14 October 2014

Vô Tình, truyện ngắn

“Con tim trốn vào nụ cười để khóc”
(thơ Nguyễn Dương Quang)
 Phạm Thành Châu

Cái khó của phái nữ là làm sao cho người mình để ý hiểu được tình cảm của mình dành cho anh ta, nhất là người mà mình mới gặp lần đầu. Thứ tình cảm bất chợt đó bao giờ cũng rất mãnh liệt và sâu đậm. Tỏ tình sao cho khéo để khỏi vuột mất nguời đó? Xin theo dõi “người nữ” xoay xở cách nào (?) trong câu chuyện sau đây. Trường hợp nầy cũng có thể đã từng xảy ra cho nhiều cô.

*
      
Ông Tâm, tuổi trên năm mươi, vóc dáng, gương mặt không có gì đáng để phái nữ chú ý. Ông Tâm nghỉ phép thường niên (vacation), từ miền đông Hoa Kỳ qua Texas, thăm các bạn. Ông có nhiều bạn ở các tiểu bang Texas, California. Ông đến bạn nầy vài hôm, qua bạn khác vài hôm. Ở Mỹ, nhà nào cũng có nhiều phòng cho con cái. Khi chúng lớn, như những con chim rời tổ, chúng có gia đình, ở nhà riêng. Thành thử, nhà bố mẹ có những phòng trống, dành cho bà con, bạn bè đến thăm, ở lại. Ông Tâm cũng biết đến nhà người ta, dù bạn thân cũng làm xáo trộn nếp sống thường ngày của gia chủ, nên ông thường ở motel, bạn đến mời về nhà ăn bữa cơm gia đình hoặc đưa đi thăm viếng địa phương. Ðôi khi, bạn thật tình, khẩn khoản thì ông cũng chỉ ở nhà bạn vài ngày là tối đa. Khi người trong nhà đi làm thì ông lang thang một mình, ngắm cảnh hoặc ra siêu thị nhìn thiên hạ. Ở Texas và California, nhiều người Việt nên ông cảm tưởng như đang ở quê nhà thời trước. Một buổi trưa, đi mỏi chân, ông vào tiệm McDonald's, sắp hàng mua bánh. Vào giờ đông khách, ông Tâm đứng cuối một dãy dài. Ðang nhìn vơ vẩn, ông thấy một cô, (ông đoán là người Việt) bước vào, đứng sau lưng ông. Ông bước lùi lại, nhường chỗ “Mời cô!” Cô bước tới, nói nhỏ “Cám ơn chú!” rồi ngước nhìn ông Tâm, nhoẻn miệng cười. Cô đứng gần đến độ hai gương mặt như muốn chạm nhau. Bỗng cô quay lại, nhìn sửng ông, ánh mắt sáng lên, như vui mừng được gặp lại bạn thân. Tự nhiên, ông Tâm vui lây với cô. Niềm vui và hạnh phúc đơn giản mà ông chưa hề cảm nhận được lần nào trên đời. Ông thấy hình như cô đang thở mạnh. Ông nói “Cô cho tôi được mời cô, nghe!” Cô không quay lại “Cám ơn chú!” Tuổi cô khoảng bốn mươi nhưng cô gọi ông bằng chú, có lẽ để khỏi ngại ngùng.                                          

Hai người ngồi ăn cùng bàn. Chuyện trò cũng chỉ mưa nắng, những nhận xét về cộng đồng người Việt, về thời sự. Cả hai, đôi khi có nói về mình như một cách tự giới thiệu. Ông Tâm cho biết. Ông làm việc ở một thành phố miền đông Hoa Kỳ. Nghỉ vacation hai tuần. Ông cũng được biết cô tên Trang, có một tiệm buôn nhỏ ở thành phố Austin, về Houston mua hàng “Từ Austin, cháu về đây hết mấy tiếng lái xe. Cháu lái xe chậm lắm. Chú có biết Austin không?”


- “Tôi chưa đến, có thể tôi sẽ đến đó cho biết”
- “Khi nào chú đến Austin, nhớ gọi cho cháu. Cháu sẽ đến thăm chú”
- “Tôi sẽ gọi cô. Tôi có vài người bạn ở đó”

Cô ngạc nhiên : - “Sao ở đâu chú cũng có bạn cả?”

Ông Tâm cười: - “Bạn văn, thơ, báo chí với nhau. Có người chưa hề gặp mặt mà thân nhau lắm. Gặp nhau trên email, trên điện thoại thôi. Nhưng cuối tuần nầy tôi qua San Antonio rồi”

- “Nếu thấy tiện, khi đến San Antonio, chú gọi cháu. Cháu cũng định ít hôm nữa về đó mua một ít hàng hóa”
- “Tôi sẽ gọi cô trước khi đi San Antonio. Sao hôm nay cô không đi San Antonio mua hàng cho gần?”
-  “Cháu có bạn ở đây. Về thăm bạn. Ở Austin ít người Việt, cháu chỉ có người quen chứ không có bạn ở đó”

Ăn xong, ông Tâm đem giấy bỏ vào thùng rác. Lúc quay lại, thấy cô Trang ngồi nhìn vào khoảng không, vẻ bồn chồn. Ðột nhiên cô gọi “Chú!” rồi cúi xuống, không nhìn ông Tâm.

Ông Tâm nói “Vì chuyện trò với tôi mà cô trễ hẹn với bạn, phải không? Tôi xin lỗi”

- Cô ngước lên, lắc đầu “Không có đâu! Giờ cháu phải lái xe về Austin. Cháu ngại quá. Ðường xa quá!”
- “Sao phải vội? Ở lại với bạn vài hôm cho vui”
- “Cháu cũng định như vậy. Nhưng bạn cháu ngày mai phải đi làm. Cháu chỉ một mình ở đây”
- “Cứ ở lại với bạn. Sáng mai mát trời, chạy xe thong thả, thoải mái hơn. Sáng mai tôi mời cô với bạn cô đi ăn điểm tâm trước khi bạn cô đi làm. Ðược không?”

