28 March 2012

Níu Tay Kỷ Niệm, bút ký

Thôi chào nhé! Lũ kỷ niệm của tôi. Một phần hồn tôi đã gởi lại nơi đó và mang theo một phần của các bạn đi cùng cho hết cuộc đời nầy.

Không muốn một điều gì đó rời xa mình thì phải níu lấy phải không? Kỷ niệm của một đời người thì có nhiều cánh tay, có tay là để dỗ dành khi mình bị trắc trở trên bước đường đời, có tay thì ôm ấp vuốt ve khi mình nghĩ nhớ về nó, thậm chí có cả tay chọc ngoáy vào nỗi đau…Tôi nghĩ vậy!

Tôi thử níu lấy một cánh tay bất kỳ nào đó của kỷ niệm như để…thử thời vận đầu năm của mình coi trong năm mới sẽ gặp điều gì? Hên hay xui?

Đã nhấp nhỏm từ lâu cho lần trở về nầy từ khi nhận được email của một trong những Cô-em-nhỏ rủ rê. Nhưng cũng chỉ mới là những toan tính vì biết chắc là những ngày đầu năm mới sẽ có rất nhiều việc bận rộn. Sát những ngày giáp Tết, cô gọi lại và báo không đi vì bận việc gia đình và sẽ chuyển sang một dịp khác. Vậy là tôi yên chí thưởng thức không khí Tết của Sài Gòn không chút băn khoăn. Đùng một cái nghe tin “Thúy đã đi rồi” bằng…máy bay.

Đã bị lỡ một cái hẹn nên trong lòng có đôi chút buồn buồn, nhưng dù gì cũng phải thực hiện dự định của mình dẫu có muộn màng.

Tôi bỏ mùa trăng tháng giêng châu thổ mà đi tìm một mùa trăng khác trên chuyến xe đêm dài dằng dặc nhiều gian nan trên con đường rất xấu đã được biết trước. Trong thâm tâm cứ nghĩ những điều ấy thì có sá gì khi biết mình sẽ gặp được những điều đang đón đợi. Xe lăn bánh trong bóng đêm mờ ảo vì ánh trăng nào có thể soi sáng được chốn phồn hoa? Đi được một đỗi thì nhận được một “tin vui”: Một trong những điều háo hức đã bị người khác đánh cắp như những lần trước đó. Thì tại cái số của tôi vốn vậy mà. Hơi hụt hẫng một chút nhưng cũng chẳng sao, tôi nhoài người ra gần cửa sổ ngắm ánh trăng rằm để mong ánh trăng sẽ ve vuốt những bực dọc cho tan loãng rồi đẩy chúng chìm vào bóng đêm đang vây khốn. Nhưng than ôi! Chỉ còn là một ánh trăng lu! Tôi cũng chẳng hiểu vì sao? Có thể là trong lòng mình đang không vui hay do sương đêm tháng giêng dầy đặc đang che mờ? Thì cứ cho là vì yếu tố sau tác động để mình nhẹ lòng khi nhìn thấy cái gạt nước của xe phải hoạt động liên tục để nhìn rõ đường đi trong bóng tối đặc quánh chung quanh, chợt nghĩ hình như nó cũng gạt bỏ giùm tôi những nỗi bực bội vừa nhen nhóm trong lòng. Nhắm mắt cố tìm một giấc ngủ mong quên đi những điều nhỏ nhặt đang xảy ra. Nhưng nào có dễ dàng đâu?

Đón tôi ở đó là làn hơi dịu mát nhè nhẹ của gió núi có chuyên chở trên những đôi cánh một chút sương mai còn thấp thoáng. Dễ chịu thật! Những nhọc nhằn của một đêm không ngủ trằn trọc như bị gió thổi bay đi mất. Nhưng bổn cũ bị lập lại, con chiến mã của tôi bị những người bốc xếp bến xe hút sạch hết máu. Lại phải ì ạch đẩy bộ đi tìm cây xăng. Rồi mọi việc cũng qua thôi!

Đi tìm một quán cà phê nào đó mở cửa sớm để mong lấy chút nước màu đen giúp mình tỉnh táo lại đôi chút. Tìm lại quán cà phê cũ đường Hai Bà Trưng thì chỉ còn một khoảng trống lam nham trước mắt làm tôi ngẩn ngơ. Mới tháng tư tháng sáu năm ngoái tôi còn ngồi đó làm thơ mà bây giờ nó đã biến mất tăm như bị sóng thần cuốn trôi đi mất. Thì thôi, ta đi tìm quán khác vậy.

Xuôi qua một đoạn đường dài tìm đến một quán mới theo lời giới thiệu của bạn bè. Còn sớm quá nên hầu như chưa có khách, quán vắng tanh trong lúc mấy em phục vụ đang bận rộn dọn dẹp những niềm vui còn rơi rớt lại của đêm hôm trước. Nằm ở rìa thành phố nên quán cà phê sân vườn có những khoảng trống bình yên cần thiết dành cho những ai muốn thư giãn.

