Nhân giỗ 49 ngày Nhà Văn Tâm Thanh
Nguyễn Đắc Điều
Đã là con người, ai cũng phải trải qua sinh lão bệnh tử, nhưng dường như chúng ta hiếm khi nghĩ cái chết sẽ đến với ta, cho đến khi bị lâm trọng bệnh.
Tâm Thanh đã trải nghiệm được khi bác sĩ thông báo cho anh mắc chứng bệnh nan y “ung thư tụy tạng”. Anh đã hoàn thành cuốn “chúc thư” Lệnh Triệu Ban Rồi-Một Trường Hợp Ung Thư, để cảnh báo mọi người và làm cách nào để sống quãng đời còn lại một cách phong phú và hạnh phúc.
Cái đặc biệt của cuốn sách là nhân vật thứ nhất được gọi bằng “Bạn”. Vậy “Bạn” vừa là tác giả vừa là độc giả, đơn giản là những gì xẩy đến cho Tâm Thanh chắc sẽ xẩy ra cho “Bạn”. Hãy lắng nghe những gì Tâm Thanh chia sẻ:
RÚT NGẮN: LỆNH TRIỆU BAN RỒI
Một trường hợp ung thư – Lời cuối cho anh
***
TRONG BÚP SEN ĐỎ CHÓT ĐAU THƯƠNG
“Nguồn vui ngồi im lặng, mắt vướng lệ.Đèn báo động: Đau đớn
Trong búp sen đỏ chót đau thương”
Tagore, Lời Dâng
Đau là một đèn cảnh báo, nhưng bạn coi thường triệu chứng.
Về phương diện thể lý, đau là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ, một cảnh báo rất tử tế của Tạo hóa. Cơ thể không biết đau có thể ví như chiếc xe hơi không có đèn báo thiếu nhớt, cạn dầu thắng, cứ chạy cho tới khi lao xuống vực thẳm. Khi chớm đau dễ chữa hơn, vì càng để đau nhiều càng khó trị. Có nhiều người cứ nhịn đau, tưởng mình nhịn đau giỏi, có biết đâu nhẹ không ưa ưa nặng.
Về phương diện tâm lý cũng vậy – buồn phiền, thất vọng, khổ não đều là một tiếng gọi nhân từ, một tiếng “tằng hắng” từ Trên, rằng có cái gì đó trục trặc, một biên giới nào đó bạn không nên vượt qua. Thí dụ ăn quá độ đau bụng; đau mà tiếp tục mê ăn, sinh bệnh. Nói xấu tha nhân, nói dối, xảo ngôn, nịnh bợ, khoe khoang…mỗi
lời đều có hậu quả là đau đớn. Bớt ăn bớt nói là giảm thiểu bệnh tật và tai họa, nhưng dễ gì, con gà thích gáy, con heo ham ăn, con người không ăn to nói lớn, thấy ngứa ngáy khó chịu…Biết mà không khoe nó ấm ức làm sao! Vì thế Trời thương cho ta một cơ năng tiết chế tự động – cơ năng biết khổ ! Khổ là một bộ máy tiết chế tinh vi, kềm hãm cho tâm khỏi sa đọa.
Đau khổ cũng giống như cái roi của một người cha hiền dậy con, thôi con đừng tham sân si nữa. Tham danh lợi, oán nhân, si tình là ba cám dỗ nặng nề nhất trên đời, mà cũng là căn nguyên của mọi mê lầm, hậu quả là tự hủy diệt. Vì vậy Trời còn thương người, luôn để mỗi căn nguyên đó - như một con rắn – phóng nọc độc. Lúc đầu nọc độc rất nhẹ, nếu bạn tỉnh táo tiếp nhận, nó sẽ biến thành thuốc ngừa. Bằng không, nó thành thuốc độc.
Hiếu sinh là một bản năng tốt, nhưng bám vào đời sống một cách ham hố, say mê quá đáng, cũng dễ chuốc khổ. Bạn thích ăn ngon, thích nhìn vẻ đẹp, thích nghe âm thanh du dương, thích được nịnh hót, thích được mọi người hâm mộ…Ai chả thế. Nếu ngũ quan không thoái hóa hao mòn đi theo thời gian, buộc bạn dừng lại…“thu quân về” hưu chiến, bạn sẽ trở thành lố bịch khi về già. Hiếu sinh nhưng đừng tham sinh.
Đau khổ, ơn gọi
Bạn được chụp thuốc mê lúc nào không hay, khi “tỉnh dậy” lại tưởng mình chưa được mổ, sờ nắn trong người, đầy dây nhợ, băng bó khắp nơi, tưởng thân xác này của người khác. Bạn vừa chết 7 tiếng đồng hồ! Sống dậy nhưng không biết có sống thật không. Lúc này bạn mới cảm nhận sâu sa hai chữ phù du hay vô thường; chứ trước đây bạn nói thuộc lòng, nói làm dáng, nói…chơi. Thực tế, bạn là người kém sức khỏe từ lâu, nhưng ngu muội tưởng mình được miễn trừ định luật hủy hoại. Bạn yêu đời, tốt; nhưng sai lầm khi tưởng thực tại này bền vững, bạn sống bằng ảo ảnh.
Tỉnh giấc, bạn cảm thấy mình vừa được kêu gọi về phận làm người…
Tha nhân là đồng hành chung phận. Những bệnh nhân nằm chung phòng với bạn, những người xách cặp đi ngược xuôi buôn bán ngoài kia, những đứa trẻ đang nô đùa trước cửa viện dưỡng lão… đều sẽ như bạn – già, bệnh, chết. Bạn “khám phá” ra nhiều người bạn xưa nay tưởng khỏe mạnh hạnh phúc, cũng đang xính vính vì bệnh nọ tật kia, bạn âm thầm thông cảm với họ. Ngược lại, một người quen khác bị bệnh viện chê, cho về nhà chuẩn bị hậu sự trong vòng từ hai tuần đến một tháng. Qua hai tháng người ấy còn sống, lại ăn uống được, đi lại được, bạn mừng; mỗi bước chân của anh là niềm vui của bạn. Với mọi người, sự đồng cảm gia tăng, nghi kỵ tan biến. Một “thói xấu không chịu được” của một người quen bỗng trở thành ngộ nghĩnh dễ thương. Giả như cái “thói” của ai kia có lần xúc phạm trực tiếp bạn, nhưng tưởng tượng người ấy ngày mai ngã bệnh, không còn “giở thói” được nữa, bạn có thương không? Chắc chắn là thương. Bạn mong người ấy khỏe mạnh sống lâu và tìm được bình an chân thật.
Bạn còn học được một bí quyết phòng bệnh: khi trời đất nổi cơn gió bụi thì đừng há miệng ra.
Sau hai tuần lễ nằm bệnh viện về, vợ con tíu tít vui mừng, bạn có cảm tưởng những con cá con tôm cũng chào đón bạn “welcome home”. Vợ bạn hỏi đùa nếu ăn con cá đĩa trong hồ cá mà hết ung thư bạn ăn không? Bạn đáp không. Hồi còn trẻ bạn từng giết gà vịt, bây giờ dù ăn thịt cá – nhưng kỳ lạ - bạn không thể giết con vật.
Bạn càng không thể giết con vật đã quen thân. Dù giết con cá trong hồ cảnh để chữa bệnh, bạn không làm – không phải vì vấn đề luân lý, mà vì tâm lý thôi.
Với Đấng Thiêng Liêng
Bạn là người Công giáo, dứt khoát bạn tin yêu một Đấng, đó là Chúa Giê-su. Nhưng do bệnh tật bạn tìm được sự hài hòa hơn nữa với các tôn giáo khác, đặc biệt Phật giáo – vì bạn thích triết lý Phật giáo từ hồi còn đi học.
Hồi còn đi học, bạn luôn thắc mắc Ki-tô giáo và Phật giáo có dung hợp nhau được không. Nay bạn đã có câu trả lời: Những chân lý như Thượng Đế và Phật tính, cứu độ và giải thoát, linh hồn và luân hồi, vân vân, bề ngoài có vẻ mâu thuẫn, loại trừ nhau, ngày nay bạn thấy tất cả đều dung hợp, mặc dù bạn chỉ có thể hành một đạo, Ki-tô giáo. Bạn theo Chúa Giê-su, bạn cảm nghiệm một cách êm dịu rằng phải đau khổ để chết, phải chết để phục sinh. Chưa bao giờ bạn thân cận với Chúa của bạn như khi già yếu, như đứa con xa nhà quay về tổ ấm, càng về gần nhà càng nôn nả chạy mau. Cũng chưa bao giờ niềm tin yêu vào Chúa làm bạn giảm phần ngưỡng mộ Phật.
Bạn quan sát thấy rằng người tín đồ chân chính của Phật hay Chúa, bước lên một cảnh giới nào đó sẽ không coi việc bài xích tôn giáo khác là thước đo thành tựu của mình. Có khi ngược lại.