Cô cười vui vẻ “Cho cháu mời chú. Chú định đến tiệm ăn nào?”
- “Tôi chẳng biết tiệm nào ăn được. Tùy cô”
- “Sáng mai, nếu bạn cháu phải đi làm sớm thì cháu đến đón. Chú cho cháu số điện thoại...”
- “Tôi cũng cần số điện thoại của cô để sau nầy còn có thể gọi hỏi thăm nhau.  Ðến nơi lạ mà có người quen cũng đỡ lẻ loi”
- “Chú có cần cháu đưa chú về nhà bạn chú không?”
- “Nhà ở gần đây. Với lại, cô cần đi gấp, không dám làm phiền cô”
- “Chú bảo cháu ở lại, sáng mai hãy đi nên cháu không vội”
- “Vậy thì mình ngồi nói chuyện một lúc nữa”
Cô lại cười “Cháu cũng định nói như thế”

Chuyện trò cũng chỉ quanh quẩn, linh tinh, không đầu không đuôi nhưng cả hai đã qua khỏi giây phút e ngại, trở nên thân mật. Ông nhận thấy cô Trang thông minh, dịu dàng và rất dễ mến. Lúc nào cô cũng đồng ý với ông, khuyến khích ông nói tiếp “Rồi sao nữa chú?” Ông Tâm kể về bạn bè, về thời còn đi học, về công việc làm của mình. Ông thường thêm thắt vào những chuyện vui khiến cô Trang thích lắm, ngồi cười mãi “Chú kể tiếp đi!” Hai người chuyện trò đến gần hai giờ chiều mới đứng lên. Cô Trang đưa ông Tâm về. Sáng hôm sau, ông Tâm báo với bạn “Bữa nay tôi có bạn đến đón đi ăn điểm tâm” Người bạn cười đoán chừng “Bạn gái phải không?

Tay nầy giỏi thiệt. Tôi ở đây bao nhiêu năm mà vẫn cô đơn. Thấy ông dậy sớm, định rủ ông đi điểm tâm. Nay có người khác mời thì thôi. Làm li cà phê nầy cho sáng suốt tâm trí mà tán tỉnh người đẹp” Vừa lúc có chiếc xe dừng lại trước đường, ông Tâm vội vã đi ra. Ông thấy cô Trang hơi lạ và đẹp hơn hôm qua. Một chút phấn hồng, đôi mắt viền đen, chiếc áo điểm hoa trang nhã nhưng sang trọng. Cô nhìn phía trước như chăm chú lái xe vì biết ông đang ngắm cô. Ông Tâm nói “Ðến nơi lạ, tôi khó ngủ, bây giờ hơi mệt” “Cháu cũng vậy. Lạ chỗ. Cháu thức trắng đêm” Ông Tâm cười nói “Ðồng bệnh tương lân” “Nghĩa là sao, chú?” “Cùng có bêïnh giống nhau nên dễ thân nhau” “Nhưng cháu chỉ không ngủ được đêm hôm qua thôi mà” “Thì tôi cũng vậy” Cô quay nhìn ông Tâm cười “Chú ghê thật!”

Ông trả lời: “Có được người bạn thông minh, thích lắm”
- “Cháu ngu lắm. Người thông minh bao giờ cũng biết giữ bí mật những ý nghĩ của mình”
- “Vậy là tôi cũng chẳng thông minh gì”.

Ðến tiệm ăn, hai người lại chuyện trò quên cả thời gian. Họ đã trở nên đôi bạn thân nhưng luôn giữ ý để khỏi bị hiểu lầm.

Mấy hôm sau, ông Tâm qua San Antonio. Hai người lại gặp nhau. Cô Trang tỏ vẻ mừng rỡ, nói cười tíu tít. Lúc ngồi trong tiệm ăn, cô nói “Bữa trước, cháu bị sét đánh gần chết”.

Ông Tâm ngạc nhiên “Cả tuần nay, trời nắng, đâu có mưa gió gì mà có sét đánh?”
- “Cháu không biết. Bạn cháu nói cháu bị sét đánh” “Cô làm gì đến nỗi ông trời chỉ sét đánh một mình cô? Sự việc xảy ra như thế nào? Cô có thể kể cho tôi nghe, được không?”

Cô cúi xuống, không nhìn ông Tâm, giọng ngập ngừng “Buổi sáng mà cháu từ biệt chú về Austin, cháu bị mất ngủ. Cháu gọi người bạn ở Houston tâm sự linh tinh. Bạn cháu nghe giọng mệt mỏi, tưởng cháu bịnh, hỏi người thấy ra sao? Nếu cần phải đi bác sĩ ngay. Cháu bảo không sao cả, chỉ mất ngủ thôi. Bạn cháu hỏi có chuyện gì xảy ra không? Cháu kể chuyện cháu về Houston mua hàng, gặp chú, chuyện trò mấy lần. Không hiểu sao về ngủ không được! Bạn cháu nghe xong, nói với cháu rằng “Bà bị sét đánh rồi!” Cháu không hiểu, tại sao mình bị sét đánh?” Ông Tâm chỉ đoán lờ mờ nhưng cảm động “Bạn cô hiểu lầm tâm trạng của cô nên nói vậy. Ðúng ra phải nói là bị “tiếng sét ái tình” Có thể cô bất ngờ gặp anh chàng nào, bị xúc động nên không ngủ được”.

Cô ngẩng lên nhìn ông Tâm “Tiếng sét ái tình là sao chú? Từ bữa đó đến nay, cháu có gặp ai đâu? Cũng chẳng bị ai đánh cả!”.

