Nhân tin Cụ Huỳnh Văn Lang vừa qui tiên ở tuổi 101 (12-3-2023), để tưởng nhớ một nhân sĩ chống cộng kiên cường, tôi xin chuyển lại bài điểm tác phẩm “Đã hơn 30 năm rồi (VN du ký 2006)” của Cụ, nội dung toàn là việc thật người thật chẳng khác nào một bản cáo trạng trước tòa án lịch sử, chuyện kể cách nay mười sáu mười bảy năm rồi, một số sự kiện có nhiều thay đổi, nhưng đó chỉ là hiện tượng song bản chất vẫn trước sau như một.
Trân trọng
lvt
**
Xã hội Việt Nam ngày nay được nhiều người, ngoại quốc lẫn Việt Nam quan tâm, soi rọi đủ mọi khía cạnh (xã hội, văn hóa, kinh tế, chánh trị, …)
Dựa vào các con số thống kê, thăm dò dư luận, .., cái nhìn của người ngoại quốc khá khoa học, tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt hạn chế nhứt là thuộc các lãnh vực siêu hình. Xã hội Việt Nam khá phức tạp, không phải là người Việt thì khó hiểu thấu nổi.
Nói thế, không có nghĩa là nhận xét của bất cứ người Việt nào cũng đều có giá trị, thói thường thì yêu nên tốt ghét nên xấu, đó là chưa kể có hậu ý, ngoài ra cũng còn tùy thuộc nhiều yếu tố chủ quan khác, giới áp phe thì ăn nói sao cho thuận tiện công việc kinh doanh, giới ăn chơi thì ngụy trang bản năng hưởng thụ, … Vậy muốn lượng giá một tài liệu, một ý kiến, việc tìm hiểu về tác giả là điều không thể thiếu.
Trong cuốn sách nhan đề Đã hơn 30 năm rồi (VN du ký) vừa được ra mắt tại Mỹ hồi tháng tám vừa qua, tác giả Huỳnh Văn Lang đã điểm lại mọi diễn biến xã hội VN trong suốt ba thập niên qua.
Theo phần giới thiệu in ở bìa sau, tác giả sanh năm 1922 tại Trà Vinh, cựu Giám đốc Viện hối đoái quốc gia (1955-1962), cựu giáo sư đại học Sư phạm Sài gòn, sáng lập viên hội Văn hóa bình dân, tạp chí Bách khoa, Đại Á ngân hàng, đã viết một số sách (Cờ bạc, Chuyện đường rừng, Nhân chứng một chế độ, Những sự kiện lịch sử và các công chúa sứ giả Trung hoa và Việt Nam), định cư ở Mỹ từ năm 1975.
Được biết thêm trong sách: Lúc ký Hiệp định Genève về Việt Nam năm 1954, tác giả đang du học ở Mỹ, đã tham gia biểu tình chống việc chia đôi đất nước ở trước tòa Bạch ốc (Washington DC) và trụ sở Liên hiệp quốc (New York), được Thủ tướng Ngô Đình Diệm gọi về tham gia chánh quyền, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ năm 1963, ông «bị chế độ «người lính cai trị» bắt giam, trước sau 3 năm»» (tr 122), không thấy nêu rõ lý do nhưng chắc không phải thuộc loại «cận thần»: ông Diệm «cất chức Giám đốc VHĐ của tôi cuối năm 1962, tất cả chỉ vì ghen ghét xu nịnh, .. (tr 103), vợ ông gốc người miền Bắc.
Vốn kiến thức uyên bác, nhiều kinh nghiệm hoạt động trong giới kinh tài, lại theo dõi sát mọi biến chuyển xã hội trong nước, tuy không làm các cuộc thăm dò dư luận đúng nghĩa, tác giả đã lặn lội tìm hiểu qua các mẫu người tiêu biểu, chứng kiến các cuộc sống đời thường từ thôn quê đến thành thị, khéo léo «moi» tin tức ở mấy người quen đang có ảnh hưởng ít nhiều đối với guồng máy cai trị, hoặc trích dẫn những phát biểu của một số chứng nhân, phân tích những dữ liệu chính thức, tóm lại là «nói có sách, mách có chứng».
