25 March 2012

Nhân lần thứ 185 ngày Beethoven lìa trần, 26-3-2012

BEETHOVEN TRONG PHIM IMMORTAL BELOVED

TRỌNG ĐẠT

Người ta thường nói ở Beethoven nhạc cổ điển tây phương đã đạt tới mức tột đỉnh của nghệ thuật, Beethoven và Mozart đã được coi là hai nhà soạn nhạc lớn và quan trọng nhất của nền nhạc cổ điển Tây phương. Những tác phẩm lớn của hai nhà thiên tài này không chỉ để giải trí nhưng hơn thế nữa, cho tới ngày nay trên thế giới người ta vẫn coi đó là những công trình văn hóa của nhân loại, vẫn bảo tồn và phát huy.

Ludwig Van Beethoven sinh tại Bonn ngày 17-12-1770, mất 26-3-1827, người Đức gốc Hoà Lan, từ hồi nhỏ đã đánh đàn có tiếng chứng tỏ là người có thiên tài, năm 16 tuổi lên thành Viên Áo quốc (Vienne) theo học Mozart nhưng mẹ bị đau nặng phải trở về. Ông có khiếu về dương cầm, bà mẹ mất, cha rượu chè, từ hồi còn trẻ ông đã phải lo gánh nặng gia đình. Beethoven sau lại lên Viên theo học Haydn, được người ta giới thiệu với các bậc quyền quí rồi chẳng bao lâu ông lập được sự nghiệp vững vàng. Mới đầu là dương cầm thủ điêu luyện, sau mới trở thành nhà soạn nhạc (composer). Thiên tài của ông bắt đầu xuất hiện từ hồi 22 tuổi, tính tình sỗ sàng thô lỗ song vẫn được xã hội kính trọng vì có thiên tài xuất chúng. Năm 1789 Beethoven bị điếc nhẹ đến năm 1816 hoàn toàn điếc, ông sống với đứa cháu ruột Karl, bị ông hành hạ đánh đập cậu ta tự tử nhưng được cứu sống. Karl từ ông, nhà soạn nhạc đau buồn bị bệnh gan mất năm 1827, thọ 57 tuổi.

Mặc dù sống thọ hơn Mozart những 22 tuổi (Mozart mất khi 35 tuổi), nhưng công trình sáng tác của Beethoven nói về mặt số lượng chỉ được vào khoảng một phần ba so với sự nghiệp của Mozart. Về symphony, Bethoven soạn được 9 bản đánh số từ 1 đến 9, bản số 9 được coi như tuyệt diệu và vĩ đại nhất, bản số 6 du dương, nhẹ nhàng, thanh thản cũng rất nổi tiếng. Các cầm tấu khúc dành cho dương cầm gồm năm bản đánh số từ 1 đến 5. Piano concerto số 5 tức Emperor concerto, Cầm tấu khúc Đại Vương được coi là tuyệt vời nhất. Cầm tấu khúc dành cho vĩ cầm được vài bản nói chung không nổi bằng Mozart. Ngoài ra còn một số Sonate, Romance cho dương cầm và overture, (nhạc mở đầu một vở opera), bản Egmont, The Ruines of Athenes… là những overture tuyệt vời nhất. Beethoven ít soạn các vở opéra, nhạc của ông nói chung hơi khó nghe hơn nhạc Mozart nhưng có nhiều bản đặc sắc lạ thường, trong mỗi bản ấy lại có một đoạn tuyệt diệu nhất. Nhìn chung nhạc Beethoven có những điệu, nét khác biệt so với nhạc Mozart, khi trầm khi bổng.

“Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.”

Cuộc đời và sự nghiệp của Beethoven đã được đưa lên màn bạc nhiều lần theo thứ tự thời gian như sau.

1- Eroica, phim Áo quay năm 1949, đạo diễn Walter Kolm-Veltée.

2- The Magnificent Rebel, quay năm 1962 do Walt Disney thực hiện cho truyền hình về cuộc đời Beethoven.

3- Beethoven Lives Upstairs quay năm 1992, dài 52 phút, nghệ thuật dưới trung bình, thực hiện dối trá, chỉ được phần kết thúc trình tấu bản Symphony số 7, movement số 2 êm dịu và du dương tuyệt diệu.

4- Immortal Beloved, quay năm 1994, Bernard Rose đạo diễn và viết truyện. Phim được đề cập trong bài này.