-  “Người ta bảo “Mới thấy đối tượng lần đầu đã yêu ngay là bị tiếng sét ái tình”.
-  “Chú giải thích cho cháu nghe xem có phải cháu bị sét đánh không?”.
-  “Tôi phải giải thích dài dòng, tốn thì giờ lắm”.
Cô Trang không nhìn ông Tâm:
-  “Cháu gặp chú là để nghe chú nói chuyện. Nhất là chuyện tình cảm. Chú nói càng nhiều cháu càng cám ơn chú vì nhờ vậy cháu mới hiểu được mình”
-  “Có thể như thế nầy. “Tiếng sét ái tình” do chính mình tự đánh mình chứ chẳng phải ông trời hay “đối tượng” nào đánh cả. Nguyên nhân thì, có thể là. Thứ nhất là người kia có gương mặt giống mình. Ngày nào mình cũng soi gương, thấy mãi mặt mình, nay bất ngờ thấy đối tượng có gương mặt, đôi mắt, miệng cười... (giống mình mà không biết) thấy “quen quen, thân thiết, đâu như từ kiếp trước”. Vậy là yêu. Hai người yêu nhau lâu bền, đa số có khuôn mặt giống nhau. Một giải thích khác, đó là sự cộng hưởng của tần số giao động sinh học. Cặp mắt là cửa sổ của tâm hồn, hướng ra ngoài để chờ đón một tín hiệu nào đó. Với tia nhìn, người ta có thể thôi miên, sai khiến người khác. Tôi đọc báo, thấy nói rằng. Cơ thể con người có các chất hữu cơ và vô cơ đủ làm một cục pin (điện năng), nghĩa là mỗi sinh vật, kể cả con vi trùng, đều có một năng lượng riêng để tự điều hành đời sống của nó với một tần số sinh học riêng, gọi là bản năng. Khi hai người có cùng tần số giao động giống nhau thì cộng hưởng và tác động mạnh lên tâm sinh học của cả hai. Giống như ta mở máy thu thanh (radio) hay thu hình (TV) vậy. Máy thu của ta được điều chỉnh đúng với tần số của đài phát, sẽ cộng hưởng và khuyếch đại để cho ta hình ảnh, âm thanh mà ta cần”
-  “Chú nghĩ như thế hay có khoa học nào nghiên cứu chuyện đó không?”
-  “Ðại học Cornell, Mỹ, nghiên cứu, thấy rằng. Loài muỗi Aedes aegypti, khi muỗi cái muốn bạn tình thì vẫy cánh với tần số 1.200 hertz, là tần số sẽ cộng hưởng với tần số của muỗi đực. Nếu vẫy cánh với tần số khác, muỗi đực sẽ (điếc) không tìm đến”
-  “Con người có cánh đâu mà vẫy. Chú?”
-  “Tần số giao động có sẵn trong người. Người vợ hay chồng ở nơi xa, gặp chuyện không may, người phối ngẫu tự nhiên thấy lo lắng, bất an. Ðó gọi là linh cảm. Có những người con chết ngoài mặt trận, báo mộng cho mẹ biết ngay, là thần giao cách cảm. Có chuyện kể rằng. Thời thế chiến thứ hai, cậu Raymond, mười chín tuổi, phải vào lính. Ðơn vị cậu tiến gần biên giới Ðức thì bị một trái đạn pháo. Raymond bị thương, ngã gục. Trong cơn chập chờn, cậu bỗng nghe tiếng mẹ cậu kêu “Raymond, đứng lên. Ði về hướng có ánh đèn” Cậu lết về phía ánh sáng le lói đằng xa. Ðó là một xe cứu thương. Y tá bảo. Nếu nằm chờ quân y tìm đến, Raymond sẽ bị ra hết máu, không cứu kịp. Về nhà, Raymond kể lại chuyện đó thì mẹ cậu bảo. Ngay đêm Raymond bị thương, mẹ cậu nằm mơ thấy cậu kêu mẹ. Bà nghĩ rằng Raymond vẫn còn là một đứa bé, bị té, ngã đau nên kêu khóc. Bà bảo con “Raymond, đứng lên, ra chỗ có ánh đèn để mẹ xem con bị gì!”
-  “Người chết còn linh hồn không chú? Có đầu thai kiếp khác không chú?”
-  “Nếu cô tin rằng, chết rồi, vẫn còn linh hồn, gọi là thần thức thì sẽ có đầu thai. Tham, sân, si không rời thần thức. Người ác, xem việc tra tấn, đánh chết người làm thú vui thì khi tái sinh, sẽ tìm đến các công việc tra tấn, đánh đập người khác, hoặc thành đồ tể. Giống như người nghiện rượu tìm đến quán rượu. Người nghiện ma túy theo với bọn xì ke ma túy”
-  Cô cười “Giả dụ như cháu thương chú thì sau khi chết, linh hồn cháu sẽ theo chú”

Ông Tâm cười  nói qua chuyện khác “Tôi chẳng biết gì về tôn giáo hay về những hiện tượng siêu hình, nên nói “tào lao thiên địa” cho vui thôi. Cô đừng tin những gì tôi nói”

Cô nhìn ông Tâm “Mà chờ những gì chú sẽ làm...”.
Ông Tâm bậm môi như hăm dọa, “Cô chuẩn bị bỏ chạy thì vừa”

-  “Nãy giờ, nghe chú giải thích cháu mới hiểu. Vậy là không phải cháu bị chú “sét đánh” vì chú với cháu chẳng có tần số TV, radô nào cả. Cháu mừng lắm. Cháu chỉ sợ thương chú thình lình... thì khổ cháu. Chú thì ở xa... lại chẳng biết gia đình chú ra sao?”

