29 March 2023

Đôi Dòng Kỷ Niệm

Trần Bạch Thu

Trong tuần cuối tháng 2 năm nay, không thấy anh ra chỗ hẹn cà phê hằng tuần với anh em, tôi điện cho anh có để lại lời nhắn vì ít khi anh hồi đáp ngay, nhưng sau đó chừng mười phút anh có nhắn lại rằng “đang dưỡng bệnh ở thiền đường, khi nào khỏe sẽ gọi lại.” Thế mà vĩnh viễn anh sẽ không bao giờ gọi lại nữa. 

Tuần sau, ngày 5 tháng 3 anh em họp mặt đầu năm, tôi và các bạn định đến buổi chiều sau khi tan tiệc sẽ đi thăm anh, nhưng đã trễ .... Anh lúc nào cũng vậy, bạn bè thường hay bảo “con người bí hiểm”, mà bí hiểm thật. Đã đến nơi “chăm sóc cuối đời” rồi mà vẫn còn cho mọi người biết là đang ở thiền đường.

Thật ra không có gì bí hiểm cả, chỉ nói tránh đi thôi để mọi người không phải lo lắng. Anh sống chỉ để làm vui lòng người khác. Phần khó khăn nặng nhọc anh xin gánh hết. Khi Bác sĩ cho biết mình bị bệnh ngặt nghèo, anh quyết định từ chối điều trị và xin được chuyển ngay đến nơi chăm sóc cuối đời để được ra đi nhanh chóng. Đời có gì vui mà nấn ná cũng như anh không có gì để trăn trối. Tứ cố vô thân. 

Trước khi anh đi vào cơn hôn mê thật dài, có sự hiện diện của một số anh chị em thân cận với anh như cô Jackie Bông, anh Thiệu, anh Căn ... đang bàn tính góp quỹ lo hậu sự cho anh thì may thay ông Nguyễn Hữu Chánh xuất hiện và xin anh em đừng lo, ông sẽ chu toàn hết mọi sự.
        - Anh Phùng Minh Tiến là ân nhân của tôi.

Ông Nguyễn Hữu Chánh đã giữ lời hứa. Ngay sau khi nhân viên y tế báo anh đã qua đời, chỉ nửa tiếng đồng hồ sau, ông đã có mặt tại Hospice lo hoàn tất mọi thủ tục một cách nhanh chóng và mang di hài của anh đến nhà quàn để lo tổ chức tang lễ... 

Ngược dòng thời gian, tôi quen biết anh năm 1970 ở trường Hành chánh, hồi đó có một quán cà phê trước cổng trường bên kia đường, ngoài khách vãng lai và người trong xóm, còn đa phần là phục vụ cho sinh viên trong “ký túc xá” ra ngồi đồng mỗi buổi sáng, chừng hai, ba tiếng đồng hồ cho đến khi có lớp hoặc có việc mới rủ nhau đi. Chủ quán là một bà trung niên, xề xòa, quần áo luộm thuộm có con mắt trái hơi mài mại như “lé kim” nhưng rất dễ chịu, chỉ cần nói nhỏ “kẹt” không có tiền trả là cho ghi sổ thiếu hằng tháng mà không bao giờ nhắc. Hai vợ chồng có hai cô con gái tuổi xấp xỉ 15, 16 tuổi rất dễ thương.

Chúng tôi quen biết và thân nhau nhờ ra quán, tuy khác lớp và khác ban nhưng vẫn ra đây mỗi sáng. Chủ quán hầu như rất “ưu ái” với anh vì nét mặt hiền lành, thật thà giông giống như người nhà quê mới ra tỉnh, anh thường kể chuyện thật mà giống như chuyện “tàu lao” khiến cho bà ta thỉnh thoảng mĩm cười thích chí. Thật ra, anh ta có cách nói chuyện viễn vông, trên trời dưới đất không ăn nhập gì vào đâu với giọng nho nhỏ hơi khó nghe khác với những lời bình luận thời sự của các tay biện thuyết trong lớp nên từ đó anh bạn tôi trở thành như một hiện tượng lạ.

Đặc biệt anh luôn ăn mặc rất màu mè, lòe lẹt không giống ai, trông rất nổi bật, chỉ trừ khi lên lớp. Có lúc râu ria tua tủa không cắt tỉa nên càng giống như người nước ngoài, ở phương Tây mới đến. Mọi người chỉ biết anh người gốc gác ở Quảng Nam, ít khi nghe anh kể về gia đình mình và cũng không thấy anh về quê trong những kỳ nghỉ Hè, có thể xa xôi quá mà cũng có khi anh không muốn về. Chỉ vậy thôi.

Sinh hoạt chung lâu ngày tôi biết anh thiếu thốn mọi thứ, anh cùng với một số anh em tự nấu cơm ăn trong phòng, không đóng tiền cơm tháng ở câu lạc bộ. Điều nầy rất hiếm vì qua năm thứ hai, sinh viên được lãnh lương hàng tháng như công chức ngạch B nên tiền bạc rất thong thả, vậy mà anh vẫn còn có sổ ghi nợ dài nhằng ở ngoài quán “cà phê.”