Vừa bước vào quán đã gặp ngay chủ nhân, một chàng thanh niên trạc ngoài ba mươi với mớ tóc dài buộc túm ra sau có vẻ nghệ sĩ. Mà chắc là vậy khi nhìn thấy cách bài trí trong quán khá mỹ thuật và trang nhã. Đặc biệt ở đây có những gian phòng nhỏ trống với những hàng cột, khách sẽ ngồi bệt xuống nền tương tự phong cách của Nhật Bản hay Hàn Quốc thưởng thức cà phê trong tiếng nhạc nhè nhẹ theo yêu cầu. Có thể là nhạc của Ngô Thụy Miên, của Trịnh Công Sơn hay của Phạm Duy…

Theo lối đi quanh co ngoài vườn, chúng tôi chọn một chỗ ngồi lộ thiên gần với một cây cà phê khá lớn tuổi mà trên tàng lá rộng chỉ còn sót lại vài đóa hoa trắng muộn màng đã hết hẳn hương thơm quyến rũ chiêm bao. Tôi đã đến muộn với mùa-hoa-thương-nhớ rồi sao? Những giọt cà phê sánh đặc đầu ngày làm tôi tỉnh táo hẳn trong không gian bình lặng chung quanh. Vài tiếng chim hót đâu đó trên cao rơi xuống tô điểm thêm cho không khí tĩnh lặng ban mai xứ núi. Cà phê ở đây khá ngon vì dường như không bị pha trộn theo cung cách thị trường tôi thường gặp.

Rồi cũng phải ra về vì còn nhiều việc đang chờ. Khi nhận phiếu tính tiền thì ấn tượng ban đầu của tôi với chủ quán quả không sai! Trên mảnh giấy trắng nhỏ có tên quán được viết bằng thư pháp kèm theo cái triện son đỏ chót góc dưới. Cũng khá cầu kỳ vì với một phiếu tính tiền, cần gì phải đóng thêm triện son vì rồi người ta sẽ vứt chúng ngay thôi. Hay chúng tôi cũng “có vẻ” là người-trong-hội nên được cư xử đặc biệt?

Thích thú, tôi đề nghị em phục vụ xin thêm vài mảnh để làm kỷ niệm. Phải chờ hơi lâu một chút trong khi không có nhiều thời gian nên đành phải đứng lên. Gần tới cửa thì chú nhỏ cầm ra vài mảnh giấy trắng cùng vài cái danh thiếp. Nhìn chúng thì tôi biết ngay chủ nhân vừa viết lên bằng tay vì chúng không hoàn toàn giống nhau. Một cách tiếp thị mới lạ: “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi!”

- Một miếng giấy là một bài thơ đó nghe! Bạn tôi cười cười mà nói vậy.

Nhìn mảnh giấy trắng có chút xíu, tôi nghĩ họa chăng chỉ là những bài thơ trên một trang văn nghệ tôi thường sinh hoạt vì ở đó chủ nhà hạn chế số câu lắm! Cũng chẳng phải là muốn “ém tài” ai đâu! Chỉ đơn giản là cho dễ làm hình minh họa thôi.

Sau khi thu xếp chỗ nghỉ xong, tôi liên lạc ngay với vài người bạn học cũ còn sống ở đó. Một cuộc gặp mặt chớp nhoáng hình thành ngay quán cà phê Kơnia góc đường Hai bà Trưng và Phan Bội Châu. Toàn “dân nhà binh” mà! Một cái hẹn khác được đề nghị rồi tan hàng ngay vì ai cũng bận rộn với những việc đang dang dở.

Để lấp đầy khoảng thời gian trống, tôi lại dong xe vòng vòng tìm nhà một người bạn khác vì gọi hoài anh ấy không bắt máy. Qua vài con đường nhỏ nhưng không thể nhớ nổi nên không đi tìm nữa mà trở lại nhà người bạn vừa gặp.

Chúng tôi cùng đi đến địa điểm vừa hẹn hò ban sáng. Trên đường đi tôi hỏi:

- Ông có biết nhà của Việt không? Tôi muốn ghé vô thắp cho nó một nén nhang.

- Việt Thủy Quân Lục Chiến hả?

Câu trả lời hết sức bình thường và tôi chắc người bạn cũng chẳng để ý gì lắm, nhưng với tôi thì lại gây nên một cảm xúc mãnh liệt. Những tên người với cụm từ “đính kèm” phía sau chỉ là để xác định đích danh một con người nào đó cho khỏi lẫn lộn trong đám bạn cũ như: Việt Thủy Quân Lục Chiến, Hà Pilot, Hùng Nhảy Dù v.v...Cũng bình thường thôi! Nhưng nó như gợi nhớ lại thời trai trẻ của chúng tôi với những hào-hùng-giả-định. Hơn nữa, chính tay Việt nầy do sự xúi biểu của tôi khi chọn đơn vị lúc ra trường sĩ quan Thủ Đức mà lao đầu vào chỗ chết ngay trận đầu tiên nên đã để lại một nỗi xót xa trong lòng tôi mà mấy chục năm qua không thể nào nguôi.

- Ừ!

- Có còn gì đâu! Em trai hắn hiện sống bên Mỹ rồi.

Lúc ấy thì trong đầu tôi nghĩ đến toàn những điều cay đắng. Vậy là nấm mồ hắn đã nhang tàn khói lạnh đâu còn ai chăm sóc? Hương hồn hắn không biết đang tiêu diêu ở cõi nào hay đã được về nước Chúa? Máu xương đã đổ xuống mà trả nợ núi sông giờ đây hắn còn hưởng được điều gì? Còn có được bao người nhớ về hắn nữa đây?

