Phạm Đức Đồng Hùng
Để chống lại một đối thủ lớn mạnh hơn mình thì phải luôn đi trước đối thủ về cơ mưu, chiến thuật, chiến lược. Thế nhưng cái gì Hà Nội cũng lẹt đẹt đi sau để máy móc sao chép đúng chính xác những gì Bắc Kinh đã làm, thí dụ việc sao chép lực lượng tuyên truyền mệnh danh “Đảng năm mươi xu”.
Ngũ mao đảng?
“Năm mươi xu” hay “năm hào”, tiếng Trung Quốc gọi là “Ngũ mao” và đội quân này gọi là “Ngũ mao đảng” (Wu Mao Party), báo chí Anh ngữ gọi là “Fifty Cent Party”.
Sự tích của lực lượng tuyên truyền này bắt nguồn từ “sáng kiến” của Sở Thông tin thành phố Trường Sa (Chang-sha), thủ phủ tỉnh Hồ Nam (Hu-nan) vào tháng 10 năm 2004.
Lúc đó, khi nhận ra ảnh hưởng và tác động của dư luận của các bài viết trên internet, để tán dương và bảo vệ những chính sách và đường lối của chính quyền và đảng bộ thành phố, tạo dư luận để tô vẽ uy tín các cá nhân và tập thể lãnh đạo thành phố; sở này tiến hành thuê mướn đội quân bút chiến “chuyên nghiệp”, chuyên họat động trên mạng Internet.
Cứ mỗi “comment” hay bài tuyên truyền ngăn ngắn trên các blog hay các trang mạng xã hội kiểu như Facebook hay Twitter, những kẻ viết thuê này được trả nửa đồng, tức năm “mao”. Từ đó đội quân chửi và ca ngợi thuê này “chết tên” Ngũ Mao Đảng.
Chỉ vài tháng sau, “sáng kiến” này được đại học Nam Kinh (Nanjing University) sử dụng để chống lại lệnh của Bộ giáo dục Trung Quốc, muốn thực hiện việc kiểm duyệt các hệ thống thông tin của các đại học qua các bản tin nội bộ hay nội san.
Nếu thực hiện cứng nhắc lệnh này thì bản tin Hoa Lily nhỏ (Little Lily) rất ăn khách của đại học này phải đóng cửa. Để chống lại, các nhân viên quản trị của đại học bắt đầu tuyển mộ các sinh viên làm bình luận viên bán thời trên mạng, trả lương từ ngân sách của nhà trường. Mục tiêu của trường này là tạo ra một diễn đàn để chống lại cải tổ của Bộ giáo dục.
Vài tháng sau chính quyền tỉnh Giang Tô (Jiangsu) bắt đầu tuyển mộ “ngũ mao quân” tương tự thành phố Trường Sa.
Sau đó giới lãnh đạo trung ương đã nhanh nhẩu nhận ra lợi ích của việc này. Khi công chúng ngày càng cắm đầu và các trang mạng, nhà nước này đã thừa hiểu rằng các cuộc tranh luận trên thế giới ảo ngày càng có tác động mạnh mẽ đối với công chúng, thậm chí có với sức lan tỏa hơn cả hẳn báo chí và sách vở hay truyền hình.
Ngày 23.1.2007 nguyên chủ tịch kiêm tổng bí thư Hồ Cẩm Đào phát biểu trong một hội nghị của Bộ chính trị, yêu cầu phải “tăng cường trên mặt trận xây dựng ý thức hệ và dư luận quân chúng để tạo nên một hình ảnh tích cực” cho đảng và chợt “Ngũ mao quân” trở thành một biện pháp thời thượng.
Từ đây, đảng năm hào phát triển ào ào. Đến giữa năm 2007 thì hầu như tỉnh nào, đại học nào ở Trung Quốc cũng có đội quân năm hào, rồi cả cơ quan tuyên huấn trung ương cũng ra tay tuyển mộ “ngũ mao quân”.
