13 August 2018

Hoa lục chi 10 tỉ đô-la một năm để kềm kẹp Tân Cương

Mười tỉ đô la một năm để giữ an ninh, 100.000 đồn công an, nửa triệu người Duy Ngô Nhĩ phải đi học tập cải tạo, công nghệ nhận diện khuôn mặt... Tân Cương hiện là trại tập trung lớn nhất thế giới, như trong tác phẩm "1984" của George Orwell.
Công an Trung Quốc đánh đập phụ nữ Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương,
háng 7/2009. Ảnh Guang Niu/Getty Images
La Croix hôm nay 10/08/2018 mô tả « Tân Cương dưới sự giám sát của Big Brother Trung Quốc ». Vùng đất Hồi giáo ở miền tây bắc đang phải chịu đựng một « bộ máy an ninh tổng lực » duy nhất trên thế giới, khoảng mấy chục ngàn người Duy Ngô Nhĩ đã bị tống vào các trại cải tạo.
100.000 đồn công an và công nghệ cao để theo dõi người dân

Đối với 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cuộc sống ngày càng giống với thế giới được nhà văn George Orwell hình dung ra trong tác phẩm nổi tiếng « 1984 ». Từ hai năm qua, Tân Cương bị đàn áp không thương tiếc. Theo ông Marc Julienne, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), thì đây là « bộ máy an ninh tổng lực chưa từng có trên thế giới và trong lịch sử » ; với các phương tiện tài chính, nhân lực và công nghệ khổng lồ.

Từ sau các vụ nổi dậy năm 2009 làm hàng trăm người chết, chính quyền trung ương Trung Quốc đã đẩy nhanh chương trình an ninh đại quy mô tại Tân Cương. Ngân sách dành cho an ninh được tăng gấp mười, và theo thống kê, đã đạt đến 10 tỉ đô la vào năm ngoái. Con số này trùng hợp với thời điểm ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) được điều về làm bí thư đảng ủy Khu tự trị Tân Cương. Từ quân đội chuyển sang chính trị, Trần Toàn Quốc đã có 5 năm kinh nghiệm đàn áp Tây Tạng, và dưới mắt Bắc Kinh, đây là quan chức lý tưởng để « ổn định » vùng đất bị cho là chủ trương ly khai.

Trên 100.000 đồn công an mới được thiết lập tại các thành phố lớn, ở ngoại ô và nông thôn. Ngoài việc giám sát trực tiếp bằng con người, công nghệ cao còn được vận dụng : camera ở các nơi công cộng, thiết bị bay không người điều khiển (drone), internet, điện thoại di động…Các bảng số xe đều được ghi vào ống kính, dữ liệu smartphone bị thu thập, tin nhắn bị đọc lén, khuôn mặt bị nhận diện bằng công nghệ…Đối với Trung Quốc, Tân Cương là một phòng thí nghiệm khổng lồ về giám sát điện tử, để áp dụng vào các miền khác của đất nước, thậm chí xuất khẩu.

Công an Trung Quốc tuần tra tại Tân Cương.
Ảnh tư liệu chụp ngày 26/06/2017.
Nửa triệu người Duy Ngô Nhĩ bị tống vào trại cải tạo

Sự giám sát chặt chẽ này giúp bóp nghẹt mọi ý định phản kháng, nhưng không chỉ dừng ở đó, từ cuối năm 2017, Bắc Kinh mở ra khoảng mấy chục trung tâm cải tạo. Chuyên gia Marc Julienne cho biết : « Chắc chắn là hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ đã bị tống vào trại cải tạo để nhồi sọ về chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Tập Cận Bình, cũng như chống lại cực đoan tôn giáo ».

Người ta đếm được khoảng 70 trại cải tạo ở Tân Cương, chưa kể những trại khác đang được xây dựng. Một báo cáo của Quốc hội Mỹ nêu ra con số 500.000 người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm, đánh giá Tân Cương là « trung tâm giam giữ hàng loạt người thiểu số lớn nhất thế giới hiện nay ».

Một số phải đi cải tạo nhiều tuần lễ, số khác trải qua nhiều tháng trong những điều kiện vô nhân đạo, ăn uống chỉ đủ cầm hơi. Không hề thông qua xét xử, các cán bộ đảng, công an và quân đội có toàn quyền trấn áp, đe dọa trả thù gia đình nếu tù nhân không chấp hành. Tương tự đối với các sinh viên hay doanh nhân Duy Ngô Nhĩ từng sống ở nước ngoài. Họ phải « thú nhận » tất cả, sau khi « cải tạo tốt » thì đảng sẽ khoan hồng.

Cũng giống như đối với « bọn phản cách mạng, xét lại » trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1966-1976), những ai bị cáo buộc « khủng bố, cực đoan tôn giáo, ly khai », sẽ bị cho vào địa ngục này để tẩy não. Ông Marc Julienne nhận xét : « Việc Bắc Kinh im lặng về thực tế này cho thấy tính chất bất hợp hiến và bất hợp pháp so với luật quốc tế của hệ thống trại cải tạo Trung Quốc ».

Thụy Mi

No comments:

Post a Comment