17 October 2014

“Hương Tràm Trà Tiên”

Đôi giòng:

Tác giả Hoàng Long Hải viết rất sống động về hoạt động của một số chức sắc tôn giáo, đặc biệt là về một hai linh mục thuộc Giáo hội Công giáo La-Mã, trong giai đoạn ông công tác ở miệt Cái Sắn. Những bạn nghiên cứu về lịch sử cận, và hiện đại của Việt Nam không thể bỏ sót những tình tiết mà tác giả đã ghi lại. SĐ-NTC
**
 *hoànglonghải
Sau hiệp định Paris 1973 một thời gian ngắn, tôi nhận được một văn thư từ trung ương gởi về, lưu ý rằng Việt Cộng đang âm mưu giết các cha, các thầy rồi đổ vấy cho nhau, cố gây mâu thuẫn giữa các tôn giáo, nhất là Phật giáo và Thiên Chúa giáo, để tạo ra những xáo trộn xã hội, tạo điều kiện cho chúng len lỏi hoạt động, phá rối trị an.Đọc xong văn thư đó chưa được mấy ngày thì vào ngày ba mươi Tết, tôi nhận được một tấm card, lớn bằng nửa trang giấy học trò. Tấm card ghi như sau, phía trên, bên góc trái:Linh mục An-tôn Nguyễn Bá Lộc Chánh xứ Kinh 1 Hà Nội.Hiệu trưởng trường Trung Học Kinh 1 Hà Nội

Bên phải, Linh mục viết tay:

Kính gởi ông chỉ huy trưởng

Trong kinh, hiện có một người có ý muốn giết cha. Nhờ ông chỉ huy trưởng giúp đỡ.

 (Bên dưới là chữ ký của cha Lộc)

Tôi biểu nhân viên lấy tắc ráng đưa tôi vào gặp cha Lộc ở kinh 1 ngay.

Cha Lộc niềm nở tiếp tôi. Chưa được năm phút, cha gọi anh trung đội trưởng nghĩa quân lên. (Chi khu Kiên Tân biệt phái một trung đội đóng thường xuyên trong nhà thờ kinh 1 của cha Lộc, đặt dưới quyền chỉ huy của ông. Thực chất, phần đông các nghĩa quân nầy là lính kiểng).

Cha Lộc nói với tôi; “Ông đi theo anh nầy – chỉ anh trung đội trưởng – Nó chỉ nhà thằng đó cho ông.”

“Thằng đó”, có lẽ là thằng có ý đồ giết cha Lộc.

Anh trung đội trưởng dẫn tôi đi, lặng lẽ, không nói gì.

Tới nhà “thằng đó”, tôi đi thẳng vào nhà. Một ông già khoảng năm hay sáu chục tuổi tiếp tôi, mời vào nhà, rót nước, nói chuyện.

Trong khi tôi đi thẳng vào nhà thì mấy anh em nhân viên đi theo tôi, tỏa ra chung quanh nhà. Một lúc, anh Nguyễn Xuân Dương, chỉ huy toán nhân viên, vào nhà, kề tai tôi nói nhỏ: “Múm được thằng bé rồi, nó trốn trên nóc chuồng bò.”

Tôi tưởng “thằng đó” là một người lớn. Người lớn mới có gan tính chuyện giết linh mục. Sao ông Dương gọi “thằng bé”. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ nét mặt tự nhiên, ngồi nghe ông già thuật chuyện:

- “Thưa ông! Cha Lộc muốn làm cho to chuyện chớ có gì đâu. Thằng con tôi dại dột. Nó cầm cây súng pháo đi chơi, rồi xuống tắm ở bến kinh. Thấy cây súng, bạn nói hỏi. Nó nói: “Có cái súng nầy, tao bắn cha Lộc.” Chuyện chỉ chừng đó mà cha báo cáo với Cảnh Sát.”

Tôi không nghĩ là chuyện chỉ chừng đó. Nó phải có một nguyên nhân sâu xa nào đó, cần phải tìm hiểu. Vả lại, cha Lộc đã thưa thì không thể làm qua loa được. Mấy ông cha, như người ta thường nói, “phiền lắm.”

Tôi nói với chủ nhà:


- “Tôi đem cháu ra ngoài Bộ Chỉ Huy, xem thử câu chuyện đầu đuôi ra sao. Xong, tôi sẽ trình bày với cha Lộc. Nếu không có gì lôi thôi, tôi sẽ cho cháu về.”

Ông già “dạ”, tỏ vẻ tin tưởng nơi tôi.

Ra về, trên ghe tắc ráng, tôi gọi thằng bé, nó khoảng 15 tuổi, đến bên tôi, hỏi sơ qua chuyện gì. Hình như cha Lộc muốn mượn tay cảnh sát, kiếm chuyện với gia đình nầy, bằng cách thưa họ. Mệt thiệt!

Tới văn phòng, thượng sĩ Phạm Văn Thanh, trưởng ban tư pháp, hỏi tôi:

- “Nhốt nó vào khám hay sao ông?”

Tôi nói, vẻ không vui:

- “Nhốt sao được. Nó có tội gì đâu, chỉ là chuyện trẻ con. Ngày mai là mồng một tết, tôi không muốn có ai ở trong khám hết. Trong khám không có tù mình ăn tết mới vui. Người có tội rõ ràng, tôi còn chưa muốn nhốt, huống gì thằng con nít nầy.”

- “Vậy cho nó về trong kinh?” Thượng sĩ Thanh hỏi.

Tôi cười:

– “Ông muốn giỡn mặt cha Lộc à? Ổng thấy mình chưa giải quyết gì mà cho nó về trỏng, ông la toáng lên thì sao? Ổng thưa tới ông Tổng thống đó.”

– “Vậy thì sao?” Thượng sĩ Thanh lại hỏi.

– “Anh có bà con với ông già thằng bé nầy phải không?” Tôi hỏi.

- “Mẹ tôi là bà con con dì với vợ ông ta. Cùng ở một xóm trong kinh, nên thường hay qua lại.”

- “Ông làm giấy bảo lãnh tạm thời đem thằng bé về ăn tết ở nhà ông đi.” Tôi cười, nói thêm: “Biểu bố mẹ nó “tăng cường” bánh chưng, bánh tét cho ông. Chờ ăn tết xong rồi tính. Nhớ đừng cho nó về trong kinh.”

Thượng sĩ Thanh gọi thằng bé theo ông về nhà. Qua tết, bắt đầu điều tra. Tôi ngán ngẩm khi đọc hồ sơ, sự việc như sau:

Thằng bé có một người anh là sĩ quan, thuộc sư đoàn 9 Bộ Binh. Anh nầy có một người bạn học cũ, hiện là phi công trực thăng. Anh xin người bạn phi công cho anh ta một cái “flare gun” (súng bắn pháo hiệu của phi công). Hôm anh sĩ quan phi công về thăm nhà, đem flare gun cho bạn, nhưng bạn anh ta hôm đó không về được. Anh gởi cây súng cho bố của bạn. Ông nầy để cây súng trên tủ thờ, có tượng Chúa Giê-Su, chờ con về đưa lại cho con.

Không ngờ thằng bé, em anh sĩ quan bộ binh, thấy cây súng hay hay, bèn lận lưng đi chơi. Trong lúc đang tức giận cha Lộc, anh ta “phát thanh” bậy một câu nên mang họa.

