29 December 2018

Trung Quốc lấy lại cả vốn lẫn lời, không cần biết Ecuador có thể trả nợ được hay không

Một đập nước khổng lồ đầy bê bối ở tầm vóc quốc gia với một tương lai gắn liền với Trung Quốc không đưa Ecuador ra khỏi kiếp nghèo.

Tác giả: Nicholas Casey và Clifford Krauss

Đập Coca Codo Sinclair tại tỉnh Napo, Ecuador.
Ảnh: NYTimes
REVENTADOR, Ecuador — Dù giới hữu trách đã ngăn can trong nhiều thập niên và các nhà địa chất đã cảnh cáo động đất sẽ phá hủy hoàn toàn, chiếc đập được xây gần một núi lửa đang hoạt động.

Mới chỉ sau hai năm khai mạc, cả ngàn vết nứt lỗ chỗ hiện ra trên khắp máy móc, hồ chứa nước thì bị ứ đọng với bùn, cát và thân cây. Và lần duy nhất khi các kỹ sư thử chạy các tua bin với mức tối đa, nhà máy rung chuyển dữ dội và làm cả nước mất điện. Chiếc đập khổng lồ giữa rừng sâu này được Trung Quốc tài trợ và xây cốt ý là để đánh dấu khát vọng to lớn của Ecuador là giải quyết vấn đề khan hiếm năng lượng và để giúp quốc gia này thoát khỏi nạn nghèo đói.

Thay vào đó, chiếc đập trở thành một sì căng đan bao trùm cả quốc gia về tham nhũng, một mối nợ trồng chất và một tương lai gắn liền với Trung Quốc.

Hầu hết các quan chức cao cấp liên quan đến dự án xây đập đều bị đi tù hoặc kết tội hối lộ. Những người này từng là phó tổng thống, bộ trưởng điện lực và ngay cả một quan chức với vai trò giám sát chống tham nhũng bị thu băng khi đòi hối lộ. Cái giá mà chính phủ Ecuador đang đôn đáo kiếm tiền để trả nợ Trung Quốc là 19 tỷ đô la, không những cho chiếc đập có tên Coca Codo Sinclair này mà còn cho những cây cầu, xa lộ, thủy lợi, trường học, y viện và nửa tá những chiếc đập khác.

Bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc lấy lại cả vốn lẫn lời không cần biết Ecuador có thể trả nợ được hay không. Vì một số hợp đồng ghi phải trả bằng dầu hỏa, Trung Quốc lấy 80 phần trăm tổng số hàng xuất cảng đáng giá nhất của Ecuador, đó là dầu hỏa với một giá hời, sau đó họ bán lại để kiếm lời. Vì phải bơm đủ dầu để trả nợ, Ecuador bắt buộc phải đào giếng dầu sâu vào rừng Amazon và vì thế làm tăng nạn phá rừng.

Nhưng vẫn chưa đủ. Vì kiệt quệ nợ nần, Tổng Thống Lenín Moreno cắt chi tiêu cho xã hội, giảm tiền phụ cấp xăng, dẹp một số cơ quan chính phủ và sa thải trên một nghìn công chức. Các nhà kinh tế học nghĩ là cả nước sẽ lâm vào suy thoái kinh tế và gây phẫn uất.

Theo bộ trưởng năng lượng Carlos Pérez, “Trung Quốc lợi dụng Ecuador. Chính sách của họ đã quá rõ ràng, đó là kiểm soát kinh tế của các quốc gia khác.”

Chuyện việc xây chiếc đập khởi đầu bằng kết hợp hai ý tưởng với nhau, đó là mối ước mong thay đổi tình thế ở Nam bán cầu và truất ngôi độc quyền của Hoa Kỳ trong vùng. Mười năm trước, Trung Quốc đã sắp xếp chương trình sẵn và khi cả Châu Mỹ La Tinh đắm chìm trong khủng hoảng tài chính hoàn cầu, họ ném cho các quốc gia này cái phao kinh tế với lời hứa hẹn “tương kính”, như là phát đánh lén sau lưng vai trò nổi bật của Hoa Kỳ.

Cú đòn này có hiệu quả. Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại hàng đầu ở Nam Mỹ bằng cách reo rắc trong vùng những dự án hạ tầng với các món nợ nần khổng lồ. Họ cũng gặt hái được lợi ích chính trị khi làm các quốc gia châu Mỹ La Tinh từ bỏ liên hệ ngoại giao với Đài Loan.