Nhiều đoạn trong sách đặt lại vấn đề «giải phóng miền Nam», dựa vào các chứng cứ cụ thể, với lập luận vững chắc, tác giả khẳng định là miền Bắc xâm lăng miền Nam: «người Nam người Bắc tôi nói ở đây không phải là theo nghĩa địa lý Nam kỳ Bắc kỳ, mà là theo nghĩa ý thức hệ, nghĩa văn hóa .. Như thế phải kể Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Võ Văn Kiệt, bà Định, bà Bình, Mai Văn Bộ, vân vân và vân vân là người miền Bắc, dù sanh đẻ ở Nam kỳ lục tỉnh, nhưng vì họ đã thuộc văn hóa miền Bắc, văn hóa Mác-Lêninít mà HCM nhập cảng từ nước ngoài. Vì thế mà sau 15 năm đem «Mặt trận giải phóng» phục dịch miền Bắc, mưu đồ đô hộ miền Nam, đến khi Mặt trận giải phóng bị bức tử họ cũng chẳng một lời phản đối. Đối với miền Nam chính họ là Việt gian, chẳng khác Việt gian theo thực dân Pháp» (tr 225)
Theo tác giả: «Dưới chiêu bài giải phóng miền Nam, miền Bắc đã đánh chiếm miền Nam, mà Jean Lacouture gọi là autocolonisation (tự thuộc địa hóa hay tự đô hộ), người viết lại cho là phân nửa dân tộc này (miền Bắc) đô hộ nửa dân tộc kia (miền Nam) mới đúng hơn. … Miền Bắc đã hãm hiếp và cướp người cướp của dân miền Nam một cách trắng trợn và đại qui mô. Ai đã nói cho tôi biết?
Bạn tôi là nhà văn Nguyễn Hiến Lê -một bỉnh bút của tạp chí Bách khoa –xưa nay vẫn thân cộng và trông CS miền Bắc vào giải phóng miền Nam cho nhanh như anh viết trong Hồi ký của anh (tập ba) để chấm dứt những tệ đoan ở miền Nam. Sau tháng tư 1975, anh ở lại và đã chứng kiến miền Bắc cướp bóc miền Nam như thế nào: .. đang đêm quân đội tới bắt dọn đồ đạc ra ngoài đường để chúng chiếm nhà, tỉnh ủy (hay thị xã ủy) ra lệnh bắt mấy trăm gia đình ở trong những cư xá cất từ thời Ngô Đình Diệm chung quanh dinh hành chánh tỉnh phải dời đi chỗ khác để nhà lại cho cán bộ cách mạng ở, mà không được bồi thường gì cả, mặc dù họ đã làm chủ căn nhà của họ từ mấy chục năm rồi (trả hết tiền xây cất rồi)» [tr 35, tập 3] (tr 241)
«Để bổ túc công tác cướp bóc miền Nam, đảng CS mở chiến dịch «đánh tư sản». Trong chiến dịch nầy, người Trung hoa bị thiệt nhiều hơn người Việt, bao nhiêu vàng bạc của họ tích lủy xưa nay gần như hoàn toàn bị tịch thu, … mạnh ai nấy lấy, chia chác cho nhau, … không biên nhận, không vào sổ. Làm sao biết được nhà nước thu nhập bao nhiêu và bao nhiêu vào tay tư nhân cán bộ? … Tối lại, cán bộ chánh quyền tổ chức những vụ cướp có súng, bắt đầu những gia đình Trung hoa giàu nhứt. Đó là những vụ cướp có súng có hệ thống. Ai vô đó thử hỏi? «Ngụy» ư? Ngụy đang trốn chui trốn nhủi, lo vượt biên, làm sao dám ra đường mà đi ăn cướp!» (tr 244), «Kinh nghiệm của tôi: Đại Á ngân hàng, trụ sở trung ương ở