Hỏi tại sao ghét cha Lộc, thằng bé giải thích: Hồi năm ngoái, bố nó mua một cái máy cày John Deer để cày ruộng nhà và cày thuê cho dân trong kinh. Việc nầy đụng chạm tới quyền lợi của trưởng ấp Đông là trưởng ấp kinh 1, cũng là quyền lợi cha Lộc. Ông Đông được cha Lộc giao cho một cái máy cày của cha để cày thuê cho dân trong ấp. Trước nay, ông Đông độc quyền việc cày ruộng nầy, nay có thêm một chiếc khác nữa nên xảy ra việc cạnh tranh. Trưởng ấp Đông báo cáo sự việc với cha Lộc. Tình hình đang căng thẳng thì bỗng xảy ra chuyện thằng bé nói bậy. Thế là cha yêu cầu cảnh sát can thiệp việc có người âm mưu sát hại cha.

Giải quyết làm sao bây giờ?

“Flare gun” chỉ là súng bắn pháo hiệu, nhưng theo tôi biết, nếu bắn gần cũng có thể làm bị thương, chết người.

Tôi gọi bố thằng bé ra, nói cho ông biết hết mọi chuyện rồi khuyên ông ta xin gặp cha Lộc, xin lỗi cha về việc con mình còn dại, lỡ nói bậy. “Con dại cái mang.” Ông ta nghe lời, nhưng khi vô nhà thờ xin gặp cha, cha từ chối.

Hai ngày sau, hai ông bà cha mẹ thằng bé ra gặp tôi khóc lóc, nhờ tôi giải quyết cho thằng bé về nhà. Tôi phải đích thân gặp cha Lộc, trình bày hơn thiệt với cha, xin cha cho bố mẹ thằng bé gặp để cha bãi nại việc cha thưa thằng bé.

Nghe lời tôi, cha Lộc cho hai ông bà ấy gặp, chịu cho xin lỗi nhưng buộc họ phải đóng tiền phạt cho “nhà chung”.

Ban đầu cha đòi đóng phạt một trăm ngàn. Hai ông bà năn nỉ, tới lui nhà thờ xin xỏ nhiều lần, “Hồi lâu ngã giá ra ngoài… sáu mươi (ngàn).”

Việc cha Lộc phạt con chiên của cha như thế có đúng với luật nhà thờ, luật giáo hội Thiên Chúa La Mã hay không? Chịu, tôi không biết luật lệ đó. Và nếu như tôi có biết, tôi cũng không rõ nó đúng hay sai. Còn như đối với luật pháp quốc gia, tôi cho rằng đó là một vụ tống tiền.

Biết vậy nhưng đành chịu. Làm gì mấy ông cha?!

Làm việc ở Cái Sắn, không dễ dàng như các nơi khác! Rất nhiều người đụng chạm với các ông cha, quảy gói ra đi. Những người không phải là dân địa phương, không phải là tín đồ đạo Thiên Chúa, biết phận mình, nên có đụng với mấy cha, cũng chỉ đụng nhẹ nhàng. Căng nhứt là những người chính là con chiên của cha, khi đụng thì đụng dữ dội. Có phải họ biết “tẩy” mấy ông cha hay có tâm lý “Gần chùa gọi bụt bằng anh.” Những người giữ nhiệm vụ trước tôi như ông Thi, ông Tấn, mỗi khi gặp họ, bao giờ họ cũng hỏi mấy ông cha có làm gì phiền tôi không. Sau đó, thì họ lôi chuyện cũ đụng với mấy ông cha ra, nói liên hồi, nghe thấy mệt. Chuyện đụng chạm nhiều nhứt là với hai ông cha “đặc biệt”, gọi là đặc biệt vì hay gây đụng chạm với người làm việc cho chính quyền là cha Lộc và cha Uyển.

Khi tôi nhận sự vụ lệnh về Kiên Tân rồi, ghé thăm ông Đại Tá LCV, là người, qua nghị sĩ Hoàng Xuân T., giúp đỡ tôi, dặn:

- “Chú về dưới đó nhớ cẩn thận. Công vụ là trên hết. Thứ hai, dưới đó có 27 ông cha, liệu giao tế cho khéo. Mấy ông cha nầy hay thưa gởi lắm.”

Về tới nơi, tìm hiểu, tôi thấy ra 27 ông cha nầy tự hình chung, chia thành ba phe: Phe cha Lộc (kinh 1), phe cha Uyển (Kinh 6 Rọc Bà Ke), như tôi đã trình bày, hai ông nầy là “mặt trăng mặt trời”, “trăng mọc sao mờ”, “trăng lặn sao tỏ”. Phe thứ ba là cha Triết, cha bề trên ở kinh 5. Tuy cha Triết là cha bề trên nhưng hình như cả hai người, cha Lộc và cha Uyển đều “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” như  Từ  Hải, “có biết bề trên” nhưng không mấy quan tâm. Còn một phe nữa, cha Đức, hiệu trưởng trường trung học Thái Hòa, phụ tá là cha Vũ Văn Hà Nội, cùng một số các cha khác làm giáo sư trường nầy. Mấy ông cha nầy phụ trách về giáo dục, không dính dáng gì tới “cõi ta bà” nên cũng đỡ cho tôi. Vì công vụ, tôi cùng từng tiếp xúc với cha Đức, cha Hà Nội nhiều lần, chẳng hạn như tổ chức nói chuyện và giải thích cho bọn học trò biết về cái hại của ma túy, băng đảng, v.v… Vả lại, con gái đầu của tôi, 10 tuổi, đang học lớp đệ thất ở đây, thuộc loại mà cha Hà Nội nói với tôi: “Nó đặc biệt thông minh, xuất sắc tất cả mọi môn, nhưng cũng thuộc loại quậy, thường hay “móc đuôi” các cha.” – (lấy giấy làm đuôi lén gắn sau áo các cha để cả lớp cười chơi). Nói chung, các cha ở trường Thái Hòa đứng đắn, tốt bụng. Còn cha Triết thì tôi chỉ đến thăm một lần rồi thôi, không có gì để nhờ cha, cũng như cha cũng chẳng có yêu cầu gì.

Về cha Uyển, tôi có kể trong một bài trước, nay khỏi kể lại. Riêng về cha Lộc, tôi thấy cha có nhiều cái đặc biệt, và quả thật, tôi thấy thương cha Lộc, trước hết là vì công lao của cha đối với đồng bào dinh điền.

Như tôi đã trình bày, tình hình dinh điền những ngày đầu vô cùng khó khăn. Khoảng tháng 9 tháng 10 tây, là tới mùa nước nổi. Nước lên mênh mông, lênh láng khắp mọi nơi. Ban đầu, đường chưa đắp, nền nhà chưa cao, mỗi nhà chỉ còn cái giường là nước chưa ngập vì nước lên chừng nào kê giường lên cao chừng đó. Nấu ăn cũng trên giường, ngủ nghê cũng trên giường, và như người dân thường nói đùa “Ăn ở đâu, ỉa ở đó.”

Tới khi nước rút là mùa xuân tới, có nắng, có mưa, cây cối xanh tươi. Ruộng chưa kịp phát hoang thì lau lách đã lên um tùm, xanh mướt, chẳng còn miếng đất trống để gieo hột giống.

Cũng có người muốn làm ruộng, nhưng tình hình như thế, ai ai cũng ngán ngẩm. Có người thì chỉ có tên ở dinh điền, gia đình còn ở lại Xóm Mới, Bảy Hiền. Người có mặt ở dinh điền chỉ để… lãnh đồ cứu trợ.

Nhiều người đã bỏ dinh điền mà đi. Nhiều người chuẩn bị rời đi nếu… hết đồ cứu trợ.

