28 March 2015

Viễn Cảnh Việt Nam Trong Cục Diện Chính Trị Thế Giới Đổi

Nguyễn Cao Quyền

Nền móng quyền lực của các quốc gia đang thay đổi nhanh chóng khi con người bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Chúng ta đang giáp mặt với một kỹ nguyên hoàn toàn khác lạ trong đó tài nguyên quan trọng nhất cho sự phát triển đất nước lại không thuộc loại tài nguyên có thể cảm nhận bằng thị giác hoặc súc giác.

Thật vậy, đất đai ngày nay không còn quan trọng bằng trí tụê. Tư bản, nhân công hay những kho hàng đầy ắp không quan trọng bằng lưu lượng của những thứ đó qua thời gian. Vào thời điểm chúng ta đang sống , các quốc gia phát triển không tranh nhau ngôi vị bá chủ thế giới nữa mà chỉ phấn đấu làm sao để có được khần chia lớn nhất của tổng sản lượng toàn cầu.

Một loại quốc gia mới đang xuất hiện trên trận đồ thế giới, được mệnh danh là quốc gia thực quyền (virtual state). Loại quốc gia này phát triển trên cơ sở của những dòng chảy càng ngày càng mạnh của tư bản và nhân công trên khắp mặt địa cầu, cũng như trên cơ sở của khả năng thông tin chớp nhoáng mà khoa học kỹ thuật hiện đại đã trang bị cho nhân loại. Họ đã hoàn toàn thoát ly khỏi đất đai và đang thu hẹp đối đa kích thước của các xí nghiệp để có thể tập trung vảo các khâu thiết kế sản phẩm, cải tiến kỹ thuật quản lý, khai thác hướng di chuyển và sự thăng trầm của lưu lượng tư bản quốc tế.

Mẫu hình rõ rệt nhất của loại quốc gia kiểu mới này là tiểu quốc Tân Gia Ba. Xét về phương diện đất đai quốc gia này chỉ là một tỉnh nhỏ không có dầu khí, quặng mỏ hoặc qúy kim, vậy mà trong mấy thập kỳ gần đây Tân Gia Ba đã phát triển lẫy lừng nhờ trí tuệ. Cùng với Hương Cảng và Đài Loan, Tân Gia Ba đã trở thành những tấm gương phát triển sáng chói cho toàn thể thế giới noi theo.

Nghiên cứu hiện tượng này, người ta thấy loại quốc gia lý tưởng nói trên đều là những quốc gia thương mại (trading states). Vào thập niên 1960, khi thương phẩm dễ lưu động hơn tư bản và nhân công thì việc xuất cảng càng hóa được coi là thượng sách cho mục tiêu phát triển, nhưng từ khi người ta thấy rằng tư bản cũng dễ di chuyển chẵng thua kém gì thương phẩm thì vấn đề xuất cảng đã tụt xuống hàng thứ yếu để nhường chỗ cho những vụ đầu tư trực tiếp tại những địa phương có nhân công giá rẻ.

Những đoạn viết sau đây sẽ triển khai quá trình hình thành và thăng tiến của các quốc gia thực quyền để từ đó rút ra những nhận xét hữu ích cho công cuộc đấu tranh dân chủ đang tiến hành.

Từ mục tiêu chiếm cứ đất đai đến mục tiêu thương mại


Theo quan niệm cổ điển, người ta nghĩ rằng đất đai là chìa khóa của phát triển và quyền lực. Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Hoà Lan đã trở thành cường quốc nhờ bành trướng đất đai từ giữa thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Hoa Kỳ, Gia Nã đại, Úc, Tân Tây Lan, một thời cũng đã đi theo con đường phát triển này.

Tuy nhiên, trong lúc phong trào chiếm cứ đất đai còn đang rầm rộ thì Anh quốc là nước đầu tiên đã nhìn thấy ưu thế của tư bản so với những yếu tố sản xuất khác. Khai thác tối đa đặc tính của tư bản, nước Anh, ngay từ ngày đầu của cách mạng công nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ vào kỹ nghệ dệt với những máy móc tối tân. Kết quả là dân tộc Anh đã trở thành giàu có nhờ số vải vóc sản xuất nhanh chóng bán ra tràn ngập thị trường thế giới.

Mãi đến cuối thế kỷ 18 các cường quốc khác mới trông thấy sự lợi hại của khả năng lưu động của tư bản so với nhân công và đất đại. Dần dần, với thời gian, đất đai ngày càng mất giá và trở nên khó giữ vì phong trào dân tộc nổi lên khắp nơi đòi lật đổ các chế độ thuộc địa. Bừng mắt tỉnh, các cường quốc tư bản rứt khoát từ bỏ tham vọng đất đai để chỉ còn tập trung vào việc khai thác nhân công và tư bản. Sự chuyển hướng này giải thích hiện tướng mất giá của các sản phẩm thô trục lên từ lòng đất, so với giá của các sản phẩm hoàn chế, vào thời gian trước khi xẩy ra sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật.

