30 March 2015

Truyền Thông và Phản Chiến

Trọng Đạt

Truyền hình và cuộc chiến

Marshall McLuhan, nhà văn, giáo sư Gia Nã Đại đã nói về truyền thông trong chiến tranh Việt Nam như sau:

“Truyền hình đã mang những cảnh chiến tranh tàn bạo tới căn phòng khách ấm cúng. Việt Nam thua từ trong những căn phòng ấm cúng ở Hoa Kỳ chứ không phải tại mặt trận bên Việt Nam ”
The Media, Vietnam war. (Vietnamwar.net)

Trong Where The Domino Fell trang 205, tác giả James Olson và Randy Roberts cho đăng tấm hình người ký giả Mỹ ra mặt trận phỏng vấn các binh sĩ Mỹ tại VN và chú thích:

“Một số chỉ trích VN là “cuộc chiến trong phòng khách” vì ảnh hưởng rộng lớn của truyền hình. Kỳ giả, nhà làm phim truyền hình đi khắp bốn vùng chiến thuật để lùng tin tức, giai thoại và họ đưa tràn ngập tin tức chiến sự VN trên hệ thống TV hàng ngày cho khán giả”.

Thật là diễu, những người không tham chiến đi lấy tin tức về phổ biến tam sao thất bản phá hoại đường lối chính phủ nhưng được tự do hoạt động.

Giữa thập niên 60, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các phương tiện truyền tin tối tân như truyền hình lần đầu tiên đã đem tin tức, hình ảnh chiến sự tới quảng đại quần chúng khiến cho phong trào chống chiến tranh tại Mỹ bùng nổ và lớn mạnh. Đây là cuộc chiến lần đầu tiên chính phủ cho phép truyền thông báo chí được tự do kể lại chiến tranh, thấy sao nói vậy không qua kiểm duyệt. Những hình ảnh ghê rợn của chiến tranh đã cho người dân thấy từ đầu chí cuối mà họ chưa thấy bao giờ.

Đa số ý kiến các tác giả cho rằng cuộc chiến VN nhất là những năm giữa và cuối thập niên 60 là cuộc chiến lần đầu tiên được đưa lên truyền hình.

Nay nhiều người cho rằng chính truyền thông nhất là TV đã khơi dậy sự chống đối chiến tranh trong dân chúng qua những hình ảnh, bản tin tức của họ thí dụ trận Tổng tấn công Tết Mậu Thân đã thành một biến cố nhiều tranh  cãi mà truyền hình báo chí đã đóng vai chính. Các bản tin tiêu cực của chiến tranh đã ảnh hưởng nặng nề tới người dân và các chính khách. Người Mỹ đựa vào TV để theo dõi và tìm hiểu chiến tranh qua những cảnh chết chóc, tàn phá mà họ nhìn thấy như những bắn giết vô lý trong khi viễn tượng cuộc chiến trở thành tiêu cực vô vọng.

Lần đầu tiên những cảnh bắn giết hãi hùng đã được đưa tới phòng khách ấm cúng, người Mỹ có thể coi những cảnh làng mạc bị đốt , trẻ em chết cháy, những túi xác lính Mỹ được đưa về nước. Mặc dù những bản tin trước Tết của truyền thông ủng hộ cuộc chiến, những bản tường trình trên TV đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của người dân Mỹ về về cuộc chiến tranh VN sau trận tổng tấn công Tết Mậu Thân. Hình ảnh thường dân bị lính Mỹ tàn sát tại Mỹ Lai đã được chiến đi chiếu lại trong khi những sự tàn ác ghê rợn của VC và cán binh BV thì không thấy họ nhắc tới. Khi phong trào phản chiến tại Mỹ được truyền thông chú ý thì những người lính Mỹ đã bị bỏ quên tại VN.

Giữa thập niên 60, truyền hình được coi là nguồn tin tức quan trọng cho đời sống Mỹ và cũng có khả năng là nguồn ảnh hưởng nhất đối với ý kiến của xã hội.

Thời chiến tranh Triều tiên số người khán thính giả của truyền hình tại Mỹ rất ít, năm 1950 chỉ có 9% dân Mỹ có TV, nhưng đến năm 1966 số người xử dụng TV đã tăng lên 93%. Khi TV trở thành thông dụng, người dân Mỹ theo dõi tin tức từ truyền hình hơn là từ những nguồn thông tin khác. Năm 1964 có 58% người dân theo dõi tin tức từ TV, 56% từ nhật báo và 26% từ đài phát thanh, 8% từ tuần báo, đến năm 1972,  64% theo dõi tin tức từ TV, 50% từ nhật báo. Trong khi chiến tranh VN kéo dài, càng nhiều người Mỹ theo dõi tin tức trên truyền hình, năm 1972 có 48% người được hỏi tin vào truyền hình và 21% tin nhật báo.

Nhờ diễn tả sống động bằng phim ảnh, TV gây xúc động cho khán giả, khi coi cảnh trận mạc bên VN người ta tưởng như đang ở giữa những khu rừng nhiệt đới. TV diễn tả bằng hình ảnh khiến cho người ta dễ hiểu hơn là nghe báo tường thuật qua những danh từ chuyên môn. Các nhà làm phim thời sự được tín nhiệm, người dân theo dõi tin tưởng những bản tin TV về cuộc chiến VN nhưng thực ra chúng đã được sửa chữa lại để tường thuật về một cuộc chiến phức tạp. Truyền hình, một kỹ nghệ mới thu được nhiều lợi tức nhờ dịch vụ nhất là nhờ cuộc chiến VN.

Tin chiến tranh VN của giới truyền thông đã làm lung lạc tinh thần người dân Mỹ nguyên do những kỹ thuật tối tân đã đem hình ảnh chiến trận tới tận phòng ăn. Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ truyền thông có ưu thế ở chỗ đem chiếu những thước phim chiến tranh cho toàn dân được thấy nhất là những đoạn nói về số tử vong trong qua các chương trình chiếu phim ban đêm đã xoá bỏ mọi huyền thoại chiến thắng. Truyền thông Mỹ cho người ta thấy chính phủ không có hy vọng gì thắng CS ở VN, những hình ảnh về tổn thất mà họ đưa ra đã thúc đẩy phong trào chống đối lên cao.

