24 March 2012

Bút ký viết từ VN

Viết mail hàng ngày, xem thông tin hàng ngày thành thói quen không thể thiếu được đến độ không còn thắc mắc tại sao mọi thứ lại sẵn có và nhanh ngang với tốc độ của … ánh sáng như vậy. Chợt nhớ rằng mình rất ít khi ra bưu điện trừ phi gửi bưu phẩm, chẳng bao giờ đọc báo (thổ tả) trong nước, và cũng chợt nhớ rằng từ lâu, lâu lắm rồi không còn nghe radio nữa. Giờ đây tin tức tràn ngập trên mạng, không có thì giờ để đọc hết. Màn sắt hay màn tre, tường lửa hay tường khói đều trở thành vô dụng trong chính sách hỏa mù, che mắt thiên hạ. Bỗng dưng nhớ lại và thấy thèm những giây phút lén lút nghe tin tức đài BBC hay VOA của thời mà bức màn sắt còn đắc thắng buông xuống, ngăn chận mọi thông tin từ bên kia thế giới tự do khiến cho cả dân tộc bị mù lòa, câm điếc.

Tháng ba năm hai nghìn mười một, nghe BBC tiếng Việt sắp kết thúc chương trình phát thanh sóng ngắn, mặc dù đã không còn nghe chương trình này từ khi có trang mạng bbc.co.uk/vietnamese, tôi vẫn thấy buồn buồn như một điều gì đó thân thiết của cuộc sống mất đi! Lúc đó tôi muốn gửi đến, dù không thành, các anh chị trong chương trình BBC tiếng Việt từ thuở “khai thiên lập địa” đến phút cuối farewell party lời cảm ơn chân thành đã mang lại cho người Việt từ lâu lắm cái thuần khiết của thông tin mà tự thân họ cảm nhận và đối chiếu.

Tôi bắt đầu nghe đài BBC từ năm 1967 lúc còn là học sinh lớp đệ ngũ, trung học đệ nhất cấp. Cơ duyên này chỉ đơn giản là do một người bạn tặng cho bố tôi một chiếc radio 2 bands, hiệu Sanyo. Có lẽ ngày ấy tôi còn trẻ chưa hiểu biết nhiều về thời cuộc nên cũng chẳng mở radio làm gì, có chăng thi thoảng để nghe nhạc, mặc dù luôn ý thức rằng Miền Nam Việt Nam đang có chiến tranh ác liệt. Tôi vẫn tự xem mình là chủ nhân chiếc radio bé nhỏ này vì cả gia đình tôi không ai có nhu cầu nghe radio cả.

Thế rồi cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân bùng nổ. Ban Mê Thuột cũng như hầu hết các tỉnh thành trên toàn cõi Miền Nam chìm trong bom đạn, pháo kích, và biển lửa đang lúc mọi người cúng tổ tiên ông bà. Gia đình tôi bỏ nhà cửa chạy lánh nạn vào trung tâm thị xã vì xung quanh ngoại ô VC đã tràn ngập cả rồi. Tôi cũng bỏ lại tất cả nhưng chiếc radio bé bỏng thì luôn mang kè kè bên mình. Mỗi sáng, chiều, tối đều đặn tôi mở đài BBC nghe tin tức trong khi bom đạn rì rầm ngoài xa hay chát chúa ngay trong trung tâm thị xã. Nhờ thế, tôi biết được khá rõ tình hình chiến sự, những thành phố nào trên toàn cõi Miền Nam bị tấn công, những thành phố nào bị tàn phá và thiệt hại nặng nhất.

Rồi tôi đã thấy thân quen với nhạc hiệu của đài cùng tên các anh chị trong ban Việt ngữ. Ngày đó tôi đã phân biệt giọng đọc của các anh Hữu Đại, Xuân Kỳ, Đỗ Văn, v.v... và sau này là chị Lan Anh, Hồng Liên (không còn nhớ rõ lắm các anh chị xuất hiện trên chương trình vào những thời điểm nào). Không hiểu vì sao tôi lại tin chắc (hay tưởng tượng) rằng các anh chị ấy phát âm đúng giọng Hà Nội, giọng nói và cốt cách mà tôi chỉ được biết qua những nhân vật trong các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn: trầm, ấm, điềm đạm, chuẩn mực chứ không “chua”, trịch thượng hay áp đảo, có khi còn rất “hỗn” là đằng khác như của nhiều người tự nhận là chuẩn, là chính thống của đất Hà Thành hôm nay ...(*)

Sau biến cố Mậu Thân tôi vẫn nghe BBC nhưng không đều đặn lắm vì phải lo học hành cho đến ngày Ban Mê Thuột thất thủ. Lúc đó tôi đang học ở Sài Gòn, cả gia đình tôi bị kẹt ở Ban Mê Thuột nên tôi rất cần thông tin, và có lẽ tin tức khả tín nhất về tình hình chiến sự thì không đâu nhanh và chính xác bằng BBC. Thế là tôi nghe BBC đều đặn hơn.