đường Nguyễn Công Trứ có 800 hộp sắt (safe) để khách hàng thuê cất giữ vàng bạc, đồ trang sức quý giá cũng như những giấy tờ quan trọng của gia đình. Đầu tháng 5 -1975 có xe camion của CS gởi đến, cho lệnh giám đốc Võ Văn Hải mở hầm và trao chìa khóa, để rồi năm sáu cán bộ tràn vào tha hồ hốt bỏ vô bao, không kiểm điểm, không một tờ giấy ký nhận và mang đi, cũng không biết mang đi đâu. …
Một thủ đoạn ăn cướp nữa cũng không kém phần ngoạn mục là 2 lần đổi bạc, 1975 và 1978. … Theo thể thức đổi bạc, mỗi gia đình được đổi một số tiền nhứt định theo số đầu người trong gia đình, tức là muốn san bằng tư sản trong xã hội. Công bằng mà! Nhưng không có vậy, hoàn toàn không có vậy, vì luật cho phép các công sở được đổi tiền không có giới hạn. Thế thì các giám đốc, các chủ nhiệm, các thủ trưởng thay mặt cho cơ quan mình muốn ghi bao nhiêu, muốn đổi bao nhiêu cũng được, để rồi đem số sai biệt với sổ sách (sống) đem đổi ra số sai biệt (chết) của tư nhân, mà số sai biệt chết này chỉ được tính còn 20 % 30 % với giá chánh thức.» (tr 245)
«Đến phong trào vượt biên, cũng là cơ hội bằng vàng, đúng là vàng vì luôn luôn tính bằng cây. … có lắm trò để lấy vàng của thuyền nhân. Thứ nhứt cho ghe thuyền nhổ neo ra khơi mới ụ còi chạy theo hoặc chận bắt hay bắn cho chìm. … Tịch thâu những cây vàng giấu trong áo, nhứt là trong quần, … Thứ đến còn dã man hơn nữa, chính cán bộ CS đứng ra tổ chức vượt biên để thu góp những cây vàng «vô tội» lần đầu, để rồi chính họ trực tiếp hay gián tiếp phá vở tổ chức vượt biên, một lần nữa thu góp những cây vàng «tội phạm» (tr 246)
«Từ ngày đổi mới có một hình thức ăn cướp đất nhà nghèo bán cho nhà giàu là khi những công ty ngoại quốc đầu tư vào VN. … Ví dụ một nhà đầu tư ngoại quốc muốn đầu tư vào VN. Trước hết là xin mua hay thuê một miếng đất .. Tất nhiên phải qua cơ quan đầu tư nước ngoài của nhà nước … Một khi đã thỏa thuận thì chánh quyền sẽ liên lạc với người địa phương để mua lại khu đất đã chọn đó, nhưng công ty nước ngoài không bao giờ trực tiếp với các sở hữu chủ, mà phải qua tay cơ quan nhà nước. Đó là vấn đề! Mua bán hay chuyển nhượng đất đai phải theo giá nào? Tất nhiên là phải theo giá của nhà nước, không bao giờ theo giá thị trường. Vậy ai là người định đoạt giá phải trả bao nhiêu cho các chủ nhân đó. Tất nhiên là cũng do cơ quan nhà nước. Và hiện giờ khi tôi viết bài nấy thì chánh quyền quyết định là phải trả cho các chủ nhân người thì 15%, người thì 20% giá thị trường. Vậy giá nhà nước bán lại cho công ty nước ngoài bao nhiêu, đố trời mà biết được? Bao nhiêu? và ai lấy số tiền sai biệt giữa giá công ty phải trả và giá tiền chủ nhân được lãnh.» (tr 248)
