04 October 2014

Thương Con, truyện ngắn

* Phạm Thành Châu
                                                                                  Tôi sắp kể một chuyện ma, nhưng cuối câu chuyện lại lạc đề sang chuyện một cô giáo. Cũng vì nhớ cô giáo mà tôi nhớ luôn đến một chuyện ma nên mới kể được tỉ mỉ như sau đây. Cô giáo lại không liên hệ gì đến chuyện ma nầy (?!).

Chuyện ma có thật không? Tôi không quyết chắc, nhưng cô giáo thì có thật, nhưng cũng chỉ gặp nhau một thời gian ngắn rồi sau đó xa nhau, vì đến ngày mất nước (1975), tôi đi tù Cộng Sản. Tôi và cô như hai chiếc lá quay cuồng trong cơn bão dữ của thời cuộc rồi tản lạc đến những phương trời xa lạ. Vĩnh viễn không bao giờ được tin nhau.

Chuyện xảy ra khoảng đầu thập niên 1970, khi Việt Nam Cộng Hòa chưa bị diệt vong. Năm đó, tôi tốt nghiệp ngạch đốc sự học viện Quốc Gia Hành Chánh Việt Nam Cộng Hòa, được bổ làm phó quận hành chánh quận Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, cách thành phố Huế vài mươi cây số. Từ Huế theo quốc lộ Một ra hướng bắc, qua cầu An Lỗ, quẹo phải vào một đường quê, đổ đá từ thời Pháp thuộc, loang lổ những ổ gà. Ðường quê nào cũng giống nhau, hai bên là đồng ruộng, có lũy tre xanh, sau lũy tre là nhà cửa, với vài hàng quán tạp hóa hoặc bán trà nước, bánh kẹo. Từ Huế, xe chạy khoảng vài giờ thì đến chợ Sịa, là quận lỵ Quảng Ðiền. Quận đường là một công thự khang trang, bề thế, chung quanh rào kẽm gai, đầy mìn bẫy, có lính gác vì là thời chiến. Bên kia lộ, đối diện với quận đường là nghĩa trang, xa chút nữa, tiếp giáp nghĩa trang là trường trung học Quảng Ðiền. Thời đó, chiến tranh Nam Bắc đến hồi khốc liệt, tuy tình hình trong quận rất an ninh, nhưng con cháu những gia đình trong quận, là lính, hành quân trên các vùng núi non Trường Sơn, tử trận, được thân nhân đem về chôn trong nghĩa trang. Từ xưa, người ta tin rằng, nhà cửa, công thự hướng cổng về phía nghĩa trang thì không tốt, nên trước quận đường, ngay chỗ trụ cờ, có để tượng một con bò bằng đá, to như con bò thật, đầu quay về nghĩa trang. Nghe nói đó là tượng thờ Thần Bò của người Chiêm Thành theo Ấn Giáo, mà dân làng Bác Vọng gần đó, đào được, đem đến quận để trấn áp ma quỉ. (Tỉnh Thừa Thiên (Hóa Châu), trước đây là đất của Chiêm Thành). Thỉnh thoảng có một đám tang vào nghĩa trang với những khăn tang trắng, với tiếng khóc kể tức tưởi, với tiếng chuông mõ, tiếng cầu kinh ê a của các vị sư và của những phật tử hộ niệm, đi vòng vo trên các lối mòn, rồi hạ huyệt ở bìa nghĩa trang. Cứ thế, những nấm mộ, ngày càng nhiều, mọc lan tràn, lấn dần vào khoảng đất trống của trường học, gần đến độ, người nằm trong mộ có thể nghe được lời thầy cô giảng bài trong lớp.


Tôi làm việc ở quận, cuối tuần đón xe về Huế để nghỉ ngơi, giải trí vì quận lỵ, tuy có chợ Sịa, nhưng là vùng quê, rất buồn. Tôi về Huế mua sách báo, xem phim, uống cà phê với bạn bè, sáng thứ hai dậy sớm, đón xe đò về quận. Tuy ngạch đốc sự nhưng lương còn ít hơn của một giáo sư trung học, mà tôi thì độc thân, không biết tiết kiệm, dành giụm để mua xe gắn máy nên cứ phải đi xe đò. Công xa thì chỉ có một chiếc xe jeep để quận trưởng đi hành quân.

Một buổi sáng thứ hai, tôi ra bến xe Nguyễn Hoàng (Huế) đón xe về Quảng Ðiền. Trong lúc ngồi chờ xe chạy, tôi thấy một anh chàng ngơ ngáo, hỏi xe về Sịa. Tôi mời anh ta ngồi bên cạnh. Cùng lứa tuổi thanh niên, chúng tôi dễ thân nhau. Thì ra đó là thầy giáo (trước 1975, thầy giáo dạy trung học được gọi là giáo sư), mới ra trường, được bổ về dạy ở trường trung học Quảng Ðiền. Anh ta tặng tôi một tập thơ mà anh là tác giả. Tôi vui vẻ cám ơn và bảo rằng có đọc thơ anh trên các báo chí, tập san văn học. Khi xe về đến chợ Sịa, tôi mời anh ta vào quán dùng điểm tâm.

