28 December 2018

Giáng Sinh và Năm Mới

Phạm Văn 

Giáng sinh đã đến và Năm mới cũng đã rất gần. Thật khó có thể cảm xúc, nghĩ, nói về Giáng sinh mà không cảm xúc, không nghĩ, không nói về Năm mới và ngược lại. Có thể nói, đây là điều hết sức tuyệt vời của văn hóa phương Tây nói chung. Lâu nay ở Việt Nam Giáng sinh và Năm mới (dương lịch) cũng đã trở thành một nét văn hóa tương đối nổi bật. Vào lúc này trên khắp các tuyến phố Hà Nội, nhất là ở những nhà hàng, các hiệu kinh doanh lớn nhỏ, những biểu tượng của Giáng sinh, nhất là cây thông Nô-en và ông già Tuyết cùng áo quần đỏ thắm, đồ dùng của ông, được bày bán hoặc trang hoàng rất nổi bật và lộng lẫy. Giáng sinh thật sự đã ở trong tâm hồn, tâm trí người dân Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam Giáng sinh và Năm mới chen lẫn với Năm mới – Tết Cổ truyền, còn ngày Phật đản thì dường như cách xa, không có quan hệ gì với ngày Tết này. Đã có những ý kiến cho rằng chỉ nên chọn một Tết, hoặc Tết Cổ truyền, hoặc Tết Tây, và hầu như những ý kiến này không được chấp nhận, nhất là đối với những người chủ trương nên bỏ Tết Cổ truyền. Tôi nghĩ rằng không nên bỏ cái gì cả, nhất là Tết Cổ truyền, một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam (và của một số nước phương Đông). Vấn đề ở chỗ biết kết hợp tất cả những cái đó, nhất là trước hết nên hiểu, ý thức về điều này như thế nào.

Cần hiểu rằng những ngày lễ quan trọng của các Tôn giáo, nhất là Giáng sinh và Năm mới, đó là những điểm kết thúc và nhất là mở đầu hành trình thường niên của đời sống con người, của các dân tộc và nhân loại trong hành trình sống không ngừng và có thể là vô tận, để đi đến những bến bờ hạnh phúc.

Tôi vốn trước đây là người “không theo” tôn giáo nào và thường “tự hào” mỗi khi ghi vào lý lịch ở mục “Tôn giáo”: - “không” (hoặc “lương”). Nhưng thực ra, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đã làm cho tôi rất thành kiến với các tôn giáo, nhất là Thiên chúa giáo, hay Công giáo, đối với tôi, một mặt nó tiêu biểu cho sự ngu tối, lầm than, sai lầm của kiếp người, mặt khác nó là cái bị các thế lực đen tối, những kẻ thù của giai cấp vô sản, nông dân, những kẻ xâm lược lợi dụng như một trong những công cụ hữu hiệu nhất để thực hiện sự bóc lột, xâm lược, thống trị của chúng. Thành kiến càng trở nên nặng nề và dường như không có lối thoát, khi ở trong một thể chế chỉ có những thông tin một chiều, không những thế, rất lệch lạc, méo mó, chỉ nói về cái “tốt” của học thuyết Marx và tấm gương chói sáng của lãnh tụ Hồ Chí Minh, chế độ cộng sản, người cộng sản nói chung. Khi say mê môn văn học, tôi đã từng mơ ước viết một cuốn tiểu thuyết về người “cộng sản” xem như hình mẫu tiêu biểu cho sự hoàn thiện của con người. Thành kiến đã khiến tôi phê phán các tôn giáo, nhất là Thiên Chúa, Phật giáo một cách thậm tệ, mà không thấy rằng thực sự có những “ma-thần lực”, một thứ “tôn giáo” khủng khiếp trong tôi đã thúc đẩy tôi làm điều đó. Thật tuyệt vọng và bất hạnh ghê gớm cho những ai mà quá nửa đời, hoặc gần hết cuộc đời mà trong mỗi bước tiến về phía trước, mỗi khi nhìn lại sau lưng, mà những người này thường hay quay đầu nhìn lại, chỉ thấy bóng tối ngập tràn!