Về việc cướp đoạt tài sản tư, hai trường hợp điển hình đáng ghi nhận (theo lời ông Bùi Kiến Thành (*), đó là bản án ông Minh Phụng (tử hình) và bản án ông Trịnh Vĩnh Bình (mươi năm tù và tịch thu tài sản), tác giả kể:
- «Anh chua lý do là không «play the rules of the game» (không giữ luật chơi), chính tiếng anh nói. … Minh Phụng được vay quá nhiều tỷ bạc mà bảo đảm là đất điền (collateral) không có giá trị tương xứng, cơ quan điều tra cho là có hối mại quyền thế, mà số bạc lên tới mấy chục tỷ, đáng tội chết. Theo anh Thành thì giá trị của bảo đảm Minh Phụng lúc đem nộp thì có đủ giá trị để bảo đảm, nhưng sau đó vì một quyết định của chánh quyền, như làm một con đường băng qua đất, hay xung công để làm công viên gì đó, tất nhiên ngày một ngày hai collateral mất giá một cách kinh khủng, như từ trăm xuống còn một. Sau khi Minh Phụng bị bắn rồi, kế hoạch xung công hay chiếm hữu gì đó của chánh phủ bị chánh quyền mới bỏ đi, lập tức giá collateral nhảy lên trở lại còn cao hơn trước, như từ một trở lên 200. Chừng ấy thì Minh Phụng chết từ lâu rồi! …Chuyện của Trịnh Vĩnh Bình thì người ta nói vì tham nhũng không được thỏa mãn. Vốn ông Bình, có quốc tịch Hòa Lan, đầu tư vào đất điền, .. trong thời gian ngắn ông Bình thu nhập thập bội vốn ông bỏ ra, nhưng ông Bình không chịu chi cho chánh quyền địa phương. Ngày một ngày hai, chánh quyền địa phương hình thành một vụ tố tụng: thủ đắc bất động sản bất hợp pháp và đầu cơ đất đai. … Làm như ông bị án tù 10 năm và tịch thu tài sản. Nhưng ông không ở tù một ngày nào cả, có thể chánh quyền lo cho ông ra đi, chỉ muốn tịch thu tài sản thôi.» (tr 122) và một trường hợp của chính người nhà của tác giả:
- «Chị bạn Nguyễn Thị M., chồng người Mỹ chết để lại cả một gia tài, gửi con gái tên Jane cho tôi nuôi, cho đi ăn học, để chị mang tiền về VN hùn hạp với cán bộ cao cấp làm ăn trong ngành mua bán lúa gạo, mua từ Rạch giá bán về Hải phòng. Trong 3 năm, công chuyện làm ăn đang phát đạt thì một ngày nọ chị được mời lên công an làm việc và bị giữ lại, tố cáo chị về tội gian lận, vì gạo gửi về Hải phòng có trộn trấu nhiều quá. Tài sản chị bị tịch thu, chị bị án tù, phải nhờ luật sư từ Mỹ sang Hà nội giải thoát. Đúng là chị mất chì lẫn chài. Về lại Mỹ gặp tôi. … Chị giải thích: Tôi mua lúa gạo từ tay hợp tác xã do cán bộ CS quản lý, bán về Hải phòng cũng do cán bộ CS quản lý, nếu có gian lận là hợp tác xã ở Rạch giá. Đó là lý do chị được thả, khỏi ở tù. Sự thật theo chị M. là giữa họ với nhau có sự đồng lõa cướp giựt một doanh nghiệp quá béo bở, để giao cho vợ con họ làm ăn …» (tr 124)
Đúng là chơi dao có ngày đứt tay!