Chợ Sịa, nổi tiếng từ xưa, “Nhất Huế, nhì Sịa”, nhưng cũng chỉ là một ngôi chợ nhỏ lợp ngói cũ kỹ, chung quanh là nhà cửa, tiệm buôn, quán ăn, tiệm sửa nông cụ... Từ chợ, có những con đường đất dẫn về các làng xã (năm xã) lân cận, nên còn được gọi là chợ Ngũ Xã. Có một con đường nhỏ dẫn ra phá Tam Giang, “Thương em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Phá Tam Giang cách chợ hơn một cây số, là một địa danh văn học, nhưng chỉ là một cái đầm nước rất rộng, chẳng có gì thơ mộng. Tôi nghe người ta kể. Có một năm bão lụt, nước của ba con sông (tam giang), phát nguồn từ Trường Sơn đổ vào đầm quá lớn, nước lụt phá cửa đầm (gần Thuận An), nơi nước chảy ra biển, thành một cửa lớn. Từ đó người ta gọi là Phá Tam Giang. Phá Tam Giang rất rộng. Ðứng bên nầy (quận Quảng Ðiền) nhìn qua bên kia bờ phá (quận Hương Ðiền) cách mấy cây số, chỉ thấy bờ cát trắng với hàng dương liễu. Khi có sương mù hoặc trời mưa thì đất trời mờ mịt, chẳng thấy gì. Bên nầy bờ thì vắng hoe, đất đai cằn cỗi, lơ thơ mấy bụi tre hoặc cây dại, giống bất cứ bến đò ở vùng quê hẻo lánh, nghèo khổ nào.

Chợ Sịa nhiều quán ăn nhưng chỉ có một quán bún bò là đông khách, vì thức ăn ngon và cũng vì có người đẹp. Ðó là cô dâu góa chồng của chủ quán. Cô có một con nên “trông mòn con mắt”. Nam giới thích vào đó với hi vọng được nhìn người đẹp, nhưng cô chỉ lo nấu nướng dưới bếp chứ không lên gặp khách bao giờ.

Vừa bước vào quán, ngồi xuống ghế là anh bạn mới của tôi đã nhìn chăm chăm xuống bếp rồi thì thầm với tôi “Ở đây có người đẹp” Tôi làm bộ ngơ ngác “Người đẹp nào đâu?” “Dưới bếp” Tôi cười “Mắt anh tinh thật. Cô dâu góa chồng của ông bà chủ quán đấy. Nhưng phải cẩn thận. Thôn quê khác với thành thị. Anh là thầy giáo, nếu anh tìm cách trò chuyện với người đẹp, mọi người sẽ theo dõi, bàn tán về anh nhanh lắm. Tôi làm việc ở đây bao lâu nay, vào đây, chỉ dám nhìn tô bún với ly cà phê thôi”.

Thấy vẻ mặt ngẩn ngơ, tôi đoán chừng hồn vía anh chàng đã lẩn quẩn dưới bếp rồi, hi vọng anh ta sẽ sáng tác được những bài thơ hay.

Mới về quận thôn quê, chỗ trọ chưa có, anh thầy giáo xin với ông hiệu trưởng được ở tạm trong phòng thí nghiệm của trường. Ông hiệu trưởng đồng ý ngay vì có người ở trong đó, sẽ không sợ mất trợ huấn cụ. Mấy hôm sau, gặp lại anh ta, tôi hỏi “Chung quanh là nghĩa trang, anh có gặp ma chưa?” Anh ta cười “Ma thì chưa nhưng có thấy người đẹp dẫn con ra thắp nhang cho mộ chồng” “Có làm quen không?” “Không dám, chỉ đứng ở cửa sổ nhìn ra thôi. Mộ chồng cô ta cách chỗ tôi khoảng trăm mét. Cô biết tôi nhìn nhưng vẫn bình thản như không thấy tôi, không lộ vẻ khó chịu là quí rồi.  Công nhận, cô đẹp thật. Ðẹp dịu dàng, thanh cao, trong trắng như cô nữ sinh, như đóa hoa ngọc lan, nhưng buồn buồn, thấy tội nghiệp. Ðúng là nổi buồn góa phụ” “Sao anh biết tên cô ta là Ngọc Lan?” “Khi vào trường, tôi làm bộ hỏi vu vơ, mấy thầy, cô trong trường kể hết về cô ta. Cô ta và chồng đều là học sinh trường Quảng Ðiền nầy. Hai người yêu nhau từ thời còn đi học. Hết trung học, anh chồng vào trường sĩ quan Thủ Ðức, cô vợ học sư phạm. Hai người cưới nhau được hai năm, sinh được một con trai thì anh chồng tử trận, cô đau buồn, ngã bịnh, không đi dạy nữa. Từ đó ở với cha mẹ chồng, giúp việc nấu nướng với mẹ chồng…………” “Thế anh đã làm được mấy bài thơ về người đẹp?” “Nhiều lắm. Nhưng tôi chỉ thương cảm cho số phận một đóa hoa thời loạn chứ không có ý nghĩ gì khác, sợ xúc phạm đến người đẹp” Tôi gợi ý “Chả lẽ cô ta ở vậy thờ chồng cho đến già, đến chết? Tôi nghĩ, bên nhà chồng cũng muốn cho cô ta bước thêm bước nữa, vì cô còn quá trẻ, chỉ trên hai mươi thôi” “Tôi có nghe nói nhiều cậu thanh niên có học, gia đình khá giả muốn cưới cô, nhưng sau đó bỏ cuộc thình lình mà không rõ vì sao” “Ðó mới là điều quan trọng. Anh phải tìm hiểu nguyên nhân trước khi  những vần thơ đầy mộng mơ của anh thành sự thực?”.

