23 October 2020

Tại sao bầu hay không bầu cho Trump?

Gs NGUYỄN VĂN TUẤN 


Những người chống Trump thường dựa vào những khiếm khuyết mang tính cá nhân của ông tổng thống. Những người ủng hộ Trump vì chánh sách và lập trường của ông ấy. Đằng sau của sự khác biệt này có lẽ được giải thích trong cuốn sách "The Securitarian Personality" (Nhân Cách An Ninh) của John Hibbing.

Tôi là công dân Úc, nên chẳng dính dáng gì đến việc bầu cử tổng thống bên Mỹ. Không dính dáng, nhưng tôi cũng như nhiều người khác quan tâm đến tình hình bầu cử bên đó, bởi vì những chánh sách của Mỹ có ảnh hưởng đến những chánh sách ở bên Úc, và bởi vì Úc là đồng minh có thể nói là trung thành của Mỹ. Ngay cả những chánh sách về đối ngoại, đặc biệt đối với Tàu, của các đại học bên Mỹ cũng ảnh hưởng đến các đại học Úc. Thành ra, tuy không bầu cử bên Mỹ, nhưng tôi và tuyệt đại đa số người Úc bên này đều theo dõi tình hình kinh tế - chánh trị bên Mỹ.

Câu hỏi tôi tự đặt ra là tại sao người Mỹ bầu (hay không bầu) cho ông Trump. Bầu cho ông Trump thì là dấu hiệu ủng hộ ông ấy. Không bầu cho Trump cũng có thể xem là nghiêng về phía ứng viên đối thủ Biden.

Nhưng tôi nghĩ lấy ông Trump làm điểm tham chiếu hay hơn, vì ông ấy là 'đối tượng' của các hệ thống truyền thông cánh tả (như New York Times, Washington Post, New Yorker, CNN) phỉ báng cả mấy năm nay, mà ông vẫn đắc cử trước đây và 'sống sót' đến ngày nay. Sau đây là những gì tôi thu thập được về lý do tại sao người ta sẽ không bầu cho ông Trump, và lý do bầu cho ông ấy. Sau đó là một vài giải thích theo cách hiểu của tôi.
_____

Tại sao chống Trump?
Có rất nhiều lý do được nêu ra, nhưng tựu trung lại là những lý do về nhân cách của ông Trump. Họ (những người chống và ghét Trump) không thể nào chịu nổi những phát biểu có khi vô lối của ông ấy.

Họ liệt kê một danh sách dài về hành vi và phát biểu chẳng giống ai của ông: 'nổ', nói dối, tự khen mình, tự cao tự đại, không phải tư cách của tổng thống, gian lận thuế, không yêu nước, v.v. Họ còn nặng nề hơn, cho rằng ông Trump là người bị bịnh tâm thần, là kẻ "vô luân"! Nói chung là những lý do rất cảm tính và thường không có chứng cớ hay chứng cớ kiểu 'anecdotes'.

Tuy nhiên, trên tờ National Review, có một bài của một cựu quan chức Bộ Quốc Phòng Mỹ, Dov Zakheim, nêu lên những lý do mang tính lý luận, giải thích tại sao chống Trump và không bầu cho ông ấy [1]. Tóm tắt những ý chánh của vài viết đó như sau:

1. Thất bại trong kiểm soát dịch: Một trong những thiếu sót lớn nhứt của Trump là thiếu một chánh sách cấp liên bang để kiểm soát dịch COVID-19, vì ông đánh giá thấp tác hại của dịch.

2. Kỳ thị chủng tộc: Mặc dầu không thể gọi Trump là người kỳ thị chủng tộc, nhưng những chánh sách như xây tường rào chận người Mễ Tây Cơ, tẩy chay công dân từ các nước Hồi Giáo không cho vào Mỹ (lúc mới thắng cử), gọi các nước Phi Châu là 'shit holes', và không chịu lên án vụ bạo động ở Charlottesville, v.v. cho thấy ông ấy là người kỳ thị chủng tộc.

3. Lạm quyền: Ông Trump thờ ơ vai trò của quân đội trong thời bình, và gây tổn hại đến mối quan hệ giữa dân sự và quân sự. Ông lạm dụng quân đội trong việc xây tường ngăn chận người Mễ Tây Cơ, dùng National Guard (Vệ Quốc binh) để khống chế biểu tình trước Toà Bạch Ốc.