Từ giữa 1965 khi quân Mỹ tại VN tăng lên 175,000 người thì truyền hình mới tìm được những đề tài bi thảm, cảnh chiến trận, phỏng vấn lính Mỹ, cảnh trên trực thăng… tất cả đã cung cấp cho kỹ nghệ truyền hình những đề tài bi kịch mà họ đang cần. Từ 1965 tới Tết Mậu thân 1968, có tới 86% chương trình tin tức truyền hình đêm của CBS và NBC tường thuật về chiến tranh, dưới đất cũng như trên không. Từ 1965 tới 1967 truyền hình ca ngợi quân nhân Mỹ là những anh hùng chiến đấu tiêu diệt CS, ca ngợi cuộc chiến chống Cộng.

Tết Mậu Thân


Sau cuộc đảo chính 1-11-1963, miền Nam rơi vào tình trạng xáo trộn, tôn giáo giành ành hưởng, Tướng lãnh tranh giành quyền hành, Bắc Việt thừa cơ nước đục thả câu chuyển quân ồ ạt vào miền Nam đánh phá khắp nơi. Giữa năm 1965 trung bình một tuần Việt Nam Cộng Hoà mất một tiểu đoàn và một quận, sau này vào năm 1969 Tướng Wesmoreland cựu tư lệnh Mỹ tại VN cho biết nếu Mỹ không đổ khoảng 160 ngàn quân vào miền Nam 1965 thì sẽ mất trong 6 tháng . Năm 1965 quân số Mỹ tại miền Nam là 184,300 người, năm 1966 lên 385,300 người, năm 1967 lên  485,600 người, năm 1968 lên 536,100 người  đó là đỉnh cao của sự hiện diện của Mỹ trong cuộc chiến

Nhờ can thiệp của Hoa Kỳ, VNCH đã lấy được thăng bằng, những năm 1965, 1966, 1967 nhiều đơn vị chính qui BV được đưa vào Nam , họ đụng độ nhiều trận lớn với Mỹ và bị thương vong rất nhiều vì hoả lực Mỹ mạnh chính xác, Cộng quân bị kiệt lực, bổ sung không kịp. Hoả lực Mỹ quá mạnh nên CSBV không dám đánh trực diện. Trong khoảng thời gian này Mỹ cùng với Đồng Minh và VNCH gia tăng hành quân tấn công để phá hủy các mật khu CS như chiến khu C, D tại phía bắc Sàigòn, tại Pleiku, Komtum, Bắc Quảng Trị tạo thuận lợi cho chương trình bình định phát triển. CSBV mất thế chủ động bị đẩy lui khỏi các vùng đông dân cư và các vùng tranh chấp, Cộng quân suy yếu rõ rệt. Năm 1967 CSBV tiếp tục chủ động tại khu phi quân sự và các vùng hẻo lánh, sâu về hướng Nam không còn hoạt động nào đáng kể nữa.

Cuối năm 1967 Tướng Wesmoreland họp báo ở Mỹ nói tình hình Việt Nam đã khả quan, Hoa Kỳ có thể rút quân từ 1969. Bắc Việt mặc dù bị thảm bại nhưng họ chuẩn bị cuộc tấn công lớn hy vọng lật ngược thế cờ. Bất ngờ ngay trong những ngày Tết Mậu Thân, mặc dù đã ký kết 36 giờ hưu chiến với VNCH, BV đưa 100 tiểu đoàn khoảng 84,000 người vào trận tấn công đại qui mô 28 tỉnh và thị trấn của VNCH. Nói về mặt quân sự VNCH thắng VC ngay trong tuần lễ đầu, mặc dù Hà Nội tung vào mặt trận gần một trăm ngàn người và có yếu tố bất nhưng từ ngày mồng 5 trở đi Cộng quân đã bị dồn vào thế bị động phải rút lui và chịu nhiều rất thiệt hại về nhân mạng. Tết Mậu Thân 1968, VNCH đánh thắng một trận lớn nhưng đã thua cuộc chiến, đó là khúc quành trong cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ.

Tính tới tháng 3- 1968 có 58,372 cán binh Cộng Sản bị thiệt mạng và 9,460 người bị bắt làm tù binh toàn quốc. Trong số khoảng 84,000 cán binh được đưa vào trận tổng công kích chỉ còn 16,168 người chạy thoát, chưa tới 20%. Vũ khí bị tịch thu gồm 17,439 khẩu súng đủ các loại. Phía VNCH có 4,950 người tử trận, 926 người bị mất tích, 15,097 người bị thương. Phía Đồng minh có 4,120 người tử trận, 19,265 người bị thương, 600 người mất tích, về vũ khí VNCH mất hơn 2,000 khẩu súng, 63 máy bay bị tiêu hủy, 154 cái bị hư hại nặng, 99 chiếc bị hư hại nhẹ. Đồng minh có 60 máy bay bị tiêu hủy, 60 cái hư hại nặng, 116 cái hư hại nhẹ. Thường dân chết trên toàn quốc có tới 14,300 người, 24,000 người bị thương và 627,000 người tị nạn.

Thiệt hại vật chất của VNCH rất cao, những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Châu Đốc, Cần Thơ, Sài Gòn, Huế và Phan Thiết. Kinh tế cũng bị ảnh hưởng tai hại, có tới 13 xưởng kỹ nghệ đổ nát vì bom đạn, 20 hãng xưởng khác bị hư hại, thiệt hại lên tới 25 triệu Mỹ kim. Nạn nhân chiến tranh lên cao gần 700,000 người, ngân quĩ cứu trợ ước lượng 100 tỷ đồng, tại Sài Gòn đã thiết lập hơn 100 trung tâm tạm cư để tiếp đón khoảng 200,000 người chạy loạn, 130,000 người không còn nhà cửa.