-  “Cô yên tâm. Tôi xem cô như bạn chứ không có tình cảm gì khác. Chuyện mất ngủ, ai cũng có, ít bữa sau ngủ bù. Cũng có thể vì công việc buôn bán, làm cô suy nghĩ nên không ngủ được”

Cô gật đầu “Chú nói đúng. Mấy bữa nay, cháu cứ nôn nao, muốn về đây mua hàng. Cứ tính mình sẽ mua những gì. Nhưng lại quên. Viết vào tờ giấy rồi cũng bỏ đâu mất tiêu. Cháu lái xe mà hồn vía để đâu đâu. Khi chạy nhanh, khi chạy chậm. Cháu nghĩ, có lẽ mình có hẹn với chú nên mong được gặp chú. Nhưng khi ngồi với chú, cháu chỉ thấy vui thôi chứ không rung động, hồi hộp gì cả”

-  “Cô đừng lo. Người đàng hoàng như cô, vì đã hẹn gặp tôi nên bồn chồn vậy thôi. Tôi hẹn đi uống cà phê với bạn cũng vậy, cứ nhìn chừng đồng hồ mãi. Mà dù cô có xao xuyến, rung động vì người nào đó cũng chẳng tội lỗi gì. Chỉ như một kỷ niệm đẹp để trang trí cuộc đời, miễn sau đó thì quên đi cho đỡ rắc rối”

-  “Khi về bên đó, chú nhớ gọi cháu kẻo cháu trông nghe! Nếu chú không gọi thì cháu gọi chú. Có trở ngại gì không chú?”

- “Giờ làm việc thì hơi bận, nhưng buổi chiều hay tối, cô gọi giờ nào cũng được. Tôi sống một mình, được cô gọi để chuyện trò thì thích hơn mấy ông bạn. Giọng cô dịu dàng, đối đáp thông minh. Cám ơn cô rất nhiều”

Cô cười vui “Chú khen cháu, cháu mừng lắm!”

Thời khoa học tân tiến, chỉ với chiếc điện thoại nhỏ là có thể chuyện trò với bất cứ người nào, nơi nào. Ông Tâm về lại miền đông Hoa Kỳ, thỉnh thoảng hai người gọi hỏi thăm nhau. Chỉ là chuyện nắng mưa, chuyện thiên hạ. Ðôi khi, ông gửi tặng cô những tờ tạp chí, những DVD ca nhạc, mà ông thích “Tôi không hiểu cô có cùng sở thích như tôi không?” Cô vội trả lời “Những gì chú thích thì cháu cũng thích như chú. Nhưng không hiểu sao, lối rày cháu thích nghe những bản tình ca. Bây giờ mới thấy hay chứ trước đây cháu ghét lắm”

Ông Tâm cười “Chúc mừng cô đã yêu một người nào đó” Cô Trang bảo “Chú tài thật. Cháu đang yêu. Một mối tình buồn. Nhưng không phải yêu chú đâu. Chú đừng vội mừng” Cô tâm sự với ông “Hơn mười năm, cháu lo buôn bán, bòn mót từng đồng, gửi về cho gia đình, cha mẹ, anh chị em. Khi cuộc sống của người thân ở Việt Nam ổn định thì cháu nhìn lại mình mới biết tuổi xuân đã đi qua. Cháu già quá rồi! Lại suốt ngày lẩn quẩn trong tiệm buôn. Mà có ra đường, cũng chẳng ai thèm nhìn. Cháu buồn lắm, nhiều lúc tủi thân, nằm khóc một mình”

Ông Tâm an ủi “Sống một mình cũng có cái thú của nó. Không làm phiền ai mà cũng chẳng ai làm phiền mình. Muốn ăn, ngủ, đi chơi đây đó... tự nhiên thoải mái. Xứ Mỹ nầy, rất nhiều người thích sống độc thân, già thì có nhà dưỡng lão lo. Tôi định, khi mình về hưu, sẽ đến thành phố của cô xin vào viện dưỡng lão chờ cô vào ở chung”

Cô làm bộ cự nự “Chú đừng hi vọng. Sau nầy, cháu có vào nhà già thì mỗi người một phòng riêng, cháu không qua phòng chú. Cháu cũng không cho chú vào phòng cháu đâu. Chỉ gọi điện thoại thôi. Nam nữ thọ thọ bất thân mà chú!”

-  “Chuyện trò với tôi mà cô hay cười, chứng tỏ cô không còn buồn nữa. Khi cô vui vẻ thì tôi cũng vui lây. Cô dễ thương lắm!”

Cô yên lặng, rồi ngập ngừng như muốn nói điều gì, nhưng cô lại tắt điện thoại, không trả lời.

 “A lô! Tôi đang ở thành phố của cô Trang đây”
-  “Chú đến lúc nào vậy?”
-  “Sáng nay đến Austin thăm một người bạn, hiện giờ ghé điểm tâm ở Round Rock. Cô biết tiệm ăn Á Ðông ở đó không? Mời cô đến điểm tâm với tụi tôi”
-  “Cháu có biết tiệm đó. Mươi phút nữa cháu sẽ đến. Gặp chú rồi cháu phải về tiệm ngay. Chú đứng trước cửa nhà hàng đón cháu nghe”.

Cô Trang đậu xe trước tiệm ăn, mở cửa bước ra, dáo dác nhìn quanh. Ông Tâm tiến đến “Trang. Tôi đây nè!”

Cô Trang quay lại, lấy tay đè lên ngực “Cháu muốn bể tim vì hồi hộp. Cháu mừng quá! Cả năm mới được gặp lại chú”.

-  “Mời cô vào với tụi tôi”
-  “Cám ơn chú. Cháu không vào đâu. Cháu ngại gặp nhiều người. Bây giờ cháu phải về”
-  “Ủa, gặp nhau, nói mấy câu là hết sao?”
-  “Cháu ước được gặp lại chú. Bây giờ gặp rồi. Chú vào với các bạn chú đi”
-  “Nói với nhau vài câu nữa, không được sao?”