Việc coi tài sản công như «của chùa» đang là đề tài thời sự nóng bỏng (tuy chẳng mới mẻ gì, chẳng qua là chưa dàn xếp sòng phẳng giữa phe cũ và phe mới lên cầm quyền), nhờ bươi móc ra nên bàng dân thiên hạ mới biết Lê Đức Thúy (Thống đốc ngân hàng nhà nước), Hoàng Văn Nghiên (nguyên chủ tịch UBND Hà Nội), Phan Văn Vượng (nguyên phó chủ tịch UBND Hà Nội), … chuyển tài sản công thành tài sản tư, nhiều lời chạy tội của các bậc «dân chi phụ mẫu» thoạt nghe tưởng đùa: "Công ty quản lý nhà gửi công văn xuống yêu cầu tôi nếu có nhu cầu mua nhà thì làm đơn. Và tôi đã làm đơn. … Nhà nước quyết như thế nào là mình thực hiện chứ mình đâu có quyền muốn như thế này, muốn thế kia." (Hoàng Văn Nghiên trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, theo BBC 2-10-06 ), hay Đỗ Mười: “Tôi không muốn dùng ôtô sang trọng, đắt tiền nhưng Ban Tài chính quản trị trung ương đòi hỏi tôi phải nhận, lấy cớ các cấp bên nhà nước có xe sang trọng thì cấp cao bên Đảng không thể từ chối”. (phát biểu trong hội nghị nghiên cứu nghị quyết Đại hội lần VIII ngày 5-3-1997), gần đây nhứt là vụ cứu trợ nạn nhân bão lụt, «Bão Xangsane tàn phá khốc liệt miền Trung. Nhà nước hỗ trợ miền Trung 50 tỉ đồng …trong đó Quảng Ngãi được hỗ trợ 5 tỉ đồng, Quảng Trị 3 tỉ đồng. Thế nhưng hai ông lãnh đạo mới về hưu đã có tiêu chuẩn xe công phục vụ suốt đời, vẫn tưởng xe của hai ông dùng còn tốt, tiếp tục được dùng, nhưng Nhà nước lại mua cho mỗi ông một xe mới giá 2,5 tỉ đồng/xe. Hai xe là 5 tỉ đồng (bằng tiền hỗ trợ bão lụt cho Quảng Ngãi, gần gấp đôi tiền hỗ trợ cho Quảng Trị).» (Báo Tuổi trẻ 4-10-06 : Bài Nhà công - xe công - đất công: Nước trong phải từ nguồn... của Thái Duy)
Những tiết lộ trên chỉ là phần nổi của tảng băng sơn, phần lớn là «hạ cánh an toàn»: «Có nhà văn lý giải cụm từ nầy như là nhiều bầy kên kên, thay phiên nhau bầy nầy lên bầy kia xuống để xử lý một cái xác chết. Nhưng chưa đúng hẳn, vì ngược lại phải lý giải như là một phi đoàn phản lực cơ từ trên xuống. Vốn các ủy viên nắm chánh quyền từ cấp huyện cấp tỉnh cấp thành, cả cấp trung ương đều có nhiệm kỳ 5 năm. Trong 5 năm đó phải biết ăn bẩn như kên kên và từng bầy như phi đoàn, khi nào xong phi vụ phải biết bay về căn cứ, «hạ cánh an toàn», tức là về hưu đúng lúc … » (tr 253)
Nhìn những khu nhà cao tầng mọc lên như nấm ở các thành phố, nhìn những khách sạn sang trọng cung phụng khách vãng lai, … kẻ bàng quan không khỏi thán phục là phát triển ngoạn mục, nhà nước thì khoe khoang là «những kỳ tích đầy ấn tượng» (Gs Trần Ngọc Tuấn). Tác giả phân tích: «Theo những con số mới nhứt thì lợi tức đầu người mỗi năm của VN 83,5 triệu dân là 600 đô. Trong 83,5 triệu dân, 20 % hay là 16,7 triệu dân tập trung về các đô thị lớn Sài gòn, Hà nội, Huế, Đà nẳng, Hải phòng và lợi tức đầu người của 16,7 triệu dân thành thị này trong năm 2000 là 1.500 đô và năm 2005 là 2.000 đô. Thử lấy những con số trên đây sơ lược tính lại thì 80 % người dân chỉ có 205 đô một năm. … 80 % hay là 66,8 triệu dân rải rác ở các nơi khác, nhứt là ở nông thôn. Những người dân nầy chỉ có 250 đô một năm, 250 đô nầy nhờ 2000 đô kia kéo lên để thành 600 đô bình quân. Cho nên con số 35 % người dân còn ở dưới mức nghèo của cơ quan quốc tế