Mặc dù BV bị thiệt hại nặng nề trong trận Mậu Thân, tổn thất nhân mạng gần 60,000 người tức 70% lực lượng và 11% bị bắt làm tù binh, cơ sở nằm vùng bị bại lộ… nhưng họ đã đạt được một thắng lợi lớn bất ngờ về chính trị. Cuộc tổng công kích đã gây ảnh hưởng dữ dội tới phong trào phản chiến Mỹ tạo một khúc quành trong cuộc chiến tranh Việt Nam . Cuộc tấn công của CS vào dịp Tết Mậu Thân nhằm vào lúc cuộc tranh cử đợt đầu giữa các ứng cử viên trong đảng bắt đầu để gây tiếng vang và đã được bộ máy tuyên truyền của Liên sô giúp sức “đổ dầu vào lửa” cho phong trào phản chiến tại Mỹ cháy to hơn. Giới truyền thông Mỹ đã thổi phồng cuộc tấn công lên thành chiến thắng lớn lao của Cộng quân khiến cho người dân nghi ngờ những lời tuyên bố lạc quan của chính phủ Mỹ.

Tướng Wesmoreland phúc trình cuối năm1967, trước Tết mấy ngày cho rằng Cộng quân đã bị đẩy lui khỏi những vùng đông dân, VC đã bị hoàn toàn yếu thế. Nhưng mấy ngày sau họ tung ra trận tổng công kích tàn khốc gây ảnh hưởng lớn lao đến báo chí truyền hình Mỹ tạo bước ngoặt cho cuộc chiến tranh Việt Nam và đã khiến cho nhóm nghiên cứu của Bộ trưởng quốc phòng đề nghị Mỹ hạn chế can thiệp vào VN để thay thế bằng Việt Nam hoá chiến tranh.

Các nhà bình luận đã nhìn nhận trận Mậu Thân là một khúc quành đối với tinh thần ủng hộ của người dân Mỹ cho cuộc chiến tranh VN, nó khởi đầu cho số phận bi đát của miền Nam . Phong trào phản chiến lên cao dữ dội hơn, hành pháp đã nghĩ tới hoà giải, Việt Nam hóa chiến tranh, rút quân về nước.
Tổng công kích Mậu thân kéo dài mấy tuần là một thảm bại về quân sự của Bắc Việt và VC nhưng lại là sự thắng lợi về tuyên truyền cho họ đã tạo một giai đoạn mới trên tinh thần ủng hộ của người Mỹ cho cuộc chiến. Trận đánh đã khiến cho các lực lượng CS bị thiệt hại nặng nề cả về quân số cũng như tinh thần. Cho tới gần đây, bộ máy tuyên truyền của Hà Nội đã luôn ca ngợi trận Mậu Thân là một chiến thắng lớn lao về quân sự và không hề thấy họ nói đến thắng lợi chính trị vô giá mà họ không dự định.

Mùa thu 1967, 90% chương trình tin tức ban đêm nói về chiến tranh và khoảng 50 triệu người coi tin trên TV mỗi đêm. Cho tới thời điểm này truyền thông, dân chúng, Quốc hội đều ủng hộ chính phủ mạnh mẽ. Giới chức quân sự báo cáo tình hình tiến triển khả quan, tuy nhiên dần dần sự ủng hộ giảm dần bởi vì không có chính sách kiểm duyệt về tin tức quân sự. Các ký giả có thể theo lính ra trận và tường trình thoải mái  bởi vậy nếu thu được nhiều hình ảnh ghê rợn họ sẽ tường thuật sống động hơn và cũng lần đầu tiên họ phỏng vấn các binh sĩ tại mặt trận để ghi nhận những lời bất mãn.

Vào mùa xuân 1967 tinh thần ủng hộ của người dân bắt đầu giảm, chính là do những bản tường trình của truyền hình về cuộc Tổng công kích Mậu thân trong khoảng cuối tháng giêng, mặc dù Cộng quân thua to nhưng truyền hình tường thuật ngày Tết như một thảm bại của Mỹ. Họ nhận định chính phủ  không thể thắng được ở nam VN , trước Tết Mậu Thân trên truyền hình chỉ có 5.9% là những bài xã thuyết do các ký giả biên soạn nhưng hai tháng sau đã nhẩy vọt lên 20%.

Bài tường thuật có ý nghĩa nhất do Walter Cronkite người được tín nhiệm nhất nước Mỹ. Trong một chương trình đặc biệt của CBS, Cronkite kết luận ngày nay nếu chúng ta nói sắp thắng CS thì ta có thể tin rằng qua bằng chứng hiển nhiên những người lạc quan trước đây sai lầm hoàn toàn, có thể kết luận rằng chúng ta đang sa lầy trong trong một cuộc chiến đẫm máu không lối thoát.

Sau trận Tết Mậu thân và lời nhận định của Cronkite, các bản tường thuật về cuộc chiến Mỹ tại Việt Nam trở thành tiêu cực. Trước Tết 62% các tin tức của các ký giả ca ngợi chiến thắng của Hoa Kỳ, 28% nói về thất trận, sau Tết chỉ có 44 % tin tức mặt trận là thắng lợi, 32% là thua, 24% không có ý kiến. Ngoài ra những cảnh thường dân chết vì chiến tranh tăng từ 0.85 lần một tuần lên 3.9 lần mỗi tuần. Những phim về quân nhân bị tử thương tăng từ 2.4 lần lên 6.8 lần mỗi tuần. Sự mô tả người lính chiến Mỹ đã thay đổi, trước Tết có 4 tin tức ca ngợi tinh thần của quân đội, không có tin nào tiêu cực nhưng sau Tết có 2 tin rưỡi ca ngợi tinh thần tích cực quân nhân mà có tới 14 tin rưỡi tiêu cực nói xấu quân đội, phần lớn những tin đó đề cập tới nạn xì ke, kỳ thị chủng tộc, vô kỷ luật….

