12 March 2020

Chơi và đồ chơi

Phạm đức Thân

Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà

Đầu năm dân VN ăn chơi cả tháng, thiết tưởng cũng là dịp để bàn về chuyện ăn chơi. Đề tài quá rộng lớn, bài này xin thu hẹp chỉ đề cập đến chuyện “chơi” trong ngôn ngữ.

Dĩ nhiên muốn chơi, phải có “đồ chơi”, cho nên cũng có đề cập đến “đồ chơi” nữa.

Theo B.L. Whorf cơ cấu ngôn ngữ của một dân tộc quy định kiểu dân tộc đó nhìn thực tại như thế nào. Ngôn ngữ chỉ là âm thanh hay dấu hiệu quy ước tùy tiện với ý nghĩa biểu thị tương ứng, tự bản thân chúng không có sạch bẩn. Nhưng do tập quán văn hóa xã hội của cộng đồng sử dụng, đã tạo nên những liên tưởng nơi người nghe, chúng mặc nhiên mang ý nghĩa hàm chỉ thái độ, tình cảm của người nói. Bởi thế mới có phân biệt lối nói hoặc từ ngữ “sạch – bẩn, thanh – tục”.

Người viết dẫn vào bài bằng lối nói thanh vì nếu không, sợ sẽ gây phản ứng ban đầu bất lợi, chứ thật ra nội dung chủ yếu của bài bàn về cái tục của ngôn ngữ, vì đó mới là điều lý thú. Còn nếu bàn về dâm tình một cách khách quan chính xác như y khoa và hàn lâm, dùng toàn những từ Hán văn hoặc Latin, không có khoác lác hoặc than phiền về kinh nghiệm cá nhân, nhận xét về vẻ hấp dẫn của ai đó, cũng như tức giận chửi thề… thì thật là tẻ nhạt, chẳng đáng bàn. Ví dụ: nếu “mềm nhũn, bất lực” cho thấy cả bầu trời u ám, buồn rầu, lo lắng của chủ nhân, thì “rối loạn chức năng cương cứng” chả gây được một cảm nhận nào. Tương tự “l.” gây bao ao ước, thèm muốn, còn “âm hộ” nghe bình thản làm sao.

Mặt khác, thích nghĩ tục, nói tục, nghe tục là bản tính cố hữu của con người. Như George Moore (1888) đã chỉ ra: “A taste of dirty stories may be said to be inherent in the human animal.” Vậy thì “chơi” và “đồ chơi” ở đây có nghĩa là “chuyện ấy” và “cái ấy.”

Thật vậy, từ khi con người biết nói và viết thì liền đã có nói và viết tục rồi. Các chữ cổ và hình (cái giống nam nữ, và cả giao hoan nữa) khắc trên vách hang động cho thấy từ thuở xa xưa đã có dâm tục. Đây là một hiện thực xã hội. Kịch thơ Hy La không thiếu những đoạn công khai nói về dâm tình, với mục đích giải trí hoặc kích thích, trong các tác phẩm của Aristophanes, Horace, Ovid…. Tường nhà chứa ở Pompei khắc hoặc phù điêu đầy những cảnh giao hoan. Những tượng thần Priapus ở Hy Lạp tồng ngồng hết sức tục tĩu. Đông Phương cũng không thua kém với Kinh Thi, Nghìn Lẻ Một Đêm, Kamasutra (Dục Lạc Kinh), các tượng dương vật bằng gỗ đá tại các nước Đông Nam Á … Anh có thơ của Chaucer, Dunbar… Pháp có farce (hài kịch) thế kỷ XIV….Ý có mỹ thuật và thi ca Florence thời Phục Hưng…. VN có ca dao tục ngữ…Đâu đâu cũng thấy tình dục là một chủ đề rất phổ biến trong kịch, thơ, ca hát, mỹ thuật….Và cứ thế phát triển bành trướng tới hiện đại với các phương tiện truyền thông đa dạng (in ấn, audio, video, internet…)