Tuy thế, như chiếc đập khổng lồ này đã chứng tỏ, Trung Quốc và Ecuador còn lâu mới là hai đối tác ngang hàng. Cả hai quốc gia đều muốn làm ngơ kỹ thuật xây đập rất kém, lợi nhuận kinh tế đáng nghi ngờ và những khuyến cáo trung lập cho rằng những nghiên cứu kỹ thuật về chiếc đập trước khi được xây đều dựa trên kiến thức cũ cả mấy chục năm.

Trung Quốc chưa bao giờ gặp nhiều rủi ro tài chính khi họ cho các quốc gia đang mở mang vay hàng tỷ đô la. Điều này đã rõ ở Ecuador, quốc gia này hiện nay đang cần mượn tiền để lấp nhiều lỗ hổng, trong đó có tiền đến từ Trung Quốc. Trong tháng này, Tổng Thống Moreno của Ecuador bay sang Trung Quốc để thương lượng tiền nợ cũ và mượn thêm 900 triệu đô la. Theo Steve Hanke, một kinh tế gia của Đại Học Johns Hopkins “Trung Quốc treo thịt dê giăng mồi, sau đó các quốc gia cắn được thịt chó.”

Chúng Tôi Biết Mối Quan Hệ Này Không Dễ Dàng

Cựu bộ trưởng năng lượng Ecuador vào thập niên 1980, ông Fernando Santos sửng sốt khi được biết đập Coca Codo Sinclair sẽ được xây. Khi còn tại chức, chính phủ Ecuador từ chối xây đập nhỏ hơn ngay tại nơi này, cả dự án bị bỏ xó vì ngọn núi lửa gần đó. Vào năm 1987, một trận động đất đã phá hủy hoàn toàn nhà máy lọc dầu ở nơi đó. Ông nói “Ngọn núi lửa không ngừng phun từ thế kỷ thứ 16 khi Tây Ban Nha sang xâm lăng, hoàn toàn không có lý tí nào khi đổ bao nhiêu tiền vào nơi nguy hiểm đó.”

Còn nữa. Vào năm 2010, khi một cơ quan trong chính phủ Mexico xem lại hồ sơ xây đập, họ báo động rằng lượng nước trong vùng cần thiết cho đập chưa được nghiên cứu kỹ càng trong 30 năm qua. Từ thời điểm đó cho đến bây giờ, Ecuador bị hạn hán nặng nề và nhiều người lo ngại là những băng hà tan vì biến đổi khí hậu. Bất kể những khuyến cáo, cựu tổng giám đốc Luciano Cepeda nói là những người chóp bu trong chính quyền Ecuador ra lệnh tiến hành xây đập vì họ không muốn bị chậm trễ vì sẽ mất vài năm mới xong một cuộc nghiên cứu mới.

Ngay cả một nhà ngoại giao Trung Quốc dấu tên ở Ecuador cũng nghi ngờ dự án xây đập. Ông nói “họ chưa để ý kỹ càng đến các nghiên cứu về hậu quả môi trường của dự án.”

Chính quá khứ xây đập của Trung Quốc đã cho thấy cả vui lẫn buồn. Đập Three Gorges được xây ngang Sông Giang Tử làm mực nước dâng khoảng 200 mét là một dự án thủy điện lớn nhất thế giới với công suất gấp 20 lần Đập Hoover của Hoa Kỳ. Nhưng những yếu kém về biện pháp an toàn đã làm 100 thợ tử vong, trên một triệu người phải bỏ nhà cửa với thiệt hại môi trường nặng nề, cộng với phá rừng.

Bất chấp cảnh cáo, vì áp lực địa chính trị to lớn vào thời đó, cựu Tổng Thống Ecuador Rafael Correa thuộc về phe cực tả đã quyết tâm hiện đại hóa quốc gia và đồng thời thoát khỏi quỹ đạo Hoa Kỳ. Trúng cử vào năm 2006 trong thời thịnh của bên tả khắp Châu Mỹ La Tinh, Tổng Thống Correa nhắm vào Mỹ với những bài diễn văn chống đế quốc nẩy lửa. Năm 2008, Correa từ chối ký hợp đồng để Hoa Kỳ sử dụng một căn cứ không quân Ecuador trong chiến dịch bài trừ ma túy.

Chẳng mấy chốc sau đó, các ngân hàng Tây Phương đều rơi vào tầm ngắm của Tổng Thống Correa. Ông tố cáo Quỹ Tiền Tệ Quốc tế đã cản trở cách xài tiền của ông. Vào năm 2008, Ecuador không trả nổi món nợ các nước ngoài 3.2 tỷ đô la và nhờ Trung Quốc trả hộ.