Bóc hết vỏ củ hành ra chỉ còn Chân Như. Đạt được Chân Như bạn có cái nhìn nhất quán và xử thế nhất quán. Bạn ước mong làm người lữ hành đi tới nơi tới chốn một con đường; nhưng bước chân trên một con đường là đi mọi con đường khác về cùng đích. Bạn tin rằng nhân loại có một cứu cánh chung, vì vậy càng phải thương yêu nhau và dìu dắt nhau tiến về cứu cánh ấy.
Thay vì truyền giáo, hoằng pháp, chỉ đường cho người khác, nên hoằng pháp và truyền giáo cho tín đồ của mình tốt lành hơn. Chưa “quét sạch môn hộ” mà lôi kéo thêm người ngoài vào, chỉ chật thánh thất tôn nghiêm.
“Nguồn vui đẫm lệ trong búp sen đỏ”
Tagore diễn tả cực đẹp giữa hạnh phúc và đau khổ! Nước mắt nhỏ xuống thành châu ngọc.
Như thế đau khổ còn một công dụng cao hơn là thánh tẩy và thăng hoa. Còn trẻ bạn ham vui, thích hưởng thụ, nay bạn đón nhận đau đớn bệnh tật như bước vào đường tu khổ hạnh để thanh tẩy. Bạn không phải người siêu thoát đến độ không biết đau, không rên rỉ khi đau, chê thuốc trần. Bạn vẫn uống thuốc giảm đau, lại còn uống cả dược thảo thiên nhiên, nhưng vừa nuốt dược liệu vào, bạn vừa mong cho hết đau, vừa biết ơn đau khổ.
Nhiều người đã gọi đau khổ là một mầu nhiệm, thật chí lý. Trong sự sống đã cài sẵn mầm chết, sống một phút là chết đi một phút. Ngược lại chết là tái sinh.
SỐNG HẠNH PHÚC NHỮNG NGÀY CÒN LẠI
“Đi qua ngày tháng nhiệm mầucâu kinh đơn sơ
Dường như thấy được cơ cầu thế gian”
(Khánh Hà)
Chỉ trong mấy chục chữ đơn sơ, Kinh Lạy Cha đem lại cảm ứng tâm linh tuyệt với, nhờ đó bạn biết nguồn gốc của mình, địa vị của mình, nghĩa vụ và cam kết, nhu cầu nào tối cần, nhu cầu nào phù phiếm, nguy cơ và triển vọng, khả năng và giới hạn của con người, kết toán đời sống.
Nói riêng việc kết toán: bao giờ phần credit của bạn cũng nhẹ hơn phần debit – bạn nợ Bề Trên, gia đình, thầy dậy, bạn bè, bác sĩ, y tá, nhà nông, thợ thuyền và xã hội nhiều hơn người khác nợ bạn.
Quá khứ bạn nợ người lính Cộng Hòa. Họ đã lấy thân đỡ đạn cho các bạn ngồi trên ghế nhà trường, ngủ yên trong nhà ở thành phố mấy chục năm trời, mấy ngàn đêm ngày. Bạn có chia sớt và tha thứ bao nhiêu cũng chưa đủ. Dù bạn tha thứ hết cho mọi người đã xúc phạm bạn, bạn vẫn còn nợ Chúa, nợ đời nhiều lắm.
Kinh Lậy Cha còn huyền diệu ở chỗ mỗi hoàn cảnh nó vén lên một màn bí mật mới. Câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày” chẳng hạn, quá đơn giản, thường ngày chỉ xin cho mình no ấm, có công ăn việc làm nuôi thân và gia đình. Cũng câu ấy, khi đọc ở Campuchia bạn hiểu “chúng con” không phải vợ chồng con cái bạn –đang no ấm rồi, xin chi nữa? – mà là những em bé ốm o dọc đường. Hai chữ “lương thực” cũng biến thiên theo hoàn cảnh, khi bạn còn khỏe mạnh thì nó có nghĩa là “tay làm hàm nhai”; khi bạn bị cắt túi mật, cắt thập nhị chỉ tràng và 1/3 tụy tạng thì nó có nghĩa là đồ ăn thích hợp, xin Chúa thêm sức cho chị nuôi và bầy sáng kiến cho nàng.
hít thở
Ly nước tinh khiết đầu ngày có tác dụng rất tốt – khoảng nửa giờ sau bạn đi cầu suông sẻ.
Tiếp theo là tài chi khí công. Bạn tập tài chi từ 20 năm nay, nhưng vẫn bị ung thư. Vậy tài chi có giúp gì không? Một chị quen đã đặt câu hỏi này với vợ bạn – Tại sao ông bà tập tài chi, ăn gạo lức muối mè với đậu hũ mà vẫn bệnh? Nghe vợ thuật lại, bạn cười trừ nghĩ đến các Đấng Giác Ngộ cũng bệnh và chết. Đức Phật Thích Ca trên chuyến du hành đến Vajji để an cư mùa mưa lần cuối đã ngộ độc vì ăn nấm. Ngài đau dữ dội ở bụng (biết đâu chẳng phải tụy tạng?). Rồi nhập Niết bàn. Chúa Giê-su chỉ nghĩ đến cái chết cũng đã run sợ đến toát mồ hôi máu, và Ngài chết vì nhục hình cực kỳ đau đớn. Cả hai Đấng đều sinh ra, một vị sống tới 80 tuổi một vị 33, cả hai đều đau khổ, cả hai đều chết, nhưng vẫn làm những việc phải làm cho tới hơi thở cuối cùng, thì đệ tử là bạn cũng phải làm như thế - làm cái phải làm; thở ra hít vào, sống… Bạn tập tài chi khí công vì đó là cách thở ra hít vào đúng thiên nhiên nhất. Tham vọng hơn một chút, có thể nói hít thở Thần khí, Spirit,…
Tập thể dục dưỡng sinh nếu không ngừa được bệnh ung thư thì ít nhất bạn đã có những buổi sáng rất sảng khoái, và bây giờ bạn cần tập nó vì nó thích hợp nhất cho một bệnh nhân trong giai đoạn phục hồi.
minh tâm chúc
Bạn uống ly Fucoidan mà chỉ có vợ pha được. Nó tanh hơn dầu cá, nhưng bạn nín thở ực một hơi là xong khổ hình. Lần sau bạn sẽ mua thuốc viên chứ không mua bột nữa. Mười phút sau bạn ăn điểm tâm bằng cháo lúa mạch. Giữa bữa uống một viên Creon 10.000 đơn vị. Bạn bắt chước Tế Điên Hòa thượng gọi tô cháo là minh tâm chúc (cháo sáng lòng).
thắp đèn
Bạn rất cần sáng lòng sáng trí khi ngồi trước máy vi tính. Internet là một kho tàng trong hầm bí mật. Leo lách qua một mê hồn trận sẽ có một kho kiến thức vô tận và một nguồn giải trí tuyệt vời, miễn phí.
Nhưng cũng phải đọc với đầu óc cởi mở. Hôm qua bạn đọc bài giảng trên nét của một vị Hòa thượng người Việt ở Canada về tạo phước. Thầy dẫn nhập bằng vụ tornado ở Oklahoma làm tiền đề. Thầy cho rằng nhờ cô Jennifer Đoàn lấy thân che cho các em học sinh mà cô thoát chết. Thầy cho rằng cô biết tạo phúc, ở hiền gặp lành. Bạn thắc mắc vậy còn 23 người khác chết trong trường Tiểu học Moore là ác cả sao? Nhớ lời các vị sư khác dạy về vô cầu, bạn thấy có cái gì không ổn trong thí dụ Thầy Canada. Bạn nghĩ khi Jennifer lấy thân che chở cho các em học sinh, cô không chờ hưởng phúc (trong giây phút thập tử nhất sinh ấy, ai còn tính toán?) Jennifer chỉ làm theo bản tính tự nhiên của một người mẹ, hồn nhiên như một con gà mẹ thấy bóng diều hâu. Đó mới là điều bạn nên noi gương. Chứ nếu Jennifer cố ý tạo phúc, bạn không cảm phục lắm. Nhưng điều bạn muốn nói ở đây là thái độ cởi mở khi đọc và nghe: Dù bạn không đồng ý với tỉ dụ của nhà sư, nhưng bạn vẫn tiếp tục mở lòng đọc bài giảng về tạo phúc – bạn gặp vàng. Bạn chỉ giữ cái Thầy nói đúng, và biết ơn điều đó; còn cái Thầy nói – theo bạn – là sai, bạn quên đi. Nhiều người khi tranh luận thường dí vào một điểm sai – thậm chí sai chính tả - để đóng đinh đối phương, làm như thế càng ngày càng xa sự thật.
công án thiền ở khắp nơi
Trên giường bệnh, bạn quan sát việc đời không bằng thành kiến mà bằng thành ý tu dưỡng. Đọc, nhìn, nghe không phải để biết, không phải để phê bình, giai đoạn đó không còn thiết dụng cho một hưu trí viên nữa. Bây giờ là giai đoạn đọc, nghe, kể cả viết là để tu tâm. Khi đó nhiều tin vặt cũng là công án thiền.