nào đó đã tính, nhưng theo cách tính của tôi thì con số 35 % nầy hoàn toàn là sai lạc, đúng ra phải 75, 80 %. …nói về lợi tức bình quân đầu người, VN đứng thứ 140, chỉ trên 30 nước Phi châu đen và mươi cù lao Đại tây dương và Ấn độ dương. Đáng hãnh diện chưa, thử hỏi? … Đứng trên VN là cả hơn 50 nước giành được độc lập sau đệ nhị thế chiến đã theo con đường tư sản dân chủ để phát triển và đã vượt lên đứng trên VN, trong đó có 5 nước cựu thuộc địa Pháp là Tunisie, Algérie, Maroc, Sénégal và Côte d’Ivoire. …
Về mặt giáo dục, chính chính quyền CS thừa nhận: «Nền giáo dục của ta bị băng hoại … Thứ nhứt là nền giáo dục tạo nên sản phẩm giả và lưu hành sản phẩm giả từ cấp cơ sở đến ông tiến sĩ, đến ông giáo sư, lưu hành và trộn lẫn với nhau. Cuối cùng thì chết thằng thật. … Hiện tượng thứ hai: Hệ thống giáo dục trở thành thị trường không lành mạnh, tất cả các thành phần giáo dục trở thành một thứ hàng hóa mang rao bán. … Hiện tượng thứ ba: Hệ thống thầy giáo … có xu hướng là người kinh doanh, mà kinh doanh rất tàn nhẫn. … Hệ quả tai hại không phải là con người VN đang thiếu trí tuệ. Hệ thống điều hành làm cho nó tê liệt đi. Nhưng nếu cùng con người ấy cho ra ngoài thì nó nên người.» (Đặng Quốc Bảo, thuyết trình ở tại Quốc tử giám Hà nội ngày 18-7-03)
Theo tác giả, xã hội băng hoại cùng cực bắt nguồn từ một chánh sách giáo dục phi dân tộc, ngay từ khi cưỡng chiếm miền Nam: «CS độc quyền giáo dục, lập tức thay thế tất cả hàng giáo chức Đại học, Trung học cũng như Tiểu học và Mẫu giáo. Kết quả là gì? Về phẩm cũng như về lượng giáo chức của CS đưa vào vừa kém vừa thiếu, tai hại cho cả một thế hệ con em miền Nam phải thua sút về kiến thức cũng như về đạo đức cổ truyền của dân tộc.» (tr 87), «Xem sách giáo khoa về Lịch sử thì là một thảm họa nặng nề. Những năm đầu thì học quá nhiều về HCM và đảng CS, đến lớp 7 mới khởi sự học sử Việt và bắt đầu từ Ngô Quyền giành độc lập cho VN. … Tôi nghĩ trong lớp trung học mà không có dạy về Hùng vương dựng nước, về Hai Bà Trưng, Bà Triệu … thì làm sao xây dựng được tinh thần dân tộc cho đại chúng từ căn bản!» (tr 58), câu chuyện sau đây giữa tác giả với cô cháu vừa tốt nghiệp đại học Tổng hợp, sắp sửa đi nhận chức giáo viên chứng minh điều đó:
« - Nói chuyện Hai Bà Trung, Bà Triệu cho ông nghe xem?
- Ông hỏi con về HCM thì con nói cho ông nghe. Còn Hai Bà Trung, Bà Triệu con có học đâu mà nói.
Bạn đọc nghĩ thế nào? Một cô giáo ra trường đi dạy trung học mà không biết về Hai Bà Trưng Bà Triệu thì làm sao hiểu được thế nào là dân tộc, một thực thể mà từ ông Hồ Chí Minh đến Nông Đức Mạnh hễ mở miệng là dân tộc thế này dân tộc thế kia. Thật là tội nghiệp cho con em quá!» (tr 93).
Tai hại nhứt là việc đầu độc tuổi trẻ, «Trường hợp của cha sở họ đạo Bải xang: xin tiền con chiên bổn đạo ở xứ ngoài đem về xây trường sở cho CS dạy thuyết duy vật vô thần, bài trừ tôn giáo từ căn bản, thật là một điều vô lý.» (tr 59), cha sở nhà thờ Trà Vinh, vốn là học trò pháp văn của tác giả khoe «chánh quyền CS vừa trả lại trường học cho nhà thờ, tất nhiên là họ vẫn giữ độc quyền giáo dục, có nghĩa là giao cho cha cái xác còn linh hồn thì họ còn giữ lại. Tất nhiên cha phải lo nuôi các xác, phải tốn kém cho nó» (tr 82).