4. Dấu hiệu tham nhũng quyền lực: Mặc dầu không thể nói ông Trump là tham nhũng, nhưng hành vi của ông giống như kẻ tham nhũng. Ông bổ nhiệm con rể và con gái vào các vị trí cố vấn cao cấp trong chánh phủ. Ông bá vai với những kẻ độc tài như Putin của Nga, Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ để tìm sự hậu thuẫn chánh trị cho doanh nghiệp của ông ở Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

5. Làm bạn với kẻ thù: Trump liên tục vận động cho Nga vào nhóm G7, mặc dù Nga không đáp ứng các tiêu chuẩn về kinh tế của G7.

6. Làm mất lòng đồng minh: Trump xem thường các lãnh đạo đồng minh ở Âu châu, làm cho mối quan hệ giữa Mỹ và NATO bị tổn hại. Trump tố cáo rằng các nước NATO lợi dụng Mỹ để bảo vệ họ mà không chịu chi trả gì cả. Trump biến mối quan hệ quân sự - ngoại giao thành quan hệ tiền bạc.

7. Tạo điều kiện cho Tàu cộng: Trump rút khỏi hiệp ước thương mại Trans-Pacific Partnership (TPP) và để cho Tàu có cơ hội chen chân vào.

8. Trump rút khỏi hiệp ước về khí hậu Paris (Paris Climate Agreement), xem thường tác động của hiện tượng nóng toàn cầu, không làm gương cho thế giới.

9. Trump xem thường giới khoa học: Phản ứng và quan điểm của Trump về dịch Covid-19 cho thấy ông là người không tin vào khoa học, thậm chí xem thuờng cố vấn của khoa học của chính ông. Ông chỉ nghe những cố vấn nào nói "ông nghe được", còn ai nói khác quan điểm mình là ông bỏ qua.

Một lý do khác thường được nêu ra là Trump làm phân hóa (polarize) nước Mỹ. Tuy nhiên, trong thực tế thì nước Mỹ lúc nào cũng phân hóa từ bản chất xã hội và về các vấn đề hay gây tranh cãi như an sinh xã hội, thất nghiệp, người di dân, v.v. Sự phân hoá có vẻ tăng lên trong mỗi lần tổng tuyển cử (một phần là do truyền thông kích động), nhưng giảm ngay sau đó.

Do đó, bài diễn văn nào của người đắc cử cũng đều có câu đại khái rằng trong bầu cử chúng ta chia rẽ, nhưng nay thì chúng ta là một cộng đồng dân tộc. Do đó, sự phân hóa lần này không có gì ngạc nhiên, vì nó gần như là một quy luật. Nói như một học giả, Trump là triệu chứng, chớ không phải là nguyên nhân, của sự phân hóa. Trump không tạo ra sự phân hóa đó [2].

Ngoài ra, một lý do khác cho rằng Trump lúc nào cũng ủng hộ các doanh nghiệp lớn và lơ là giới lao động. Tác giả Dov Zakheim kết luận rằng Donald Trump có thể được xếp vào nhóm các tổng thống bất tài nhứt trong lịch sử nước Mỹ [1].
_____

Tại sao ủng hộ Trump?

Năm nay, ngay cả những người ủng hộ Trump cũng thấy ông khó thắng cử. Cử tri ủng hộ Trump cũng cảm thấy không thoải mái với những phát biểu "quá trớn" và những hành vi phi chánh thống của ông ấy.
Tuy nhiên, họ phân biệt được cá nhân ông Trump (rất nhiều khiếm khuyết) và chánh sách của ông ấy. Họ lý giải rằng họ bầu cho Trump là ủng hộ chánh sách của đảng Cộng Hòa, chớ không phải ủng hộ cá nhân ông ấy.

Theo bài trên Guardian [3], Boston Globe [4] và Dailypress [5] thì đây là những lý do chánh:

1. Không muốn có 'di sản' của Clinton, Obama: Đa số cử tri bầu cho Trump hay có ý định bầu cho Trump đều nói rằng họ không muốn thấy bất cứ di sản nào của thời Clinton. Trước đây, trong lần bầu cử 2016, một nhóm cử tri cho biết họ không chịu nổi cái viễn cảnh đảng Dân Chủ điều hành nước Mỹ trong 4 đến 8 năm nữa.

Họ không thể nào chấp nhận các phe 'progressive politics' kiểu Obama hay Clinton, càng không chấp nhận quan điểm nghiêng về xã hội chủ nghĩa của Bernie Sander. Họ xem đảng Dân Chủ yếu trong việc bảo vệ biên cương. Chánh phủ Obama không dám chỉ tên những nhóm Hồi Giáo cực đoan khủng bố.