Lấy một chuyện đăng trên báo Việt Nam Mới: Cụ bà 84 tuổi ở Florida trúng số 590 triệu Mỹ kim, nhờ một bà trẻ tuổi nhường phiên cho mua vé trước. Bà trẻ tuổi tới phiên mua vé Powerball, nhưng đứa con gái 10 tuổi quay lại thấy cụ già đứng sau, nó đề nghị mẹ nhường cho bà lên trước, bà cụ mua đúng cái vé số lẽ ra thuộc về mẹ con cô bé. Bạn kể chuyện này cho một số bạn bè nghe, có người xuýt xoa vì số tiền quá lớn, lớn nhất trong lịch sử vé số Mỹ; có người nói cụ Gloria Mckenzie (người trúng số) nên chia phân nửa số tiền cho bà Mindy Crandell (người nhường số); có người chê Mindy dại; có người nói đùa lẽ ra không cần nhường vì bà cụ còn gân đi cờ bạc được. Đùa hay thật, mỗi nhận xét đều ít nhiều có lý. Nhưng riêng bạn chỉ chú ý tới chi tiết bà Mindy không hề ân hận vì đã nhường. Làm phải dù “thiệt” không hối hận. Không tham cái không thuộc về mình.
Cao hơn, người mẹ bỏ cả cái thuộc về mình, cái quyền đứng trước. Đứa con 10 tuổi đã biết nghĩ tới người già. Theo bạn, những thứ ấy quí giá hơn 590 triệu Mỹ kim.
Nếu trời nắng ấm bạn đi dạo chừng nửa giờ giữa hàng triệu bông hoa bơ vàng rực hai bên đường, tuần sau là hoa cúc trắng, mạ non, tháng sau là lúa vàng. Có khi bạn đi với vợ và con gái. Trên đường về mẹ con ghé vào Menu hay Rema mua đồ (phần nhiều là đồ ăn cho bạn). Mẹ con khệ nệ xách đồ theo sau, bạn tay không phe phẩy đi trước, như một ông sheik. Ông sheik này ăn ngày 6 bữa, mỗi bữa phải uống một viên creon 25.00 đơn vị, bữa nhỏ thì 10.000. Thiếu men, bị tiêu chảy; nhiều quá, táo bón.
Lệ thuộc suốt đời vào thuốc chẳng sao – đời còn dài mấy phân? Nhưng lệ thuộc vợ con với cảm giác vô dụng, cũng không thoải mái. Vẫn ráng làm một việc gì đó – trả lời một SMS giùm vợ, thay giấy toa-lét, chỉ cho con điều khiển cái máy cắt cỏ, biên điện, nhặt cỏ cộng sản (tên người Việt đặt cho bồ công anh), tráng cái bát vừa ăn xong trước khi bỏ vào bồn, kiếm đồ trong nhà.
mỉm cười
Đối với bằng hữu và gia đình, bạn là người vô dụng. Trừ nụ cười. Thật vậy, bạn làm gì hơn được là mỉm cười khi vừa thức giấc. Mỉm cười cho vợ khám môi bạn có bị khô nứt không. Mỉm cười khi nàng khuyên bạn giữ hòa khí với mọi người. Cười thành tiếng reo vui khi nghe con về. Mỉm cười khi bạn lỡ tay làm đổ chén nước mắm. Mỉm cười khi một cơn gió thị phi lọt vào am cốc.
an ủi vợ con
Vợ con đau đớn và lo lắng nhiều hơn bạn, bạn phải an ủi họ bằng ngửng đầu lên, lạc quan và làm cái gì đó tùy sức để họ an tâm về bạn. Lắng nghe chuyện vui buồn của con cái trong sở làm, trong giao tế… Sẽ có lúc các con không biết kể với ai. Chiều ăn xong bữa thứ năm, tới chương trình tổng kết tin tức trong ngày, Dagsrevjuen. Bạn vừa coi tin tức trong ngày vừa thoa bóp chân cho vợ.
thu nhặt hạnh phúc nhỏ bé
Biết hưởng hạnh phúc nhỏ thì sẽ có hạnh phúc lớn. bệnh nhân vốn đã là một gánh nặng cho gia đình, bệnh nhân khó tính càng trì gánh nặng gấp bội, làm khổ vô ích cho vợ con mà mình lâu hết bệnh, có chết cũng không thoải mái. Bạn ý thức điều này, nên ráng vui cười và “vâng lời”. Con gái bảo uống nhiều nước bạn uống nhiều nước. Nó chưng cá hồi với nghệ, bạn ngửi đã ớn rồi, chưa món nào ghê như vậy, nhưng bạn thấy nó biết “về nguồn” với thuốc thiên nhiên Việt Nam, nên nhắm mắt nhắm mũi ăn. Bạn ăn cá nghệ được một tuần, nó quan sát gương mặt bạn, biết là bạn sắp đứt néo, bèn quay ra cá ướp tỏi sống. Bạn ăn một miếng liền hiểu ngay tại sao Dracula sợ tỏi, nhưng bạn vẫn ăn, ăn cái hiếu thảo. Thời gian hai tháng trước khi mổ cắt bướu độc là thời gian đau đớn, ăn uống khó khăn vô cùng. Bạn sống sót nhờ món ruốc cá của vợ, bột lúa mạch của con gái và bánh mì khô của con trai.
Tóm lại, dễ dãi thì mọi sự trôi qua êm đẹp. “Cộng tác” với những người nuôi bệnh, vui tươi, đùa giỡn làm cho gia đình bớt ảm đạm vô ích.
Bạn làm cho vợ con vui vẻ chấp nhận nếu bạn sống được 18 tháng nữa (theo thống kê) cũng phúc đức no đủ rồi.
thiền
Có giai đoạn dài bạn bỏ thiền vì loay hoay với việc tìm bệnh, lo âu, thích nghi với chương trình chữa trị và cơ thể bất ổn (lẽ ra càng lo âu bối rối càng cần thiền, nhưng bạn chưa đủ trình độ đó). Nay thấy hơi ổn định, bạn bắt đầu lại, nhưng không còn ngồi kiết già được nữa thì ngồi bán già, chắc cũng tốt. Bạn thử cung hai tay tạo thế “cosmic mudra” thấy có cái gì khang khác. Hôm nào bị buốt bên hông và sống lưng, bạn thiền trong bất cứ tư thế nào, không nhiều, chừng mươi phút mỗi lần, mỗi ngày hai lần, hoặc lúc bạn đi dạo một mình.
Mười hai giờ đêm bạn cầu nguyện, rồi lên giường, nắm tay vợ. Nàng sợ ngày tháng còn lại của bạn ngắn hơn 18 tháng. Nhắm được 18 tháng không? Nàng hỏi. Bạn làm bộ ngủ, không trả lời.
Vì một ngày như hôm nay đã đủ hạnh phúc rồi.
Quay về sơ tâm
Có ba tư tưởng bạn cho là quan trọng nhất, nền tảng đối với bạn. Tất cả kiến thức bao lâu thu thập để thi cử, kiếm cơm, đối phó, phô trương, nay đều có thể bỏ đi được rồi, chỉ còn lại ba điều đơn giản này:
Thứ nhất lời Chúa Giê-su dạy “Trừ khi anh em quay trở lại mà nên như trẻ nhỏ, bằng không sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mateo 18,3)
Thứ hai lời Lão Tử, muốn đạt Đạo phải “Trở về mộc mạc, chân phác”. (”Phục qui ư phác”- Đạo đức kinh, ch.28)
Thứ ba tư tưởng cốt lõi của Thiền phái Nhật bản, “Sơ tâm” (“Shoshin”)
Thời học trong trường, bạn đã biết cảm động vì mỗi tư tưởng ấy là một con đường giải thoát đơn giản. Bạn cũng từng hào hứng trước sự kỳ diệu là ba chân lý đó phát xuất từ ba chân trời xa nhau vạn dậm, ở ba thời điểm cách nhau từ hai đến năm thế kỷ - Đạo Lão ở Trung Hoa, Phật giáo ở Ấn –độ và Ki-tô giáo từ Do-thái – mà lại tương đồng tương hợp sít sao như một. Tuy nhiên loay hoay với cơm áo, bấy lâu nay bạn chỉ có cảm phục mà chưa thực hành. Đã đến lúc bạn thực hành việc quay về với sơ tâm, may ra còn kịp. Đây là dự án quan trong nhất, ngoài ra không còn gì khác trên đời có ý nghĩa với bạn nữa.
Nếu có trồng cây, giao tiếp bạn bè, nhõng nhẽo với vợ con, đọc sách, nghe nhạc, học mới, ăn uống, hít thở cũng là dụng cụ trở nên con trẻ để về mà thôi.
TAY NÀO CHỮA LÀNH ?
