Gs Nguyễn Vĩnh Thượng
Trong bài “Phương Pháp Hoài Nghi của Đức Phật” (Buddha’s Method of Doubt), chúng tôi sẽ trình bày:
I.-Hành trình từ hoài nghi đến chân lý.
II.-Phương pháp hoài nghi của Đức Phật:
A.- Nguyên nhân Đức Phật giảng bài Kinh Kalama.
B.- Phương pháp hoài nghi của Đức Phật trong nội dung của bài
Kinh Kalama.
III.-Bài học từ “Phương pháp hoài nghi của Đức Phật”.
IV.-Phần phụ thêm: “Phương pháp hoài nghi của Descartes”.
I.-Hành trình từ hoài nghi đến chân lý:
Hoài nghi (Srt.=Pa. Vicikitsa, Av. Doubt / Indecision) là nghi ngờ hay phân vân về một điều gì. Bản chất của hoài nghi thì không tốt cũng không xấu. Điều chính yếu là chúng ta phải giải quyết các điều đang bị hoài nghi. Có thể hoài nghi về khả năng của mình: -tôi có thể làm điều này không? - hoặc có thể hoài nghi về phương pháp đang thực hành: -phương pháp này có đúng cách không? -hoặc nghi vấn về ý nghĩa của một điều gì: - điều này có nghĩa là gì?; -Thiền sư (Meditation Teacher) này có phải là một ông Thầy tốt không?, dĩ nhiên thiền sư giỏi cũng như vị hướng dẫn đội thể thao, sẽ đưa các học viên đến chỗ thành công.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni (khoảng 654 tr. CN – 544 tr. CN) đã dạy rằng hoài nghi là một trong 5 chướng ngại (five hindrances) phát khởi trong tâm trí, cản trở khả năng phán đoán của bạn, hạn chế khả năng hành động của bạn, và gây ra sự cảm xúc bất an lớn. [The Buddha taught that doubt is one of five hindrances that arise in the mind, clouding your judgement, limiting your ability to act, and causing great emotional disquiet].
Năm chướng ngại đó là:
1.-Tham dục (Av. desire).
2.-Sân hận (Av. Anger/ Aversion)
3.-Lười biếng và chán chường (Av. Sloth and Torpor), gọi chung là hôn trầm.
4.-Bồn chồn và lo lắng (Av. Restlessness and Worry).
5.-Hoài nghi (Doubt).
Niềm tin là sự giải độc hay trừ khử hoài nghi (the antidote for doubt is faith).
(Xem thêm bài: Năm chướng ngại trong việc thực hành thiền của NVT)
Hoài nghi được phát khởi từ các luật nhân quả (Causes and Conditions). Hoài nghi có thể đến từ sự không chắc chắn (uncertainty), từ một trải nghiệm thất bại, hay từ một niềm tin xa xưa về chính bản thân mình.
Hoài nghi là một phần không thể tránh khỏi của kinh nghiệm sống. (Doubt is an unavoidable part of the life experience).
Tuy nhiên, hoài nghi giúp chúng ta thấy điều gì không chắc chắn (uncertainty). Có nhiều khi, hoài nghi đã đưa đến sự thay đổi (change) về niềm tin tưởng (trust) của bạn hoặc duyệt xét lại niềm tin (reconsider trust). Cũng có khi lương tâm (conscience) của chúng ta cảm thấy một điều gì sai lầm bởi vì điều đó xâm phạm đến các giá trị đạo đức của chúng ta: nó là sự sai lầm về đạo đức, hay nó có thể vi phạm những giá trị tâm linh. Điều này đặc biệt là một sự thật khi có kẻ khác can thiệp vào; thí dụ như sự can thiệp vào thương mãi, vào chính trị hay vào các sanh hoạt đoàn thể khác. (It involves business, political, or other organizational activity). Khi mà các người này cố gắng lèo lái, định hướng bạn vào sự sợ hãi (fear) hay những lời hứa không có thực (unreal promises). Đây chính là lúc “hoài nghi” giúp bạn nhìn lại vấn đề một lần nữa. Việc hoài nghi này có thể đưa đến sự từ chối những điều mà mình đang hoài nghi bởi vì chúng ta không muốn trả một cái giá đắc cho những điều gì mà chúng ta tin là đúng nhưng sự thật là không đúng.
Nhờ có hoài nghi chúng ta mới tra vấn, đặt câu hỏi, đặt thành vấn đề để phân tích, để điều tra, để tìm chân lý, để tìm một sự thật.
