26 August 2017

Vị Tỳ kheo khác thường…

Tỳ kheo bỏ việc, xuất gia, mang Phật Giáo và thiền vào nhà tù. Một vị Tỳ Keo rất khác thường

Tỳ Kheo Thích Thiện Tâm. (Hình: 
Quốc Dũng/Người Việt)
ROSEMEAD, California (NV) – Lúc đầu định đi vào các nhà tù cho biết, vậy mà suốt bốn năm qua, ròng rã hằng tuần, ông vào những nơi này để giúp cho các tù nhân. Từ lúc chỉ đi hai, ba nhà tù, đến nay ông đã đi bảy nơi ở Nam California. Dù đoạn đường từ nơi ông ở đến các nhà tù phần lớn đều trên 200 dặm, nhưng cứ mỗi lần rong ruổi, ông thầm cảm ơn Đức Phật đã đưa đường chỉ lối cho ông.

Không như những người xuất gia khác, Tỳ Kheo Thích Thiện Tâm dù xuất gia nhưng không tu tập tại chùa nào. Ông từng nghĩ sẽ lập chùa, làm trụ trì, giảng pháp, hướng dẫn chúng tăng, độ đệ tử bên ngoài, nhưng trong nhiều chuyến thăm tù, ông quyết định cuộc đời này ông sẽ đem giáo pháp của Đức Phật vào các nơi tối tăm để giúp người – những thành phần bất hảo nhất của xã hội.

Thông thạo tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Việt, có bằng tiến sĩ Phật học, ngoài tâm nguyện mang ánh sáng Phật pháp đến những nơi khó khăn, cần sự giúp đỡ, xem các trại tù như những ngôi chùa và đạo tràng để tự tu, hướng dẫn người, ông còn dạy môn Tâm Lý Học Phật Giáo tại đại học University of The West, Rosemead.

Làm bạn với tù nhân


Ông kể: “Hồi năm 2013 khi đang học chương trình tiến sĩ Phật học và sắp viết xong luận án thì giáo sư của tôi là Lewis Lancaster, một học giả Phật học nổi tiếng quốc tế – khoa trưởng Khoa Phật Học (Buddhist Studies) thuộc đại học UC Berkeley, muốn lập nhóm vào dạy về Phật học và thiền ở các trại tù. Mới đầu tôi định đi cho biết, bởi vì thứ nhất là rảnh, thứ hai muốn trả ơn cho cuộc đời này, thứ ba theo đạo Phật là trả ơn Tam Bảo. Nhưng khi vào rồi mới chưng hửng là không ngờ trong tù có nhiều người Việt Nam mình quá.”

“Lần đầu tiên tôi vào trại ở gần tiểu bang Arizona. Trại này chia làm bốn khu, ở khu chỉ có 12 người nhưng tôi thấy có tám người Á Đông, trong đó là sáu người Việt Nam. Lúc đầu tôi nghĩ có thể đây là sự ngẫu nhiên. Nhưng càng đi nhiều, tôi càng thấy nhiều người Việt mình đến học giáo lý căn bản của Phật, và thiền tập. Trại nào cũng có ít nhất 5-10 người Việt Nam mình,” ông kể thêm.

Ông cho hay, ngoài lịch dạy tại đại học University of The West thì thời gian còn lại ông đều dành cho việc đến nhà tù.

Cứ vào Thứ Tư tuần thứ nhất, ông đi nhà tù Pleasant Valley State Prison, Coalinga, Fresno County. Vì trại này cách nhà 220 dặm nên từ tối hôm trước ông phải lái xe lên ở khách sạn gần đó, để sáng Thứ Tư có mặt ở trại từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều mới kịp.

“Nếu không lên sớm thì 3 giờ sáng cùng ngày phải đi, nhưng đi như vậy thì tới nơi rất mệt, khó làm tốt công việc,” ông nói.

Đến hôm sau, Thứ Năm, ông lái xe từ khách sạn này khoảng một giờ để qua nhà tù Corcoran State Prison, Corcoran, Kings County, cũng ở từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Sau khi rời nhà tù này, ông trở về nhà ở Rosemead, để sáng Thứ Sáu đi nhà tù Desert View Modified Community Correctional Facility, Adelanto, San Bernardino County, một nơi do tư nhân quản trị, cách nhà khoảng 90 dặm.

Đến Thứ Ba tuần thứ hai và tuần thứ ba thì đi nhà tù Lancaster State Prison, Lancaster, Los Angeles County, cách nhà khoảng gần 90 dặm, 7 giờ sáng lái xe đi, tới nơi khoảng 8 giờ 30 phút. Ông ở nhà tù từ 9 giờ sáng đến 3 giờ 45 phút chiều thì về.