Nhưng rất may cho tôi là trong tình cảm và tinh thần mình vẫn le lói ngọn lửa tự do và ý thức phê phán, cho nên khi đọc những tác phẩm thuộc dòng kinh điển-tinh hoa của văn hóa tinh thần nhân loại, nhất là những cuốn sách do Nhà xuất bản Tri thức, do GS. Chu Hảo làm Giám đốc, dịch và ấn hành. Đặc biệt, đọc tác phẩm của I. Kant Phê phán lý tính thuần túy khi ông nói về những nghịch lý của lý tính, nhất là nghịch lý cho rằng lý tính phải chứng minh được một cách khoa học, khách quan những gì tồn tại, nhưng nó đã vấp phải một thực tế là chỉ chứng minh được những gì có hạn, còn hoàn toàn bất lực trước cái vô hạn. Rõ ràng, không thể đem cái có hạn để đo cái vô hạn, rằng tổng số “vô hạn” những cái có hạn thì vẫn là cái có hạn. I. Kant khẳng định cái thế giới hay tồn tại vô hạn ấy chỉ có thể dành cho Niềm tin (hay Đức tin). Những người duy vật mácxit, nói chung là ngu tối, đã bám lấy khẳng định này và “kết tội” ông đã “mở đường” cho tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng kẻ duy vật không thấy rằng chính sự chụp mũ ấy đã cho thấy điểm hạn chế, khuyết điểm rất căn bản, chết người trong học thuyết của họ. Một mặt, họ nói tư duy, chân lý cần phải được chứng minh bằng thực tiễn, mặt khác họ lại nói toàn bộ thế giới, tồn tại chỉ là tự nhiên hay vật chất, nghĩa là cả cái cõi vô cùng vô tận chưa hề, có lẽ chẳng bao giờ chứng minh được kia, cũng là tự nhiên, vật chất. Người duy vật quả thực là những kẻ mộng du trong thế giới, tồn tại và cả trong cuộc đời.

Quả thực, con người chúng ta, thậm chí cả nhân loại, cả trái đất, những gì ta biết được, là quá mỏng manh, nhỏ bé so với cái vô cùng, vô tận của tồn tại. Ta là gì trong thế giới ấy? Ta tồn tại hay không tồn tại? Tồn tại của ta là thực hay chỉ là hư, là ảo mộng? Con người, loài người có ý thức luôn đặt ra những câu hỏi ấy, thực chất là để đi tìm ra, tìm xem cái ý nghĩa thực sự của tồn tại, sự hiện diện của mình trên đời, trong thế giới này là gì. Con người ở trong mỗi lĩnh vực đời sống, trong những phạm vi sống nhất định, có thể tìm thấy ý nghĩa, giá trị nhất định, nhưng rồi lại bất lực, hoang mang khi nghĩ đến những gì lớn hơn, đến quan hệ của mình với người khác, với đồng loại nói chung. Như thế, nghĩa là con người chỉ tìm thấy ý nghĩa thực sự, lớn lao của đời sống của mình khi có Đức tin, tức là niềm tin vào Thiên Chúa, nghĩa là đặt mình vào trong vương quốc của Chúa, của cái vĩnh hằng. Bằng cách đó, ta thấy tự tin, không còn hoang mang trong cuộc đời. Kẻ không có Đức tin, tức là không có niềm tin vào Thiên Chúa, cũng có nghĩa là không tìm ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống của mình như thế, thì hoặc là phó thác đời sống mình cho sự thao túng của số phận, hoặc nhắm mắt làm liều và không quan tâm đến hậu quả, có thể là rất thảm khốc đối với cuộc sống do mình gây ra. Trái lại, người có Đức tin, có niềm tin lớn lao vào Thiên Chúa, mới thật sự trở thành người tự do và hy vọng có thể sáng tạo, hơn thế, sáng tạo lớn lao, không ngừng.

Người ta hay nói những người cộng sản là “vô thần”, nhưng theo tôi, nói như thế hoặc là hiểu không đúng về tôn giáo, về Đức tin, là hiểu không đúng về người cộng sản. Ngày nay người ta ngày càng chứng minh được rất rõ rằng tôn giáo và khoa học không thể tách rời nhau. Lịch sử khoa học và triết học, nhất là những thành quả mới nhất của khoa sinh học, cụ thể là việc giãi mã bộ “gen” người, đã chứng minh như thế. Thế thì sao lại nói tôn giáo có nội dung và tính chất thần bí, theo tôn giáo có nghĩa là tin vào sự thần bí? Còn đối với người cộng sản-macxit, vì đơn giản là đã phủ nhận mọi tôn giáo được xem là cái đối lập hoàn toàn với khoa học và tin vào chủ nghĩa duy vật, cho nên ngay cả những bộ óc cộng sản lớn nhất cũng chẳng kẻ nào hiểu được, hiểu đúng bản chất tôn giáo, vì nó liên quan, thuộc về sự nhận thức, ý thức về cái vô cùng vô tận. Họ nói đơn giản rằng tôn giáo chỉ là cái “ý thức về thế gian mang hình thức siêu thế gian”, nghĩa là tôn giáo đã đưa thần linh vào nội dung của nó một cách hoàn toàn chủ quan. Như thế, “nhìn tổng thể” trong đầu người cộng sản, nhất là cộng sản đã “thoái hóa”, “biến chất” như hiện nay, chỉ là một mớ táp nham, hỗn tạp những tri thức, mà thần chẳng ra thần, vật chẳng ra vật. Họ có thể gục đầu vào những biểu tượng nhà Phật ở Ấn Độ, cúi đầu trước những bức tượng Phật, tượng Thánh và thậm chí “khấn vái nhỏ to”, nhưng đầu lại nghĩ đến thứ “phật”, “thần linh” khác là quyền chức, là tiền bạc, là được ghi danh “sử xanh” hay những lạc thú khác. Kẻ không có Đức tin, hoặc chỉ có những niềm tin tạp nham, hoặc dối trá, thường là kẻ, những kẻ ba trợn, ngạo mạn, ngông cuồng, muốn làm gì thì làm bất chấp lẽ phải sự thật, bất chấp tất cả. Thực ra, đó mới chính là những kẻ hữu thần-hoang tưởng thực sự, những kẻ này mà có chức quyền lớn thì thực tai họa cho dân, cho nước.