Sự hoài nghi và sự tra vấn thúc đẩy chúng ta tiếp tục giữ sự cảnh giác trí tuệ. (Our doubting and questioning spur us on and keep us intellectually alert).
Nói tóm lại, hoài nghi là một hành trình để đi tới chân lý. Chúng ta không đạt được chân lý nếu không biết cách hoài nghi, và biết cách tra vấn. Những đỉnh cao tư tưởng ra đời đều phát xuất từ sự hoài nghi một đỉnh cao cũ, và con người tìm cách vượt qua đỉnh cao cũ bằng một quá trình nhận thức mới.
Hoài nghi là linh hồn của mọi hoạt động nghiên cứu, tìm tòi chân lý. Bởi vậy nên hoài nghi trở thành một yếu tố không thể tách rời khỏi chân lý.
II.-Phương pháp hoài nghi của Đức Phật:
A.- Nguyên nhân Đức Phật thuyết giảng bài Kinh Kalama:
Vào thời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni [khoảng 654 tr. CN – 544 tr. CN] còn sanh tiền, bộ tộc Kalamas (Kalama clan) đã chiếm ngự và sống theo chế độ Cộng hoà tại thị trấn Kesaputta ( Kesaputta town, có tên cổ xưa là Kesariya), thị trấn này ở trong một quận của Đông Champaran [East Champaran] thuộc tiểu bang Bihar bây giờ, ở xứ Ấn độ.
Tại thị trấn Kesaputta có một bảo tháp (stupa) Phật giáo đã được xây dựng bởi Đại đế Asoka. Ngài là vị vua thứ ba của Vương triều Mauryan (khoảng 273 tr. CN – 232 tr. CN).
Bihar là một tiểu bang ở phía Đông Ấn độ, có dòng sông Hằng (Ganges) chảy ngang từ phía Tây sang phía Đông. Phía Đông - Bắc của bang Bihar giáp với xứ Népal, phía Đông - Nam giáp với xứ Bangladesh. Bihar là tiểu bang có số dân đông hàng thứ tư, và lãnh địa rộng lớn vào hàng thứ 12 ở Ấn độ.
(Source: Internet – Bihar State in India )
(Source: Internet – Buddhist Pilgrimage Location in India
Địa điểm hành hương của Phật giáo)
Các thành phần ưu tú của bộ tộc Kalamas đều là thành phần trí thức. Họ có đầu óc hiếu tri, muốn tìm tòi, hiểu biết về tư tưởng, triết học và tôn giáo vào thời cổ xưa và đương thời. Nên họ thường thỉnh mời các vị Thầy, Đạo sư, các Hiền triết, các nhà tư tưởng đến thị trấn Kesaputta để thuyết giảng những tư tưởng, triết học, tôn giáo. Mỗi vị Thầy đã giảng về học thuyết triết học và cách thực hành học thuyết này của chính vị Thầy đó. Vị nào cũng kết luận rằng học thuyết và cách thực hành của mình là chân lý (truth) còn các học thuyết có trước hoặc đồng thời với họ đều sai. Các tư tưởng, triết học, tôn giáo của các vị Thầy này luôn luôn đối nghịch với nhau. Các vị ưu tú của bộ lạc Kalamas hoàn toàn phân vân không biết phải tin ai, họ chưa thể quyết định học thuyết nào mà họ phải chấp nhận và phải thực hành theo.
Nhóm ưu tú này đã nghe tiếng Đức Phật là bậc giác ngộ, nên một hôm họ thỉnh mời Đức Phật đến thị trấn Kesaputta ( tên cổ xưa Kesariya) để thuyết giảng cho họ nghe.
Bài thuyết pháp này thường được gọi là “Bài thuyết pháp cho những người Kalamas” (Discourse to the Kalamas) thường được gọi ngắn gọn là Kinh Kalama (Pa.Kalama sutta, Srt. Kalama Sutra).
Bài Kinh Kalama được chép trong “Tăng Chi Bộ Kinh”, ở tập I, trang 188 – 193 [Pa. Anguttara Nikaya, Av. Collection of Discourses from Gradual Savings]. Người Tàu dịch chữ Anguttara là tăng chi có nghĩa là (các bài kinh ngắn) tăng lên từng cái một, theo từng thành phần.
Anguttara Nikaya là một trong 5 bộ Kinh (Nikaya) của Thượng Tọa Bộ (Theravada):
1.-Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya, Av. Collection of Long Discourses).
2.-Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya, Av. Collection of Middle- length Discourses).
3.-Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya).