“Tình yêu là thần dượcNgười nằm chung phòng với bạn là một anh Pakistan nhỏ hơn bạn gần hai con giáp, bị sạn mật, tái phát nhiều lần. Anh nhập viện trước mà ra sau, hôm xuất viện, bạn chào từ biệt anh tại phòng ăn. Anh nói: “bác sĩ làm gì thì làm, người làm cho bạn hết bệnh là Allah”. Anh hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho bạn. Bạn buột miệng, bạn cũng sẽ cầu nguyện cho anh. Bạn tự hỏi ai chữa lành anh ta và bạn.
yêu nhau làm nên phép lạ trong đời ta”
Louise L. Hay
Cầu nguyện và phép lạ
Phép lạ, nếu hiểu là mầu nhiệm xẩy ra hằng ngày trong đời sống, bạn tin – tin tuyệt đối. Phép lạ, nếu hiểu là sự can thiệp ưu đãi của Bề Trên, bạn cũng tin, nhưng không tin nó xẩy ra cho mình, vì bạn đã được hưởng quá nhiều ưu đãi rồi, không xứng đáng hưởng thêm
Cầu nguyện bạn hiểu là một sự giao hòa với Tuyệt Đối, để dần dần hòa nhập với Tuyệt Đối, cầu nguyện tựa như cây khô hấp thụ nước. Cầu nguyện là tiếp nhận sự sống nơi Nguồn Sống.
Cầu xin là điều được Chúa Giê-su khuyến khích (”Hãy xin, thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp; hãy gõ thì sẽ mở cho”- Luc.11,9), không phải là một hủ tục. Tagore, nhà thơ vĩ đại, ví mình như một người ăn mày ngửa bàn tay trắng trước mặt Thượng Đế. Tagore đến với Thượng Đế (mà có lúc ông gọi là người Tình) như ống sậy rỗng chờ người phà hơi thở vào. Đó có thể hiểu là cầu nguyện hay cầu xin. Nhưng bạn chỉ xin những điều Chúa giê-su dạy xin trong Kinh Lạy Cha. Ngoài ra bạn tin rằng cứu khổ cứu nạn là việc của Chúa Mẹ, của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Các Ngài có con mắt khắp nơi, ai cần gì các Ngài biết trước và rõ ràng hơn mọi người. Các Ngài sẽ giang tay ra trước khi bạn cầu cứu. Bạn rất ngại nhắc nhở Chúa.
Tuyệt đối không thể lấy cầu nguyện để khỏa lấp – khỏa lấp lòng biết ơn với ân nhân người trần, khỏa lấp một nghĩa vụ với tha nhân, lờ đi một món nợ.
“Tôi sẽ cầu nguyện cho anh,” câu này đẹp vì tình liên đới, sự quan tâm. Nó linh nghiệm tới mức nào, chỉ Chúa Phật biết.
Trở lại câu hỏi mà anh bạn Pakistan đã gợi ý – ai chữa bạn?
Nền y tế Na-uy chữa bạn
Thật vô ơn với Thượng Đế nếu bạn quên sứ giả của Ngài. Sứ giả của Ngài, người chữa bạn chính là hai phẫu thuật gia của bệnh viện Rik. Đó là hai người đầu tiên mà khi bạn mở mắt ra nhìn thấy – bác sĩ Gladehaug và bác sĩ Yacub. Nói chung nền y tế Na-uy chữa bạn.
Chỉ có câu hỏi tại sao bạn lọt vào đất nước này, và tại sao bạn rơi vào tay hai bác sĩ tài giỏi bậc nhất Na-uy, tận tâm và nhân hậu kia, thì bạn dám trả lời một cách chắc chắn – Chúa sắp đặt. Bên Phật thì gọi là hạnh duyên. Vì vậy khi bạn đứng dạy đi lại được thì, do con gái đề nghị, cả nhà xuống nhà nguyện tạ ơn Chúa.
Các bác sĩ và y tá phục vụ bạn vì động lực nào – “đầu tư” hay “tạo phước”? – bạn không biết, nhưng bạn cảm thấy động thái bề ngoài của họ phản ảnh một tấm lòng từ bi vô vị lợi giữa con người với con người. Mặc dù xã hội Na-uy xây dựng trên lý tưởng Ki-tô giáo, từng cá nhân bác sĩ y tá không nhất thiết xử sự theo chỉ đạo của tôn giáo. Ông Yacub ân cần tận tụy với bạn, là người Hồi giáo.
Theo tâm lý thường tình, bạn thích được ưu đãi hơn người khác, nhưng từ ngày đọc một câu trong cuốn sách của hai cô nhân viên xã hội Na-uy viết về người tỵ nạn Việt Nam – “người Việt có học có khuynh hướng trông đợi được ưu đãi” – bạn giật mình. Dù chẳng học hành bao nhiêu, bạn sợ được ưu đãi. Tại sao lại sợ được ưu đãi? Vì luật nhân quả. Bạn không đủ khả năng giải thích luật căn bản này của Phật giáo, bạn chỉ cảm nghiệm nó tuyệt đối đúng, nên mỗi lần nhận được một ơn huệ, bạn đều lo lắng, ơn nhỏ lo ít, ơn lớn lo nhiều. Ngoài biết sợ và lo lắng, bạn chỉ biết sống xứng đáng với ơn phước nhận được. Cuốn phim “Pay it forward” (Chuyển ơn) do Angie Dickenson và Kevin Tracy đóng, là một phim đáng xem. Chuyển ơn cho người thứ ba là cách hay nhất để trả ơn cho ân nhân mình.
Suốt đời bạn không quên ơn bác sĩ riêng, phẫu thuật gia, bác sĩ gây mê, các y tá tại các bệnh viện Rik và Ahus. Họ chữa bạn. Khỏi hay không, bạn không quan tâm, vì quan tâm vô ích, việc này nằm ngoài tầm tay của bạn – định mệnh. “Người tính toán Trời định đoạt” (L’homme propose et Dieu dispose). Nôm na hơn, “Bôn ba chẳng qua thời vận”.
Gia đình giúp hồi phục – Bằng hữu nâng đỡ
Mỗi ngày lo sáu bữa ăn cho một cái miệng chán ăn và cái bụng mất gần hết khả năng tiêu hóa và hấp thụ, không phải đơn giản như mở quán cơm xã hội. Nhưng vợ bạn đã dần dà phục hồi khẩu vị cho bạn nhờ bàn tay khéo léo và tấm lòng đặt trên bát cơm bưng cho bạn.
Bác sĩ bảo ăn gì cũng được, càng ăn nhiều càng tốt, nhưng không hẳn như vậy. Nhiều thông tin mâu thuẫn, chỗ này nói ung thư tụy tạng kỵ củ dền, chỗ kia nói củ dền tốt. Nhiều món ăn tốt cho tụy tạng nhưng hại cho tiền liệt tuyến (thí dụ bông cải trắng). Có món tốt “mọi bề” nhưng bạn ăn vào bị tiêu chẩy. Có khi tiêu chẩy không phải vì món đó mà vì hóa trị. Uống nhiều men tiêu hóa (creon) thì táo bón, uống ít quá tiêu chẩy. Nhiều hay ít lại không tuyệt đối theo lượng bữa ăn mà còn theo thành phần mỡ, tinh bột và chất đạm. Bạn phải báo cho vợ con về từng biến động trong bụng để họ biết đường mà liệu.
Vợ bạn và hai đứa con hì hục nhiều lắm mới tìm được những thực phẩm hợp với bạn, nhưng hợp hôm nay bỗng nhiên ngày mai cái bụng giở chứng không hợp. Nàng làm bếp một cách khoan thai và âu yếm. Vốn là người ý tứ trong từng lời nói và cử chỉ, nàng đặc biệt ý tứ khi rót nước cho bạn, khi khuấy fucoidan, khi thái một củ hành, khi nhỏ một vài giọt dầu vào chảo, khi lóc lườn con cá, khi lấy giấy thấm dầu trên miếng chả cá… Một hôm nàng đang gói bánh giò thì con gái về. “Má lại gói bánh giò nữa?” con gái nói. Mẹ than, “Chỉ vì mấy cái bánh giò năm xưa mà bây giờ phải trả nợ oan !” Ý nói ngày xưa mỗi chủ nhật bạn đem bánh giò tới nhà trọ đường Trần Bình Trọng cho nàng – thứ bánh mà nàng ghét nhất!
Vậy Chúa làm gì cho bạn? Ngài không có thời giờ gói bánh giò cho bạn. Nhưng Ngài khiến bạn gặp cô con gái Mỹ Tho ghét bánh giò. Ngài xé dạ nàng ra cho bạn hai đức con.
Chúa Phật cũng biệt phái những bằng hữu đủ tôn giáo tới nâng đỡ bạn. Chúa Phật muốn bạn cảm ơn những sứ giả đó.
Chính bạn chỗi dậy
Đấng Quan phòng sắp xếp, bác sĩ trổ tài, y tá tận tâm, vợ con săn sóc từng li từng tí, thân nhân bằng hữu quan tâm, nhưng nếu bạn không tự chỗi dậy, vô ích.
Không bỏ bữa ăn, uống nước thật nhiều, nghe lời khuyên của vợ con, tiếp tục cầu nguyện tha thiết hơn, ngồi thiền, tập khí công, nghe nhạc êm dịu, cười đùa với vợ con, mỉm cười tươi với gương mặt hốc hác của mình, mỉm cười vu vơ như người điên, uống thuốc đều, bỏ ngoài tất cả mọi chuyện thị phi, duy trì tình bạn, quan tâm người yếu đuối hơn bạn, nghiền ngẫm Bài Giảng Trên Núi, đọc thơ Tagore, Nam Hoa Kinh, Đạo Đức Kinh.