Cuối tuần thứ ba thì ông đi hai nhà tù.

Sáng Thứ Bảy đi nhà tù Ironwood State Prison, Blythe, Riverside County. Vì cách nhà gần 200 dặm nên sau khi đi xong thì ông ở lại khách sạn để hôm sau Chủ Nhật đi nhà tù kế bên là Chuckawalla Valley State Prison.

“Từ Tháng Tám, 2016, tôi bắt đầu đi nhà tù nữ California Institution for Women, Corona, San Bernardino County, vào chiều Thứ Hai từ 5 giờ 45 phút đến 7 giờ 45 phút tối. Từ nhà đến nhà tù khoảng một giờ lái xe nhưng phải tới trước hai tiếng vì thời điểm đó kẹt xe rất dữ Tới nơi thì tôi ngồi trong xe đợi đến giờ được vào nhà tù,” ông cho hay.

“Lúc đầu tôi chỉ đi các nhà tù nam. Tuy nhiên, khi đọc tin tức trên báo thì biết nhà tù nữ mỗi năm có khoảng hơn 20 người tự tử. Cũng may khi tôi xin vào nhà tù này thì ngay lúc đó người hướng dẫn thiền của nhà tù nghỉ, nên vừa xin thì họ cho liền. Nơi này có 5, 6 người Việt và vài người Hoa. Một cô người Việt tâm sự rằng, án cô là án nhẹ, chỉ ở sáu tháng nhưng với cô như một địa ngục. Cô kể, cô ở Mỹ chỉ có một mình, vào đây vì chồng gạt ký chi phiếu khống,” ông kể.

“Thời gian dạy Phật pháp và thiền tập không nhiều thời gian nên tôi và các tù nhân ít có cơ hội tâm sự với nhau. Hầu hết mọi người đều ít nói về mình, chỉ chia sẻ những niềm vui mà họ đạt được khi ngồi thiền. Ở nhà tù nam, một cậu 35 tuổi ở tù cũng hơn 10 năm kể, năm 13 tuổi cậu sang Mỹ rồi đi học nhưng thường xuyên bị bạn đánh. Vì sợ cha mẹ buồn nên cậu không dám kể. Cứ thế mà uất ức và lòng căm thù dồn nén trong người. Sau đó cậu theo băng đảng và tìm đánh những người từng đánh cậu. Cậu không đánh người ta chết, chỉ đánh trả thù. Khi tốt nghiệp trung học thì cậu theo băng đảng luôn. Kết cục, cậu bị án chung thân dù không phải là hung thủ nhưng vì có mặt tại hiện trường, lúc đó khoảng 21, 22 tuổi. Giờ thì cậu hối hận lắm, và hy vọng sẽ được thả ra trong 10 năm tới, vì mới đây tiểu bang sửa luật là phạm tội khi dưới 23 tuổi thì án sẽ được xét lại,” ông kể thêm.


Chứng chỉ của tổ chức
Engaged Buddhist Alliance cấp cho tù nhân,
đại diện là Tỳ Kheo Thích Thiện Tâm. 
(Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Giúp tù nhân được đối xử như con người

Ông cho hay, tiểu bang California chỉ chấp nhận năm tôn giáo là Kitô Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo, Do Thái, và tôn giáo của người thổ dân. Đạo Phật không được coi là tôn giáo nên trong tù không có một ai làm tuyên úy của Phật Giáo, vì vậy những người muốn theo Phật Giáo không có người để khuyên răn, hướng dẫn.

Do vậy, mục đích chính của ông khi vào trại tù là dạy những giáo lý căn bản của Phật, song song đó là dạy những pháp môn thiền, nhất là thiền chánh niệm để giúp tù nhân áp dụng trong cuộc sống của họ trong tù.

“Điều động viên tôi nhất là họ thưa, hay viết thư cảm ơn, bởi vì nhờ phương pháp thiền chánh niệm mà họ đối trị được với môi trường đang ở, với những thử thách trong tù. Cái họ cần nhất là được đối xử như là con người. Bởi vì khi họ vào tù thì quyền công dân bị tước hết, bị cai tù nạt nộ, đối xử không được đàng hoàng. Tôi từng chứng kiến hai người tù vừa đánh nhau, biên bản viết một câu là ‘No human involved’ với ý nói hai tù nhân này không phải là người,” ông nói.