Những bài tường thuật của truyền hình về cuộc tàn sát tại Mỹ Lai có lẽ là hình ảnh tai tiếng nhất gây thiệt hại nhất cho danh dự của quân đội Mỹ. Mới đầu người ta báo cáo sơ khởi cho biết chiến dịch đã tiêu diệt trên 100 tên địch tháng 3 năm 1968, một năm sau mới khám phá ra trung úy William Calley và lực lượng của ông đã giết hại tới 350 người thường dân VN. Vụ tàn sát và phiên xử Calley đã trở thành một trong những tin tức chiến tranh bị lọt ra ngoài, lại nữa nó đã đưa tới chủ đề tội ác chiến tranh của truyền hình.

Trước Tết Mậu Thân truyền thông đã mô tả Hoa Kỳ đang thắng mạnh, nhưng khi BV đánh toà Đại sứ Mỹ Tết Mậu Thân, hình ảnh chiến tranh qua truyền hình, báo chí đã khiến cho người dân nghi ngờ chính phủ Johnson. Chỉ ít ngày sau những người ủng hộ chính phủ trước đây thay đổi thái độ chuyển sang chống chiến tranh.

Trước Tết Mậu Thân chính phủ Mỹ không nghĩ đến việc kiểm duyệt báo chí, truyền hình vì họ ủng hộ chính phủ trong cuộc chiến, nhưng vào dịp Tết, cảnh đạn bay súng nổ từ mặt trận ở VN đã được mang về Mỹ chưa tới 24 giờ đồng hồ. Họ nói VC đã tràn vào toà Đại sứ Mỹ nhưng thực ra chỉ có 17 đặc công đã bị tiêu diệt, truyền thông lại không chịu rút lại lời nói sai của mình, họ đã chống phá đường lối của Mỹ tại VN.

Ngày Tết Mậu Thân mồng 1-2-1968, Tướng Nguyễn ngọc Loan, Tổng giám đốc Cảnh sát công an bắn một cán binh VC trên một đường phố trước mắt các ký giả. Chính quyền miền Nam sau đó đã tường thuật vụ này và đã trưng bằng cớ tên VC đã bị bắt gần một hố xác ba mươi bốn người gồm cảnh sát và thân nhân bị trói và bắn chết, trong số này có một số thuộc gia đình người sĩ quan phụ tá của Tướng Loan cũng như bạn bè ông. Cuộc hành quyết đã được quay phim, chụp hình trong trận Tổng công kích Tết Mậu Thân và trở thành một tiêu biểu chuyển hướng tâm tư người Mỹ về cuộc chiến tranh VN.

Chiến thắng Tết Mậu Thân đã bị lu mờ bởi những hình ảnh tàn khốc trên truyền hình, danh sách dài những binh sĩ tử thương. Những sự kiện này đã khiến cho người dân Mỹ có quan niệm mới họ không còn tin vào giới chức quân sự như trước và nghĩ chính phủ sẽ không thể thắng cuộc chiến tại VN .

CBS đã được nhiều người công nhận là thông tấn xã thu thập được tin tức nổi tiếng nhất thời đó mà Walter Cronkite đóng vai trò then chốt. Ông đã được khán thính giả đặc biệt tín nhiệm là con người khách quan, bản thông tin của ông thường được hai mươi triệu người nghe trong một đêm. Ông đã được bầu là người được quần chúng tin tưởng nhất hơn cả Tổng thống, Phó tổng thống. Walter Cronkite cũng là một trong những nhân vật đóng vai trò then chốt trong việc làm sụp đổ miền nam Việt Nam , xoá bỏ một quốc gia trên bản đồ thế giới.

Từ 1964 tới 1967 trong những bài tường trình của ông ta về chiến tranh Việt Nam thường chỉ trích chính sách quân sự Hoa Kỳ được rất nhiều người theo dõi. Các thông tin của ông đã ảnh hưởng rất lớn tới phong trào phản chiến Mỹ nhất là sau trận Mậu Thân 1968, Cronkite cho rằng Mỹ không thể thắng được. Bản tường trình của ông khiến cho phong trào phản chiến trở nên quyết liệt hơn. Năm 1981 được Huân chương Tự Do của Tổng thống, một vinh dự cao nhất, sau đó về hưu lãnh một triệu Mỹ kim một năm.

Tường trình chiến tranh giảm từ 90% trong các bản tin xuống còn 61% từ cuộc bầu cử Nixon tới tháng 2-1969. Mặc dù trước 1968 truyền thông đã tường thuật các phong trào phản chiến nay chính nó đã đè nặng lên cuộc chiến.

Đốt thẻ trưng binh và biểu tình chống đối cho truyền hình những cảnh va chạm ẩu đả và những ảnh hưởng tinh thần từ đó. Nay cuộc chiến đã mất sự ủng hộ của người dân, các nhà chính trị đưa ra chính sách rút lui. Truyền hình không còn tường thuật chiến tranh nữa mà chuyển sang những đề tài chính trị trong nước. Từ 1965 tới 1969, tỷ lệ tin tức chiến sự là 48%, từ 1970 cho tới khi Mỹ rút lui chỉ có 13% trong bản tin liên hệ tới chiến sự mà thôi.

Cựu chiến binh

Đa số cựu chiến binh trở về nhà sau khi những bản tin truyền hình bắt đầu chú trọng vào những sự phân hoá trong nước. Theo thăm dò của viện Louis Harris thực hiện năm 1979, khoảng 60% cựu chiến binh cho rằng truyền hình không nói đúng sự thật. Ngoài ra hơn hai phần ba các cựu chiến binh cho rằng những bản tin về Mỹ Lai ảnh hưởng tới quan niệm quần chúng về hình ảnh người cựu chiến binh.

Các cựu chiến binh Mỹ trong cuộc chiến  VN là những người có thẩm quyền nhất để đánh giá xem truyền hình đã phản ảnh chiến tranh như thế nào vì họ là những người đã lăn lộn tại mặt trận, có kinh nghiệm trực tiếp về sự tàn ác của cuộc chiến. Phóng viên đôi khi có mặt tại chiến trường song họ không có kinh nghiệm về sự bất mãn, đau khổ, sợ hãi, bối rối của một người lính Mỹ. John Laurence, một phóng viên của đài CBS đã theo dõi tường thuật chiến tranh VN từ 1965 tới 1970 thừa nhận rằng ít khi sự thật được tường thuật: chúng tôi quyết định đi đâu , quan sát cái gì, cái gì cần quay, cái gì không cần quay, hỏi câu gì, và diễn tả những cái mắt thấy tai nghe như thế nào?