Anh chàng thầy giáo thi sĩ nầy, si mê cô Ngọc Lan đến độ gia đình chủ quán biết rõ. Lúc đầu chỉ vào quán điểm tâm, sau thành ngày ba bữa, anh ta ăn bún trừ cơm, viện lý do độc thân, không muốn nấu nướng phiền phức. Chủ quán thấy tội nghiệp, đôi khi cho cô con dâu đem cơm lên cho anh ta. Tuy anh ta làm ra vẻ nghiêm trang, chỉ nói hai tiếng cám ơn với người đẹp nhưng rất sung sướng, tìm tôi khoe ngay “Cô Ngọc Lan đem cơm cho tôi!”

Một dịp may hiếm có. Cậu bé, con của cô ta bị bịnh “Ông y tá ở trạm y tế quận đến cho thuốc uống mà cháu vẫn khóc, mồ hôi ướt đẫm, mặt đỏ gay” Bà nội cậu bé ra than thở với chúng tôi như thế. Tôi nói “Trên Huế có bác sĩ nhi khoa (chuyên về bệnh trẻ con) đem cháu lên đó cho bác sĩ chữa trị xem sao?” Anh thầy giáo xung phong hướng dẫn mẹ con cô Ngọc Lan lên Huế khám bịnh cho cháu. Ông bà chủ quán bèn gọi con dâu sửa soạn đi ngay, còn anh ta thì đi tìm đồng nghiệp mượn xe gắn máy và nhờ dạy thay một buổi. Thầy giáo được kính nể vì là những người gương mẫu, đạo đức nhất trong xã hội thôn quê nên ông bà chủ quán yên tâm.

Hôm sau, tôi hỏi chuyện, anh ta kể “Tôi vừa sung sướng vừa khớp, không dám nói nhiều sợ cô ta e ngại. Trong khi hai mẹ con chờ đến phiên vào gặp bác sĩ thì tôi chạy về nhà ở Ðập Ðá (Huế), nói mạ tôi chuẩn bị cơm nước để cô bạn đồng nghiệp đưa con đi khám bịnh, đến ăn trưa. Gặp nhau, mạ tôi chào hỏi bình thường nhưng coi bộ rất mến cô ta, mời dùng cơm với gia đình, giúp cô ta cho cháu uống thuốc, đưa hai mẹ con vào phòng cho cháu nghỉ mệt. Suốt buổi sáng hôm đó, tôi và cô ta trao đổi nhau khoảng mươi câu, nhưng tôi sung sướng, hạnh phúc đến nỗi, mấy đêm rồi tôi không ngủ được” Tôi khuyến khích “Tôi nghĩ, ông bà chủ quán muốn nhắm anh cho cô con dâu vì chẳng có ai xứng đáng hơn. Vấn đề là cô Ngọc Lan đang nghĩ gì về anh? Và chuyện quan trọng nữa là anh phải tìm hiểu, vì sao, anh chàng nào nhào vô, đòi cưới cho được cô ta, sau đó lại bất ngờ rút lui. Biết đâu, ít lâu nữa, anh cũng làm như thế”.

Ðứa cháu nội khỏi bịnh, ông bà chủ quán rối rít cám ơn. Mỗi khi chúng tôi vào quán, cô Ngọc Lan ra tiếp, lại còn cho cậu bé lên chào hai bác. Sự đối xử thân mật đó khiến anh ta thêm hi vọng.