Thành thật thú nhận rằng tôi “nghiện” BBC rất nặng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi thực sự hiểu được thế nào là “bức màn sắt” nên càng ôm chặt lấy chiếc radio bé bỏng hơn bao giờ hết. Tôi quay lại Ban Mê Thuột với bố mẹ già và ngày ba buổi kín đáo lên gác nghe BBC, volume vặn nhỏ tối đa!

Sau đó tôi bị điều vào vùng kinh tế mới dạy học, cách thị xã Ban Mê Thuột 40 cây số, mãi tận trong rừng. Trong trường mấy chục giáo viên đều đỏ và hồng cả, chỉ mỗi riêng tôi không “giây giưa” tí màu sắc nào của hàng ngũ này. Tất nhiên, là dân miền Nam lại “nghiện” nặng BBC nên tư tưởng không thể nào thông được. Thế nhưng việc nghe BBC đều đặn trong một môi trường như vậy trở nên vô cùng khó khăn và nguy hiểm, trong một ngôi trường mà mọi sinh hoạt không khác một trại bộ đội tí nào. Này nhé, xuất nhập trường đều phải trình báo với tay hiệu trưởng vốn là thương binh bộ đội, cặp mắt lúc nào cũng dò xét. 7 giờ sáng học sinh vào lớp, thế là việc nghe chương trình BBC buổi sáng xem như đi đoong! Buổi tối thì giáo viên bị lùa văn phòng soạn bài bên chiếc đèn dầu hột vịt leo lét, thế là lại vĩnh biệt chương trình BBC buổi chiều lúc 7 giờ hay 7giờ 30 gì đó. Chỉ còn vớt vát chương trình lúc 9 giờ 30 tối, nhưng lại bị phân công gác trường hai đêm một lần, gác theo ca, phòng FULRO đột nhập vào trường … cướp lương thực. Tôi gác “chay”, nghĩa là không bao giờ được phát súng. Vả lại, ai mà giao súng cho một tên không giây tí mảu đỏ nhỉ. Càng tốt! Rất may ca của tôi bắt đầu từ lúc 9 giờ 00 đến 11 giờ. Vì thương con đi dạy học xa trong rừng, lo sợ bị sốt rét nên bố tôi may cho tôi một chiếc áo khoác bằng vải poncho, có một cái túi khá rộng bên trong. Đây là nơi tôi đựng chiếc radio. Cẩn thận cắm dây nối headphones dấu bên trong áo, nhét vào hai tai, kéo fermeture áo đến tận cổ, dựng cổ áo thật cao để giấu hai sợi dây headphones màu trắng ... Thế là an toàn! Công việc còn lại là kéo fermeture áo xuống, lùa tay vào mở đài, dò đài, rồi kéo fermeture lên ... Vì không muốn gián đoạn chương trình một giây phút nào nên tôi luôn mở và dò đài trước đó. Có một chương trình tiếng nước ngoài phát ngay trước BBC tiếng Việt nên tôi dò sẵn và nghe chờ mặc dù chẳng hiểu họ nói gì. Sau này tôi mới biết đó là chương trình BBC tiếng Miến Điện. Tôi quen với ngữ điệu này đến nỗi bây giờ nếu có du khách nào phát âm ngôn ngữ này ở giọng cuối câu thì tôi nhận biết ngay họ là người Miến Điện...! Đứng ở cuối hiên dãy phòng nhà ở giáo viên lợp tranh vách phên tre, tôi chong mắt nhìn vào màn đêm, chiếc áo poncho kín hơi nóng phát khiếp nhưng tôi cố chịu đựng, căng thẳng ngong ngóng chờ nhạc hiệu BBC ...