Vậy là một năm nữa lại trôi qua. Hẳn rằng vào lúc này hoặc sớm hơn, nhiều người đã, đang nghĩ nhiều, rất lung về những gì đã qua đi và những gì sẽ nảy sinh, có được vào Năm mới 2019 này cả về những việc làm của chúng ta, những người đang đấu tranh cho một nước Việt Nam mới, Tự do-Dân chủ, cả về những việc làm của chế độ đảng độc tài đang cầm quyền. Tôi cũng đã đọc, đã nghe được những suy nghĩ này trên Dân làm báo hoặc trong các trang mạng, hoặc những livestream khác nhau. Vậy, tôi chỉ xin nêu một nhận xét của mình như thế này. Trong năm qua, cả những năm đã qua, điều quan trọng nhất là nhiều người dân Việt Nam chúng ta, trước hết là giới trí thức (trí thức nhân dân), đã nhận ra rõ ràng, sâu sắc hơn cái sai lầm của dân tộc ta (chủ yếu thông qua Hồ Chí Minh), là đã đưa học thuyết Marx – Lenin vào Việt Nam, sau đó là “tư tưởng” Mao Trạch Đông. Theo đó, người thì cho rằng chúng ta sai bắt đầu từ Đại hội Đảng LĐVN lần thứ III, người thì cho rằng chúng ta sai từ ĐH “Tua” ở Pháp, tức là vào những năm đầu thế kỷ XX (như nhà văn Nguyên Ngọc và bà nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình). Sau đó, là việc lấy “tư tưởng”, “gương đạo đức” Hồ Chí Minh làm “kim chỉ nam” cho đất nước, dân tộc, nhất là cho giáo dục. Thậm chí, đến giờ người có hai chức vụ cao nhất là TBT và CTN Nguyễn Phú Trọng vẫn “kiên định” con đường XHCN. Quả thực, thấy được cái sai như thế là rất quý giá, bởi vì đặc trưng của con người so với con vật, là hoạt động có ý thức, tư tưởng. Chính vì, một chế độ do một đảng duy nhất cầm quyền, khi đã sai, rất sai về tư tưởng thì thảm họa của một đất nước, dân tộc thực ra là không kể xiết. 

Nhưng dường như chúng ta mới chỉ thấy được cái khách quan, chưa thấy được thực sự đến nơi đến chốn cái chủ quan. Phải có cả hai cái đó mới đưa đến những thảm họa của đất nước hôm nay. Hơn lúc nào hết chúng ta cần phải đặt câu hỏi “Tại sao chúng ta lại lựa chọn, một sự lựa chọn dường như không thể tránh được, những học thuyết, tư tưởng trên kia và thậm chí đến giờ, vẫn cứ khư khư (“kiên định”) như thế?” Rõ ràng ở đây có vấn đề thuộc văn hóa của chúng ta. Tôi đã nói khá rõ điều này trong bài viết “Vì một nền độc lập thực sự của Việt Nam” gồm hai phần đăng trên Dân làm báo vào các ngày 12 và 17 tháng 11 năm 2018. Bây giờ chỉ xin nói lại một cách vắn tắt. Một người Pháp (không rõ là học giả hay quan chức Pháp) xưa kia đã từng nói “trong đầu mỗi người dân An Nam đều có một ông quan”. Theo tôi, cái nhận xét này rất đúng về một biểu hiện rõ, tập trung nhất bản chất của khuyết phạp trong văn hóa Việt Nam, liên quan chặt chẽ với văn hóa Trung Quốc.