Một buổi chiều, xong giờ làm việc, tôi thả bộ ra trường Quảng Ðiền thăm chàng thi sĩ thầy giáo. Chúng tôi bắc ghế ra ngồi ở hành lang, uống trà chuyện trò. Anh ta tâm sự. Hóa ra anh ta tỏ tình với người đẹp. Anh ta kể “Tôi không viết thư mà chỉ cắt những bài thơ tôi sáng tác đã đăng trên các báo. Những bài thơ về tình cảm của tôi đối với cô. Tôi để những bài thơ đó dưới lư hương của mộ chồng cô. Sáng đó, tôi rình xem. Cô dẫn con ra mộ, thắp nhang cắm vào lư hương như mọi khi. Lúc đầu cô ngạc nhiên vì những mảnh báo đó. Cô cầm lên, đọc từng bài thơ của tôi. Sau đó, có lẽ cô biết tôi là tác giả nên cô chăm chú đọc. Có những bài thơ cô đọc đến vài lần. Cô ôm con, ngồi xuống, tay cầm mấy bài thơ, thẩn thờ như người mất hồn, rồi bỗng cô xoay người, ôm mộ bia chồng khóc nức nở. Lúc đó tôi rất hối hận, chỉ muốn chạy ra, quì xuống xin lỗi đã quấy rầy cô, làm cô buồn phiền.  Một lúc sau, cô châm lửa đốt những bài thơ của tôi trước mộ chồng rồi dẫn con quay về. Tôi biết anh ngạc nhiên vì cả tuần nay tôi không rủ anh đi điểm tâm ở tiệm ăn đó. Tôi mắc cỡ và sợ cô ta. Cô mà kể lại cho người khác nghe thì chết tôi” Anh ta móc bóp lấy ra một tờ giấy nhỏ gấp làm tư đưa tôi “Sáng nay, cô dẫn con thăm mộ chồng như thường lệ, lúc ra về, cô để dưới lư hương tờ giấy nầy. Khi cô và con đi được một quãng, tôi đi ra, hướng về phía mộ chồng cô. Cô làm như tình cờ, hơi nghiêng người nhìn để biết chắc là tôi đã nhận thư cô. Anh đọc đi và cho tôi ý kiến. Cô nghĩ gì?” Tôi mở mảnh giấy ra, chỉ vỏn vẹn một giòng, nét chữ chân phương “Em mong anh thương con em” Tôi nói “Ý cô ta là dù anh có yêu thương cô ta bao nhiêu cũng không quan trọng bằng lời hứa sẽ săn sóc, bảo bọc, nuôi nấng thằng bé nên người. Nếu anh hứa, cô sẽ chấp nhận anh” Anh ta sáng mắt lên “Một người con của tổ quốc đã hi sinh ngoài chiến trường, để đồng bào, trong đó có tôi, được sống yên bình, thì bổn phận người còn sống là phải thay anh ta chu toàn cho đứa bé. Nuôi dưỡng, thương yêu như ruột thịt thì có gì khó khăn đâu” Tôi khuyến khích “Anh thử viết cho cô ta rằng sẽ cho mạ anh về gặp gia đình bên cô ta cũng như bên nhà chồng, xin hỏi cưới cô ta. Dĩ nhiên anh phải long trọng hứa sẽ thương yêu thằng bé. Lúc đó, tùy theo cách trả lời của cô ta mà anh quyết định” Anh ta phân vân “Làm sao gửi thư?” Tôi chế giễu “Khi đã mê mẩn tâm thần thì không còn biết trời trăng gì nữa! Hộp thư là cái lư hương ở mộ chồng cô ta đấy” Mấy hôm sau anh ta gặp tôi “Ngọc Lan trả lời rồi, nhưng chỉ ba chữ “Cám ơn anh”. Như vậy là sao?” “Sao trăng gì! Sáng mai, đến gặp ông bà chủ tiệm, xin phép cho mạ anh được đến thăm. Nghe thế họ hiểu ngay. Nếu họ viện lý do nầy nọ không chịu tiếp thì anh biết thân phận mình, vào tiệm đừng nhìn xuống bếp tìm người đẹp nữa” 

Mấy hôm sau, gặp tôi, anh ta hí hửng “Xong rồi!” “Nghĩa là sao?” “Mạ tôi đã gặp cả hai gia đình rồi, gia đình cô và gia đình nhà chồng. Mạ tôi bảo sẽ đi xem thầy để biết được ngày tốt mà làm lễ chạm ngỏ hay đám hỏi gì đó. Ngày đám cưới sẽ định sau”.