Cô Trang mở cửa xe, tần ngần một lúc rồi nói “Chiều nay, lúc bảy giờ, cháu đóng cửa tiệm, sẽ gặp chú ở quán cà phê đằng kia. Một mình chú thôi. Cháu không thích đông người”
-  “Cám ơn cô”.

Ông Tâm nhờ bạn đưa đến tiệm cà phê Starbucks,  bước vào đã thấy cô Trang ngồi trong đó “Cô chờ tôi có lâu không?”

Cô lắc đầu “Cháu mới vào. Chú uống gì?”
-  “Cho tôi ly cà phê nóng”

Cô đứng lên, đi lấy hai ly cà phê “Chú uống cà phê có bị mất ngủ không?”
-  “Tôi nằm xuống là ngủ liền, nhưng tối nay phải thức để trò chuyện với bạn bè”
-  “Những người dễ ngủ thường vô tâm. Cháu mà được vô tâm như chú thì cháu không đến nỗi già như thế nầy. Cháu già lắm phải không chú?”
-  “Trẻ hơn trước”
-  “Cháu biết chú nói lấy lòng cháu. Ðố chú, cháu có gì lạ không?”
-  “Cô vừa có bồ nên trông tươi tỉnh, vui vẻ”
-  “Chú sai rồi. Cháu mập hơn trước”

Ông Tâm tấm tắc “Hèn chi chân tay tròn vo, mặt cũng tròn như của Thúy Vân. Gương trăng đầy đặn nét ngài nở nang. Cô đẹp như Thúy Vân”

Cô lắc đầu, phụng phịu “Chú nói vuốt đuôi cho cháu vui lòng. Cứ đem Thúy Vân ra so sánh là xong. Nhưng Thúy Vân đâu có đẹp!”

Ông Tâm chăm chú nhìn cô rồi nhíu mày, làm như suy tư “Bây giờ cô đứng lên, xoay người để tôi so sánh cô với Thúy Vân, xem ai đẹp hơn”.

Cô Trang đứng lên. Cô đánh phấn hồng, môi son nhạt, mắt viền đen. Cô mặc áo pull màu nâu hồng nhạt, bó sát thân hình thon gọn với đồi ngực thanh tân, nhỏ nhưng cao. Quần jean xanh đậm. Hai đùi tròn lẳn, đôi mông tròn và đẹp tinh khiết. Cô yểu điệu quay người một vòng rồi ngồi xuống, đôi mắt long lanh ngước nhìn ông Tâm, chờ đợi.

Ông Tâm gục gặc đầu “Mới gặp Thúy Vân, tôi tưởng Thúy Vân đẹp nhất trên đời. Bây giờ gặp cô thì hóa ra cô đẹp gấp đôi Thúy Vân. Thúy Vân mà đứng cạnh cô, mắc cỡ không biết để đâu cho hết”.

Cô Trang làm nghiêm “Chú gặp Thúy Vân ở đâu? Lâu chưa?”

-  “Mới đây thôi. Gặp ở quận Cam, bên Cali., Cô ta và Thúy Kiều đi ăn phở với Nguyễn Du, gặp bọn tôi trong tiệm phở”
-  “Bộ chú cũng quen với Nguyễn Du nữa à?”
-  “Bạn thân mà!”

Cô Trang cố mím môi để khỏi bật cười, mắt đăm đăm nhìn ông Tâm “Chú!” Ông Tâm ngạc nhiên “Cô định nói gì?”
-  “Cháu muốn xô chú ngã xuống đất quá!”
-  “Coi bộ ghét hay giận tôi điều gì?”
Cô lắc đầu “Chú làm cháu vui quá, thích quá! Cháu không biết nói thế nào cho chú biết rằng cháu chưa bao giờ được vui như lúc nầy. Cám ơn chú. Chỉ nghe giọng chú nói là cháu đã vui sướng rồi. Từ khi quen chú đến nay, chú đã cho cháu biết bao niềm vui”
-  “Tôi lúc nào cũng cầu mong cho những người thân yêu của mình vui vẻ, hạnh phúc” Tiệm cà phê vắng khách, yên tĩnh, cả hai cảm thấy thoải mái. Cô thu ngân ngồi ở quầy tính tiền thỉnh thoảng nhìn hai người rồi tủm tỉm cười. Cô Trang hỏi chuyện đi đường, chuyện thăm viếng bạn bè của ông Tâm. Hai người mãi chuyện trò, quên cả thời gian. Rồi cô nhìn đồng hồ, thở dài, đứng lên “Cháu phải về”.

Hai người bước ra, đứng trước tiệm cà phê. Ông Tâm nói “Tôi thấy ở đây yên tĩnh, phong cảnh đẹp. Ông bạn rủ bọn tôi ở chơi đến cuối tuần hãy đi”

Cô lắc đầu “Không được! Chú không được ở đây. Cháu... sợ lắm!”

Ông Tâm ngạc nhiên “Cô sợ gì?”
-  “Cháu không biết. Cháu sợ chú” Cô yên lặng một lúc rồi ngước nhìn ông Tâm, đôi mắt long lanh nước mắt. Cô mím môi “Mai chú đi rồi, phải không? Chúc chú đi bình an, vui vẻ” Giọng cô run run “Từ nay chú đừng gọi cháu nữa. Cháu cũng không gọi chú. Chú hứa đi! Không gọi cháu nữa”

Ông Tâm bối rối “Tôi xin lỗi cô. Tôi không hiểu mình đã nói gì mà thình lình cô giận tôi? Hay là cô giận ai?”

