Ca khúc Tóc Xưa
Nhạc: Ngô Thụy Miên Thơ Dương Văn Thiệt
Trình bầy: Ca sĩ Minh Châu.
Riêng tặng bạn hiền HHSơn với nhiều cảm thông.
Ca khúc Tóc Xưa của Nhạc Sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc bài thơ Tóc Xưa của Dương Văn Thiệt. Bài thơ lấy cảm hứng từ một chuyện tình tuyệt đẹp của một cặp đôi yêu nhau tử thủa đi học cho tới khi bạc đầu và một tình bạn khắng khít thời còn học Trung học với nhau ở Trường Nguyễn Trãi và Petrus Ký thập niên 70. Tất cả như một bức tranh đẹp về tình yêu, lòng chung thủy, nghĩa vợ chồng, sự chia cắt đầy nước mắt đan quyện cùng tình bạn trong sáng tựa pha lê làm nên ca khúc tuyệt vời như một dòng nước mát để lại mãi mãi cho đời
http://www.art2all.net/nhac/khekinhkha/tocthe.jpg
Nhưng có điều, khi thưởng thức ca khúc này, giới thưởng ngoạn rất ít người biết về tác giả bài thơ, cũng như ngọn nguồn thai nghén ra tuyệt tác Tóc Xưa làm rung động lòng người. Lời thơ, mỗi câu, mỗi chữ như xé gan xé thịt lột tả tâm trạng đau đớn của người ở lại nhớ thương hiền thê ra đi vì bệnh ung thư.
Thật ra tác giả Dương Văn Thiệt không phải là thi sĩ, ông chỉ làm thơ tay ngang để tặng vợ là chị Thọ Chi. Trước năm 1975 ông là Bác sĩ còn chị là Dược sĩ, làm việc ở Sà gòn. Sau năm 1975, họ vượt biên và định cư tại Bolton Anh Quốc. Thời gian lâm bệnh,vợ ông bắt đầu rụng tóc và ông hằng ngày thu gom tóc để lại một ít làm kỷ niệm. Năm 2010,vợ ông mất, ông gom toàn bộ thơ tình ông làm tặng vợ và số tóc cất giữ cho vào áo quan để người ra đi mang xuống tuyền đài. Sau đám tang ông giữ nguyên trạng căn phòng ngủ của hai người .để được sống tới cuối đời với những nỗi niềm như khi vợ ông còn sống bên ông.
Mãi ba năm sau trong khi dọn lại căn phòng ông bất chợt nhặt được sợi tóc của vợ còn kẹt trong gối. Đêm đó vì quá xót xa, không thể lột tả được nỗi buồn thương nhớ, ông đã sáng tác bài thơ Tóc Xưa mà trước đó ông mới chỉ sáng tác duy nhất bài thơ Nguyệt Lạnh trải lòng cùng người vợ quá cố.
Nhiều người cho rằng những bài thơ hay phải là những rung động đi thẳng từ tim ra mặt giấy mà không qua quá trình sàng lọc, chọn chữ, suy nghĩ. Bài thơ Tóc Xưa có lẽ vì vậy đạt tới nét tuyệt vời nhất là hai câu kết
Tóc xưa giờ đã xa bay
Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa
Nghe bâng khuâng như một tiếng thở dài xót xa hơn cả chuyện tình Romeo và Juliette vì chuyện tình này chỉ là sản phẩm tưởng tượng của Shakepear chứ không có thật. Bài thơ hay và xúc động đến nỗi ngay năm đó, được sự đồng ý của tác giả, Bs N. M. Tiến và Bs L.V.Thu, đã cho đăng trên số báo xuân và gửi cho Nhạc Sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc vì họ cùng là bạn học của nhau ở Petrus Ký.
Tôi cũng cảm nhận như nhiều người: quá khứ là một phần của cuộc sống vì quá khứ làm nền tảng cho hiện tại và tương lai nên hình như ở tuổi 60-70, người ta thường hay nhắc đến, hoặc dùng chữ “Xưa” như mắt xưa, áo xưa, dáng xưa, người xưa,… để kể lại một câu chuyện, để nhắc lại một ngày tháng nào với nhiều hoài niệm? Có phải “Xưa” đó luôn là những kỷ niệm đẹp không hề phai tàn qua năm tháng, là những nỗi nhớ nhung chẳng hề quên lãng qua bao thăng trầm, đổi thay của cuộc sống? Có lẽ trong trái tim của tất cả chúng ta, “Xưa” cũng chính là nỗi mất mát, niềm tuyệt vọng nào đó đã thoáng qua nhưng mãi ở lại vĩnh viễn trong ký ức sâu thẳm nhất của đời mình”.
Ca khúc này đã được các ca sĩ Bằng Kiều, Thục Đoan, Bích Vân, Keith Đỗ v.v hát nhưng tôi vẫn thích giọng ca nhừa nhựa phảng phất chút trầm buồn giọng ca Khánh Ly của ca sĩ Minh Châu thể hiện. Đó là lý do tôi chon Tóc Xưa làm chủ đề cho chương trình Thường thức nhạc cuối tuần này để tặng cho chính mình, tặng cho em trai vì chúng tôi đều có hoan cảnh như Thi/Bác sĩ Dương Văn Thiệt.
San Jose 6-3-2020
TeHong
No comments:
Post a Comment