“Khi học được thiền chánh niệm, tâm trạng họ rất thoải mái. Trong tù ít nhất 20% tù nhân bị bệnh tâm thần, 20% tù nhân nghiện ngập,nên suốt ngày những tù nhân bình thường phải sống trong sợ hãi, náo loạn, điên cuồng. Trong tù, từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm, không có một giây phút yên tĩnh, trừ lúc ngủ. Vì vậy, trong tù mà được nửa ngày yên tĩnh thì cũng như là được trúng số độc đắc,” ông nói thêm.

Chính vì vậy, ông luôn nhắc nhở, khích lệ các tù nhân rằng, họ cũng là con người, nên nhớ như vậy để khi hành xử, đối xử với nhau như con người, để cai tù không khinh. Hầu như lần nào gặp nhau ông cũng phải nhấn mạnh như vậy, vì trong một tháng chỉ gặp được một đến hai lần, nên ông phải nhắc lại để họ nhớ.

Khi dạy thiền tập, ông cho họ ngồi trong vòng tròn để không tạo sự phân biệt, và khuyên họ ráng tu tập, đừng phạm tội trong tù. Bởi vì dù đang mang án, nhưng khi phạm thêm tội trong tù thì án sẽ tăng. Cùng với những cái bắt tay, hay ôm tù nhân, ông thấy được nụ cười hoan hỷ trong ánh mắt của họ.

Ông cho biết, đa số mỗi nhà tù đều chia ra bốn khu. Mỗi khu ông có trung bình khoảng 90 phút. Do đó, 10 phút đầu ông dành để giảng, 20 phút kế ngồi thiền và đây chính là những giây phút rất quan trọng với tù nhân, là thời gian yên tĩnh họ có được trong ngày. Kế tiếp là 30 phút để họ chia sẻ về những khó khăn, cũng như kết quả do thiền mang lại.

Thời gian còn lại ông đưa bài cho tù nhân đọc, và viết bài theo những gì ông soạn ra. Cách học của ông là nghiên cứu Phật học chứ không phải niệm Phật, không phải tụng kinh.

“Học theo chương trình này họ sẽ được cấp chứng chỉ của tổ chức Engaged Buddhist Alliance (EBA, tạm dịch: Liên Minh Phật Giáo Dấn Thân). Khi nhận chứng chỉ này họ gửi lại cho nhà tù để nhà tù đưa vào hồ sơ của họ. Khi gặp những đợt xét cho ra tù thì cơ hội của họ sẽ lớn hơn,” ông nói.

Ông nói thêm: “Đa số tôi không biết họ mắc tội gì, và cũng không nên hỏi. Nhưng trong một số bài viết của họ, có một số người cũng tiết lộ rằng họ bị tổn thương nặng do gia đình và xã hội mang lại, nên có người mang tội trộm cắp, có người giết người… Nhưng sau khi ở tù 20-30 năm thì họ thay đổi hoàn toàn, rất là trầm. Vì vậy, tôi cố gắng mang lại sự bình an cho một nơi đau đớn, đau khổ và dễ tổn thương nơi họ.”

Ngoài việc đi bảy nhà tù, ông còn thư từ, gửi sách vở cho tù nhân ở 18 trong số 34 nhà tù tại California.

“Tôi còn gửi bài học cho một trại ở Arizona, một trại ở Mississippi. Hai trại này tôi có 20 tù nhân muốn học về Phật pháp. Hai năm nay có một em ở trại thuộc tiểu bang Minnesota cũng liên lạc với tôi để nhận bài vở. Sở dĩ có những tù nhân ở xa muốn nghiên cứu đạo Phật là vì họ bị chuyển trại đến đó. Tiểu bang California đã gửi gần 6,000 tù nhân đi hai tiểu bang Arizona, và Mississippi. Không chỉ vậy, cả Hawaii cũng gửi tù nhân qua tiểu bang Arizona. Khi gửi thư cho tôi, họ sẽ gửi về địa chỉ đại học University of The West nơi tôi giảng dạy, chứ không được gửi về nhà riêng,” ông cho biết.


Cảm phục tấm lòng của Tỳ Kheo Thích Thiện Tâm (trái), ngày 25 Tháng Mười Một, 2016, nhóm Mắt Thương Nhìn Đời, Westminster, mua tặng ông chiếc xe Toyota RAV4 XLE 2017 để thay chiếc xe cũ hơn 10 năm của ông hay bị hư dọc đường mỗi khi đến các trại tù Nam California. Đứng bên cạnh làHòa Thượng Thích Phước Tịnh, lãnh đạo tinh thần của nhóm Mắt Thương Nhìn Đời. (Hình: Mắt Thương Nhìn Đời cung cấp)

Bỏ việc làm để xuất gia

Con đường xuất gia của ông Hồng Đệ, thế danh của Tỳ Kheo Thích Thiện Tâm, là một ngã rẽ bất ngờ mà gia đình ông ngăn cản.