Dựa trên chế độ sở hữu công, mà thực chất nhà vua là kẻ sở hữu tối cao, không có sở hữu tư nhân, về tư liệu sản xuất, chế độ quân chủ đã hình thành. Sự tồn tại dai dẳng của nó theo nguyên lý thống nhất, đã tạo nên một tâm lý vững chắc phổ quát là “hướng thượng” ở mọi người dân. Mọi nỗ lực rốt cuộc đều là để được làm quan (một người làm quan cả họ được nhờ), hoặc cầu mong được ân huệ từ bề trên ban xuống, kể cả về mặt thể xác và tinh thần. Đồng thời, không có sở hữu tư nhân, hơn thế chế độ sở hữu tư nhân, thì có nghĩa là con người cá nhân chưa hình thành, vì vậy mối quan tâm cơ bản của nó là những gì gắn với tồn tại thân xác của nó, còn tinh thần, tư tưởng là cái xa lạ với nó. Con người cá nhân là phải có tư tưởng, tinh thần riêng biệt, độc lập. Cho nên, không thể sáng tạo ra tư tưởng, lý thuyết thì phải “ra đi tìm con đường cứu nước”, chỉ có đi vay mượn, thậm chí chôm chỉa tư tưởng của người khác. Theo tôi, đó chính là cái, những điểm khuyết nhược căn bản trong văn hóa của chúng ta gắn với việc giờ đây chúng ta bắt đầu hiểu được ngày càng sâu sắc tầm quan trọng của tinh thần, tư tưởng. Chính cái khuyết nhược này đang hiện diện trong chúng ta, ở chỗ một kẻ già nua, nói năng, phát ngôn nhiều lúc rất tùy tiện, thế mà vẫn có hàng trăm người dỏng tai ngồi nghe, ở chỗ cả một nền giáo dục lạc hậu, nhồi nhét, bắt người học phải “học” tất thảy những thứ lạc hậu, rác tai, vô bổ v.v..., ở chỗ, không kẻ xiết được. 

Vậy, nhân dịp Giáng sinh đã đến, Năm mới cận kề, tôi xin được chia sẻ niềm hy vọng rằng người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ sẽ xây dựng Đức tin, niềm tin lớn lao vào Thiên Chúa. Có thể bạn không nhất thiết phải gia nhập, hay theo một tôn giáo nào, có thể cũng chẳng cần phải đến nhà thờ hoặc đi chùa. Chúng ta cần biết rằng mình không chỉ tồn tại trong những không – thời gian có hạn, mà còn trong tồn tại bao la, không cùng và vì thế, phải vươn lên, vượt qua cuộc sống với cái tôi chật hẹp để đến, đạt đến cái lớn lao vô tận, và như thế ta sẽ có Đức tin, có Đức tin thì cuộc sống mới có ý nghĩa thực sự, mới thấy cuộc sống đáng sống và ta càng có trách nhiệm hơn đối với bản thân, người khác và cộng đồng. Xây dựng Đức tin cũng có nghĩa là chuẩn bị một hành tranh mới, rất quan trọng cho hành trình của Năm mới này, một hành trình mà người Việt Nam chỉ có thể vượt qua những khó khắn để tiến đến nền Tự do-Dân chủ khi dũng cảm nhận ra cái khuyết nhược căn bản trong văn hóa của mình để thay đổi, xóa bỏ nó. Tôi nghĩ Thiên Chúa đã tiên liệu rằng thời gian của sự thật đã đủ, đã chin để cho chúng ta không chỉ nhận ra mà còn có thể thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng của mình – cuộc cách mạng văn hóa. 

Nhân dịp này cũng xin cho phép tôi được gửi lời chúc tốt đẹp nhất: sức khỏe, hạnh phúc, thành công và cả may mắn đến các anh chị trong Dân làm báo, nhất là BBT, nếu có thể đến tất cả mọi người đang làm công tác truyền thông, đang hết lòng cho một Tổ Quốc Việt Nam mới yêu dấu của chúng ta. Tôi cũng xin được nói thêm rằng Năm mới này công tác báo chí và truyền thông nói chung, theo tôi hiểu, càng có trọng trách lớn lao gấp nhiều lần, bởi vì trước hết nó liên quan đến “luật ANM” sẽ ban hành ở Việt Nam ngay trong đầu năm nay. Chúng ta có thể sẽ gặp khó khăn nhất định, nhưng tục ngữ có câu “vỏ quýt dầy có móng tay nhọn”. Chúng ta đã có nhiều thành công trong việc “khai dân trí”, chúng ta tin rằng chỉ có truyền thông, đặc biệt truyền thông với những phương tiện hiện đại và rất đa dạng về hình thức, không ngừng sáng tạo, mới có thể đưa sự nghiệp của chúng ta ngày một đến gần thắng lợi hơn. Xin gửi lời chào trân trọng! 

Ngày 23 tháng 12 năm 2018
Phạm Văn
Nguồn: danlambaovn.blogspot.com

No comments:

Post a Comment