27 August 2018

Trần Độ, Người của sự thật

Vũ Thư Hiên

Tôi ra tù cuối năm 1976. Bận bịu với đủ thứ việc để kiếm sống, hai năm sau tôi mới có dịp gặp lại Trần Độ. Ra khỏi cuộc chiến, với tư cách phó chính uỷ kiêm phó bí thư quân uỷ Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, nghe nói anh rất bận, nào tham gia viết quân sử, nào tổng kết kinh nghiệm chiến tranh…, tôi không có ý tìm anh.

Nhưng rồi anh tìm tôi. Trong bữa rượu hàn huyên đạm bạc chỉ có ba người, ngoài hai chúng tôi còn có một chị cán bộ trẻ, phụ tá của anh.

Trần Độ có biết tôi vừa ở tù ra. Anh nhìn tôi thương hại:

– Chắc chú có làm gì sai thì Đảng mới bắt chú chứ.

Tôi sững người. Vậy ra anh chẳng biết gì về cái gọi là vụ án “nhóm xét lại chống đảng” mà tôi bị đính vào. Tôi dùng chữ “dính vào” như cách người ta nói về một cái khuy áo, một vật chẳng mấy quan trọng cho cái áo, nhất là nó lại là cái khuy cuối cùng. Cái gọi là nhóm này không phải một đảng, , chẳng phải một tổ chức, thậm chí một nhóm thôi cũng chẳng phải nốt. Nhà cầm quyền bịa ra nó, cho một toan tính nào đấy, đặt cho nó cái tên chính thức rất kêu là “Nhóm tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”.

Kỳ thật, một vụ án ầm ĩ như thế, nhiều cán bộ cao cấp bị khai trừ, bị bắt, bị bỏ tù, trong Đảng có báo cáo, rất nhiều người biết, mà Trần Độ lại không biết. Mà không phải mình anh không biết. Hơn chục năm sau (1988), khi tờ “Truyền thống Kháng chiến” của “Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ” ra đời ở Sài Gòn, tướng Trần Văn Trà kêu tôi tới nhà anh ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (tên mới của đường Pasteur) để bàn chuyện tờ báo muốn tôi tham gia, tôi mới hiểu là cả tướng Trà cũng chẳng biết gì về vụ này. “Hồi đó tôi đang lo đường vận chuyển vũ khí trên biển – Trần Văn Trà nói – Có, tôi có nhận được một thông tin từ Ban tổ chức Trung ương. Thông tin sơ sài, thậm chí tôi không đọc kỹ. Chúng tôi đang bận tối tăm mặt mũi với đủ mọi khó khăn, chẳng ai để ý”.

Khiếp thật. Thì ra ngay ở trong Đảng người ta cũng chia ra nhiều cấp, nhiều đối tượng trong việc nhận hoặc không cần được nhận thông tin. Tôi dùng chữ Đảng viết hoa ở đây để chỉ cái đảng độc tôn, cho tiện, chứ không phải với ý khác.

Tôi cười buồn, nói với Trần Độ:

– Em có nói gì bây giờ anh cũng sẽ nghĩ là em thanh minh. Tốt hơn hết là ta cạn với nhau chén rượu này, kèm một giao ước: “Anh sẽ xem xét sự việc bằng con mắt của mình, suy xét bằng cái đầu của mình, để rồi có kết luận”. Em chờ câu trả lời của anh trong bữa rượu sau. Anh hứa nhá?
Anh gật đầu, cạn chén.

Trần Độ hơn tôi đúng 10 tuổi. Tôi coi mình là đứa em của anh, không dám lắm lời.

Rồi gần một năm sau mới có bữa rượu thứ hai.

– Em lắng nghe câu trả lời của anh đây – tôi nói.

Anh lắc đầu, thở dài:

– Một lũ chó má! Không thể ngờ.

Và văng một câu chửi tục, lần đầu tiên tôi nghe thấy từ miệng anh.

