đăng dữ Phật tượng tề lao,
Mạch mộc mông mông sấm nạp bào.
Ngốc tử chung thân cầu thố giác,
Si lang bán thế bạt quy mao.
Thúy Vi thiền bản, đa nhân thụ,
Lâm Tế bồ đoàn, kỷ hán tao.
Bảo kiếm nhất huy, phong vũ khởi,
Sư đầu lạc địa, tiếu thanh cao.
            Trần Văn Lương
Dịch nghĩa:

             Chặt Đầu Thầy
Đèn dầu và bức tượng Phật cùng mệt nhọc như nhau,
Mưa phùn lâm râm thấm manh áo nạp (áo của nhà sư).
Đứa ngốc cả đời tìm kiếm sừng thỏ,
Chàng điên nửa kiếp nhổ lông rùa. (1)
Thiền bản của Thúy Vi, nhiều người nhận chịu,
Bồ đoàn của Lâm Tế, bao gã gặp phải. (2)
Kiếm báu vừa khoa lên, mưa gió nổi,
Đầu thầy rơi xuống đất, tiếng cười vang cao. (3)

Chú thích:

(1) Lông rùa sừng thỏ: thuật ngữ các Thiền sư hay dùng để chỉ những cái gì không có thật.

(2)  Bích Nham Lục, tắc 20: Thúy Vi Quá Bản

Cử:
Long Nha hỏi Thúy Vi:
   -  Thế nào là ý của Tổ Sư từ phương Tây qua ?
Thúy Vi nói:
   - Đưa Thiền bản lại cho ta.
Long Nha đưa Thiền bản cho Thúy Vi. Thúy Vi nhận xong bèn đánh. Long Nha nói:
   -  Đánh thì cứ đánh, tuy nhiên chẳng có ý của Tổ Sư.
Long Nha lại hỏi Lâm Tế:
   -  Thế nào là ý của Tổ Sư từ phương Tây qua ?
 Lâm Tế nói:
   -  Đưa bồ đoàn lại cho ta.
Long Nha lấy bồ đoàn đưa cho Lâm Tế, Lâm Tế nhận xong bèn đánh Long Nha.
Long Nha nói:
   -  Đánh thì cứ đánh, tuy nhiên chẳng có ý của Tổ Sư.

Bình (của Viên Ngộ):
...
Hoàng Long Tâm nói: "Long Nha dẫn trâu của người cày, đoạt đồ ăn của người đói. Một khi đã hiểu là hiểu, tại sao lại không có ý của Tổ Sư từ Tây qua? Có hiểu không? Trên đầu gậy có mắt sáng như mặt trời, muốn biết vàng thật thì nhìn xem trong lửa."

Phàm khi xiển dương các điểm kỳ diệu quan yếu, đề xướng tông thừa, nếu như có thể hiểu được ngay ở cơ thứ nhất, thì mới có thể cắt đứt đầu lưỡi của thiên hạ. Nhưng nếu do dự thì sẽ rơi vào cơ thứ hai. Hai lão hán này (tức Lâm Tế và Thúy Vi) mặc dù đánh mưa đánh gió, kinh thiên động địa, tuy nhiên không hề đánh phải một người mắt sáng nào cả.
...

(3) Bích Nham Lục, tắc 68: Nham Đầu Thu Kiếm

Cử:
Nham Đầu hỏi ông tăng:
   - Từ đâu tới?
 Ông tăng nói:
   - Từ Tây Kinh tới.
Nham Đầu nói:
   - Sau (cuộc biến loạn) Hoàng Sào, còn thu được kiếm không?
Ông tăng nói:
  -  Thu được.
Nham Đầu vươn cổ tới trước và kêu: "Ôi!"
Ông tăng nói:
   - Đầu thầy rơi rồi.
Nham Đầu ha hả cười lớn.
Ông tăng sau đến gặp Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi:
  - Từ đâu tới?
Ông tăng nói:
  - Từ Nham Đầu tới.
Tuyết Phong bảo:
  -  Nham Đầu có nói câu gì?
Ông tăng kể lại chuyện trên. Tuyết Phong bèn đánh cho ba mươi gậy và đuổi đi.