Cha Lộc là người kêu gọi đồng bào ở lại, trụ lại cùng cha, cùng bỏ công khai thác đất hoang thành ruộng rẫy; sửa sang, dựng lại nhà cửa. Hễ đồng bào thiếu thức gì thiết yếu như gạo ăn, lúa giống, phân bón, xi măng, v.v… thì cha Lộc can thiệp, xin xỏ với chính quyền. Có khi cha lên tận Saigon, vào phủ  Tổng Ủy Dinh Điền, thậm chí cả Phủ Tổng thống, xin gặp Tổng thống Ngô Đình Diệm, Tổng Ủy Trưởng Dinh Điền để xin giúp đỡ dân, v.v…

Do đó, tình trạng dinh điền tốt đẹp như ngày nay là do công lao của các cha, nhất là cha Lộc đóng góp không ít. Cha có uy tín, được mọi người kính trọng cũng vì những công lao đó.

Khi các ông Tướng Thiệu Kỳ ra ứng cử, biết uy tín của cha nên cả hai ông bay về kinh 1, nhờ cha vận động giúp. Nhìn bức hình cha chụp với hai ông nầy, cha Lộc đứng giữa, hai ông hai bên thì đủ biết họ trọng vọng cha Lộc như thế nào. Vì vậy, nhiều người đến nhờ cha Lộc giúp đỡ, xin giúp việc nầy việc khác. Có người đem xe Huê Kỳ từ Saigon xuống đưa cha đi Saigon hay Cần Thơ để cha Lộc xin giúp việc gì đó.

Về việc cha Lộc che chở cho bà chủ cây xăng ở quận lỵ Kiên Tân buôn xăng lậu, mua từ bộ Chỉ Huy 4 Tiếp Vận, như tôi nói trong bài trước, nó cũng tương tự như các việc kinh tài khác của cha. Cha cho người khác mượn cái tên của cha, còn như lời lỗ bao nhiêu, người chủ lo trà nước cho cha sao đó, tôi không rõ khoản chia chác nầy. Việc nầy làm cha Lộc mang tai tiếng nhiều lắm, giống như việc cha Uyển cho người khác mượn danh để buôn cọc sắt, kẽm gai vậy.

Hai ông cha, với tiếng tăm hai món hàng đặc biệt.

Tiếc rằng, về sau, khi ghế ngồi mấy ông lớn tương đối vững, không cần các cha, nhứt là cha Lộc vận động kiếm phiếu giúp nữa thì từ Saigon có văn thư phổ biến lưu ý đồng bào rằng cha Lộc không có uy tín gì, không nên nhờ cha can thiệp những việc liên quan tới chính quyền, phê phán việc cha mượn danh chính quyền để thủ lợi.

Vợ chồng tôi là người được cha Lộc thương mến. Những khi ở nhà thờ cha có lễ lược, tết nhứt, cha đích thân ghé nhà chúng tôi mời vô tham gia. Những buổi tiệc cha mời khách xa tới, dù mời bất cứ ông lớn, ông nhỏ nào, tướng tá gì đó, cha cũng mời hai vợ chồng tôi dự tiệc chung. Trong bàn ăn, trước mặt là khách quí của cha, dù ông ta cấp bậc hay chức vụ gì thì chỗ ngồi hai vợ chồng tôi là hai bên cha. Tôi ngồi bên phải, vợ tôi ngồi bên trái. Cha không cần lưu ý tới việc tôi chỉ là sĩ quan cấp úy, ngồi bên cạnh cha, còn trước mặt là một ông tướng, ông bộ trưởng hay tỉnh trưởng.

Khi tôi làm việc ở Cái Sắn là lúc cha đang xây lại nhà thờ. Nhà thờ mới xây xong, rất lớn, rất Âu Tây, gác chuông cao, nhưng phía trong chưa hoàn tất. Chỗ cung thánh đang được xây dựng trang trí. Họa sĩ Trọng Nội được cha Lộc mời trang trí bàn thờ Chúa và vẽ tranh ở cung thánh. Mỗi tháng cha Lộc phải trả 40 ngàn đồng cho họa sĩ, đã ba tháng rồi mà công việc mới được một nửa.

Cha Lộc thường nói với tôi rằng việc xây nhà thờ mới tốn kém lắm. Chỉ một việc trả tiền công cho họa sĩ Trọng Nội, tôi thấy cha cần nhiều tiền là phải. Có lẽ, phần lớn số tiền cha Lộc có, được chi vào việc xây dựng nhà thờ, một ngôi nhà thờ, như cha Lộc nói với tôi: “Lớn nhất, đẹp nhất ở dinh điền Cái Sắn nầy.”

Nhìn kỹ sự việc, tôi thấy một điều rõ là các ông cha nầy bị người ta lợi dụng, nhất là cha Lộc. Từ chủng viện, ngoài kinh sách,  cha Lộc không có kiến thức, kinh nghiệm gì về cuộc sống ngoài đời. Học ở chủng viện xong là coi như chấm dứt việc học hành. Sau đó thì sách không đọc. (tôi thấy tủ sách cha Lộc chưa tới vài chục cuốn, toàn là sách đạo – Thiên Chúa -), không bao giờ cha nói với tôi về việc đọc sách, đài phát thanh trong nước cũng như ngoại quốc không nghe, dài dài ngày tháng quanh quẩn trong kinh, nhiều lắm là ra tới quận, lâu lâu đi Saigon, khách tới thăm thì vâng, dạ nhiều hơn là trình bày việc nước, việc đời với cha. Các cha phần đông lại ưa nịnh, khác xa với các linh mục dạy tôi ở đại học, tốt nghiệp từ Pháp về. Do đó, các cha ở thôn quê, phần đông thật thà, bị người khác lợi dụng là điều không khó hiểu.

Giữa năm 1973, khi Việt Cộng tấn công và chiếm một ấp thuộc xã Tân Hội, ấp nầy sát với Tà Keo, là nơi đầu tiên Nguyễn Tấn Dũng làm du kích cho Việt Cộng, bỗng nhiên cha đem trung đội nghĩa quân đi đánh Việt Cộng.

Trước khi di cư, khi còn làm linh mục của một họ đạo nào đó ở Thái Bình, cha Lộc kể: “Cha thường đem Dân Vệ đi đánh nhau với Việt Minh.”

Tôi nhớ khoảng năm 1950, ở xứ tôi, nhiều làng có Dân Vệ là lực lượng bán quân sự ở thôn quê, thường là những làng có đạo, tự họ chống lại Việt Minh, bảo vệ làng. Họ có những cây súng cổ lổ sĩ, loại 24-29, “pọc hoọc” hay Mousqueton, có loại dài như cây sào giữ vịt. Lực lượng Dân Vệ của cha Lộc có lẽ cũng như thế.

Quân đội Quốc gia lúc đó chỉ mới có Mas 36, chưa có Garant M-1 thì làm gì họ có súng hiện đại hơn, nhưng cũng đủ chống lại mã tấu của Việt Minh.

Tôi hỏi cha Lộc: “Cha đem lính qua bên kinh?” (Núi Sập). Cha Lộc trả lời: “Không, cha ở bên nầy, nã cho bọn nó mấy quả mọoc 60”.

Tinh thần chống Cộng của cha cao như vậy đó. Vậy mà ít lâu sau, cha Lộc lại nói với tôi: “Việt Cộng gởi thư cho cha, gọi cha là “Kính thưa cha cố” đấy! Họ gọi cha là cha cố”.

