04 June 2020

Ngọn lửa Thiên An Môn chưa tắt

Trần Trung Đạo

Ông Lưu Hiểu Ba                 Bs. Lý Văn Lượng
Sau khi cuộc nổi dậy Thiên An Môn bị dập tắt trong lửa và máu ngày 4 tháng 6, 1989, trên tường Thiên An Môn chưa khô vết máu xuất hiện một đoạn văn ngắn sau đây: “Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng, sẽ có một ngày khi chúng tôi có thể hát bài hát vui mừng và chiến thắng cho những người đã chết hôm qua, cho những người đang chết hôm nay, và sẽ chết ngày mai, và cho những người gặp nhau đây rồi vĩnh biệt hôm sau.”

Thời gian 31 năm trôi qua. Tinh thần Thiên An Môn tưởng đã rơi dần vào quên lãng tại Trung Cộng. Nhưng không. Ngày 6 tháng 2, 2020 trên mạng Weibo lại xuất hiện một câu với lời văn khác nhưng cùng mang một nỗi uất hận giống nhau: “Vô số người Trung Quốc sẽ trưởng thành sau ngày hôm nay khi họ biết bác sĩ Lý qua đời, rằng thế giới không đẹp như chúng ta hình dung. Bạn nổi giận? Nếu ai trong số chúng ta còn may mắn có cơ hội để nói lên tiếng nói của người dân trong tương lai, xin đừng quên cơn giận tối nay.”

Cả hai câu văn đều chuyên chở một ước mơ, một cơ hội cho ngày mai. Ước mơ đã biến buổi tập trung nhỏ sau cái chết của Tổng Bí Thư đảng CS Trung Quốc Hồ Diệu Bang trở thành một Thiên An Môn lịch sử.

Nhưng quan trọng hơn, cả hai câu văn có một chữ giống nhau: “một ngày mai”. Điều đó cho thấy, nhiều thế hệ người Trung Quốc vẫn nuôi một hứa hẹn không bao giờ tàn.

Tự do là quyền bẩm sinh của con người. Câu nói của một sinh viên Trung Quốc vang lên trên quảng trường Thiên An Môn “chúng tôi muốn nhân dân thực sự làm chủ” vẫn còn vang vọng tới hôm nay.

Đúng vậy, phong trào Thiên An Môn bùng nổ và đã bị dập tắt nhưng chắc chắn một Thiên An Môn khác đang được hình thành tại Trung Cộng.

Nơi nào có độc tài đảng trị nơi đó sẽ có cách mạng dân chủ. Không ai biết thời điểm nào cách mạng sẽ diễn ra nhưng không thể phủ nhận hay trốn tránh quy luật xã hội đó.

Một chế độ dù hà khắc bao nhiêu, một bộ máy tuyên truyền dù tinh vi đến bao nhiêu cũng không thể tẩy não cả một dân tộc suốt trăm năm hay tẩy não từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngọn đèn tự do dù le lói nhưng vẫn đang soi rọi vào tâm hồn của nhiều triệu người còn lương tri.

Một kỹ sư vi tính làm việc cho bộ máy tuyên truyền Trung Cộng viết lại, một trong những công việc chính nhóm anh làm mỗi ngày là ngăn chặn những chữ nhạy cảm trong hệ thống internet không cho chúng xuất hiện khi người dùng tìm kiếm.

Một trong những chữ mà nhóm của anh phải tốn công sức nhất để xóa sau Thảm sát Thiên An Môn là chữ Triệu Tử Dương. Trước tháng Sáu năm 1989 chữ Triệu Tử Dương xuất hiện nhiều nhất trong các mạng tin học không chỉ chính trị mà cả các lãnh vực khác bởi vì ông ta là thủ tướng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Qua đại dịch Vũ Hán, Tập Cận Bình và bộ máy cai trị Trung Cộng cũng biết họ chỉ có thể xóa trong các mạng tin học hay trong sách vở nhưng sẽ không xóa được trong nhận thức con người. Ngọn lửa tự do được thắp lên ở Thiên An Môn 31 năm trước vẫn còn rực sáng.

Hạt giống tự do có trong mỗi con người ngay khi có mặt trên thế gian này và sẽ không chết đi khi con người còn sống.

Áp bức như cơn giông. Lao tù như cơn bão. Cả hai rồi sẽ qua nhanh. Nhưng tự do là khát vọng. Khát vọng không qua nhanh mà lớn lên theo thời đại, theo đà phát triển của văn minh và nhận thức của con người. Khát vọng tự do dân chủ là ngọn lửa thiêng âm thầm cháy trong lòng người dù đang sống ở đâu trên mặt đất này.