Trần Độ sau đó nhận nhiều chức vụ mới: làm Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ của Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, rồi Phó Chủ tịch Quốc Hội. Đã tưởng anh sẽ còn được giao phó nhiều chức trách quan trọng hơn nữa, nhưng rồi tôi được nghe những tiếng xì xào về chuyện anh đi chệch đường lối, anh có những việc làm không phải (xúi giục tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ, tháo gỡ việc ngăn sông cấm chợ, toa rập với Nguyên Ngọc đưa ra bản “Đề dẫn” về văn nghệ sặc mùi chống Đảng vv…).

Văn Cao là người rất chăm chú theo dõi thời cuộc, nói với tôi: “Trần Độ thẳng quá, hỏng! Cao Biền dậy non, phí”!

Tôi đồng ý với Văn Cao.

Trần Độ được phong trung tướng cùng lúc với Lê Đức Anh, nhân vật sau này làm mưa làm gió trong chính trựờng. Nếu biết xuôi dòng anh rất có thể sẽ lên cao nữa trong hệ thống quyền lực.

Không ai có thể can ngăn Trần Độ. Anh không phải là nhà chính trị biết lui tới, biết náu mình chờ thời. Anh hành xử thẳng thắn, một mực đấu tranh cho chân lý. Những phát biểu của anh lúc này lúc khác, chỗ này chỗ nọ, làm chối tai những người cầm quyền.

Mà có phải anh chỉ phê bình sơ sơ chế độ toàn trị đâu. Từ chỗ nhỏ nhẹ, anh dần dần nói trắng ra ý muốn thay thế nó bằng chế độ dân chủ, tam quyền phân lập… Người ta theo dõi anh từng bước, nên những lời nói của anh, dù trong chỗ thân tình, đều được thu thập, báo cáo lên “trên”.

Những bài viết của anh, không được đăng báo, nhưng được chuyền tay rộng rãi. Chúng làm cho nhà cầm quyền điên ruột. Anh nhanh chóng trở thành “tên phản động”. Thời thế đã khác – người ta không thể bỏ tù anh tức khắc. Người ta chỉ có thể dùng đủ mọi cách hạ uy tín của anh.

Còn nhớ năm 1997 tôi ở thành phố Strassbourg, chung nhà với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Một hôm, Trần Độ gửi cho tôi bài viết mới của anh, bảo tôi xem lại trước khi công bố. Tôi đưa anh Thiện cùng đọc. Thiện đọc, nói anh không thể hài lòng một số câu chữ trong đó. Khi nói chuyện điện thoại với Trần Độ, tôi đưa ống nói cho Thiện, bảo nhà thơ cứ nói thẳng ý kiến của mình. Thiện bỗ bã: “Không hiểu sao anh vẫn còn có thể dùng những từ “giải phóng”, “Mỹ-nguỵ” trong bài viết, người đọc ở hải ngoại sẽ khó chịu lắm đấy, không hay chút nào”. Anh Độ cười hề hề: “Chết chửa, mình lỡ viết theo thói quen, cậu nhận xét đúng, sửa lại hộ mình nhá”.

Chuyện Trần Độ bị khai trừ Đảng năm 1999 thì ai cũng đã biết. Đảng cộng sản vốn không thích vạch áo cho người xem lưng cũng đã kiên nhẫn với Trần Độ lắm rồi, nhịn Trần Độ nhiều lắm rồi. Lẽ ra người ta phải khai trừ anh từ lâu.