Ngày nay với những thành tựu mới của khoa học tối tân hiện đại, lại đến lượt các sản phẩm hoàn chế bị mất giá so với các dịch vụ quốc tế. Hiện tượng này làm xuất hiện một hình thức kinh doanh mới được cụ thể hóa qua sinh hoạt của các quốc gia thương mại. Nở rộ vào khoảng thời gian 1870-1980 các quốc gia thương mại không nhằm bành trướng đất đai mà chỉ còn tập trung vào nghiệp vụ thương mại quốc tế mà thôi. Các tiểu quốc ở Âu Châu và Đông Á, nhật Bản và Tây Đức là những quốc gia thương mại đầu tiên của thế giời sau Thế Chiến II.

Sự canh tranh quốc tế ngày càng trở nên ác liệt. Để thi đua hữu hiệu các quốc gia thương mại bắt buộc phải điều chỉnh cung cách làm ăn thế nào để có thể hạ giá thành sản phẩm tới mức thấp nhất. Chiến lược này đòi hỏi phải chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài để tranh thủ nhân công rẻ mạt

Từ chiến lược nói trên, người ta thấy xuất hiện một lọai công ty mới được mệnh danh là công ty thực quyền (virtual corporation). Quốc gia nơi công ty có trụ sở chính gọi là quốc gia thực quyền (virtual state). Tại đây công ty chỉ tập trung vào nhừng công việc đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật cao như thiết kế sản phẩm, nghiên cứu tiếp thị, hoạch định phương án tài trợ. Khâu sản xuất được nhường lại cho những phân bộ đầu tư tại những nơi có nhân công hời giá.

Từ công ty thực quyền đến quốc gia thực quyền

Tại Á Châu, Nhật Bản, Nam Hàn, Tân Gia Ba, Đài Loan, Hương Cảng là những quốc gia thực quyền tiên phong. Tại Âu Châu Thụy Điển, Hoa Lan là những quốc gia thực quyền dẫn đạo. Nhưng nghịch lý mà chúng ta cần chú trọng ở đây là Anh quôc, Đức Quốc và cả Hoa Kỳ nữa, vẫn chưa được coi là quốc gia thực quyền vì tại các quốc gia này khâu sản xuất trực tiếp vẫn còn giữ một vai trò đáng kể. Tuy nhiên chiều hướng chung của họ là đang phấn đấu để nhanh chóng tiến dần đến quy chế nói trên.

Với sự xuất hiện của các quốc gia thực quyền, thế giới hiện nay đang tự phân chia thành hai nhóm: nhóm quốc gia đầu não (head nations) và nhóm quốc gia thân thể (body nations). Cũng còn rơi rớt một số quốc gia mang cả hai đặc tính này. Trong khi Úc và Gia Nã Đại đang tiến lên ngôi vị quốc gia đẩu não thì Trung Quốc mới tiến vào vị trí của một quốc gia thân thể. Trước mắt có thể nhìn thấy Nga, Ấn Độ và Trung Quốc như những nước tiêu biểu cho hàng ngũ các quốc gia thân thể này.

Một thế giới không chiến tranh

Với một trận đồ quốc tế mới như được mô tả ở trên có thể nói là thế giới sẽ không có chiến tranh. Không có chiến tranh là vì cách làm ăn giữa các quốc gia đầu não và các quốc gia thân thể là một tương quan bình đẳng và đôi bên cùng có lợi. Nếu biết học hỏi và làm ăn sáng tạo thì các quốc gia thân thể cũng sẽ nhanh chóng chuyển lên vị thế đầu não như ai, chứ không bắt buộc phải ở vị thế tay chân muôn thuở. Trò chơi như vậy là rất công bằng và dân chủ, để ai cũng có phần nấy tùy theo khả năng và trình độ.

Sự hợp tác chân thành trong cung cách làm ăn để cùng phát triển như mô tả ở trên đã trở thành xu thế tất yếu của nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba. Nó đã được đa số chấp nhận vì không còn con đường nào tốt đẹp hơn.

Trước kia khi việc thông tin liên lạc còn khó khăn và cộng đồng thế giới chỉ gồm toàn những quốc gia cô lập về kinh tế thì sự xích mích giữa những thành phần của cộng đồng rất dễ xảy ra vì ai cũng chỉ nhìn thấy quyền lợi dưới nhãn quan chật hẹp của đất nước mình. Ngày nay, đặc biệt là trong mấy thập kỷ gần đây, nhờ sự tiến bộ vũ bão của các phương tiện truyền thông hiện đại, thế giới đã thu hẹp lại rất nhiều. Tất cả nhân loại vào lúc này chỉ có chung một mái nhà. Ý thức này đã được cảm nhận rộng rãi khắp mọi nơi và chắc chắn sẽ trở thành một thái độ tự nhiên của các thế hệ tiếp theo.

