04 March 2015

Khúc Quanh Cuộc Đời

Để nhớ về bạn Phạm Văn Thắng

Vũ Minh Ngọc 
ĐS16/QGHC

Những ngày bận rộn cho kỳ thi ra trường và trình luận văn vào những ngày cuối năm 1971 rồi cũng qua đi, nhưng vấn đề đáng lo là nơi nào sẽ là nhiệm sở khi ra trường, vì sẽ tùy vào kết qủa cuối năm… Điểm tốt nghiệp của tôi cũng không mấy cao, nhưng giờ chót, một sự may mắn bất ngờ đến với tôi là kết qủa của khóa học anh văn do Hội Việt Mỹ tổ chức, mà Học Viện giới thiệu sinh viên đi học.. Với kết qủa đó, theo bà An, Chánh sở Học Vụ đã ghi thêm cho tôi 6 điểm vào điểm ra trường, khiến tôi vọt lên hạng thứ 16 trong danh sách thí sinh tốt nghiệp. Nhờ đó, tôi chọn Bộ Nội Vụ để đi địa phương, thực hiện một giấc mơ từ hồi còn trẻ.

Bố tôi là một công chức gìa làm trong sở nhân viên bộ Nội Vụ cũng mong cho tôi được đi làm nghề công chức, một cái nghề mà người đã theo đuổi từ hồi trước năm 1945. Cả một đời tận tụy với chức nghiệp, mà phần thưởng tinh thần duy nhất là tấm huy chương Hành Chánh Bội Tinh đệ Nhất hạng trước ngày về hưu.

Ngày trình diện Bộ Nội Vụ cùng đi chung với hơn 30 anh em trong lớp, việc lựa chọn địa phương cũng tùy thuộc thứ tự khi tốt nghiệp… Nhìn danh sách các Tỉnh có nhu cầu nhận các Phó Đốc sự mới ra trường.. tôi nghĩ, toàn là những khúc xương khó nuốt.

Lúc đó, mới lập gia đình, đứa con đầu lòng sắp ra đời.. tôi phân vân không biết chọn về đâu, cuối cùng, đành lấy Saigon là tâm điểm và coi tỉnh nào gần nhất là chọn thôi.. Danh sách các Tỉnh có nhu cầu thật dài, chạy dọc từ Quảng Trị đến Long Xuyên.. Vùng 1, vùng 2, vùng 4 lại qúa xa xôi, nhìn vào vùng 3 chỉ có duy nhất Tỉnh Bình Long với 2 chỗ… Nơi nào rồi cũng vậy, sống chết có số.. Bình Long cách xa Saigon 90 cây số về hướng đông bắc. Thôi đành nhắm mắt đưa chân..

* * 

Cầm Sự vụ lệnh trong tay, tôi hẹn Phạm Văn Thắng cùng gặp nhau ở bến xe đò Nguyễn Hoàng, gần ngã 6 Saigon. Hôm đó là chủ nhật 12 tháng 1 năm 1972. Tôi và Thắng lên xe đò Kim Phụng đi nhận nhiệm sở, để kịp trình diện vào sáng ngày thứ hai 13/1/1972. Chiếc xe đò chở đầy người, ì ạch chạy hơn 3 tiếng đồng hồ, từ Saigon lên Hớn Quản, một địa danh mà nhiều người biết đến hơn là An Lộc, nơi Tòa Hành Chánh Bình Long tọa lạc..

Để đến An Lộc, chúng tôi phải vượt qua tỉnh Bình Dương, qua khỏi Bến Cát, Rồi Lai Khê nơi Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 trú đóng. Chiếc xe đò Liên Thành phải ngưng lại mất hơn 1 tiếng vì có cuộc giao tranh giữa lực lựợng bảo vệ doanh trại Sư Đoàn 5 tại Lai Khê với một vài tên đặc công việt cộng đang tìm cách tấn công và phá hoại vào bộ Tư lệnh Sư đoàn.. nhưng chúng đã thất bại. Rời Lai khê, chúng tôi đặt chân lên Quốc lộ 13, con lộ sau này đã ghi những chứng tích lịch sử với tên “Quốc lộ máu”