Đặt lại mọi vấn đề nhân sinh từ căn bản…
Không ai cứu được bạn nếu chính bạn không “chỗi dậy mà về” (Chúa Giê-su nói với người bất toại, con hãy đứng dậy, cuốn chiếu mà về nhà” (Mc 2:11) và anh ta đứng dậy.)
THÔI TÔI ĐI ĐÂY
Sớm muộn bạn sẽ ra đi. Bạn không thể chủ động thời gian, nhưng có thể và phải chủ động cách ra đi
Ra đi không luyến tiếc
Giáo sư Lê Tôn Nghiêm đã ra đi trong sự chấp nhận và bình tĩnh đáng kính phục của vợ con. Năm 1979 bạn tới nhà thầy ở đường Nguyễn Văn Thoại, để rủ Thầy đi vượt biên. Thầy không đi, vì sợ bị bắt. Mười năm sau Thầy mất, chị Hiền của bạn cùng vài nữ sinh viên cũ của Thầy tới chia buồn với cô Sương và viếng xác. Chị kể lại khi các chị tới nơi thấy cuối quan tài có tấm bảng đề “Mon Dieu, la Destinée” (Thượng Đế của tôi, Định mệnh). Còn con gái Thầy đang đánh đàn dương cầm trên lầu, một điệu nhạc Mozart vui tươi. Bạn tự hỏi Thầy đã dậy con như thế nào để em có thái độ minh triết như thế? Có thể Thầy đã dùng lời Trang Tử chăng?
Vợ Trang Tử chết, Huệ Tử lại điếu, thấy Trang Tử ngồi xoạc chân ra, gõ nhịp vào một cái vò mà hát, bèn bảo, “Ăn ở với người ta, người ta nuôi con cho, nay người ta chết, chẳng khóc là bậy rồi, lại còn hát gõ nhịp vào cái vò, chẳng là quá tệ ư?” Trang Tử đáp, “Không phải vậy. Khi nhà tôi mới mất, làm sao tôi không thương xót? Nhưng tôi nghĩ lại thấy lúc đầu nhà tôi không có sinh mệnh; chẳng những không có sinh mệnh mà còn không có cả hình thể nữa; chẳng những không có hình thể mà đến cái khí cũng không có nữa. Hỗn tạp ở trong cái khoảng thấp thoáng, mập mờ mà biến ra thành khí, khí biến ra thành hình, hình biến ra thành sinh mệnh, bây giờ sinh mệnh biến ra thành tử, có khác gì bốn mùa tuần hoàn đâu. Nay nhà tôi nghỉ yên trong cái Nhà Lớn mà tôi còn ồn ào khóc lóc ở bên cạnh thì tôi không hiểu lẽ sống chết rồi. Vì vậy mà tôi không khóc”
Phật giáo dạy, “ái biệt ly khổ”, yêu nhau mà xa lìa thì đau khổ. Mà tình yêu đối với bạn là cái thật nhất, tốt nhất, đẹp nhất trên đời. Địa ngục là nơi vắng bóng tình yêu, thế thôi. Vậy phải làm sao để yêu mà không khổ?
Bạn không dứt áo đi tu được, mà ở ngoài đời, nhìn đứa con bò lê lau cầu tiêu đôi khi dính phân của bạn, cầm tay mềm của người bạn đường đi giữa phố lạ nửa thế kỷ nay, làm sao buông ra được?
Bạn đủ bản lĩnh để trở thành một người khó thương, bẳn gắt, ích kỷ, nhưng liệu như vậy có làm vợ con ghét bạn nổi không, hay chỉ làm cho họ khổ tâm thêm, mà chắc gì giảm được quyến luyến khi chia lìa.
Vợ bạn hứa bạn chết nàng không khóc. Nhưng biết đâu là “lệ đá xanh” (“Những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình” Thanh Tâm Tuyền – Lệ đá xanh - ). Muốn nàng có thể không khóc, bạn phải chuẩn bị từ bây giờ.
Cư xử với nhau như ngày mai phải chia tay mà không ân hận đã không làm cái nọ cái kia cho nhau. Ký ức còn xót xa: Vợ bạn đã ân hận không gửi tiền cho Má nhiều hơn. Bạn ân hận vì không mời Mẹ vợ đi coi cải lương lấy một lần. Hiện bạn chưa nghĩ ra nhưng bạn sẽ nói cho vợ con bạn biết bạn ao ước gì. Có thể bạn đã no đủ rồi, không ước ao gì nữa. Hồi nhỏ bạn ao ước có tiền mua nguyên một đòn giò lụa treo đầu giường, nằm ngửa gặm; bây giờ dư sức làm nhưng bạn không thích nữa. Đậu tú tài xong bạn mơ ước được đi du học; bây giờ cả nhà bạn được du học Na-uy. Ở Na-uy bạn mơ ước có chiếc tầu kích thước bằng chiếc tầu vượt biên để có thể chở cả nhà và bè bạn trên vịnh Geiranger; nhưng các bạn đã đi du thuyền khắp duyên hải Na-uy rồi.
Giấc mơ một nước Việt Nam tự do no ấm – có lẽ là giấc mơ duy nhất tan vỡ, bạn nhắm mắt trước khi thấy một tia sáng.
Một hôm bạn mỉm cười nói với ba người thân yêu đang ngồi quanh cái bàn trong bếp ăn bún riêu: Cứ 3 người có 1 người ung thư, và trong số những người ung thư chết nhiều hơn sống. Mẹ con nên tưởng tượng ba chết vào năm 67 là tuổi trung bình của người Việt, rồi mẹ con bán hết gia tài để chuộc phép tiên cho ba sống thêm một năm thôi. Bây giờ ba sống lại, không phải một năm mà bẩy năm, nhà cửa còn nguyên, xe Yaris trầy trụa đằng sau còn chạy ngon, ba trông thấy bông tường vi nở thêm bẩy mùa, ba ngửi mùi thơm dịu dàng của dàn hoa bát tiên leo thêm bẩy mùa. Con chim yến đỏ đã trở lại đậu trên cây táo mấy trăm lần. Gia đình nhím nhiều năm không trở lại, nhưng đã một lần đến, hai lần đến… Con gái đã hôn ba mấy ngàn lần, đã lau mấy tỉ hạt bụi trong nhà, đã mua cho ba mấy chục bộ quần áo. Đã mấy ngàn lần con trai hí hửng vì được kéo thẻ cho ba, hoặc mua được món lạ ba ăn được, đã mấy lần con uống nước xá xị đòi ba nếm trước, ăn kem cũng bắt ba ăn thử. Từ khi anh sống lại, em đã cầm tay anh thêm bẩy năm, đắp chung mền Sở Tỵ Nạn 2555 đêm, đã cùng nhau đi gần khắp trái đất. Đã cùng nhau ngắm sao đêm trên sa mạc, trên đại dương… chúng ta còn tham lam gì nữa? Mình “chỉ là bạn” đã trên nửa thế kỷ.
Quan trọng nhất là bạn cho vợ con thấy bạn đã sống hạnh phúc. Đã thương yêu họ, đã nhận lãnh đủ tình thương của họ, no đầy. Bạn sẵn sàng ra đi trong no đủ, thảnh thơi đến một nơi hạnh phúc tuyệt vời. Bạn sẽ không phù hộ cho vợ con trúng số, cũng không quấy nhiễu vợ con bằng những báo mộng vẩn vơ, vì ai đã phận nấy vẹn toàn. Bạn an nhiên tự tại ở nơi khác, không liên hệ với bất cứ ai ở trần gian này nữa. Thương khóc hay nguyền rủa, bạn không hay. Có mấy người tiễn đưa? Có mấy vòng hoa, to hay nhỏ?... Tất cả sẽ là hài kịch cuối cùng mà vai chính không được tham dự, đành xin lỗi và cám ơn trước.
Di chúc duy nhất của bạn là được liệm bằng cái áo lính mà Trung tâm Huấn luyện Quang Trung phát cho khi bạn đi “lính chín tuần”. Cũng cái áo này bạn đã mặc khi đi đạp xích-lô và vượt biên. Nó đã được triển lãm tại Viện Bảo tàng Hàng hải Na-uy.
Tin lành
Hôm qua bạn bị “thuốc độc” lần thứ 12, đúng nửa đường gian nan. Hôm nay 29 tháng 6, lễ kính hai Thánh Phê-rô và Phao-lồ. Bạn thích nhất lời Thánh Phao-lồ viết như sau:
“Và tôi chỉ cho anh chị em con đường toàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các ngôn ngữ loài người và Thiên Thần mà tôi không có Đức Bác Ái, tôi chỉ là tiếng thanh-la, não-bạt inh-ỏi mà thôi! Và nếu tôi có Ơn Nói Tiên Tri, thông suốt mọi mầu nhiệm và Ơn Khôn Ngoan, và nếu tôi có Đức Tin mạnh đến nỗi có thể chuyển núi, dời non, mà không có Đức Bác Ái, thì tôi vẫn là không! Nếu tôi bố thí mọi của cải tôi có để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình chịu thiêu đốt mà tôi không có Đức Bác Ái thì không ích gì cho tôi!” (I Cor 13, 1-3)
Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu (I Ga 4.8)
Bạn viết tới đây, bỗng lòng dào dạt nôn nao, như nghe bước chân người yêu ngoài ngõ. Nhìn ra ngoài trời thấy một cầu vồng ở chân trời đông. Một cầu vồng liền lạc sặc sỡ bạn chưa từng thấy, ôm lấy nhà mình. Phải chăng tin từ thượng giới báo trước bạn sẽ lành bệnh? Hay tiếng gọi bạn về với Tình Yêu Vĩnh Cửu? Bề gì cũng là tin lành.