“Ngũ mao quân” đặc biệt hữu dụng trong tác dụng “chữa cháy” mà điển hình là đội quân của Sở Công An thành phố Tiêu Tác (Jiaozuo), thuộc tỉnh Hà Nam (Henan). Tháng Sáu năm 2007 Sở công an Tiêu Tác tuyển mộ 35 bình luận viên từ các các cơ quan truyền thông, các thân nhân của công an. Sở này còn chọn lựa 120 nhân viên công an có khả năng viết lách để bổ sung vào đội quân tạo dư luận.
Trong bài Chinese Bloggers on the History and Influence of the “Fifty Cent Party” đăng trên báo mạng China Digital Times, tác giả Wang Xiaoshan đã diễn tả cách cơ quan công an Tiêu Tác đương đầu hiệu quả với tai tiếng như thế nào. [1]
Ngày 10.78.2008, xuất phát từ một tai nạn giao thông, vì bất mãn với cách xử trí của công an, nhân vật nọ đã giận dữ đưa câu chuyện lên mạng, thu hút hàng loạt ý kiến giận dữ khác. Tại đây ai cũng bày tỏ sự giận dữ với cách thức mà công an giải quyết trong tai nạn này.
Cơ quan công an nhanh chóng triệu tập các ngũ mao quân của mình. Chỉ 10 phút sau họ nhanh chóng chỉ định một tiểu ban để phân tích lập luận của các ý kiến chỉ trích rồi đề ra các phương hướng phản bác. Sau đó thì 120 công an có tài viết lách thi nhau oanh tạc các trang blog kia với các ý kiến bênh vực công an ở các mức độ khác nhau, bằng nhiều bút hiệu khác nhau.
Chỉ 20 phút sau thì các ý kiến bênh vực công an đã trở thành “chính mạch” và nhiều người bắt đầu quay mặt chỉ trích kẻ đã tố cáo công an nói trên.
Theo ước lượng của nhiều nguồn tin khác nhau, hiện đội quân này quy tụ khỏang từ 280,000 đến 300,000 người. Để được tuyển nhận, những thành viên này chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận làm việc và lọt qua một kỳ thi để chứng tỏ năng lực viết lách và cãi cọ. Sau đó, họ được Bộ Văn Hóa Trung Quốc tổ chức “tu nghiệp” với các khoa huấn luyện thường xuyên.
Kỹ thuật tâm lý chiến mà các “chiến sĩ tuyên truyền” này được huấn luyện trên các vấn đề thời sự quốc gia và quốc tế có thể tóm tắt như sau:
1. Nên chú trọng vào việc chỉ trích Mỹ và xem nhẹ sự tồn tại của Đài Loan.
2. Không nên cãi cọ trực tiếp với ý niệm dân chủ, thay vào đó chỉ nên chú mục vào đề tài “hình thức dân chủ nào mới được xem là dân chủ đích thực”.
3. Nắm vững các sự kiện mang tính bạo lực và các tình thế vô lý ở các xã hội Tây phương để luận giải rằng tại sao dân chủ không phải là thể chế thích hợp với chủ nghĩa tư bản.
4. Vận dụng các hành động can thiệp của Mỹ vào các quốc gia khác trong các vấn đề quốc tế để giải thích rằng thực chất các nền dân chủ Tây phương đang xâm lược các quốc gia khác, đang sử dụng sức mạnh để áp đặt các giá trị Tây phương.
5. Sử dụng các sự kiệu đau thương và đẫm máu của nhân dân trong lịch sử để khuấy động tình cảm yêu nước và ủng hộ đảng.
6. Luôn nhấn mạnh những thành tựu của Trung Quốc, từ đó chứng minh nhu cầu ổn định xã hội.
Khi đã nâng lên hàng chuyên nghiệp với bài bản tuyên truyền như thế, đồng lương của của đội quân này cũng thay đổi: tùy theo nơi, tùy vào công việc và năng lực. Đó là “nhà bình luận” này làm việc cho tổ chức nào: của quận, huyện, của một cơ quan địa phương, một trường đại học nhỏ hay lớn, hay làm việc cho cơ quan tuyên huấn trung ương.
Sở Thông tin tuyên truyền Trường Sa chỉ trả 5 hào vào năm 2004 nhưng theo thông tin từ Trung Quốc, lương căn bản của những tuyên truyền viên này là 600 Nhân dân tệ một năm. (Theo thời giá hiện tại thì 600 yuan đổi được gần 92 Úc kim).