Một buổi sáng, trời còn sớm mà anh ta đã vào văn phòng quận tìm tôi, vẻ hoang mang, lo lắng “Anh có biết, đêm rồi, có lính tráng đóng quân gần trường học không?” “Hầu như tối nào lính cũng đi kích (phục kích) chung quanh đây, khi nằm chỗ nầy khi chỗ khác. Có chuyện gì vậy?” “Ðêm rồi, vào khoảng mười hai giờ, tôi đang nằm đọc sách thì nghe tiếng chân đi ngoài hành lang, từ phòng hiệu trưởng tiến về phòng thí nghiệm, nơi tôi đang nằm. Tiếng chân đến trước cửa phòng tôi thì dừng lại. Rồi có tiếng gõ cửa, nhẹ thôi, nhưng tôi nghe được. Tôi đến cửa, nép một bên, yên lặng. Lại có tiếng gõ cửa, ngay sát tai tôi. Tôi không lên tiếng vì sợ nguy hiểm. Rồi tiếng chân xa dần, vòng ra phía sau trường, tức hướng nghĩa trang. Tôi hé cửa sổ, nhìn ra ngoài. Trời tối đen, chỉ lờ mờ những nấm mộ nhấp nhô dưới ánh sao đêm. Ðột nhiên, trong đêm vắng, tôi lạnh toát người khi nghe từ xa vang lên một câu nói “Ðừng chọc ghẹo, dụ dỗ Ngọc Lan” Giọng nói ngọng nghịu như của người bịnh, đớ lưỡi, cố sức kêu lên nhưng lại thều thào, hết hơi . Tiếng nói phát ra hình như từ hướng ngôi mộ của chồng cô Ngọc Lan. Tôi khiếp đảm, đóng cửa lại. Tôi tắt đèn, nằm tưởng tượng đến cảnh chồng cô ta đẩy nắp quan tài, bước ra khỏi mộ, xiêu vẹo đi đến phòng tôi, gõ cửa, muốn nói gì đấy nhưng rồi lại bỏ đi, về mộ, nằm xuống, hai tay để trên bụng như tư thế lúc khâm liệm. Bao nhiêu năm trôi qua, nằm trong mộ, anh ta đã tích lũy biết bao yêu thương vợ con, dồn nén trong tuyệt vọng để rồi kêu lên mấy lời vừa đau khổ vừa hăm dọa để ngăn cản tôi không được đến với vợ anh ta” Tôi cũng hoảng kinh nhưng cố trấn an anh ta “Anh là thi sĩ cũng đúng, giàu tưởng tượng quá. Nếu là chồng, thì phải nói “Không được chọc ghẹo vợ tôi”. Có thể ông nào cũng trồng cây si cô Ngọc Lan nên giả làm ma, dọa để anh sợ mà rút lui. Ðể tôi hỏi bên chi khu (cơ quan quân sự quận) xem tối hôm qua có đi kích gần trường học không? Yên tâm đi. Ở đây ít người, ai làm gì người ta cũng biết hết. Chỉ cần cô Ngọc Lan gặp anh ta, người dọa ma anh, xin đừng phá cuộc hôn nhân của cô ta là mọi việc êm xuôi”