2. Không muốn có chánh phủ xã hội chủ nghĩa: Cử tri ủng hộ Trump vì họ sợ Biden sẽ biến nước Mỹ thành một thiên đàng xã hội chủ nghĩa ("socialist utopia"). Một cử tri viết và tóm lược khá đầy đủ cảm nhận của nhóm cử tri ủng hộ Trump: "The Democrats have become a radical socialist party and would use Joe Biden to forever change our great nation into an unrecognizable disaster. We cannot let that happen".

3. Khả năng quản lý kinh tế: Một nhóm khác cho rằng ông Trump có khả năng quản lý kinh tế tốt hơn ông Biden. Obama có công tạo ra công ăn việc làm nhưng việc làm lương thấp, còn Trump tạo thêm công ăn việc làm và lương cao. Obamacare là một thất bại, và Trump sẽ thay đổi tốt hơn.

4. Kiềm chế Tàu cộng: Họ không hài lòng với Clinton và Obama quá nhu nhược với Tàu cộng, nên họ chọn Trump là người có những hành động và chánh sách quyết liệt nhằm cảnh cáo và kiềm chế sự hung hãn của Tàu cộng.

5. Duy trì lý tưởng Mỹ: Một nhà tâm lý học tóm lược công thức thành công của nước Mỹ là Tự Do + Cơ Hội + Trách Nhiệm = Thịnh Vượng (Liberty + Opportunity + Responsibility = Prosperity), và phe Dân Chủ muốn thay đổi công thức đó là điều không thể chấp nhận được [6].

6. Duy trì luật pháp và trật tự: Cử tri cho rằng họ không hẳn bầu cho cá nhân ông Trump; họ bầu cho sự bảo vệ luật pháp và trật tự trong một thời điểm nhiễu loạn.

7. Chống lại văn hóa hủy diệt (cancel culture): Thượng nghị sĩ Tim Scott (người da đen) là người ủng hộ Trump. Ông nói : "Chúng tôi không chấp nhận 'văn hóa hủy diệt' [cancel culture] hay các niềm tin của phe cấp tiến cho rằng tình hình hiện nay tồi tệ hơn thời 1860 hay 1960." Ông khen ông Trump đã cải cách hệ thống tư pháp, và chỉ trích Biden đã ủng hộ đạo luật làm tăng dân số trong tù.

8. Chống lại sự đầu độc giới trẻ: Cử tri cảm thấy quá đau khổ trước sự đầu độc giới trẻ qua việc truyền bá các ý tưởng tả khuynh trong đại học và trường học nói chung. Họ không thể bầu cho phe Dân Chủ vì phe này chủ yếu thiên tả.

9. Chống thói đạo đức giả: Cử tri ủng hộ Trump hòan toàn không tin tưởng phe Dân Chủ như bà Clinton hay Biden, mà họ xem là đạo đức giả, nhứt là qua những email đã được tiết lộ gần đây.

10. Quan điểm rõ ràng: Ông Trump rất thẳng thắn và dứt khoát về quan điểm của mình (và ông nói ai cũng hiểu), không giống như ông Biden vốn không có lập trường dứt khoát, mà chỉ nương theo diễn đàn làm hài lòng đám đông. Chưa biết lập trường của Trump đúng hay sai, nhưng thà ủng hộ người có lập trường hơn là ủng hộ người ỡm ờ.

Một số người ủng hộ Trump còn nêu lý do là vì ông ấy ... can đảm. Theo họ, người ta có thể không thích ông Trump, nhưng ai cũng đều thấy ở ông một con người can đảm. Dám nói thật suy nghĩ của mình cho dù bị thóa mạ dữ dội, dám một mình chống lại hệ thống truyền thông cánh tả tấn công ông suốt ngày này sang ngày khác trong hơn 5 năm trời. Sự chống lại báo chí của ông lấy lòng rất nhiều 'thường dân' vốn đã quá chán ngán với sự thiên vị của báo chí Mỹ.