Quanh co qua con đường Quang Trung đoạn cuối gần Chùa Khải Đoan, chúng tôi trượt xuống một con dốc dựng đứng về phía suối Đốc Học đến chỗ hẹn. Cuối cùng cũng liên lạc được với người bạn vắng mặt ban sáng qua sự nhắn gởi khác. Bàn nhậu được mấy tay đực rựa bày biện rồi cùng xáp vô vì “Mẹ vắng nhà!”. Hương bia Heineken trưa nay thơm lừng cùng với mùi-thơm-cõi-nhớ. Những kỷ niệm mới lớn tuổi học trò, những gian nan đời lính, những cái tên, những gương mặt chập chùng lẫn khuất chốn xa xa đâu đó được gọi mời hiển hiện quanh bàn tiệc của những người bạn tuổi thiếu thời chúng tôi.

Một người sau hơn 45 năm mới gặp lại đầu râu tóc bạc, răng cỏ thiếu trước hụt sau đâu dễ gì trong thoáng chốc có thể thân tình ngay được? Khởi đầu thì cũng bạn bạn tôi tôi rất lịch sự, nhưng chỉ sau hai lon bia thì tất cả đều mầy tao ráo trọi. Một lợi thế của men rượu là dễ kéo người ta xích lại gần nhau ngay. Tàn một cuộc rượu tương đối ngắn vì còn phải về với một hẹn hò buổi chiều bởi có một nhóm bạn cũ khác sẽ lên chơi.

Trăng mười sáu giăng tơ lụa cho đêm thêm óng ả, tỏa ánh sáng mềm mại trên bầu trời cao nguyên trong vắt. Tiếng gió nghe lồng lộng trên cao sát trần mây thấp, chút men nồng nhạt màu hổ phách chen lẫn với mùi hương ngọc lan phảng phất như tôn thêm nét quyến rũ, nét nồng nàn của đêm Nguyên Tiêu muộn. Tâm hồn tôi đang bị chìm ngập trong một mùi hương làm lòng cảm thấy lâng lâng. Có thể là hương xuân, hương rừng gió núi, hương của những chùm hoa cà phê nở muộn, hương của những kỷ niệm, hay hương…Nếu có ai bảo tôi xác định mùi hương đó tên gọi là gì thì đành chịu!
Lồng lộng trên cao lồng lộng gió
Lồng lộng trên đầu mây trắng bay
Lồng lộng tình anh như biển lớn
Tiếng cười trong gió, lồng lộng say!
Đứng ngắm qua khung cửa sổ những mái nhà nhấp nhô của thành phố được ánh trăng dát bạc những ánh đèn đêm thao thức và dãy đồi xa xa bao bọc phía tây nam đang đắm mình trong giấc-mộng-đêm-xuân, tôi thích lặng người đứng yên thưởng thức nét đẹp mộng mị ấy trong trạng thái tĩnh. Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. Những trạng thái tâm hồn trước một sự việc biểu lộ tính cách khác nhau của mỗi người.

Thức giấc cùng tiếng gió núi rít ngoài khung cửa sổ, mở rộng cửa ra tôi căng ngực đón ngọn gió mùa đông bắc tràn về từ chốn xa xôi xuyên qua dãy Trường Sơn. Trời trở gió và lạnh hơn hôm qua nhiều.
Không như những lần trở về trước, dưng không lần nầy tôi lại muốn tìm gặp lại những kỷ niệm thời trai trẻ.

Lại xin nêu lên một câu hỏi: Các bạn có tin là những kỷ niệm đẹp ngoài việc giúp ta có chút niềm vui mỗi khi có dịp nhớ về còn có một sức mạnh kỳ bí có thể dẫn đường cho ta theo hướng mong muốn trong mớ ký ức chập chùng quên lãng?

Tất nhiên, chẳng ai muốn trong lòng tồn tại điều ấy đâu! Nhưng cuộc sống với rất nhiều biến động và theo thời gian cái mới lần lượt trùm lấp lên cái cũ. Rồi tuổi già kéo đến sẽ bào mòn kỷ niệm khiến chúng mai một dần đi.

Một ngày cuối đông, một ngày đầu xuân nào đó, tôi muốn nương theo kỷ niệm mà tìm về vài nơi chốn đã có những vấn vương thời mới lớn. Tôi lại muốn tự thân mình tìm kiếm mà không phải tốn một lời hỏi thăm.

Lòng những muốn như thế, nhưng mớ ký ức nghèo nàn còn sót lại không giúp mình định hướng rõ ràng.

Trong cái không gian không se sắt lạnh như những ngày xưa, tôi chạy xe lang thang qua những con đường lạ lẫm. Cũng chỉ là đi thế thôi chớ không có được một định hướng rõ rệt.