Ra trường anh chọn nhiệm sở về Giám sát viện. Anh em hỏi sao không đi địa phương hay các Bộ sở quan khác. Anh trả lời về đây để có cơ hội xem “thấu” những góc khuất đời người hay mặt trái của cuộc đời để giúp đời chứ không phải để kết án ai cả. Anh luôn đứng về phía kẻ bị hàm oan hay yếu thế bị chèn ép. Có khi anh còn giúp đỡ tiền bạc để qua cơn khốn khó. Sau nầy có biết bao nhiêu người tỵ nạn ở đảo mang ơn anh.

Anh có thói quen rất hào phóng từ lâu, gần như không thay đổi cho đến ngày ra đi chuyến tàu cuối cùng của đời mình. Mới đây thôi, khi đi thăm Thầy Sỹ, anh em có dặn nhờ anh mua một ít quà và thức ăn chung với gia đình, anh rất rộng rải tìm mua “món ngon vật lạ” để đãi mọi người. Khi ra về, anh em hỏi tiền bạc bao nhiêu để chia nhau, anh bảo”chuyện nhỏ không tính để lần tới rồi tính.” Anh luôn luôn là vậy. Quí nhất ở chỗ là anh không dư dả gì, nhưng qua tiếp xúc bao giờ anh cũng nhận là mình rất thong thả và muốn chia xẻ với mọi người.

Cùng thời với những người khai sáng nên danh xưng thủ phủ Little Saigon, đồng thời anh cũng là nhà đầu tư địa ốc rất sớm trong khu Phước Lộc Thọ mà cho đến nay anh vẫn nghèo, chỉ giàu ân nghĩa với anh chị em “Hiệp Hội Tiểu Thương” vùng Little Saigon.

Hồi cuối năm vừa rồi có một dự án viết về lịch sử “Phố Bolsa” (hay Little Saigon) do tập thể phóng viên báo chí ở Quận Cam thực hiện đã phỏng vấn một số người cố cựu ở đây như Triệu Phát, Du Miên, Nam Lộc, Tony Lâm ... họ hẹn với tôi sẽ sắp xếp một buổi phỏng vấn có ghi âm với anh cùng với bộ sưu tập về hình ảnh cũng như tư liệu mà anh sở hữu. Nhưng ra Giêng anh không được khỏe, phần dịch covid cũng chưa ổn định lắm nên hẹn lần, hẹn lửa cho đến nay thì thôi đành vắng anh.

Sinh thời anh làm thơ rất nhiều đăng rải rác khắp nơi, có khi các đặc san xin trích thơ anh đăng lại, anh luôn sẵn lòng, nhưng chưa bao giờ anh có ý định ấn hành riêng một tập thơ nào cả, chỉ in chung với các anh em văn nghệ sĩ là đủ. Anh thường hay cho rằng “còn sáng tác là còn sống.” Thế thôi, không sưu tập in ấn làm gì cho “thêm mệt.” Gắn liền với tên tuổi của anh là bài thơ rất hay, rất nổi tiếng nhuốm mùi thiền, tựa đề là “Đôi Nẻo Có Không.”

Anh không lập gia đình, sống đời lẻ bóng nhưng không sầu cô độc vì anh luôn vui vẻ, kết thân với hết thảy mọi người. Đôi lúc nghe anh kể chuyện bồ bịch mà tưởng chừng như chuyện xảy ra ở cõi nào đâu chứ không phải ở thế gian nầy. Anh làm quen với mọi người một cách rất dễ dàng vì bản tính chân thật và khiêm tốn, ít có xung đột với ai. Đi nhiều nơi, chơi với nhiều người nhưng ít khi tranh luận gay gắt, cùng lắm là bỏ đi thôi chứ không nặng lời.

Trong sinh hoạt cộng đồng anh luôn là người đi tiên phong trong các phong trào đủ mọi loại từ những ngày đầu mới đặt chân đến Hoa Kỳ. Thoạt đầu anh làm phụ tá văn phòng Luật sư lo các dịch vụ cho người tỵ nạn ở địa phương rồi sau đó mở một trong các cơ sở in ấn đầu tiên ở Quận Cam, đồng thời đầu tư và kinh doanh ngành địa ốc. Anh là Tổng Thư Ký Ủy Ban Thành lập và Phát triển khu Little Saigon, Thủ Phủ của người Việt tỵ nạn từ khởi sự cho đến lúc hoàn thành.

Anh đi nhiều nơi tham dự nhiều hội nghị quốc tế về người tỵ nạn trong vai trò cổ động và tuyên truyền, có lần anh đi vận động tranh cử cùng với bà Bộ trưởng Elaine L. Chao mà anh còn lưu lại một tấm hình chụp thật đẹp. Nhưng anh chưa bao giờ về Việt Nam. Hỏi anh vì sao? Anh trả lời “Có gì vui.” Bước qua tuổi 70 anh thường hay tán thán “10 năm vô tích sự.”

Nay thì anh đã sống thêm được hơn 10 năm và bây giờ là ngàn thu vô tích sự.

Tiễn anh tôi đọc lại bài thơ cũ của anh mà ngậm ngùi ...

“Có cũng về
 
Không cũng về

Thanh xuân ngày cũ xa biền biệt

Dừng lại bên sông gió não nề.”  
(PMT)
        
Vĩnh biệt Anh.
Trần Bạch Thu
         
26-3-2023

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...