Diego Borja, phụ tá kinh tế của Tổng Thống nói “Ông Correa muốn dẹp các nhà băng Tây Phương dù biết mối liên hệ với Trung Quốc không đễ dàng”. Ông Borja và các viên chức chính phủ khác đều bị sốc khi biết đến các điều kiện nợ nần từ Trung Quốc. Hầu hết các món nợ đến từ các ngân hàng nhà nước và Ngân Hàng Xuất-Nhập Cảng Trung Quốc với lãi xuất cao và đòi hỏi Ecuador phải dùng các hãng xây cất Trung Quốc, không phải cạnh tranh.

Trung Quốc đặc biệt để ý đến dầu hỏa của Ecuador, một trong những thành viên nhỏ nhất trong OPEC. Trong một thỏa thuận vào năm 2009, Trung Quốc cho Ecuador vay một tỷ đô la và phải trả bằng dầu hỏa cho PetroChina. Ông Borja còn nhớ “Chúng tôi không có sự chọn lựa nào khác, không còn cách nào để liên hệ với Tây Phương.”

Tổng Thống Correa bỗng nhiên có ngoại tệ nhưng đồng thời phải đối diện với cơn khủng hoảng mới: Cả nước thiếu điện, các hồ chứa nước thủy điện đều khô cằn làm tê liệt các đập nước. Thay vì tìm kiếm một nguồn năng lượng khác, Correa đánh cược trên thủy điện. Các viên chức nói chính bộ trưởng điện lực Aleksey Mosquera đã gợi ý xây Coca Codo Sinclair, một dự án khổng lồ dự tính có thể cung cấp một phần ba điện cho toàn quốc và là một đầu tư lớn nhất trong lịch sử Ecuador.

Điều trớ trêu là đập được xây ngay dưới chân núi lửa Reventador với kích thước gấp đôi một đề án cũ mà nó bị loại bỏ nhiều thập niên trước. Cuối cùng thì đập cũng khai trương vào năm 2016 với sự góp mặt của Tập Cận Bình, ông bay sang Ecuador để tham dự.

Nhưng chỉ trước đó hai ngày, cả đập rơi vào trong tình trạng hỗn độn. Các kỹ sư cố gắng chạy các tua bin để lên tới 1.500 megawatts, mức sản xuất tối đa theo như thiết kế. Nhưng cả đập và lưới điện toàn quốc không kham nổi. Các tua bin bị rung một cách nguy hiểm và cả nước mất điện. Dân chúng không bao giờ được thông báo về lỗi này và máy móc vẫn chưa được thử lại tại mức tối đa này. Hiện nay, mức sản xuất điện của đập chỉ ở mức một nửa và dựa theo thiết kế kỹ thuật và chu kỳ mùa mưa nắng ở Ecuador, đập chỉ có thể phát điện ở mức tối đa vài tiếng trong một ngày, và sáu tháng trong một năm, nếu mọi sự đều trôi chảy.

Trong khi đó Ecuador vẫn phải trả nợ. Món vay 1.7 tỷ đô la từ Ngân Hàng Xuất-Nhập Cảng Trung Quốc với lãi xuất 7 phần trăm cho 15 năm mang lại lợi nhuận béo bở cho Trung Quốc. Nội tiền lời, Ecuador phải trả Trung Quốc 125 triệu đô la mỗi năm. Bây giờ thì dân chúng Ecuador mới biết gánh nặng trên vai.

Với tiếng rung không ngớt từ các đường dẫn điện, dân chúng trong phố Cuyuja lo âu là các trụ điện sẽ đổ vì đất truồi sau khi mưa. Các nhà địa chất nghĩ rằng thợ Trung Quốc không xây móng trụ điện trên lớp đá dưới đất. Những than phiền khác liên quan đến tiền điện. Maria Esther Tello tháng trước phải trả 60 đô la, đó là một cú sốc khi chính phủ hứa là tiền điện sẽ giảm. Cô con gái của bà, Isbela Nole vừa nói “Tiền đóng thuế của mẹ tôi đi đâu cả?” vừa hái và bóc đậu để trả nợ cho chính phủ.