Ngược về cây số 3, tôi ao ước biết bao được gặp lại đàn bướm trắng của Rừng-Lao-Xao-cổ-tích! Nhưng rừng xưa đã không còn dấu vết nào nữa mà thay vào đó là những con đường nhựa xẻ ngang xẻ dọc như muốn làm tan nát những kỷ niệm của tôi. Có còn đâu những hàng cây rợp bóng che mát Tình Yêu? Có còn đâu những ngõ nhỏ phủ lấp vàng phai đầy tiếng lao xao của những bước chân chim mọc đôi cánh tình? Có còn đâu bóng tà áo dài học trò xanh nhẹ như da trời? Hương hoa cà phê trắng nuột thơm lừng bát ngát cũng có còn đâu mà quyến rũ đàn bướm nhỏ? Người phụ nữ ngày nào tôi ao ước được bước vào khu rừng thơ mộng ấy cùng đàn bướm trắng bay rợp ngang đầu cũng đã đi đâu mất, để lại mình tôi với nỗi bơ vơ. Có còn đâu những dư hương ngày cũ? Dường như tất cả đã trôi vào dĩ vãng xa xăm và tan biến vào cõi hư không. Tôi dừng xe đứng lại một mình rồi lòng bùi ngùi nhung nhớ xa xôi. Những ngôi nhà hiện đại cùng siêu thị Metro to lớn đang chuẩn bị khai trương đã choán chỗ mất rồi.

Xuôi về hướng biển, đi qua cây số 5 mà trong ký ức cũng có những vườn cà phê rộng bát ngát nhưng giờ không tìm thấy đâu. Lại rẽ phải hướng về làng Hòa Bình một đoạn đường nữa.

Vẫn con dốc dài cho những vòng xe lăn quay, phía bên phải vẫn là rừng cây sao, bên trái vẫn là rừng cây giá tỵ ngày nào. Theo sự phát triển chung, con đường đã mở rộng hơn rất nhiều với dải phân cách trồng cây cảnh cùng hàng cột đèn ở giữa cộng với sự trưởng thành của những khu rừng làm tôi hơi phân vân một chút. Chẳng lẽ sau hơn 40 năm, chúng chỉ lớn thêm được chừng đó thôi sao? Nhưng tôi đã nghĩ được ngay ra rằng đó chỉ là những cánh rừng được trồng thực nghiệm. Trên nguyên tắc phát triển của cây cối, hễ tán lá của cây trải tới đâu thì bộ rễ dưới đất cũng ăn lan theo đến đó. Thứ nhứt là để tạo độ cân bằng bền vững trước những cơn gió mạnh, thứ nhì mới đủ sức hút những chất bổ dưỡng nuôi lớn cho cây.

Nhưng những cây rừng lưu niên ở đây được trồng san sát bảo sao mà chúng không chựng lại khi lớn đến một mức độ nhất định nào đó? Nhìn cánh rừng trước mặt, tôi liên tưởng đến tình cảm, ký ức của con người. Khi bị bó hẹp trong một không gian hạn chế, khi bị những hệ lụy đời thường ràng buộc hoặc thấp thoáng đâu đó sự bội bạc thì làm sao mong có được sự lớn mạnh lực lưỡng?

Qua hết cánh rừng, ngày xưa là một vùng cây cỏ hoang vu thì bây giờ nhà cửa đã mọc lên san sát với những tấm bảng quảng cáo bằng tiếng dân tộc tôi không sao hiểu nổi. Cứ chạy xe từ từ mà ước đoán thôi.

Đến đây, hồ như kỷ niệm đã bắt đầu thể hiện sức mạnh kỳ bí của nó, hướng dẫn tay lái tôi ngoặc trái vào một ngõ rẽ không định trước. Những thay đổi làm cảnh quan khác xưa nhiều quá! Những ngôi nhà mới mọc lên khá nhiều thay thế những vườn cây ăn trái, dù rằng ngờ ngợ trong lòng nhưng tôi cứ đi theo tiếng gọi của trái tim.

Được khoảng chừng 50 mét, tôi nhận ra đó chính là cung đường ngày xưa mình đã thể hiện sự gan dạ tuổi trẻ của mình qua những cuộc đua tốc độ kinh người, nhất là khi đến cái cua quẹo mà thuở thiếu thời với sự suy nghĩ nông cạn hẹp hòi đã ép cho một tay đua khác phải leo lề và gây tai nạn. Cảnh tượng cũ như tái hiện lại trong mắt thì tôi đã chắc chắn trong lòng mình đã không trở lại nhầm đường.

Ngày xưa đó là một con đường dậy hương tuyệt đẹp và phẳng phiu lý tưởng, nhưng bây giờ đã trở nên hư hỏng nhiều và đang bị đào xới ngổn ngang để thảm nhựa lại mặt đường. Những khu vườn với những cây đu đủ phổng phao, những cây xoài với chùm trái trĩu cành lắt lay trong gió đã bị thay thế bằng những ngôi nhà khang trang. Tránh né những ổ gà, đá cuội lổn nhổn, tôi cứ như đi trong một giấc mộng mơ hồ nào đó mà đầu óc không còn chút tỉnh táo.