Những bản tin gây ảnh hưởng mạnh tới quần chúng Mỹ do những phóng viên, ký giả không có thẩm quyền nhận định, chỉ có cựu chiến binh mới có đủ tư cách nói tới. Ký giả, phóng viên chỉ dựa vào những tin tức của báo chí Sài Gòn để tường thuật những cảnh chiến tranh, chết chóc và tinh thần quân đội mà thực ra chỉ có những người lính mới biết những sự thật chiến tranh. Cựu chiến binh là những người biết rõ những chuyện sẩy ra trong những khu rừng VN, chỉ có họ mới so sánh sự thật với những bài tường thuật của truyền hình.

Erin McLaughin con gái của một cựu chiến binh VN thường hãnh diện nói cha cô là một anh hùng, hồi còn nhỏ, cô thường khoe với thầy giáo, bạn học về cha cô vì tưởng rằng người Mỹ trân trọng các cựu chiến binh VN. Khi trưởng thành cô thấy các phim ảnh trên TV đã không ca ngợi cựu chiến binh như những anh hùng, những bản tin tường thuật về cuộc chiến VN đã làm sai lạc hình ảnh người cựu chiến binh VN. Nhiều cựu chiến binh cho những bản tin sai lạc của truyền hình đã gây lên phong trào chống chiến tranh và những ác cảm của người dân với họ.

Erin McLaughin, trong bài “Truyền hình tường thuật chiến tranh Việt Nam và cựu chiến binh Việt nam” nói mới đầu truyền thông ủng hộ cuộc chiến VN nhưng kể từ sau Tết Mậu Thân họ đã thay đổi hẳn cái nhìn về cuộc chiến, hình ảnh cuộc tàn sát Mỹ Lai đã được chiếu sâu rộng trên truyền hình nhưng tội ác hàng ngày của quân đội Bắc Việt và Việt Cộng thì chẳng thấy nói gì tới. Theo Erin chỉ có cựu chiến binh là hiểu rõ hơn thực trạng cuộc chiến tại VN và có thể so sánh sự thật với các bản tin của truyền hình báo chí, những lời kể chính xác của họ cho thấy dư luận quần chúng thật bất công với họ. Sau khi đã nghiên cứu về ảnh hưởng truyền hình với cuộc chiến cô đã phỏng vấn bốn người cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh VN để biết họ nghĩ gì về những bản tin của TV và nó đã tạo ra hình ảnh người cựu chiến binh như thế nào.

Erin McLaughin phỏng vấn liên tiếp bốn người cựu chiến binh cùng một câu hỏi để xem họ nhận định về những bản tin ấy có đúng như đã sẩy ra ở Việt Nam không. Cô cũng hỏi thêm nhiều câu hỏi liên quan đến cảm nghĩ của họ về hình ảnh của người cựu quân nhân Việt Nam qua sự diễn tả của những bản tin ấy. Trước hết Erin McLaughin phỏng vấn cha cô, ông nhập ngũ tháng giêng 1965 được đưa sang VN tháng 9-1966 lúc  20 tuổi làm xạ thủ đại liên trên trực thăng một năm, khi rời Mỹ ông nghĩ rằng Hoa kỳ tham chiến tại VN có lý do chính đáng. Qua thời gian tại đó và sau khi đọc nhiều về chế độ mà Mỹ chiến đấu chống lại thì ông đổi quan niệm. Hai người chú ông đã chết từ thế chiến thứ hai và muốn theo đúng truyền thống gia đình. Trước khi rời Mỹ ông cho rằng truyền hình ủng hộ chiến tranh tích cực. Hầu hết các bản tin ông thấy đều rập khuôn ca ngợi người lính Mỹ chiến đấu anh hùng chống CS, ông cũng cho rằng dư luận Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ việc tham chiến tại VN.

Erin McLaughin phỏng vấn người thứ hai tên Ron Leonard, ông này bị động viên lúc 20 tuổi và đưa sang VN 1968 phục vụ mười ba tháng, làm xạ thủ đại liên trên máy bay trực thăng, ông cũng muốn chiến đấu tại VN vì danh dự đất nước. Khác với cha Erin, Leonard luôn khẳng định Hoa Kỳ tham chiến tại VN là đúng, hỏi cảm tưởng của ông về ý kiến người dân Mỹ trước khi ông sang VN Leonard cho biết không chú ý chỉ biết rằng mình làm đúng, ông có nhiệm vụ phải chiến đấu cho đất nước này, ông cho biết truyền hình nói sai sự thật.

Erin McLaughin phỏng vấn người thứ ba ông C (muốn được dấu tên) bị động viên năm 1966, vì không muốn bị đưa sang VN trong ngành bộ binh, ông xin học trường quân sự và sang VN 1969 lúc 19 tuổi. Trong bẩy tháng phục vụ tại đó như sĩ quan chỉ huy trong đại đội trực thăng xung kích, ông ta không muốn sang VN và cho rằng người Mỹ không nên can thiệp vào VN hồi ấy. Trước khi sang VN ông C thấy ý kiến người dân đa dạng. Khi bị động viên 1966, ông cho rằng có nhiều lầm lẫn về cuộc chiến này và ý kiến người dân Mỹ không biết gì về hậu quả của nó, nói về năm 1969 ông cho rằng người Mỹ vẫn hiểu lầm:

“Người dân nhầm lẫn lòng yêu nước, trung thành với đất nước với lòng yêu nước và trung thành với chính phủ. Nói khác đi nhiều người cho là mình yêu nước và người công dân Mỹ trung thành sẽ không bất đồng ý kiến với chính phủ hay Tổng thống. Họ rất bối rối khó chịu trước những hình ảnh của TV, của những người khác chống lại dữ dội công khai chính sách quân sự của chính phủ.”