5- Eroica, quay năm 2003, thực hiện cho truyền hình của Anh, tài tử Ian Hart.

6- Phim bộ dành cho truyền hình của Anh về Beethoven năm 2005

7- Copying Beethoven, thực hiện 2006, tài tử Ed Harris vai Beethoven

Immortal Beloved nổi hơn những cuốn phim kể trên. quay năm 1994, Anh - Mỹ hợp tác, dài đúng 2 giờ (121 phút), các tài tử chính Gary Oldman, Jeroen Krabbe, Johanna ter Steege… đạo diễn Bernard Rose. Đây là một siêu phẩm giá trị, thực hiện công phu, ngoại cảnh tráng lệ quay tại các tỉnh Tiệp Khắc Prague, Kromeriz và Zentralfriedhof thuộc thành Vienna Áo quốc trong khoảng từ 23 tháng 5 tới cuối tháng 7 năm 1994. Hình ảnh mầu sắc lộng lẫy, nhạc hay, truyện tình cảm động, bi thiết song hơi khó hiểu vì nó xen lẫn hiện tại và quá khứ.

Beethoven mất năm 1827 để lại bức thư cho “người yêu muôn thuở” “immortal beloved” của ông, để tài sản lại cho nàng với những lời lẽ thật mỹ miều “Thiên thần của ta, em là tất cả”. .my angel, my all, my very self. Nhưng nhà đại tài lãng mạn lại không nói rõ nàng là ai, cho đến nay người ta đã đặt nhiều giả thuyết khác nhau vì ông đã sống chung hoặc gian díu với vài nàng.

Tạp chí U.S.News, số July/24-31 năm 2000, trang 48 có đăng bài Immortal Befuddled, Muôn thuở lộn xộn của Betsy, xin trích một đoạn dưới đây:

“Beethoven chết mê mệt người mà ông gọi là “ Thiên thần của ta, em là tất cả” trong bức thư để lại sau ngày ông vĩnh viễn lìa đời năm 1827 nhưng không lấy được nàng. Các nhà nghiên cứu về cuộc đời của vị thiên tài âm nhạc này đa số cho rằng nàng thiên thần của ông chính là Antonie Brentano, một thiếu phụ duyên dáng có năm đứa con! nàng là vợ của một thương gia ở Frankfurt . Beethoven gặp Antonie tại Vienne vào khoảng 1810 và đã sống với nàng khá lâu. Cuối thập niên 70, sử gia âm nhạc Maynard Solomon đã loại bỏ tất cả các nàng kia, đa số đồng ý Antonie Brentano là nhân vật trong thư cuối cùng của Beethoven, và như vậy nhân vật Johanna trong phim Immortal Beloved cũng bị loại bỏ.”

Phim Immortal Beloved cũng chỉ là một giả thuyết về người yêu muôn thủa của Beethoven

Xin sơ lược truyện phim.

“Thành Viên Áo quốc năm 1827. . người ta làm lễ an táng Beethoven.

Schindler người bạn thân cũng là thư ký của nhà thiên tài tìm thấy bức thư gửi người yêu muôn thủa và chúc thư tài sản nên quyết đi tìm người ấy mặc dù em trai út của Beethoven nằng nặc đòi hưởng tài sản của ông anh .

Schindler đến khách sạn Swan tại Karsbad điều tra sau lại đến lâu đài Vongallenburg tìm tòi, phỏng vấn rồi lại tới Erody State bên Hung Gia Lợi gặp một bà Bá tước, người yêu cũ của Beethoven, bà này cho biết “người yêu muôn thủa” ấy chính là Johanna, em dâu của Beethoven. Schindler bèn tìm đến Johanna tâm sự, nàng kể lại chuyện xưa rồi nhận bức thư, khóc nức nở đi viếng mộ Beethoven….

Beethoven có hai người em trai, thủa nhỏ hay bị cha đánh đập, ông cụ rượu chè say sưa hay đánh đập con cái rất tàn nhẫn. Khi trưởng thành, Beethoven yêu đương gian díu với Johanna, chủ một cơ xưởng làm nệm ghế tại Baden, mối tình tan vỡ, nàng lấy em ông, có một đứa con trai (Karl). Beethoven ghen với em và đem lòng thù hận Johanna, có lần ông về nhà chú em tìm kiếm một giấy tờ thất lạc, hai anh em sô sát, người em bị hộc máu chết vì lao phổi. Theo phán quyết của tòa, Beethoven được giao nuôi đứa cháu khoảng mười tuổi, ông yêu thương và chăm sóc nó rất mực.

