23 August 2017

Khủng hoảng Venezuela, tỉ lệ cá cược của Trung Quốc và Nga

Gérard Latulippe
Nguồn: Le Huffington Post (Pháp)
Ngày 8 tháng 8, sau cuộc bầu cử Hội đồng Lập hiến ở Venezuela, đại diện của 17 nước châu Mỹ Latin đã gặp nhau ở Peru. Hầu hết những người dự họp đều lên án sự sụp đổ chế độ dân chủ và đã tiến hành một số bước nhằm chống lại chính phủ Maduro. Như vậy là, sự chống đối được mọi người nhất trí càng làm cho Venezuela thêm cô lập hơn nữa.


Ảnh hưởng tất yếu của Trung Quốc và Nga

Nhưng, Maduro không lùi bước. Ông ta kiên quyết thiết chế hóa chế độ độc tài. Nga và Trung Quốc đang cung cấp cho chính phủ của ông ta những khoản trợ giúp to lớn. Trung Quốc và Nga có vai trò gì trong cuộc khủng hoảng ở Venezuela? Đâu là mục tiêu chiến lược của họ?

Trong một thông báo chính thức, Trung Quốc tuyên bố rằng cuộc bầu cử Hội đồng Lập hiến được tổ chức trên cơ sở pháp luật và kêu gọi các nước khác kiềm chế, không can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela. Đáng chú ý là, Trung Quốc đã nhiều lần nói đến ý nghĩa của sự ổn định ở đất nước đang làm cho họ lo ngại.

Vấn đề dầu mỏ và tiền

Từ năm 2014, Trung Quốc đã cấp cho Venezuela gần 30 tỷ USD. Điều khoản của thỏa thuận không hoàn toàn minh bạch và không được Quốc hội chấp thuận. Nợ được thanh toán bằng dầu mỏ. Đây là một cam kết đấy rủi ro, vì sau khi giá dầu giảm vào năm 2016, các khoản thanh toán đã gia tăng đột ngột.

Trong khi đó, sản lượng dầu khai thác giảm mạnh. Từ khi Chavez được bầu, sản lượng khai của nước này đã giảm một triệu thùng mỗi ngày. Nếu năm 2013 Venezuela cung cấp cho Trung Quốc 12,5 tỷ thùng, thì năm năm 2016 chỉ còn 4,5 tỷ thùng. Đất nước này không thể cung cấp cho Trung Quốc đủ số lượng dầu để trả nợ. Ở Venezuela, cuộc khủng hoảng vẫn đang hoành hành và Trung Quốc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Trung Quốc - ngoại giao tài chính và ảnh hưởng trên khắp thế giới

Sự bành trướng trên khắp thế giới của Trung Quốc dựa trên những khoản vay lớn mà nước này cung cấp cho những quốc gia mà họ quan tâm về mặt chiến lược. Nhân quyền, bảo vệ môi trường, tham nhũng – không phải là mối bận tâm của Trung Quốc. Trung Quốc cung cấp các khoản vay mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào. Trung Quốc cũng không quan tâm đến khả năng thanh toán của các nước nhận được “viện trợ”. Trên thực tế, Trung Quốc chỉ quan tâm tới việc mở rộng thị trường của mình, tiếp cận với nguồn nguyên liệu thô và ảnh hưởng chính trị nhằm củng cố quyền lợi địa-chiến lược trên thế giới.

Mỹ Latin là khu vực ưu tiên về chiến lược của Trung Quốc. Năm 2015, các ngân hàng phát triển Trung Quốc đã cho các nước Mỹ Latin vay 30 tỷ USD, nhiều hơn khoản vay của cả Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ cộng lại. Năm 2015, các vị tổng thống của tất cả các nước châu Mỹ Latin đã tới thăm Trung Quốc và Tập Cận Bình hứa trong mười năm tới sẽ đầu tư vào khu vực này 250 tỷ USD. Brazil, đối tác chiến lược của Trung Quốc trong khối BRICS, gồm cả Trung Quốc và Nga. Chile, Peru, Bolivia và Venezuela đã trở thành thành viên của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), do Trung Quốc đứng đầu. Sự hội nhập ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ Latin đã làm suy giảm thế thượng phong mang tính lịch sử của Mỹ trong khu vực. Học thuyết Monroe được lặng lẽ đưa vào kho lưu trữ.