Mặc dù ý kiến người dân đa dạng, ông C cho rằng truyền hình bị phân hoá khi ông sang VN, trong khi có nhiều tin tức về phong trào phản chiến cũng có nhiều tin nhai lại báo chí của chính phủ.

Erin McLaughin phỏng vấn người thứ tư tên Alex Horster sang VN năm 1970 khi hai mươi lăm tuổi, ông tình nguyện sang VN, làm phi công máy bay Thủy quân lục chiến sáu tháng. Giống như Leonard và cha của Erin , ông Horster cho rằng nước Mỹ tham chiến tại VN là đúng . Trước khi đi ông biết ý kiến người dân chống chiến tranh rất dữ dội, vì ông làm việc ngày tám tiếng vừa đi học nên ít để ý những bản tin TV về chiến tranh, khi ông coi thì thấy tin vào cảm tưởng của người dân.

Sau khi phỏng vấn những người cựu chiến binh về những bản tường thuật của TV mà họ được coi trước khi sang VN đánh trận, Erin McLaughin hỏi họ nếu so sánh với những gì đã thấy ngoài mặt trận thì cả bốn người đều nói họ chứng kiến rất nhiều biến cố diễn ra trong cuộc chiến mà bản tin truyền hình cần phải tường thuật nhưng họ đã không nói đến. Trước hết họ nói về những sự tàn ác của VC và của lính BV gấp ngàn lần lính Mỹ.

Cha của Erin McLaughin và Leonard đều đề cập một điểm là sự tàn ác của VC và BV giống như một chính sách nhưng truyền thông đã không đề cập tới chính sách của quân địch. Cha của Erin đưa ra một thí dụ điển hình lính BV có thể buộc một trái bom đạn vào một đứa trẻ và bắt nó nhập vào một đám lính Mỹ cho nổ. Ông Leonard nói thêm lính BV chuyên lấy khủng bố gieo sợ hãi để họ phải tuân theo chúng như giết xã trưởng hoặc đe doạ họ, ông kết án truyền thông không nói đến tội ác của lính BV đã dùng súng phun lửa thiêu rụi cả làng Bù Đốp cho chết hết. Ông đã tìm đọc các báo nhưng không hề thấy họ nói tới chính sách thiêu rụi cả làng Bù Đốp của BV, còn vụ Mỹ lai thì trong bất cứ sách nào của truyền thông về chiến tranh cũng nói tới.  Leonard cho biết truyền thông không nói tới những cái tốt của lính Mỹ, người lính Mỹ đã giúp đỡ dân làng như phát thuốc, trợ cấp tiền bạc cho trẻ mồ côi, giúp dân xây dựng lại làng bị VC đốt…

Ông C cho biết truyền thông nói trung thực về vụ tàn sát thường dân tại Mỹ Lai. Ý kiến của cha cô Erin McLaughin và Leonard về Mỹ Lai khác với ông C, Leonard và cha Erin nói vụ Mỹ Lai được phổ biến quá đáng vì các bản tin truyền hình không thừa nhận sự kiện tội ác của BV và VC diễn ra hàng ngày như một chính sách . Cha Erin cho rằng vụ Mỹ Lai chỉ là sai lầm của cấp chỉ huy chứ không phải là tội ác phổ biến, ông nói mặc dù vụ Mỹ Lai là sai lầm nhưng nó không phải là chính sách của chính phủ. Cả hai người đều đồng ý với ông C rằng những bản tin phổ biến rộng rãi về  thiệt hại nhân mạng thường dân và những túi xác chết lính Mỹ đã bêu xấu cuộc chiến tranh và những người lính Mỹ rất nhiều.

Ông Horster trả lời khác với ba người trên, thay vì chỉ lên án truyền hình phổ biến rộng rãi vụ Mỹ Lai và những sự thiệt hại nhân mạng chỉ do truyền thông, ông nói truyền thông chỉ tường thuật những cái gì họ có lợi nhuận. Họ có khuynh hướng tường thuật những vấn đề mà họ có thể bán bản tin được nhiều tiền, tôi nghĩ chúng ta không thể trách cứ họ tất cả. Tất cả bốn người đều đồng ý những bản tin truyền hình là sai lạc tuy nhiên họ trả lời khác nhau về tại sao họ cho là sai lầm và nó đã ảnh hưởng đến kết cục của cuộc chiến.

Cha Erin McLaughin cảm nhận rằng những tường thuật của truyền hình rất sai lạc nhưng ông lại chỉ trích chính phủ một phần về chuyện này:

“Cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân là một khúc quành chính trong cuộc chiến. Mặc dù đó là chiến thắng toàn diện của Mỹ, Walter Cronkite tuyên bố lập trường chống chiến tranh của ông, tất cả các ký giả khác hùa theo ông và rồi người dân cũng theo ông”

Vì chính phủ và giới chức quân sự đánh lừa truyền thông về tình hình khả quan tại VN nên ông ta phải đưa sự thật cuộc chiến ra ánh sáng. Theo cha của Erin các nhà cung cấp tin tức cũng như phóng viên làm việc theo một chương trình nghị sự, họ mô tả cuộc chiến như đã không được kiểm soát và nói lính Mỹ tàn ác giết trẻ thơ. Theo lời cha Erin truyền hình đã có cái nhìn thiên lệch về chiến tranh VN, ngoài phong trào phản chiến, phong trào đòi nhân quyền gây rối loạn đã khiến cho người Mỹ chán ghét chiến tranh. Tất cả những yếu tố ấy kết hợp lại với nhau khiến cho người Mỹ chống chiến tranh VN. Ông C nói chính phủ không tường thuật sự thật của chiến tranh, ông không cho rằng truyền thông đã làm cho Mỹ thua trận.