Đây là một khúc quanh lớn trong lịch sử loài người. Nhân loại từ nay trở đi sẽ không còn cần tới những ý thức hệ viển vông vì thực tế đã đẩy lùi mọi mơ mộng hão huyền. Viễn tượng một thế giới đại đồng và một thiên đường trong đó của cải tuôn ra như suối từng giờ từng phút như Marx hằng mơ ước, ngày nay đã là sự thật sờ sờ trước mắt. Có điều thiên đường đó không phải là thiên đường cộng sản mà là thiên đường tư bản.

Thực tế phũ phàng này sẽ nhanh chóng chuyển đổi những quan niệm và tập quán lỗi thời cũa những thành phần cổ hủ khư khư ôm giữ thời gian tại vị lâu dài đề thủ lợi riêng tư trên xương máu và nỗi thống khổ triền miên của quần chúng. Chúng ta đã bước sang thiên niên kỷ mới của ý niệm toàn cầu hóa, của tinh thần hợp tác-tương trợ giữa các dân tộc, của sự thượng tôn nhân quyền, của chế độ dân chủ và kinh tế thị trường phổ biến, của tình thương nhân loại, cho nên không còn chỗ đứng cho những tư tưởng và chủ thuyết lỗi thời đi ngược lại với ý hướng và nguyện vọng tự nhiên của con người.

Thoát ly khỏi đất đai là điều kiện cần thiết để cất cánh

Đối với những nước đông dân cư như Việt Nam, con đường phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện tại là phải đầu tư và quan tâm tối đa vào vấn đề giáo dục và nghiên cứu. Đây là một mục tiêu trường hạn cần được thực hiện với một thái độ quyết tâm và một tinh thần nghiêm túc. Các khu vực nông nghiệp, kỹ nghệ và dịch vụ phải được hỗ trợ bởi một đội ngũ lao động có tay nghề cao và trình độ hiểu biết kỹ thuật khả quan như Ấn Độ đã làm ở Bangalore hoặc Ái Nhĩ Lan đã làm ở Dublin. Đó là nói về những việc phải làm có tính cách thuần túy kinh tế.

Tuy nhiên nếu muốn đất nước có thể cất cánh nhanh chóng thì những biện pháp kinh tế nói trên phải được lồng vào trong khung cảnh một chế độ chính trị dân chủ cởi mở. Đây là thời điểm Việt Nam phải cắt đứt mọi vấn vương với cái chủ nghĩa Marx không tưởng, và cương quyết vứt bỏ cái “kinh tế thị trường với định hướng xã hôi chủ nghiã” nhà quê và ấu trĩ.

Trận đồ quốc tế như trên mô tả, đã sắp xếp và an bài để tạo điều kiện cho mọi quốc gia cùng phát triển và chung sống hòa bình dưới mái nhà toàn cầu duy nhất. Thời Minh Trị Thiên Hoàng, Nhật Bản chỉ cần có 10.000 chuyên gia huấn luyện từ nước ngoài đã có thể canh tân và tiến lên địa vị cường quốc của thế giới hôm nay. Nước Việt Nam giờ đây, với 300.000 chuyên gia hượng thặng đang sinh sống tại nước ngoài, chẳng lẽ lại không chuyển đổi được cảnh nghèo đói triền miên của dân tộc thành tình trạng phú cường như các “con rồng, con hổ” Đông Á hay sao? Nếu biết nhân lực là vốn qúy thì tại sao lại đặt quyền lợi riêng tư của phe nhóm lên trên quyền lợi quốc gia dân tộc và lơ là với cái kho tàng nhân lực qúy báu đó ?

Tất cả chỉ còn là quyết định. Một quyết định dân chủ sáng suốt và can đảm sẽ nhanh chóng đưa dân tộc vào vùng thịnh vượng chan hòa ánh bình minh ấm áp của thiên niên kỷ mới qua sang. Một quyết định u tối sai lầm trái lại sẽ đưa tới những hậu quả tai hại không thể lường trước được đối với những cá nhân hiện đang có trách nhiệm với lịch sử giống nòi. Dân tộc cũng như nhân loại hiện đã mất hết kiên nhẫn trước thái độ ù lỳ và lạc hậu của những cá nhân lãnh đạo không biết tự điều chỉnh mình với xu thế tất yếu của loài người.

Nguyễn Cao Quyền
(Nguồn: Diễn đàn Việt thức)

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...