Mặc dù từ đầu thế kỷ XIX đã xuất hiện thuyết tiến hóa Darwin về nguồn gốc con người là khỉ, nhưng do ảnh hưởng của tôn giáo và văn hóa nhiều thế kỷ trước, thiên hạ vẫn bám víu vào quá khứ, sợ sự thật cuộc sống trước mắt, tránh nói trực tiếp đến các hoạt động sinh lý cơ bản (ỉa, đái, làm tình…) cũng như các cơ quan liên hệ, vì chúng nhắc nhở con người cũng chỉ là một loài động vật, không phải thần thánh. Thành thử con người đã tìm cách nói quanh co, không thành thật để diễn tả cáí giống, các hoạt động làm tình, bài tiết. Nói dối là điều không thể thiếu được để cho cuộc sống dễ chịu hơn.

Người ta đã tránh nói tục bằng nhiều cách:

– nói trại đi: đíu, đếch, ị, ể, kít, lìn, bòi, dế, tè…
– dùng ngoại ngữ: âm hộ, dương vật, giao hợp, sít-nớp, síc-nai, nô-he…
– viết tắt: C, L, con xê, cái lờ, ĐM ….
– nói trừu tượng hoặc phiếm định: nó, ấy, cái ấy, chuyện ấy…
– nói lái: nắng cực, đá bèo, lộn lèo…
– dùng uyển ngữ: vưu vật, mây mưa, trăng hoa…
– nói gián tiếp, bóng gió, xa gần: chỗ kín, của quý, chăn gối…
– nói giảm thiểu, tỉnh lược: lỗ, cọc, ngủ, biết, có gì, ăn nằm, làm bạn…
– nói dài dòng (tránh 1 âm tiết, đặc tình của từ tục): thám hiểm Ngọc Long Cung…
– dùng điển cố: cõi Bồng Lai, Cực Lạc, Thiên Thai, đỉnh Vu Sơn..

Thật ra mấy cách chót nói trên trộn lẫn với nhau rất khó phân biệt rạch ròi; và cũng còn rất nhiều cách tương tự không thể kể hết, vì trí tưởng tượng của dân gian thì phong phú vô cùng. Ví dụ: bướm, lá, hoa, nghêu, sò, trai, hến, chim, cò, kiếm, dựng cột buồm, may tay, may máy, vầy duyên loan phụng, vác cầy qua núi, kim kê áp noãn… Tùy theo muốn diễn tả thi vị, hài hước, hay thông tục người ta có thể ví von, so sánh, lửng lơ, úp mở… đủ cách, đủ kiểu… Việt ngữ chưa ai thống kê, nhưng English có trung bình vài trăm cách nói thay cho mỗi chữ cock, cunt, fuck.

Tuy nhiên, những từ cấm kỵ có một hấp lực đặc biệt, đó là tính sơ khai. Chúng ít bị ảnh hưởng của tiến hóa, giữ được nhiều sức mạnh nguyên thủy. Chúng nhiều tính biểu thị cụ thể, rất ít tính trừu tượng của ngôn ngữ. Chúng tự hiện diện như là phỏng tạo của hành động hơn là lối nói của ngôn ngữ. Chúng rất sát với những thôi thúc, thèm khát là bản năng cội nguồn của con người. Thảo nào người ta thích nói tục, nghe tục, chửi tục, đố tục, đối tục…nhận thấy trong ca dao, tục ngữ, tiếu lâm tục, thơ văn của văn nhân.

Mảng nói tục lớn nhất là ca dao tục ngữ dân gian, vì không có tên tác giả, nên ai cũng có thể tùy hứng, tùy khả năng, phóng tâm đóng góp mà không sợ bị nhận diện.