Một đêm, rất may không phải ca tôi gác, mấy gian nhà tranh phòng học và phòng ở của ban giám hiệu bị phóng hỏa. Mấy chục giáo viên nhốn nháo, náo loạn, còn các giáo viên nữ vừa ôm đồ chạy vừa khóc như ri. Ngay sáng hôm sau hai xe chở đầy công an áo vàng ở thị xã BMT vào điều tra vụ đốt trường. Họ ở lại trường mấy ngày để lùng xục. Nhiều nghi can bên ngoài trường và vùng lân cận bị điệu đến trường để xét hỏi, lấy cung, và bị đánh đập ngay trong phòng học còn lại ... Thấy thật chóng mặt! Tôi rất lo, không biết mình có bị điều tra oan hay không. Nhưng một nỗi lo khác là phần nghe chương trình BBC buổi tối của tôi sẽ bị gián đoạn. Lý do là trước kia mỗi phòng tranh, vách nứa, nền đất có ba giáo viên ở, mỗi người có giang sơn một chiếc giường nhỏ nên tôi rất thoải mái lúc 9 giờ 30 tối. Từ hôm gian nhà ban giám hiệu bị phóng hỏa, mỗi tối lão hiệu phó vác mền qua ngủ nhờ giường tôi. Cái này mới gay go làm sao! Tôi suy nghĩ ghê lắm, cuối cùng quyết định “gác chương trình” một thời gian vì lý do an toàn. Thế nhưng càng đến gần 9 giờ 30 tối “ma lực quyến rũ” khiến tôi phải mặc chiếc áo poncho vào, nai nịt kín đáo và lên giường nằm chờ. Quái quỷ! 9 giờ 25 rồi mà giọng lão hiệu phó nói chuyện vẫn cứ oang oang bên tai, mà lại nói với tôi mới chết chứ. Cuối cùng tôi chợt nghĩ đến cách quay mặt vào vách, giả vờ ngáy ro ro. Thế là lão ta lầm bầm ...”Mới đó đã ngủ!” Tôi kín đáo mở radio. Khốn khổ, chiếc đài cũ quá nên mỗi lần mở máy lại kêu rồ rồ một lát. Tiếng lão hiệu phó lại lầm bầm bên tai, “Tiếng gì rì rầm như tiếng sấm, ... chắc mưa ở đâu đó.” Tôi thấy lạnh cả cột sống! Tôi nhớ đời buổi “nghe lén” hôm ấy. Thế mới biết ăn vụng và nghe lén mới thú vị làm sao!

Sau khi đoàn công an rút đi, tôi thấy nhẹ cả người. Sau đó lại nghe ban giám hiệu rỉ tai nhau: vụ phóng hỏa là do một học sinh lớp bảy người dân tộc Mường chủ ý đốt trường ... Còn tôi dạy thêm vài tháng rồi nhận lệnh tập trung đi lao động cải tạo tư tưởng hơn nửa năm. Sau đó tôi quyết định tự cho mình “mất dạy”, bỏ ra ngoài lao động chân tay kiếm sống nuôi vợ con.

Tôi vẫn nghe BBC ngày ba buổi, thi thoảng bỏ chương trình buổi chiều vì không chuẩn bị kịp và thích nhất chương trình buối tối vì yên tĩnh và chuẩn bị tốt để nghe hơn. Tôi vẫn nhớ những buổi chia tay chương trình BBC của các anh chị thuộc “thế hệ đầu”, tâm sự với thính giả về bước đường phục vụ chương trình, về trường hợp được đài BBC tuyển dụng ở Hà Nội những năm đầu thập niên 1950 ra sao, khi mà người biết ngôn ngữ Anh lúc đó ở Việt Nam còn hiếm lắm. Ngoài các phát thanh viên đa phần là người Bắc, sau này tôi còn nhớ và thích giọng miền Nam tưng tửng của anh Xuân Hồng. Ngoài tin tức chính xác xảy ra bên đây và bên kia mức màn sắt mà tôi nắm được, BBC radio tiếng Việt còn cho độc giả một khối lượng tin tức thời sự và kiến thức cập nhật về mọi khía cạnh của cuộc sống mà không một phương tiện truyền thông nào vốn cực kỳ dồi dào và ra rả bên đây bức màn có thể thay thế được.

Tôi vẫn nghiện bbc.co.uk/vietnamese. Đó là chương trình mà tôi mở ra trước tiên ngay sau khi khởi động máy vi tính. Thế nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được nhạc hiệu - theo điệu Pasodoble thì phải -  và “Đây là đài BBC Luân Đôn” của chương trình phát thanh nhiều năm trước, khi mà trong không khí mùi chiến tranh còn nồng, tiếng đạn pháo kích còn rít lên hay tiếng bom còn rền vọng từ xa, cùng giọng đọc bằng tiếng Việt trầm ấm vẫn phát ra từ chiếc radio đồng hành nhỏ bé và cũ kỹ của tôi.

Phùng-Ngọc Cửu

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...