Năm 2010 Trường Đảng thành phố Hành Dương (Hengyang Municipal Committee Party School) trả cho các nhân viên này chỉ 1 hào cho mỗi ý kiến và mỗi tháng không hơn 100 yuan tiền thưởng.
Mới đây tờ Hòan Cầu thời báo (Global Times) dẫn lời một quan chức thành phố Hồ Nam, cho biết với mỗi bài viết 500 chữ, họ sẽ trả tiền nhuận bút 40 yuan nếu đăng trên các trang web địa phương và 200 yuan nếu được đăng trên các trang mạng quốc gia.
Xấu hổ vì quân năm hào
Khỏi phải nói nhiều, cách thức hình thành và hoạt động nói trên đã tỏ rõ tính chất ô hợp và đá cá lăn dưa của ngũ mao quân và chuyện này đã khiến một nhà báo bảo thủ Trung Quốc cũng phải thấy ngượng.
Đó là Lý Hồng Mai (Li Hongmei), kẻ không xa lạ gì với người Việt Nam quan tâm đến việc nước. [2]
Ả Lý là nhà bình luận của báo Nhân Dân của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ngày 17.8.2010 ả ta đã trịch thượng dạy dỗ và doạ nạt cả chế độ cộng sản Việt Nam với lọat bài bình luận trên trang web của báo này bằng giọng điệu diều hâu và bảo thủ.
Ở đây, cũng bằng giọng điệu diều hâu và bảo thủ, ả Lý tỏ ra xấu hổ khi một “đại quốc ngời ngời chính nghĩa” như Trung Quốc mà phải trông đến lực lượng “lính đánh thuê trên mạng” ô hợp với các bài viết năm mươi xu.
Ngày 23.5.2011, trong bài viết “Let go of ‘WuMaoDang’ and ‘50-cent Party” trên trang mạng của báo Nhân dân (English.people.com.cn, 23-5-2011), ả cho rằng việc sử dụng đội quân “Ngũ Mao” chỉ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Trung Quốc vì hiện Trung Quốc đã “có đủ can đảm để thể hiện chính mình như vốn có của nó”.
Ả Lý cho rằng với “sự tự tin và sức mạnh tăng dần” như hiện tại, người dân Trung Quốc sẽ cứng cáp hơn để khỏi phải được nuốt những “viên đạn bọc đường” và rồi Ngũ Mao đảng cuối cùng sẽ tự thân rã đám.
Theo ả thì đã đến lúc mà người Trung Quốc phải nỗ lực để
xây dựng một môi trường lành mạnh trên mạng Innternet qua việc “sử dụng những con mắt sắt bén để loại bỏ những thông tin thất thiệt” và “tạo ra một nếp suy nghĩ lành mạnh để đối mặt với tình trạng hỗn mang của thế giới mạng trong khi bị cuốn hút vào một biển thông tin.”
Điều lạ là, trong khi một người như ả Lý cảm thấy ngượng, các quan chức Việt Nam lại cảm thấy tự hào.
“Ngũ Mao quân” Việt Nam
Vài năm trở lại đây nhiều người Việt Nam đã lấy làm thắc mắc: tại Việt Nam có tồn tại một lực lượng tương tự hay không?
Không ai có thể xác nhận được tuy nhiên nhìn các phản hồi bất chấp sự thật trên các blog ăn khách thí dụ phản hồi chuyên ký tên “Nhô” trên blog của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, ai có thể thoát khỏi cảm tưởng rằng đây là một tên “comment thuê chuyên nghiệp?
Đến đầu năm nay chính quyền mới chính thức xác nhận trò này.
Báo Lao Động ngày 9.1.2013 đăng bản tin “Tổ chức nhóm chuyên gia bút chiến trên Internet” với nguyên văn dưới đây:
“Ông Hồ Quang Lợi - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - nêu kinh nghiệm "Tổ chức nhóm chuyên gia" đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên Internet trong việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Phát biểu tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012 diễn ra sáng nay (9.12) tại Hà Nội, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đã dùng từ “tuần hành, biểu tình liên quan đến biển Đông” với số lượng lên tới "hàng chục cuộc" ở Hà Nội.