Johanna nhớ con, nàng muốn được sống với đứa bé và đã thưa ra tòa. Karl lại muốn ở với bác Beethoven khi được quan tòa hỏi. Johanna thua kiện đau khổ, Beethoven, người yêu cũ nay đã trở thành kẻ thù của Johanna, chỉ muốn nhận nàng ngập chìm trong đau khổ.

Beethoven điếc nặng, ai muốn nói gì phải viết vào giấy. Cháu Karl đã trưởng thành được ông dậy đánh dương cầm. Beethoven ngày càng khó tính, cục cằn đánh đập cháu, cậu này này mê cô ở, Beethoven ngăn cản, ông cho cô ấy nghỉ việc, Karl vẫn theo đuổi cô này. Beethoven giận dữ đi tìm Karl và đánh đập cháu, cậu ta bỏ nhà ra đi rồi dùng súng lục tự tử nhưng không chết. Beethoven tới thăm, Karl viết vào mảnh giấy nói “cháu không bao giờ muốn thấy mặt bác”, từ đấy nhạc sĩ đau khổ, dằn vặt đến năm sau thì mất vì bệnh đau gan.

Cảnh gần cuối phim, Schindler tới thăm Johanna tìm hiểu cuộc tình của nàng với nhà soạn nhạc thiên tài mục đích tìm ra người yêu lý tưởng của ông để trao lại bức thư cho nàng. Johanna kể:

-Mặc dù Beethoven triệt hạ tôi, nhưng tôi không thể nào ghét con người ấy, một nhà thiên tài đã được hâm mộ biết bao, tôi đã tới dự buổi trình diễn bản symphony số 9 lần đầu tiên. Khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, tôi tưởng dó là lần chót tôi còn gặp chàng.

Johanna không thù hận Beethoven vì quí trọng thiên tài của ông, nàng cho biết lần chót gặp Beethoven khi ông cho mời lại để ký giấy trao quyền trông coi Karl, con trai nàng. Johanna nắm tay Beethoven khóc, tóc ông bạc trắng, cả hai cùng ứa lệ, đó là cảnh cảm động nhất trong phim. Johanna xác nhận.

-Tôi đã có lần yêu Beethoven, nhưng ông ấy đã quay lưng đi không coi tôi ra gì cả.

Schindler bèn đưa bức thư cho nàng, nhiệm vụ đã hết, chàng bỏ ra về, Johanna đọc thư khóc nức nở nhớ lại những ngày xa xưa tình tứ thân yêu. Cảnh chót, nàng đến thăm mộ Beethoven trong khi movement (đoạn) số 3 của Cầm tấu khúc dương cầm số 5 tức Cầm tấu khúc Đại Vương, Emperor concerto du dương thánh thót, dạt dào tình cảm vang lên, nó kết thúc cuốn phim một cách tuyệt vời không bút mực nào tả cho siết ”.

Các tác phẩm chính của Beethoven đã được đưa vào phim gồm:

Symphony số 5, For Elise, Symphony số 3 (Eroica), Piano Sonata số 14 (Moon light), Symphony số 6 (Pastoral), Piano Trio số 5, Violin Concerto in D Major, Piano Sonata No 8, (Pathetique), Piano Concerto No 5 (Emperor), Symphony số 7, Violin sonata in A Mjor (Kreutzer sonata), Symphony số 9. Đạo diễn không thể đưa hết toàn bản nhạc vào phim vì giới hạn của thời gian nên chỉ một vài đoạn của các Symphony, Concerto, Sonata..vào mà thôi, những đoạn tiêu biểu hay nhất, nổi nhất được chọn đưa vào.

Immortal Beloved đã làm sống lại cả một thời vàng son, huy hoàng rực rỡ của nền nhạc cổ điển Tây phương tại thành Viên Áo quốc, thủ đô của âm nhạc Âu châu thời ấy. Những lâu đài dinh thự tráng lệ, những khu phố cổ kính, biệt thự sang trọng… khiến cho khán giả tưởng như đang sống lại giữa khung cảnh thành Viên xa xưa với những ông hoàng bà chúa, ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Đạo diễn Bernard Rose đã đưa vào phim nhiều khúc nhạc tuyệt vời của Beethoven nhất là bản symphony số 9, đoạn cuối (movement số 5) qua sự trình diễn của ban nhạc Đại hòa tấu Luân Đôn, London symphony orchestra, một trong những ban nhạc hay nhất của Âu châu hiện nay. Symphony số 9 của Beethoven, một symphony vĩ đại chưa tùng có đã được dư luận chung coi như tột đỉnh của nghệ thuật, trình diễn lần đầu ngày 17 tháng 5 năm 1824 tại nhạc viện Hoàng gia thành Vienne, đây cũng là lần trình diễn cuối cùng của Beethoven, bản symphony này đã đi vào lịch sử.