Trước một số nhận định hời hợt, tác giả lưu ý: «Thực thể VN bây giờ rất phức tạp, một hai tuần lễ đi đây đi đó nhứt là đi tour đi du lịch không bao giờ đủ để có cái nhìn chính xác.»
Về những lời tán tụng, tác giả phân tích: «Hãy bỏ qua những Nguyễn Cao Kỳ, những Phạm Duy, những người được vinh danh nước Việt, những người về VN để chơi gái rẻ tiền … vì những người nầy mỗi người đều có một lý do hay một động cơ (motive) riêng của họ để tán dương những thành quả của chế độ hay của chánh quyền CS, chẳng qua chỉ trông đạt được mục đích nhiều khi không chánh đáng của mình. …, ví dụ một Việt kiều về VN vì còn có trách nhiệm với phòng nhì bên ấy, ai cấm được anh ta tuyên bố là vì yêu nước yêu quê hương, bất chấp đến chánh trị, thật ra thì anh ta lẫn lộn yêu quê hương với yêu bà nhỏ hơn bà lớn. Cũng như có người về VN bắt được mối làm ăn bất chánh, trở lại Mỹ phải tìm một cái mền che (couverture) bác ái hay văn hóa để thực hành mưu đồ của mình cho trót lọt.» (tr 265)
Cũng có thể là do không phân biệt rõ giữa bản chất và hiện tượng, như việc «người dân nhứt là trong Nam tha hồ chửi nhà nước, tha hồ chửi cán bộ, nhưng chánh quyền CS biết là vô hại mà còn có lợi là khác, vì đó là soupape để xả hơi cho bớt áp lực. Những đầu óc nông cạn có thể xem đó là tự do là cởi mở, người viết cho đó là khôn khéo, là thủ đoạn.» (tr 265) hay «Một ngộ nhận khác cũng có phần ngây thơ: Nhờ gông cùm kềm kẹp mà tín ngưỡng được phát huy nhiều hơn, con người trở thành đạo đức hơn. Người viết cho là không có vậy, mà ngược lại có khi đạo giáo băng hoại hơn, vì hương khói nhang đèn thờ cúng đã quyện nhau với hơi đồng hơi bạc. … còn là một chứng minh hùng hồn để khoe với ngoại quốc là VN thật có tự do tín ngưỡng. Mị dân ở trong, mị dân ở ngoài! Còn có tác động ru ngủ, như Các Mác nói: đạo giáo là nha phiến của người dân! Để ru ngủ những phong trào chống đối cũng như những đòi hỏi chánh trị.» (tr 266)
Truy nguyên, mọi tệ nạn ngày nay chung qui đều bắt nguồn từ những sai lầm của Hồ Chí Minh: «Vì còn có nhiều con đường khác để giải phóng dân tộc ít tổn thất hơn bằng vạn lần và lịch sử đã chứng minh điều đó. Sau Đệ nhị thế chiến (1940-1945) đến giờ đã có gần 100 nước được giải phóng, nhưng chỉ 4 nước trong đó có VN theo con đường Mác –Lêninít của HCM và kết quả cho ta thấy, trừ ra Trung cộng với điều kiện đặc biệt về nhân số của nó, văn hóa Mác –Lêninít đã đưa ba nước còn lại tụt hậu về thế kỷ 19. ..