Horster và Leonard nhấn mạnh rằng truyền thông không đề cập tới chủ trương nhân đạo quân sự Mỹ để đưa dân chủ tự do tới nước khác cũng như những hành động dũng cảm của quân đội sau 1967. Leonard tin rằng truyền hình có sắp đặt chương trình phản chiến từ trước và phóng viên thiên lệch vì trong số khán giả có 16 triệu người trốn tránh quân dịch. Ông tóm tắt như sau:

“Một khi số người phản chiến trốn tránh nhiệm vụ tăng cao, truyền thông sẽ không dại gì mà nói tốt cho tình hình VN trước những khán thính giả tội lỗi xấu xa, tâm lý những người này muốn hợp lý hoá cái tội trốn tránh nhiệm vụ của mình”

Vì thế Horster và Leonard  nghĩ rằng lợi lộc là nguyên do các nhà truyền thông, phóng viên tường thuật những bản tin phản chiến cho những người trốn quân dịch, chính Leonard nói chắc chắn truyền thông đã khiến Hoa Kỳ thua trận. Các cựu chiến binh trở về nhà đã cho thấy đất nước bị phân hoá cay đắng như thế nào. Những người này cho rằng nhân dân khinh rẻ bọn lính chiến trở về, coi họ như bọn ác ôn côn đồ giết cả trẻ con, ngay cả gia đình, bạn bè không muốn nói chuyện chiến tranh với ho. Cựu chiến binh bị người ta khinh rể cá mè một lứa như bọn sát nhân, điên dại, xì ke, vô lại, rác rưởi….

Cha Erin McLaughin nói phóng viên còn cho rằng cựu chiến binh VN là nghi can trong những vụ án mạng, hay tội ác, xã hội đổ tất cả những cái xấu lên đầu cựu chiến binh VN, phim ảnh, truyền hình bêu xấu họ. Nhưng nay người ta cũng đã bỏ những thành kiến về cựu chiến binh VN. Trong số bốn người này, có hai người cho rằng truyền hình đã đóng vai trò chính trong sự bôi nhọ cựu chiến binh và cho rằng VC, cán binh BV đã được mô tả như là những nạn nhân của cựu chiến binh. Cha Erin không bao giờ quên hình ảnh Jane Fonda ngồi trên khẩu súng phòng không của CSBV đã từng bắn hạ máy bay Mỹ, cô ấy kết án lính Mỹ sát nhân. Ông oán giận truyền thông vì họ chỉ chú trọng làm cho nó giật gân hơn là tường thuật. Leonard oán giận truyền thông vì họ chỉ bịa ra toàn những chuyện láo khoét, Horster nói cần phải chú ý tới trách nhiệm của truyền thông, ông cũng oán ghét truyền thông đã bôi nhọ cựu chiến binh cá mè một lứa.

Ta có thể kết luận khi truyền hình trở thành phương tiện phổ thông trong giai đoạn chiến tranh VN, người Mỹ ngày càng dựa trên những tin tức qua hình ảnh để biết về thực trạng VN. Truyền hình đã mang hình ảnh chiến tranh về nước cho nhân dân xem mà những hình ảnh ấy lại không phản ảnh trung thực cuộc xung đột. Chiến tranh là một biến cố phức tạp, đẫm máu, tàn nhẫn… không thể cô đọng một cách chính xác trong bản tin ba mươi phút buổi tối được. Rõ ràng là sau trận Tổng công kích Tết Mậu Thân truyền thông nhận định cuộc chiến thất bại, bài phỏng vấn khoa học của Erin McLaughin cho thấy sự tường thuật của những cựu chiến binh trung thực hơn bất cứ bài nào của các phóng viên, ký giả chiến trường. Những người cựu chiến binh đã có kinh nghiệm thực tế, họ đủ tư cách để nhận định vấn đề hơn ký giả.

Erin McLaughin kết luận cả bốn người cựu chiến binh đều cho rằng truyền thông nói sai sự thật, họ thiên lệch trong nghề nghiệp nhất là thiếu sự chú ý đến tội ác của cán binh BV và VC,  họ nói xấu cuộc chiến và bội nhọ lính Mỹ. Ba trong bốn người được phỏng vấn nói tường thuật của truyền hình đã khiến cho người Mỹ thiếu quả quyết đưa tới sự thất bại cho đất nước, ba người đồng ý rằng sự sai lạc đã tạo lên những hình ảnh xấu xa của người cựu quân nhân Mỹ .

Nhận xét

Sau này Tướng Westmoreland nói: Cuộc chiến có thể kết thúc thuận lợi cho Mỹ và miền Nam VN sau khi CS thất bại nhưng ta đã không thực hiện được. Báo chí và truyền hình đã tạo ra một bầu không khí thua chứ không phải thắng.

Chính phủ thường chỉ cho biết thiệt hại về dân sự rất ít hoặc không nói tới nay đã trở thành đề tài cho nhóm chống đối khi có những hình ảnh chứng tỏ nhiều người thường dân tử thương. Nhà báo William F. Petter dựa vào những hình ảnh ấy viết: Hàng triệu trẻ em bị chết oan, bị thương trong cuộc chiến mà Hoa Kỳ đưa vào VN, nhất là tấm hình ông Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc Cảnh Sát đã cầm súng lục bắn vào đầu tên tù binh Việt Cộng khiến cho dư luận chống chiến tranh lên cao.

Truyền thông đóng vai chính trong sự phân hoá ý kiến người dân Mỹ đối với chiến tranh VN thành hai phe ủng hộ (Diều hâu) và chống đối (Bồ câu) như năm 1965.

Truyền thông đã tạo ra cuộc tranh cãi giữa hai phe Bồ Câu, chống đối và Diều Hâu, ủng hộ, phe Bồ câu có tư tưởng cấp tiến, họ lên án chiến tranh là một sự sai lầm lớn trong chính sách thiện chí ngoại giao bảo vệ tự do. Họ không đặt vấn đề ý định của Mỹ can thiệp vào VN cũng không đặt vấn đề đạo đức, hợp pháp của sự can thiệp nhưng họ chỉ nhìn vấn đề một cách thực tiễn là cuộc chiến tranh sai lầm.

Diều Hâu cho là cuộc chiến này hợp pháp, ta có thể thắng được, họ chỉ trích giới truyền thông loan tin một chiều cho người dân chấm dứt ủng hộ chính phủ và khiến Hoa Kỳ thua trận.