4.-Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya, Av. Collection of Discourses from Gradual Savings).
5.-Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya, Av. Collection of Short Discourses).
[Xem thêm : Biểu Nhất Lãm Tam Tạng Kinh Điển Phật giáo của NVT]
Nhiều nhà Phật học Tây phương còn gọi Kinh Kalama là “The Buddha’s Charter of Free Inquiry” (Hiến Chương về Tự do Tra Vấn của Đức Phật).
B.-Phương pháp hoài nghi của Đức Phật trong nội dung của bài Kinh Kalama:
Bài Kinh Kalama được ghi chép lại như sau:
Sau khi đảnh lễ Đức Phật, một trong nhóm người ưu tú của bộ tộc Kalamas đã đưa ra vấn nạn của họ để nhờ Đức Phật giảng giải, người ấy kể rằng có nhiều Thầy, Đạo sư, Hiền triết đã đến đây thuyết giảng. Vị nào cũng giảng học thuyết của mình là đúng và các học thuyết khác đều sai. Nhóm ưu tú này rất phân vân, họ không biết phải tin theo vị Thầy nào; và họ thỉnh cầu Đức Phật chỉ dạy để họ quyết định phải tin tưởng vị Thầy nào? Đức Phật trả lời:
-Này các vị Kalamas! Các vị có quyền phân vân, có quyền hoài nghi; đây là một điều đúng.
Rồi Đức Phật giảng tiếp:
-Này các vị Kalamas:
1.-Đừng tin vào bất cứ điều gì một cách dễ dàng bởi vì nó vừa được nghe qua.
2.-Đừng tin vào bất cứ điều gì một cách dễ dàng chỉ vì nó được nhiều người nói đến, được nhiều người đồn đãi.
3.-Đừng tin vào bất cứ điều gì một cách dễ dàng mà các vị đã đọc được trong các sách giảng về một giáo điều, về một chủ nghĩa, về một tư tưởng triết học.
4.-Đừng tin vào bất cứ điều gì một cách dễ dàng chỉ vì điều đó được nói ra và được bênh vực bởi các bậc Thầy, các Đạo sư, bởi các bậc Trưởng thượng được tôn trọng và được nhiều người tuân theo; hoặc điều đó được phát xuất từ nơi có uy quyền.
5.-Đừng tin một cách dễ dàng vào những tập tục (conventionality), những định kiến (bias/ prejudices), những truyền thống (tradition) mà chúng đã được truyền đệ qua nhiều thế hệ.
6.-Đừng tin một cách dễ dàng vào một điều gì chỉ vì điều đó đã được lý luận và suy diễn cho rằng đúng.
[Giải thích: Lý luận suy diễn (the reasoning of logic) gồm có diễn dịch và quy nạp (deductive and inductive reasoning) có thể sai lầm khi căn cứ vào các dữ kiện (data) sai lầm, hoặc căn cứ vào các phương pháp (methods) sai lầm; hoặc dùng lý luận để lèo lái, để định hướng vào một mục đích vượt ra ngoài chân lý: chúng ta thường thấy các cuộc vận động chính trị (political campaigns), hoặc các cuộc tranh luận về tôn giáo (religious debate) thường áp dụng thủ thuật này.]
Này các vị Kalamas! Điều quan trọng nhất là các vị phải quan sát, phân tích và trải nghiệm tất cả các điều đó để xác định rằng điều gì tốt, điều gì là đúng, điều gì là sự thật, là chân lý, điều gì có ích cho người khác và cho chính bản thân mình. Sau đó, các vị hãy chấp nhận điều tốt ấy và sống theo điều nầy.
Để kết thúc bài thuyết pháp, Đức Phật đã thuyết giảng giáo pháp của Ngài:
⦁ Các vị phải dứt bỏ tham, sân và si (greed, hate and delusion).
⦁ Các vị phải phát triển tứ vô lượng tâm (the four immeasurable minds): từ, bi, hỉ và xả (love, compassionate, joy and equanimity) để tìm hạnh phúc trong cõi đời này; đây là điều cốt yếu cho bậc giác ngộ.
Thính chúng – nhóm ưu tú của bộ tộc Kalamas tức là nhóm trí thức của bộ tộc này- nghe xong bài thuyết pháp, vị đại diện đã đứng lên cám ơn Đức Phật và hết lòng tán thán lời dạy của Ngài. Họ hứa sẽ thực hành lời dạy của Đức Phật. Nhiều vị trong nhóm ưu tú này đã xin quy y Tam Bảo.