Cô cúi đầu, yên lặng. Chợt cô ngước lên “Chú ngốc lắm!” rồi cô bước nhanh ra xe. Ông Tâm đứng sửng “Tôi xin lỗi cô. Chiều mai tôi mới lên đường. Sáng mai mời cô đi ăn điểm tâm, như lần trước ở Houston. Nhớ nghe! Tôi sẽ gọi cô”.

Cô lắc đầu, vào xe, lái đi.

Cô Trang cho xe ra đường mà không biết mình đang đi đâu. Tiếng ca nhạc trong xe vang lên nho nhỏ “... Dù tình yêu đã quá xa tầm tay với. Dù mai kia bước chân nầy rã lụi. Thành tượng đá bơ vơ phương trời...”

Nước mắt cô lại ứa ra. Mùa hè, trời vẫn còn sáng nhưng nước mắt làm nhạt nhòa con đường trước mặt. Không thấy rõ đường, cô phải tấp xe vào một công viên, tắt máy, ngồi lặng người. Rồi cô khóc òa, khóc nức nở. Cô nghẹn ngào lí nhí gì đó, như nói với một người vô hình... Một lúc sau cô hết khóc. Cô ngạc nhiên thấy mình sao dễ khóc đến như vậy? Lòng cô đã yên tĩnh trở lại. Cô nhìn vào khoảng không và thở dài... Bóng tối đã tràn ngập công viên, chỉ còn lại chút ánh sáng mơ hồ trên các ngọn cây. Bỗng nhiên, tâm trí cô lại rộn ràng niềm vui lẫn háo hức. Cô lấy điện thoại. Bấm số, áp vào tai. Nghe bên kia chuông reo, cô lại bấm tắt. Và cứ áp điện thoại vào tai, cô thì thầm “Chú ngốc quá! Chú từng viết “Hạnh phúc của anh là khi em đang rơi nước mắt” Thấy cháu khóc mà chú chẳng hiểu gì cháu cả. Sáng mai gặp chú, cháu sẽ trách chú vô tình...”.
_____________________

ĐÔI ĐIỀU VỀ TRUYỆN NGẮN VÔ TÌNH (của nhà văn Phạm Thành Châu)

Sau khi đã theo dõi xong diễn tiến của cốt truyện VÔ TÌNH của nhà văn Phạm Thành Châu, tôi bỗng chợt có ngẫu hứng, muốn viết lên đôi điều gì đó, cho vui

Kính thưa ông nhà văn,

Những lời dưới đây là chút ý kiến  thô thiển của tôi, không phải để đóng góp mà là trước hết, để gọi là cảm tạ tác giả, người đã gò lưng đẩy bút nắn nót từng câu, từng chữ để cho mọi người và tôi có được những áng văn tuyệt tác và nhứt là có được truyện ngắn Vô Tình như hôm nay, để đọc. ( bây giờ hiện đại rồi, chỉ là gõ phím mà thôi). Thứ đến là để nói lên đôi điều cảm nghĩ của tôi đối với cốt chuyện của tác giả, một tác giả vốn rất quen thuộc với những người thường hay lên mạng
 
Đầu truyện, tác giả nhập đề trực khởi ngay: "Cái khó của phái nữ là làm sao cho người mình để ý hiểu được tình cảm của mình dành cho anh ta, nhất là người mà mình mới gặp lần đầu". Chỉ một câu văn ngắn gọn, tác giả đã giới thiệu được nội dung của cốt truyện. Thật là một thiên tài!

Tôi cũng là một phụ nữ. Sau khi đọc xong tác phẩm của nhà văn Phạm Thành Châu, tôi té ngửa! Tính cách của phụ nữ là do cái cô Trang - nhân vật trong truyện - đại diện, tiêu biểu, sao? Trời ơi! Thế thì chết tôi rồi. Tôi lại nghĩ hoàn toàn khác. Phụ nữ thường rất tế nhị. Họ có những câu nói đầy ẩn ý để nói lên tình cảm của mình dành cho "đối phương", để họ hiểu là mình có cảm tình với họ. Bấy lâu nay tôi thường "đinh ninh" là như vậy.

Nay, qua câu truyện của Ông, tôi thấy "hình như" không phải là như vậy mà còn là ngược lại. Theo ông, hầu như là tất cả phụ nữ đều hời hợt, nông cạn, dễ dãi tất! (qua hình cảnh cô Trang). Và hơn thế nữa, lại còn có những câu nói như của cô Trang. Không biết phải dùng những lời lẽ hoa mỹ nào để đặt tên cho những lời lẽ đó của cô cháu Trang yêu quý của ông!

Sau khi đọc xong, tôi lướt nhìn lại cái tựa. Vô Tình! Tôi có hơi nhíu mày. Tôi nhíu mày là vì trong suốt cây chuyện, ông Tâm đã như đi guốc trong bụng cô Trang. Có lẽ cũng vì vậy mà ông đã dẫn dắt cô Trang đi theo con đường "tự thú". Ông cũng có vẻ tự mãn (ngầm) vì đã "quây" được con mồi tả tơi! (tư tưởng lớn của nhà văn trong cốt truyện). Một chút thương xót, nhưng tôi lại không phân biệt được, tôi thương xót cái cô Trang hời hợt khờ khạo, hay tôi thương xót cái ông nhà văn, hư cấu quá dễ dãi, dễ như ăn khoai. Ăn khoai còn có khi bị mắc nghẹn. Như vậy có thể nói ông viết dễ như "tán đào"!

Trong suốt cốt truyện, theo tôi "chú" Tâm nào đâu có vô tình. Chẳng những không vô tình mà còn hữu ý nữa là khác. Hay đó cũng là cái nhận xét hời hợt của tôi, vì cũng chỉ là một phụ nữ như cháu Trang! Thì thôi, cứ cho rằng cái nhận xét của tôi là hời hợt. Và cái nhận xét về cái tựa truyện là không ổn đi há.