Ngoặc qua ngoặc lại vài lần đến một ngã ba nhỏ xíu, nó nhỏ quá như một con hẻm nên tôi không lưu tâm đến và đi vượt ngang qua. Khoảng độ 10 mét dường như có một lời kêu gọi mơ hồ nào đó vọng về khiến tôi thắng xe quay lại. Quẹo xuống một con đường nhỏ khá dốc, thốt nhiên hiện ra trước mắt tôi một hồ nước lớn bình lặng trong xanh. Nó không còn bát ngát với những vấn nghi về những cái được che giấu dưới đáy hồ sâu thẳm như trong mắt nhìn của một thằng nhóc mới lớn. Nó cũng chẳng còn những thân cây chết đứng nằm trong lòng hồ với nhiều nguy cơ. Tất cả đã được người ta dọn dẹp sạch sẽ như đã gạt phăng tất cả kỷ niệm thời niên thiếu của tôi.

Dừng xe trên một con đường nhỏ đổ bê tông sơ sài, tôi như nhận diện được một người quen cũ. Xưa kia chỉ là một bờ đất đỏ đơn sơ thâm thấp chặn dòng chảy con suối tạo thành một hồ chứa nước và chỉ chịu sức nặng bé tẹo của những đứa trẻ con rong chơi, bây giờ đã được người ta tu bổ khá vững chải và cao ráo và trở thành con đường dân sinh cho những cư dân mới nhà cửa ngổn ngang chung quanh.


Hồ-Trung-Tâm-Banmêthuột thời mới lớn của tôi đó!

Đứng nhìn mông quạnh một hồi, tôi chợt mỉm cười khi mường tượng lại hình ảnh những thằng nhóc choai choai trong đó có tôi đang đùa giỡn dưới làn nước xanh mát mấy buổi trưa hè và những trò nghịch ngợm kỳ cục nhớ lại quả thật thú vị!

Đi trong sự mông muội của mớ ký ức chập chùng, điều gì đã dẫn tôi về đúng cái nơi mà tôi muốn tới?

Chính là sức mạnh kỳ bí của kỷ niệm đấy!

Buổi chiều trở lại quán cà phê Kơnia ngồi một mình ngắm nhìn phố xá và ghi lại những cảm xúc sáng nay trên mặt sau những tờ hóa đơn. Đó là căn bệnh trầm kha không bỏ được khi ngồi ở quán cà phê, tôi hay nhặt lấy những ý tưởng hoặc những câu thơ bất chợt bay về rồi ghi lại sau những tờ lịch xé.

Gió lạnh về đêm kéo về thổi nghe hun hút bên ngoài khung cửa sổ. Dường như thời tiết đang chuyển mình trở lại đem về cái giá buốt những ngày đầu tháng giêng cho phố núi. Lạ chỗ làm giấc ngủ khó trở về như mong đợi để bù lại những đêm thức trắng.

Sáng hôm sau lại bị lỡ một cái hẹn đã được định trước vào buôn Ko Thung nên tôi lại muốn tìm đến một chốn khác mà trong lòng không vui. Đi lòng vòng qua những con phố nhỏ, hầu như tôi không còn thấy bóng dáng của những phụ nữ người dân tộc mặc những chiếc váy đen mang gùi xuống chợ trao đổi hàng hóa nữa. Gần một ngã tư, tôi nhìn thấy ba cô thiếu nữ dân tộc để những gùi đựng đầy những trái ổi to bên vệ đường chào bán, nhưng họ lại mặc quần tây. Phố Banmêthuột xưa của tôi đâu rồi? Người Banmêthuột xưa đã đi đâu mất hết?

Cho xe chạy chầm chậm theo con đường Hùng Vương bên hông Trường Trung Học Banmêthuột. Thả xuống con dốc dài rồi bứt lên đầu dốc phía bên kia, dừng xe lại lơ ngơ mà không biết phải đi về hướng nào. Giống như một người-quen-nơi-xứ lạ. Con dốc dài lầm bụi đỏ ngày xưa đã biến mất không còn chút tăm tích cùng những ngôi nhà sàn quen thuộc của buôn Kosier. Trước mắt tôi bây giờ toàn là những con đường tráng nhựa với những ngôi nhà tường mới xây của cư dân mới có tiếng nói của những vùng miền xa lạ. Quả tình tôi không rõ đó là sự lấn chiếm hay có yếu tố tiền bạc xen vào.

Những câu nói giả dụ như:

- Nao hiu?

- Nao sang chơ!

không còn được nghe thấy trong những chuyến về phố núi gần đây nữa.

Trên đường vào buôn Kosier, tôi trông thấy một người phụ nữ mang gùi đi chợ về nhưng trang phục trên người là chiếc áo sơ mi đi cùng chiếc quần tây. Thêm nữa, cô ta lại mang găng tay vải và đôi vớ màu da người dưới chân. Tự nhiên đầu óc tôi lại suy nghĩ lan man: Bao nhiêu là lễ hội văn hóa cồng chiêng, trình diễn trang phục các dân tộc Tây Nguyên để giới thiệu với khách nước ngoài một bộ phận dân cư khác người Kinh cùng sinh sống trên một mảnh đất đa sắc tộc, nhưng ngay chính họ đang đánh mất dần bản sắc riêng của mình thì những lời hô hào kia phỏng có ích gì?