Cha nhấn mạnh hai chữ cha cố. Cha thích thú khi thấy Việt Cộng gọi cha là cha cố. Thật tội nghiệp cho sự ngây ngô của cha. Cha từng mấy chục năm chống Việt Cộng mà cha còn ngây ngô vậy hay sao! Nghĩ vậy, tôi nói nửa đùa nửa thật: “Nếu cần thì bọn chúng gọi cha là ông nội, ông cố, là ông thánh của chúng nó cũng được. Nhưng hễ chúng nắm được cha rồi thì cha chỉ có nước chết với chúng mà thôi! Cha đừng tin tụi nó!” Cha Lộc làm thinh, không nói, không cười.

Sau 1975, từ Cái Sắn cha chạy lên Saigon, trốn trong khu hưu dưỡng của các cha già ở nhà thờ ngã sáu. Mấy người quen ở Cái Sắn nói với vợ tôi – khi đó tôi đang ở trong trại “tù Cải Tạo” – rằng Việt Cộng nói rằng cha Lộc là “Chuẩn tướng CIA” – Bọn chúng ghét cha lắm, thù cha lắm. Vậy mà khi nghe chúng gọi cha bằng cha cố, cha lại khoái. Cha không biết tụi nó nịnh cha, muốn lợi dụng cha hay sao? Gì chớ về khoản nịnh và lợi dụng, Việt Cộng không thiếu tài. Vậy mà cha Lộc còn nghe chúng được. Cha chống Cộng bao nhiêu năm mà chẳng có kinh nghiệm chống Cộng hay sao?

Trước khi “đóng tiền đi ở tù”, vợ chồng tôi tới thăm cha. Cha chỉ xuất hiện ở cái ô nhỏ nơi cánh cửa cổng, nói: “Cám ơn các con. Về đi, nguy hiểm lắm.” Tới bây giờ cha mới biết rằng Việt Cộng nguy hiểm lắm hay sao?! Đọc hồi ký Võ Long Triều, tôi thấy tác giả có nhắc tới cha Lộc ở trong khám Chí Hòa. Có người quen nói với tôi cha cũng qua đời trong cái nhà tù đó.

Quả thật, tôi không có ác cảm gì với các ông cha. Họ cũng là người, có tốt, có xấu và dĩ nhiên, họ tin Chúa. Tin tới mức độ nào, tôi không rõ. Nhưng các cha thường có cách nói: “Chúa cho.” hay “Chúa gọi về” khi nói tới cái chết. Tôi không tin như thế. Tôi nhớ có một hôm, khi còn ở Saigon, đi công tác ở Long Khánh về, tôi biểu tài xế ghé Hố Nai 1 – Hà Nội, thăm môt anh trung sĩ nhân viên của tôi. Cảnh nhà anh trung sĩ cũng không nghèo, nhờ vợ làm bồi cho căn cứ Mỹ Long Bình. Anh có một bầy con. Nếu chỉ sống bằng lương trung sĩ, chắc anh ta không đủ gạo nuôi con. Tuy nhiên, trong số các con của anh có một đứa khoảng 3 hoặc 4 tuổi là Mỹ lai. Rõ lắm: Tóc nâu, mắt xanh. Cũng giống như các đứa khác, con bé gọi anh trung sĩ bằng bố, gọi vợ anh bằng mẹ. Đứa bé chính do vợ anh đẻ ra, không phải con nuôi. Trên đường về, trung sĩ Thiều, người lái xe cho tôi đi hôm đó, cũng là một tín hữu Thiên Chúa, nói với tôi: “Anh Nh. may mắn, nhờ chúa cho nên cũng khá giả.” Tôi nghĩ thầm, không nói ra, sợ mất lòng Thiều: Chắc chắn đứa bé lai, dù Chúa có cho thì cho vợ anh ấy, chớ không phải cho chính anh. Anh ta không vui gì khi Chúa cho gia đình anh môt đứa bé lai như thế.

Tôi là người hữu thần. Tôi tin Tạo Hóa. Không có Tạo Hóa làm sao có cuộc sống kỳ diệu ở cõi đời nầy. Chỉ có mấy chất hữu cơ, do đâu mà khi kết hợp nhau thì nó thành nước, thành rượu, thành metan, thành acetylen, v.v…

Tôi nhớ năm học đệ nhất, có anh bạn hay thắc mắc, mỗi khi giảng về các công thức khai triển, thầy nói cái nầy là chất nầy, cái nầy là chất kia, v.v… Anh bạn tôi cứ thắc mắc hỏi thầy “Tại sao?” sau khi thầy giải thích xong về một chất. Nó thắc mắc đúng đấy: Cũng C (carbon), cũng H (hydro), cũng O (Oxy) tại sao khi thì thành chất nầy, khi thành chất kia… nó hỏi hoài, có lần, ông thầy tôi, đậu cử nhân khoa học, bực mình nói: “Tự nó kết hợp mà sinh ra như vậy. Cứ hỏi tại sao?” Một lúc, hình như không nén được giận, ông ta nói: “Tại sao? tại sao? Vậy tại sao cha mày lấy mẹ mày mà sinh ra mày?” Cả lớp muốn cười nhưng biết thầy đang giận nên không dám cười.

Khoa học chỉ biết như thế, còn như tại sao nó thành chất nầy mà không thành chất kia thì đó chính là do Tạo Hóa. Tạo Hóa mầu nhiệm, làm sao con người biết được.

Quả thật tôi tin Tạo Hóa, tôi tin có Tạo Hóa, có sự mầu nhiệm ở cõi đời nầy. Do đó, tôi không thể tin Cộng Sản được. Cộng Sản vô thần. Nhưng bảo tôi tin Chúa, tin Phật là thượng đế hay con cái của thượng đế thì tôi cũng không tin nốt. Chúa, hay Phật hay ông Khổng, ông Lão chỉ là những “siêu nhân”, theo một ý nghĩa nào đó. Nói cho đúng, họ chính là sản phẩm, là kết tinh, là tinh hoa của các nền văn minh nhân loại: Văn minh Trung Hoa sản sinh ra ông Khổng, ông Lão. Văn minh Ấn Độ sản sinh ra ông Phật và ông Chúa là sản phẩm của nền văn minh Địa Trung Hải. Từ họ mà có các tôn giáo trên thế giới nầy.

Kinh nghiệm cho thấy, trong cuộc sống của loài người, không có tôn giáo thì không được. Không có tôn giáo làm sao có đạo đức. Rõ ràng không có tôn giáo, không thể có đạo đức. Tôn giáo làm ra đạo đức. Tiêu diệt tôn giáo là tiêu diệt đạo đức. Sống dưới chế độ Cộng Sản, người ta thấy rõ điều đó hơn đâu hết.

Sau đó ít lâu, tôi đem câu chuyện cũ kể với ông Nguyễn Đức Nghiêm, phó quận trưởng – Sở dĩ tôi hay nói chuyện thường với ông ta, không phải ông ta có trách nhiệm gì, nhưng ông là người có trình độ kiến thức, thông hiểu nhiều vấn đề phức tạp, tư tưởng cấp tiến. Ít ra, ông cũng đã tốt nghiệp đại học, xuất thân Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, khác với các kỹ sư ở nhà máy Ximăng Hà Tiên. Các ông nầy tuy tốt nghiệp đại học, nhưng chỉ giỏi ở lãnh vực chuyên môn. Tôi nói:

- “Trung ương tiên liệu được vấn đề xung đột tôn giáo như vầy cũng là hay. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, về tôn giáo ở đây không dữ dội như ở Huế. Chuyện nầy ở Huế mệt lắm, phần đông bên nào cũng cuồng tín nên rất dễ xung đột.”