Dấu Hiệu Tham Nhũng

Phiến đá ngay cổng vào của đập có ghi hàng chữ “Ghi ân Phó Tổng Thống Jorge Glas Espinel, người đã khởi xướng dự án quan trọng này”. Ông Jorge Glas Espinel đang thụ án sau khi bị kết án 6 năm tù vì tộ nhận hối lộ từ Công Ty Odebrecht, đối thủ của cơ quan xây cất Trung Quốc. Odebrecht là một đại công ty Ba Tây chuyên xây hạ tầng cơ sở Ở Châu Mỹ La Tinh. Theo các biện lý Hoa Kỳ, Odebrecht đã hối lộ 33.5 triệu đô la ở Ecuador, một hành động trong âm mưu kiếm hợp đồng thương mại trên khắp thế giới. Hiện nay giới chức Ecuador cũng đang điều tra xem Trung Quốc có hối lộ Jorge Glas Espinel và các thuộc hạ thân tín của ông.

Bộ trưởng năng lượng nói “Tôi không ngạc nhiên khi tất cả cùng những người này cai quản các dự án”. Họ bao gồm Mosquera, cựu bộ trưởng điện lực đang ngồi tù 5 năm vì nhận hối lộ một triệu đô la; Carlos Pólit, cựu viên chức chống tham nhũng đang bị kết án đã nhận hàng triệu đô la; và một viên chức thân cận với Jorge Glas Espinel. Tất cả đều bị kết tội nhận tiền hối lộ từ Odebrecht.

Nhưng cũng có các bằng chứng họ cũng nhận hối lộ từ Trung Quốc.

Nhà chức trách Ecuador công nhận có một băng được thâu bởi một nhân viên cao cấp Odebrecht mà biện lý và nhà báo đang có trong tay. Cuốn băng ghi cuộc đàm thoại về tiền hối lộ giữa hai người tại tư gia của Carlos Pólit, trong đó nhân viên cao cấp Odebrecht nói là cựu phó tổng thống Jorge Glas Espinel đòi nhiều tiền và Odebrecht bị yêu cầu phải trả vì “đó là điều bắt buộc vì bên Trung Quốc đã trả.”

Theo các nhà chức trách Ecuador, cuốn băng đã gây ra một cuộc điều tra chú tâm vào ông Rivera, người tự cho là đại diện cho phó tổng thống đã qua Trung Quốc nhiều lần. Họ đang điều tra 13 đợt chuyển tiền với tổng số 17.4 triệu đô la mà ông Rivera đã chuyển vào một chương mục của Ngân Hàng HSBC ở Hồng Kông. Theo các nhà chức trách, những đợt chuyển tiền này có thật và họ muốn biết tại sao ông Rivera đã có nhiều tiền như vậy. Mới đây, Bộ trưởng Tư pháp Pérez dẫn đầu một cuộc điều tra về tham nhũng vi phạm bởi Trung Quốc trong Ecuador. Ông ta sang Trung Quốc vào tháng 11 để nhờ Trung Quốc giúp. Nhưng sau khi về nước vào ngày 13 tháng 11, Bộ trưởng Pérez bất ngờ từ chức và từ chối cho báo chí phỏng vấn.

Một luật sư của cựu phó tổng thống Jorge Glas Espinel chối là thân chủ có liên quan đến đập Coca Coda Sinclair vì phó tổng thống là một người “có danh dự và lương thiện” và cho những vấn đề liên quan đến đập chỉ là chuyện vặt vãnh nhỏ.

Cựu Tổng thống Correa đang sống lưu vong ở Bỉ, ông bị yêu cầu về nước để đối diện với tội tổ chức bắt cóc đối thủ. Các phụ tá thân tín của ông đã bị kết tội tham nhũng và cũng đang đào tẩu. Ông Carlos Pólit cùng với một luật sư của ông Rivera, và một đại diện của Sinohydro, công ty Trung Quốc phụ trách xây đập, tất cả đều từ chối yêu cầu phỏng vấn.

7.648 Vết Nứt Trên Máy Móc Của Đập

Khi chèo thuyền từ Sông Quijos, thật khó tưởng tượng là đã tiến gần đến đập Coca Codo Sinclair. Hầu hết hồ giữ nước cho đập chứa đầy thân và bụi cây. Ngay cả thuyền đôi khi cũng bị mắc cạn vì phù sa và cát quá dầy. Nhân viên của đập nói vấn đề ứ đọng phù sa này được gây ra bởi thiết kế sai và đó không phải là lỗi duy nhất. Vào năm 2014, nhân viên kỹ thuật nhận thấy trên những máy móc bằng thép không rỉ làm bên Trung Quốc hiện ra những vết nứt. Tháng 12 năm đó, 13 nhân viên bị chết chìm khi một hầm bị xụp.