Tôi không rõ nguyên nhân nào, ở điểm chốt đầu tiên (cây số 0 QL13) là một khúc đá thật cao, hình một cái đinh nhọn, cắm thẳng xuống mặt đất.. có người cho rằng, người Mỹ đã đóng đinh trên Quốc lộ vì phong thủy hay trừ yểm gì đó, vì con lộ này đã thấm qúa nhiều máu của cả 4 thành phần: dân chúng, lính VNCH, lính Hoa kỳ và bộ đội Cộng sản… Chắc họ cũng có nguyên do nào đó.. Chiếc xe đò tiếp tục lăn bánh vượt qua các địa danh Bầu Lòng, Bầu Bàng rồi qua Quận Chơn Thành với Xã Hưng Long..Từ đây, đất và bụi đỏ bao trùm quanh Quốc lộ 13, càng tiến gần vào An Lộc, thì đất càng đỏ thẫm, và được bao phủ bằng những khu rừng cao su xanh thẫm, Bình Long được bao quanh bởi các đồn điền cao su của người Pháp.

Thành phố An Lộc lần đầu tiên xuất hiện dưới mắt tôi, ngơ ngác như một người từ quê lên tỉnh.. Tôi và Thắng tìm một khách sạn tạm trú qua đêm để hôm sau lên Tòa Hành Chánh Tình trình diện.. Buổi hoàng hôn đầu tiên thật hữu tình… áng chiều rọi những hình dáng những cô gái thượng trở về bản sau một ngày đồng áng, hiện rõ dưới ngọn đồi Đồng Long, cửa vào An Lộc… Phố xá nghèo, tập trung tại Xã Tân Lập Phú, con phố chính của chợ An Lộc. Tuy không thơ mộng như “phố núi cao” của Pleiku, nhưng cũng thuộc loại.. đi dăm phút, trở về chốn cũ.. Tôi nhìn Thắng thầm nói.. đây là nhiệm sở của mình sao Thắng?

Buổi sáng thức dậy thật sớm, sương mù của núi rừng vẫn còn phủ ngang ngọn cao su, đêm đầu tiên xa nhà, lạ chỗ và chắc là đang hồi hộp nghĩ đến ngày đầu tiên đi làm! Tôi và Thắng đến Tòa Hành Chánh Tỉnh thật đúng giờ, như một đức tính cần thiết của một công chức gương mẫu, người thư ký tòa Tỉnh bảo chúng tôi ngồi chờ gặp ông Phó. Đợi một lát, được đưa vào trình diện, ông Phó Vinh khóa ĐS 8, Sau vài câu chuyện hỏi thăm, ông phó Vinh dẫn chúng tôi lên gặp Đại Tá Tỉnh Trưởng Trần Văn Nhựt.. Ông Tỉnh cao lớn như tây, vui vẻ đón chúng tôi.. Sau khi thảo luận với Phó Vinh, ông cho hay là có hai chỗ, một Phó Quận Chơn Thành và một là Trưởng Ty Nội An và để chúng tôi tự chọn. Thắng nhường tôi chọn trước.. Vì mê nghiệp làm Phó, vả lại Chơn Thành gần Saigon hơn (60km) nên không ngần ngại, tôi chọn đi làm Phó Quận Chơn Thành..

Được ông phó Vinh giới thiệu với các Ty sở nội thuộc thì mới hay dân QGHC ở đây không có đất dụng võ.. Phó Quận Lộc Ninh bị bắt, Quận bị chiếm.. Các Trưởng ty phần lớn là Tham sự gìa và chuyện Thắng ra làm Nội An là chuyện đương nhiên. Sau bữa ăn trưa thì tôi nhận Sự vụ lệnh đi Chơn Thành ngay để thay thế một bạn ĐS15 chuẩn bị đi nhập học trường Sĩ Quan Thủ Đức. Cầm tờ Sự vụ lệnh tôi thấy một điều không biết hên hay xui, Sự vụ lệnh mang số 13/THC/BL/HC ký ngày 13 tháng 1 năm 1972 và đi nhậm chức bằng quốc lộ 13. Tôi không rõ lúc đi có phài là 13g13p13g hay không, nhưng lúc đó cũng trưa lắm rồi.

Cuộc đời làm phó của tôi bắt đầu từ đây!