Phó Nghiêm nói:

– “Cộng Sản gọi tôn giáo là thuốc phiện. Ông biết không?”

– “Biết chớ sao không! Vì thuốc phiện nên người ta dễ mê, dễ cuồng tín. Hễ mê với cuồng tín thì không rứt ra được.” Tôi nhận xét.

Phó Nghiêm nói:

– “Lòng người ta có ác có thiện. Hễ cuồng tín rồi thì cái thiện ít đi mà cái ác nhân lên.”

Tôi nói:

– “Dân ở đây hơi lạ. Ngay cả dân có đạo trong núi Trầu cũng không cuồng tín, nói chi tới dân An Bình. Không cuồng tín thì bớt mâu thuẫn, bớt xung đột. Việt Cộng khó lợi dụng, mình cũng khỏe.

Sau khi nói chuyện với ông phó quận xong, tôi họp nhân viên, nêu vấn đề, giao công tác. Ngoài việc theo dõi các cựu can phạm, các hồi chánh viên sát và kỹ hơn, đặc biệt theo dõi các người gần gũi với các ông cha, các ông thầy. Tôi nói với nhân viên:

– “Các ông cha, các ông thầy, tôi không ngại. Mình biết rõ họ, nhưng với những người thân cận với các cha các thầy thường dễ bị Việt Cộng lợi dụng, xúi bẩy. Có khi chính họ là Việt Cộng nằm vùng, núp kín lắm, mình không hay, không ngờ. Các ông thầy trẻ trên chùa ông Bổn, nơi đó vắng vẻ, ban đêm Việt Cộng dễ mò ra tuyên truyền, xúi bậy. Họ ngây thơ, dễ nghe theo. Vậy nên theo kỹ các ông thầy chùa nầy. Các ông thầy chùa Miên, sợ quốc gia, cũng không ưa Việt Cộng nên không đáng ngại, nhưng cũng không nên bỏ qua, ỷ y. Thiếu úy Kiệt cắt người theo dõi những nơi tôi vừa nói, giao mấy ông thầy trẻ trên chùa ông Bổn cho Năm Hùng thì hay lắm.”

Thiếu úy Kiệt gật đầu với tôi, tỏ ý vâng lời.  Sau buổi họp, tôi kể cho thiếu úy Kiệt nghe cuốn phim “Ông Đại Sứ” do Marlon Brando đóng (1). Phim hay lắm và chính là một kinh nghiệm, một bài học cho ai hoạt động trong lãnh vực tôn giáo.

Thật ra, ở Kiên Lương, tình hình các tôn giáo không có gì phức tạp. Về tôn giáo có 4 thành phần khác nhau: Đạo Phật của người Việt, đạo Phật của người Miên, Thiên Chúa Giáo và Hòa Hảo. Không có đạo Cao Đài. Có một số người, cũng là Phật tử nhưng hay đi cúng miễu như miễu Bà Chúa Xứ ở Ba Hòn, ngọn núi sát biển, thuộc xã Dương Hòa.

Đạo Phật của người Việt có hai chùa. Chùa ông Bổn là một ngôi chùa cũ, dựng lên từ hồi xưa, trước 1945. Chùa nằm trên một ngọn đồi nhỏ, phía đông nam quận lỵ Kiên Lương. Có lẽ chùa có ông sư già, đã viên tịch hồi nào, tôi không biết. Khi tôi vào thăm chùa thì chỉ thấy mấy ông thầy chùa trẻ, khoảng trên dưới ba chục tuổi. Vì chùa thống thuộc Giáo Hội Việt Nam Thống Nhứt nên các ông thầy chùa nầy được hoãn dịch vì lý do tu sĩ. Rất ít tín đồ lui tới cúng bái, nên chùa nghèo. Các thầy sinh hoạt theo truyền thống đạo Phật Việt Nam từ xưa, tự làm ruộng, trồng tỉa rau ráng, làm tương chao. Khi tới mùa khô họ cũng vào mùa “Kiết hạ an cư” như truyền thống tu học của đạo Phật nước ta vậy. Thỉnh thoảng, tôi có mời ông thầy chùa lớn tuổi nhứt tới văn phòng tôi, hỏi thầy về phong thổ, tử vi. Ông cũng là người rành rẽ về các việc nầy.

Chùa thứ hai, cũng thuộc hệ thống Giáo Hội Việt Nam Thống Nhứt, ở ngay quận lỵ. Chùa nầy đông phật tử, nhứt là các gia đình gốc Tàu.

Năm 1972, Việt Cộng đánh phá nhiều nơi, quận Kiên Lương cũng bị tấn công. (Xin xem lại bài 20 của anh Đinh Nam Triều), chùa bị sụp đổ hoàn toàn. Đại đức trụ trì chùa nầy, cũng còn trẻ, xuất thân Phật Học Viện, dựng tạm lại trên nền chùa cũ một mái chùa bằng “tôn”, tạm che mưa nắng, để làm nơi thờ phật và để phật tử có nơi lui tới cúng bái, lễ tết hằng năm. Chùa có được ty Xã  Hội “bồi thường chiến tranh”, nhưng tiêu chuẩn cũng như dân chúng, không có gì gọi là ưu đãi, có nghĩa là chùa nhận 40 ngàn tiền mặt, và 20 tấm tôn lạnh (của Úc Đại Lợi viện trợ), chứ không nhiều hơn ai.

Phật tử phần đông thì nghèo, ngoài tiền bồi thường ít ỏi, chùa không có phương tiện nào khác, ông đại đức phải ngồi chờ gom tiền phước sương để xây lại chùa. Việc gom tiền kéo dài lâu quá, tới 30 tháng Tư -1975, tiền vẫn chưa đủ. Việt Cộng chiếm miền Nam rồi, cho rằng tôn giáo mê tín dị đoan, cản trở con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội là con đường “thiên đường hạ giới”, nhanh hơn đường lên niết bàn, nên ông thầy chùa bị đuổi đi.

Ông đại đức bị đuổi đi. Ông bỏ chùa, bỏ đệ tử, rồi trôi nổi về đâu cũng chẳng ai hay biết!

So ra, nhà thờ cha Đại gần đó, cũng bị hư hại vì chiến cuộc; giáo dân, so với phật tử cũng ít hơn, vậy mà cha đã dựng lại nhà thờ, và cha đốt một lò vôi kiếm tiền xây tháp chuông như tôi kể trong một bài trước. Cha Đại biết xoay xở, có kế hoạch và cũng được giáo hội hỗ trợ ít nhiều.

Mấy thầy trẻ trên chùa ông Bổn cũng bị Việt Cộng bắt hoàn tục, mặc dầu mấy ông thầy nầy đi tu thì cũng tự canh tác lấy mà sống chớ có bám vào lưng ai đâu, chớ đừng nói là mấy thầy “Ngồi mát ăn bát vàng” như Việt Cộng thường chê trách những ai giàu có. Chùa bỏ hoang. Cõi đời nầy đúng là cảnh trầm luân! Đạo Phật càng ngày càng suy vi là phải!

Thật ra, vấn đề suy vi của đạo Phật phải nói lại từ đầu, từ khi người Việt vào định cư, khai khẩn đất Nam phần, đặc biệt là kể từ khi Pháp xâm lăng nước ta.

Như tôi đã có lần trình bày, đạo Phât du nhập vào nước ta từ hơn hai ngàn năm trước, theo con đường trực tiếp từ Ấn Độ sang nước ta, hay theo con đường gián tiếp, từ Ấn Độ qua Trung Hoa rồi đi dần về phương nam mà tới vùng lưu vực sông Nhị, là thổ địa nước ta hồi đó.