Theo ông Lợi, Hà Nội là địa bàn chống phá của các đối tượng. Trong nước, các nhóm đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng lòng yêu nước của quần chúng nhân dân đối với các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông, sự bức xúc trong đền bù giải tỏa đất đai đã kích động nhân dân tổ chức hàng chục cuộc tuần hành biểu tình, gây những hệ quả tiêu cực, ảnh hưởng đến hình ảnh và sự phát triển chung của đất nước.
Về các biện pháp tuyên giáo - theo ông Lợi, thành phố đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng. Trong khi đó, báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm; thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh. Tổ chức “nhóm chuyên gia” đấu tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên Internet. Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng.
Thành phố cũng đã tổ chức đối thoại, thuyết phục với tác giả cuốn "Không thể một lúc đi trên 2 con đường”. Qua đó, tác giả nhận ra sai lầm, cam kết không in, hứa thu hồi những gì đã phát tán.
Bảy kinh nghiệm - cũng là bài học được ông Lợi rút ra. Trong đó, báo chí, truyền thông cần đưa tin chính xác, kịp thời sẽ ngăn chặn kẻ xấu kích động nhân dân. Chủ động đối thoại trong các vụ việc liên quan đến tư tưởng, đường lối, không để họ đối đầu với chính quyền. Tổ chức các lực lượng quần chúng tham gia đấu tranh.”
Cũng ngày 9.1.2013, Thông Tấn Xã Việt Nam đăng bản tin "Việt Nam có đội ngũ làm công tác tư tưởng hùng hậu" của Nguyễn Sự và Hương Thủy, trong có đọan viết:
“Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 của ngành tuyên giáo ngày 9/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng chưa bao giờ Việt Nam có đội ngũ làm công tác tư tưởng hùng hậu, phương tiện hiện đại, nhanh nhạy như bây giờ, với hơn 800 cơ quan báo chí, hàng nghìn ấn phẩm, 17,000 nhà báo...
[…] Toàn ngành đã tập trung tuyên truyền nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của đất nước; tích cực góp phần vào việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh."
Ngành tuyên giáo đã tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế; khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ gắn với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước; tổ chức chỉ đạo đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch xuyên tạc thực tế dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, tự do ngôn luận… nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của đất nước ta.”
Như vậy đã rõ, các “Ngũ Mao quân” Việt Nam, dưới danh nghĩa “dư luận viên” đang đảm nhiệm vai trò lèo lái dư luận, nhất là hai vấn đề: Trung Quốc cướp biển và nhà nước cướp đất.
Đây là hai vấn đề rõ ràng khiến nhà nước đau đầu, không thể trần tình được. Do đó phải có đội quân gây nhiễu thông tin với giá rẻ mạt, theo đúng cái cách mà Trung Quốc đã làm từ lâu.
Cái gì cũng sao y
Việc “sao y Trung Quốc” này nhắc lại hành động của Hồ Chí Minh lúc sinh thời, vào thập niên 60.
Lúc đó, khi trả lời câu hỏi của một ký giả nước ngoài rằng tại sao không viết sách về lý luận, Hồ Chí Minh thản nhiên cho biết mọi vấn đề lý luận - tư tưởng đã được đồng chí Mao Trạch Đông nêu ra hết cả rồi.
Thời gian đó, tức thập niên 60, Đảng Lao Động Việt Nam – tức Đảng Cộng Sản bây giờ -- đưa ra khẩu hiệu: “Chủ nghĩa Mác Lê-nin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Tác phong Hồ Chủ tịch”. Đến hôm nay, khi Chủ nghĩa Mác Lê-nin và Tư tưởng Mao Trạch Đông đã bị phá sản, khẩu hiệu trên đã gỡ xuống cất vào kho phế liệu, thay vào đó là khẩu hiệu “Tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Trên thực tế thì giới lãnh đạo VN hiện tại đang theo đúng bước chân của HCM trước kia: những điều cần thiết Trung Quốc đã viết ra hết rồi, chỉ việc nhai lại là đủ.