Mới đầu Beethoven chủ trương movement số 5 không lời, sau ông đổi ý cho rằng nhạc không đủ tả hết ý của mình và đã dùng cả một ban hợp ca để trình diễn, bản nhạc để dâng vua Phổ Frederik Đệ Tam. Đoạn cuối của symphony số 9 này cũng đã được ban Detroit orchestra trình bày trên đài truyền hình P.B.S vào ngày cuối cùng của năm 2000 nhưng không hay bằng do ban London symphony hòa tấu trong phim Immortal Beloved.

Movement số 5 của bản symphony bất hủ này đã được đạo diễn Bernard Rose thực hiện thật công phu tại một nhạc viện cổ kính, lộng lẫy, nguy nga cũng là một cảnh hay nhất trong phim. Bản nhạc du dương đang trổi lên, Beethoven mơ màng nghĩ đến ngày xưa người cha cục cằn say rượu đánh đập tàn nhẫn các em, ông bỏ chạy ra đồng ngâm mình xuống dưới ao hồ nhìn lên bầu trời đầy những vì sao. . Lúc khán giả đứng dậy vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, Beethoven điếc nặng không hay biết gì, trưởng ban nhạc phải kéo ông lại chào khán thính giả.

Johanna đã nói với Schindler:

-Tôi không thể nào ghét con người đã soạn ra được bản nhạc hay như thế!

Nhà đạo diễn đã kết thúc phim bằng movement 3 (đoạn cuối) của Cầm tấu khúc số 5 dành cho dương cầm, một concerto tuyệt vời nhất của Beethoven cũng như của nền nhạc cổ điển Tây phương thật là dạt dào tình cảm. Một chương trình nói về nước Đức của đài P.B.S cũng đã được kết thúc bằng đoạn chót của cầm tấu khúc bất hủ này, có lẽ người ta cho đó là bản hay nhất để tượng trưng cho nước Đức. Cảnh cuối phim khi Johanna đến trước mộ của Beethoven, bản cầm tấu khúc nổi lên du dương thánh thót đã làm tăng giá trị cho đoạn kết thúc bội phần. Phim đã hết nhưng dư âm của những bản Đại hòa tấu, những Cầm tấu khúc dương cầm, vĩ cầm, những Sonata… bất hủ nhất của nền nhạc cổ điển Tây phương vẫn còn vang dội đâu đây.

Bản For Elise và Symphony số 7 movement số 2 êm dịu cũng đã được đưa vào phim nhưng chỉ thoáng hiện trong giây lát, những bản overture, nhạc mở đầu của vở opera đặc sắc của Beethoven như The ruines of Athenes, Leonoren, Egmont . . không thấy trình tấu trong phim, có lẽ nhà đạo diễn đã bỏ bớt đi vì muốn cho ngắn gọn.

Immortal Beloved, một cuốn phim giá trị, dàn cảnh công phu khéo léo, diễn xuất điêu luyện, nhạc hay cảnh đẹp nhưng không thấy được giải thưởng nào

Một truyện tình lãng mạn, cảm động đã làm sống lại cuộc đời tình ái đau khổ, bi ai của một nhà thiên tài lỗi lạc nhưng nhiều bất hạnh. Một truyện tình éo le, bi thảm được lồng trong những khúc nhạc du dương tuyệt vời nhất. Những lâu đài, biệt thự tráng lệ, cổ kính gợi lại cho chúng ta thấy cái “vang bóng một thời” cũng như quá khứ vàng son, huy hoàng rực rỡ của nền nhạc cổ điển Tây phương.

TRỌNG ĐẠT

No comments:

Post a Comment

Người Việt Nam Giầu Tình Cảm

Ở Việt Nam 9 người dân nuôi một công chức. Ở Trung Quốc 170 người dân nuôi một công chức. Ở Nga 200 người dân nuôi một công chức. Ở Mỹ 4...