Trong quá trình Nam tiến, trong hành trang của những lưu dân hồi đó, họ mang theo trong tâm tư họ đạo Phật theo phái đại thừa. Đến khi nhà Nguyễn thống nhứt sơn hà, củng cố nền cai trị, thì nhà Nguyễn áp dụng triệt để Tống Nho để bảo vệ và củng cố ngai vàng. Tuy nhiên, từ Huế là điểm giữa, miền Bắc trọng Nho thì miền Nam phần đông dân chúng theo đạo Phật. Cuộc sống nơi xứ lạ, người ta cần tình thương, tương trợ, giúp đỡ, che chở cho nhau. Trong ý nghĩa đó thì vai trò của đạo Phật hữu hiệu hơn đạo Nho.

Trong tiến trình định cư, xây dựng cuộc sống ở vùng đất mới, đạo Phật đại thừa của lưu dân, hòa trộn với tiểu thừa của người Miên, pha trộn với bùa chú của dân tộc nầy. Nói theo sách vở thì môn phái Tịnh Độ Tông, Thiền Tông của lưu dân pha trộn với Mật Tông của người Miên. Từ đó, trong đạo Phật của người miền Nam, vừa có chùa đại thừa, vừa có am của tiểu thừa, pha trộn với cốc của các ông đạo. Ông đạo là một sản phẩm tôn giáo đặc thù của người dân miền Tây Nam Bộ, nó vừa là Mật Tông của Phật, vừa vô vi siêu thoát của Lão, vừa bùa chú của người Miên,

Từ cung cách sinh hoạt như thế, bề ngoài, người ta tưởng như đó là tính cách hiện đại hóa Phât giáo cho phù hợp với tình hình dân chúng địa phương, nhưng thật ra, đó chính là sự xa rời kinh sách tôn chỉ của đạo Phật, nhất là Thiền Tông và Tịnh Độ Tông làm cho đạo Phật suy vi.

Chính vì sự suy vi đó mà vai trò của ông Đoàn Minh Huyên nổi bật lên. Việc ông thành lập tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Tứ Ân chính là sự khôi phục đạo Phật theo một đường lối mới, thích hợp với dân chúng. Vì tính cách thực tiển và hữu ích của Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa nên đồng bào tôn sùng, ngưỡng mộ, theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương càng ngày càng đông, trở thành một tôn giáo mới, đặt căn bản trên đạo Phật.

Dù ông Đoàn Minh Huyên đã có công phục hưng đạo Phật qua tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Phật càng ngày càng bị đàn áp mạnh mẽ, dữ dội, kể từ khi Pháp xâm lăng Việt Nam.

Trước hết là việc xâm lăng Nam bộ, sau đó lan dần ra phía Bắc, theo chân bọn thực dân Pháp chiếm đóng nước ta là bóng đen của các tu sĩ đạo Thiên Chúa, là những người Việt “tân tòng”, làm quan chức cho Pháp để mưu cầu danh lợi. Họ dựa vào thế lực của thực dân Pháp để bành trướng tôn giáo; thực dân Pháp cũng dựa vào các tu sĩ Thiên Chúa giáo để củng cố ách cai trị. Hai bên song hành, dùng đủ mọi biện pháp của chính họ và của nhau để đàn áp, tiêu diệt đạo Phật. Trong nhiều trường hợp, ở một nơi nào đó, nếu cần thiết, cả hai bên hợp tác chặt chẽ để thực hiện ý đồ của mình. Thực dân thì củng cố nền cai trị bằng cách đàn áp khốc liệt dân chúng, giết chóc, tù đầy những người yêu nước. Các linh mục thì dụ dỗ “rửa tội” để dân chúng được che chở, tránh sự đàn áp của Pháp. Nhiều xóm, làng từng là cơ sở, căn cứ của nghĩa quân nổi lên chống Pháp bị bọn thực dân Pháp đốt sạch, giết sạch. Tiếp theo tiếng súng của bọn Pháp là sự “giúp đỡ” của các tu sĩ Thiên Chúa giáo. Đó là một trận chiến hiệp đồng tuyệt hảo đều có lợi cho cả hai phe phi-dân-tộc.

Vì chính sách đó, nên sau khi có những làng nổi lên chống Pháp, đi theo các phong trào của Nguyễn Trung Trực, Trương Định, v.v…(- ở Nam bộ -) những làng nổi lên theo Phong Trào Cần Vương, Phong Trào Văn Thân ở Trung và Bắc Bộ bị tiêu diệt hoàn toàn  hay “trở lại đạo toàn bộ.” Chỉ có cách đó, người dân trong làng mới được ở yên, sống yên, không còn bị Pháp tới lùng bắt hay đốt phá làng để tiểu trừ nghĩa quân nữa.

Đó là lý do chính yếu nhứt làm cho Phât giáo càng ngày càng thêm suy vi.

Đến đầu thế kỷ 20, nhiều người thấy rõ sự suy vi đó của đạo Phật, bèn tìm cách phục hưng. Nhìn chung, sự suy vi của đạo Phật cũng có nghĩa là sự suy vi của dân tộc.

Bắt nguồn từ Bửu Sơn Kỳ Hương, ông Huỳnh Phú Sổ xây dựng nên đạo Phật Hòa Hảo. Đó là một tôn giáo mới, một đạo Phật mới với những lời cầu nguyện bình dị, dễ hiểu, pha lẫn với “sấm truyền” chịu ảnh hưởng Mật Tông, hòa hợp giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa.

Nét đặc thù chính yếu đạo Phât Hòa Hảo là phổ biến, truyền bá trong giới bình dân, trong số đồng bào làm nghề ruộng rẩy, săn bắt, lao động chân tay, v.v… Nhờ tính chất thực tế, và đơn giản, nhắm vào việc“tu hiền”, hiếu thảo cha mẹ, anh em, ăn ở phúc đức, hiền lành, cứu người giúp đời, đúng với tình cảm và tâm lý của người Việt nên Đạo Phật Hòa Hảo đã phát triển rất nhanh. Trong chiến tranh Thế giới Thứ hai, chính sách Đại Đông Á của Nhật Bản là chống lại các đế quốc, thực dân cai trị các nước nhược tiểu. Chính sách đó gần gủi với tinh thần người Việt, chống lại ách cai trị bóc lột và tàn ác của thực dân Pháp. Từ căn bản đó đạo Phật Hòa Hảo với tinh thần Tứ Ân, sau ân cha mẹ là “Ân đất nước” đã có những tiếp xúc với quân đội Nhựt, hầu mong tìm một ngày độc lập cho dân tộc. Cũng từ ý nghĩa đó, đạo Phật thành lập Dân Xã Đảng (Dân Chủ Xã Hội) cũng như lực lượng quân sự để chống Pháp khi Pháp quay trở lại Nam Bộ hồi tháng 9 năm 1945. Đây cũng là lực lượng chống Cộng rất tích cực và hữu hiệu sau khi Việt Cộng sát hại Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ.

Tuy nhiên, tình hình đạo Phật Hòa Hảo ở hai quận Kiên Tân và Kiên Lương có phần khác nhau: Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở Kiên Tân đông hơn và sinh hoạt mạnh hơn.

Như tôi trình bày trước đây, tín đồ Phât giáo Hòa Hảo ở Kiên Tân có một ngôi chùa chung, có ba phe Phật giáo Hòa Hảo tranh chấp nhau ngôi chùa nầy.