Bình Long, một tỉnh lỵ nằm về phía Bắc của Sài gòn, cách khoảng trên 90 cây số, trước đây chỉ là một thị trấn nhỏ mang tên Hớn Quản thuộc Tỉnh Thủ Dàu Một, sau đổi thành Bình Dương. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, để đáp ứng nhu cầu hành chánh, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cho thành lập Tỉnh Bình Long với 3 quận: An Lộc, Lộc Ninh và Chơn Thành. Tỉnh Bình Long nằm giáp biên giới Campuchia về phía Bắc và Tây Bắc, Đông giáp Tỉnh Phước Long,

Tòa Hành Chánh Bình Long
sau trận chiến mùa hè đỏ lửa 1972

Nam giáp Bình Dương và phía Tây giáp Tỉnh Tây Ninh. Diện tích tỉnh Bình Long với 2,140 cây số vuông, có nhiều núi đồi thấp và rừng rậm, hầu hết ở phía Bắc và phía Đông. Về phía Nam ít núi hơn hoặc là núi thấp như núi Đất cao khoảng 108 thước. Về hệ thống sông ngòi, con sông chính là sông Bé và sông Sài gòn, Sông Bé ở phía Đông chảy dọc từ Bắc xuống Nam và nằm trên ranh giới hai Tỉnh Bình Long và Phước Long. Sông Sài gòn nằm song song với sông Bé, nhưng nằm cạnh biên giới Tỉnh Tây Ninh và có những chi lưu chảy qua Tỉnh Bình Long như những con sông: Prek Thléa, Tonglé Cham và sông Cây Da. Bình Long là một vùng đất đỏ rất phì nhiêu và chịu ảnh hưởng khí hậu với hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Mười Một và mùa khô từ tháng Mười Hai đến tháng Tư. Những trục lộ giao thông chính là Quốc Lộ 13 nối liền Bình Long với Bình Dương để dẫn vào Thủ đô Sài gòn. Ngoài ra Liên Tỉnh Lộ 13 là một trục giao thông quan trọng để liên lạc với các Tỉnh phụ cận. Về dân cư, với trên 76.000 người, đa số là người Kinh và rất đông đồng bào Thượng thuộc các sắc dân Stiêng, Mọa, Tà Mun, người Việt gốc Chàm và gốc Khmer. Những tôn giáo chính là Phật giáo, Thiên Chúa, Cao Đài, Hòa Hảo, thờ cúng Tổ Tiên và Thần Linh..

Riêng Quận An Lộc bao gồm thành phố tỉnh lỵ rộng khoảng 760 cây số vuông, qui tụ trên 45.000 dân, tập trung trong Xã Tân Lập Phú. Với rừng rậm và đất đỏ, Bình Long được bao quanh bởi những đồn điền cao su rộng ngút ngàn. Dọc Quốc Lộ 13, từ Tân Khai dẫn vào An Lộc, những rừng cao su xanh rì và xếp hàng thẳng tắp, là những hình ảnh thiên nhiên và hùng vĩ của Bình Long... An Lộc được bao quanh bởi những ngọn đồi Gío, đồi 100 và đồi Đồng Long.. là những hình ảnh đẹp thiên nhiên, nhưng lại mang những giá trị chiến lược về lãnh vực Quân sự. Về lãnh vực Hành chánh, Tỉnh Bình Long gồm 3 Quận Chơn Thành, An Lộc và Lộc Ninh. Quận Chơn Thành, một quận nhỏ gồm hai xã Hưng Long và Minh Thạnh. Chơn Thành với trên 10.000 dân nằm trên trục giao thông Quốc Lộ 13 (lên An Lộc) và Liên Tỉnh Lộ 13 (qua Sông Bé-Phước Long). Qua khỏi Chơn Thành, sẽ gặp các địa danh Tàu Ô, Tân Khai, Xa Cát, Xa Cam, Xa Trạch rồi bước vào Tân Lập Phú, thị trấn trù phú như cái tên được đặt cho.. Xa hơn phề phía Bắc, là Quận Lộc Ninh nằm sát biên giới Việt-Campuchia, bao bọc bởi rừng rậm và rừng cao su và là nơi sinh sống của rất đông đồng bào Thượng.