Trong quá khứ, toàn bộ các chiến dịch cải cách ruộng đất, rèn quân chỉnh cán của họ đều nhai lại những khuôn mẫu của Trung Quốc.
Cả chiến lược đổi mới sau này, tiếng là theo Nga nhưng thực chất là nhai lại Trung Quốc.
Từ ngữ chủ đạo của chiến lược an ninh chính trị của ĐCSVN mấy năm nay là “diễn tiến hoà bình”, mà từ này là học theo Trung Quốc .
Toàn bộ những đợt đánh phá “văn hoá phẩm độc hại & đồi trụy” tại Việt Nam thời hậu đổi mới đều nối đuôi và rập khuôn những chiến dịch tương tự tại Trung Quốc.
Cái gì cũng lẹt đẹt đi sau Trung Quốc. Cả việc đối phó các cuộc biểu tình biểu tình yêu nước cũng phải mày mò sao y thủ đoạn bẩn thỉu của Trung Quốc, giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam làm sao có đủ cơ mưu và bản lĩnh để đối phó với Trung Quốc?
Sự “hồ hở” của Hồ Quang Lợi về đội ngữ “dư luận viên”, lời khẳng định đầy “phấn khởi” của Nguyễn Phú Trọng về đội ngũ tuyên giáo càng làm những người quan tâm đến vận nước lo âu!
TK:
[1] http://chinadigitaltimes.net/2008/05/chinese-bloggers-on-the-history-and-influence-of-the-fifty-cent-party/
[2] Bài viết có những đọan như sau:
“Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã bước vào một thời điểm khó khăn, bất cứ một quyết định dại dột nào của Việt Nam cũng chỉ làm cho tình hình nghiêm trọng hơn. Có thể Việt Nam sẽ đưa ra một cách giải thích hợp lý là họ thích làm gì thì làm miễn là nó tuân thủ với Luật pháp Quốc tế…. Khi Trung Quốc quyết tâm bảo vệ đến cùng những quyền lợi quốc gia của mình thì Việt Nam không còn có thể chơi trò câm điếc thêm nữa. Có lẽ Việt Nam cần phải nhận ra rằng trò đi dây giữa hai khối quyền lực là một canh bạc đầy may rủi, khi mà tình trạng của Việt Nam chênh vênh như một mớ trứng đối mặt với nguy biến từ mọi phía. Nếu Việt Nam tiếp tục khiêu khích để hai siêu cường xáp chiến với nhau thì chẳng có ai khác ngoài Việt Nam là nước phải nếm mùi đau khổ trước.”
Dư luận trong nước và hải ngoại đã thật sự chú ý thì ngày 29.8.2010 báo Công an Nhân dân tại Hà Nội đã tỏ thái độ “dũng cảm khác thường khi” khi đăng bài viết phản bác "Đừng nhắm mắt nói bừa" của Lưu Nguyễn. Bà Mai đe doạ cả nước Việt Nam thì trong bài này tác giả Lưu Nguyễn chỉ tập trung phân tích những luận điểm vô lý của bà ta, nhấn mạnh rằng bà Mai chỉ biết “nói bừa” và cuối cùng chất vấn:
“Nhân Dân Nhật Báo là tờ báo chính thức của Trung Quốc. Cứ cho bài viết trên Nhân dân nhật báo của bà Lý là thể hiện ý kiến riêng của bà ta, như lời thanh minh của bản báo, thì người ta vẫn hiểu rằng nếu "ý kiến riêng" đó không phù hợp với quan điểm của Nhân dân nhật báo thì có "các vàng", tờ báo này cũng không đăng. Cá nhân tác giả Lý Hồng Mai có thể nhầm lẫn; một tờ báo chính thức của Trung Quốc lẽ nào lại như thế? Thật tiếc!”
Bài báo của Lưu Nguyễn đã gây sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên chỉ hai ngày sau thì bài báo này đã bị gỡ xuống khỏi trang web của báo Công An Nhân Dân trong khi bài báo của Lý Hồng Mai vẫn tiếp tục lưu hành trên trang web của Trung Quốc.
[3] http://english.peopledaily.com.cn/90002/96417/7388336.html