Một số người khác thì quan tâm đến tình hình sức khỏe của vị tổng thống tương lai. Một số cử tri tỏ ra quan ngại đến sức khỏe của ông Biden, và nghĩ rằng ông có vấn đề về trí nhớ. Họ cũng sợ rằng nếu đắc cử ông Biden sẽ không làm hết nhiệm kỳ tổng thống, mà sẽ giao quyền của bà Kamala Harris, một nhân vật vẫn còn trong thời gian thách thức. Do đó, chọn Trump an toàn hơn (nhưng Trump cũng đã hơn 70 tuổi!)
_____

Giải thích: "Cá tánh an ninh" (Securitarian Personality)

Những người ghét chánh phủ Trump ghét luôn cả những ai ủng hộ hay có ý định bầu cho ông Trump. Không nói ra thì những người này (ghét Trump) đa số là thuộc phe cánh tả và đảng Dân Chủ, họ cho rằng những ai ủng hộ Trump là đáng lên án, suy đồi đạo đức, kỳ thị chủng tộc, ghét phụ nữ, ghét người đồng tính, sợ Hồi Giáo, hiếu chiến.

Tử tế lắm, họ cho rằng những người ủng hộ Trump là kém học thức và dốt nát. Mới đây, cây bỉnh bút nhựt báo New York Time còn thêm một danh từ khác cho Trump: kẻ vô luân (immoralist). Đó không phải chỉ là những người Mỹ ghét Trump, ngay cả trong cộng đồng người Việt, những người ghét Trump cũng thóa mạ đồng hương ủng hộ Trump bằng những tính từ trên.

Thế nhưng trong thực tế thì không phải như vậy. Cử tri ủng hộ Trump không phải kém học thức hay dốt nát như phe cánh tả nghĩ. Phe ủng hộ Trump cũng là những người có học thức cao, các học giả phe bảo thủ, những cựu quan chức trong chánh phủ Mỹ, giới quân sự, v.v. Nói họ 'bảo thủ' thì đúng hơn là thóa mạ họ là ngu xuẩn, không đủ suy nghĩ để chọn tổng thống. Đọc những lý do bầu cho Trump, chúng ta thấy toát lên rằng họ bầu cho chánh sách của chánh phủ Trump, chớ không phải bầu cho cá nhân ông Trump. Họ dùng lý trí hơn là cảm tính.

Có quan điểm cho rằng những ai ủng hộ Trump và chánh phủ Trump là những người có cá tánh độc tài (authoritarian personality). Ngược lại, những người ủng hộ Trump gọi phe chống Trump là xã hội chủ nghĩa, vô luân, muốn phá hoại nền tảng và lý tưởng nước Mỹ. Thế nhưng theo như Giáo sư John Hibbing (ĐH Nebraska-Lincoln), qua cuốn sách "The Securitarian Personality" [7] rất thú vị của ông, thì cách gán nhãn như vậy là không đúng. (Cuốn sách này mới xuất bản và tôi đã đặt mua, còn ở đây tôi chỉ đọc các bài review và nghe qua phỏng vấn tác giả).

Giáo sư Hibbing cho biết ông muốn hiểu tại sao những đồng nghiệp và người quen của ông ủng hộ Trump gần như vô điều kiện. Họ không phải là những người kém học thức; họ là những giáo sư đại học, nhà khoa học, giai cấp trung lưu.

Qua phỏng vấn họ, ông phát hiện rằng sự chia rẽ chánh trị xảy ra chủ yếu giữa những người muốn 'nước Mỹ là của người Mỹ' (ông gọi là "Securitarian Personality" hay cá tánh an ninh) và những người theo lý tưởng 'thế giới đại đồng', sẵn sàng chào đón người ngoài (ông gọi là những người "Unitarian Personality" hay cá tánh kết đoàn). Ông nói thêm rằng không phải những người với cá tánh an ninh không thích người di dân; họ thích người di dân, nhưng họ đòi chương trình di trú phải thay đổi với an ninh là ưu tiên hàng đầu.

Xuất phát từ cách chia nhóm đó, Hibbing giải thích rằng người Mỹ, dù thuộc phe ủng hộ hay chống Trump, đều có mẫu số chung: họ rất quan tâm an ninh quốc gia. Nhưng cái khác biệt chánh giữa phe bảo thủ ủng hộ Trump và phe cánh tả ủng hộ đảng Dân Chủ là ở nguồn gốc của mối đe dọa. Những người có cá tánh an ninh (tức phe ủng hộ Trump) quan tâm đến mối đe dọa từ ngoài nước Mỹ, còn những người có cá tánh kết đoàn thì lo ngại về mối an ninh từ trong nước Mỹ.