 Chỉ hơn 3 tháng sau khi nhậm chức phó Quận Chơn Thành, tôi cảm thấy ngao ngán cho số phận làm “phó” của mình… nhà ở (chứ đừng nói là Dinh) không có. Mướn nhà ngoài quận thì được khuyến cáo là không nên vì mất an ninh, những ngày đầu, khi màn đêm xuống, thay bộ bà ba đen, vào nhà này xin ngủ trọ, nhưng thực sự vòng ra ngõ sau để đến nhà khác tạm trú qua đêm, những người Hoa, họ dấu mình và tránh sự dòm ngó vì buổi tối Việt Cộng thường lẻn về phá hoại. Sau đó, tôi đành phải  “mua” lại từ một nghĩa quân một cái lô cốt nhỏ bé, phòng ngủ là một hầm phủ bao cát để tránh pháo kích, nằm ngay trong Chi khu.. Sau ngày nhậm chức, ông Quận dẫn đi giới thiệu với các hàng quán và dặn: là ông Phó có ăn uống gì thì đem bill vào cho Quận trả.. Nhưng đời mà, bố bảo tiệm nào dám đòi, nên tôi ăn đồng nào, trả đồng đó. Rồi những sự “chào mừng” khác cũng đến, người thư ký ban kinh tế quận cho hay, các thương gia sẽ gom chung mua đồ dùng cho "dinh" ông phó.. nhưng chỉ là lời nói xuông và qua đi, và tôi đã từ chối.


Tháng 4 năm 1972, trên đường đi Trung tâm Huấn luyện Vũng Tầu cùng với một số các Trưởng Ty Sở về Cải tổ Hành Chánh, Thắng ghé thăm tôi tại "tư dinh" Thắng nhìn tôi ngao ngán, vì trên An Lộc, Thắng cũng được ở ké với các Trưởng Ty khác trong một căn nhà đàng hoàng. “Biết vậy, tao ở lại làm Trưởng Ty Thắng ơi”, tôi ngậm ngùi nói với Thắng. Sáng hôm sau, Thắng theo đoàn xe ghé đón đi Vũng Tầu theo khóa học.. và đó cũng là lúc Quận Chơn Thành bị những trận pháo khủng khiếp, mà điểm nóng là chi khu Chơn Thành. Việt Cộng bắt đầu bung những đợt tấn công mới để  cắt đứt Quốc lộ 13, nhằm cô lập thị trấn An Lộc. Mới sáng sớm, tôi bị đánh thức bằng những tiếng ồn ào ngoài sân chi khu, ra xem, tôi wow một tiếng, chiến lợi phẩm đầu tiên là khẩu phòng không 12 ly 7 của Nga sô có bánh xe kéo, mà Việt Cộng bỏ lại, khi đụng trận với một đơn vị địa phương quân đi mở đường. Tôi gặp Trung Tá Quận Trưởng nhưng chưa kịp chúc mừng thì viên sĩ quan trực kéo tôi ra và nói.. “nguy rồi ông Phó ơi.. tụi nó đông lắm, nó đào hố cá nhân dọc theo hai bên Quốc lộ 13”. Tôi gặng hỏi, “Thiếu úy có đụng trận chưa mà biết tụi nó đông?” Viên Sĩ Quan trẻ trả lời.. “Xin lỗi ông Phó nghe, lúc tôi dẫn Trung đội vào thì chỉ cần thấy phân người la liệt khắp nơi và còn đang bốc khói là đủ biết nó đông cỡ nào… cỡ cả trung đoàn đó ông Phó ơi! “Sau những đợt pháo của cộng quân vào Chi khu, tôi được báo là Trung tá Quận trưởng bị thương nặng, Thiếu tá Chi khu phó và Sĩ quan ban 3 bị tử thương… Lúc đó, tôi đang làm việc bên Chi Y tế để phụ việc thì xe díp cứu thương đậu ngay trước cổng, băng ca khiêng ông Quận tới, máu ngập đầy mặt.. Ông Quận vẫn tỉnh và nhờ tôi gọi máy lên Tỉnh xin tải thương. Ông cám ơn tôi và dặn tôi cẩn thận vì việt cộng có thể chiếm Quận đêm nay. Tin tức cuộc tấn công vào Quận Chơn Thành được các đài ngoại quốc  loan tải.. các báo chí Việt chạy hàng chữ lớn ngay trang đầu.. "Phó Quận Trưởng Chơn Thành tử trận" vì họ dịch từ báo ngoại quốc khi họ lấy tin Chi khu phó Chơn Thành tử trận, lại đăng là Phó Quận Trưởng Chơn Thành.. đã khiến một số bạn bè trong lớp như Bửu, Thắng (đang kẹt sau khi học ở Vũng Tầu, không về được vì Quốc lộ 13 đã bị cắt) khi đọc báo hay tin đến tận nhà tôi để hỏi thăm, các bạn không dám hỏi vì thấy không khí trong nhà rất bình thường, hỏi tôi đâu.. thì người nhà nói đi chưa về.. các bạn càng nghi hơn, nhưng không ai dám báo tin, mặc dù tay cầm tờ báo ghi rõ rành rành.. Như vậy, báo chí đã khai tử tôi rồi.