Quẹo tới quẹo lui nhiều lần nhưng không thể nào tìm thấy manh mối nơi mình muốn đến. Có một con dốc rất cao phía rìa buôn mà tôi biết chắc sẽ dẫn đến nhà máy thủy điện nhỏ năm xưa rồi đưa đến một nguồn nước hẹp có những người phụ nữ người Thượng hay tới hứng nước vào những trái bầu khô màu đen nhánh, nhưng bây giờ tôi xuôi theo nó thì đã hóa thành một con ngõ cụt. Lần nầy thì sức mạnh kỳ bí của kỷ niệm không giúp ích gì được cho tôi, chắc nó không ưa những sự nặng nề hiện diện trong lòng người. Thua! Đành phải quay lui về phố mà a-lô nhờ sự trợ giúp của một người bạn.

Chúng tôi chạy xe theo một con đường trải nhựa khá xa chắc là đi xuyên qua suốt buôn Kosier rồi ngoặc phải xuống một con dốc đất đỏ ngoằn ngoèo. Xuống hết con dốc thì thấy một mặt hồ xanh loang loáng ánh nắng hiện ra trước mặt. Chúng tôi dừng xe ở một khoảng đất rộng mà ngày xưa các Thầy hay dùng làm chỗ cắm trại cho học sinh của trường vào dịp Tết. Đây là một con đường hoàn toàn mới tôi chưa lần nào có dịp đặt chân tới bởi ngày xưa chỉ là một đám rừng rậm rạp.

Cả hai bước gần xuống mặt con đập chặn nước. Nhìn xuôi theo làn nước bạc đang tung bọt trắng xóa phía dưới xa xa kia, tôi thắc mắc sao không còn thấy chỗ ngày xưa, những thằng nhóc con chúng tôi hay nhảy xuống từ một mạch đá bị cắt lơ lửng thành cái thác mini để vẫy vùng thì anh bạn chỉ xuống phía dưới:

- Thì cứ đứng ở đây nhìn xuống sẽ thấy chớ gì.

Quay lại ký ức của mình sao tôi thấy cảnh quan trước mắt hoàn toàn xa lạ nên không tin vào lời giải thích của người bạn.

Lẽ nào biển cả hóa nương dâu mãnh liệt đến ngần ấy sao? Một mạch đá to lớn làm sao chỉ mấy mươi năm mà đã bị dòng suối bào mòn mất hẳn dấu vết? Lần xuống phía hạ nguồn con suối khoảng 50 mét tôi đã bắt gặp lại “cố nhân”. Tôi không thích nhìn lại nó từ phía xa xa mà kiên quyết phải đến cho thật gần mới thỏa. Đường xưa lối cũ bây giờ đã hoang phế nhiều, cỏ lau đã lấp mất hẳn đường đi vì nơi nầy bây giờ không còn là một thiên đường nhỏ của lớp hậu sinh nên rất khó khăn để tiếp cận. Loay hoay tìm chỗ đặt chân dưới lớp cỏ dầy, tôi trượt một cái ngã lăn cù xuống mép suối. May mà còn chụp lại kịp một đám cỏ ven bờ không thôi đã bị tắm mát ngoài ý muốn rồi.

Khi không, trong tư tưởng tôi nảy sinh một sự ví von: Cái Thác Nhà Đèn nầy giống như một người phụ nữ. Nếu sống cùng hàng ngày như một người vợ, mình sẽ không còn cảm nhận được sự hiện diện đặc biệt của cô ấy bên mình mà chỉ như một sự vật vốn có đã được sắp xếp sẵn. Còn nếu người phụ nữ ấy là một tình nhân thì sự mong nhớ đau đáu cứ thôi thúc trái tim mình cố mà tìm gặp cho bằng được. Thác Nhà Đèn là người vợ của anh bạn tôi, và nó là tình nhân của tôi đấy!

Tôi bỗng nảy ra ý định ghi lại hình ảnh Thác Nhà Đèn hiện tại để khoe với các bạn. Trở về lại phố rồi vội vàng từ giã người bạn dẫn đường, tôi quay lại chỗ nghỉ lôi cái máy ảnh theo. Đến nơi, tôi gởi con chiến mã cho cỏ cây hoa lá trông chừng giùm rồi tuột xuống những con dốc đứng ghi lại hình ảnh chúng. Buổi chiều, những tấm ảnh còn nằm trong máy đã quyến rũ một người bạn khác với sự trầm trồ thán phục vì vẻ đẹp của nó bởi tuy lúc tuổi mới lớn đã từng đến chốn nầy, nhưng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” thôi chớ không tận tường những ngõ ngách như tôi. Chúng tôi quyết định sáng ngày mai sẽ quay trở lại với đầy đủ đồ nghề “xịn” hơn để ghi lại cho được những hình ảnh đẹp. Đột nhiên tôi cảm thấy mình như oai hơn khi được giao cho nhiệm vụ “hướng dẫn viên kỷ niệm”.

Sáng hôm sau, chờ cho nắng đã lên cao để có thể đủ ánh sáng chụp hình những sóng nước tung bọt, tôi đưa người bạn quay lại nơi bờ đập. Chúng tôi chọn vài góc độ thuận tiện để ghi lại vài tấm hình kỷ niệm với con đập.