Khoảng một tháng sau, tôi nhận được thiệp mời dự đám cưới của anh chàng thầy giáo thi sĩ với người đẹp Ngọc Lan. Nhưng bất ngờ lại xảy ra một chuyện rùng rợn khác. Một buổi sáng, anh ta vào quận gặp tôi “Khi hôm tôi ngủ ở quán ăn của gia đình nhà chồng Ngọc Lan” Tôi cười ngạc nhiên “ Chưa cho ăn tiệc cưới mà đã gửi rể sớm vậy?” Anh ta lắc đầu “Sợ chết khiếp, tâm trí đâu mà rể với dâu!” “Lại chuyện ma chứ gì? Tìm ra người gõ cửa phòng anh chưa?” Anh ta lại lắc đầu “Hơn ma một bậc. Chuyện nầy thì người sống không thể làm được. Chuyện như thế nầy. Lúc khuya, khoảng mười hai giờ, tôi vẫn còn thức, nằm trên giường đọc sách. Bỗng tôi nghe có tiếng động nơi cửa sổ, tôi quay nhìn thì thấy cửa hé mở. Tôi nghĩ là gió làm cho cửa lay động. Rồi một tiếng động lớn hơn, cả hai cánh cửa đã mở toang. Tôi lại nghĩ, lính đi kích cần mở cửa để kiểm soát, nên tiếp tục đọc sách. Rồi có tiếng đằng hắng, tôi quay lại, thấy một quân nhân, một sĩ quan thì đúng hơn, đứng ở cửa sổ nhìn tôi đăm đăm. Anh ta mặc đồ tác chiến. Áo xanh, nón sắt, cổ áo gắn hai bông mai (trung úy), có bảng tên ở ngực. Tôi giơ tay lên vẫy như lời chào. Anh ta vẫn yên lặng nhìn tôi, không có cử chỉ, lời nói nào. Tôi đoán anh ta dẫn lính đi kích quanh đây nên lại quay vào vách đọc sách. Cây đèn dầu hôi để ở bệ cửa sổ trên đầu giường, rất tiện cho tôi, nằm nghiêng bên nào tôi cũng có thể đọc được sách. Rồi anh biết chuyện gì đã xảy ra không? Ðang đọc sách, tôi ríu mắt định ngủ thì đột nhiên, tôi thấy mặt anh ta sát mặt tôi, như đang đọc chung sách với tôi. Tôi không hiểu anh ta vào phòng tôi bằng cách nào? Cửa chính vẫn đóng. Tôi thấy  người anh ta vẫn còn ngoài cửa sổ, chỉ cái đầu đội nón sắt thì đang kề sát mặt tôi. Hai hốc mắt không có tròng, tối om như sâu vô tận, hướng về mấy trang sách tôi đang cầm trên tay. Tôi thét lên một tiếng kinh hoàng, vùng dậy, vung tay đập vào mặt anh ta (là khoảng không) rồi tông cửa chạy băng qua nghĩa trang, vấp chân vào các bia đá ngã lăn mấy vòng, lại vùng đứng lên chạy tiếp, miệng la to “Ðừng bắn tôi. Tôi là thầy Toàn đây” Vì tôi sợ lính đi kích tưởng tôi là địch, bắn lầm. Tôi chạy băng xuống chợ, đập cửa nhà ông bà chủ quán, tức gia đình nhà chồng của Ngọc Lan. Họ còn thức để chuẩn bị vật thực làm thức ăn cho ngày mai” Tôi chận lại “Anh nói ríu mắt buồn ngủ sao lại thấy rõ được? Có thể thần trí anh thấy chứ không thấy bằng mắt, giống như mình ngủ mà thấy chiêm bao vậy” Anh ta gật đầu “Anh nói cũng có lý, nhưng anh biết sao không? Họ mở cửa cho tôi vào. Tôi sợ đến lạnh toát người khi thấy hình chồng cô ta trên bàn thờ. Gương mặt với bảng tên của con ma lúc nãy chính là của anh ta. Tôi chỉ hình anh ta, nói như líu lưỡi “Anh ta đang ở ngoài trường...” Cha mẹ chồng cô ta định nói với tôi điều gì đấy thì Ngọc Lan xin phép ông bà được gặp riêng tôi. Tôi theo cô ra trước hiên nhà, cô thì thầm “Ðó là hồn chồng em hiện về...” Nói đến đấy, cô khóc “Chồng em chưa siêu thoát vì còn vương vấn vợ con. Nhiều người muốn tiến đến với em đều bị chồng em hiện về, thường là trong giấc ngủ, nói với người đó “Ðừng chọc ghẹo Ngọc Lan” Thế là ai cũng sợ, đến kể lại cho em nghe và xin  rút lui” Tôi hỏi “Có phải chồng em ghen tuông không?” “Em không nghĩ vậy. Lúc còn sống chồng em thường nói với em rằng “Ðời lính không biết sống chết lúc nào. Nếu anh có mệnh hệ nào thì em cứ đi lấy chồng vì em không để phí tuổi xuân mà thờ anh. Anh chỉ sợ người ta hành hạ con anh thì anh đau khổ lắm” Bây giờ sự việc đã như vậy thì mọi quyết định là ở anh chứ em không dám có ý kiến. Sáng mai, anh có thể về Huế thưa với ba mạ, xin hủy bỏ lễ cưới nầy. Ðời em, coi như thêm một lần dang dở nữa. Tình cảm em dành cho anh rất nhiều vì biết anh thương con em, sẽ lo lắng, bảo bọc cho nó. Em nghĩ, có anh thì tương lai nó sẽ tốt đẹp. Hay là anh chỉ giả vờ nói thương nó để đánh lừa em, chồng em biết nên hù dọa anh để anh sợ?” Mắt đẫm lệ, cô ngước nhìn tôi như chờ đợi điều gì. Tôi cầm tay cô, nói lớn cho cha mẹ chồng cô nghe “Anh thương yêu mẹ con em là sự thật. Anh không giả vờ. Nếu chồng em hiện ra một lần nữa, anh sẽ nói với chồng em là, anh không lùi bước dù anh ta có hù dọa cách nào đi nữa. Riêng thằng bé, anh không có lý do gì để ghét bỏ nó. Anh hứa thay mặt ba nó mà thương yêu săn sóc nó như con ruột. Ðó là tình anh yêu em và còn là bổn phận của anh đối với con” Hai tay cô ấp vào tay tôi như một lời cám ơn “Em cám ơn anh. Ðể em vào khấn với chồng em rằng anh đã hứa yêu thương con, chồng em sẽ yên tâm mà siêu thoát. Em cũng sẽ báo cho con rằng, anh là ba nó, sẽ thương yêu nó. Em chỉ xin anh một điều. Trước ngày cưới một tuần, cho em và ông bà nội thằng bé vào chùa làm lễ cầu siêu cho chồng em”

Sau lễ cưới, hai người cùng đứa bé đi Ða Lạt hưởng tuần trăng mật. Ông bà chủ quán mua cho họ một ngôi nhà nhỏ có vườn cây trên đường làng dẫn ra phá Tam Giang. Căn nhà ngói nhỏ, xinh xắn và thơ mộng đối với đôi vợ chồng mới cưới.