Ngoài ông Lê Minh Châu là người như tôi đã kể trước đây, đem lựu đạn vào chùa để phòng thủ chống lại hai phe Phât Giáo Hòa Hảo kia, còn có một ông Châu khác nữa. Ông nầy trước kia là một hạ sĩ quan trong một đơn vị Địa Phương quân thuộc tỉnh Kiên Giang. Sau đó, ông Châu nầy đào ngũ, bỏ lên Saigon. Khoảng cuối năm 1973, ông ta tham gia một lực lượng ma, cùng mấy người khác nữa, họp nhau ở Khánh Hội, tự trao cấp bậc cho nhau. Ông Châu tự phong làm “thiếu tướng không quân” (làm tướng nhưng không có quân đội). Khi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh truy tố thì ông Châu trốn về Kiên Tân. Hôm ông quận trưởng Huỳnh Đầm Sắn được lệnh đi bắt ông ta, ông quận trưởng kéo tôi cùng đi, chỉ để làm chứng, sợ “mấy ổng” vu cáo, bày chuyện thưa gởi lung tung. Khi ông quận trưởng đến nhà Châu, ông ta đứng ngoài (tránh không vào nhà), gọi lớn” “Châu, mày ra đây. Mày lên Saigon làm gì trên đó nên tao được lệnh đi bắt mày!” Tôi thấy “ông tướng Châu” nầy líu ríu mặc áo đi ra xe theo ông quận trưởng. Hỏi ra, tôi biết thêm, ông quận trưởng trước kia là cấp chỉ huy trực tiếp của “ông tướng Châu”.

Tôi chưa từng đọc một tác phẩm nào nghiên cứu về tình cảm, tư tưởng và tâm lý của những lưu dân khi họ đến định cư ở vùng đất mới. Dù là lưu dân của vùng viễn Tây Hoa Kỳ hay lưu dân Việt Nam ở miền Tây Nam bộ, họ có những tâm lý, tính khí giống nhau: Những chàng cao bồi xứ Mỹ cởi ngựa quăng giây giỏi cũng chính là những anh hùng cứu khổn phò nguy cứu giúp dân lành. Họ chính là Lục Vân Tiên của miền viễn Tây: “Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.” Bên cạnh đó, họ cũng mang đậm nét tướng cướp Phong Lai và cũng mang giòng máu anh hùng Từ Hải: “Một lời đã biết đến ta, trăm chung nghìn tứ cũng là có nhau.”

Tính khí đó pha hợp với nhau rất phức tạp trong tâm hồn Ba Cụt, Năm Lửa (2) và những người theo họ. Họ có thể là người giàu lòng nhân ái, tính khí trung trực, nhưng lại ưa sống ngoài vòng luật pháp, ưa chuyện phiêu lưu và cả việc làm những điều tham lam, độc ác.

Gốc gác những lưu dân Nam Bộ, không hẳn vì đói nghèo mà tha phương cầu thực. Họ giống như những đợt lưu dân đầu tiên từ Châu Âu đến vùng Bắc Mỹ, có một nét chung là bị đàn áp ở quê nhà.

Một số người là binh lính Chúa Nguyễn. Khi Tây Sơn khởi nghĩa, chúa Nguyễn chạy trốn vào miền Nam. Họ cũng theo chúa vào Nam. Đến khi “Gia Long tẩu quốc”, họ không theo chúa Nguyễn qua Xiêm la được, đành mai danh ẩn tích, tìm nơi trốn tránh ở chốn kinh cùng rạch chẹt.

Đến khi Gia Long lên ngôi, họ không về theo chúa nữa. Cuộc sống trốn tránh bao nhiêu năm đã tạo nên cho họ một đời sống ổn định, bình yên. Họ không còn muốn tham gia vào những cuộc chém giết giữa những đồng bào cùng một giòng máu, một dân tộc. Đến lúc đó thì miền Tây Nam Bộ đón nhận một đợt lưu dân mới. Họ chính là những người trước kia từng theo phò Tây Sơn, nay đang bị Gia Long lùng bắt, nên từ Quảng Nam, Bình Định họ chạy trốn vào đây.

Hai hạng người, trước kia từng ở hai chiến tuyến đối nghịch nhau, nay đồng cảnh ngộ: Trốn chạy chính sách hà khắc, lưu lạc quê người. Sự đồng cảm đã kéo họ lại gần với nhau, trong từ bi hỉ xã của đạo Phật, họ sống nương nhờ nhau ở một nơi ca dao có câu:

                Tới đây đất nước lạ lùng

                 Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh!”



Rõ hơn là trong câu ca dao:

Rồng chầu ngoài Huế

&

Trong bối cảnh lịch sử xã hội giống như tình hình lúc hình thành đạo Phật Hòa Hảo, đạo Cao Đài ra đời.

Đạo Cao Đài tên thường gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một hình thức phục hưng đạo Phât trong giới trí thức miền Nam.

Vùng tôi phục vụ trước 1975 rất ít tín đồ đạo Cao Đài sinh sống tại đây nên tôi không bàn tới.

&

Nhìn chung, đạo Phật chưa bao giờ được chính quyền ngó ngàng xem tới chứ đừng nói là được hưởng những gì ưu đãi, trong khi tư tưởng Phật giáo đã thấm sâu vào lòng dân tộc.

Do tình trạng suy vi, đạo Phật đã bị nhiều người lợi dụng làm cho nó biến thái, trở thành một thứ mê tín dị đoan, bùa mê thuốc lú, sản sinh ra nhiều ông đạo như đạo Sờ, đạo Liếm, phật không ra phật, thánh không ra thánh, nặng tính chất bùa chú, bán cho những người dân chất phát, thật thà, ngu dốt để họ xin xỏ Phật tổ những thứ mà Phật không thể có được, không đúng với bản chất của đạo Phât là một tôn giáo cứu khổ và giải thoát chúng sanh.

Trong hoàn cảnh suy vi của đạo Phật như thế, hàng trăm năm qua, bên cạnh những nhà thờ lớn, nhà chung lớn xây dựng liên tiếp, mở rộng, thì nhiều chùa, miễu bị phá bỏ đi để xây dựng nhà thờ. Sinh hoạt Phật giáo càng ngày càng co cụm lại, sống âm thầm đâu đó trong cảnh nghiêng chùa đổ chái, hay trong truyền thống dân tộc, lưu tồn một cách kín đáo trong tâm hồn của những nông dân nghèo khó, ít học, sống lam lũ ở nơi bùn lầy nước đọng, hạn chế tiếp xúc với cuộc sống văn minh vật chất, với sự cấu kết quyền lợi giữa các giai cấp thống trị mới.

Tài sản của chùa và nhà thờ khác nhau một trời một vực. Bằng nhiều phương cách, kể cả việc xử dụng thế lực hay mua bán, cho vay nặng lãi, trong khi mỗi nhà thờ là một địa chủ, có nhiều đất ruộng cho tá canh, thì mỗi chùa chỉ có năm ba sào ruộng, đủ để trồng lúa nuôi tăng chúng. Nhà chùa tự trồng tỉa rau ráng, tự làm tương chao. Việc tu bổ, sửa sang chùa chiền, hoàn toàn trông cậy vào tín đồ đóng góp đa thiểu, tùy đạo tâm, chớ nhà chùa không có một thứ giúp đỡ nào khác, từ chính quyền hay từ viện trợ bên ngoài, ngay cả thứ hàng thường thấy nhan nhản ở miền Nam trước 1975, với tấm nhản hiệu hai bàn tay bắt nhau, có hàng chữ “Mỹ Quốc Viện Trợ.”