Tha hồ khêu gợi, kích thích, tạo hình ảnh sống động để quyến rũ, gây cho người đối thoại có cùng một hứng thú như mình. Kiểu thơ Bút Tre (ngắt chữ câu thơ trên đem xuống câu dưới để bién đổi nghĩa) là một đóng góp hiện đại vào kho tàng văn học dân gian.
Mấy em mặc váy đánh cầuLông, bay phất phới trên đầu các anh.
Hình thức tổ chức xã hội mọi thời, mọi nơi thường được điều hành qua kiểm soát tình dục cho nên tính dục là đề tài nổi bật, và ngôn ngữ tục rất phổ biến, vì có thể dùng để phản kháng xã hội, giai cấp thống trị, chống lại các giá trị, và có khi còn để lăng nhục, nguyền rủa qua chửi thề tục tĩu (thường dùng bộ phận cơ thể hoặc súc vật để ví von). Vd. thằng c. luộc, thằng mặt l., thằng bú c., thằng ăn cứt, con mặt mo, con đĩ ngựa…mà English thường có tương đương; thằng chó đẻ (son of bitch) đồ con hoang (bastard) đồ chó cái (bitch), prick, cunt, asshole…

Có nhà tâm lý cho rằng nói tục là thủ dâm bằng lời. Những tưởng tượng phóng túng về dâm tình thuở thiếu thời bị dồn nén, nay trưởng thành , có thể được giải tỏa, bộc lộ qua nói tục. Người khác coi nói tục là mặt nạ của sợ hãi trong tiềm thức. Do phức tạp của tâm lý con người, nói tục mà không biết rằng chính là để che dấu một hãi sợ nào đấy, và cứ tưởng là được tự do ăn nói, trả thù xã hội thượng lưu. Nói tục cho phép giải tỏa tâm lý những giận dữ, thất vọng, dục vọng, phản kháng, lo âu….được dùng để tự vệ, phê bình, phản kháng, tấn công, trừng phạt cũng như kích thích, quyến rũ…

Nói tục là cấm kỵ, là đại tác phẩm của vô danh, cho nên trước đây không được ghi chép, mà thường là truyền khẩu. Ngày nay do nhu cầu nghiên cứu tìm hiểu, nhất là với phương tiện internet phổ biến, đã có những sưu tầm nhất định. Đáng kể là Mạc Thực Thái Doãn Chất, trong bài online “Cái Ây và Chuyện Ấy trong Ca Dao Tục Ngữ” đã thu thập khá nhiều, đủ dùng làm ví dụ dẫn chứng cho phần về ca dao tục ngữ của bài này; cho nên người viết đã không đưa thêm những ví dụ mình sưu tầm được. Đã hẳn tựa bài cho thấy ông chú trọng đến ca dao tục ngữ, và hầu như không đề cập thơ văn tục của văn thi sĩ

Thật ra văn thi sĩ cũng có làm văn thơ tục, nhưng số này rất ít, vì chắc là ngại dị nghị của xã hội, không được tự do như tác giả vô danh của ca dao tục ngữ. Trừ Hồ Xuân Hương có một số bài thơ tục và câu đối, còn là chỉ thấy lưu lại rất ít thơ văn tục của các vị khác (ví dụ: Trạng Quỳnh, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nghè Tân, Phan Bội Châu, Tú Mỡ, Bùi Giáng…). mà phần lớn là câu đối và nói lái. Với họ nhiều phần đây là một kiểu chơi chữ phục vụ một mục đích xã hội. Đây có thể là dịp bộc lộ những động lực bị dồn nén, những nhu cầu bản năng thầm kín. Đồng thời muốn thử xem phản ứng của xã hội hoặc người đối thoại; cũng như khẳng định mặt bản năng nguyên sơ của cuộc sống, chống lại sức mạnh cấm đoán của chung quanh. Có thể coi đây là một trò chơi của thượng lưu ưu tú sành điệu. Dưới đây là vài vd tiêu biểu ít người biết.

SƯ: Thông ba sáu bộ chân kinh, dẫu chẳng La Hán Kim Cương, cũng cao tăng đắc đạo.

HXH: Dù hay ba vạn chín nghìn, không biết méo tròn ngang dọc, thì cũng đếch ra người.