Bây giờ tôi không hiểu là vì lớp đất đỏ do con suối đưa về bị trầm tích hay do con người đã cải tạo nó mà trên lòng hồ đã xuất hiện vài đám lúa nước khiến mặt hồ mênh mông ngày xưa đã bị nhỏ lại.
Chợt tôi đưa ra một câu hỏi như một câu đố cho người bạn:

- Liệu nhìn cái đập chặn nước bây giờ so với ngày xưa có nhận thấy điều gì khác biệt không?
- Không, vẫn vậy thôi! Có gì khác nhau đâu?
- Thiếu sự quan sát tinh tế rồi, bây giờ có nhiều nước chảy tràn qua hơn ngày xưa. Con kinh đào nhỏ chạy ngoằn ngoèo men theo lối con-đường-tình-ta-đi bây giờ chỉ còn là một con mương nhỏ. Nó không còn được sử dụng dẫn nước xuống làm chạy tua-bin cho máy thủy điện nữa nên hầu như toàn bộ lượng nước của con suối cứ chảy tràn bờ tự nhiên.
- Đúng rồi! Tôi không nhận ra điều nầy. Ngày xưa có thể đi dễ dàng trên đầu bờ đập để qua phía bên kia sườn đồi, nhưng giờ nước chảy nhiều quá nên cứ sờ sợ bị trượt chân chẳng dám đi qua đâu.

Sợ thì cứ việc sợ, nhưng rồi cuối cùng vẫn không sao tránh khỏi sự-trượt-chân. Đôi giày đế mềm không giúp bàn chân bạn tôi bám chặt vào lớp đất đỏ nên phải bị “đo dốc” do tôi ốm yếu quá không thể ngăn được sức-nặng-nghìn-cân đổ xuống khi cả hai cố lần xuống gần mặt nước để chụp ngược lên con đập vì muốn lấy những góc ảnh đẹp. Cũng là một kỷ niệm nhớ hoài cho một chuyến đi đấy!

Người ta bảo không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Trước đây tôi vẫn không tin như thế và đã chống chế rằng con sông còn có nước lớn nước ròng mà! Biết đâu dòng nước cũ sẽ quay trở lại tuy rằng đã bị pha trộn ít nhiều. Nhưng với những con suối chỉ một chiều xuôi chảy thì phép mầu nào có thể khiến dòng nước cũ trở về? Hiện tôi đang đứng trước dòng nước bạc đang ầm ào tung bọt trắng xóa, tâm hồn tôi lại hoàn toàn không tin vào hiện tượng vật lý ấy. Dòng nước cũ đã tái sinh theo luật tuần hoàn của tự nhiên, giờ đây chúng đang quay trở lại đưa tay vẫy gọi tôi trầm mình xuống đùa vui với chúng như ngày nào của hơn bốn mươi năm trước. Trời ơi! Có ai hiểu là tôi những mong như thế lắm nhưng nào có được đâu? Sao mà tôi oán ghét những bận rộn đời thường níu lưng tôi lại, sao mà tôi oán ghét quỹ thời gian chợt ngắn củn cởn không cho phép tôi được thỏa ước nguyện đơn sơ của mình thế? Sao mà tôi chợt đâm ra oán ghét những người đã từng trải qua thời mới lớn như tôi ở chốn nầy lại không có cùng những ao ước như tôi? Tôi không được sinh ra ở đây, nhưng tôi đã lớn lên cùng hương rừng gió núi. Những thâm u huyền bí của núi rừng như ăn sâu vào tâm hồn tôi đã để lại những vết khắc không thể mài mòn bởi thời gian.

Người bạn có ý muốn chứng kiến tận mắt cái nơi mà tuổi mới lớn tôi đã vẫy vùng vì họ chưa hề biết tới. Tôi cho xe chạy men theo con đường mòn nhỏ vào sâu hơn nữa rồi lại gởi cho cây cỏ hoa lá trông chừng giùm. Tay xách nách mang máy ảnh máy quay phim lỉnh kỉnh, tôi đi trước chọn những lối đi chen trong đám cỏ dại tương đối chắc chắn để cả hai lần xuống càng gần càng tốt chốn-linh-thiêng-của-riêng-tôi. Họ đã thực sự kinh ngạc khi đứng kề bên cái vách đá tai mèo dựng đứng ngày xưa tôi đã dùng nó làm con đường trèo lên đầu thác để nhảy xuống trở lại sau khi đã vẫy vùng dưới khoảng nước rộng dưới sâu kia:

- Thấy ghê quá! Thế có bao giờ khi leo lên bị té xuống trở lại không?
- Sao lại không? Mười lần thì cũng bị té xuống hai ba lần.
- Rồi có sao không?
- Nếu có sao thì bây giờ làm sao còn đứng đây mà kể lể về nó nữa?
- Thế mặt nước dưới đó có sâu không?
- Cũng chẳng biết! Nhưng có lần đứng trên đầu ngọn thác nhảy chúi xuống thì…bị đụng đầu xuống đáy.
- Ẩu tả vậy?
- Tuổi trẻ phi thường mà. Đầu cứng như đá nên chẳng hề chi!

Một tiếng "hứ " kèm với cái bĩu môi làm tôi cụt hứng.

Để người bạn đứng dưới bóng cây bên bờ đá, tôi một mình mang theo máy ảnh lần xuống sát mép nước.