Bạn vào mở tập thơ Tagore nhàu nát, chép lại bài sau, gửi vợ con và bạn bè hết thẩy:
“Tôi đã được phép giã từ anh em ơi! Cầu cho tôi đi may mắn nhé! Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường. Này đây chìa khóa tôi cài lên cửa, và cả căn nhà cũng trao trọn anh em. Chỉ xin mọi người lời tạ từ lần cuối thắm đượm tình thân.
Từ lâu rồi, sống bên nhau, chúng mình là láng giềng lối xóm, anh em cho tôi nhiều hơn tôi cho lại anh em.
Bây giờ ngày đã rạng, đèn trong xó tối lụn tắt, lệnh triệu ban rồi, thôi tôi đi đây.”
(Rabindranath Tagore - Lời Dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch)
***
VẦN CUỐI CHO ANH – KHÁNH HÀ
Chia ly cuối cùng
Là cuộc chia ly cuối cùng
Trong bao nhiêu cuộc chia ly
Hôm nay anh đã ra đi
Không còn bao giờ trở lại
Mặt đất này quá mênh mông
Bầu trời này quá mênh mông
Khi anh đã bỏ đi rồi
Tất cả đều biến thành không
Em sẽ trở về một mình
Bước vào ngôi nhà lạnh lẽo
Mọi vật vẫn còn nguyên đó
Mọi vật im lìm lặng thinh
Tủ sách không còn ai mở
Chiếc ghế không còn ai ngồi
Bàn phím không còn ai gõ
Chỉ còn trống vắng mà thôi
Tất cả im lìm đợi chờ
Tất cả nghiêng tai nghe ngóng
Chỉ là đợi chờ tuyệt vọng
Sẽ không sẽ không bao giờ
Chung cuộc
Sống thêm được một ngày
Hay bao nhiêu ngày nữa
Rồi cũng ra đi thôi
Khi lệnh triệu ban rồi
Không còn chi hối tiếc
Khi bữa tiệc đã tan
Lời yêu thương đã nói
Trước khi quá muộn màng
HẬU: LỆNH TRIỆU BAN RỒI
Phần trên, tôi chép lại một phần của cuốn Lệnh Triệu Ban Rồi (LTBR), các phần khác là “Gia đình cửa địa đàng”, “Niềm đau quê cũ”, “Niềm vui quê mới”, “Tình bạn” Tâm Thanh coi là có tính cách riêng tư nên tôi không rút gọn. Riêng phần “Vần cuối cho anh”, thơ Khánh Hà, gồm có 25 bài, tôi chọn “Chia ly cuối cùng" và "Chung cuộc" là 2 bài thơ cuối cùng và duy nhất không đề ngày sáng tác.
Chuyện in cuốn LTBR cũng là một ngạc nhiên cho tôi. Chả là, nhận được tin Tâm Thanh đau nặng không biết sống chết ra sao, tôi thương bạn nên yêu cầu Tâm Thanh và Khánh Hà gom một số truyện và thơ chọn lọc để tôi in, coi như là một “tuyển tập cuối đời”. Không ngờ, sau một thời gian ngắn, Tâm Thanh chuyển tôi cuốn LTBR và chỉ yêu cầu in có 50 cuốn vừa đủ để tặng thân hữu, coi như lời Tạ Từ.
Chuyến đi Oslo“Không biết ngày giờ nào lên đường xin gửi lại A/C…lòng cảm mến
và lời tạ từ trước. 25.8.13 Ngô Thanh Tâm”
Sau chuyến đi chơi Đại Hàn và Nhật Bản đầu năm 2014 về, Tâm Thanh yếu hẳn. Tôi rất xót bạn nên tổ chức một chuyến sang thăm Oslo vào tháng 7 năm 2014. Tâm Thanh lo mua giùm vé máy bay của hãng Norwegian Airline cho vợ chồng tôi cùng lo giữ chỗ vừa ngồi ngoài bìa lẫn ngồi hàng ghế trên cùng để có thể thoải mái dạng chân. Tâm Thanh cũng đề nghị chúng tôi ở tại nhà của anh chị và lo tổ chức mua tour du lịch vùng phía Bắc Na-uy. Tôi đóng vai ông hoàng sheik, phó mặc thần dân lo mọi chuyện. Anh chị giáo sư Phạm Kế Viêm-Trần Diệu Tâm nghe tin tôi đi thăm Tâm Thanh cũng lo mua vé máy bay cùng chuyến để đi cho có bạn. Chị Trần Diệu Tâm muốn tự do hơn nên giữ phòng tại khách sạn.
Gần đến ngày đi, Tâm Thanh bệnh tình biến đổi đột ngột vì không thể ăn và uống thuốc theo thông thường được, nên để tránh trở ngại vợ chồng tôi cũng lấy phòng cùng khách sạn với anh chị Viêm. Hôm khởi hành, ngày 15 tháng 7 năm 2014, nhà tôi cũng hủy bỏ chuyến bay vì bận việc bất ngờ nên không thể theo đi thăm anh chị Tâm được.
Anh chị Phạm Tín An Ninh đang thăm con gái mới sinh ở Luân Đôn cũng phải đổi chương trình để về Oslo sớm hơn dự tính hầu thay thế anh chị Tâm làm tour guide cho chúng tôi. Vừa lấy xong hành lý, chúng tôi đã thấy anh Ninh vẫy tay chào. Trên đường về khách sạn, anh Ninh cũng tự thú là chưa quen lái xe ở downtown Oslo, vì vừa được chỉnh trang với nhiều con đường mới, nên đã nhờ cậu con trai chỉ dẫn cặn kẽ bằng cách lái đưa đi trước mấy vòng cho quen đường. Anh chị Phạm Kế Viêm và tôi rất cảm kích lòng hiếu khách của anh chị Phạm Tín An Ninh và các con của anh chị.
Vào buổi chiều cùng ngày, anh chị Ninh đến đón chúng tôi tại khách sạn để đưa chúng tôi tới dùng bữa cơm tối đầu tiên tại Oslo do anh chị Ngô Thanh Tâm khoản đãi. Tôi bấm chuông, người mở cửa đón chào chúng tôi là anh Ngô Thanh Tâm với nụ cười nở trên môi. Tôi kinh ngạc hết sức, vì anh Tâm mới ra khỏi bệnh viện hồi 2 giờ chiều nay sau một cuộc tiểu giải phẫu. Tôi cứ đinh ninh là anh Tâm đang nằm trên giường và chúng tôi phải vào phòng để vấn an anh. Nhưng từ khi bước chân vào trong nhà, tôi không có cảm giác là đến thăm một bệnh nhân vừa mới về.
Anh Tâm tiếp chúng tôi một cách hồn nhiên, mở cuốn album chỉ cho chị Trần Diệu Tâm những hình ảnh chụp tại Viện Đại học Đà Lạt trong thập niên 60 và những tấm ảnh anh mới chụp nhân dịp anh chị viếng thăm Đại Hàn và Nhật Bản đầu năm nay.
Tôi cũng tặng anh Tâm một khung hình có khắc chữ “Không” bằng đồng theo lối chữ thảo của Tô Thức (Tô Đông Pha) mà tôi đã nhờ một tay thư pháp nổi danh ở Hà Nội thực hiện. Sở dĩ tôi tặng chữ Không vì chữ này có in tại trang cuối của cuốn LTBR, hơn nữa khi anh Tâm viết về đám tang của giáo sư Nghiêm có kể truyện Trang Tử. Chuyện này có phảng phất triết lý Bát Nhã Tâm Kinh mà cốt lõi của Tâm Kinh là chữ “Không”.
Anh Phạm Kế Viêm có nói qua về tử vi tướng số lẫn phong thủy, anh Viêm đề nghị anh Tâm phải treo chữ Không ở bên phải của phòng khách cho tương hợp với những mầu sắc hiện có trong phòng. Và anh chị Phạm Tín An Ninh cũng rất hợp với anh Tâm nên nếu anh chị Ninh tới thăm luôn thì sẽ mang thêm sức khỏe cho anh Tâm. Thêm nữa nếu anh chị Tâm đổi lối đi vào nhà bằng lối cửa garage (thay vì đi vào bằng cửa chính) thì rất tốt cho sức khỏe.
Chị Khánh Hà cho chúng tôi thưởng thức 2 món thổ sản của Na-uy là cá và tôm. Ngon đến độ, tôi phải nhờ chị Khánh Hà mua giùm 20 kí-lô để mang về Paris làm quà.