HXH: Khi khép tối om om, quân tử tò mò nhìn chẳng thấy.
           Lúc mở ra toang hoác, anh hùng tấp tểnh đứng coi

Nguyễn Đôn Dư vịnh Cái Bật Lửa:
Lẹt đẹt hồi lâu lửa chẳng raNgán thay cái quẹt của ông giàCon cò chắc đã mòn khu ốcViên đá e khi hỏng ruột gàĐè xuống kéo lên thêm hỏng trụcBấm qua bóp lại muốn trầy daDầu đà xì bậy tim đà ướtToan vất nhưng mà có kẻ la
Bài thơ dưới người viết được nghe đọc nhưng không rõ tác giả:
Không tai không mắt lại có đầu
Chui vào hang thẳm lún rất sâu
Bịt một cái khăn không mặc áo
Mang hai cái đãi, có chòm râu
Khi vui ngúc ngoắc làm ra vẻ
Lúc mệt ủ ê giống đứa sầu
Uống rượu ở đâu mà chẳng biết
Vừa ra khỏi cửa mửa như trâu.
Phan Minh Phụng vịnh Tờ Báo… Hại” (có nhiều nói lái)
Chỉ đáng vò đi để độn lòCâu đây móc đó đọc buồn soPhao đi đồn lại nhiều tin quấyVùi lộn chôn lầm lắm hạm toBịa cảnh canh khuya cô tú đợiBầy trò đêm tối lính đồn loHãy xem đạo Dụ ghi điều luậtĐồn lại tin sai phạt mấy bò
Người viết cũng có bài nói lái “Tìm Đạo Tu”
Lại đồn cụ Bắc có cốt tuChán cảnh mây mù ảm đạm thuThiên hạ chẳng thương nhau mà sốngChiến tranh chi để đạn bay mùẦm ầm đánh thức con công ngủNgã lộn phèo dưới ánh điện luKhắp chốn cảnh ruồi bu kiến đậuKhông còn chỗ đứng, tìm đạo tu.
Nhân đây xin bàn rộng sang liên hệ giữa tính dục và ngôn ngữ, vì giữa chúng thường có liên tưởng. Người ta thích nói tục, nghe tục có lẽ do cái lưỡi cái tai hình như cho nhiều khoái cảm, nhiều liên tưởng đến cái ấy, chuyện ấy.

Cái tai tượng trưng cho giống cái. Ngoáy tai cho nhiều khoái cảm, và phụ nữ dễ bị quyến rũ bởi lời đường mật. Xưa ở Ai cập, phụ nữ ngoại tình bị hình phạt cắt tai và ở VN cô dâu bị phát hiện mất trinh trước khi về nhà chồng sẽ bị bêu xấu bằng con lợn quay bị cắt tai. Tục lệ khác là đến tuổi lấy chồng con gái được xỏ dái tai để đeo bông tai, là chỉ dấu sẵn sàng làm vợ. Huyền thoại các nước đều có chuyện những đấng tôn giáo, dị nhân thường sinh ra từ lỗ tai (Phật, Gargantua…). Cổ văn Latin ghi rõ “Virgo Maria, Mater Christi, quae per aurum concepisti”, Maria, mẹ Ky-tô thụ thai qua tai, cho nên được gọi là Đức Mẹ Đồng Trinh. Một truyện dân gian Jugoslav có tựa là “Usi meggu nogama” (Tai Giữa Cẳng Chân) cũng là ám chỉ cái ấy.

Cái tai cũng liên hệ với nói lái, vì nói lái, nghe lái thú hơn viết lái, đọc lái. Nói lái chủ yếu về tai nghe, viết lái nhiều khi làm lái mất tác dụng vì đọc lái bằng mắt có khi không nhìn ra lái. Nhiều người không nhận ra điều này, thành thử giải thích câu thơ HXH “Trái gió cho nên phải lộn lèo” chỉ nói lái “lộn lèo” mà bỏ qua “trái gió”. Chữ này nói lái lên nghe thành “d[gi]ái chó” rất hợp với “lẹo l.”. Tương tự, đọc bằng mắt bài thơ sau, lái giảm tác dụng; nhưng nếu nghe bằng tai, “tr” dễ trở thành “ch”, tác dụng khác hẳn.
Cô kia sao cứ trông Trời (-chơi chồng)Để tôi xin nguyện làm Trời cô trông (-làm chồng cô chơi)Trông Trời sướng lắm phải khôngTrời mà trông lại còn mong nỗi gì (-chồng mà chơi lại)
Cho nên người ta bảo “nói lái, nghe lái”, chứ không bảo “viết lái, đọc lái.” Trường hợp sau dùng cho việc ghi lại, sưu tầm, nghiên cứu. Nói lái là một đặc điểm ưu việt của Việt ngữ, được dùng nhiều, nhất là trường hợp muốn che dấu cái tục. Anh Pháp cũng có nói lái nhưng chỉ có thể sử dụng hạn chế.