Một lần khác, năm 2001, trong một cuộc trò chuyện điện thoại với Trần Độ khi tôi đang ở Frankfurt am Main (CHLB Đức), có mặt một chú em rất hâm mộ bác Độ. Chú này đòi được nói với bác Độ của chú vài câu: “Bác ơi, cái đảng của bác kỳ quá, ai lại chống tham nhũng mà lại chống từ cấp cơ sở? Quét nhà thì người ta phải quét từ tầng trên xuống tầng dưới chứ! Ai lại ngược đời quét từ dưới lên trên?”. Anh Độ cười lớn: ”Hay, chú nói rất hay. Chú chỉ nói sai một chút thôi: cái đảng ấy không phải của tôi. Nó là của lũ vừa ngu vừa rồ. Này, chú tên gì nhỉ?”, “Dạ, cháu tên Cóc, Nguyễn Văn Cóc. Dễ nhớ lắm, bác ạ. Ở Đức này chỉ có mình cháu có cái tên xấu xí ấy thôi”. Anh Độ lại cười to: “Xấu gì mà xấu, cậu ông Giời phán đúng lắm, cái đảng ấy toàn làm lộn ngược thôi!”.

Anh nói anh bị đảng của anh khai trừ là may. Như thế, anh được rũ khỏi trách nhiệm, anh tránh được “vũng bùn mà cái đảng ấy đang đằm mình một cách sáng tạo”.

Khai trừ anh đảng cộng sản thêm một lần phô trương cái hẹp hòi của mình, không chịu nghe bất kỳ lời nói ngược nào. Hành hạ anh cho tới khi chết, cấm người đi đưa tang không được dùng chữ “Vô cùng thương tiếc”, đảng cộng sản lại càng cho thiên hạ thấy nó tiểu nhân tới mức nào trong sự hằn thù.

Đảng của anh khai trừ anh. Bù lại anh được nhân dân đón vào lòng. Anh bị nhà cầm quyền căm ghét. Bù lại anh được tình yêu thương của đồng bào. Anh được rất nhiều, mà không mất gì, nói cách khác, cái người ta quen cho là mất chẳng đáng cái quái gì với anh.

Khi lâm bệnh, anh không dùng thuốc của nhà nước cấp – anh không tin thứ thuốc từ những người không tử tế. Anh chỉ dùng thuốc đồng bào gửi cho anh. Có hai người rất sốt sắng lo cho anh có thuốc dùng là Tưởng Năng Tiến và Đinh Quang Anh Thái. Khi anh qua đời những bọc thuốc cuối cùng vẫn còn ở trên đường đến địa chỉ của anh. Trần Độ không bao giờ quên nhắn tôi gửi lời cảm ơn hai người bạn thiết anh không biết mặt.

Được tin anh mất, tôi không khóc nổi. Nước mắt chảy ngược vào tim. Tôi cảm được rằng mất mát này lớn hơn rất nhiều mất mát cho riêng tôi, đứa em yêu mến và kính trọng anh. Mất mát này là của cả dân tộc đang nhọc nhằn, vất vả đi tìm quyền sống, quyền làm người.

Trong bức thư cuối cùng Trần Độ gửi cho tôi trước khi mất, anh dặn:
“Giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển đổi chế độ có thể kéo dài. Việc hàng ngày của ta, không được quên, là nâng cao dân trí. Dân trí được nâng cao bao nhiêu thì sự chuyển đổi sẽ thuận lợi bấy nhiêu. Thời cơ đến, việc mới thành. Chuẩn bị tốt thì thành tốt”.

Thời cơ mà ta chờ đợi sẽ đến, bao giờ cũng bất ngờ, nhưng là quy luật. Như nó đã từng xảy ra cùng với sự kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa lại nền độc lập cho các nước thuộc địa. Như nó đã đến với sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Nó sẽ đến, như Trần Độ mong ước.

Ở thế giới bên kia anh sẽ được mỉm cười sung sướng.

Vũ Thư Hiên

1 comment:

  1. 1 ~ Đã Lương Thiện mà theo Cộng Sản = Không Thông Thái
    2 ~ Đã Thông Thái mà theo Cộng Sản = Không Lương Thiện
    3 ~ Đã Thông Thái mà Lưong Thiện = Không thể là Cộng Sản.

    Lê Bá Hùng
    Windsor, Ontario, Canada
    https://lehung14.wordpress.com/
    https://lehung14.wordpress.com/about/
    https://vietenglishtranslation.wordpress.com/

    ReplyDelete

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...