Phong trào Thiên An Môn chưa đạt được sự thành công như Lưu Hiểu Ba và những người tổ chức mong muốn.

Nhưng trong thời điểm 1989, phần lớn những khó khăn đó là những khó khăn khách quan bị quy định bởi hoàn cảnh xã hội, ý thức chính trị và giới hạn thông tin tại Trung Quốc cũng như trên thế giới. Việc áp dụng Internet trong thời kỳ đó ngay cả tại Mỹ và Châu Âu cũng còn giới hạn, và Trung Cộng thì chưa có.

Nếu biến cố Thiên An Môn xảy ra hôm nay, những khó khăn đó chắc chắn sẽ được vượt qua khá dễ dàng bởi vì, về mặt chủ quan thế hệ trẻ ngày nay có một nhận thức dân chủ rõ ràng và vững chắc, và về mặt khách quan thế giới đã chuyển mình sang một thời đại thông tin rộng mở mà không nhà nước nào, không một kỹ thuật nào có thể bưng bít được hoàn toàn, kể cả tại Trung Cộng.

Cuộc cách mạng tin học bùng nổ đầu thập niên 1990 đã giúp mang con người không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn, khác biệt về tôn giáo đến gần nhau trong một căn nhà. Trái đất mỗi ngày một nhỏ dần. Những hàng rào ngăn cách giữa người và người đã bị giới hạn nhiều. Nhân loại ngày nay cần được sống trong một xã hội mở, không bị bao bọc trong bốn bức tường độc tài đảng trị.

Nếu biến cố Thiên An Môn xảy ra hôm nay, ý thức dân chủ trong thệ hệ trẻ Trung Quốc đã trưởng thành cộng với các phương tiên thông tin đang có, cuộc tranh đấu sẽ không dừng lại ở những điều thỉnh nguyện suông mà có thể dẫn đến sự sụp đổ toàn bộ hay ít nhất làm thay đổi căn bản cơ chế chính trị Trung Cộng. Bắc Kinh sẽ ngăn chặn Internet nhưng những người yêu dân chủ vẫn còn rất nhiều cách để thông tin trong nội địa cũng như chuyển và nhận tin từ nước ngoài.

Một chuyên viên kỹ thuật Trung Quốc giấu tên khi được hỏi những gì sẽ xảy ra nếu biến cố Thiên An Môn đang diễn tiến hôm nay, đã thừa nhận rằng với số lượng người được nối kết vào Internet mỗi ngày tăng hàng triệu, việc chận đứng toàn bộ và lâu dài không phải là chuyện dễ dàng.

Hơn ai hết, giới lãnh đạo Trung Cộng biết vị trí của Trung Cộng là vị trí của một quốc gia bị bao vây, bởi vì chung quanh họ hầu hết là kẻ thù, không chỉ thù kinh tế, chính trị mà cả về văn hóa, lịch sử, địa lý.

Trung Cộng ngày nay không phải là một quốc gia đang phát triển, không có gì để mất như ba chục năm trước mà là một cường quốc, dù muốn hay không, họ cũng phải đóng vai trò cường quốc với tất cả trách nhiệm quốc tế để bảo vệ quyền lợi của Trung Cộng. Nếu thất bại, Trung Cộng không chỉ thất bại về kinh tế hay tài chánh mà sụp đổ toàn bộ cơ chế CS.

Và cho dù chế độ có thể ngăn chặn được thông tin trong lục địa Trung Cộng, Bắc Kinh cũng không thể làm gì được để ngăn chặn thông tin quốc tế được truyền đi qua hàng trăm phương tiện internet nhanh nhất và có tác dụng tạo nên một làn sóng công phẫn trên phạm vi toàn thế giới.

Sinh viên Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc sẽ không cô đơn như 1989 mà cả nhân loại sẽ đứng về phía họ. Hàng trăm cuộc biểu tình trước các tòa đại sứ Trung Cộng ở nước ngoài sẽ tạo nên một áp lực quốc tế thường trực không kém gì tại lục địa Trung Hoa.

Giống như cơ chế nhà nước tư bản là hệ quả khoa học của cuộc cách mạng kỹ nghệ vào thế kỷ 18, các chế độ dân chủ đang lần lượt hình thành khắp năm châu ngày nay là hệ quả khoa học của một nền kinh tế đang được toàn cầu hóa.

Ánh sáng tự do đang rọi vào những nơi mà trước đây không mấy ai quan tâm đến như Tunisia, Sudan, Yemen và lần lượt sẽ đến nhiều nơi khác đang sống dưới chế độ độc tài.

Trần Trung Đạo

Nguồn: facebook.com/trantrungdao/posts/3318253098198653

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...