Ví dụ nói lái Pháp (contrepèterie):

– très chaud (nóng quá) - trop cher (đắt quá)
– ne pas connaitre d’orgie sous un tel marasme (trầm cảm như vậy, không thiết truy hoan)
ne pas connaitre d’orgasme sous un tel mari (chồng như vậy, không thấy cực khoái)

Ví dụ nói lái Anh (spoonerism):

– Go and take a shower (đi tắm vòi sen)
Go and shake a tower (đi rung cái tháp)
– I must send the mail (tôi phải gửi thư)
I must mend the sail (tôi phải vá buồm)

Thơ Bút Tre cũng đòi hỏi phải nghe. Nếu nhìn đọc đúng chính tả, với dấu phẩy đúng chỗ, thì không còn thấy nghĩa đã biến thái thế nào. Độc giả nhìn bài thơ sau, đọc bằng mắt đúng chính tả sẽ thấy không còn là thơ BT nữa.
Anh đi công tác Pờ-Lây-Cu, dài dằng dặc biết ngày nào raCòn em em vẫn ở nhàCửa, mình em mở kẻ ra người vào.
Cái lưỡi còn cho nhiều khoái cảm hơn tai, có nhiệm vụ nói và cung cấp khoái khẩu khi ăn. Lưỡi tượng trưng cái giống đực, ngoáy vào tai biểu thị động thái giao hoan hết sức gợi cảm, hoặc là rót váo tai lời ngon ngọt để quyến rũ, hoặc là thuyết khách như Tô Tần Trương Nghi ngày xưa làm tới Tể Tướng. Thật đúng với câu “Có lưỡi là có tất cả”, nhất là đôi với các lão niên yamaham vẫn còn thích nguyệt hoa cho dù thằng con đã yếu.

Có nhà ngữ học còn cảm giác như lưỡi là cơ quan thích hợp để nói chuyện dâm tình, vì âm vòm lưỡi “l” mềm trơn dễ uốn nắn, có mặt trong hầu hết những từ (liên hệ xa gần đến dâm tình) của nhiều nước trên thế giới. Xin chỉ liệt kê từ của vài nước quen thuộc; lewd, lustful, lascivious, lecherous, lickerish, libidinous, voluptuous, fellatio, cunnilinctus (Anh), leicho (Hy Lạp), lecken (Đức), lingere (Latin), lécher (Pháp), leccare (Ý), lamer (Tây Ban Nha), lizat (Nga)…VN đóng góp không nhỏ về điểm này: l., (lấp) liếm (láp), luồn lách, lẹo (tẹo), lép nhép, lả lơi, lạch, lai láng, lạc thú, lụi, lọi, lèn, lang chạ, lênh láng, lông lá, lông l., lau lách, lắc lư, lặn ngụp, lăng loàn, lăng nhăng, lăn lộn, lấp, lắp (ghép), lấp ló, lặn lội, lầy nhầy, len lỏi, lèo lái, lên, lông lốc, lụi khoan….toàn từ dễ liên tưởng tới cái ấy, chuyện ấy.