Bình (của Viên Ngộ):

Đại phàm khi gánh hành lý ôm bình bát, diệt cỏ ngắm gió, cũng phải có mắt của người đi hành cước mới được. Mắt ông tăng này (tuy) tựa sao băng, (nhưng) bị Nham Đầu xuyên thành một chuỗi. Đương thời nếu là hảo hán thì hoặc sát hoặc hoạt, vừa cử lên là biết ngay dụng xứ. Ông tăng này ngu ngơ mới trả lời: "Thu được." Hành cước như thế này thì có ngày sẽ bị Diêm Vương đòi gạo đòi tiền. Không hiểu ông tăng kia đi rách mất bao nhiêu giày cỏ để cuối cùng đến được trước mặt Tuyết Phong. Đương thời nếu ông ta sáng mắt một tí thì đã hiểu ngay. Há chẳng thống khoái ư ?
Nhân duyên này có chỗ khúc mắc. Chuyện này tuy không có được mất, nhưng trong chỗ không có được mất mà phân biện ra được sự được mất thì quả là chuyện rất khó. Tuy rằng không có chọn lựa, nhưng đến chỗ này thì cần phải chọn lựa mới được.
Nhìn xem lúc Long Nha đi hành cước, có đem vấn đề ra hỏi Đức Sơn:
  - Khi người học cậy có thanh kiếm Mạc Da muốn lấy đầu thầy thì sao?
Đức Sơn vươn cổ đến trước và kêu: "Ôi!"
Long Nha nói:
  - Đầu thầy rơi rồi.
Đức Sơn quay trở về phương trượng.
Long Nha về sau kể lại cho Động Sơn.
Động Sơn bảo:
  -  Đương thời Đức Sơn nói gì?
Long Nha nói:
  -  Không nói gì cả.
Động Sơn nói:
  -  Tạm gác qua việc Đức Sơn không nói gì, ông hãy đưa cái đầu rơi xuống đất của Đức Sơn cho ta xem.
Long Nha dưới lời ấy bỗng đại ngộ, thắp hương hướng về phía tự viện của Đức Sơn mà lễ bái sám hối. Có ông tăng truyền câu chuyện trên đến chỗ Đức Sơn. Đức Sơn bảo:
  - Cái lão Động Sơn này chẳng biết tốt xấu, cái gã kia chết đã lâu rồi, cứu sống dậy mà làm gì?

Công án này (của Nham Đầu) cũng tương tự như của Long Nha. Đức Sơn quay về phương trượng, tất nhiên phương cách ngấm ngầm kín đáo là tốt nhất. Trong tiếng cười lớn của Nham Đầu có chất độc. Nếu ai có thể phân biện được, thì tha hồ tung hoành trong thiên hạ. Ông tăng kia lúc đó mà phân biện được, thì suốt thiên cổ đã không bị kiểm trách. Lúc còn làm môn hạ của Nham Đầu, ông tăng đã vụt mất cơ hội. Hãy nhìn Tuyết Phong, Tuyết Phong đã biết ngay mấu chốt. Nhưng Tuyết Phong chẳng chịu giải thích mà chỉ đánh ông tăng ba mươi gậy rồi đuổi ra khỏi viện. Có thể nói là vô tiền tuyệt hậu. Đây là phương thức giúp người, không giải thích gì cả, mà chỉ để họ tự ngộ.
...

Phỏng dịch thơ:
         Chặt Đầu Thầy
Nhọc nhằn tượng gỗ, ánh đèn loang,
Lắc rắc mưa đêm nhuộm áo tràng.
Sừng thỏ, chàng điên tìm vất vả,
Lông rùa, gã ngốc kiếm lang thang.
Bồ đoàn Lâm Tế, bao người lãnh,
Thiền bản Thúy Vi, lắm kẻ mang.
Kiếm báu vung càn, mưa gió lộng,
Đầu thầy rơi rụng, tiếng cười vang.
             Trần Văn Lương
                Cali, 5/2015
Lời bàn của Phi Dã Thiền Sư:
     Bảo kiếm vung ra, tiếng ha ha dậy đất.
     Lông rùa bay theo gió, sừng thỏ nát trong mưa.
     Hỡi ơi, đường Thiền gai góc dây dưa, vừa đưa chân đà tan thân mất mạng. 
     Ôi chao! Có ai nhặt lên giùm cái đầu của lão tăng!

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...