Sau 1975, tài sản của tất cả mọi tôn giáo, dù ít dù nhiều, đều bị Việt Cộng tịch thu. Trong tình hình hiện nay, chính quyền Hà Nội bắt buộc phải trả tài sản lại cho các tôn giáo. Trong tình trạng đó, tài sản của đạo Phật, của Phật giáo Hòa Hảo, chỉ là một thì tài sản của giáo hội Thiên Chúa bằng mười, bằng hai mươi. Một ông giáo sư cũ của tôi, người từng là một nhân vật thân cận với ông Ngô Đình Cẩn, khi ông Cẩn còn là “Lãnh chúa miền Trung” nói với tôi cách đây mấy năm:

“Khi về làm tổng giám mục địa phận Huế, lấy thế là anh tổng thống Ngô Đình Diệm, ông ta buộc chính quyền chuyển nhượng tất cả số “Ruộng Ngự” - Ruộng trồng lúa cho vua và hoàng triều dùng, tên người Huế thường gọi là “Đồng An Cựu – và toàn bộ các ngọn đồi quanh dòng tu Thiên An cho giáo hội.”

Đó chỉ mới là một thí dụ điển hình.

Thật ra, sự mâu thuẫn tôn giáo ở miền Tây Nam bộ không sâu sắc như ở Huế. Ở đây, sự xung khắc trong mỗi tôn giáo là chính nó với bản thân nó. Thiên Chúa giáo thì mỗi cha một cõi. Hòa Hảo thì có ba phe. Đạo Cao Đài không mạnh như ở Gò Công, Định Tường, Bến Tre.

Sự xung khắc giữa đạo Thiên Chúa và đạo Phật ở Huế, và các tỉnh miền Trung khá kịch liệt. Nó bắt nguồn từ “những tên thực dân mặc áo thầy tu” – như người ta thường gọi – từ cuộc xâm lăng của Thực Dân Pháp, từ “Phong Trào Cần Vương”, “Bình Tây Sát Tả” kéo dài tới cả trăm năm sau. Nhưng vấn nạn đó, ít thấy ở miền Tây nên không bàn dông dài.

Thật ra, tôi không phải là một phật tử, theo nghĩa thông thường. Tôi đến làm việc ở đây, không mang môt mặc cảm, một đặc tính nào về một tôn giáo nào. Tôi không tin tưởng mù quáng vào ông Phật hay ông Chúa. Nhưng tôi tôn trọng đặc biệt vào ý nghĩa đạo đức của tôn giáo. Quan điểm của tôi, trong viễn tượng đó, rất bình dân, mà không cuồng tín. Đó cũng chính là đời sống tôn giáo của những người dân nghèo khổ ngu dốt nơi tôi đến, để được gọi một cách văn vẻ là “phục vụ đồng bào”.

hoànglonghải

(1)-“Ông Đại Sứ” là một cuốn phim Mỹ, tài tử chính là Marlon Brando. Chuyện phim là một ông thấy chùa thiên tả, lãnh đạo tín đồ chống lại chính quyền nước đó. Khi tình hình thuận tiện đã tới, quân du kích do Tàu Cộng hỗ trợ, nổi lên cướp chính quyền. Tên cán bộ Cộng Sản nằm vùng, – dưới danh nghĩa là bí thư của nhà tu hành lãnh đạo tôn giáo-, bèn giết vị sư để giành quyền lãnh đạo dân chúng.

Trước tình hình dầu sôi lửa bỏng đó, Mỹ đổ quân cứu nguy. Ông đại sứ Mỹ tại quốc gia nhỏ bé nầy họp báo, giải thích lý do can thiệp của Mỹ. Chương trình đang được chiếu lại trên TV Mỹ thì bỗng một công dân Mỹ từ phòng tắm đi ra, thấy ông đại sứ đang nói chuyện, bèn tắt TV. Có phải sự thờ ơ của người dân Mỹ đối với những vấn đề trên thế giới có hậu quả là tòa tháp đôi ở Nữu Ước bị tấn công?!

(2)  Tôi được vài người trong Dân Xã Đảng kể lại vài mẫu chuyện về ông Năm Lửa như sau:

Ông thứ năm, tính nóng như lửa nên tục danh là Năm Lửa. Tên thật là Trần Văn Soái, xuất thân là đại ca dân anh chị bến xe Cần Thơ, tính khí hào hiệp, độ lượng, thường giúp đỡ những ai nghèo khó, sa cơ lỡ vận và có lòng yêu nước. Ông nghe theo lời kêu gọi của đức Huỳnh Giáo Chủ, tập họp anh em đệ tử thành một đạo quân, tham gia Nam Bộ Kháng Chiến, hoạt động vùng Cần Thơ – Sadec, chống quân Pháp trở lại Việt Nam. Ông và binh lính của ông lập nhiều chiến công.

Có lần, ông tập họp binh sĩ lại, dạy rằng:

- Đ.m. Đức thầy nói rằng lính của mình là lính giáo phái, cần phải có đạo đức, tư cách, không được ăn nói tục tằn. Từ nay trở đi, Đ. M. đứa nào chưởi thề là không được, sẽ bị phạt.

(ghi chú: chưởi thề là thói quen thường của dân Nam bộ).

Khi Việt Minh phản bội, giết đức thầy, ông Năm Lửa chống Việt Minh kịch liệt. Tình thế đó buộc ông hợp tác với Pháp khi Pháp đề nghị với ông. Pháp đồng ý trang bị và chu cấp tài chánh cho quân đội của ông, và đồng hóa ông với cấp bậc đại tá.

Ông bảo:

- Số tao làm tướng. Tụi Tây trả tao loon đại tá đâu có được. Nó không chịu tao làm tướng, tao vẫn cứ đeo loon tướng.

Vậy rồi ông gắn lên mũ ông một ngôi sao. Trong quân đội Pháp, thiếu tướng đeo hai sao. Ông đeo một sao, giống như loon chuẩn tướng của Mỹ hay quân đội VNCH sau nầy. Ông là người đầu tiên làm “Tướng một sao” trong quân đội Quốc Gia

Ông tham gia phái đoàn qua Hồngkông đón vua Bảo Đại về lãnh đạo đất nước. Đi dạo phố bên ấy, ông mang loon một sao gắn trên mũ nồi. Có người bạn thân nói với ông:

- Nè! Anh Năm. Anh đeo loon hơi kỳ, thiếu tướng là hai sao, anh đeo một sao, tụi Ănglê thấy vậy nó bắt anh lại mất công. Xứ của nó chớ đâu phải xứ mình mà anh muốn sao thì làm vậy.

Nghe lời nhắc nhở của người bạn, ông vội vàng gở sao trên mũ, bỏ vào túi áo.

Tôi có hỏi thăm việc Việt Minh và Dân Xã đảng giết nhau sau khi Đức Thầy bị thủ tiêu. Chẳng hạn, như Hòa Hào, cũng như Việt Minh, bắt được người của đối phương thì giết, thả trôi sông. Bỗng nhiên, người đi ghe thuyền trên sông thấy một giây bốn năm xác người cột vào một cây tre dài, trôi trên mặt nước. Việt Minh giết Hòa Hảo hay Hòa Hảo giết Việt Minh, không ai biết chắc? Hoặc người dân đang chèo ghe trên sông, bỗng bị gọi vô bờ, biểu mua một cái đùi hay một cánh tay (người). Người ta sợ quá, không muốn mua cũng phải mua, xong ra đem ra giữa sông, thả xuống nước.

Các vị trong Dân Xã Đảng chỉ cười, không trả lời việc đồn đãi ấy có thật hay không!

(Nguon: Blog Sau Dong)

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...