Nhân vật nam không vô tình. Và theo như diễn biến của cốt truyện, tôi nghĩ với cái tựa "Những Đòn Phép Đàn Ông" thì đi sát với nội dung hơn (theo như câu dẫn nhập ở đầu câu truyện mà tác giả đã nêu lên).

Tôi thấy nhà văn có hơi dễ tính. Cái ông chú Tâm, (nhân vật tiêu biểu cho nhà văn và phe phái của mình) theo như nhà văn diễn tả, rất dễ tính (chỉ dễ tính trong trường hơp gặp người đẹp) thì cũng đành một nhẽ! Vì hầu như đàn ông trên thế gian nầy, khi gặp được "hồng nhan" (không phải Chung vô Diệm, xin lỗi bà, lúc sau bà đẹp thấu trời!) thì đều biến thành những con người hào hoa phong nhã cả! Chả phải vậy thì sao thế gian đã có câu "Già không bỏ, nhỏ không chê!"

Hình như nhà văn thường có những nhân vật là "chú" và "cháu". Có phải đó là nét đặc trưng của ông? Hay là trong quãng đời vàng son, ông đã kinh qua tình cảm với một "cháu" nào chăng? Và điều đó còn vướng vấn, đeo đẳng mãi theo ông cho it nhất, tới giờ phút nầy!

Đó chỉ là chút "tư duy" của người "hâm mộ". Nếu như có điều gì sai, xin ông hãy lượng thứ mà bỏ qua cho con "cháu " nó nhờ!

Theo như nhà văn đã viết, đàn bà (cô Trang đại diện) không có chút "tâm hồn" !

Hiện nay, thế giới có khoảng bảy tỉ người. Mỗi con người có một tâm hồn, một tư duy khác biệt. Một con người là một thế giới cá biệt, đôi khi nó "phăng" ra, còn nhiều hơn là một. Như vậy khoảng bốn tỉ đàn bà thì có khoảng hơn bốn tỉ thế giới riêng tư. Tư duy của cô Trang là của cá nhân cô Trang, sao có thể tiêu biểu cho khắp lượt đàn bà như ý của tác giả trong phần dẫn nhập được? Sao có thể chỉ dùng một cách suy nghĩ của một người để biết được tất cả "tâm hồn" của mọi người khác. Nói như vậy có hơi hời hợt hôn, ông nhà văn của chúng ta?!

Đàn bà, theo lẽ bình thường mà thượng đế đã dành cho, dù là trí thức hay bình dân mạt hạng, họ rất điềm đạm và từ tốn, trong thời gian đầu mà họ tiếp xúc với người khác phái, dẫu cho đó có là "sấm" hay "sét" gì cũng vậy. Ở đây, tác giả diễn tả cô cháu Trang như là con hổ, chết đói lâu ngày! Thật là có tí chút thảm thương dành cho cô! Đó là nhận xét sâu sắc (xấu) của nhà văn về phe phụ nữ?

Cháu Trang, ngày hôm trước chưa có chú Tâm, chưa biết tô son dồi phấn. Khi "có" chú Tâm rồi thì lo lẹ lẹ chạy đi mua son phấn về để "bôi". Sao mà tôi nghiệp cháu đến vậy hở cháu Trang!

Nhiều khi, đừng vì quá chủ quan một cách ngây thơ mà để đẻ ra những "quái thai" rồi bỏ bê chúng thành dân bụi đời thì tôi nghiệp cho chúng lắm lắm vậy!

Tôi cũng có đọc được đâu đó vài cốt truyện của nhà văn Thái Quốc Mươu, cũng diễn tả cái tính cách quá dễ dãi, hời hợt của phụ nữ như trong cốt truyện nầy. À, thì ra phụ nữ tất cả đều là như vậy, it ra là dưới mắt các bậc đại trượng phu, quân tử. Thế sao thế gian lại có câu" Anh hùng nan quá mỹ nhân quan" vậy?  Câu nầy  là do phe phụ nữ cay đắng thốt lên? Tôi là kẻ hậu sinh, ít chữ nghĩa, phải tìm đọc lại trong sách vở, xem sao!

Đã là những đấng trượng phu, quân tử thì xin các ngài nhà văn (nhà thơ chưa dám nói đến ở đây) hạ tay nhẹ nhẹ chút cho chị em, phụ nữ, đàn bà nữ nhi chúng em được nhờ (ơn mưa móc!) tí chút, ông nhà văn ơi!

Con người, chưa một ai hiểu ai cho tường tận. Đàn bà cũng vậy. Như vậy mà nhà văn Phạm Thành Châu, vừa mới gặp là hiểu đàn bà một cách nhanh chóng và dễ dàng. Ông còn hiểu ngay những "chiến thuật, chiến lược" của đàn bà. Vì vậy, ông đã dẫn dắt câu chuyện để dí con mồi vào rọ. Tài thật!

Đó có phải do khả năng thiên phú. Nếu không, cũng là nhờ kinh nghiệm tình trường của ông? Hay bởi tại "cháu" của ông quá ngây thơ, thật thà vô số tội dưới mắt ông? Hay vì "cháu" của ông giống như con hổ đói? Thật khó mà biết được, trừ nhà văn!

Nhà văn bảo là "tỏ tình sao cho khéo để không vuột mất con mồi"! À, thì ra những lời đối thoại của cô Trang trong câu chuyện, như vậy là khéo? Hay những lời dẫn dắt của chú Tâm là khéo. Sao cái suy tư của tôi quá thấp vậy. Tôi không biết ở đây, ai khéo! Tôi chỉ thấy tác giả dành cho chú Tâm thế chủ động, vờn cháu Trang như mèo vờn chuột!