Câu chuyện lan man đến nỗi chúng tôi cũng không để ý đến “người bệnh”, mà cũng có thể nói là “không thấy có người bệnh” hiện hữu ở trong nhà. Để tạo được không khí này, chính là nhờ cách anh Tâm ứng xử khi tiếp đón chúng tôi. Anh Tâm nhập vai “người khỏe mạnh” hồn nhiên như một “tiếp đãi viên”. Chị Khánh Hà cũng nhập vai “người vợ đảm đang vô tư lự” để lo bữa tiệc thịnh soạn cho 8 người ăn dù mới đón chồng ra khỏi bệnh viện mới có 3 giờ đồng hồ trước đó. Không phải chúng tôi mang niềm vui tới cho anh chị, mà chính anh chị tạo ra một bầu không khí ấm cúng để chúng tôi hòa vui theo anh chị.
Tôi nhìn thấy cây bút Mont Blanc anh Tâm để bên cạnh máy computer, mà trước đây anh Tâm có nhờ tôi khảo giá tại Mỹ. Hồi đó tôi cứ thắc mắc hỏi anh, sao gõ computer mà anh lại cần đến bút máy. Anh trả lời, anh đang viết dang dở 5, 6 lần một cuốn truyện dài mà chưa ưng ý. Nay muốn tìm cảm hứng qua cây viết Mont Blanc để may ra có thể hoàn thành tác phẩm. Đọc LTBR mới hiểu cây bút Mont Blanc gây cảm xúc cho anh đến độ nào vì chính đây là cây bút đầu tiên mà người chị kính quý của anh, sœur Hiền, đã cho anh, khi chị “khấn trọn đời”. Anh cũng dùng cây bút này để viết lời Tạ Từ đến các thân hữu khi đề tặng cuốn LTBR.
Anh Tâm “vác” một máy ảnh nhà nghề rất nặng để chụp một tấm hình có đầy đủ mọi người trong sân sau nhà. Trông anh thoăn thoắt đặt máy, lấy góc cạnh, chỉ chỏ vị trí từng người đứng đủ thấy anh ham mê và tận tụy với nhiếp ảnh như thế nào. Tất cả phụ bản trong cuốn LTBR đều do anh chụp tại Na-uy hay tại các chuyến đi du lịch. Lúc đầu anh muốn có đến hơn 20 phụ bản, sau anh thu lại chỉ còn 10 tấm hình (không kể tấm hình cũ chụp tôi với Ngô Đức Lưu, anh ruột Ngô Thanh Tâm)
Sau bữa ăn, anh chị Phạm Tín An Ninh đưa chúng tôi trở lại khách sạn để ngủ dưỡng sức cho ngày mai, chúng tôi không biết anh chị Tâm – Hà lấy lại sức bằng cách nào, sau một ngày bận rộn thù tiếp bạn đến từ phương xa.
Đúng 10 giờ sáng hôm sau, anh Ninh lại tới phòng đợi khách sạn để đưa chúng tôi đi thăm công viên điêu khắc Vigeland và Nhà Việt Nam. Tại Nhà Việt Nam chúng tôi được gặp một số nhân vật vị vọng của cộng đồng Việt Nam tại Oslo. Mỗi thứ tư, Nhà Việt Nam có sáng kiến bán một món ăn đặc biệt do một người tình nguyện nấu ủng hộ, và tất cả số tiền thu được sẽ sung vào quỹ. Hôm nay chúng tôi được ăn món phở, tuần tới sẽ là bún bò Huế. Chị Diệu Tâm cũng xin được số điện thoại qua một nhân sĩ để gọi hỏi thăm ông Nguyễn Hữu Nhật, hiện đang nằm trong viện Dưỡng Lão.
Rất tình cờ, tôi cũng được gặp bạn đồng môn QGHC Phí Ngọc Hải, một trong số 7 đồng môn định cư ở Na-uy. Anh Hải là Hội trưởng đầu tiên của hội Thân Hữu, người đã dặn anh Tâm khi mới tới Na-uy, “Mùa đông cái khăn quàng là quan trọng nhất”. Hôm nay anh lại giành trả tiền với anh Phạm Tín An Ninh nhưng được bà quản lý giải quyết bằng cách thu tiền cả hai anh để gia tăng ngân sách cho hội. Thật là, xứ lạnh tình nồng.
Anh Ninh cũng đưa chúng tôi đi thăm Viện Bảo Tàng Hàng Hải Na-uy và khu triển lãm những con tầu Viking xưa. Tôi nhờ riêng anh Ninh cho ghé thăm tượng đài Thuyền Nhân (thường được gọi là tượng đài Hoa Biển) đặt trong khu Hàng Hải.
Buổi chiều, chúng tôi được anh chị Phạm Tín An Ninh khoản đãi một bữa ăn thật đặc biệt tại nhà thứ nam của anh chị. Trong bữa tiệc này, anh chị Ninh đã giới thiệu 2 con trai, 2 con dâu và các cháu nội. Anh chị Ninh có 6 người con thì 5 cháu đi du học. Trưởng nam sau khi tốt nghiệp tại Mỹ đã trở về lập nghiệp tại Na-uy. Bốn cô con gái: một cô tốt nghiệp và lập nghiệp tại Luân Đôn, còn 3 cô làm việc và định cư tại California-Mỹ. Các con của anh chị Ninh đều quý mến bạn của bố mẹ, các cháu nội vòng tay cúi đầu chào hỏi rất lễ phép với các ông bà khách. Văn hóa cổ Việt Nam đã biến mất tại quê nhà nhưng vẫn còn bảo lưu nơi đất tạm dung.
Trưa ngày 17 tháng 7, chúng tôi lại được anh chị Tâm mời ăn từ giã trước khi ra phi trường. Anh Ninh lại tới khách sạn để đón chúng tôi tới nhà anh chị Tâm, riêng chị Ninh bận lo đi mua một vài món hàng làm quà lót tay chúng tôi mang về Pháp.
Vào đến nhà, chúng tôi lại ríu rít nối tiếp câu chuyện chưa dứt ngày hôm trước. Từ chuyện Viện Đại học Đà Lạt, chuyện mấy bài viết của anh Tâm tranh đấu cho việc treo cờ vàng tại Đại hội Thụ Nhân ở Paris, chuyện sáng tác, chuyện du lịch, chuyện thời tiết Na-uy… mà hình như không có chuyện nào liên quan đến bệnh tật. Chúng tôi cũng nói về cách chế biến làm món ăn, cách nào làm chả cá Lã Vọng đúng hương vị và làm bằng loại cá gì…
Nhân dịp này tôi cũng chuyển muộn màng lời cám ơn của anh Thái Hà Chung tới anh chị Ngô Thanh Tâm. Số là khi tôi cho anh Tâm biết tin anh Thái Hà Chung cần lá đu đủ đực để trị bệnh ung thư phổi, anh Tâm đã bay sang Paris tận tay đưa lá đu đủ cho em ruột anh Chung để mang sang Mỹ. Cơn đau của anh Chung cũng dịu xuống khi đọc được câu, chị Khánh Hà cầm tay anh Tâm để “con đau nó bò sang em” trong LTBR. Anh Tâm mỉm cười nói, “Ba cái lẻ tẻ, chỉ có mấy tầu lá ấy mà”.
Câu chuyện trôi nhanh qua bữa cơm, cho đến lúc mọi người sực nhớ đã tới giờ ra phi trường. Chị Khánh Hà lại trổ tài đóng những bao tôm cho tôi sao cho không tan đá và làm cách nào tôi có thể “khiêng” hết 20 kí-lô tôm trong sắc tay. Chị Khánh Hà còn nhất định không chịu nhận tiền bồi hoàn sở phí mua tôm. Tôi cũng như anh Tâm rất sợ nhận ơn huệ, ơn nhỏ lo ít, ơn lớn lo nhiều, nhưng vì được anh Tâm chỉ cách “chuyển ơn” như trong phim Pay it forward nên tôi vui vẻ nhận ơn của chị Khánh Hà.
Khi xe lùi ra khỏi drive way, hình ảnh anh Tâm xa dần dần. Dù rằng tôi biết anh Phạm Tín An Ninh đã cố tình lái xe thật chậm, để chúng tôi ghi lại thật kỹ hình ảnh anh Tâm mỉm cười, mà tất cả chúng tôi đều nghĩ đó là hình ảnh thiên thu.
Từ đó ra phi trường, chúng tôi ngồi im lặng. Không ai thốt ra một lời nào cả.
Libochu
Vài tháng sau khi dời Oslo, tôi tiếp tục nhận được tin xấu về sức khỏe của Tâm nên tôi cố dành thời giờ gọi điện thoại qua thăm Tâm. Thường, tôi chỉ nhận tin tức qua chị Khánh Hà, tôi không dám tham lam xin chị Khánh Hà cho tôi nói chuyện với Tâm. Cho tới một hôm chị Khánh Hà hỏi tôi có muốn nói chuyện với anh Tâm không. Tôi trả lời ngay có chứ, sao lại không. Bên kia đầu giây Tâm nói, “Tôi cho ông 5 phút”. Tôi liên tưởng đến hạnh bố thí của nhà Phật, người “cho” dễ hơn là người “nhận”, nay Tâm muốn “nhận” vai khó mà nhường vai dễ “cho” tôi.