III.-Bài học từ “Phương pháp hoài nghi của Đức Phật”:
Đức Phật đã giảng Kinh Kalama cho nhóm ưu tú – nhóm trí thức- của bộ tộc Kalamas. Các vị trí thức này đã lắng nghe, đã hiểu và hứa sẽ thực hành lời dạy của Đức Phật.
Nội dung của Kinh Kalama là “Phương pháp hoài nghi của Đức Phật” đã dạy cho chúng ta các điều sau đây:
-Đừng vội chấp nhận và tin một cách dễ dàng vào bất cứ điều gì. Chúng ta phải kiểm tra, phải tra vấn, phải phân tích để đánh giá điều đó, nếu điều đó đúng thì mới chấp nhận; ngay cả những lời dạy của Đức Phật nữa.
-Lời dạy của Kinh Kalama rất nỗi tiếng là sự khuyến khích tự do tra vấn (encouragement of free inquiry): từ hoài nghi, chúng ta phải tra vấn, phải vặn hỏi, đặt vấn đề để đi đến tìm hiểu chân lý. Đức Phật dạy: “Bạn hãy tự thắp đuốc mà đi.” (Be a lamp unto yourself). Kinh Kalama đã dạy một hành trình tâm linh của phương pháp hoài nghi là phải từ bỏ lòng cuồng tín (fanaticism) hay đức tin mù quáng (blind faith), sự cố chấp (bigotry), giáo điều (dogmatism) và sự không-khoan dung (in-tolerance). Tra vấn là kỷ luật tìm kiếm chân lý, trí tuệ và kiến thức. (the discipline of seeking truth, wisdom and knowledge).
-Kinh Kalama là một món quà tâm linh quý giá cho mọi người. Nguyên lý hoài nghi của Kinh Kalama thích hợp với mọi người, mọi nơi, mọi thời đại. Kinh Kalama là một lời tuyên bố cách mạng (a revolutionary statement) trong lịch sử tư tưởng triết học và tôn giáo.
IV.Phần phụ thêm: Phương pháp hoài nghi của Descartes.
Sau Đức Phật lịch sử, ở Tây phương có triết gia Descartes (Pháp, 1596 – 1650) cũng đã hoài nghi tất cả, ông loại bỏ tất cả niềm tin và tư tưởng triết học tôn giáo mà trước đây ông đã tin tưởng. Descartes hoài nghi luôn cả giác quan của mình. Có điều ông không hoài nghi là điều ông đang hoài nghi. Thí dụ như khi ông nhúng một phần cây thước vào chậu nước, ông thấy cây thước bị gãy khúc, nên ông phân tích, tìm hiểu và cuối cùng tìm được chân lý là giải thìch sự khúc xạ ánh sáng, và ông đã phát minh định luật về sự khúc xạ ánh sáng. Từ hoài nghi Descartes khảo sát, tra vấn, phân tích để đạt chân lý (truth) hay một kiến thức chân thực (true knowledge). Descartes đã viết:
“Có một niềm tin không thể bị nghi ngờ: Mỗi khi tôi hoài nghi, tôi phải hiện hữu (tồn tại) để hoài nghi. Khi nghi ngờ một sự thật của mọi niềm tin khác, tôi không thể hoài nghi một niềm tin mà tôi đang hoài nghi, do đó tôi hiện hữu. Ngay khi tôi ý thức về tất cả các niềm tin đều sai lầm thì có một niềm tin vẫn đúng: bất cứ lúc nào tôi ý thức về việc đang suy tư, hoặc ý thức về bất kỳ hành động tinh thần nào như ý thức về nghi ngờ hoặc sẳn lòng (chuẩn bị để làm một việc gì đó). Tôi hiện hữu như là một vật đang suy nghĩ.”
“There is one belief that cannot be doubted: Every time I doubt, I must exist to doubt. In doubting the truth of every other belief, I cannot doubt the belief that I am doubting, therefore I exist. Even if all the beliefs I am conscious of are false; one belief remains true: at any moment that I am conscious of thinking, or of any mental act such as being conscious of doubting or willing, I exist as a thinking thing.”