Sau năm 1975, chế độ rất khó sống. Gia đình ông ở quận 11, Sài Gòn, luôn sống trong khủng hoảng, thành ra vượt biên là một cách để giải thoát. Chính vì vậy, hai anh em ông quyết định vượt biên và đến Mỹvào Tháng Mười Một, 1982, lúc 18 tuổi. Năm 1991 thì anh em ông bảo lãnh cả gia đình.

Đến Mỹ, ông học một năm trung học tại thành phố Cleveland ở tiểu bang Ohio và tốt nghiệp Tháng Sáu, 1984. Sau đó ông học ngành điện tại trường đại học Case Western Reserve University ở thành phốCleveland, Ohio, ra trường năm 1989.

Mấy năm đầu làm kỹ sư điện, rồi ông làm quản trị dự án, sau đó học cao học về điện tại trường đại học Cleveland State University, Ohio

Đến 1998 thì ông chuyển qua làm kỹ sư nhu liệu Từ năm 1999 đến 2001, ông học xong cao học quản trị kinh doanh cũng tại đại học Cleveland State University

Năm 2004 ông có cơ duyên gặp một sư cô, giúp xây chùa, và lúc đó ông muốn xuất gia vì “Tôi thấy trong chùa an lạc quá. Lúc đó công việc làm nhu liệu rất căng thẳng, nên bắt đầu phát nguyện đi tu. Nhưng rồi cũng chần chừ, cho đến đầu Tháng Năm, 2006 mới thực hiện được. Và từ đó tôi bỏ công việc để xuất gia.”

“Gia đình tôi ngăn cản vì sợ tôi cực. Hơn nữa, là người Việt gốc Hoa, lại là người Tiều nên gia đình không thích con em mình xuất gia Nhưng tôi lớn rồi chứ đâu còn nhỏ nữa, sau vài tháng thì mọi người cũng quen. Lúc đó xuất gia tại chùa Quan Âm ở Philadelphia,” ông kể.

Sau đó ông về Việt Nam ở một năm rưỡi tại chùa Đức Lâm ở quận Tân Bình, Sài Gòn, để học tập các nghi lễ, tức hành điệu.

“Ở Mỹ chùa nào cũng bận, chỉ có về Việt Nam mới có thể thực tập, học hỏi các nghi thức được. Rồi cũng có thể nói là được đào tạo xong hành điệu, vì hành điệu là suốt đời Nhưng về không quen khí hậu và ăn uống, nên tôi bị bệnh quá, phải uống thuốc liên miên. Cuối năm 2007 thì trở về Mỹ,” ông nói.

“Trở lại Mỹ do không quen chùa nào nên tôi xin vào học tại đại học University of The West, từ 2008 đến 2014 thì học xong cao học và tiến sĩ Phật học. Cũng may học phí tôi được miễn nhờ đạt điểm cao. Còn tiền ăn ở, sách vở thì tự túc hết. Dù nhà gần trường nhưng do bài vở nhiều quá nên tôi ở luôn trong ký túc xá học trong hai năm, sau đó mới về nhà,” ông nói thêm.

Ông cho biết: “Đi làm từ cuối năm 1989 đến giữa năm 2006 tôi cũng để dành được một số tiền tiết kiệm, nên từ khi xuất gia tới giờ tự túc hết. Hơn 10 năm nay đi đến các nhà tù tôi đều lấy từ tiền để dành. Thật sự không xài gì cả, hồi chưa đi nhà tù tiết kiệm lắm thì một tháng chi cũng $200.”

“Tôi ở thì không tốn tiền vì ở nhà với má. Nhà đã trả dứt rồi nên không phải tốn nữa. Chỉ lo tiền ăn và tiền xăng thôi. Khi đi nhà tù thì tiền có tăng lên một chút, khi xăng lên thì $400, khi xăng xuống thì $300,” ông tâm sự.

“Hy vọng tiền tiết kiệm còn xài được chục năm nữa. Nếu vật giá leo thang thì cũng còn cầm cự được trong vài năm. Cũng may ngày trước đi làm để dành được một ít, nếu không thì bây giờ ‘rớt lụp bụp rồi,’” ông cười nói và cho hay: “Cho đến nay tôi cũng không tu ở một chùa nào hết. Gọi tu tại gia cũng không đúng vì tôi xuất gia cũng 11 năm rồi.”

Nguồn: Trung Tâm Phật Giáo Việt Nam Pháp Vân
(Via Blog Sầu Đông)

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...