Lê văn Siêu từ lâu đã chỉ ra rằng Trung Hoa có chữ tượng hình dùng hình ảnh để minh họa ý, nhưng VN có tiếng tượng hình dùng âm thanh để diễn tả ý. Ông liệt kê những ý tương ứng với các âm Í, U, Ơ, Ị, Ọ, ẤP, ẬP, ÓT, ÚT, ONG, OĂN, OAY, OM, ÓP, UỐT, UA. Vd âm Í chỉ cái gì nhỏ nhít, như ti hí, bé tí, chuột chí… Không thấy ông nói gì đến âm ÍT, ỊT. Theo người viết hai âm này chỉ cái gì tắc tị, bịt kín. Ví dụ: khin khít, tắc tịt, bịt, đen kịt, khìn khịt. Các phụ âm Đ, C, K, T toàn là những phụ âm tắc, sắc gọn, đanh, chắc nặng, đòi hỏi một sự bung ra, tạo nên các từ CẶC, COCK, CUNT nghe thật mạnh mẽ. Đ kết hợp với âm ỊT tạo nên từ Đ.T diễn tả sống động động tác làm tình, với liên tưởng chỗ bịt bị xịt để bung ra giải tỏa căng thặng. Các từ fuck (Anh) foutre (Pháp) không thể nào tạo được một âm hình tuyệt vời như thế. Mặt khác, có lẽ người miền Nam hiền hòa hơn, nên ĐỤ, ĐÙ thiếu hẳn sức mạnh của Đ.T ở miền Bắc.

Ngôn ngữ cũng có mầu sắc phái tính, thường được đặt ra bởi phái nam áp đảo phái nữ suốt chiều dài lịch sử . Cho nên các từ về tình dục phản ánh cái áp đảo này. Với âm đ đanh sắc, các từ đ., đéo, đụ, đánh, để, đục, đẽo, đâm, đút, đè, đụng, đồ, đì… cộng thêm các từ (hãm) hiếp, phá trinh, xỏ, xiên, thọc, thụt, bề, chơi, làm, xơi tái… cho thấy vai trò chủ động của phái nam trong chuyện ấy. Nữ luôn luôn bị thiệt thòi, trong thế thụ động: mất trinh, thất thân, tiêu đời, bị này bị nọ…

Nói tục đôi khi không cưỡng lại được. Đó là do bệnh hội chứng (Gilles de la) Tourette. Bệnh nhân bị co giật, nói tục, chửi thề. Nguyên nhân hiện chưa xác định. Có thể do gien di truyền. Có thể do một hóa chất nào trong não tác đông. Có thể một hệ thống thần kinh kiềm hãm các nói tục bị xáo trôn khiến các tục tĩu này bung ra, không thể kiềm chế. Hiện chưa có trị liệu nào bảo đảm hiệu quả. Nhưng cũng may là bệnh phát từng cơn không phải liên tục suốt ngày.

Trên đây là những nhận xét chủ yếu về nói tục, mặc dù cũng có điểm qua vài bài thơ tục. VN chưa được giải phòng về tình dục như các nước Âu Mỹ, cho nên viết tục còn rất hạn chế, chỉ có lác đác một số ít thơ và câu đối, không có lấy một mảng dâm thư đúng nghĩa dù nhỏ nhoi, mặc dù trên net nhan nhản các đoản văn tục tĩu của các netter tài tử. Tình trạng này khiến chưa có công trình nghiên cứu đầy đủ về ngôn ngữ tục VN, cũng như từ điển chuyên ngành ngôn ngữ tục. Người viết phải tham khảo ngoại văn để tìm hiểu kết quả nghiên cứu của họ.

Theo các nhà nhân chủng và tâm lý, hiện tượng nói tục, viết tục là phổ biến trên thế giới. Luôn luôn có người muốn văng tục để giải tỏa tâm lý, viết tục để kích thích, khêu gợi tình dục, vì tình dục không thể thiếu trong đời sống. Tuy nhiên cần hạn chế, không thể đi quá trớn, sẽ gây phản cảm, cọ xát, thiếu lịch sự trong xã hội. Mặc dù tình dục được giải phóng nhưng các từ tục tĩu vẫn có những mức độ chấp nhận khác nhau. Những từ cấm kỵ như cock, cunt, fuck, shit, ass… vẫn chưa được dùng thoải mái.

Thiết tưởng chỉ cần thay những English trên bằng c., l., đ., cứt… ta có thể áp dụng kinh nghiệm của họ vào xã hội VN thì cũng chẳng sai!

Phạm đức Thân
Nguồn: Tác giả gửi

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...