Trong khuôn khổ sáng kiến “Một Vành đai Một Con đường”, Trung Quốc dự định đầu tư 5 ngàn tỷ USD, thông qua các khoản cho vay và xây dựng cơ sở hạ tầng trong những nước độc tài và đáng ngờ như Pakistan, Sri Lanka và một số nước khác. Bằng chính sách cho vay không giới hạn và xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh toàn cầu của mình nhằm hoàn thành giấc mơ khôi phục “Đế chế Trung Hoa”.

Nhưng Trung Quốc có sẵn sàng mất hàng tỷ USD do chính sách ngoại giao phiêu lưu của mình?

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc

Suốt nhiều năm qua, Trung Quốc đã ủng hộ chính phủ sử dụng các nguồn tài chính vô trách nhiệm và tham nhũng của Venezuela. Đây là lúc phải đối diện với sự thật. Dự trữ ngoại hối của nước này chưa tới 10,5 tỷ USD, trong khi nợ phải trả là 7,2 tỷ USD. Chẳng bao lâu nữa, nước này sẽ cạn kiệt tiền mặt.

Trung Quốc luôn khuyến khích quyền xoá nợ của các nước đang phát triển, với điều kiện đấy là các khoản vay của các nước phương Tây. Nhưng khi nói đến những khoản vay của chính mình, Trung Quốc có chấp nhận quyền này hay không? Không có gì chắc chắn. Nếu Trung Quốc xoá một phần hay toàn bộ món nợ khổng lồ của Venezuela, họ có thể tạo ra hiệu ứng domino trong các chính sách cung cấp những khoản tín dụng khổng lồ và thiếu trách nhiệm của mình cho các nước độc tài. Đề nghị sửa đổi thời hạn và điều kiện trả nợ đang được gửi tới từ tất cả các phía. Trung Quốc có thể phải sẽ gặp những hậu quả nặng nề về ngoại giao và tài chính.

Trung Quốc cần ổn định chính trị ở Venezuela. Nước này có những lựa chọn nào?

Trung Quốc và cuộc khủng hoảng ở Venezuela

Ít có khả năng là Trung Quốc sẽ dính líu vào vụ xung đột này. Mối quan tâm về địa chiến lược của Trung Quốc: mở rộng ảnh hưởng của nước này trên khắp Mỹ Latin làm cho họ không thể đứng hẳn về phía băng đảng của Maduro.

Những người đại diện của phe đối lập Venezuela nói rằng tất cả các khoản cho vay từ Trung Quốc là vô giá trị, do không minh bạch và không được Quốc hội chấp thuận. Nếu ở Venezuela có thay đổi chế độ thì Trung Quốc sẽ tìm cách thỏa hiệp để thu hồi tất cả các khoản nợ. Không loại trừ khả năng là Trung Quốc đã chuẩn bị để hướng các nhà lãnh đạo phe đối lập tới bước ngoặt như thế.

Cũng không loại trừ khả năng là Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng tới một số nước châu Mỹ Latin mà họ đã phát triển được các mối quan hệ hợp tác về kinh tế và tài chính như Brazil, Chile và Pêru nhằm thảo luận một thỏa hiệp mà không lật đổ chính phủ hiện nay ở Venezuela. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không ủng hộ Tuyên bố Lima. Mô hình Trung Quốc không tương thích với sự trở lại của chế độ dân chủ.

Gérard Latulippe
Nguồn: Le Huffington Post (Pháp)
Phạm Nguyên Trường dịch Nguồn: phamnguyentruong.blogspot.com

No comments:

Post a Comment