Cuối năm đó, nhân lễ đưa ông Táo về trời, vợ chồng anh thầy giáo thi sĩ mời các cô, thầy dạy ở trường Quảng Ðiền đến dự bữa cơm tất niên. Tôi cũng được mời.

Trời mùa đông miền Trung, lất phất mưa lạnh. Trên một bàn dài phủ khăn trắng tươm tất, tôi được chủ nhà mời ngồi đầu bàn, cạnh một cô giáo rất trẻ. Cô ta tên Phương Thảo, là cô giáo dễ thương nhất trường. Cô đẹp dịu dàng, thùy mị. Là cô giáo mà trông cô vẫn như một nữ sinh Ðồng Khánh. Cô có đủ các nét đẹp truyền thống của một cô gái Huế. Mặt trái xoan, da trắng hồng tự nhiên. Mắt cô đen, tóc buông dài ngang lưng. Cô vẫn còn ngây thơ, ngơ ngác của một sinh viên sư phạm mới ra trường. Cô chỉ khác với các nữ sinh ở chiếc áo dài màu, để phân biệt với nữ sinh mặc áo dài trắng. Mỗi khi gặp cô, trong các cuộc họp hay ngoài đường, tôi chỉ ngắm trộm cô chứ không dám gợi chuyện vì biết mọi người đang theo dõi “ông phó” (là tôi). Khi biết bị tôi ngắm trộm thì cô mím miệng làm nghiêm, chờ mọi người không để ý, cô mới dịu dàng nhìn lại tôi và cười. Ðôi mắt cô nhìn tôi thân mến, long lanh như hai giọt sương mai. Ðẹp hết sức.

Khi được chủ nhà cho tôi ngồi cạnh cô Phương Thảo tôi thích lắm. Nhưng chúng tôi chỉ gật đầu chào nhau rồi cô quay sang chuyện trò với các cô bạn, coi như không có tôi.

Nhân trong người có chút hơi men, tôi hỏi gia chủ “Sao? Còn bị ma nhát nữa không? Hôm đám cưới, bố thằng bé có hiện ra chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc không?” Chuyện ma nhát anh chàng thầy giáo thi sĩ nầy, ngoài tôi và gia đình chủ nhà, không ai biết, thế nên mọi người nhao nhao lên hỏi chuyện ma như thế nào? 