Vườn Cao Su Hớn Quản 
– Bình Long

Sau trận nhấp đòn nhưng không chiếm Chơn Thành, thì hướng mũi tiến của cộng quân được mở ra, tiến mũi công thẳng vào An Lộc Bình Long, lực lượng quân sự của cộng quân gồm quân số 4 công trường: Công trường 5, 7, 9 và công trường Bình Long cùng trung đoàn 203 chiến xa từ vùng Lưỡi Câu, Campuchia tràn qua được trang bị bởi những khẩu trọng pháo 130 ly có tầm bắn xa. Tổng số ước chừng khoảng 40.000 lính cộng quân đã tham gia trận đánh tấn công vào Bình Long với ước muốn là dứt điểm Bình Long hầu dùng đây làm bàn đạp đế tiến quân về phía Nam, uy hiếp thủ đô Sài gòn. Ngày 12 tháng 6 năm 1972, hàng chục ngàn trái đạn pháo kích của cộng quân đổ xuống An Lộc, tỉnh lỵ Bình Long, đã xua đuổi người dân hiền hòa xứ Hớn Quản, phải xa lìa quê hương, chạy dọc quốc lộ 13 để về Chơn Thành tìm tự do.. Đoạn đường dài gần 30 cây số ngàn, đã đượm máu và xương của người dân lành, của những người lính Cộng hòa, đã hy sinh cho lý tưởng tự do, của cả các quân nhân đồng minh tham chiến để bảo vệ tự do thế giới, và ngay cả những cán binh Việt cộng, đã sinh bắc tử nam, để cho đến khi nằm xuống, họ vẫn còn bị những người lãnh đạo của họ lường gạt..

Bình Long sau cơn pháo kích

Cộng quân ngày càng gia tăng pháo kích, để tránh mọi thảm khốc, Đại tá Tỉnh trưởng Bình Long quyết định cho đồng bào tại An Lộc di tản về Chơn Thành..  từng đợt hàng ngàn người bồng bế nhau vượt đoạn đường mang tên Quốc lộ máu, vượt Tân Khai qua suối Tàu Ô, để về Chơn Thành.. Chuyến đi đông nhất vào ngày 12 tháng 6, với trên 12.000 người đã rời bỏ ruộng vườn, bồng bế nhau để tìm về chốn Tự Do...

Để cầm chân đồng bào, cộng quân đã mất hết lương tri, rót theo những trái đạn pháo kích, những cảnh máu đổ thịt rơi, những hình ảnh tang thương của người Mẹ, đang ôm chặt lấy con, mà đứa con chết lúc nào không biết.. Hai mươi cây số ngàn đượm máu, nhưng cái chết đã không cản được lòng người dân, họ căm thù cộng quân, vượt đường máu tìm tự do. Tôi cùng Trung tá Quận trưởng và các viên chức xã ấp ra tận tuyến đầu để đón dân.. Xử dụng tối đa phương tiện y tế và thông tin để kêu gọi những người còn ở lại cùng góp việc cứu trợ cho đồng bào.. Nhưng vì an ninh không bảo đảm, Sau khi được cứu thương và tiếp tế lương thực, đoàn người thẳng tiến về Bình Dương bằng mọi phương tiện, mặc dù Quốc Lộ 13 vẫn bị bế tắc. Đây là những ngày tháng mà tôi ghi nhớ mãi trong đời.

Để đáp ứng nhu cầu cứu trợ dân chúng Bình Long di tản, tôi được đưa về Bình Dương trông coi trại tạm cư Phú Văn. Theo thống kê ghi nhận, đã có trên bốn chục ngàn đồng bào Bình Long đã về tới Bình Dương để lánh cư, một số lớn, đã chết vì bom đạn của cộng quân, hoặc mất xác trên đường tìm tự do dọc trên Quốc lộ Máu.. Chính quyền và đồng bào Tỉnh Bình Dương đã tiếp đón họ.. trại gia binh Phú Văn được tu sửa khẩn cấp để tiếp đón đồng bào chiến nạn. úc đầu, chỉ có 2 trại Phú Văn 1 và Phú Văn 2, Nhưng số đồng bào tỵ nạn càng về càng đông nên các trại 3 và 4 được thành lập để đáp ứng nhu cầu.. Những căn lều dã chiến được dựng lên nhanh chóng.. nhưng dựng đến đâu, dân vào ở đến đó.. Một điều không tránh khỏi là lợi dụng cơ hội này, một số đồng bào không phải là dân chiến nạn Bình Long cũng xin gia nhập để được nhận lãnh trợ cấp xã hội, lý do rất giản dị.. giấy tờ tùy thân bị cháy trong chiến trận, tình trạng này càng tạo nên một gánh nặng cho cơ quan chính quyền...

