17 August 2017

Đá Của Hải Âu, tranh mới A.C.La


Đá Của Hải Âu
(Rocks of Seagulls)
 Oil on canvas, 24x30 in (61x76cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
**

Đá Của Hải-Âu

Hải-Âu vờn sóng biển
Ửng hồng áng mây trôi
Ngàn năm ôm phiến đá
Âm vang một góc trời
 *
Nơi này triệu năm trước
Là vách núi thiên nhai
Bây giờ là hải giác
Sơn dã đã phôi phai
*
Cánh chim tung lướt gió
Hải-Âu vui có đôi
Nghệ nhân tìm họa hứng
Phóng bút vẽ tranh thôi!


Mến tặng HS A.C.L.A
Một đọc giả
**

"Bố có thể vẽ đẹp hơn thế"

Mệt mỏi nhiều khi là cơ hội cho tính lười biếng của tôi trỗi dậy. Đôi khi vội vã cũng đồng lõa với tính lười biếng nữa. "Thôi kệ nó đi". "Vậy cũng được rồi" v.v... Ai mà chẳng muốn phè ra và một lời khuyên, một nhận xét biết đón nhận giúp ích rất nhiều khi phải xua đuổi tính dễ dãi buông bỏ.

Người phê bình nghệ thuật đúng nghĩa của mình, cũng như người mẫu, thật sự là không có. Phần lớn họa sỹ tài tử và ngay cả họa sỹ thực thụ thường có những người bên cạnh giúp nhắc nhở hay theo cái kiểu "xía mũi vào" phê bình. Những lời phê bình ấy không chuyên nghiệp nhưng lại rất thành thực. Họa sỹ John Robinson (1932-2008) trong một CD hướng dẫn có nói rằng vợ ông một hôm đi vào phòng họa của ông thấy ông đang vẽ mây, bà ấy nói "Sao trông giống Micky Mouse" quá vậy(!). Ông cười và sửa lại.

Nhiều khi những người chung quanh có những nhận xét mộc mạc nhưng lại bộc lộ những ý lạ, những khuyết điểm mà người vẽ không nhìn ra hay không nghĩ tới, hoặc nhiều khi có nghĩ tới mà bỏ qua. Thái độ bỏ qua như vậy thường có những nguyên do:

1. Người vẽ không cho rằng đó là lỗi quan trọng.
2. Có khi cho rằng người xem tranh chắc không đến nỗi khắt khe hay, tệ hơn, sẽ không nhìn thấy hoặc nhận ra (!!).
3. Người vẽ nhận ra khiếm khuyết không điều chỉnh ngay và sau đó quên đi.
4. Chỉ theo cảm tính hứng thú mà không suy nghĩ kỹ trước khi vẽ nên thiếu mục tiêu rõ ràng.

Bức tranh "Đá Của Hải Âu" cách đây hai tuần trước tưởng đã xong. Một người bạn nhìn thấy nói "Có cái gì bất ổn nơi những hòn đá, sóng thì đẹp". Thế là bức tranh được xem xét lại toàn bộ. Nhìn kỹ và suy xét mới thấy tất cả đều còn có những chỗ có thể làm đẹp hơn, kể cả sóng nước. Bức tranh tốn thêm hai tuần lễ nữa nay mới được trình làng.

Cháu gái lớn của tôi không phải là họa sỹ, nhưng có thiên khiếu rõ ràng về mỹ thuật. Thiên khiếu này lại tăng lên sau khi cháu lấy chứng chỉ "Visual arts history" như một môn nhiệm ý để hoàn tất bốn năm đại học. Những năm tháng đầu tiên tôi khởi sự nghiên cứu và vẽ sơn dầu, cháu chưa lập gia đình, vẫn còn ở chung với tôi. Tôi tưởng rằng cháu không để ý đến những bức tranh tôi vẽ, nhưng không phải vậy. Thường thì cháu không có nhận xét gì trước khi tôi ký tên vào bức tranh hiểu là tranh đã hoặc sắp hoàn thành. Một số những nhận xét này gợi nhớ những nguyên tắc (quan trọng) trong hội họa hay nghệ thuật.

Sau này khi tôi vẽ và trình làng được khá nhiều tranh, bạn bè nhìn thấy cũng cho những nhận xét, hoặc những cảm nghĩ quý giá khi xem tranh. Tôi đúc kết lại những nhận xét và cảm nghĩ đã nhận được để dễ nhớ:

- Bố có thể làm đẹp hơn nữa. "You can do better, Dad" (Quá dễ dãi với mình)
- Bức tranh trông như là hai bức tranh ghép lại. (Bố cục lỏng lẻo hay không nhất quán)
- Màu sao có vẻ lạt quá. (Thiếu Intensity)
- Background có vô số chi tiết. (Rườm rà)
- Đá trông giống hòn non bộ. (Thiếu quan sát hiện trường).
- Sóng không lớp lang. (Nếu đúng vào trường hợp, thì thiếu drawing trước khi painting)

Việc nào cũng vậy, không có phê bình không tiến được.

Nghề chơi cũng lắm công phu, cha ông nói chẳng sai chút nào. Có phải vậy không quý bạn?

A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh.

No comments:

Post a Comment