Mắt tôi nhìn những bọt nước trắng xóa kế bên lung linh trong ánh nắng. Tai tôi nghe tiếng thác chảy ì ầm. Mũi tôi ngửi được cả mùi của nước chen lẫn với mùi hương kỷ niệm. Làn da tôi được hơi nước mát lạnh vuốt ve. Vốc một bụm nước trong đưa lên nếm thử, tôi cảm nhận được sự ngọt ngào trong miệng. Tôi đã đứng kề bên ngọn thác của ngày xưa nếm trải nó không chỉ bằng ngũ quan thông thường mà còn cộng thêm một giác quan thứ sáu được tôi đặt tên là Tâm Giác. Bởi vì tất cả lòng mình đang trải rộng mà đón nhận những hương vị được dẫn từ ngày xưa về đến hôm nay. Nỗi hạnh phúc được sống với những hoài niệm khi thấy lại con thác đã làm tôi lâng lâng như được quay về những tháng ngày đã quá xa xôi. Mấy mươi năm rồi còn gì? Chẳng bao giờ hình ảnh của nó nhạt nhòa trong tâm trí tôi dù đã trải qua bao nhiêu chặng cay đắng ngọt bùi của đường đời.

Sau khi từ Thác Nhà Đèn về thì đã quá trưa nên phải trả phòng. Tôi gởi đồ lại nhờ cô bé tiếp tân trông chừng giùm rồi lê la tới quán cà phê Suối Xanh trải mình dài trên ghế giết thời gian. Thấy bảng hiệu có chữ Suối những tưởng sẽ được trải qua một buổi trưa mát mẻ, nào dè nóng muốn ná thở luôn. Chán chường, tôi lại chạy xe loanh quanh một chốc rồi sực nhớ còn một nơi có dấu ấn sâu đậm đến tuổi thơ của mình nên quyết định ghé thăm luôn. Lần nầy thì lũ kỷ niệm chắc thấy tội nghiệp nên mạnh dạn dẫn đường và tôi chạy một mạch đến đúng nơi tôi muốn đến: Piscine.

Đứng lơ ngơ nhìn ngắm một hồi, bỗng dưng tôi thấy như thiếu thiếu cái gì. Rồi! Quên máy chụp hình. Quay trở lại chỗ gởi đồ moi nó ra chạy vù xuống trở lại. Lòng chợt bỗng quạnh hiu khi nhìn sự hoang phế phơi bày trước mắt. Họ đã nắn dòng chảy con suối để thực hiện một ý dự án nào đó nhưng không thành. Bây giờ “nó” được cho đi qua song song với piscine phía cửa vào ngày trước. Do không phải mùa mưa nên chỉ chảy róc rách giống như một rảnh thoát nước mà thôi. Nhìn “cố nhân” ngày nào đang phơi mình hoang phế với thời gian, nhìn mấy cây dừa lão đang giương mình khẳng khiu cao ngất lên trời nơi ngày trước là cái nhà tôle của Ông Tỉnh gầy nhom giữ hồ lòng tôi chùng xuống và bùi ngùi biết mấy! Cảnh cũ còn đây mà người xưa đâu tá?

Quay tới quay lui một hồi, tôi thấy có hai con dốc dựng đứng được xây thành bậc cấp hẳn hoi dẫn vào hai ngôi nhà phía trên cao. Tôi biết chắc rằng một trong hai ngôi nhà ấy có nhà của Thầy Quang dạy vẽ của trường Trung Học Banmêthuột nhưng không nhớ rõ ràng lắm, bèn thả bộ thơ thẩn tìm những chú bé gần đó hỏi thăm. Tôi không phải là một đứa học trò kiệt xuất có thể làm rạng danh trường lớp, nhưng dù gì cũng là một đứa học trò khá nổi trội trong môn học của Thầy. Muốn leo lên con dốc để vào nhà thắp một nén nhang tưởng nhớ đến Thầy tôi, nhưng tiếng chuông giáo đường xóm đạo đang gióng giã kêu gọi con chiên trong buổi kinh chiều, mà rồi tôi cũng tự hỏi lòng những người đang còn sống trong ngôi nhà ấy có ai biết tôi và tôi có biết ai không nên ngần ngại quá!

Trời trên rừng rất mau sụp tối, mà trước mắt tôi đang còn một quãng đường xa diệu vợi đang chờ đợi những vòng xe lăn. Dù rằng con trăng mười tám đang sẵn sàng soi sáng bước tôi đi, nhưng e rằng với tuổi đời đang nặng nề chồng chất, tôi không còn đủ tinh tường trong đôi mắt để kịp thời nhận diện những nguy cơ chờ chực trong bóng đêm nên đành thôi vậy. Tôi tự hỏi mình cư xử như vậy có phải là một con người bội bạc tình nghĩa không? Chắc là cũng có một phần.

Bấy nhiêu đó tưởng cũng đủ. Buông tay ra rồi đấy! Thôi chào nhé! Lũ kỷ niệm của tôi. Một phần hồn tôi đã gởi lại nơi đó và mang theo một phần của các bạn đi cùng cho hết cuộc đời nầy. Vậy là hòa nhé!

Nhưng đừng tưởng nói như thế là phủi tay gạt mất ra khỏi cuộc đời nhau. Chúng ta còn nợ nần nhau nhiều lắm đấy!

HÙNG BI
(tháng giêng Nhâm Thìn 2012)

No comments:

Post a Comment

Trăng Không Già..., thơ