Các Trại tạm cư được tổ chức khá quy củ, các viên chức Xã Ấp, quý vị dân cử của Bình Long vẫn tiếp tục lo lắng, phụ giúp cho cơ quan chính quyền trong công tác điều hành trại. Để phần nào xoa dịu những vết thương do chiến tranh gây ra, rất nhiều cơ quan từ thiện từ Saigon và các tỉnh phụ cận, hàng tuần xuống cứu trợ, họ muốn trực tiếp trao tận tay đồng bào chiến nạn, từng gói mì, túi gạo, hộp sữa.. đó là những món quà ân tình trong tình nghĩa đồng bào bao bọc lẫn nhau, Họ đến với những lời an ủi và mong rằng một ngày gần, đồng bào chiến nạn sẽ được về xây dựng lại căn nhà đã đổ nát vì bom đạn của cộng quân..


Khi trại tạm cư đã tạm yên, cộng quân đã nới rộng vòng vây Chơn Thành, một số đông đồng bào lại trở về làng cũ, hoặc họ để vợ con ở lại trong trại tạm cư để hưởng trợ cấp xã hội.. thì cũng là lúc tôi nhận lệnh trở về lại Chơn Thành để phụ lo cho số dân còn lại..

Trung Tá Trần Ái Quốc, vị Quận trưởng mới này làm việc rất hợp với tôi, ông lo cho tôi từng chút một, và cấp cho tôi một căn phòng khang trang do cố vấn Mỹ để lại, ngay sát căn nhà của ông. Ngày ngày cùng nhau ăn cơm và đánh bóng bàn chung cho khuây khỏa, khi thấy tôi cầm vợt, ông rủ tôi đánh một set và chấp tôi 20 trái, tôi trợn mắt, vì mình cũng là cây vợt của ĐS16 mà.. và cuối cùng thua ông 22-20. Sau thời gian dài luyện tập, ông chỉ còn chấp tôi 15 banh mà thôi.. hỏi ra, một thời ông là vô địch bóng bàn quân đội...

Thông cảm với hoàn cảnh vợ vừa sanh đứa con trai đầu lòng, ông thường hay cấp Sự vụ lệnh cho tôi về Bình Dương để lo cho số dân còn lại tại đây.. nhưng đây chỉ là cái cớ. Đôi lần ông tâm sự với tôi.. “tụi tôi là nhà binh, cũng sợ cái chết vậy, cũng nhớ vợ con vậy.. nhưng hoàn cảnh không cho phép... ông Phó thì khác, khi nào cần về thì cứ nói, tôi cấp phép đi về thăm nhà..” và ông đùa nói tiếp “đừng quên bình rượu chát nghe, để cùng nhâm nhi và nhớ lên sớm, tôi một mình ở đây buồn lắm.”


Một lần, trên đường trở lên quận Chơn Thành, cùng đi với anh Phạm Công Chấp, Hạt trưởng thủy lâm Chơn Thành.. Chiếc xe vừa qua khỏi Lai Khê thì thấy toán lính nghĩa quân mở đường (danh từ chỉ hai toán lính, một từ trên đi xuống, một từ dưới đi lên, khi hai bên bắt tay nhau thì có nghĩa là đường không bị việt cộng đắp mô, phục kích) vẫn còn đang.. nướng! Chờ 1 tiếng, rồi 2 tiếng.. toán mở đường vẫn chưa nhúc nhích, từng đoàn xe đò chở gia đình đi thăm thân nhân cùng chờ đợi.. Lúc đó, chung quanh Chơn Thành đông nghẹt các lực lượng tăng phái thuộc Sư Đoàn 5, Sư đoàn Dù.. đang cố gắng giải tỏa An Lộc..