Theo một tài liệu trong tay báo The New York Times, một kỹ sư cao cấp trao hồ sơ cho Tổng Thống Correa và xin được gặp để báo cáo về các vấn đề của đập. Nhưng theo các cựu viên chức, ông kỹ sư này bị xa thải vài ngày sau đó.

Ông Pólit, người phụ trách chống tham nhũng có làm những cuộc kiểm tra nhưng kết luận của ông chỉ là những phê bình hời hợt như thi công trễ nãi và chỉ phạt nhẹ công ty Trung Quốc. Nhà chức trách Ecuador đang điều tra xem ông Pólit và các viên 00 chức khác có bị Trung Quốc mua chuộc để làm ngơ hay không. Điều đó cũng nằm trong cuộc điều tra của ông Pérez trước khi từ chức.

Theo chính phủ, hiện nay có 7.648 vết nứt trên các máy móc của đập vì công ty Sinohydro dùng thép dưới tiêu chuẩn và nhân viên của họ hàn dối. Cát và phù sa cũng là một vấn đề lớn vì nó có thể làm hỏng tua bin. Trong một cuộc thăm viếng gần đây, một kỹ sư nhìn biểu đồ lượng cát bị hút vào tua bin một cách hồi hộp. Nhiều nhân viên nói họ bị nhầm lẫn vì lối dịch sai. Tỷ dụ một tấm bảng ghi đúng “Nhóm bơm chạy điện một chiều” (Direct Curent, D.C.) bằng tiếng Tàu, nhưng khi được dịch sang tiếng Tây Ban Nha thì lại thành “Nhóm áp suất từ Washington D.C.”

Một bảng gồm ba thư tiếng: Tàu, Mỹ, và Tây Ban Nha cho nhân viên. Nhưng tiếng Tàu và Anh thì đúng và tiếng Tây Ban Nha thì sai. (Federico Rios Escobar, The New York Times)

Vấn đề trục trặc về thông tin trôi xuống đến tận hạ lưu. Vì tích tụ quá nhiều, các kỹ sư thỉnh thoảng phải xả đập để làm văng cát và phù sa ra khỏi hệ thống. Điều này gây nước lũ ở hạ nguồn nơi ông Carlos Usamá sinh sống bằng nghề trồng mía. Nhưng không ai báo cho ông biết trước. Vào tháng 12 năm ngoái, ông cùng một người em và một người bạn đi câu cá gần một đập khác do Trung Quốc xây, cũng vì xả lũ tương tự mà người em và bạn bị cuốn trôi. Ông nói xác của họ được tìm thấy hai ngày sau.

Nghiện Đi Vay

Nợ như Chúa Chổm đã khiến nhà cầm quyền Ecuador hiện nay than phiền về Trung Quốc cũng nhiều như họ từng than phiền về Hoa Kỳ trong quá khứ. Khi đề cập đến số tiền cả tỷ đô la để sửa chữa đập Coca Codo Sinclair, Bộ trưởng năng lượng Pérez nói “Chúng tôi sẽ không trả (Trung Quốc)”. Nhưng theo Risa Grais-Targow, một phân tích gia của một công ty tư vấn, Nhóm Eurasia Group, Ecuador khó mà thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc. Cô ta nói “Vì không có nhiều nguồn tài chính để vay, họ sẽ phải sang gõ cửa Trung Quốc.”

Trung Quốc đã có một số nhượng bộ cho Ecuador, tỷ dụ như trả cho Ecuador 0,92 đô la cho mỗi thùng phuy dầu hỏa. Phần dầu hỏa Ecuador thuộc về Trung Quốc giảm từ 90 xuống còn 80 phần trăm. Nhưng chính phủ Ecuador vẫn cần 11.7 tỷ đô la để trả nợ và theo các phân tích gia, họ còn thiếu vài tỷ.

Ngoài Trung Quốc, chính phủ Ecuador đi gặp lại các nhà băng mà chính cựuTổng thống Correa đã chửi thậm tệ trong quá khứ, đó là Ngân Hàng Thế Giới và IMF. Một số người lo rằng Ecuador đang đi tìm một bộ chủ nợ mới.

Ông Santos, cựu bộ trưởng năng lượng nói “Chúng tôi ghiền đi mượn tiền”. Và ông Leopoldo Gómez, nhân viên hãng lọc nước được xây dưới thời Tổng thống Correa đồng ý “Bây giờ chúng ta mới vỡ lẽ ra là có những thứ chúng ta không cần, chẳng hạn như cái đập đó.”
____________________________________________
It Doesn’t Matter if Ecuador Can Afford This Dam. China Still Gets Paid, The New York Times Dec. 24, 2018

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...