Giả dụ anh ta bảo “Ðó là chuyện chúng tôi phịa ra để được cưới nhau, chứ làm gì có ma” thì tôi chịu thua vì chuyện ma thì chỉ có con ma và người thấy nó biết được mà thôi. Nhưng anh ta cười bảo “Hết thấy ma rồi” Chị vợ đang bưng thức ăn lên cũng nói “Hết rồi. Ảnh đã siêu thoát rồi” Tôi có âm mưu, muốn dọa mấy cô giáo, nên nói “Tôi thì cho rằng anh ta hiện đang dự tiệc với chúng ta và đang ngắm các người đẹp” Các cô giáo liếc tôi, cười cười. Anh chủ nhà nhờ tôi kể lại chuyện đó, vì tôi là nhân chứng. Tôi kể lại nhưng còn thêm thắt cho thật rùng rợn. Ở thôn quê, ban đêm, ngoài trời tối om, mưa rả rich, tí tách trên cành lá, trong nhà thì đèn đóm tù mù, các cô giáo chăm chú nghe nhưng co rúm người lại vì sợ, đến chỗ hồn ma thò đầu qua cửa sổ thì các cô co chân lên ghế rồi cười rúc rích và nói với nhau “Ban đêm, quây quần nghe chuyện ma thì thú vị thật”. Chị chủ nhà đã bày thức ăn lên bàn và mời mọi người cầm đũa. Chị đưa thằng con ra chào các cô, bác rồi cho ngồi bên cạnh. Kể xong, tôi mời chủ nhà xác nhận. Anh thầy giáo thi sĩ nầy đứng lên “Ông phó (quận) kể đúng như chuyện đã xảy ra cho tôi. Có điều lạ là sau ngày cưới, chúng tôi không còn thấy gì cả. Ðiều nầy chỉ có vợ tôi giải thích được mà thôi” Mọi người đưa mắt về hướng chị chủ nhà chờ đợi. Chị ôm con vào lòng, nhỏ nhẹ “Chỉ có em hiểu ảnh. Ảnh thương con quá, chết rồi mà cũng không muốn rời con, hồn phách cứ vấn vương theo con, không siêu thoát được, nay đã có người thay ảnh mà thương yêu, bảo bọc cho nó thì ảnh đã yên tâm đi vào cõi khác” Một thầy giáo lớn tuổi nói “Chết chưa phải là hết. Tôi nghĩ rằng anh ta ghen, ai cà rà với vợ mình thì tìm cách đuổi đi. Chẳng may gặp ông thầy giáo si tình nầy, nhát ma cách nào ông ta cũng nhào vô nên đành chịu thua. Phải vậy không chị chủ nhà?” Chị ta cười “Dạ cũng đúng. Có lẽ vong linh chồng em muốn người nào đến với em phải thật lòng, dù trở ngại, khó khăn cũng không nản chí. Người yếu bóng vía, mới hù dọa một chút mà đã bỏ cuộc thì chính em đây cũng không chấp nhận” Anh chủ nhà thưa rằng “Có một điều lạ không thể giải thích được. Tấm hình người chồng tử sĩ của vợ tôi đang thờ trên bàn thờ kia, vốn được rọi lớn từ một tấm hình nhỏ. Dĩ nhiên, hai tấm hình giống nhau vì cùng là một bản gốc. Khi chúng tôi cưới nhau, dọn về nhà mới, thì vợ tôi đến xin cha mẹ chồng rước hình người chồng quá cố về thờ. Ông bà rất vui lòng, họ sẽ thờ bằng một tấm hình khác. Nhưng khi lấy tấm hình đó để trao cho con dâu thì họ ngạc nhiên khi thấy người trong hình mỉm cười chứ không nghiêm trang như trong tấm hình nhỏ là bản gốc. Ðể tôi đem hai tấm hình cho quí vị xem, sẽ thấy rõ sự khác biệt” Anh chủ nhà lấy tấm hình trên bàn thờ, kèm một hình nhỏ gắn phía dưới, đưa cho mọi người xem. Ai cũng chăm chú nhìn rồi trầm trồ “Khác nhau thật. Anh ta đang cười chứ không chỉ mỉm cười”. Tôi định nói “Ðó là cảm tưởng của người nhìn thôi” nhưng như vậy thì các cô không còn sợ nữa. Các cô sợ mà cũng nhìn rồi rụt cổ lại “Ghê quá!”. Khi anh chủ nhà đưa tấm hình đến gần cô Phương Thảo thì hai tay cô che mặt, không dám nhìn. Anh chủ nhà được thể, đưa tấm hình gần cô hơn để dọa. Tôi nói nhỏ với cô “Cô thử nhìn xem, chẳng gì phải sợ. Nhìn kỹ đi, tôi sẽ nói một điểm đặc biệt trong tấm hình đó”. Cô hé nhìn rồi nói “Có gì lạ đâu?” Tôi kêu lên “Ông ta đang nhìn cô Phương Thảo và cười kìa!”, cô ta khiếp hãi, “Ối!” lên một tiếng, nhào qua ôm tôi cứng ngắc, mặt cô úp vào ngực tôi, thở hào hển. Mọi người cười ồ lên. Tôi ngồi im, không dám cục cựa. Tóc cô sát mũi tôi, thơm nồng và ngọt ngào mùi con gái. Tay cô mềm mại ôm vòng lưng tôi. Ðộ một phút sau cô vụt ngồi lên nhưng bàn tay cô vẫn không rời lưng tôi, vuốt ve như tìm kiếm, đến ngang hông tôi, bỗng nhiên hai ngón tay cô như cái kềm sắt, nhón lấy miếng thịt chỗ đó, kẹp chặt rồi day day như đang vắt miếng chanh (nhưng mặt cô vẫn bình thản. Không ai biết những gì đang xảy ra sau lưng tôi). Tôi muốn nhảy nhỏm vì đau. Ðã thế, khi rời tôi, cô vẫn kẹp chặt như vậy mà kéo ra. Tôi kêu lên “Ui da!”. Cô buông tay ra.

Vì mắc cỡ, cô đổi chỗ ngồi với cô bạn.

Tôi có thói quen, sáng nào cũng xuống nhà anh thầy giáo thi sĩ nầy uống trà, chuyện trò. Cô giáo Phương Thảo cũng có thói quen, trước khi đến trường, ghé đến, dựng xe gắn máy trước cửa, vào nhà trong vui đùa với mẹ con chị chủ nhà, sau đó cô ra ngoài hiên ngồi với chúng tôi. Tôi rót một tách trà mời cô, cô uống tách trà, nói vài câu rồi đứng lên. Lần nào cũng thế, cô bước vòng ra sau lưng anh chủ nhà, dừng lại, nhìn tôi đăm đăm, môi mím lại, tôi cũng làm như vô tình nhìn vào đôi mắt long lanh của cô. Chúng tôi nhìn nhau chỉ một thoáng thôi, rồi cô đến chỗ xe gắn máy, ngồi lên và nói “Chào mọi người!”. Cô lại nhìn tôi nhoẻn miệng cười và kêu lên “Chào Cu Tí!” (là tên thằng bé, con chủ nhà), tôi cũng kêu lên “Chào dì Cu Tí”.

Một năm sau, năm 1975, Việt Cộng chiếm Việt Nam Cộng Hòa, tôi đi tù cải tạo, gần chục năm sau, ra tù, tôi thành tên cùng đinh dưới chế độ Cộng Sản.  

Cô Phương Thảo ơi! Bây giờ cô ở đâu?

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...