14 July 2017

Vĩnh Biệt Lê Xuân Lộc

Tôi và Lộc quen nhau tương đối khá muộn khi hai đứa bắt đầu nhập học, vào cuối năm 1972, khóa Cao Học 8, ngành Ngoại Giao, tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (nửa chừng đổi thành Trường QGHC). Hai đứa vừa gặp nhau đã thân nhau ngay, vì cả hai đều là "tay ngang", thuộc loại "lè phè" va` không có một chút căn bản nào về chính trị cũng như hành chánh: Lộc tốt nghiệp Cử nhân Pháp văn còn tôi Cử nhân Triết, hai môn học chẳng ăn nhập gì với hành chánh cả! Trái lại, trong khóa có nhiều cây cổ thụ trong làng hành chánh, đã tốt nghiệp Đốc Sự và đã đi làm tương đối khá nhiều năm. Do đó, hai tay mơ chúng tôi cảm thấy mình thuộc thành phần nhược tiểu và càng cảm thấy thân nhau hơn. Vì tướng tá Lộc xem ra trẻ và nhỏ nhất khóa, nên chúng tôi đặt cho Lộc biệt danh là Billy Lộc, bắt chước chữ Billy the Kid của Mỹ.

Hai đứa học ít chơi nhiều, nhưng hú hồn hú vía, chúng tôi cũng ra trường như mọi người, và được bổ về phục vụ tại Bộ Ngoại Giao sau khi mãn khóa. Mặc dù ở khác Nha, nhưng vì cơ sở Bộ Ngoại Giao tương đối bé, nên chúng tôi gặp nhau mỗi ngày và thỉnh thoảng ban đêm còn phải cùng nhau đi gác Nhân Dân Tự Vệ ở Bộ nữa. Tương lai tưởng chừng như sáng sủa, thì bỗng dưng xảy ra biến cố Tháng Tư 1975.

Vài ngày trước khi mất nước (tôi không nhớ là 26 hay 27 tháng 4), Lộc bảo tôi đưa vợ con từ Cư xá Thanh Đa đến tạm trú tại nhà Lộc ở gần trung tâm Saigon, vì lúc đó Việt Cộng đã tiến đến gần và Lộc sợ rằng Thanh Đa sẽ bị mất bất kỳ lúc nào. Và cũng nhờ vậy mà chúng tôi có may mắn được thoát khỏi VN gần như vào phút cuối. Số là chiều 29 tháng 4, tôi và Lộc đứng trước nhà Lộc ở đường Hồng Thập Tự, lòng hoang mang không biết tính sao. Tình cờ người anh Hải quân của nhà tôi đang trên đường vào trại Cửu Long, chạy ngang nhà Lộc và thấy chúng tôi. Anh dừng xe lại, cho chúng tôi hai phút để góp nhóp hành trang, đoạn chở Lộc và gia đình tôi vào trong trại, để rồi đêm đó tất cả theo tàu HQ đi đến Subic Bay trước khi chuyển qua tàu buôn Mỹ để tới Guam. Nếu Lộc không có lòng tốt cho vợ chồng con cái của chúng tôi tạm trú lánh nạn thì đã không gặp được người anh lúc đó và chắc chắn chúng tôi khó mà ra khỏi VN lúc bấy giờ. Muôn đời nhớ ơn Lộc.

Từ Guam, Lộc ghi danh đi Pháp và chúng tôi đi Mỹ. Tuy chúng tôi ít liên lạc thường xuyên, nhưng vẫn biết tin tức của nhau. Tại Paris, Lộc lập gia đình với Diệu, một cựu sinh viên Viện Đại Học Dalat. Sau một thời gian ở Paris (tôi không nhớ là bao lâu, nhưng chắc chắn là một thời gian khá dài), Lộc quyết định đưa cả gia đình đi định cư ở Úc (Melbourne). Trên đường đi, gia đình Lộc có ghé ở lại nhà tôi ở Cali. Vào tháng 2 năm 2002 một điều chẳng may đã xảy ra: người vợ hiền của Lộc đã qua đời, bỏ lại Lộc và hai đứa con, một trai một gái.Từ đó, Lộc âm thầm ở vậy một mình nuôi con và cũng ít giao thiệp với ai. Tôi chỉ gián tiếp biết tin về Lộc qua những người quen chứ không liên lạc trực tiếp với Lộc trong giai đoạn này, mặc dù thỉnh thoảng cũng nhận được các bài Lộc viết qua Internet. Cho đến tháng 11 năm ngoái (2016) thì vợ chồng chúng tôi, qua một số bạn bè ở Melbourne, bắt liên lạc được với Yến Tuyết, em gái Lộc, và cuối cùng được gặp lại Lộc tại nhà Yến Tuyết. Lộc cũng vẫn như xưa: điềm đạm, khoan thai và ăn nói nhẹ nhàng. Có ngờ đâu đó là lần cuối được gặp Lộc.

**

Tính Lộc trầm lặng, ít nói, sống về nội tâm, không thích giao thiệp nhiều (ngoài nhóm Triết Lý An Vi của Lộc). Mặc dù thế, khi gặp người ngoài, Lộc rất lịch sự và làm người đối diện cảm thấy thật thoải mái qua cái tâm chân thật và hiền lành của Lộc. Người nào gặp Lộc cũng mến Lộc dù Lộc không phát biểu gì nhiều, chỉ cười cười và thỉnh thoảng mới nói một câu. Lộc có căn bản rất vững chắc và kiến thức rất rộng về Triết học (cả Đông lẫn Tây), và có thể nói là một chuyên gia về Triết Lý An Vi của Linh mục Kim Định. Lộc dồn hết khả năng trí tuệ của mình cho Triết học và đã viết nhiều bài khảo cứu rất có giá trị dưới bút hiệu Lê Việt Thường, phần lớn được lưu trữ tại trang nhà: http://minhtrietviet.net/le-viet- thuong/. Lộc sống hoàn toàn như một triết gia, dồn hết sức lực và tâm hồn mình vào chuyện nghiên cứu Triết học và ít để ý đến chuyện gì khác. Do đó, những ai quen biết Lộc sau này đều thân mật gọi Lộc là "Triết gia" LXL.

Trước sự ra đi của Lộc, một trong những người bạn đích thực và đáng quý mà Trời đã ban cho tôi, xin được nhắc lại trên kia một ít kỷ niệm nho nhỏ để thay lời tiễn đưa Lộc về bến bờ vĩnh cửu, nơi Lộc sẽ gặp lại người vợ hiền đã ra đi 15 năm trước và hy vọng rằng Lộc sẽ hòa nhập vào Triết Lý An Vi và không còn vướng bận gì với những hệ lụy của kiếp nhân sinh như bạn bè còn ở lại nơi cõi tạm này.

Vĩnh biệt Lộc.

Trần Văn Lương
California, tháng 7 năm 2017

No comments:

Post a Comment

Để Suy Gẫm

Hỏi: Tôi là một cô gái Hồi giáo và tôi muốn cải đạo sang Ấn Độ giáo. Làm sao để tôi thuyết phục gia đình về quyết định của mình? Đáp: Bạn đã...