(Lavine, T.Z., From Socrates to Satre: the philosophic Quest, Toronto: Bantam Books, 1989)
Ông đã thiết lập nên “phương pháp hoài nghi”, thường được gọi là “Phương pháp hoài nghi của Descartes” (Descartes’ method of doubt). Descartes dùng phương pháp hoài nghi làm phương tiện trong hành trình đi tới chân lý (truth) hay kiến thức thực sự (true knowledge). Tinh thần hoài nghi của Descartes là một cuộc cách mạng khoa học (Descartes’ doubting is a scientific resolution), là một bước ngoặt (turning-point) trong lịch sử triết học Tây phương. Phương pháp hoài nghi của Descartes đã ảnh hưởng đến tư tưởng của nhiều triết gia và nhiều nhà khoa học Tây phương sau này. Descartes không những là một triết gia nỗi tiếng mà tên tuổi của ông còn gắn lền với các bộ môn toán học, vật lý học, sinh vật học cùng với những đóng góp quan trọng của ông trong các lãnh vực này.
Phương pháp hoài nghi của Đức Phật lịch sử và Phương pháp hoài nghi của Descartes đã là một món quà tinh thần lớn lao cho nhân loại.
Toronto, 18 March 2020.
Gs Nguyễn Vĩnh Thượng
Tài liệu tham khảo chính yếu 1:
-Bercholz, Samuel (edited) and Kohn, Sherab Chodzin (edited), The Buddha and His teachings, Boston (Massachusetts, USA): Shambhala Publications Inc., (First published 1993), 2003.
-Bhikkhu Bodhi, A look at the Kalama Sutta, Sri Lanka: Buddhist Publication Society, 1998.
-Bhikkhu Thanissaro (translated), Kalama Sutta: To the Kalamas, 1994.
-Bloom, Alfred, Emeritus Professor, Critical Thinking in Buddhism: The Kalama Sutta, Hawaii: University of Hawaii, Website: “Shin Dharma Net” supported by Buddhist Study Center, 2012.
-Hiriyanna, M., Outlines of Indian Philosophy, London: George Allen & Unwin Ltd, 1932.
-Kalupahama, David J., Buddhist Philosophy: A Historical Analysis, Honolulu: University of Hawaii Press, 1976.
-Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử Triết Học Đông Phương, gồm 5 tập, xuất bản ở Saigon:-Tập I: NXB Linh Sơn, 1956; Tập II: NXB Linh Sơn, 1956; Tập III: NXB Đông Phương, 1956; Tập IV: Bộ Quốc Gia Giáo Dục Saigon, 1962; Tập V: Bộ Quốc Gia Giáo Dục Saigon, 1964.
-in lại trọn bộ 5 tập do NXB TPHCM, 1991.
-Radhakrishman, S., Indian Philosophy, Published by S. K. Mookerjee,
Oxford: Oxford University Press, 1930.
-Sinha, J., Outlines of Indian Philosophy, Calcutta: J.N.Sen, 1985.
-Sharma, C., A Critical Survey of Indian Philosophy, Delhi: Motilal Banarsidass, 1977.
-Sideritis, Mark, Buddhism as Philosophy: an Introduction, USA: Hackett Publishing Company Inc., 2007.
- Suhas Chatterjee, Indian Civilization and Culture, New Delhi: MD Publications PVT Ltd, 1998.
-Thích Mãn Giác, Lịch sử Triết học Ấn độ, Saigon: Đại học Vạn Hạnh, 1967.
in lại NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2007.
-Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), Saigon: Viện Phật học Vạn Hạnh, 1980.
-Thích Quảng Liên, Sử cương Triết học Ấn độ, Saigon: tác giả x.b., bài cours cho sinh viên chứng chỉ Triết học Ấn độ, ĐHVK Saigon, 1965.
-Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn độ, Saigon: Lê Thanh Thư xã, 1963.
-Thích Thiện Hoa, Phật học Phổ thông từ khóa I đến khóa XII (gồm 12 quyển), đã xuất bản ở Saigon từ 1955 – 1964. Tái bản: Phật Học Viện Quốc tế, Sepulveda, CA, USA, 1982.
Tài liệu tham khảo chính yếu 2:
-Lavine, T.Z., From Socrates to Sartre: the philosophic Quest, Toronto: Bantam Books, 1989.
-Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử Triết học Tây phương (trọn bộ gồm 3 quyển), Saigon: Trung Tâm Học Liệu xuất bản khoảng 1971, in lại bởi NXB T.P. Hồ Chí Minh, 2000.
-O’Connor, D.J.(Edited), A Critical History of Western Philosophy, New York: The Free Press of Glencoe, A Division of Macmillan Publishing Co., Inc., 1964.
-Russell, Bertrand, History of Western Philosophy, Great Britain: George Allen & Unwin, 1946.
-Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, Saigon: Thời Đại và NXB Văn Học (first published 1st Jan. 2005), 2014.
No comments:
Post a Comment