Cuối cùng, chúng tôi thấy một vài chiếc xe bò cóc cách đi xuống, chặn lại hỏi thăm, thì người dân cho hay bình yên không có gì.. quay sang hỏi toán nghĩa quân thì được biết là đoạn đường đã thông.. mọi người quyết định đi. Vừa qua khỏi khúc quanh Bầu Lòng, một địa danh khét tiếng là nơi tập trung và cũng là con đường giao liên của cộng quân.. thì ôi thôi, từng toán lính chính quy cộng quân trong bộ quân phục mầu xanh từ trong rừng cạnh quốc lộ chạy bung ra, họng súng AK 47 nhả đạn không ngừng.. mọi người cắm cổ chạy, không xe nào dám ngừng.. Anh Chấp nói với tôi..” Ngọc à, ngừng là chết”, rồi anh nhấn ga chạy. Chiếc xe Citroyen như chồm lên, đạn AK nghe chóc chóc.. chiếc xe chạy trong tầm đạn.. “ Đứng lại!”  một giọng Bắc hét lên như đạn xé.. rồi phụt, phụt.. một qủa đạn B40 vừa bay sát hông xe..  tôi và anh Chấp không biết gì hơn là nhấn ga thêm, miệng cầu nguyện.

Khi qua khỏi vùng bị phục kích, chúng tôi vẫn chưa hoàn hồn và cứ chạy tiếp.. lên đến Quận mới dám ngừng lại, cả hai ngỡ ngàng nhìn chiếc xe, 4 bánh nát bét, trên 20 cây số chỉ chạy bằng 4 niềng xe.. còn thân xe thì hỡi ôi, vết đạn lỗ chỗ như tổ ong.. tính ra cả trăm lỗ đạn, mà hai anh em tôi không hề hấn gì.. trong khi những chiếc xe đò đang vang rên những tiếng khóc, tiếng hét vì người chết, kẻ bị thương.. vô số kể.

Từ đó, tôi ở lại Chơn Thành, và quốc lộ 13 khúc Bầu Lòng không sao nhổ được cái chốt đó của cộng quân.. Mỗi lần cần về Tỉnh, tôi phải xin trực thăng hoặc phải đeo đuôi chinook.. Dân Quốc Gia Hành Chánh chỉ còn một mình tôi ở lại Bình Long, mặc dầu Toà Hành Chánh Tỉnh Bình Long đã chính thức dời về Bình Dương, phụ trách cứu trợ cho đồng bào của mình..

Một hôm, trước ngày ký hiệp định ngưng bắn tại Ba Lê, tôi nhớ vào khoảng đầu tháng 3 năm 1973, qua chiến dịch dành dân lấn đất..  trong bộ bà ba đen, cũng nón sắt súng colt,  tôi cùng đoàn Cán bộ xây dựng nông thôn, nhân dân tự vệ Quận, được lệnh bung ra để sơn cờ quốc gia trên mái nhà (mái tôn) để khi phái đoàn quốc tế kiểm soát có đến.. thì lá cờ hiện diện ở đâu, sẽ tượng trưng cho chủ quyền Quốc Gia ở chỗ đó.. Sau công tác, trên đường về Quận, tôi gặp tân Đại tá Tỉnh trưởng xuống thị sát tình hình. Thấy tôi,  bằng một giọng Nam kỳ ông hỏi "Thằng cha nào trẻ mà ngon vậy?”  Ông Quận trả lời.. "Phó của tôi đó.." Ông Tỉnh tiếp.. "Ủa, tôi tưởng mấy cha hành chánh bỏ chạy hết rồi mà .. "

Vài tuần sau, tôi nhận được công điện do Trung tá Quận trưởng trao và nói… "ông Phó về trình diện Tỉnh gấp, nhận nhiệm vụ mới.. Xin chúc mừng ông Phó "

Tôi bàng hoàng không tin những gì trong công điện đã ghi, Lúc đó, chợt nghĩ đến lời căn dặn của Bố tôi trước khi tôi trở lại Chơn Thành lần cuối..

“ Ngọc à, dù biết chuyến đi này thật nguy hiểm đến tính mạng, nhưng con phải đi.. Con nên nhớ rằng, lúc mà Tổ Quốc cần con mà con không đáp lời, thì đừng bao giờ con làm gì nữa..."

Vũ Minh Ngọc
ĐS 16/QGHC

No comments:

Post a Comment