Tôi kể lại cho Tâm nghe ngày đầu tiên “chúng mình mới quen nhau”. Chúng tôi cùng ở trong phái đoàn Huấn Luyện Quản Đốc Tu Nghiệp đi khảo sát tại Mỹ và Đài Loan vào đầu năm 1971. Phái đoàn gồm có 2 vị là Chánh sở Huấn Luyện của Tổng Nha Thuế vụ và Bộ Nội vụ cùng 4 chuyên viên trẻ là Ngô Thanh Tâm (Tổng nha Công vụ), Đặng Mạnh Hùng (bộ Chiêu hồi), Đặng Huyền Thanh và tôi (bộ Nội vụ).
Chúng tôi đã trải nghiệm trận động đất trong đêm đầu tiên tại khách sạn Billmore ở Los Angeles mà chúng tôi cứ tưởng là bị VC pháo kích. Tôi học được tiếng earthquake từ đó. Cảnh nhà sập đổ trước cửa Public Administration School của trường Đại học USC mà chúng tôi phải tới lớp mỗi ngày. Tôi cho Tâm biết, nhà anh chị Phạm Tín An Ninh cư ngụ tại Mỹ ở ngay trước cửa Anaheim Stadium, nơi chúng tôi đã quan sát bài học Two way communications cùng với các Quản trị viên của các xí nghiệp bằng trò chơi tinker toy.
Tâm đã cười vang khi tôi nhắc lại ngày cuối cùng ở Mỹ. Chúng tôi đã đi coi ciné suốt đêm chạy từ rạp này sang rạp khác cho đến sáng, trước khi lên xe ra phi trường. Cảnh chúng tôi quan sát công trình xây cất ký túc xá của trường Đại học UC Irvine để mong áp dụng tại Việt Nam..
Tâm cũng cười to khi tôi nhắc lại chuyện chúng tôi phải bỏ dở chuyến thăm viếng Sun Moon Lake ở Tai Chung để về kịp dự bữa cơm tối do ông Đại sứ Nguyễn Văn Kiểu khoản đãi phái đoàn Việt-Mỹ, do chính bà Đại sứ nấu các món ăn đặc biệt miền Nam. Chả là, khi từ Mỹ về Việt Nam chúng tôi mang theo Dr Von Dornum thuộc International Training Consultant đi cùng. Ông Đại sứ đã vui miệng kể chuyện tiếu lâm cho ông tiến sĩ Mỹ nghe : “Hong Kong is good for shopping but not good for bóp ping”, khi biết sau Taipei chúng tôi sẽ ghé thăm Hong Kong.
Nhân dịp này, tôi cũng xin Tâm cho phép anh Đặng Mạnh Hùng in lại truyện Trích Tiên và bài Chiêu Hồi Ngôn Từ để đăng trong Đặc san Xuân Ất Mùi (2015) của Hội Đồng hương Hành Thiện. Tâm bình thản trả lời : “Từ nay tôi cho ông toàn quyền xử dụng những tác phẩm của tôi mà khỏi cần xin phép”. Tâm của tôi nay đã “buông bỏ”, không còn “bám buộc” vào những sự việc trong cõi đời ô trọc này nữa.
Tôi nhắc lại chuyện thành lập Viện Tu Nghiệp Quốc Gia. Khi đó, bốn chuyên viên trẻ vẫn còn mang tất cả hoài bão của mình trong công việc, những mong thổi một luồng gió mới vào công tác tu nghiệp. Chúng tôi rất hăng say với lý tưởng “Học tập là sự thay đổi tác phong một cách tương đối bền vững, qua sự thay đổi thái độ, kiến thức và kỹ năng”. Và giấc mơ mong cải tiến nền hành chánh để phục vụ dân chúng một cách đắc lực theo đúng phương châm “Lo cái lo trước của thiên hạ, vui cái vui sau của thiên hạ”. Nên sau khi chương trình Huấn Luyện Quản Đốc Tu Nghiệp sắp chấm dứt, chúng tôi muốn có một cơ quan “hậu Học viện Quốc Gia Hành Chánh” để huấn luyện các công chức về các lãnh vực mà Học viện chưa có đủ thời gian trang bị kỹ năng cho sinh viên.
Chúng tôi đã tự soạn thảo Nghị Định tổ chức Viện Tu nghiệp Quốc gia. Khi Viện chính thức hoạt động, trụ sở đặt trong khuôn viên Học viện QGHC, anh Đặng Huyền Thanh được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng, hai anh Ngô Thanh Tâm và Đặng Mạnh Hùng làm Giảng sư, còn tôi bị bộ Nội vụ giữ lại cho làm Chánh sở Xuất Nhập và Di Trú.
Tôi đang say sưa nói bỗng nghe tiếng của Tâm bên đầu giây: “Năm phút của ông đã hết. Chào Libochu”.
Bốn người làm trong Viện Tu Nghiệp Quốc Gia đều nhớ Libochu là tên một nhân vật chính trong những đề tài huấn luyện Quản Đốc Tu nghiệp (QDTN). Libochu là ghép tên ba vị trong Ủy ban Phối trí (UBPT), những vị có ảnh hưởng quyết định trong việc huấn luyện công chức : Tổng giám đốc Công vụ Nguyễn Xuân Liêm, Giáo sư Viện trưởng Học viện QGHC Nguyễn Văn Bông và ông Tổng thư ký bộ Nội vụ Tôn Thất Chước. Trong buổi học giả cảnh (simulation), Libochu (tức QDTN) có nhiệm vụ thuyết phục “Quốc vương Perfecto” (do chính các vị trong UBPT thủ vai) cải tiến nền công vụ bằng phương pháp huấn luyện trong “Vương quốc Utopiana”. Màn giả cảnh này đã gây ấn tượng sâu sắc cho mọi tham dự viên, kể cả Quốc vương giả. Hơn nửa thế kỷ vẫn chưa quên, Libochu thành một câu chào từ biệt.
Đó là lời cuối và cũng là lần cuối cùng tôi được nói chuyện với Tâm để được nhắc tới cái tên thân thương Libochu của một thời đam mê và một thời bốc đồng với giấc mơ “đội đá vá trời”.
Sau đó, tôi có gọi điện thoại sang Oslo, nhưng chỉ nói chuyện với chị Khánh Hà. Tôi đã được nói chuyện với Tâm một lần như vậy là hạnh phúc lắm rồi, tôi còn tham lam gì nữa.
hình chụp năm 1971 tại Los Angeles
Từ trái: Điều, Tâm Thanh, Đặng Huyền Thanh, Đức.
hình chụp năm 1971 tại Sacramento
Từ trái: Đức, Thanh, Điều, Dr Von Dornum, Tâm Thanh, Đặng Mạnh Hùng, Chí
Món nợ và giấc mơ
Trong LTBR, Tâm Thanh có làm kết toán cuộc đời. “Quá khứ bạn nợ người lính Cộng Hòa. Họ đã lấy thân đỡ đạn cho các bạn ngồi trên ghế nhà trường, ngủ yên trong nhà ở thành phố mấy chục năm trời, mấy ngàn đêm ngày”. Và trong cuộc đời Tâm Thanh “Giấc mơ một nước Việt Nam tự do no ấm - có lẽ là giấc mơ duy nhất tan vỡ, bạn nhắm mắt trước khi thấy một tia sáng”.
“Món nợ” và “giấc mơ” Tâm Thanh đã để kín trong lòng vì không thể phơi bụng hòng chứng tỏ lòng mình cho “bàn dân thiên hạ” thấy được.
Chính vì lẽ đó mà Tâm Thanh chỉ có một di chúc. “Di chúc duy nhất của bạn là được liệm bằng cái áo lính mà Trung tâm Huấn luyện Quang Trung phát cho bạn đi ‘lính chín tuần’. Cũng cái áo này bạn mặc khi đi đạp xích-lô và vượt biên”. Chiếc áo lính này đã được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Hàng Hải Na-uy một ngày, nhân Ngày (Kỷ Niệm) Thuyền Nhân.
Khi liệm cho bố, Tiêu Dao đã tiếc chiếc áo lính chín tuần Quang Trung vì Tiêu Dao thích chiếc áo này quá. Có phải bạn đã nói cho Tiêu Dao biết tại sao bạn phải đạp xích-lô, và tại sao bạn phải vượt biên khi đất nước đã được “giải phóng” và đã được “thống nhất”. Bạn đã dậy con thế nào để Tiêu Dao có thái độ minh triết như vậy? (Mượn văn Tâm Thanh) Hay Tâm Thanh không nói gì cả, nhưng vì trong khi tiếp xúc giữa tình “cha – con” mà Tâm Thanh đã chuyển lửa giấc mơ một nước Việt Nam tự do no ấm cho thế hệ thứ hai, mà thế hệ thứ nhất Tâm Thanh chưa hoàn tất.
Chuyển giấc mơ một nước Việt Nam tự do no ấm đến thế hệ tiếp nối mới là điều quan trọng trong cuộc đời này của bạn.
Nguyễn Đắc Điều
San Diego ngày mùng 9 tháng 5 năm 2015
No comments:
Post a Comment