Truyền hình thúc đẩy phong trào phản chiến lên mạnh sau trận Mậu Thân,  Hoa Kỳ bắt đầu thua tại mặt trận đất nhà. Theo ý kiến của các cựu chiến binh qua bài phỏng vấn rất khoa học của Erim McLaughin các nhà sản xuất tin tức nhất là truyền hình chú trọng vào lợi tức, họ chủ tâm tường thuật những tin nào để bán cho được nhiều tiền.  Như đã thấy ở trên Walter Cronkite về hưu năm 1981, lãnh lương hưu một triệu một năm, những đồng tiền kếch xù này đã do cái lưỡi không xương của ông đem lại.

Theo lời kể của các phóng viên thì họ đã chuẩn bị sẵn cả một chương trình tuyên truyền cho người dân tại Mỹ. Họ cũng cho biết những hình ảnh, tin tức thu lượm được khi đem về Mỹ phải đem sửa chữa lại để thu hút nhiều khán thính giả, bán được nhiều tiền

Cũng theo ý kiến các cựu chiến binh các phóng viên, nhà sản xuất tin tức xuyên tạc sự thật, thiên lệch rõ ràng. Cuối 1967 theo thăm dò có 48% người được hỏi ủng hộ chính phủ, tới tháng 2-1968 tụt xuống còn 42%, cho tới cuối năm tụt xuống nhanh chóng chỉ còn 37%, họ đã dọn cỗ sẵn cho CSVN.
Nay rút kinh nghiệm chiến tranh VN, người Mỹ hạn chế không cho các phóng viên ký giả được tự do lấy tin và loan tin từ mặt trận về đất nước. Tại các chiến trường Kuweit 1992, Afghanistan 2001, Iraq 2003 truyền hình nay đã không thao túng như thời chiến tranh VN.

Tác giả George Herring trong America’s Longest War trang 190 cho rằng đa số người dân Mỹ không ủng hộ phản chiến, họ cho nó còn đáng ghét hơn chiến tranh, đa số chống cả Diều hâu lẫn Bồ câu. Năm 1965 leo thang chiến tranh được ủng hộ nhưng thất bại, chính phủ tăng quân, tăng thuế gây bất mãn, năm 1967 tỷ lệ ủng hộ tụt xuống còn 28%. Trang 221 ông nói cuộc chiến VN là chiến tranh được đưa lên truyền hình lần đầu tiên, hàng đêm những cảnh tàn bạo khiến người ta chán chiến tranh và họ muốn chính phủ phải rút quân về.53

John Prados trong Vietnam, The History of an Unwinnabable War, 1945-1975 trang 255 nói Mậu thân là thất bại chính trị lớn của Mỹ và thất bại quân sự của BV, họ thảm bại sau các đợt tổng tấn công đợt hai, đợt ba. Mỹ không lợi dụng được sự thắng trận có nhiều lý do nhất là sự ủng hộ của dân sút giảm nặng.

George Moss trong Vietnam an American Ordeal trang 267 nói Tết 1968, Johnson biết là VNCH thắng, VC thảm bại, nhưng nó lại cho người dân Mỹ thấy VC quá mạnh , chính phủ nói dối, chống đối lên cao. Trang 285 nói đây là cuộc chiến qua Truyền hình, những cảnh chiến tàn bạo Tết trên TV nhấn mạnh sự kiện cho rằng chiến tranh VN là cuộc chiến lần đầu đưa lên TV. Nhiều người tin rằng TV là nguyên nhân chính khiến Hoa Kỳ thua trận tại Đông Nam Á (VN). Tướng Westmoreland nói Truyền thông nhất là TV đã đưa tới thảm bại sau 1968, VNCH đã trói quân thù lại chỉ chờ đem giết, đó là cơ hội cho Mỹ và VNCH huy động tối đa lực lượng để chiến thắng.

Nhưng sau đó George Moss lại bênh vực cho truyền thông TV ông cho rằng người dân đã chống từ lâu không phải do truyền thông mà do lãnh đạo dở nên thất bại chứ không phải TV nhưng lý luận của tác giả rất yêu không có khả năng thuyết phục
  
Một chính phủ yếu, thực quyền chỉ vào khoảng ba mươi phần trăm (30%), còn lại là người dân và Quốc hội làm chủ thật khó mà thắng được cuộc chiến. Mọi chiến lược, kế hoạch phải thăm dò ý dân để không bị mất phiếu thì chỉ có thiên tài chính trị, quân sự may ra đưa tới thắng lợi.
   
Trọng Đạt

Tham khảo.

U.S.News media and the Vietnam War (Wikipedia)
Erin Mc Laughlin, Television Coverage of The Vietnam war and The Vietnam Veteran. (Warbirdforum.com)
Media and The Vietnamwar. (Wikipedia)
Media’s role during the Vietnam-Era. (Trincoll.edu.com)
The Media, Vietnamwar. (Vietnamwar.net)
Vietnam war Media. (Wikipedia)
Danchimviet.com July-17-2009: Walter Cronkite phóng viên huyền thoại của Mỹ từ trần thọ 92 tuổi.
Opposition to the US involvement in the Vietnam War. (Wikipedia).
James Olson và Randy Roberts: Where The Domino Fell, St Martin ’s press 1996
George Herring: America ’s Longest War, The United Stated and Vietnam , 1950-1975, McGraw-Hill, Inc. 1979
John Prados: Vietnam , The History of an Unwinnabable War, 1945-1975, University Press of Kansas 2009
George Moss: Vietnam an American Ordeal, Prentice Hall 1990
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
PhạmVăn Sơn, Lê Văn Dương, Nguyễn Ngọc Hạnh: Cuộc Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa Của Việt Cộng Mậu Thân 1968: Khối Quân Sử, Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH Xuất bản 1968, Đại Nam tái bản tại hải ngoại.
Chánh Đạo: Mậu Thân 68 Thắng Hay bại? Văn Hoá 1998. 

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...