Ông lại cũng cho rằng những diễn tiến trong cốt truyện cũng có thể xảy ra với nhiều cô khác. Trời ơi! ông tài thật. Cái tài nhận xét của ông về phụ nữ khiến cho tôi đây, cũng là phụ nữ, sau khi đọc xong, té từ trên cao xuống, tưởng là đã bị nhập thất luôn rồi! Dù không nhập thất nhưng vì phục cái tài bói toán của ông, tôi cũng đã lăn mấy vòng, sau khi té! Cho tới bây giờ hãy còn nghe đau nhức bốn bề tứ chi!

Có chăng, những phụ nữ khác trong chúng tôi cũng có những câu nói (hư cấu) như trong suốt toàn truyện, của cô Trang? Ông lại có thêm một cái biệt tài khác nữa rồi. Đàn bà ăn nói "văn minh" như vậy sao, thưa ông nhà văn? Ông chỉ gặp được những con người như là cháu Trang của ông thôi sao? Như vậy thì tội nghiệp cho ông mà cũng thật là tội nghiệp cho cái đám chị em phụ nữ của chúng tôi biết là dường nào, dưới cái tư duy trong sáng của ông!
 
Thường, sau mỗi khi đọc xong bất cứ một bài viết gì đó, tôi đều không có bất cứ một thứ ảnh hưởng gì, vì theo tuổi đời chồng chất, tôi hiểu được mọi thứ trên đời chỉ như là một cơn gió,  thoảng qua. Có thể có chút mát mẻ, dịu êm. Có thể có chút hương lẫn trong hơi gió. Thế thôi, rồi chấm dứt, không còn gì.

Hôm nay, sau khi đọc xong truyện ngắn, có một chút vướng mắc. Vướng mắc cho đời có chút niềm vui!

Những lời đối thoại của cô Trang trong cốt truyện là do hư cấu của tác giả. Hư cấu theo chiều hướng như vậy thì tác giả đã đưa phụ nữ chúng tôi lên "cao" quá chăng! Chị em phụ nữ chúng tôi, dưới mắt ông "cao cả" tới độ phải thốt ra thành lời những suy nghĩ của mình khi nghĩ đến những ngày sau nầy có thể sẽ về sống ở viện dưỡng lão như vậy sao? Thật là nham nhở và cũng thật là hèn hạ. Tôi không ngờ cô Trang (tiêu biểu cho phụ nữ) lại "hạ cấp" như vậy. Tôi nghĩ, hư cấu của ông sao mà nó "trong sáng" quá, nó lương thiện quá. Thật hết sức chi ư là cảm động mà không thể cầm được nước mắt dùm cho cái cô cháu Trang nào đó, của ông!

Một hư cấu thật là hoàn mỹ và "tinh tế" . Thật là một tâm hồn cao cả và vĩ đại, đã nghĩ thật tốt về chị em phụ nữ chúng tôi, của ông. Đọc suốt toàn truyện, tôi không thấy cháu Trang có một câu nào gọi là  người có chút "tế nhị" của phụ nữ. Thật là thảm thương! Thảm thương cho hơn bốn tỉ phụ nữ thấp hèn chúng tôi!

Kính thưa ông nhà văn Cao quý, hư cấu thì cũng chỉ là hư cấu. Nhưng hư cấu cũng có chút tình, chút lý cho thế gian nhờ chút chút. Và nếu như mình có xem thường phụ nữ, đàn bà thì cũng xin chừa cho mình một chỗ để hoàn lương vì cũng còn vài ba người đàn bà khác mà tác giả đặc biệt kính trọng. Phải vậy không, thưa ông?

Còn nếu như ông cho rằng hư cấu như thế nào cũng đâu có "siêu" thì tôi e rằng một số độc giả nào đó đang nghĩ,  tâm thần ông có hơi lệch lạc chăng. Điều đó sẽ không tốt cho hậu sự của ông vì viện tâm thần hiện đã đầy chật ních những người là người rồi, ông nhà văn ạ! Xin cung kính trình để nhắc cho ông nhớ mà thôi!

Nếu như đây là truyện ngắn đi sau một ít truyện ngắn của ông mà tôi đã được đọc đâu đó trước đây, trên mạng thì tôi xin có chút ý kiến, cũng hời hợt, dễ dãi. Văn của ông đang đứng trên đỉnh dốc, vì một sơ ý nào đó, nó sẽ tuột dốc một cách thảm hại. Nếu như không vớ được một cột mốc nào để dừng lại, không biết nó sẽ lăn đến nơi vô định nào!

Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn ông , đã bỏ công sức để hư cấu một cốt truyện mà ông tâm đắc, cống hiến cho mọi người, trong đó có tôi. Xin cảm ơn lắm lắm và cũng mong sức sáng tác của ông luôn dồi dào để độc giả chúng tôi có thêm được những tác phẩm tuyệt vời của ông như truyện ngắn Vô Tình mà tôi vừa đọc. Mong lắm thay

Kính chúc ông dồi dào sức khỏe để còn đi tiếp đoạn kết với cô cháu Trang khờ khạo của ông!

NGƯỜI ĐỌC TRUYỆN

TB: Cũng muốn xưng là chú cháu với ông khi viết, để thấy được ngọt bùi , nhưng khi nhìn lại thì ô hô! Đành phải dùng hai từ ông, tôi để xưng hô mà không phải là "ông, cháu". Thật là đáng tiếc lắm lắm vậy!

1 comment:

  1. Ha Ha ! Bà Chị nào mà viết hay quá vậy ta ? Thật là bái phục.

    Diễm

    ReplyDelete

Yêu cũng đáng ngại thật... Ai bỏ đi trước sẽ chết!

- Bức tranh "Ai bỏ đi trước sẽ chết" "Một bức tranh với giá trị nhân văn sâu sắc, ngay cả khi cô gái nói rằng nếu chàng trai ...