Phe ủng hộ Trump xem mối đe dọa từ ngoài (Nga, Tàu) rất quan trọng. Họ không mấy quan tâm đến đe dọa từ Covid-19, hiện tượng nóng toàn cầu, hay bất bình đẳng xã hội. Đó chính là lời giải thích tại sao khi được hỏi tại sao ủng hộ Trump, họ thường đưa ra những lý do mang tầm vĩ mô và quốc tế hơn, như chống phe xã hội chủ nghĩa, chống lại sự đe dọa của Tàu, chống lại sự lợi dụng của đồng minh. Nhưng họ cũng đồng thời là phe bảo thủ, nên họ nhìn phe Dân Chủ cánh tả như là những kẻ đe dọa đến giá trị truyền thống của Mỹ.

Còn phe cánh tả thì rất quan tâm đến các mối đe dọa từ bên trong. Theo họ, mối đe dọa lớn nhứt đến nền an ninh nước Mỹ là ... các tập đoàn kinh tế. Họ thấy đây là những tập đoàn làm giàu bằng bóc lột lao động và 'hút máu' công nhân. Họ nhìn thấy bất bình đẳng xã hội, dịch bệnh và hậu quả, và môi trường là những mối đe dọa lớn. Họ nhìn thấy các "Anh Cả" lúc nào rình rập, quan sát, lăm le xâm nhập vào sự riêng tư của người dân, và kiểm soát suy nghĩ của họ. Họ không mấy quan tâm đến đe dọa từ ngoài, vì lý tưởng của họ là thế giới đại đồng, là Mỹ nên chia xẻ sự thịnh vượng với mọi người.

Sự khác biệt đó -- một bên là đe dọa từ trong và một bên là đe dọa từ ngoài -- có thể giải thích cho những lý do chống và ủng hộ Trump.

Liberty + Opportunity + Responsibility = Prosperity

Một lý do khác nữa liên quan các giá trị về tinh thần và lao động. Donald Trump Jnr (con trai trưởng của ông Trump) tóm tắt về sự lựa chọn trong lần tranh cử bằng một câu ngắn gọn như sau. Đây là sự chọn lựa về định hình quốc gia giữa một bên là các giá trị tinh thần, lao động và giáo dục, và một bên là bạo loạn, cướp bóc và phá hoại ("shaping up to be church, work and school versus rioting, looting and vandalism") [8]. Hơi cường điệu, nhưng cái thông điệp thì rất mạnh!

Phe ủng hộ Trump rất ghét những nhóm mà họ xem là có xu hướng lười biếng, gian lận an sinh xã hội, không yêu nước, làm xói mòn các giá trị truyền thống, và làm ảnh hưởng đến công thức thịnh vượng [Liberty + Opportunity + Responsibility = Prosperity] của nước Mỹ. Có lẽ đây cũng là lý tưởng giải thích tại sao thế hệ 1 người Việt ở Mỹ, với cái 'work ethics' của họ, cảm thấy họ gần với phe bảo thủ hơn. Nếu tôi ở Mỹ, tôi cũng cảm thấy rất gần với cái công thức này.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ thắng cử? Rất khó nói, vì dự báo về tương lai thường sai nhiều hơn đúng. Nhưng hãy xem đây là trò giải trí cuối tuần thì chúng ta thử đọc báo xem sao.

Trong bài trên nhựt báo SCMP ở Hồng Kông, tác giả lý giải rằng mặc dầu trong lần tổng tuyển cử này, phe ông Trump gặp rất nhiều vấn đề và sự chống đối của báo chí, nhưng ông Trump sẽ thắng cử [9]. Suy luận này có vẻ nhứt quán với cuộc thăm dò ý kiến của Gallup [10] với kết quả cho thấy 56% cử tri nghĩ rằng Trump sẽ đắc cử tổng thống lần hai. Trong điều kiện Trump bị tấn công tứ bề như hiện nay, nếu điều đó xảy ra thì quả là một phép mầu.

GS NGUYỄN VĂN TUẤN 23.10.2020
_______
[1] The Case Against Trump
[2] Donald Trump’s Election Did Not Increase Political Polarization
[3] Why did people vote for Donald Trump? Voters explain
[4] Why I’m voting Trump
[5]https://www.tribpub.com/gdpr/dailypress.com/?fbclid=IwAR2fKsHgt3Jfoh_hDRdUJhktrp2uV_Aqhgg_I1wCinK-m7coGKYpsToKLHs
[6] Donald Trump isn't very likeable. Here's why I'm still voting for him
[7] The Securitarian Personality
[8] https://www.youtube.com/watch?v=HgNQ1zory4Y
[9] Four more years: why America is likely to vote for Donald Trump after all
[10] At 46%, Trump's Pre-Debate Job Approval Highest Since May

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...