11 December 2018

Tin ngắn:

Tổng thống Đức nhắc nhở giới trẻ TQ về tai họa của chủ nghĩa Marx

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu với các sinh viên Trung Quốc hôm 7/12 rằng có những “tai họa” đã xảy ra ở Đức và Đông Âu nhân danh Karl Marx, nhưng ông Marx cũng đã đấu tranh cho một số điều trong đó có tự do báo chí.

Phát biểu với các sinh viên tại Đại học Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc, ông Steinmeier ghi nhận việc Trung Quốc đã tặng một bức tượng lớn của người sáng lập chủ nghĩa cộng sản cho quê hương ở Đức của ông là Trier.

"Trong năm kỷ niệm này, tôi thấy dường như người Đức và người Trung Quốc có lẽ có những quan điểm rất khác nhau không chỉ về các vấn đề thời sự, mà cả về những tư tưởng lịch sử và hàn lâm", ông Steinmeier nói, theo bản sao bài phát biểu do đại sứ quán Đức ở Bắc Kinh cung cấp.

Chắc chắn ông Marx là một nhà trí thức vĩ đại, một triết gia, kinh tế gia, sử gia và nhà xã hội học có ảnh hưởng của Đức, song cũng là“một nhà giáo và lãnh tụ công nhân không thành công lắm”, Tổng thống Đức nói.

“Tuy nhiên, cũng có một điều chắc chắn là ông Marx là một người hết sức ủng hộ nhân văn. Ông đòi phải có tự do báo chí, điều kiện làm việc nhân đạo, giáo dục phổ thông, quyền chính trị cho phụ nữ và bảo vệ môi trường”, ông Steinmeier phát biểu.

"Chúng tôi, những người Đức, không thể nói về ông Marx mà không nghĩ đến những tai họa xảy ra nhân danh ông ở Đông Đức và Đông Âu trong thời kỳ khốn khổ sau Bức màn Sắt".

Trong thời gian đó, chủ nghĩa Marx là tất cả mọi thứ và các cá nhân bị coi là con số 0, các gia đình bị xé lẻ, hàng xóm hại lẫn nhau, và “con người bị giam giữ sau các bức tường còn những người cố gắng bỏ trốn đều bị sát hại”, ông nói.

Tuy nhiên Ông Steinmeier không đưa ra những lời chỉ trích cụ thể nhằm vào Trung Quốc.

Lịch sử của Đức, ông nói, trong nhiều năm được đánh dấu bởi "chế độ độc tài và đàn áp".

Steinmeier nói: “Điều này khiến chúng tôi đặc biệt nhạy cảm và nhận thức được những gì xảy ra với những người không có chung ý kiến với số đông, những người thuộc sắc dân thiểu số, muốn thực hành tôn giáo của họ, hoặc vận động ôn hòa về các tư tưởng và đức tin của họ”.

**

Brexit : Nhiều người dân Anh muốn tổ chức trưng cầu dân ý lần 2

Cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit sẽ diễn ra vào ngày 11/12 như dự kiến tại Nghị Viện Anh. Bộ trưởng đặc trách Brexit, Kwasi Kwarteng, ngày 09/12/2018 khẳng định như trên. Trong khi đó, những người đấu tranh chống Brexit, cũng gia tăng các cuộc vận động cho một cuộc trưng cầu dân ý lần 2.

Tuyên bố trên của bộ trưởng Anh được đưa ra trong bối cảnh tờ Sunday Times, trích dẫn nhiều nguồn từ các bộ trưởng và các cố vấn cho rằng thủ tướng Anh Theresa May có thể dời cuộc bỏ phiếu và trở lại Bruxelles thương lượng nhằm đạt được một thỏa thuận tốt nhất.

Trong khi hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc bỏ phiếu ngày thứ Ba, những người ủng hộ một sự chia ta « cứng rắn » và những người muốn có một trưng cầu dân ý thứ hai đang ra sức vận động trên khắp nước Anh.

Trên cấp độ quốc gia, bản kiến nghị cho cuộc trưng cầu dân ý lần 2 đã thu thập được hơn một triệu chữ ký.

**

Cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn xa mới có «hòa bình»

Ngày 01/12/2018, tại Buenos Aires, tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Hoa cho biết tạm ngưng leo thang xung đột thương mại Mỹ - Hoa. Tuy nhiên, theo cây bút xã luận của Le Monde (07/12/2018), nhà báo Alain Frachon, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh còn xa mới có « hòa bình ». Và vụ bắt giữ nhân vật số hai của Hoa Vi, tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc tại Canada là một bằng chứng cụ thể.

Đầu tiên hết tác giả nhận xét : Mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế sẽ kiến tạo nên thời đại. Mối quan hệ này trở nên căng thẳng chưa từng thấy, cho dù là cuộc đối đầu đã được kiểm soát và hiện tại đang ôn hòa. 

Tại Argentina, Donald Trump và Tập Cận Bình cùng quyết định tạm ngưng cuộc chiến, đưa ra thời hạn 90 ngày để định ra một khung mới cho mối quan hệ kinh tế đôi bên.

Thế nhưng, theo tác giả, cuộc chiến này không chỉ đơn giản mang tính chất tài chính, bảo hộ mậu dịch mà thực chất còn là một cuộc đối đầu về cơ cấu. Để giải thích cho nhận định này, Alain Frachon trích dẫn phân tích của nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng danh sách dài các hạng mục Washington yêu cầu Bắc Kinh thay đổi thái độ tác động đến « chính bản chất của hệ thống kinh tế Trung Hoa ».

Theo đó, Trung Hoa phải từ bỏ việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ, bảo đảm tôn trọng tác quyền trí tuệ, cam kết chấm dứt gián điệp mạng, từ bỏ hoàn toàn chính sách bảo hộ kinh tế, chấm dứt chính sách tài trợ công khai hay trá hình nhằm hình thành các tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực công nghệ tương lai, bằng không Hoa Kỳ sẽ lại mở cuộc chiến kinh tế vô giới hạn chống lại Trung Quốc. 

(Theo Rfi)

No comments:

Post a Comment