Sai lầm thứ hai. Năm 1930 theo chỉ thị Đệ tam quốc tế ông về Hong Kong lập đảng CSVN,… giành độc quyền yêu nước, mưu đồ diệt các đảng phái quốc gia, chiếm độc quyền kháng Pháp, đưa đến chiến thắng Điện biên, nhưng kết quả là chia dân tộc làm hai, miền Nam và miền Bắc. ... Vốn thắng Pháp giành độc lập khỏi tay thực dân là hoàn toàn do tinh thần ái quốc của toàn dân, đâu phải là do hạ tầng cơ sở của đảng CSVN lại càng không phải nhờ thượng tầng kiến trúc văn hóa Mác-Lêninít. Ngược lại chính thượng tầng kiến trúc nầy đã chia rẽ dân tộc làm hai …
Sai lầm kế tiếp là: … xé bỏ Hiệp định Paris dùng chiến tranh để cưỡng chiếm miền Nam thay vì dùng con đường hòa bình … khi đã chiếm xong rồi lại đánh mất cơ hội đúng là ngàn năm một thuở. Thay vì lấy chủ nghĩa quốc gia hay dân tộc để đại đoàn kết kiến thiết thì lại dùng chủ nghĩa xã hội Mác-Lêninít để chia rẽ thêm, chia rẽ kẻ miền Nam người miền Bắc (theo nghĩa ý thức hệ), kẻ thắng người thua, chia ra «người anh hùng cứu nước» và «ngụy», làm tiêu ma bao nhiêu là tài năng sáng tạo, bao nhiêu là nghị lực xây dựng.» (tr 279)
Chính «HCM rước voi (văn hóa Mác-Lêninít) về dày mồ mả ông cha (văn hóa Khổng Lão Phật).» (tr 286)
«Tóm lại: sự phát triển xã hội VN bây giờ là một sự phát triển bất thường và không cân bằng, vì bởi những động cơ không chính đáng, đúng hơn là bất lương. … Những hệ quả gián tiếp xấu đó là băng hoại tinh thần như chơi bời, đàng điếm rượu chè, buông lỏng quá độ. Chắc chắn trong cái giới nhà giàu mới nầy, phong trào phòng nhì, phòng ba, bao cấp em út, em nuôi … bộc phát theo đà phát triển kinh tế. Nhà giàu mới sa ngã dễ dàng hơn nhà giàu từ ông cha. Nguy hại hơn nữa là các nhà giàu mới nầy đang để lại cho thế hệ con em của họ một truyền thống, một gia sản (legacy) bê bối, bệnh hoạn, … » (tr 263)
Nội dung của gần 300 trang sách chẳng khác nào các đoạn phim tài liệu, đây đó là những hoạt cảnh sống động đương thời, trên đây là một số trích đoạn mà người đọc có thể lượng định giá trị; người trong cuộc có cơ hội hồi tưởng lại một số biến cố đau thương, cuốn sách này cũng là tài liệu hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu tình hình VN ngày nay.
Huỳnh Vạng Lộc
_______________________
(*) Tác giả kể «Vốn sau Hiệp định Genève 20-7-54, anh Thành cùng ở trong nhóm 6 người anh em chúng tôi từ Mỹ được Thủ tướng Ngô Đình Diệm gọi về tham gia chánh quyền Quốc gia đệ nhứt cộng hòa. Đầu năm 1955, anh về làm việc với tôi ở Viện hối đoái (VHĐ). Kế đó VHĐ gởi anh đi tu nghiệp tại Federal Reserve bank ở New York. Sau một năm về lại VN. VHĐ để anh ra ngoài giới doanh thương và anh làm Giám đốc cho hãng bảo hiểm International Underwriters. Ngoài những hoạt động chánh thức đó, anh Thành còn hoạt động mật thiết với chúng tôi trong những hoạt động chánh trị văn hóa khác như hội Văn hóa bình dân, trường Bách khoa bình dân. Nhưng rồi sau đảo chánh 1-11-63, anh và gia đình qua sinh sống bên Pháp, anh đầu tư và hoạt động trong ngành xây cất. … gần đây lại thấy anh xuất hiện nhiều lần trên đài truyền tin nước ngoài cũng như trên báo chí trong nước, nhiều khi đứng cạnh Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và nhứt là đứng đầu danh sách 19 người được CS Hà nội “Vinh danh nước VN 2004”» (tr 221)
No comments:
Post a Comment